Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ


Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. 
Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, 
và Người yêu thương họ đên cùng. 
Nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, 
cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng. 
Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
 (Ga13,1.4-5)

Quốc Văn, OP.

Dẫn nhập
Chúng cùng nhóm lên ngọn lửa phục vụ. Đức Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình và yêu thương họ đến cùng. Khi biết giờ đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha, Người rửa chân cho họ trong bữa Tiệc Ly và ban cho họ giới răn yêu thương.[1] Hành động rửa chân cho các môn đệ của Đức Giêsu đã trở thành một biểu tượng rất đẹp, biểu tượng của tình yêu thương, biểu tượng của lòng khiêm hạ, biểu tượng của sự hy sinh quên mình.
Đức Giêsu đã thể hiện nghĩa cử yêu thương ngay trong lúc có thể nói là bi đát nhất, trong bữa tiệc chia tay, lúc người môn đệ thân tín sắp phản bội thầy, lúc các môn đệ sắp tan tác mỗi người mỗi ngả, lúc Đức Giêsu đang cận kề sự chết. Việc Đức Giêsu làm đã trở nên bài học cho mỗi người chúng ta, Người đã đốt lên ngọn lửa yêu thương phục vụ. Phục vụ là quên mình, phục vụ là lẽ sống, phục vụ là niềm vui, phục vụ là ân cần với cuộc đời, phục vụ là trân trọng con người, phục vụ là nẻo đường mỗi môn sinh của Đức Giêsu được mời gọi để vươn tới.
I. Phục vụ: xác tín đầu tiên và căn bản của người môn đệ
1. Khởi đi từ những lối sống phản chứng
Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một linh đạo về việc phục vụ: “Ai làm đầu thì hầu thiên hạ, ai làm lãnh tụ thì phục vụ anh em.[2] Những ai bước theo Đức Giêsu, đều được mời gọi đi vào “linh đạo phục vụ”đó. Tuy nhiên, không thiếu những môn đệ của Đức Giêsu lại thích đi nẻo đường khác, thay vì phục vụ thì lại muốn được phục vụ; thay vì đáp ứng những nhu cầu của anh chị em, thì lại đòi hỏi người khác cung phụng mình; thay vì trở nên bạn hữu mọi người, thì chỉ chọn lựa một số người giàu có; thay vì dùng vật chất làm phương tiện để phục vụ việc loan báo Tin mừng, thì lại lo xây đắp thành quách để hưởng thụ…
Chúng ta khởi đi từ cái nhìn có vẻ bi quan như thế, để không phải trở thành cụ già ca cẩm, khó tính, xét nét, bất mãn kinh niên, nhưng để nhắc nhở cho chính bản thân về con đường mình đã và đang lựa chọn, để nuôi dưỡng một tinh thần phục vụ vô vị lợi, để hun đúc một tinh thần Tông đồ sẵn sàng xả thân vì tha nhân, để mỗi ngày hình ảnh của người tu sĩ càng trở nên dấu chỉ sống động của một Đức Giêsu đang cần mẫn phục vụ con người và lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa Cha.
Hơn nữa, nêu ra những lối sống phản chứng, để chúng ta ý thức tránh đi vào vết xe đổ của ai đó, và nỗ lực làm cho con người mỗi ngày một thăng tiến hơn, sống xứng với nhân phẩm của mình hơn, xứng đáng là con cái Thiên Chúa hơn.
Chúng ta đang được mời gọi phục vụ trong vai trò ngôn sứ, giảng thuyết, và sống chứng tá. Để sống trọn được ơn gọi của mình, chúng ta hãy học nơi Đức Giêsu: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ”.
2. Nhận diện 
               miếng mồi ngon của lời mời gọi hưởng thụ

Xã hội chúng ta ngày càng văn mình, vật chất ngày càng dồi dào hơn, con người được mời gọi, kích thích hưởng thụ những thành quả của nền văn minh đó. Do vậy, việc chọn lựa và sử dụng tiền bạc, vật chất là thách đố khôn cùng. Sống trong thế giới như thế, nền văn hóa hưởng thụ đang kích thích sự thèm khát của con người, chúng ta khó có thể nói “không”.
Có nhiều người lầm tưởng chiều cao hạnh phúc được đo bằng những hố sâu thèm khát được lấp đầy. Thực ra khát khao chẳng bao giờ được hoàn toàn thỏa mãn. Giáo lý nhà Phật coi đây là căn nguyên của khổ lụy, muốn hạnh phúc phải triệt tiêu mọi tham vọng, phải buông xả. Hạnh phúc không hệ tại ở những gì mình có, cũng không thể đổi chác hay mua bán bằng tiền bạc. Chúng ta có thể trang bị cho mình đầy đủ mọi tiện nghi, nhưng biết đâu tâm hồn vẫn trống vắng, không thể lấy chi để lấp đầy.
Nhiều khi chúng ta rất dễ dàng đồng hóa ham muốn và nhu cầu. Thực ra, hai lãnh vực này có sự khác biệt rõ ràng. Ham muốn của chúng ta có thể vươn đến vô cùng; còn nhu cầu, có lẽ khiêm tốn hơn; nhiều khi người ta bị cuốn hút vào nhu cầu giả tạo hơn là thỏa mãn nhu cầu thực sự của bản thân mình. Trên phương tiện thông tin báo chí, truyền thanh, truyền hình, nhiều sản phẩm được phơi bày kích thích lòng ham muốn của các “thượng đế.” Tất cả đều để phục vụ con người, giúp con người sống tốt hơn, nhưng mặt trái, nó cũng có thể biến con người thành một thứ nô lệ cho hưởng thụ, nô lệ cho một thứ tự do biến chất của mình.
Điều quan trọng chúng ta phải phân định đâu là nhu cầu thực sự cần thiết phải đáp ứng, đâu là nhu cầu giả tạo đang đòi được thỏa mãn cái tôi ích kỷ của mình. Nhiều khi sự thỏa mãn về thể chất lại tỉ lệ nghịch với những sung mãn của tinh thần. Khi mọi nhu cầu của thân xác quá đầy đủ, coi chừng tâm hồn lại bị khoét sâu trong sự trống vắng ý nghĩa sống, trống vắng đời sống tinh thần.
Cuộc đấu tranh bản thân với cơn cám dỗ hưởng thụ thật không đơn giản. “Vũng lầy êm ái” người ta lại cứ thích ngã vào, và càng khó hơn khi hưởng thụ đội lốt tự do, con người tôn thờ thụ tạo lúc nào cũng không hay biết.

3. Lời mời gọi cúi mình rửa chân cho anh chị em
Để có thể trả lời không với lời mời gọi hưởng thụ, chúng ta phải học biết cúi mình rửa chân cho nhau. Rửa chân, hay phục vụ, có thể nói đó là những từ ngữ rất khiêm tốn, rất đẹp diễn tả tính cách của một người môn đệ. Tuy nhiên, trong xã hội chúng ta, ngôn từ nhiều khi bị lạm dụng. Từ ngữ “phục vụ” trở nên phổ biến và được dùng trong nhiều lãnh vực, đặc biệt trong lãnh vực quảng cáo, thương mại, du lịch… Bản chất của việc phục vụ lúc này là một thứ dịch vụ, một sự sòng phẳng “tiền trao cháo múc”, một thứ ngôn ngữ tiếp thị “ngọt đến xương” nhưng chủ yếu nhằm moi hầu bao của những “khách hàng là Thượng Đế”.
Chúng ta được mời gọi phục vụ trong rất nhiều lãnh vực, và dĩ nhiên cái bẫy đã được giăng sẵn ở trên có nguy cơ ngoặm vào chân chúng ta lúc nào mà ta không biết. Vẫn sử dụng ngôn từ là phục vụ, nhưng cung cách lại mang nặng tính “kinh tế thị trường,” vẫn là công việc “rửa chân” nhưng chỉ chọn rửa những “chân vàng, gót ngọc” mà thôi.
Ước mong rằng, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu, khi chúng ta biết chân thành rửa chân cho nhau; rửa chân trong thái độ khiêm tốn, ân cần, hoà nhã; và luôn giữ thái độ trân trọng, nâng niu “bàn chân cuộc đời,” bàn chân ấy không phải chỉ là những “chân vàng, gót ngọc” mà còn là những bàn chần xù xì, thô nhám, và chai xạm nữa.
II. Phục vụ: 
     dấu chỉ sự thăng tiến trong đời sống thiêng liêng
1. Càng phục vụ, càng nên giống Đức Giêsu
Muốn phục vụ người khác, trước tiên chúng ta phải cảm nhận được Thiên Chúa phục vụ chúng ta. Trước khi các Tông đồ được mời gọi phục vụ, các ông phải để cho Chúa rửa chân trước. Chúng ta không quan niệm phục vụ như một chức năng, một công chức, nhưng tất cả phải bắt nguồn từ tình yêu, từ sự phục vụ của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô rất xác tín vào công việc phục vụ của mình:
Vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí. Trái lại chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa, nhưng chúng tôi giãi bày sự thật; và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa… Chúng tôi không rao giảng chính mình, nhưng, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu.[3]
Đức Giêsu đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống cứu độ con người, chứ không phải để được phục vụ;[4] cho nên ai cảm nhận được tình thương, noi gương Người mà phục vụ, kẻ ấy càng trở nên giống Thầy mình hơn. Thánh Phêrô khuyên chúng ta: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa”.[5] Công việc phục vụ của chúng ta muôn màu muôn vẻ. Có điều chúng ta phải phân biệt, đừng đồng hoá mình với sứ vụ, công việc thì vô biên, nhưng chẳng ai có thể cứu độ được cả thế giới!
2. Quảng đại đảm nhiệm công việc của cộng đoàn
Một trong những điều cụ thể nhất trong việc phục vụ, là chúng ta quảng đại đảm nhận những công việc của cộng đoàn. Con người ta dễ có thái độ “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Thánh Augustinô dạy chúng ta:
Đừng ai làm vì tư lợi, nhưng hãy làm mọi việc vì công ích, và làm một cách chăm chỉ và siêng năng nhanh nhẹn hơn khi làm cho riêng mình. Vì đức ái, như đã được viết, “không tìm tư lợi”, phải hiểu là nhân đức ấy đặt công ích trên tư lợi, chứ không phải đặt tư lợi trên công ích.
Vậy, càng lo cho công ích hơn tư lợi bao nhiêu, anh em càng thấy mình tiến bộ về đàng nhân đức ấy bấy nhiêu. Do đó, trong mọi nhu cầu tạm thời, thì đức ái luôn tồn tại phải chiếm ưu thế.[6]
Một trong những khó khăn mà anh chị em trẻ chúng ta đang gặp phải, là rất khó cộng tác với nhau trong sứ vụ. Công việc phục vụ bị phân mảnh, hoặc cá nhân hóa, cộng đoàn mất dần tính cách giảng thuyết. Nên nhớ rằng, việc giảng thuyết của chúng ta mang tính cộng đoàn, chứ không phải tính cá nhân. Chính sự hiện diện, phục vụ, gương sáng của cộng đoàn là một lời giảng thuyết.
3. Phục vụ với trái tim yêu mến
Đức cố Giáo hoàng Gioan XXIII, trong một lần tiếp xúc với giới trẻ thế giới, người đã nhắc nhở: “Bất cứ đi đến nơi đâu, các bạn hãy mang theo trái tim của mình.” Công việc phục vụ của chúng ta chỉ có ý nghĩa và giá trị cứu độ khi chúng ta làm với lòng mến. Không có đức mến, tất cả công việc phục vụ đều trở nên vô ích.[7]
Lòng mến vừa là động lực, vừa là mục đích của mọi công việc. Đứa con vì yêu mến cha mẹ, nên chịu khó lam làm, thức khuya dậy sớm phụ cha mẹ kiếm tiền nuôi dạy các em. Hành động đó của đứa con thật là tuyệt vời, bởi vì nó xuất phát từ tình yêu; khác hẳn với hành động của đứa con cũng quần quật từ sáng đến tối, nhưng lại cố gắng dành dụm để làm của riêng, và chẳng để ý gì đến cha mẹ hay những đứa em nhỏ dại.
Khi yêu thương, người ta có muôn vàn sáng kiến để phục vụ. Khi coi cộng đoàn là chính gia đình của mình, chúng ta sẽ có thái độ sống khác; còn nếu coi cộng đoàn là nơi tạm bợ, chốn ta dừng chân rồi lại lên đường, thì việc phục vụ của chúng ta chẳng thể nào nói được là sáng kiến của tình yêu.
Bên cạnh chúng ta vẫn còn nhiều gương sáng sống động, có gương sáng của bậc vĩ nhân như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta; có gương sáng của những người chị anh/em đang cùng ta chia sẻ cuộc sống, có gương sáng của những người hy sinh phục vụ trong thầm lặng, tất cả những gương sáng ấy như muốn nhắc nhở chúng ta hãy sống tử tế hơn mỗi ngày, biết đón nhận cuộc sống bằng tình yêu, biết đưa tình yêu vào cuộc sống, biết sống để yêu, và biết yêu để sống.
III. Phục vụ: lẽ sống hay khẩu hiệu?
1. Phục vụ: niềm vui của đời dâng hiến
Thời đại chúng ta, thời đại của quảng cáo thông tin, có quá nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ; có những khẩu hiệu chỉ trống rỗng với một mớ ngôn từ hoa mỹ, có những khẩu hiệu trở thành khuôn mẫu bắt buộc, có những khẩu hiệu mê hoặc lòng người. Dần dà, ngôn từ bị giảm thiểu giá trị, bị đặt lại vấn đề. Nhiều tư tưởng rất hay, quyết định rất táo bạo, xác tín rất mạnh mẽ, nhưng nếu chỉ là những dòng chữ chết, thì những điều hay ho ấy nào có ý nghĩa gì.
Trong đời sống dâng hiến của chúng ta, làm sao phải toát lên niềm vui, niềm vui của những con người phục vụ. Một khi xác tín phục vụ là lẽ sống chứ không phải là tấm bình phong che chắn, là tấm áo mặc bên ngoài, thì chúng ta sẽ cảm được phục vụ là niềm vui của đời dâng hiến. Niềm vui đó nhẹ nhàng thanh thoát tựa chúng ta ngắm cảnh thanh bình của một buổi hoàng hôn, như chiêm ngắm những cánh hoa rạo rực muôn màu của buổi bình mình khi sương đêm còn đọng trên búp lá. Niềm vui rất nhẹ, rất tự nhiên, rất an bình. Cũng như ông bố gò lưng đạp xích lô suốt một ngày mỏi mệt, nhưng lòng ông vẫn vui khi quây quần bên vợ con trong bữa cơm chiều thanh đạm, bữa cơm được đổi lấy bằng chính những giọt mồ hôi và nước mắt của ông.
Để cảm nghiệm được cuộc sống, Khang Hy đã phải hoá trang vi hành thì mới thấu đạt được thế thái nhân tình; nếu chúng ta cứ mãi an ổn trong vỏ ốc đời mình, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được những lẽ vui buồn của kiếp nhân sinh, chẳng bao giờ có được niềm vui thực sự vì đã quên mình, chẳng bao giờ có thể làm sáng lên được bóng hình Đức Giêsu vẫn đang yêu thương và phục vụ trần thế.
2. Trách nhiệm với ai khác trong cuộc đời mình
Chúng ta hãy nhìn một người đã có gia đình và con cái. Khi còn độc thân, anh/chị chỉ biết có bản thân mình, thích làm gì thì làm, thích đi đâu thì đi, ăn uống gì mặc thích; thế nhưng khi lập gia đình, trung tâm cuộc đời anh/chị không phải là chính bản thân mình nữa, nhưng là gia đình, là vợ là chồng, là con cái. Làm gì, đi đâu, chị cũng cũng bị cái “trung tâm cuộc sống” ấy chi phối.
Khi tuyên khấn, chúng ta “kết hôn” với Hội dòng. Thế nhưng rất nhiều khi trung tâm cuộc sống của chúng ta không phải là một “gia đình mới,” chúng có thể vẫn là chàng thanh niên hay cô gái ấu trĩ, vẫn nhởn nhơ và vô trách nhiệm với gia đình Hội dòng của mình.
Một trong những nét huấn luyện của Anh Em Đa Minh là tôn trọng sự tự do cá nhân và để cho anh em trưởng thành. Tự do và trưởng thành là một lối mở bát ngát để cho chúng ta thi hành sứ vụ, nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi, có thể gây thương tích cho chính người đang sử dụng dao. Chúng ta có thể trở thành một người rất tự do, rất trách nhiệm với công việc chung, và làm thăng tiến cộng đoàn; nhưng chúng ta cũng có thể trở thành kẻ lạm dụng tự do, thích trốn chạy, và làm trì trệ cộng đoàn. Trong cộng đoàn, có những anh/chị em chỉ hiện diện như cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện; điều này cho thấy có thể cộng đoàn đối với anh/chị em đó chưa phải là chốn an vui; hay chính bản thân anh/chị em đó còn đang phải vất vả giằng co, chọn lựa...
Trách nhiệm với ai khác trong cuộc đời hay là một sự tự do và trưởng thành trong trách nhiệm, là điều mỗi anh chị em chúng ta đang khát vọng và nỗ lực vươn tới.
3. Nhìn lại chính bản thân
Càng văn minh hiện đại, con người càng sống hấp tấp, vội vàng, càng bị kẹt vào cái bẫy thời gian giăng sẵn, kẹt vào những lối nhìn chủ quan và phiến diện. Trong cung cách phục vụ, chúng ta rất cần dừng lại và lắng nghe. Muốn phục vụ tốt, hãy tạm ngừng hết mọi công việc, dừng chân lại để ngắm xem mình đang làm gì? Làm đúng hay làm sai? Làm với mục đích nào? Đây là lúc nới lỏng cái bẫy thời gian vô hồn của mình ra để có một cái nhìn mới mẻ về cung cách phục vụ, về cách sống của chúng ta, về những gì chúng ta còn dính bén và sợ hãi.
Chúng ta được mời gọi phục vụ, nhưng không khéo công việc lại đè bẹp chúng ta do những lối đánh giá con người theo hiệu năng công việc. Con người hôm nay đang mắc phải căn bệnh thời đại, bệnh “sao,” bệnh “thành tích.” Chúng ta hãy nhìn lại cung cách phục vụ của mình xem chúng ta đang làm những công việc ấy vì mục đích gì? Chúng ta làm vì sứ vụ, vì cộng đoàn, hay là vì vòng hào quang của riêng mình? Nếu không khởi đi từ ý hướng tốt, những việc làm tích cực của chúng ta có thể sẽ mất đi ý nghĩa của việc phục vụ đích thực.
Để kiểm điểm điều này, chúng ta hãy chứng kiến cuộc tranh luận giữa cây nến và lẳng hoa được đặt bên bàn thờ. Cây nến bực bội và phàn nàn vì lẳng hoa đã che hết ánh sáng, làm cho sự hiện diện của nến trở nên mờ nhạt, thừa thãi. Còn lẳng hoa thì đau khổ vì cho rằng ai cũng là phục vụ Chúa thôi, nhưng tai sao nến lại thiêu đốt hết cả hoa, làm cho hoa phải ủ rũ héo tàn như thế.
Cả hai đều tự hào vì mình đang làm công việc phục vụ Chúa, nhưng không biết Chúa có vui không khi thấy cả hoa và nến đều mang khuôn mặt rầu rĩ đứng bên cạnh bàn thờ!
Thay lời kết
Thay lời kết, xin được kể hầu anh/chị em câu truyện, trích trong cuốn Let Go of Pear, của tác giả Carlos Valles.
Hôm đó, khi đang đi bách bộ trong một khu rừng, ông tình cờ thấy một con chim đang đậu trên cành, thân nó cứng đờ ra như bị thôi miên, nó muốn bay lên mà bay không nổi, cái mỏ nó run lập cập vào nhau không cách nào hót nổi. Ông lấy làm lạ, tò mò đến quan sát để tìm ra lý do. Thì ra, ở dưới gốc cây, có một con rắn hổ mang đang cất cao cổ, phun khì khì, như toan tính phóng lên. Con rắn biết sức mạnh của nó. Nó có thể đe dọa làm con chim khiếp sợ. Còn con chim thì có cả một bầu trời bao la và đôi cánh mạnh mẽ, nhưng lại không thoát nổi sự sợ hãi đang đe dọa của con rắn.
Thấy cảnh tượng đáng thương và tội nghiệp, ông Carlos ho lên mấy tiếng. Con rắn thấy tiếng động của loài người liền rụt cổ xuống, có vẻ thèm thuồng rồi bò đi. Con chim sực hoàn hồn lại, nó nhận ra một điều mà trong cơn sợ hãi tột cùng nó đã đánh mất. Đó là niềm tin vào chính mình, nhận ra rằng con rắn thì ở đàng xa, mà nó thì có đôi cánh, chỉ cần vỗ cánh bay lên thì con rắn đâu có làm gì được. Tiếng ho, tiếng hắng giọng của ông Carlos đã làm cho con chim tỉnh lại, ý thức về đôi cánh của nó và bầu trời trong xanh. [8]
Anh chị em chúng ta cũng thế, có đủ mọi điều kiện như con chim để bay lên bầu trời cao xanh của sự tự do, thánh thiện, và phục vụ, nhưng tại sao chúng ta vẫn không bay lên được? Chẳng những không bay lên được mà sợ rằng sẽ rơi xuống thảm bại vào miệng con rắn độc đang nằm chờ sẵn ở gốc cây.
Có cánh chưa hẳn đã bay lên được nếu anh còn cứ để ý đến con rắn kia. Phải thành thật, phải khiêm tốn để tìm cho bằng được rắn đang nằm ở đâu: Trong phòng, trong sách vở, trong hình ảnh, trong túi tiền, trong xe cộ, trong địa vị, trong tương quan? Có nhiều loại rắn, nhưng rắn nào cũng làm cho chim sợ mà không bay được.
Tất cả mọi sự dính bén đều trói buộc sự tự do phục vụ của chúng ta. Do đó mà Chúa tuyên bố: “Ai muốn theo thầy hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo.” Đó là cung cách đích thực của người môn đệ Đức Giêsu, người tôi tớ phục vụ anh chị em mình.




[1] Xc. Ga 13, 1-17.
[2] Xc. Mt 23,8-12; Mc 9,35-37
[3] 2Cr 4,1-5
[4] Xc. Mt 20, 28.
[5] 1Pr 4,10.
[6] Tu luật thánh Augustinô, số 5.
[7] Xc. 1Cr 13, 1-7.
[8] Xc. Lm. Trần Cao Tường, Tin vui thời điểm 2000, và Lm. Nguyễn Văn Ngọc, Tài liệu giảng tĩnh tâm , Đan viện Thánh Mẫu Phước Lộc, 2004, tr. 20-22.


Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn