Gia đình trong quan niệm Đông phương

Lý Minh Tuấn

Thiên Chúa là Đấng Siêu hình; Ngài đặt qui luật trong vũ trụ và nhân sinh. Xem ra, ít khi Ngài can thiệp một cách đặc biệt hay bất thường. Ngay trong thời Tân Ước, Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa giáng thế làm người, bất đắc dĩ Ngài mới can thiệp một cách đặc biệt để bày tỏ quyền uy và củng cố niềm tin của những người nghe Ngài rao giảng Tin Mừng, mà người ta thường gọi là phép lạ. Mỗi khi cần phải can thiệp đặc biệt cho những người nghe tin vào quyền bính của Thiên Chúa, Đức Giêsu thường khuyên người ta giữ kín, đừng loan truyền phép lạ ấy. Điều đó chứng tỏ rằng Thiên Chúa vẫn thường chỉ bầy tỏ quyền năng của Ngài trong các qui luật. Những qui luật chi phối vạn vật và nhân sinh của Đấng Tối cao được người Đông Phương gọi là Thiên đạo; người Ấn gọi là Rita.
Kinh Thi của Nho Giáo viết:
Thiên sinh chưng dân,
Hữu vật hữu tắc:
Trời sinh ra mọi người dân,
Có vật là có qui luật.
Từ đó suy ra, khi Thiên Chúa dựng nên gia đình cho con người, Ngài đã biểu lộ tình thương của Ngài trong qui luật; đó là sự gắn kết những thành viên trong gia đình trong tình thương mến lẫn nhau: ông bà, cha mẹ thương mến con cháu; con cháu thương mến ông bà, cha mẹ và anh chị em thương mến nhau.
Gia đình là gì?
Chúng ta hãy xem người Đông Phương quan niệm Gia đình ra sao.
Gia là nhà, là nơi ở; Đình là cái sân.
Tuy nhiên chữ "Gia" không chỉ thị nơi ở vật chất, một kiến trúc hữu hình là một căn nhà lá, nhà gỗ hay nhà gạch. "Gia" chỉ thị một nơi ở có tính trừu tượng, tinh thần, một nơi mang chức năng đùm bọc, bao che, nâng đỡ, săn sóc, yêu thương của một nhóm người có quan hệ huyết tộc, gần gũi, bao gồm: ông bà, cha mẹ và các con cháu. "Đình" chỉ thị một không gian ấm cúng dành cho những con người liên kết với nhau trong tình yêu thương đặc biệt.
Với chữ "Gia" theo nghĩa trừu tượng, tinh thần này, mà những cặp vợ chồng Việt Nam khi trả lời cho khách hỏi về vợ mình hay chồng mình, thì đều nói: "Nhà tôi", "ông nhà tôi", "bà nhà tôi". Nhà tôi không phải là cái nhà tôi đang ở, mà "nhà tôi" là người thân thương, quí mến của tôi:

Thi sĩ Bùi Giáng viết:
Mình ơi, anh gọi là nhà;
Nhà ơi, anh gọi mình là nhà tôi.
Bây giờ cách trở đôi nơi,
Thôi em ở lại, mình dời chân đi.
Thưa rằng ở lại làm gì,
Mình đi thiếp cũng xin đi theo chàng.
Đây là cách xưng hô đặc biệt, dường như chỉ người Việt mới có; người Anh, người Pháp không có. Người chồng gọi vợ là "mình", là "nhà", là "nhà tôi":
Mình ơi, anh gọi là nhà;
Nhà ơi, anh gọi mình là nhà tôi.
Trong khi đó, người chồng tự xưng là "mình" khi nói với vợ:
"Thôi em ở lại, mình dời chân đi."
Đối lại, người vợ cũng gọi chồng là "mình":
"Mình đi thiếp cũng xin đi theo chàng."
Như vậy, vợ chồng gọi nhau là "mình" chỉ thị qui luật "vợ chồng cùng nên một thân thể" trong hôn nhân Công giáo. Vợ chồng gọi nhau là "nhà" chỉ thị vợ chồng cùng gắn kết với nhau trong một không gian đầy tình yêu thương thắm thiết.
Trong khi đó, người Trung Hoa (Quảng Đông) nói với vợ là "Nị" (Nhĩ) và tự xưng hô là "Ngộ" (Ngô hay Ngã). Đối với giới Trung Hoa trí thức, vợ gọi chồng là "Gia", chồng gọi vợ là "Thất" (Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chữu: trang 145). Tuy có chung một gốc văn hóa cổ, nhưng khi tách thành hai khu vực sinh hoạt riêng biệt, thì văn hóa Việt có nét khác hẳn, đầy tính thân thương hơn!
Văn hóa chữ Phúc -
Vì có chung gốc văn hóa cổ, cho nên cả người Việt Nam và người Trung Hoa đều dùng chữ Phúc để nói lên niềm ao ước cho mọi người trong gia đình được may lành, an vui vào mỗi độ Xuân về. Trong dịp cuối năm đón Xuân mới, người ta thường viết chữ Phúc bằng kim nhũ trên giấy đỏ, dán lên cửa ra vào hay ở trong nhà để thể hiện niềm mơ ước một năm mới tốt đẹp.
Phúc là những sự tốt lành đến với gia đình.
Thiên Hồng Phạm Cửu trù trong Kinh Thư của Nho Giáo có nói đến Ngũ phúc. Ngũ phúc là năm điều tốt lành bao gồm:
1. Giàu có (Phú).
2. Yên lành (An ninh).
3. Sống lâu (Thọ).
4. Chuộng đức tốt (du hảo đức).
5. Chết an lành (khảo chung mệnh).
Người xưa chỉ nói chung như vậy, nhưng khi chiết tự chữ Phúc, , chúng ta mới thấy được ý nghĩa sâu xa của nó.
Bên trái chữ Phúc là chữ Kỳ (hoặc bộ Thị).
Kỳ là năng lực Âm (năng lực siêu hình). Khi chuyển thành bộ, bộ Kỳ (hoặc bộ Thị) chỉ thị năng lực siêu hình, kín đáo tác động trên sự vật, trên con người. Năng lực ấy nói lên sự bảo trợ tiềm ẩn của Thần linh (Đấng Tối Cao).
Bên phải chữ Phúc gồm ba chữ: Nhất, khẩu, điền.
Nhất khẩu: một miệng.
Điền: ruộng đất.
Trong chữ Phúc, có hai chữ "nhất khẩu" hàm nghĩa:
Gia đình có cha mẹ và con. Khi người cha nói thì mẹ và con lắng nghe. Khi người mẹ nói thì cha và con cùng lắng nghe xem mẹ nói gì, có ý kiến gì. Khi con nói thì cả cha và mẹ đều lắng nghe xem nguyện vọng của con như thế nào.
Như vậy, hai chữ "nhất khẩu" có nghĩa kín đáo, là không có sự tranh cãi lẫn nhau trong gia đình; mỗi thành viên trong gia đình đều có thể có ý kiến. Khi người này có ý kiến, thì những người khác lắng nghe để tiếp thu sự dạy bảo hay tiếp thu nguyện vọng. Đó là một bí quyết tối quan trọng để có hạnh phúc trong gia đình mà cổ nhân đã cài đặt trong chữ Phúc.
Chữ Điền (ruộng đất) chỉ thị căn bản kinh tế. Gia đình muốn có phúc lành thì ngoài việc yêu thương, lắng nghe, thông cảm lẫn nhau, cũng cần phải chú ý đến việc tạo lập một căn bản kinh tế để nuôi sống phần thân xác.
Tóm lại, để có hạnh phúc, trước hết mọi người trong gia đình cần phải tin vào một năng lực siêu hình thiêng liêng hỗ trợ. Đối với người Công Giáo chúng ta, đó là niềm tin vào sự hiện diện và sự nâng đỡ của Thiên Chúa, được đặt trong ý nghĩa của bộ Kỳ. Nếu gia đình nào không tin vào Đấng Tối Cao và sự bảo trợ của Ngài, sẽ không có hạnh phúc, hoặc có ít nhiều hạnh phúc ngắn hạn, lỏng lẻo và dễ bị tan vỡ, khó lòng đương đầu với những sóng gió của cuộc đời.
Sau đó, mọi thành viên trong gia đình phải lắng nghe lẫn nhau (nhất khẩu) không nên áp đặt, chuyên chế, đến nỗi có thể sinh ra sự cãi cọ náo loạn.
Cuối cùng, mọi thành viên trong gia đình, cha mẹ và con cái, phải cùng nhau xây dựng một căn bản kinh tế vững vàng (Điền) để có thể cùng nhau có cơm ăn, áo mặc, có tài chánh phòng khi đau yếu thất thường.
Chín chữ cao sâu và tám tương quan tốt
Người Việt chúng ta cũng như người Hoa trong hai ngàn năm qua đã chịu ảnh hưởng nhiều của nền đạo đức, luân lý Nho Giáo. Vậy chúng ta hãy xem Nho Giáo nói thế nào về những điều kiện để tạo nên một gia đình hạnh phúc. Mặc dầu con người được Thiên Chúa sáng tạo và đặt trong qui luật yêu thương (Thiên đạo), nhưng con người trong sinh hoạt khi phát triển lý trí thường có những ý riêng; do đó qui luật yêu thương của Thiên Chúa đặt sẵn trong tâm tư con người đã bị phai lạt theo thời gian. Vì thế, các hiền nhân Nho Giáo xưa đã suy tư, cảm nghiệm và chắt lọc để đưa ra một nền đạo lý tạo phúc cho mọi người.
Nhìn đến Nho Giáo, chúng ta hãy xét tới đạo nghĩa tình dành cho gia đình bao gồm: "Chín chữ cao sâu" (Cửu tự cù lao) và "Tám tương quan tốt" (Bát nghĩa).
Kinh Thi nói đến "Cửu tự cù lao" mà thi hào Nguyễn Du đã nhắc đến khi tả Thúy Kiều nhớ đến ơn sâu của cha mẹ nàng:
Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
Chín chữ cao sâu:
Thực ra, "cù lao" có nghĩa là siêng năng khó nhọc; "cửu tự cù lao" là chín nỗi siêng năng khó nhọc của cha mẹ dành cho con cái từ lúc mới sinh đến lúc lớn khôn. Thi hào Nguyễn Du đã thi hóa thành "chín chữ cao sâu", đó là:
1. Sinh: đẻ ra.
2. Cúc: nâng đỡ.
3. Phủ: vuốt ve.
4. Súc: cho bú mớm.
5. Trưởng: nuôi lớn.
6. Dục: dạy dỗ.
7. Cố: trông nom.
8. Phục: xem tính mà dạy.
9. Phúc: gìn giữ, bảo vệ.
Qua chín chữ này, quả thực người xưa đã rất tinh tế và khéo léo, kỹ lưỡng bầy tỏ tình thương đối với con cái; khoa săn sóc ấu nhi, thiếu niên ngày nay không dễ gì hơn được.
Tám tương quan tốt:
Tám tương quan tốt là Bát Nghĩa, những nguyên tắc duy trì các tình cảm tốt đẹp trong tương quan giữa mọi người trong gia đình. Đó là:
1. Phụ từ: cha mẹ phải nhân từ với con cái.
2. Tử hiếu: con cái phải làm vui lòng cha mẹ.
3. Huynh lương: anh chị phải cư xử tử tế với em.
4. Đệ đễ: em phải mến yêu anh chị.
5. Phu nghĩa: chồng phải yêu quí vợ.
6. Phụ thính: vợ phải nghe theo chồng.
7. Trưởng huệ: người trên (ông bà) phải ban ơn cho người dưới.
8. Ấu thuận: người nhỏ (cháu chắt) phải vâng theo người trên.
Bát Nghĩa là những tương quan hai chiều đi với nhau từng cặp một. Nếu chỉ có tương quan một chiều, Bát Nghĩa sẽ bị hỏng mất.
Nghĩa là: có "phụ từ" mới có "tử hiếu" (cha mẹ nhân từ với con cái, thì con cái sẽ làm vui lòng cha mẹ). Hoặc có  "tử hiếu" mới có "phụ từ". Nếu có "phụ từ" mà không có "tử hiếu", hoặc có "tử hiếu" mà không có "phụ từ" thì nghĩa tình giữa cha mẹ và con cái sẽ không thành tựu. Cũng vậy:
Có "huynh lương" mới có "đệ đễ".
Có "phu nghĩa" mới có "phụ thính".
Có "trưởng huệ" mới có "ấu thuận".
Sở dĩ gia đình mất hạnh phúc vì "bát nghĩa" không được thực hiện rốt ráo. Thế mà trong Bát nghĩa này, những vai Phụ (cha và mẹ), Huynh (anh và chị), Phu (chồng), Trưởng (ông bà), là những vai xướng xuất. Nếu không có xướng xuất tốt thì Bát nghĩa không thể thành tựu được.
Những tương quan trên gọi là Lễ. Lễ là những khuôn mẫu tốt đẹp trong cõi nhân sinh.
Tóm lại, trong quan niệm Đông Phương, những chữ Gia đình, chữ Phúc, Cửu tự cù lao, Bát nghĩa bao hàm các ý nghĩa tốt đẹp, sâu sắc đó được người xưa gọi chung là Thiên đạo trong xã hội loài người. Thiên đạo được ban ra từ Trời. Chu Hy, một Nho gia đời Tống viết: "Minh đạo chi bản nguyên xuất ư Thiên: Nguồn gốc đạo sáng xuất phát ở Trời" (Trung Dung). Đứng trong quan điểm Công Giáo mà nói thì Thiên Chúa đã biểu lộ tình thương của Ngài trong thể chế gia đình mà người xưa đã cảm nghiệm được.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn