Mục vụ hôn nhân và gia đình ngày nay, thách đố và hướng đi ?


Hơn bao giờ hết, 
các gia đình ngày nay phải đối diện với quá nhiều vấn đề mới. Thực tế này có thể tạo ra các phản ứng khác nhau
nơi các gia đình Kitô hữu:
buông theo xu hướng chung xã hội?
Co cụm và lên án?
Hoang mang không biết lấy chuẩn mực nào để soi sáng?
Lm. Giuse Lê Hoàng Thụy, OP.

Dẫn nhập
Hôn nhân và gia đình trước hết là một ơn gọi. Qua việc phối hợp trong tình yêu, hai vợ chồng được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa (x.St 1,26-28), một Thiên Chúa yêu thương và luôn trung tín (x. Hs 2,21).
Tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại.
Chúa Giêsu chỉ sống trên trần gian khoảng ba mươi ba năm, nhưng đã dành ba mươi năm sống trong gia đình Nadarét. Điều đó cho thấy hôn nhân và gia đình có một tầm mức quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. 
Nơi Chúa Giêsu, các đôi vợ chồng nhận ra Thiên Chúa là Đấng đã khởi xướng, cũng như luôn đồng hành và làm cho hôn nhân và gia đình trở thành con đường hạnh phúc, dẫn con người đến sự hiệp thông với nhau và hiệp thông với Thiên Chúa tình yêu.
Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó” (St2,18). Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Ngài lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi... Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể” (St 2, 23-24).
Như vậy, nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Ngài là Đấng tác tạo hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi hôn nhân vào trong bản tính của con người khi tạo dựng nên họ có nam có nữ .
Ý thức về nguồn gốc và sự thánh thiện của hôn nhân và gia đình, trong lãnh vực mục vụ, Hội thánh hướng về gia đình như đối tượng của việc Phúc âm hóa và giáo lý. Đàng khác, Hội thánh cũng khuyến khích các gia đình chủ động trong vai trò chủ thể, làm chứng nhân Tin mừng trong bối cảnh biến chuyển không ngừng của xã hội. Nói khác đi, việc mục vụ hôn nhân và gia đình nhắm hỗ trợ anh chị em Kitô hữu giáo dân, giúp họ thấm nhuần Tin mừng, giáo huấn của Hội thánh trong lãnh vực này. Đó là cơ sở vững chắc để họ cũng có khả năng làm chứng cho Chúa trong khung cảnh gia đình và xã hội.
Về phương diện thực hành, liệu các gia đình đã chuẩn bị hoặc được chuẩn bị đầy đủ về giáo lý? Gia đình ngày nay phải đối diện với những trở ngại nào? Và đâu là hướng đi của Hội thánh trong việc đồng hành với các gia đình hôm nay?
Trước hết, chúng ta cùng điểm qua một số trở ngại tiêu biểu trong đời sống hôn nhân gia đình, và sau đó cố gắng tìm ra một hướng đi khả dĩ giúp thăng tiến các gia đình hôm nay.
   I. Nhận diện những khó khăn
Nhìn chung, những khó khăn chính yếu gia đình phải đối diện ngày nay là vấn đề liên quan đến phẩm giá và sự sống của con người. Do tác động của nhiều yếu tố như khoa học kỹ thuật, phương tiện truyền thông, cuộc sống dịch chuyển vì công ăn việc làm, quan niệm sống phóng khoáng, … gia đình truyền thống dần đánh mất tầm ảnh hưởng. Thay vào đó, những lối sống mới hình thành, làm cho nền tảng gia đình thành mong manh, dễ vỡ. Sự đổ vỡ đó trước hết xảy trong chính các gia đình.

1. Trong chính gia đình
Gia đình, theo cách hiểu thông thường, là một đơn vị xã hội được hình thành trên cơ sở sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Sự kết hợp này giả thiết hai người thoả mãn các chuẩn mực xã hội hay tôn giáo (giới tính, tuổi tác, sự trao hiến, chung thuỷ,…).
Ngày nay, một số người muốn định nghĩa lại khái niệm hôn nhân gia đình khi chủ trương “những mẫu gia đình mới”, chẳng hạn :
 - “Gia đình” chỉ có cha hoặc mẹ (đơn thân);
 - “Gia đình”, trong đó hai người phối ngẫu cùng giới tính (hai người nam hoặc hai người nữ);
 - Sống chung không cần khế ước.
Theo các chủ trương trên, người ta cho rằng:
Các cá nhân có thể “lập gia đình” trong những cách thế khác nhau : bất cứ hình thức “sống chung” nào cũng có thể xem như gia đình, quan trọng là tình yêu - người ta nhấn mạnh – là muốn điều tốt đẹp cho nhau. Theo chiều hướng đó, gia đình không bị chối bỏ, nhưng bị đặt bên cạnh những lối sống mới và những kinh nghiệm quan hệ mà bên ngoài xem ra tương hợp với gia đình, trái lại, trong thực tế lại làm rối gia đình.[1]
Những mẫu gia đình mới này không những làm đảo lộn khái niệm về gia đình, chức năng của giới tính, mà sâu xa, còn xóa mờ ý nghĩa và giá trị độc đáo của con người trong dự định của Thiên Chúa, đồng thời để lại những hậu quả đáng tiếc cho xã hội, xã hội, các đặc biệt là cho trẻ em.
 2. Ảnh hưởng của tục hoá
Nếu gia đình là một tế bào trong xã hội, thì những gì đang tác động đến xã hội cũng tác động sâu rộng đến từng gia đình.
Trong quá khứ, gia đình có những quy chuẩn xã hội, văn hóa, đạo đức để quy chiếu và hành động. Chẳng hạn, giá trị gia đình bao trùm cá nhân, trọng danh dự, coi trọng tình nghĩa, kính trên nhường dưới, gắn kết bền lâu trong các mối tương quan vợ với chồng, con cái với cha mẹ,[2]... Bên cạnh đó, tôn giáo, cách riêng Kitô giáo, cũng đóng một vai trò quan trọng và tích cực vào việc xây dựng một gia đình bền vững nhờ các chuẩn mực dựa trên mạc khải Kinh thánh: tính duy nhất, bất khả phân ly, tôn trọng sự sống.
Ngày nay, những biến đổi trong quan niệm của một số chủ thuyết triết học và nhân học đang gây ra những tác động mạnh mẽ trên cơ cấu gia đình. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiêu thụ, quan niệm sai lạc về tự do… vốn chỉ ảnh hưởng ở Tây phương. Giờ đây, thời của công nghệ kỹ thuật số, những lối suy nghĩ đó cũng đang lan rộng và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi nơi và mọi đối tượng.
Tiến trình, trong đó con người thoát ly khỏi những chuẩn mực tôn giáo, đồng thời suy nghĩ và hành động theo các tiêu chuẩn, quan điểm của thế tục, được gọi là tiến trình thế tục hoá. Hiện tượng thế tục hoá đương nhiên cũng tác động đến cơ cấu gia đình. Hệ quả là, sự tồn tại của những mẫu gia đình mới đã đặt ra nhiều vấn nạn mới.
Khi con người không còn một qui chiếu nào về Thiên Chúa và mọi ý tưởng của việc sáng tạo, đồng thời tuyên bố hoàn toàn độc lập với “bản chất” của mình, thì xã hội chúng ta không những vi phạm một sai lầm hệ trọng trong việc phán đoán, mà còn lao mình vào một tiến trình phi nhân bản.[3]
3. Khó khăn mang tính cơ cấu xã hội
Tại nhiều quốc gia Âu-Mỹ, ý muốn độc lập của con người được thể hiện qua những khoản luật của quốc gia, qua đó hợp thức hoá những hành động chống lại bản chất của đời sống gia đình cũng như sự sống. Chẳng hạn, luật phá thai, trợ tử, truyền sinh với sự can thiệp của y khoa, xử dụng phôi thai trong những thử nghiệm khoa học, công nhận hôn nhân đồng giới,…
Những hành động nêu trên được luật pháp chuẩn hóa, bề ngoài ra như đề cao quyền sự tự do, tự quyết của con người. Nhưng thực chất, chúng đặt ra những vấn nạn chất vấn lương tâm con người về phẩm giá cũng như chính sự sống. Chưa nói đến mạc khải Kinh Thánh hay giáo huấn của Hội thánh, tuyên ngôn quốc tế về quyền con người đòi buộc người ta phải kính trọng sự sống con người cách vô điều kiện.
4. Những bức tranh về đời sống hôn nhân & gia đình hôm nay
Do những biến chuyển chúng ta vừa sơ lược, đời sống gia đình đối diện với những đổi thay đáng lo ngại, làm cho liên kết gia đình trở thành mong manh, dễ vỡ:
Sống chung không có cam kết
Con số những bạn trẻ chung sống trước khi cưới nhau ngày càng gia tăng và thời gian chung sống kéo dài trong nhiều năm. Thực tế còn phức tạp hơn nhiều, vì ngày nay khái niệm sống chung không chỉ diễn ra với những người khác giới, khác phái tính mà còn với cả những người đồng giới nữa.
Khi những người trong cuộc nhận hiểu việc sống chung đó có lợi cho đôi bên, được luật pháp công nhận hoặc không can thiệp, thì lối sống “góp gạo thổi cơm chung” không còn bị ràng buộc bởi khía cạnh luân lý nữa. Hậu quả của lối gắn kết tạm bợ này là số trẻ em sinh ra bên ngoài hôn nhân gia tăng, cũng như số vụ phá thai tăng mạnh. Bên cạnh đó, những trẻ em được nhận nuôi dưới mái nhà của những cặp đồng tính sống chung, cũng gặp nhiều khó khăn về nhiều phương diện.
Gia đình đổ vỡ
 Trong nhiều trường hợp không thể hòa giải xung đột gia đình, xã hội ủng hộ việc ly thân hoặc ly dị, coi đó như một giải pháp kiến hiệu giải quyết những khó khăn của đời sống lứa đôi. Người ta thống kê số vụ ly thân thường xảy ra trong giai đoạn 5 năm đầu đời sống gia đình; còn các vụ ly hôn có thể diễn ra ở bất cứ gia đoạn nào của đời sống gia đình.
Dù ly thân hay ly dị, gia đình tan vỡ cũng để lại những tác hại trên con cái, nhất là trong khía định hình nhân cách và hội nhập xã hội của các em.
Can thiệp vào sự sống
Với những phát triển vượt bậc của y học, vấn đề sự sống ngày nay cũng được can thiệp cách dễ dàng và, trong nhiều trường hợp là thô bạo. Người ta có thể chủ động tác động đến sự sống trong bất kỳ giai đoạn nào trong tiến trình sự sống, từ lúc khởi đầu cho đến lúc già nua. Chẳng hạn như:
Giải pháp an toàn (?)
Tại nhiều quốc gia, thuốc ngừa thai khẩn cấp là loại thuốc người ta dễ dàng mua và xử dụng, dù là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Những người chống lại việc thụ thai ngoài ý muốn lập luận rằng, thuốc viên ngừa thai và ngừa thai khẩn cấp là phương sách hữu hiệu nhất chống lại việc phá thai. Thực tế không như thế, vì bên cạnh việc quảng bá rầm rộ những phương pháp chống thụ thai, thống kê những vụ phá thai trên thế giới vẫn không hề giảm sút.[4]
Những chương trình “giáo dục giới tính” được phổ cập ở các trường phổ thông thường chỉ nhấn mạnh đến việc hướng dẫn học sinh biết sử dụng các phương pháp chống thụ thai, cũng như chỉ chú trọng đến khía cạnh thoả mãn tính dục mà “không sợ nguy hiểm”. Giải pháp này vô tình đã cổ võ cho lối sống dễ dãi trong quan niệm về tính dục cũng như gia đình.[5]

Truyền sinh nhân tạo
Lãnh vực truyền sinh nhân tạo ngày nay được coi như một dịch vụ dễ tiếp cận và thị trường rộng mở. Với sự tiến bộ của y học trong lãnh vực này, người ta dễ dàng đáp ứng những nguyện vọng của thân chủ, bằng cách cho thụ tinh nhân tạo. Những phôi thai được bảo quản bằng cách đông lạnh, sử dụng dần cho những lần cấy tiếp theo. Người có nhu cầu thực hiện thủ thuật này, phải trả chi phí cao cho mỗi lần thụ thai và bảo quản phôi thai của mình. Trong nhiều trường hợp, những phôi thai dự phòng ấy sẽ bị hủy, hoặc các nhà khoa học lại dùng vào mục đích nghiên cứu.
Phá thai
Trong hầu hết các quốc gia cho phép phá thai, luật pháp qui định thai trước 12 tuần tuổi được phép loại bỏ, chỉ cần người mẹ bày tỏ ý muốn là được. Còn trong khá nhiều cơ sở y tế tư nhân, người ta có thể yêu cầu bác sĩ can thiệp, loại bỏ thai nhi kể cả khi đã thành hình con người hoàn chỉnh.
Việc phá thai có rất nhiều nguyên nhân: ngoài ý muốn, kinh tế, ưu sinh… Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán, chỉ cần một vài nghi ngờ về các căn bệnh thai nhi mắc phải, người ta cũng có thể loại bỏ sự sống. Cũng phải kể đến sự chọn lựa con cái theo giới tính trong một số nền văn hóa, cũng là nguyên nhân dẫn đến các ca phá thai.[6]
Chết êm dịu
Tại một số quốc gia (Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, …), việc đáp ứng mong muốn của người già hoặc bệnh nhân muốn chấm dứt sự sống tự nhiên được coi là hợp pháp. Tiến trình chấm dứt sự sống này được gọi bằng các thuật ngữ khác nhau như chết êm dịu, an tử, trợ tử. Theo đó, những người lớn tuổi, người mắc bệnh nan y không thể chữa trị có quyền yêu cầu chấm dứt sự sống của mình thông qua sự hỗ trợ của y khoa. Thực ra, vấn đề này đang còn gây rất nhiều tranh cãi, cả về phương diện từ ngữ lẫn phương diện lương tâm của người thầy thuốc và luân lý.[7]
Những người theo quan điểm ủng hộ quyền được chết êm dịu nại đến các lý do như quyền tự quyết của cá nhân, vì lòng nhân đạo. Khi ai đó thấy sống trong tuổi già là cuộc sống vô nghĩa, hoặc ai đó sống vật vã trong đau đớn vì bệnh nan y, họ có quyền tự quyết về cuộc sống của mình. Và việc y khoa hỗ trợ để chấm dứt sự đau đớn, bế tắc cho những người này được xem là việc nhân đạo.
Trong khi đó, những người chống lại quyền được chết êm dịu đặt vất đề: Ai là người chịu trách nhiệm về cái chết êm dịu? Và ai là người sẽ thực hiện việc hỗ trợ này? Liệu quyền tự do của con người có giới hạn? Con người có thể thay thế Thiên Chúa để định đoạt mạng sống của tha nhân hay của chính mình không?[8]

II. Hướng đi nào của Hội thánh trong hoàn cảnh mới?
 Trước nay, việc mục vụ hôn nhân gia đình thường gói gọn trong việc dạy giáo lý và khảo kinh. Trang bị một số kiến thức giáo lý liên quan đến ơn gọi sống đời gia đình, một số kỹ năng làm vợ làm chồng và cử hành bí tích hôn phối là hoàn tất mọi việc.
Ngày nay đã có sự biến chuyển tích cực cả về phương diện từ ngữ lẫn thực hành. Việc mục vụ trong lãnh vực này được tách ra làm hai phần: hôn nhân và gia đình. Theo đó, việc chăm sóc mục vụ được xem là một tiến trình kéo dài, bao gồm trang bị kiến thức giáo lý cho các tín hữu chuẩn bị kết hôn, và đồng hành với họ trong các giai đoạn của đời sống gia đình. Đây là sứ vụ chung của toàn thể Hội thánh, các vị mục tử cùng với sự cộng tác của anh chị em Kitô hữu giáo dân, và của chính các gia đình.
1. Can đảm đối diện với thực tại
Hơn bao giờ hết, các gia đình ngày nay phải đối diện với quá nhiều vấn đề mới. Thực tế này có thể tạo ra các phản ứng khác nhau nơi các gia đình Kitô hữu: buông theo xu hướng chung xã hội? Co cụm và lên án? Hoang mang không biết lấy chuẩn mực nào để soi sáng?
Chúng ta có thể thấy thực tế đó qua lời trấn an và khích lệ của Đức thánh cha Phanxicô dành cho anh chị em tín hữu cũng như các vị mục tử:
Là Kitô hữu, chúng ta không được phép ngừng bảo vệ hôn nhân chỉ để tránh lội ngược dòng cảm thức của người đương thời, hay chỉ vì muốn hợp thời, hoặc vì mặc cảm bất lực trước tình trạng suy thoái đạo đức và nhân bản… Thực là vô nghĩa việc duy chỉ ngồi nguyền rủa bóng tối sự dữ của thời đại, cơ hồ làm như vậy thì sẽ thay đổi được mọi sự. Cũng không ích gì việc cố dùn quyền để áp đặt các qui tắc. Điều chúng ta cần là một nỗ lực với sự quảng đại và trách nhiệm nhiều hơn để trình bày các lý do và động cơ cho việc chọn lựa hôn nhân và gia đình. Và bằng cách này giúp người ta đáp trả tốt hơn hồng ân mà Thiên Chúa ban cho họ.[9]
2.  Chương trình mục vụ toàn diện
Hai thượng hội đồng Giám mục ngoại thường và thường niên bàn về gia đình gần đây, cũng như Tông huấn hậu Thượng hội đồng ấy đã phát đi những tín hiệu tích cực, cho thấy mối bận tâm của Hội thánh dành cho gia đình. Hội thánh phác thảo một chương trình mục vụ toàn diện về trách nhiệm, toàn diện về đạo lý và đường hướng.
Trách nhiệm
Sứ vụ mục vụ hôn nhân và gia đình liên hệ đến mọi thành phần trong Hội thánh, tuỳ theo ơn gọi và khả năng Chúa ban:
-      Đối với các vị mục tử
Chu toàn tốt vai trò giáo dục đức tin và đồng hành với gia đình qua từng giai đoạn cụ thể, kể cả việc khơi dậy cảm thức đức tin[10] để gia đình biết phân định, chọn lựa các giá trị của Tin mừng. Cần thi hành việc mục vụ hôn nhân và gia đình với lòng kiên nhẫn, và nhất là thực thi đức bác ái mục tử, kể cả với các gia đình đang gặp khủng hoảng. Bên cạnh đó, việc tổ chức các khoá chuẩn bị hôn nhân có chất lượng luôn là nền tảng của việc mục vụ gia đình.
-      Với các cộng tác viên tu sĩ nam nữ và giáo dân
Mục vụ hôn nhân và gia đình là sứ mạng chung của Hội thánh. Vì thế, để đạt được những kết quả tốt, sự dấn thân của các cộng tác viên mục vụ trong các lãnh vực huấn giáo, tư vấn tâm lý, chuyên viên xã hội, … là rất cần thiết. Các tu sĩ nam nữ và anh chị em tín hữu, trong vai trò những chuyên viên đa nghành, sẽ góp phần soi sáng các gia đình tháo gỡ những khó khăn mà bình thường họ không thể vượt qua.
-      Với chính các gia đình
Những người sống ơn gọi gia đình cần phát huy vai trò chủ động trong Hội thánh và xã hội. Sự chủ động thể hiện qua việc tích cực học hỏi đạo lý của Tin mừng và giáo huấn của Hội thánh. Nhờ đó, anh chị em tín hữu sống đời gia đình có khả năng hóa giải những khó khăn, đồng thời nêu cao chứng tá niềm vui Tin mừng cho nhau và cho toàn thể xã hội.
Đạo lý
Trích dẫn ý kiến trong bản phúc trình Thượng hội đồng Giám mục về gia đình năm 2014, Đức thánh cha Phanxicô nêu quan điểm, để có thể đưa ra những cách thức mục vụ thích hợp:
Trung thành với giáo huấn của Đức Kitô, chúng ta hướng nhìn thực tế của gia đình ngày nay trong tất cả tính phức tạp của nó, với cả ánh sáng và bóng tối… Những thay đổi về nhân học và văn hoá trong thời chúng ta đang ảnh hưởng lên mọi khía cạnh của đời sống, và mời gọi một sự tiếp cận có tính phân tích đa dạng (Amoris Laetitia, số 32).
Trong sứ vụ cổ võ ơn gọi gia đình ngày nay, một chương trình mục vụ toàn diện đòi hỏi có sự hòa hợp của nhiều yếu tố. Về phương diện đạo lý, làm thế nào để đang khi trung thành với giáo huấn của Đức Kitô mà không dùng quyền áp đặt các qui tắc luân lý? Về phương diện thực hành, làm thế nào để giúp anh chị em tín hữu đón nhận ơn gọi gia đình không phải như một gánh nặng, mà là hồng ân Chúa ban? Làm thế nào để phát huy tối đa đức bác ái mục tử, cũng như tinh thần trách nhiệm của anh chị em tín hữu sống đời gia đình?
Đường hướng và tinh thần mục vụ
Mục vụ với tinh thần nào ? Trong mục vụ Hôn nhân và Gia đình, vị mục tử và các cộng tác viên mục vụ không hành động nhân danh cá nhân, nhưng hành động nhân danh Chúa Kitô và Hội thánh. Chính vì thế, dù là trong sứ vụ giáo dục đức tin hay đồng hành với người trẻ chuẩn bị kết hôn hay người sống đời gia đình, họ cần biểu lộ sự ân cần, lòng thương xót và nhẫn nại, như chính ĐKT, vị Mục Tử nhân lành đã nêu gương về đức bác ái mục tử. Về phương diện đạo lý, họ phải đảm bảo tính chất nguyên vẹn đạo lý của Tin mừng và giáo huấn của Hội thánh.
Dưới đây chúng ta cùng nhau lướt qua các tiêu chí căn bản của chương trình mục vụ toàn diện do Đức thánh cha Phanxicô nêu lên. Ngài đề nghị một số giải pháp mục vụ dành cho ơn gọi hôn nhân và gia đình, đồng thời mời gọi các Giám mục, tuỳ theo hoàn cảnh và nhu cầu địa phương, cần có thêm sáng kiến đang khi vẫn tôn trọng giáo huấn của Hội thánh. Những đề nghị rất thiết thực của ĐTC Phanxicô trong Tông huấn Amois Laetitia là:
-      Loan báo Tin mừng về gia đình[11]
Gia đình Kitô hữu, nhờ ân sủng của bí tích hôn phối, là những tác nhân chính của công cuộc tông đồ gia đình. Vợ chồng là những người loan báo Tin mừng ngang qua “chứng tá đầy niềm vui của họ trong tư cách là những Giáo hội tại gia”. Như thế chúng ta có thể thấy rằng, ĐTC đề cao vai trò “chủ thể” của gia đình trong việc làm chứng cho niềm vui của Tin mừng trong khung cảnh gia đình. Hơn nữa, ngài cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết đào tạo các cộng tác viên giáo dân, để họ có thể hỗ trợ trong việc săn sóc mục vụ các gia đình. Thực tế, trong giáo dân có một nguồn lực to lớn bởi nghề nghiệp chuyên môn của họ: các nhà tư vấn, y bác sĩ, nhân viên xã hội, luật sư, chuyên viên tâm lý, xã hội,…
-      Chuẩn bị kỹ lưỡng cho các đôi bạn đính hôn[12]
Đây là cách thức thiết thực giúp các bạn trẻ khám phá phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân. Người trẻ cần được giúp đỡ để ý thức về ý nghĩa của tính dục như là quà tặng quý giá Thiên Chúa ban cho con người. Do đó, việc săn sóc mục vụ cho các đôi bạn đính hôn và các đôi vợ chồng cần tập trung vào mối dây hôn phối, giúp họ đào sâu ý nghĩa của tình yêu phu phụ, nhờ đó vượt qua những khó khăn phát sinh trong đời sống gia đình.
-      Đồng hành trong những năm đầu của đời sống hôn nhân[13]
Giai đoạn đầu của đời sống hôn nhân thường gặp phải những khó khăn khi chuyển từ cảm xúc vào thực tế. Làm thế nào để giúp đôi bạn chấp nhận rằng không ai trong đôi bạn là người hoàn hảo. Mỗi người cần chấp nhận người kia như sự thực người ấy là, để giúp nhau cùng hoàn thiện. Vì vậy, đời sống hôn nhân đòi hỏi từ hai phía lòng kiên nhẫn, cảm thông, hy sinh… để cùng giúp nhau xây dựng một sự kết hợp trưởng thành và thành toàn qua thời gian.
-  Soi sáng những khủng hoảng, lo lắng và khó khăn[14]
Đức bác ái mục vụ cần được thể hiện cách kiên nhẫn và bền bỉ. Điều này thể hiện qua việc các vị mục tử săn sóc cho cả những gia đình đang trải qua tình huống xấu nhất do tình trạng đổ vỡ, ly thân và ly dị.
Cần bày tỏ sự lưu tâm đặc biệt đối với những đau khổ của người phải chịu ly thân, ly dị hay bị ruồng bỏ cách bất công, hay người đã bị buộc phải cắt đứt đời sống chung do sự ngược đãi từ chồng hay vợ mình. Tha thứ cho một bất công gây đau khổ như thế là điều không dễ dàng, nhưng ân sủng sẽ làm cho điều đó trở thành có thể. Việc săn sóc mục vụ nhất thiết phải bao gồm những nỗ lực làm trung gian và hoà giải, xuyên qua việc thiết lập những trung tâm tư vấn đặc biệt trong giáo phận.[15]
Về căn bản, nỗ lực về phương diện mục vụ không chỉ thể hiện tinh thần còn nước còn tát. Điểm chính yếu là làm thế nào để những người đã ly dị, ly thân nhận thấy họ vẫn thuộc về Hội thánh. Làm thế nào để họ không tuyệt vọng nghĩ rằng mình bị loại ra, trái lại vẫn là thành phần của cộng đoàn Hội thánh.
Đây thực sự là một thách đố, mà đức bác ái mục vụ đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn trong khi vẫn duy trì tính toàn vẹn giáo huấn của Tin mừng và Hội thánh.

Đức thánh cha Phaxicô thêm rằng:
Những hoàn cảnh này đòi hỏi sự phân định kỹ lưỡng và sự đồng hành đầy tôn trọng. Cần tránh những ngôn ngữ hay hành vi có thể làm họ cảm thấy mình bị kỳ thị, và họ cần được khích lệ tham gia vào đời sống của cộng đoàn. Sự săn sóc của cộng đoàn Kitô hữu cho những người như thế không được coi như là một việc làm suy yếu đức tin và suy yếu chứng từ về tính bất khả phân ly của hôn nhân ; đúng hơn, sự săn sóc ấy là một diễn tả đặc biệt của đức ái.[16]
Tạm Kết           
Có thể nói, đời sống hôn nhân và gia đình luôn đi kèm với những khó khăn và khủng hoảng đủ loại. Tuy vậy, hôn nhân và gia đình Công giáo không thiếu những giá trị tốt đẹp có thể trao tặng. Vẻ đẹp của sự chung thủy, của sự yêu thương đến cùng theo gương tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Hội thánh, trân trọng sự sống… là những món quà vô giá mà đời sống hôn nhân gia đình có thể cống hiến cho nhân loại.
Vấn đề là anh chị em tín hữu cần được Hội thánh soi sáng về phương diện đạo lý, được đồng hành cách tích cực qua từng giai đoạn của đời sống hôn nhân gia đình, và được ân cần chăm sóc bằng các ân sủng bí tích. Họ cũng được mời gọi chủ động đối diện với những khó khăn bằng cách phân định thực tại bằng cảm thức đức tin.
Về phần mình, kể từ Công đồng Vaticanô II, Hội thánh đã xác định lộ trình cần phải theo trong việc mục vụ, đó là lấy niềm vui, nỗi buồn; hy vọng và âu lo của anh chị em tín hữu làm của chính Hội thánh. Về phương diện thực hành, niềm hi vọng Kitô giáo nhắm đến việc xem xét và giải thích các thực tại trần thế theo ánh sáng của Tin mừng và theo ý định của Thiên Chúa.[17] Đường hướng này một lần nữa lại được tái khám phá trong hoàn cảnh mới khi Hội thánh xác định “lấy tâm tư của Chúa Giêsu làm của mình, Chúa trao ban tình yêu không giới hạn cho mỗi người không trừ ai.”[18] Như vậy, đối tượng tình yêu của Chúa Giêsu bao trùm tất cả mọi gia đình, cả những người hạnh phúc lẫn những người khổ đau, cả những ai đang sống trong một gia đình trọn vẹn và những người sống trong cảnh ly thân, ly dị, kể cả những người đang phải vật lộn với khuynh hướng tính dục…
Chắc chắn lãnh vực mục vụ hôn nhân và gia đình là mảnh đất đầy khó khăn, đòi hỏi phải huy động tinh thần trách nhiệm, dấn thân của toàn thể mọi thành phần trong Hội thánh. Người mục tử phải nhuốm mùi chiên là người mục tử tái hiện lòng cảm thương của Đức Giêsu khi đối diện với những thách đố mới trong đời sống hôn nhân và gia đình. Đó là người mục tử không dùng quyền để áp đặt các quy tắc trên con chiên, trái lại, đồng hành và nâng đỡ cách kiên nhẫn. Ở chiều ngược lại, để toàn vẹn trong hạnh phúc của đồng cỏ, những con chiên cần nghe tiếng vị Mục Tử tối cao. Nhờ đó họ mới có khả năng phân định những hiểm nguy khi nghe theo hiệu lệnh của vị Mục Tử nhân lành.


[1] Vincenzo Paglia & Antonio Sciortino, Gia đình - Sứ mạng trong Giáo hội và Thế giới, dg. Lm. Augustino Nguyễn Văn Dụ, nxb. Tôn giáo, 2015, tr. 99
[2] Dĩ nhiên, cơ cấu gia đình truyền thống cũng tồn tại những bất cập như tính gia trưởng, trọng hình thức…
[3] Nguyễn Văn Dụ, Mục vụ & Linh đạo về Hôn Nhân Gia Đình, Roma 2003, tr.214
[4] X. Nguyễn Văn Dụ, Mục vụ & Linh đạo v ề Hôn Nhân và Gia Đình, Rôma, 2003, tr. 224
[5] Người ta không lạ gì ở đâu có việc “giáo dục giới tính” như thế, thì ở đó số trẻ vị thành niên mang thai càng tăng, và thường kéo theo nạn phá thai. Ngoài ra, còn để lại những chứng bệnh theo đường tình dục. Nhiều lúc hành động ấy còn gây cho người phụ nữ bị tuyệt sản vĩnh viễn nữa. Đây là một vòng luẩn quẩn liên kết việc chống thụ thai, phá thai và truyền sinh nhân tạo. Cho dù đã có những con số thống kê rõ ràng, khách quan, trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhất, người ta vẫn tuyên truyền, ủng hộ việc chống thụ thai nơi người trẻ.” (Mục vụ & Linh đạo Hôn Nhân Gia Đình, Sđd, tr. 227
[6] Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, các thụ tạo nhân linh phải được nhìn nhận có các quyền lợi của một nhân vị, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi thụ tạo vô tội” (Giáo lý HTCG, s. 2270).
[7] X. Trần Mạnh Hùng, Đạo Đức Sinh Học & Những thách đố hiện nay, nxb. Đông Phương, 2015, tr. 253-292
[8] “Cái chết êm dịu trực tiếp, với bất cứ lý do nào hoặc dùng phương tiện nào, cốt tại việc chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, bệnh hoạn hoặc hấp hối. Về phương diện luân lý, việc này không thể chấp nhận được” (Giáo lý LHTCG, số 2277 ; x. 2276-2279).
[9] ĐTC. Phanxicô, Niềm Vui Yêu Thương (Amoris Laetitia), dg. Lê Công Đức, nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 33-34 (số 35)
[10] Nhận thức về đức tin, do Chúa Thánh Thần ban cho toàn thể dân Chúa, nhờ đó họ có thể biện phân đâu là chân lý do Chúa mạc khải (x. GLHTCG số 91 - 93)

[11] X. Amoris Latitia, s. 200-204
[12] X. Ibid., s. 205-216
[13] X. Ibid., s. 217-230
[14] X. Amoris Laetitia, s. 231-252
[15] Ibid., s.242
[16] Amoris Laetitia, s.243
[17] X. Gaudium et spes, s.4
[18] Amoris Laetitia, s.250

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn