Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con


Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người 
và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, 
thì cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, 
chũm chọe xoang xoảng... 
Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, 
hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” 
(1Cr 13,1-7).


 Quốc Văn, OP.

Dẫn nhập

Thánh Thần hằng đốt lên ngọn lửa yêu mến trong lòng mỗi chúng ta; yêu mến chính là đích điểm của hành trình thiêng liêng của mỗi người. Hạnh phúc đích thực của con người là cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương, đáp lại tình yêu của Người, ở lại trong Người. Các nhà tu đức coi đây là bước Hiệp Đạo, là đỉnh cao của sự trọn lành. Rabindranath Tagore đã cảm nhận rất tinh tế điều này:
Người đã tặng cho tôi tình Người kỳ tuyệt
Người đong đầy thế gian 
với bao là quà tặng yêu thương…

Người sẽ nhận lại nơi tôi 
một cánh hoa tình yêu  nhỏ bé

khi tim tôi tỉnh giấc lúc bình minh.
Chúng ta chưa cảm nhận được tình yêu siêu việt như thi hào Tagore, nhưng nhu cầu yêu thương trong ta là điều rất thật. L. Tolstoi đã viết quyển tiểu thuyết với tựa đề “Người ta sống bằng gì?” và đây là câu trả lời rốt ráo của ông: “Người ta sống bằng tình yêu.”
Không chỉ trong đời sống tâm lý, tình cảm, nhưng trong đời sống thiêng liêng, tình yêu vẫn là điều cốt yếu làm nên giá trị và ý nghĩa của mọi hành vi nhân linh đến độ nếu thiếu tình yêu tất cả đều trở nên vô ích. Chúng ta cùng đi vào lối ngỏ tình yêu ấy. Tình yêu hay đức mến, là sợi chỉ hồng xuyên suốt nẻo đường đức tin của ta, là nẻo đường nên thánh ngắn nhất, và cũng chính là mối tương quan ngôi vị giữa ta và Thiên Chúa. 
I. Tình yêu: sợi chỉ hồng xuyên suốt nẻo đường đức tin
1. Tình yêu, danh xưng của Thiên Chúa
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu.”[1] Ngay trong Cựu ước, mặc khải này đã được hiển tỏ. Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Môsê biết tình yêu của Người dành cho dân riêng,[2] chính vì yêu thương, mà Chúa đã chọn dân,[3] Chúa đối xử với dân như người chồng đối với vợ,[4]như người cha chạnh lòng thương con cái[5] và nếu như chúng ta có cảm thấy đau khổ, thì không phải như thế mà nói rằng Người chẳng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả.[6]
Một vài trích dẫn như thế, phần nào có thể cho chúng ta thấy danh xưng và tấm lòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu chúng ta đó là điều hiển nhiên rồi. Thánh Gioan nói rất rõ: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).
Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, được Thiên Chúa thôi thúc. Đức Giêsu nói:“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.[7] Người đã đem vào trần gian một thứ lửa đó là lòng mến, là tình yêu. Người đã dùng chính cuộc đời và mạng sống của mình để cho tình yêu đó được lan toả: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”[8] Quả thực, Đức Giêsu đã hy sinh cho đến chết vì một chữ tình đó. Người ta nhìn cái chết của Chúa Giêsu là đau khổ nhưng chúng ta lại thấy chan hòa niềm vui vì đó là cái chết do yêu, khổ do yêu. Một khi ta cảm nhận được tình yêu, dám sống tình yêu như thế, thì chúng ta dù có đau khổ, cũng sẽ cảm được một niềm vui tuyệt diệu, một vẻ đẹp tinh tuyền nguyên khôi:
Người đã thực hiện trăm muôn điều kỳ tuyệt
Người tôi yêu ơi, tuyệt vời thay
Người đã gởi cho tôi ngọn lửa khổ đau này.
Bởi hương trầm tôi sẽ chẳng ngát thơm 
nếu không đốt cháy

và ngọn đèn tôi tối mù nếu không được thắp lên.
Khi trí lòng tôi ngây dại,
cơn u mê này 
phải được xua tan bởi ánh chớp tình Người

và tăm tối phủ đời tôi 
bỗng bùng lên như ngọn đuốc sáng

Khi sấm chớp tự Người đốt sạch cõi u minh.[9]
2. Tình yêu, linh hồn của mọi công việc
Tôi chứng kiến cảnh bác đạp xích lô mồ hôi nhễ nhãi giữa buổi trưa hè; tôi biết bác mệt lắm nhưng vẫn vui vì trong từng giọt mồ hôi ấy là tình yêu bác dành cho gia đình, cho vợ, cho con. Tình yêu như muối làm cho thức ăn đậm đà hương vị, như men làm cho hũ bột được dậy men. Cuộc sống thiếu tình yêu, như thức ăn thiếu muối, nhạt nhẽo, vô vị. Lao đầu vào công việc mà thiếu tình yêu, thì người ta biến thành người máy. Vợ chồng thiếu tình yêu, thì gia đình trở thành hỏa ngục. Đời tu thiếu tình yêu, thì tu viện sẽ trở thành ngục thất, chữ “tù” liền với chữ “tu” một vần! Khi ấy, đời sống chung sẽ ngột ngạt; những giờ kinh nguyện trở thành gánh nặng; công việc chung trở thành việc “cực chẳng đã”... Tình yêu là linh hồn của mọi công việc là vậy.
Thánh Phaolô rất xác tín về vai trò của đức ái trong thư 1Cr 13, chúng ta không cần quảng diễn gì thêm. Chỉ mong rằng những xác tín đó cũng phải là xác tín riêng của mỗi người chúng ta:
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1Cr 13, 4-7).
3. Tình yêu, 
          dấu chỉ khả thị hình ảnh của người môn đệ

Những lời trăn trối cuối cùng của Thầy Giêsu cho các môn đệ, không gì khác hơn là: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 14,35). Yêu thương là dấu chỉ khả thị hình ảnh của người môn đệ. Trong thời đại ngày nay, người môn đệ của Đức Giêsu, ngoài việc được mời gọi làm chứng bằng đức tin, bằng niềm hy vọng, còn phải có khả năng nên chứng tá bằng đức mến. Tình yêu tự nó hiển lộ, và chẳng có ngôn từ nào sâu thẳm cho bằng ngôn ngữ của tình yêu, từ  trái tim đến trái tim. 
Việc làm tự nó có thể lên tiếng. Vì yêu mến các bệnh nhân nhiễm AIDS, và muốn tìm mọi cách để cứu họ, bác sĩ Daniel Zagury, thuộc Viện đại học Pierre & Marie Curie ở Paris, đã đem thuốc chủng AIDS chích vào chính cơ thể mình. Bác sĩ Zagury đã làm thí nghiệm táo bạo này trung tuần tháng 3.1987. Tuy chưa có được kết quả đầy đủ, nhưng cuộc thí nghiệm của bác sĩ Zagury cho thấy rằng, mặc dù loại thuốc chủng mới này không thể ngăn chặn được hội chứng AIDS, hội chứng làm suy giảm và tiêu diệt hệ thống miễn dịch trong cơ thể, nhưng ít ra thuốc chủng này cũng có được hai kết quả khả quan:
- Một: có khả năng gây phản ứng trong cơ thể làm cho cơ thể tạo ra kháng tố chống lại được một vài loại siêu HIV khác nhau.
- Hai: có thể gọi được là an toàn, không gây các tác dụng phụ nguy hiểm nào cho người sử dụng.
Để có được hai kết luận ấy, bác sĩ Zagury đã phải trả giá bằng chính sự liều lĩnh và xả thân của mình. Sức mạnh tình yêu bất chấp cả sự nguy hiểm. Là người môn đệ, chúng ta có dám mạo hiểm làm chứng như thế không?
Trong cuộc sống, nhiều khi có những bóng đen quá lớn che khuất những điều thiện hảo, che khuất ánh sáng ít ỏi cua những chứng tá Tin mừng. Trong tuần báo Công giáo và dân tộc, số 1517, Đức Giám mục Bùi Tuần có đăng bài viết “Anh sáng và bóng tối”. Có bóng tối cá nhân gồm mọi thứ tiêu cực trong mỗi con người; có bóng tối tập thể mang danh truyền thống, ý thức hệ, quan điểm sống, trào lưu xã hội…; có bóng tối cơ chế núp dưới danh nghĩa luật lệ, quyền bính… Những bóng tối ấy không có tình yêu, và rất cần phải được ánh sáng soi rọi. Ánh sáng ấy trước tiên là Chúa Giêsu: Thầy là ánh sáng đến trong thế gian”(Ga 12,46); thứ đến, là chính tình yêu phục vụ của những người môn đệ. Khi sống yêu thương đích thực, gương mặt các môn đệ sẽ trở nên rạng rỡ, phản chiếu ánh sáng thật là Chúa Giêsu. Như vậy, không phải là điều gì khác, mà chính tình yêu làm nên dấu chỉ khả thị hình ảnh của người môn đệ Đức Kitô.
II. Tình yêu: nẻo đường nên thánh ngắn nhất
1. Con đường thơ bé
Trong danh mục các thánh, chúng ta thấy thứ tự được sắp xếp như sau: trước tiên là các thánh Tông đồ, rồi đến các thánh tử đạo, hiển tu, đồng trinh… Dường như con đường nên thánh nào cũng khó, cũng khúc khuỷu, cũng gian nan, cũng dài thăm thẳm. Có con đường tắt nào để nên thánh không? Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã khám phá ra con đường thơ bé, con đường của tình yêu. “Giữa lòng Hội thánh, con xin làm tình yêu.” Con đường này đã được chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II “imprimatur” bằng việc ghi danh chị thánh vào hàng tiến sĩ của Giáo hội. Trong một thế giới đề cao khoa học và lý trí, thì những người quê mùa thất học, chân lấm tay bùn, không có chỗ đứng, và cũng chẳng sao vươn lên để gặp gỡ Thiên Chúa được. Cuộc đời của họ bỏ đi hết sao? May thay, Thiên Chúa lại không mặc khải Nước trời cho những kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.[10] Nẻo đường thơ bé, có thể nói là con đường tắt dẫn họ vào Nước trời.
 Khi chọn cho mình vị trí là trái tim của Thiên Chúa, những người bé mọn đã tháp nhập cuộc đời của họ vào chính nguồn mạch sự sống, nguồn mạch tình yêu. Họ không phải khổ công luyện nhân đức như một thứ “mua thúng bán mẹt,” nhưng tiến thẳng trên đường hoàn trọn, như kẻ liều lĩnh đem cả gia tài “đổ vào cuộc buôn bán lớn,” một vốn trăm lời, và chẳng bao giờ sợ phải hao hụt hay tay trắng về không.[11]    
Chúng ta cũng được mời gọi đi vào con đường thơ bé, con đường của tình yêu, con đường hy vọng; để dẫu vẫn còn gian khó vì phận lữ hành, lòng ta vẫn bật tiếng reo vui:
Thế giới của Người 
đang dệt thành lời thơ trong tâm trí tôi,

và niềm vui của Người
thêm âm điệu vào thơ ấy.
Vì thương yêu,
Người cho tôi hết cả thân mình
và rồi Người thấy trong tôi
trọn vẹn những ngọt ngào mà Người ban tặng.[12]
2. Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế
Có thể nói tất cả các hy tế đều là quà tặng, nhưng nếu quà tặng mà không có tình yêu thì sẽ chẳng còn ý nghĩa gì sẽ trở thành đồ vật đổi chác, hoặc chỉ còn là “ông mất chân giò bà thò chai rượu” mà thôi.
Con người không thể đến với Thiên Chúa bằng mối tương quan đổi chác hay sòng phẳng. Cũng như đứa con hàng ngày chỉ biết đưa cho cha mẹ một số tiền, thế là trọn vẹn trách nhiệm…, nhưng nó không ý thức được chính mình còn đang phải mang ơn cha mẹ: công chín tháng mười ngày cưu mang, công ba năm bế ẵm cho bú mớm, công dưỡng dục hằng ngày, và nhất là bao nhiêu tình yêu cha mẹ đã đổ dồn cho nó. Cũng vậy, tất cả chúng ta đều mắc nợ Thiên Chúa vê sự hiện hữu của mình, nợ Thiên Chúa ân tình Người hằng tuôn đổ tháng năm.
Việc nhận biết Thiên Chúa, nhận ra tình yêu của Người còn quý giá hơn muôn vàn lễ vật bởi vì Thiên Chúa thích lòng nhân chứ không cần lễ tế, thích được còn người nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu. Cũng như cha mẹ sẽ chẳng vui gì khi đứa con vứt cho mấy đồng bạc rồi phủi tay hết trách nhiệm, chẳng để ý quan tâm gì đến cha mẹ mình nữa.
Trong đời sống đức tin, không ít khi chúng ta cũng chẳng khác gì đứa con bất hiếu nọ. Cũng tham dự thánh lễ đều đặn, lo giữ đủ các giờ kinh nguyện, tĩnh tâm mỗi năm trọn đủ số ngày theo Hiến pháp… thế là lương tâm an ổn, và lòng chẳng thấy cần phải khắc khoải kiếm tìm, chẳng cần đặt mối tương giao nào với Chúa, với anh chị em nữa. Chúng ta đã hoàn trọn “lễ tế”, nhưng Chúa còn đòi cả lòng nhân nữa. Lòng nhân đối với Chúa, lòng nhân đối với anh chị em tức là Chúa muốn tấm lòng, muốn trái tim yêu mến của chúng ta.
3. Tình yêu, lời đáp trả trọn vẹn với Thiên Chúa
Khi tìm hiểu những dụ ngôn nói về Nước trời trong Tin mừng theo thánh Matthêu, đặc biệt là dụ ngôn kho báu và ngọc quý[13] chúng ta thấy Nước trời quý giá dường nào và con người một khi đã nhận biết, thì đánh đổi tất cả để có được Nước trời. Tuy nhiên, chúng ta cũng khám phá ra chiều ngược lại, người đi tìm ngọc đẹp đó, không ai khác mà là chính Thiên Chúa và viên ngọc quý là mỗi người chúng ta. Khi tìm được con người, Thiên Chúa đánh đổi tất cả, trút bỏ vinh quang, mang thân tôi lụy… để chiếm cho bằng được viên ngọc quý đó.
Như thế, không chỉ con người đi tìm Thiên Chúa, mà đúng hơn Thiên Chúa đi tìm con người; Thiên Chúa luôn chủ động đi bước trước tìm kiếm và mời gọi con người. Con người chỉ có thể đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng chính tình yêu của mình. Không có tình yêu, mọi lời đáp trả đều là khiên cưỡng. Chỉ có tình yêu mới có thể đáp trả lại tình yêu. Thiên Chúa đã yêu con người, đã say mê con người, đã cất công tìm kiếm con người và đợi chờ con người đáp trả tình yêu ấy.
III. Tình yêu: mối tương quan ngôi vị
1. Tình yêu, lời thì thầm giữa hai chủ thể [14]
Tình yêu luôn luôn phải có hai chiều, phải bình đẳng. Tình yêu không thể là mối tương quan nô lệ chủ – tớ. Tình yêu là lời thì thầm giữa hai chủ thể, hay nói cách khác, đó chính là mối tương quan ngôi vị. [15] Dù là tình yêu giữa con người với con người hay tình yêu giữa con người và Thiên Chúa, thì chỉ trong mối tương quan ngôi vị này tình yêu mới có thể triển nở và trở nên sung mãn. Con người là một hữu thể có ngôi vị; theo ý nghĩa này ngôi vị con người có thể tương quan với ngôi vị Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh đến khía cạnh tương quan nhất là tương quan bản thể và lập hữu nơi Thiên Chúa.[16]
Xét trong mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa, tính cách ngôi vị lại càng trở nên hiện sinh độc đáo và cá vị hơn. Con người hoàn toàn tự do trong các chọn lựa. Con người có thể chọn lựa hay khước từ Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng tự mặc khải mình là Đấng tự do, là Đấng quan tâm đến những ưu tư của con người, và có khả năng đi vào cuộc đối thoại. Thiên Chúa đối thoại với con người bằng ngôn ngữ của con người và qua chính lịch sử cuộc đời của họ và cũng qua cuộc đời ấy, con người diễn tả sự tự do và tình yêu của mình. Chính trên nền tảng tự do này phẩm giá con người được nâng cao, được tự do đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, không phải với tư cách là người nô lệ phải vâng phục nhưng với tư cách là bạn hữu[17] và hơn nữa với tư cách là con, là nghĩa tử.[18] 
2. Tình yêu, lời mời gọi sống tinh thần nghĩa tử
Trong Tin mừng, và đặc biệt trong các thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma và Galát, chúng ta thấy người Kitô hữu được ban ân sủng để vượt qua chế độ lề luật, sống chế độ ân sủng, sống sự tự do hào hùng của con cái Thiên Chúa.
Thật vậy, thánh Phaolô khẳng định: “Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em, vì anh em không còn lệ thuộc vào lề luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng.”[19] Trong chế độ ân sủng, điều cao quý hơn cả là con người được đồng thừa tự với Đức Kitô, được lãnh nhận Thần Khí để trở nên nghĩa tử, trở nên con cái của Thiên Chúa:
  Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Áp-ba, Cha ơi! Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con, thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.[20]
Một khi được lãnh nhận Thần Khí để trở nên con cái Thiên Chúa, chúng ta được tự do. Đó không phải chỉ là thứ tự do đối với tội lỗi nhưng còn là tự do với những ràng buộc của lề luật,[21] tự do với những thế lực trần gian. Khi đặt mình vào mối tương quan này với Thiên Chúa, con người đứng thẳng, không sợ hãi, không sống như tên nô lệ trong nhà chủ nhưng là con cái trong nhà. Lúc này sự sợ hãi được thay thế bằng lòng yêu mến, hình thức sống đạo nệ luật hoặc theo kiểu “vay - trả” được thay thế bằng thái độ sống đức tin trong sự tín thác và đặt mọi mối tương quan trong tình bác ái. Thần Khí sẽ dẫn con người đến những chân trời tự do đích thực[22] và chỉ trong tự do, thứ tự do hào hùng của con cái Chúa, con người mới có thể băng mình lên cao, vượt qua được những rào cản của đầu óc chật hẹp, những thứ luân lý uý kỵ, những kiểu sống đạo luồn lách, tính toán, hay thái độ sợ hãi co cụm… Trong nhà cha, con người tìm lại được vị thế cao trọng của mình, vị thế là con chứ không phải nô lệ:
“Quả thế, thưa anh em, anh em đã được kêu gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau”.[23]
Như vậy, tất cả luật lệ chỉ còn là phương tiện để đạt đến đức ái, mà đức ái trọn hảo là chính Thiên Chúa. Đức ái trở thành đích điểm, và cuộc đời mỗi người chỉ nên trọn khi đạt đến đức ái vẹn toàn.
3. Tình yêu, ngọn lửa hồng rực cháy
 Khi nói tình yêu là ngọn lửa hồng rực cháy, chúng ta có thể liên hệ ít nhất đến ba khía cạnh: thứ nhất - sức mạnh của tình yêu; thứ hai - tình yêu Thiên Chúa không loại trừ tình yêu nhân loại; thứ ba - tình yêu luôn đòi hỏi sự trọn vẹn.
Diễm Ca trình bày cho chúng ta khía cạnh thứ nhất:
Lửa tình là ngọn lửa bùng cháy,
một ngọn lửa thần thiêng.
Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu
sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.[24]
Bằng ngôn ngữ diễn tả tình yêu nam nữ, sách Diễm Ca đã nhận chìm con người vào bể tình yêu vô tận của Thiên Chúa. Trong bể tình ái ấy, con người cảm nghiệm và khao khát Thiên Chúa cách mãnh liệt, một khao khát muốn thuộc trọn về người mình yêu và người yêu thuộc trọn về mình.[25]
Con người khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách. Có người khởi đi từ những nẻo đường trần thế, từ đó khám phá ra Thiên Chúa và yêu mến Người;[26] có người khởi đi từ căn nhà nội tâm, từ đó khám phá Thiên Chúa hiện diện và yêu mến Người.[27] Điểm xuất phát của mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả họ đều gặp nhau ở điểm khám phá ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người, và một khi đã cảm nhận được tình yêu này, con người không thể không đáp trả.
Khía cạnh thứ hai, tình yêu Thiên Chúa không loại trừ tình yêu nhân loại. Thiên Chúa không đặt con người vào sự chọn lựa mang tính loại trừ. Con người vừa yêu Thiên Chúa, đồng thời  phải yêu tha nhân nữa. Tình yêu Chúa như ngọn lửa hồng rực cháy, chúng ta có thể làm cho ngọn lửa ấy cháy lan ra cả một cánh rừng; và dầu có lan rộng tới đâu, ngọn lửa Thiên Chúa cũng không vì thế mà bị lụi tàn hay dập tắt. Do vậy, không thể nói đến tình yêu Thiên Chúa mà không đề cập đến tình yêu đồng loại. Chúng ta chỉ có thể nói được mình yêu Thiên Chúa khi chúng ta biết yêu thương chính mình, yêu thương đồng loại và yêu thương công trình sáng tạo của Người. Thánh Gioan nói: “Ai không yêu thương người anh chị em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy được”.[28] Vì vậy, tìm kiếm và thăng tiến những điều thiện hảo nơi tha nhân và nơi công trình sáng tạo, là trường học dạy ta biết yêu mến Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn vật muôn loài.
Khía cạnh thứ ba, tình yêu luôn đòi hỏi sự trọn vẹn. Thiên Chúa không ghen tỵ với tình yêu con người, nhưng Người luôn mời gọi con người hoàn trọn tình yêu của mình: hãy yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí hồn; đồng thời cũng phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả mọi lề luật của đạo thánh Chúa đều quy về đức ái: “Yêu thương là chu toàn lề luật vậy”.[29]

Kết luận

Chỉ cần một phút dừng chân để chiêm ngắm cuộc sống, chúng ta sẽ khám phá ra muôn điều kỳ diệu; và có lẽ điều kỳ diệu nhất chính là huyền nhiệm tình yêu. Vì yêu, Thiên Chúa sáng tạo thế giới này; vì yêu, chúng ta được hiện hữu; vì yêu, Thiên Chúa đã làm người đã chịu chết nhục nhã để cứu độ chúng ta; vì yêu, con người tiến lại gần nhau, hy sinh cho nhau... Tóm lại, tình yêu là sự sống, là sự sáng tạo, là ý nghĩa của kiếp nhân sinh này. Tình yêu có sức phục sinh con người và cứu độ thế giới.
Thiếu vắng tình yêu, trần gian sẽ là hoả ngục, con người sẽ trở thành lang sói của nhau. Kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, mong sao từng khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc sống sẽ là những khoảnh khắc yêu thương. Giai điệu yêu thương chỉ có được khi từng nốt nhạc yêu thương được tấu lên; mỗi chúng ta phải là một nốt nhạc yêu thương trong bản trường ca cuộc sống mến thương này.[30]
Tôn sư Eckhart, một nhà thần bí Đa Minh nói rằng:
Tình yêu tương tự như lưỡi câu của ngư phủ. Ông ta không thể bắt được cá nếu cá không cắn câu. Ai bị móc vào lưỡi câu ấy thì bị ‘chộp’ nhanh đến nỗi chân tay, miệng lưỡi, mắt mũi, trái tim và tất cả những gì của con người đó đều chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa. Hãy chăm chú nhìn lưỡi câu đó để chúng ta ‘được bắt’ một cách may lành vì càng bị bắt giữ bao nhiêu, các bạn càng được tự do bấy nhiêu.[31]



[1] 1Ga 4,8.
[2] Xc. Xh 34, 4-9.
[3] Xc. Đnl 7, 6-11.
[4] Xc Ed 16, 1-14.
[5] Xc. Hs 11, 1-9.
[6] Xc. Ac 3, 32.
[7] Lc 12, 49.
[8] Ga 15,13.
[9] Lover’s Gift and Crossing, tr. 66-67 (Trích lại trong Lê Quang Phúc,  Rabindranath Tagore, Trực cảm tâm linh, tr.13).
[10] Xc. Lc 10, 21-24.
[11] Đây là kiểu nói ví von của thánh Têrêsa. Thánh nữ cho rằng những nỗ lực sửa mình, tập luyện nhân đức này nọ, chỉ như là buôn thúng bán mẹt; còn nếu biết đặt trọn tình yêu vào Chúa, thì mới là làm ăn lớn, một vốn trăm lời, và được bảo đảm không bao giờ thất bại hay phá sản.
[12] R. Tagore, Gitanjali LXV.
[13] Xc. Mt 13, 44-46.
[14] Xc. Phạm Quốc Văn, OP. Trên đường Emmaus, mục tương quan ngôi vị, tr. 116-122.
[15] “Ngôi vị” là một hạn từ được diễn tả theo lối Kinh viện.  Boèce định nghĩa: “Ngôi vị là bản thể cá thể thuộc bản tính có lý trí” (rationali naturae invidua subtantia). Xc. Nguyễn Trọng Viễn, OP. Gặp gỡ chính Chúa, tr. 155.
[16] Xc. S.T. I, q.29, a.4.
[17]Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).
[18] Chân lý này không phải ai cũng nhận ra. Rất nhiều tín hữu chỉ dừng lại trong mối tương quan sợ hãi; họ không thấy Thiên Chúa là Cha yêu thương, mình là con, mà chỉ sợ Chúa phạt, sợ hoả ngục…
[19] Rm 6,14 tt.                                                 
[20] Gl 4, 6-7.
[21] Xc. Cv 15, 1-31.
[22] Xc. Ga 8, 31-59.
[23] Gl 5,13.
[24] Dc 8, 6b-7a
[25] Nhiều lần sách Diễm Ca đã dùng kiểu nói này để diễn tả công thức giao ước: “Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn”.
[26] Đại diện cho nẻo đường khám phá này là thánh Tôma Aquinô.
[27] Có thể coi đây là con đường của thánh Augustinô, con đường trở về nội tâm của mình.
[28] 1Ga 4,20.
[29] Rm 13,10.
[30] Xc. Phạm Quoc Văn, OP., Cuộc sống tròn đầy, 2003, tr. 160.
[31] M. Walshe Meister Eckhart, vol.1, London, tr. 46-47.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn