Mục vụ cho những gia đình ly hôn, tái hôn, hôn nhân không bí tích, hôn nhân hỗn hợp


Theo tinh thần Tông huấn Amoris Laetitia
các mục tử hãy tiếp cận cách hiện sinh hơn
với những gia đình gặp khó khăn, với
những con người cụ thể, hầu tiệm tiến hướng dẫn họ đến con đường hoàn thiện Kitô giáo.
Nhóm nghiên cứu[1]

Dẫn nhập
Chúng ta đang sống trong năm được Hội đồng Giám mục Việt Nam dành lưu tâm đặc biệt đến việc đồng hành  với những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Có nhiều vấn đề khó khăn xảy ra trong các gia đình; nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được giới hạn cụ thể vào những gia đình đang xảy ra tình trạng ly hôn, tái hôn, hôn nhân không bí tích và hôn nhân hỗn hợp.
Trong các vấn nạn trên, có thể nói vấn nạn người Công giáo ly hôn và tái hôn được Giáo hội lưu tâm đặc biệt vấn nạn này liên quan trực tiếp đến định chế hôn nhân Kitô giáo và ảnh hưởng sâu xa đến đời sống Kitô hữu. Đây là vấn đề phức tạp và là một thách đố đối với định chế hôn nhân gia đình truyền thống.[2] Ngay trong vấn nạn này, chúng ta thấy những hệ luận liên quan như là việc xưng tội rước lễ hay việc tham gia vào đời sống cộng đoàn.
Trong thời gian trước và đang khi diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về gia đình từ ngày 4 đến 25 tháng 10 năm 2015 đã có các luồng tư tưởng, nhiều khi trái chiều, liên quan đến quan niệm và giải pháp cho vấn đề người Công giáo ly hôn, tái hôn. 
Có thể nói, vấn đề ly hôn và tái hôn đang là một chủ đề có tính thời sự nóng bỏng, là vấn đề phức tạp đã được nhiều văn kiện của Giáo hội hay nhiều tác giả đề cập và người ta mong đợi Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục nói trên sẽ có hướng giải quyết thích hợp. Dựa theo một số văn kiện của Giáo hội và đặc biệt Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình Amoris Laetitia, chúng ta cùng tìm hiểu những vấn đề khó khăn trên.
I. Tổng quan về những sóng gió, khó khăn nơi gia đình
 A. Những khó khăn chung
Mặc dù gia đình là tổ ấm, là nơi nương thân của mọi người, là nơi đầy yêu thương và tình bác ái. Thế nhưng, mọi gia đình không hẳn lúc nào cũng đều như Thiên đàng vậy. Gia đình là một tế bào của xã hội, nên cũng mang những đặc tính của xã hội, cũng có muôn vàn những thách đó, những khó khăn, những sự bất hòa chia rẽ. Bất kể ở thời điểm nào, thời đại nào, gia đình cũng luôn bị đánh phá, bị luôn có những vấn đề khó khăn xảy ra. Nhưng hơn bao giờ hết, các gia đình thời nay gặp phải những thách đố lớn, thực trạng về các gia đình đang ở mức báo động. Các gia đình ngày nay đang bị  ảnh hưởng và đối diện với muôn vàn những khó khăn và thử thách. Những thực trạng đó không chỉ là chuyện riêng với mỗi gia đình mà là nỗi lo lắng, suy nghĩ cho cả xã hội và Giáo hội. Chúng ta thử gọi tên những thách đố và tìm ra những nguyên nhân đang ngấm ngầm gặm nhấm đời sống gia đình, hầu hy vọng tìm ra được những giải pháp bảo vệ các gia đình trong xã hội hôm nay, nhất là những gia đình đang đứng bên bờ vực thẳm. Những thách đố đó có thể là:
- Thay đổi về môi trường sống: các thế hệ tiền nhân, là ông bà, cha mẹ chúng ta, bao đời đã quen sống với văn hóa làng xã. Với nền văn hóa này, mọi người thấy mình được bao bọc trong thuần phong mỹ tục từ trong gia đình cho đến ngoài làng xã. Vì thế, cái “ngoại lai” rất khó xâm nhập. Nhưng nay, bối cảnh đã khác rất nhiều, vẫn trên mảnh đất mà các thế hệ tiền nhân đã sống, rất nhiều cái “ngoại lai” đã xâm nhập vào khiến môi trường sống bị “ô nhiễm”, ví dụ như lô đề, mãi dâm, ma túy, trò chơi điện tử, cách hành xử dùng bạo lực, buôn lậu, ngoại tình, nạo phá thai, cá độ, cờ bạc, rượu chè, đua xe…
- Thay đổi về công việc: trước đây, đa số mọi thành viên trong gia đình đều làm chung một nghề. Việc làm chung này tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên trong gia đình chia sẻ công việc cho nhau, đặc biệt hơn là họ có thể dễ dàng sắp xếp thời gian chung cho các sinh hoạt trong gia đình, như ăn cơm chung, đọc kinh, cầu nguyện chung, đi lễ chung, vui chơi chung… Ngày nay thì khác, mỗi người trong gia đình làm một nghề khác nhau. Vì thế, họ hầu như họ không có những sinh hoạt chung trong gia đình.
- Thay đổi về quan niệm sống: trước kia, quan niệm sống chủ đạo là “ăn no mặc ấm”. Quan niệm sống này xuất phát từ nhu cầu tồn tại. Nhu cầu tồn tại thì dễ đáp ứng hơn, và ít thay đổi.  Còn nay, quan niệm sống chủ đạo là ăn ngon mặc đẹp, nhà lầu xe sang, vợ đẹp”. Quan niệm sống này xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ và nó luôn phải thay đổi. Một khi quan niệm sống này được mọi người sùng bái cách thái quá thì giá trị của con người được thẩm định cách sai lệch dẫn tới sự mất tôn trọng lẫn nhau, coi giá trị vật chất hơn giá trị con người.
- Thay đổi trật tự trong gia đình: ngày xưa, đa số người cha và người chồng trong gia đình là người gánh vác và điều khiển công việc làm ăn trong gia đình. Người vợ  ở nhà lo cho con cái và gia đình được tươm tất.  Ngày nay cả hai vợ chồng đều đi làm. Mọi vấn đề trong gia đình được chia đều cho cả hai. Bên cạnh đó, việc hiểu sai về khái niệm bình đẳng (bình đẳng được hiểu như là cào bằng) đã làm cho gia đình không còn giữ được tính tôn ty, trật tự. Những thành viên trong gia đình không còn biết sống khiêm tốn, sống tôn trọng thành viên khác, sống đúng vị trí và vai trò của mình.

Chính những khác biệt về nghề nghiệp đã khiến các thành viên trong gia đình không có thời gian dành cho nhau. Vì thế, họ ít cảm nhận được tình thân thương, ấm áp nơi gia đình. Bên cạnh đó còn có một lý do khác nữa là họ bị nô lệ hóa cho những phương tiện hiện đại của truyền thông. Họ có thế bỏ ra hàng giờ để thưởng thức và sử dụng những phương tiện đó, nhưng nhiều khi không có giờ để tâm sự, trò chuyện hay bàn bạc những vấn đề khúc mắc trong gia đình với các thành viên khác.
Những thách đố nêu trên chỉ là phần nào đó của tình trạng các gia đình ngày nay. Hơn bao giờ hết, các gia đình rất cần những sự quan tâm của xã hội, của giới hữu trách, đặc biệt với những gia đình Kitô hữu, rất cần sự quan tâm của các mục tử, của Giáo Hội và hơn nữa là sự nhìn nhận quan tâm của chính những thành viên trong gia đình. Chính họ: vợ, chồng, con cái biết nhận ra vấn đề để thay đổi chính mình, biết sinh sinh những lợi ích riêng vì gia đình. Để thực hiện được những điều đó, mỗi người phải cần đến sự nâng đỡ của ơn Chúa. mỗi người trong gia đình thể hiện được tình yêu thương thì như đã đón nhận Thiên Chúa đến ở cùng, đón nhận được lòng thương xót của Chúa.
B. Những hoàn cảnh đặc thù
1. Ly hôn và tái hôn
Ly hôn
Trong Kinh thánh Cựu ước người ta đã gặp thấy những trường hợp ly dị - rẫy vợ. Trong các khoản cổ luật Đông Tây cũng thấy có những điều khoản về ly hôn… Có lẽ đó là một mặt trái của vấn đề gia đình, có hợp thì có tan.
Có thể nói nguyên nhân căn bản của ly hôn là thiếu sự quan tâm chia sẻ hay đúng hơn là thiếu một tình yêu trưởng thành. Nguyên nhân đó còn do thiếu cởi mở và thông cảm giữa các đối tượng của hôn nhân.
Những năm gần đây Giáo hội rất lo lắng vì ngày càng có nhiều tín hữu ra tòa đời ly hôn và sau đó tiến hành một hôn nhân khác. Thât vậy, Đức Thánh Cha Phanxi cô đã nhận nhận định:
Ly hôn là một sự bất ổn và con số càng ngày càng tăng các vụ ly hôn là điều gây ra rất nhiều cho Giáo hội. Do đó, trọng trách mục vụ hàng đầu của người Mục tử đối với các gia đình là củng cố tình yêu của họ, giúp hàn gắn các vết thương và cố gắng ngăn ngừa việc lan tràn thứ bi kịch của thời đại này.[3]
Tái hôn
Ở đây chúng ta không bàn đến việc tái hôn vì góa bụa, nhưng là tái hôn sau ly hôn. Sau khi đổ vỡ cuộc hôn nhân, sẽ nảy sinh hai xu hướng, hoặc là kết hôn, hoặc là sống đơn thân.
Những người tái kết hôn sau khi ly hôn thường có hy vọng một cuộc làm lại cuộc đời. Một số thành công những cũng nhiều người thất bại. Người thành công vì họ có thể chín chắn hơn trong cuộc sống và sự chọn lựa lần thứ hai, còn người thất bại thông thường cũng bởi những lý do khiến cho cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ.
Hậu quả tiêu cực của những vụ tái hôn luôn là những đứa con, khi người thứ ba xuất hiện, bố dượng hay mẹ kế, thường làm cho đứa trẻ bị sốc, bị thất đoạt tình cảm và luân lý. Người cha hay người mẹ khi tìm lại hạnh phúc riêng mình thường quên mất hạnh phúc con mình. Đó là nguyên nhân của bạo hành trong gia đình, sự bỏ đi của trẻ, dẫn đến tội phạm trọng xã hội. Có thể nói, sự tái hôn của những gia đình này rất phức tạp. Sự hội nhập của các thành viên, chủ yếu là những đứa con vào gia đình mới thường rất khó khăn, trẻ thường bị tổn thương tình cảm do bị đổ vỡ của gia đình cũ nay đòi hỏi một thời gian và một nghệ thuật để hội nhập vào mối quan hệ mới. Đây là trách nhiệm trước hết của chính đôi vợ chồng.
Quan điểm và lập trường của Giáo hội về việc tái hôn của những người ly hôn thế nào? Theo Tông huấn Familiaris Consortio, số 84: Vì là một lỗi lầm trầm trọng vi phạm luật hôn nhân bất khả phân ly của Thiên Chúa, Giáo hội không có quyền tha thứ, nhưng vì Đức ái mục vụ, Giáo hội không thể bỏ rơi những đối tượng này. Quả thật, họ là những kẻ đáng thương vẫn cần sự chăm sóc của Giáo hội. Tuy họ không được chịu các bí tích nhưng Giáo hội vẫn làm sao “để họ không cảm thấy mình bị gạt ra khỏi Giáo hội, và cầu mong để họ nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa”.
2. Hôn nhân không bí tích
Hôn nhân không bí tích là hôn nhân giữa một người Công giáo và một người chưa được Rửa tội. Nếu muốn kết hôn thành sự thì phải được miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân dị giáo thì mới kết hôn thành sự. Sẽ không được miễn chuẩn nếu không chu toàn những điều kiện nói ở điều 1125.[4] Thiết tưởng cũng phải lưu ý thêm rằng hôn nhân ngoài Kitô giáo dù không phải là bí tích cũng mang tính thánh thiêng vì đã được Thiên Chúa chúc lành từ ban đầu (St1, 28). Những hôn nhân này được gọi là hôn nhân tự nhiên. 
3. Hôn nhân hỗn hợp
Hôn nhân hỗn hợp là một người Công giáo và một người đã được Rửa tội, nhưng ở ngoài Giáo hội Công giáo. Theo Giáo luật hiện hành, hôn phối hỗn hợp chỉ là điều bị cấm (GL 1124), nhưng không còn là một ngăn trở tiêu hôn (làm cho hôn phối bất thành - invalide). Vì chỉ bị cấm, nên nếu muốn kết ước hôn phối hỗn hợp hợp pháp thì chỉ cần xin phép của Đấng Bản quyền sở tại. Phép này phải có tính chất minh nhiên, rõ ràng, chứ không thể chỉ là dự đoán mà thôi (GL 1124). Phép đó cũng là điều cần thiết để hôn phối hỗn hợp được hợp pháp (lecite). Nhưng nếu không có phép, thì hôn phối vẫn thành sự (valide).
II. Đường hướng mục vụ của Hội thánh
1.   Mục vụ cho những người ly hôn và tái hôn
Về vấn đề ly hôn và tái hôn, Giáo hội hết sức quan tâm và tìm những giải pháp phù hợp để đồng hành với ai đang sống trong hoàn cảnh này. Chúng ta cùng điểm qua một số giáo huấn của hội thánh:
Giáo lý Hội thánh Công giáo
SGLHTCG số 1665 dạy rằng: 
Sự tái hôn của những người đã ly hôn khi người phối ngẫu hợp pháp vẫn còn sống, là điều trái nghịch với ý định và luật của Thiên Chúa đã được Chúa Kitô giảng dạy. Tuy họ không bị tách rời khỏi Giáo hội, nhưng họ không thể tới bàn tiệc Thánh Thể để rước Mình Chúa. Nhưng khuyên họ sống đời sống Kitô hữu của mình bằng cách giáo dục con cái trong đức tin.
Trong mục vụ, đối với vấn đề này cần phải cho người ta hiểu rằng đây không phải là vấn đề kỳ thị mà chỉ là vấn đề tuyệt đối trung thành với ý muốn của Chúa Kitô.
Tông huấn Familiaris Consortio 
Chính Tông huấn Familiaris Consortio đã củng cố Giáo huấn tín lý của Giáo hội về hôn nhân và có những chỉ dẫn mục vụ đối với các tín hữu ly hôn và tái hôn dân sự là những người vẫn còn bị trói buộc bởi cuộc hôn nhân thành sự trong Giáo hội, đặc biệt là số 84:
- Các mục tử và các cộng đoàn cần giúp các tín hữu ly hôn, tái hôn với lòng bác ái cao độ. Họ vẫn thuộc về Giáo hội và có quyền được chăm sóc mục vụ cũng như cho họ tham dự vào đời sống của Giáo hội.
- Cần cho họ biết những ngăn trở của họ, đặc biệt với hai lý do sau:
+ Lý do nội tại là: từ thực trạng sống của mình đã tự làm cho họ trở nên mất đi khả năng lãnh nhận các bí tích như Giải Tội, Thánh Thể … và tình trạng của họ mâu thuẫn một cách khách quan với thực tại hiệp thông trong bí tích Thánh Thể.
+ Nếu cho lãnh các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể có thể gây cho các tín hữu đi tới chỗ sai lạc, hiểu lầm giáo lý của Giáo hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân Kitô giáo.
-     Tông huấn Familiaris Consortio còn nói:
Cấm tất cả mọi chủ chăn, dù bất cứ vì nguyên do nào hay bất cứ vịn cớ gì, ngay cả vì lý do mục vụ, đều không được cử hành bất cứ một thứ nghi thức nào cho những người đã ly hôn tái hôn… vì điều đó sẽ làm cho người ta có cảm tưởng rằng việc cử hành mới này thành sự và như thế sẽ đưa người ta đến chỗ hiểu sai lạc về sự bất khả phân ly của hôn nhân đã kết ước cách thành sự.[5]
Làm như thế, không phải Giáo hội quá khắt khe hay không mở ngõ cho người phạm tội có cơ hội ăn năn. Tuy nhiên, Giáo hội không muốn vì lý do mục vụ mà làm cho nhiều người hiểu sai về tính bất khả phân ly trong hôn nhân Công giáo.
Tông huấn Amoris Laetitia
Như trên đã nói, vấn đề người ly hôn tái hôn rất phức tạp. Trước những vấn đề đặt ra nói trên trước và trong thời gian diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục, với sự thận trọng cần thiết, Tông huấn Amoris Laetitia đưa ra ba động từ quan trọng: đồng hành (accompagnare), phân định (discernere) và hội nhập (integrare).
Về sự đồng hành, nguyên tắc là những người ly hôn  tái hôn vẫn là phần tử của Giáo hội và “Giáo hội vẫn phải đồng hành một cách đầy lưu tâm và chăm sóc với những người yếu đuối nhất trong số con cái mình.[6] Họ vẫn được hòa nhập, tham gia vào các sinh hoạt của Giáo hội. Sau khi khẳng định đạo lý của bí tính Hôn nhân Kitô giáo, Tông huấn quả quyết rằng “Giáo hội không coi thường các yếu tố xây dựng trong các hoàn cảnh chưa hoặc không còn tương hợp với Giáo huấn về hôn nhân của mình nữa”.
Tông huấn nhắc nhở bổn phận của các linh mục là đồng hành với người ly hôn và tái hôn nhằm giúp đỡ họ hiểu rõ hoàn cảnh của họ theo Giáo huấn của Giáo hội và các hướng dẫn của giám mục[7].
Bàn đến việc đồng hành theo Tông huấn  Amoris Laetitia, Đức Hồng Y bộ trưởng bộ Giáo lý Đức Tin, Gerhard L. Muller cho rằng các thừa tác viên phải lưu ý “sự hòa hợp giữa việc cử hành bí tích và đời sống Kitô hữu. Nhờ vậy, Giáo hội có thể trở nên một cộng đoàn đồng hành, tiếp đón tội nhân mà không vì thế chấp nhận tội lỗi.
Còn vấn đề phân định hội nhập… sự hài hòa kiên định giữa bí tích và đời sống Kitô hữu bảo đảm rằng nền văn hóa bí tích trong đó Hội thánh đang sống và đề xuất với thế giới vẫn là môi trường có thể ở được. Chỉ cách này Hội thánh mới có thể tiếp nhận các tội nhân, quan tâm chào đón và mời gọi họ tham gia vào một hành trình cụ thể, nhờ vậy, họ có thể vượt qua tội lỗi[8].
Theo Đức Hồng Y Gerhard Muller, thì mục đích của việc phân định là:
Giáo hội công bố cho mọi tín hữu, việc đòi hỏi các đôi vợ chồng ly hôn tái hôn phải trung thành với mối dây ràng buộc ban đầu… Vì thế, cần phân định, không để chọn mục đích, nhưng để chọn lối đi. Nhận thức rõ nơi chúng ta muốn đến, đó là cuộc sống tràn đầy. Chúa đã hứa ban cho chúng ta, mỗi người có thể phân định những cách thức nhờ đó, theo hoàn cảnh cá biệt của mình, họ có thể đạt tới đó.[9]
Trong tiến trình đó, người mục tử phải theo Giáo huấn của Giáo hội và các hướng dẫn của Giám mục đồng thời chú ý rằng Lời Chúa là nguồn soi sáng và động lực cho những người ly hôn tái hôn, họ cần lắng nghe lại sứ điệp của Tin mừng và lời mời gọi ăn năn của Tin mừng. Cần quan tâm hơn nữa trong việc giúp người đã rửa tội ly hôn và tái hôn dân sự được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đoàn giáo xứ theo nhiều cách có thể, tránh mọi dịp gây gương xấu, nhờ đó giúp họ cảm nhận vẫn thuộc Giáo hội và vẫn có ích cho Giáo hội, cảm nghiệm mẹ hiền Giáo hội đang đồng hành, săn sóc và khích lệ họ, con cái họ được chăm sóc và giáo dục.[10] 
Nói chung, về vấn đề ly hôn tái hôn, Tông huấn Amoris Laetitia có một số định hướng hướng canh tân mục vụ tích cực nhưng vẫn giữ nguyên giáo lý Hội thánh về bí tích hôn nhân Kitô giáo.
Chủ trương của Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình liên quan đến việc ly hôn, tái hôn
Trong Thượng Hội đồng vấn đề được bàn cãi rất nhiều là người tín hữu ly hôn và tái hôn, cách riêng là bên bị bỏ rơi vô tội. Vấn đề được đặt ra ở đây là, có thể cho họ được xưng tội rước lễ không và có thể cho họ tham dự tích cực hơn vào đời sống của cộng đoàn không?
Có hai hướng để giải quyết: một là vẫn cấm theo như xưa nay trong Giáo hội; hướng thứ hai là nại đến lòng thương xót để cho họ xưng tội rước lễ với một số điều kiện nào đó, chẳng hạn tùy lương tâm của họ với một cha linh hướng mà quyết định; để Giám mục giáo phận tùy nghi quyết định theo hoàn cảnh riêng, hoặc theo lộ trình thống hối nhất định có cha linh hướng hướng dẫn để rồi được xưng tội rước lễ; hoặc cần có sự tiết dục hoàn toàn dù sống chung (có thể do già yếu, bệnh tật nên sống như anh em...). Tuy nhiên, theo hướng nào hay giải pháp nào cũng có những khó khăn nhất định.
- Giải pháp cho họ xưng tội rước lễ dễ dàng: có nguy cơ đi ngược lại tính bất khả phân ly của hôn nhân (indissolubilitas) là Giáo huấn của Chúa Kitô đã dạy. Hơn nữa, có thể dẫn đến nhiều người sẽ dễ dàng ly hôn tái hôn và coi thường giao ước hôn nhân.
- Giải pháp thống hối: nếu chỉ thống hối thì chưa đủ vì thống hối cần có chừa cải đi kèm. Không thể thống hối thực sự nếu không chừa cải, tức là thay đổi tích cực tình trạng hiện tại.
- Giải pháp hội nhập và thay đổi lề luật: xét hoàn cảnh và đối tượng để hội nhập tức là cần thay đổi luật lệ. Luật lệ cần canh tân nhưng khó khăn là làm sao xác định ranh giới hội nhập và canh tân ở mức độ nào để vẫn giữ được căn tính.
- Giải pháp trung thành với Giáo huấn của Giáo hội: khó khăn ở chỗ làm sao và trong mức độ nào để có thể giữ tinh thần của luật và tránh sự cứng nhắc duy luật.
- Giải pháp theo lương tâm: khó khăn là dù có sự hướng dẫn của vị linh hướng, nhưng lương tâm cá nhân rất dễ chủ quan và sai lầm. Chỉ dựa trên lương tâm cá nhân như vậy không đủ để quyết định.
- Giải pháp tiết dục hoàn toàn: Giải pháp này khó khả thi vì cả hai sống trong một nhà. Hơn nữa không dễ để thực thi giải pháp này bằng cách buộc họ phải xa nhau và xa con cái khi mà họ đang yêu thương, gia đình đã ổn định, được luật pháp nhìn nhận.
2.         Mục vụ cho những người hôn nhân không bí tích
Như đã nói ở trên, hôn nhân không bí tích là hôn nhân giữa một người Công giáo và một người chưa được Rửa tội. Nếu muốn kết hôn thành sự thì phải được miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân dị giáo thì mới kết hôn thành sự. Sẽ không được miễn chuẩn nếu không chu toàn những điều kiện nói ở điều 1125.
Nên lưu ý bên Công giáo hay cha mẹ chỉ có thể khuyên chứ không được phép đòi bên lương phải theo đạo như một điều kiện để kết hôn, vì kết hôn với điều kiện tương lai thì hôn nhân vô hiệu, với điều kiện hiện tại hay quá khứ thì phải có phép bằng văn bản của Đấng Bản quyền (đ. 1102).
Cha xứ cần dành thời giờ tiếp xúc với đôi hôn phối và nhất là cha mẹ bên ngoại giáo. Kinh nghiệm cho thấy thái độ tiếp đón thân tình, tinh thần đối thoại và sự kiên nhẫn giảng giải giúp giải tỏa được rất nhiều ngộ nhận và đôi khi còn đưa người phối ngẫu ngoại giáo đến chỗ tự nguyện đón nhận đức tin. Cha xứ tránh thái độ áp đặt đối với người lương như buộc phải học giáo lý hôn nhân trong một thời gian nhất định. Nếu có khó khăn nghiêm trọng trong việc học, nên hẹn gặp đôi bạn một số giờ để giải thích về hôn nhân, nghĩa vụ vợ chồng và sinh sản giáo dục con cái.
Đối với những đòi hỏi định ngày cưới của bên người lương, không nên cho rằng họ mê tín dị đoạn, nhưng phải tôn trọng trong chừng mực nào đó, trong tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng, sao cho việc cử hành hôn nhân diễn ra hợp luật vừa không xúc phạm đến niềm tin của họ.
Nghi thức kết hôn: phải sử dụng nghi thức cử hành hôn phối ngoài Thánh lễ. Có thể cử hành trong nhà thờ hoặc một nơi thích hợp, như tại tư gia (đ. 1118 §3).
3. Mục vụ cho những người hôn nhân hỗn hợp
Ngày nay, xã hội phát triển kéo theo các mối quan hệ trong cuộc sống cũng dần rộng mở, không còn có sự ngăn cách giữa các tôn giáo. Chính điều này đã nảy sinh ra những cuộc hôn nhân hỗn hợp mà số lượng ngày càng gia tăng. Trước thực trạng như vậy, Tông huấn đã đưa ra những lưu ý cho công việc mục vụ như sau:
Với những trường hợp như vậy, phải có một lưu tâm mục vụ riêng dưới ánh sáng những định hướng và những quy tắc bao gồm trong các tài liệu mới nhất của Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám mục, để áp dụng cụ thể trong từng hoàn cảnh khác nhau, trước con số những cuộc hôn nhân giữa người Công giáo và người đã rửa tội trong các hệ phái khác ngày càng tăng.[11]
Về những gì liên hệ tới hình thức phụng vụ và Giáo luật của hôn nhân, Tông huấn cũng nêu lên những đòi hỏi cho người làm mục vụ những lưu ý cần thiết:
– Khi làm công việc chuẩn bị thích hợp cho loại hôn nhân này, phải cố gắng hết sức để giúp hiểu thật rõ giáo lý Công giáo về các đặc tính và các đòi hỏi của hôn nhân, cũng như để bảo đảm rằng trong tương lai sẽ không có việc gây áp lực hay cản trở như vừa nói trên.
– Điều quan trọng nhất là với sự nâng đỡ của cộng đồng Công giáo, phía Công giáo cần được củng cố trong đức tin và cần được tích cực giúp đỡ để có một sự hiểu biết chín chắn hơn về đức tin và để thực hành đức tin cách tốt đẹp hơn, bằng cách trở nên một nhân chứng đáng tin thực sự trong lòng gia đình, nhờ đời sống và nhờ phẩm chất tình yêu họ dành cho bạn mình và con cái.
Hôn nhân hỗn hợp chỉ hợp pháp khi có phép minh nhiên của giáo quyền (đ. 1124). Phải đặt vấn đề: Phép Rửa tội của bên không Công giáo có được Hội thánh chấp nhận và đã cử hành thành sự không? Trong trường hợp không, phải chuyển qua cử hành hôn nhân khác đạo với miễn chuẩn ngăn trở khác đạo, chứ không phải là xin phép cử hành hôn nhân hỗn hợp.
Đấng Bản quyền có thể ban phép nếu có một lý do chính đáng và phải hội đủ điều kiện (chung cho cả hôn nhân hỗn hợp lẫn hôn nhân khác đạo) theo điều 1125 của Giáo luận hiện hành.
Nghi thức kết hôn: Phải sử dụng nghi thức cử hành hôn nhân ngoài Thánh lễ, trừ khi cần thiết và có phép của Đấng Bản quyền địa phương mới cử hành trong Thánh lễ.
Các vị chủ chăn phải lo liệu trợ giúp về phương diện thiêng liêng bên Công giáo và con cái để họ chu toàn nghĩa vụ mình và giúp đôi bạn được hiệp nhất trong đời sống vợ chồng (đ. 1128).
Miễn chuẩn thể thức Giáo luật trong hôn nhân hỗn hợp hay dị giáo. Hôn nhân hỗn hợp hay dị giáo đôi khi cũng có thể được miễn chuẩn thể thức giáo luật, chiếu theo điều 1127 §2:
Nếu có những khó khăn nghiêm trọng ngăn cản việc tuân giữ thể thức giáo luật, Đấng Bản quyền địa phương bên Công giáo có quyền miễn chuẩn khỏi giữ thể thức ấy trong những trường hợp, nhưng phải tham khảo ý kiến Đấng Bản quyền địa phương tại nơi cử hành hôn nhân và phải giữ một thể thức cử hành công khai nào đó để hôn nhân được thành sự; việc ấn định những quy tắc để ban phép chuẩn nói trên một cách đồng nhất thuộc Hội Đồng Giám mục.
Miễn chuẩn thể thức hôn nhân giữa hai người Công giáo là không được phép. Trong trường hợp nghiêm trọng phải xin Tòa Thánh. Trong trường hợp nguy tử thì vẫn phải giữ thể thức nhưng đơn giản hơn là chỉ cần hai giáo dân làm chứng cũng đủ (đ. 1116).
Trong những trường hợp cử hành hôn nhân dị giáo, nếu bên tôn giáo bạn nhất định không chịu cử hành nghi thức hôn phối theo luật đạo thì có thể xin Đấng Bản quyền bên Công giáo miễn chuẩn thể thức theo giáo luật. Cũng nên lưu ý là, cùng với việc xin miễn chuẩn thể thức, phải xin miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân dị giáo hoặc xin phép cử hành hôn nhân hỗn hợp, và phải làm thỏa mãn các điều kiện của điều 1125, tức là bên Công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ mất đức tin ...
III. Đề xuất cho đường hướng mục vụ
1. Tiếp đón - gần gũi
 Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta đừng quên rằng trách nhiệm của Giáo hội thường giống như trách nhiệm của một bệnh viện dã chiến.[12] Bệnh viện dã chiến hay bệnh viện nông thôn là tuyến đầu đón tiếp tất cả các trường hợp để xử lý cấp thời và chuyển lên tuyến trên để điều trị chuyên khoa, nếu cần thiết. Một cách nào đó giáo xứ chính là “nhà thương” loại này nên cần có nhân sự với tinh thần sẵn sàng và ứng trực 24/24h để tiếp đón mọi người không phân biệt lương giáo, giàu nghèo. Chính tại giáo xứ (nhà thương) mà tinh thần yêu thương và phục vụ được thể hiện rõ nét qua việc tiếp đón gần gũi.
2. Lắng nghe-cảm thông
Vai trò người mục tử rất quan trọng trong tiến trình hòa nhập xét vì phần lớn những người trong các tình huống khó khăn và nguy kịch không tìm sự trợ giúp mục vụ, vì họ không thấy có thiện cảm, hiện thực hay quan tâm tới các trường hợp cá biệt. Vì vậy chúng ta cố gắng tiếp cận các vụ khủng hoảng hôn nhân với một sự nhạy cảm nhiều hơn đối với sức nặng thương tích và lo âu xao xuyến của họ.[13] Bước đầu, “Các mục tử hãy thân ái lắng nghe trong sự thanh thản, với ước muốn chân thành đi vào thảm kịch của con người và hiểu quan điểm của họ, để giúp họ sống tốt đẹp hơn và nhìn nhận chỗ đứng của họ trong Giáo hội.[14] Đó cũng là bổn phận căn bản của người mục tử mà Giáo luật quy định.
3. Đồng hành
Sự đồng hành rất quan trọng trong tiến trình hòa nhập với cộng đoàn cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tông huấn Amoris Laetitia bàn về sự phân định và hòa nhập khá nhiều, nhưng thiết nghĩ sự đồng hành là bước đầu cần thiết để tiến hành liên tục trong suốt lộ trình dài giúp người tín hữu thăng tiến. Đây là điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nhấn mạnh và muốn rằng Hội thánh sẽ phải dẫn đưa mọi người vào “nghệ thuật đồng hành với những điều kiện nhất định như: cần có kinh nghiệm cá nhân; sự thận trọng, cảm thông và kiên nhẫn; biết lắng nghe và tôn trọng; cần lắng nghe Chúa Thánh Thần hướng dẫn.[15] “Nghệ thuật đồng hành dạy chúng ta biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người khác[16]. Bước chân đồng hành này phải có nhịp đều và vững vàng, phản ánh thái độ gần gũi và cái nhìn cảm thông của chúng ta, giúp chữa lành và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo.[17]
4. Hội nhập
Các mục tử tìm những sáng kiến và cách thức giúp người Công giáo ly hôn tái hôn hội nhập vào cộng đoàn đầy đủ hơn. Làm sao cho họ cảm thấy họ vẫn thuộc về Giáo hội, họ không bị vạ tuyệt thông và không nên đối xử như vậy với họ. Tuy nhiên, chú ý tránh gương mù gương xấu và phải tôn trọng Giáo huấn của Đức Kitô và Giáo hội về hôn nhân Kitô giáo.
Kết luận
Theo tinh thần Tông huấn Amoris Laetitia, các mục tử hãy tiếp cận cách hiện sinh hơn với những gia đình gặp khó khăn, với những con người cụ thể, hầu tiệm tiến hướng dẫn họ đến con đường hoàn thiện Kitô giáo. Khi tiếp cận những vấn đề như vậy, người mục tử cần có một sự canh tân mục vụ thực sự với một sự uyển chuyển nhưng không được đi trái với Luật của Thiên Chúa và Luật Giáo hội.
Tông huấn kêu gọi người mục tử phải biết đồng hành và phân định để giúp người tín hữu không phải chọn điểm đến cho bằng chọn lối đi, chọn con đường tiến bước đến sự hoàn thiện. Đó là con đường mà Chúa Giêsu đã hướng dẫn, đã đi và mời gọi chúng ta bước theo để đạt tới sự hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.[18]
Ba hạn từ quan trọng đồng hành, phân định và hòa nhập mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong Tông huấn có thể coi là cách diễn đạt khác của yêu thương và phục vụ. Thật vậy, vì yêu thương mà người mục tử không ngại khó để đồng hành trường kỳ với mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Còn sự phân định sẽ giúp người mục tử nhạy bén và thực tế trong việc phục vụ giúp đỡ họ. Đồng hành và phân định như thế là cách để giúp con người dù là đang ở trong hoàn cảnh bất hợp luật đi nữa cảm nhận sự hòa nhập mà không thấy bị loại trừ.
Cuối cùng, đang khi bàn đến việc mục vụ cho những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, chúng ta đừng quên những lời rất khích lệ này của Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với các nghị phụ họp Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về gia đình:
Chúng tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn bởi chứng tá hàng ngày mà các bạn đã cho chúng tôi và cả thế giới thấy qua sự trung tín, đức tin, niềm hi vọng và tình yêu của các bạn. Ngay cả chúng tôi, những chủ chăn của Giáo Hội, cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, với những hoàn cảnh và lịch sử khác nhau. Với tư cách là các linh mục, giám mục, chúng tôi đã gặp gỡ và sống bên các gia đình, đã cho chúng tôi thấy, bằng lời nói cũng như hành động, một chuỗi dài những điểm niềm vui cũng như những khó khăn của mình.[19]



[1] Các thành viên nhóm nghiên cứu: Phaolô Hoàng Văn Diệm (Thánh Tâm Huế), Antôn Phạm Văn Hưng (Thánh Tâm Huế), Roger Nguyễn Lưu Phong (Thánh Gia) Máccô Đào Quốc Minh (Scalabrini), Gioan B. Đinh Quốc Tuấn (Thánh Phaolô).
[2] Xc. ĐTC Phanxicô Amoris Laetitia, số 52.
[3] Xc. ĐTC Phanxicô Amoris Laetitia, số 246.
[4] Theo Giáo luật điều 1125:
  1. Bên Công Giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được Rửa tội và được giáo dục trong Giáo hội Công giáo;
  2. Phải kịp thời thông báo thế nào cho bên không Công giáo biết những điều bên Công giáo phải cam kết, để họ ý thức thật sự về lời cam kết và nghĩa vụ của bên Công giáo;
  3. Cả hai bên được giáo huấn về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào được phép loại bỏ.

[5] Nguyễn Trọng Đa, Việc chúc lành cho giáo dân, thay vì cho Rước lễ được quy định như thế nào? http://dcvxuanloc.net/hoi-dap/giai-dap-phung-vu-viec-giao-dan-lanh-chuc-lanh-thay-vi-ruoc-le-duoc-qui-dinh-nao.html. Truy cập ngày 13/03/2018
[6] Xc. ĐTC Phanxicô Amoris Laetitia, số 291.
[7] Xc. Ibid., 300.
[8] Xc. Viết Hiệp, Giáo hội được mời gọi thăng tiến một nền văn hóa về gia đình, trong Nguyệt San CGvDt số 258. Tháng 6.2016, tr. 52-53.
[9] Xc. Ibid., tr. 53-54.
[10] Xc. ĐTC Phanxicô Amoris Laetitia, số 299.
[11] ĐTC Gioan Phaolô II Familiaris Consortio, số 78
[12] Xc. ĐTC Phanxicô Amoris Laetitia, số 291.
[13] Xc. Ibid., số 234.
[14] Ibid., số 312.
[15] Xc. ĐTC Phanxicô Evangelii Gaudium, số 1.
[16] Xc. Xh 3,5.
[17] Xc. ĐTC Phanxicô Evangelii Gaudium, số 169.
[18] Xc. Mt 5,48.
[19] Vincenzo Paglia, Antonio Sciortino, Gia đình, ơn gọi và sứ mạng trong Giáo Hội và thế giới. Bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Văn Dụ, NxbTôn Giáo, Hà Nội 2015, trang 241.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn