Tản văn - Nguyễn Ninh, OP.
Sao bạn cứ ở lì trong hốc đá,
mải nghe tiếng
sáo bên đàn chiên?
Trong các thị
tộc của Rưu-vên,
bàn bạc thì thật
là sôi nổi !
(Thủ Lãnh 5,16)
Một lần
anh về thăm cộng đoàn Học viện. Anh kể về công việc mục vụ hiện tại trên miền
sơn cước. Anh chia sẻ những điều thật khó tin. Một thầy Phó tế phải
sống chui nhủi trong những làng đồng bào miền thượng. Anh chia sẻ nhiều
điều. Những gì anh em có, học vấn, khả năng .v.v., chẳng là gì để dám
chắc đứng vững trước thực tại cuộc sống của bà con đồng bào.
Khi đến
một giáo xứ truyền thống nề nếp, ít thì người ta biết anh em là tu
sĩ, đại để có chút nể nả nào đó. Vì nhiều lý do tế nhị, nơi anh đến không
mấy ai biết anh là tu sĩ. Anh sống với họ, như họ. Anh kể hôm mới lên họ
cho ăn măng liền tù tì mấy ngày. Sợ xanh mặt. Đến tối ngủ có hôm phải
đốt lửa để sưởi vì quá lạnh.
Mình
nói như vậy thì hẳn là cực khổ lắm. Anh bảo nhưng có Chúa mà em. Có
Chúa mà em. Anh nhắc đi nhắc lại ba lần trong suốt cuộc trò chuyện.
Mình cảm thấy anh thật sự bước vào kinh nghiệm có Chúa dẫn dắt. Có
khi thất bại ê chề, tương lai mờ mịt, nhưng người ta vẫn can đảm tiến
bước vì tin có Chúa đồng hành.
Mình
xuýt xoa thế hẳn anh sẽ rất vất vả. Anh cười hề hà. Nhưng mà vui em à. Phải
rồi. Nơi đó người ta tìm thấy ý nghĩa đời tu. Người ta bước vào đời
tu mà không cảm thấy trống rống, vô nghĩa vì khao khát của mình được
lấp đầy. Dầu cho quá trình lấp đầy đó lắm gian nan. Điều quan trọng
là nó được lấp đầy.
Như loài
cá hồi, cứ đến mùa sinh nở, lại bơi ngược dòng hàng ngàn kilômét để đẻ trứng.
Mặc cho dòng nước cuồn cuộn xả xuống, vẫn không sao ngăn chúng háo hức bơi
ngược lên thượng nguồn, cao xấp xỉ vài ngàn mét. Có khi mất vài ba năm trời.
Kiệt sức vì hành trình bơi ngược dòng đó, đẻ trứng xong, chúng cũng mặc luôn áo
ván.
Dẫu vậy
mà đàn cá vẫn lũ lượt rủ nhau lên đường. Lạ chưa? Bởi đó là tố chất, là
bản năng, là cái hoàn thiện căn tính của chúng. Anh bảo người đi tu dấn
thân dù gian nan vẫn cảm thấy vui. Háo hức lên đường, vì lý tưởng mình được
nên hoàn trọn, được đổ đầy.
Còn nhớ
hồi ở Tập viện, dịp tĩnh tâm liên tu sĩ giáo phận Xuân Lộc, sơ nọ đã chia sẻ về
một kinh nghiệm đời tu của mình. Sơ kể hồi đi du học nước ngoài, nhiều người
nhìn sơ bằng nửa con mắt. Đi tu ở Việt Nam, chắc để được “ăn trái chuối to như
cha xứ” ấy mà. Còn lạ gì. Có khi đi để được người ta trọng vọng, nể nả. Kiểu
một người làm quan cả họ được nhờ. Con mắt họ xì xào, tôi còn lạ gì tu sĩ ở
Việt Nam. Đi tu để được sướng thân, được nể vì. Vân vân và vân vân.
Nghe mà
mắt tóe lửa. Muốn quại cho nó vỡ quai hàm. Nhớ lại những ngày sau năm 1975,
nhiều lần sơ và các chị em đã phải nhảy ra chuồng heo để trốn cán bộ kiểm tra
bất ngờ giữa đêm. Có khi phải nằm đó cả đêm. Rồi ngủ luôn đến sáng. Thế mà họ
cứ nghĩ là mình đi tu để sướng thân. Nghĩ mà tủi. Nẫu ruột nẫu gan.
Thế rồi
sơ về Việt Nam. Của đáng tội, té ra những gì họ nói là thật. Nó đang diễn ra
nơi đời sống tu trì ở Việt Nam. Không hẳn là hoàn toàn, nhưng lối sống thế tục,
đang là căn bệnh hủy hoại căn tính đời tu. Chợt giật mình thảng thốt. Đời tu
chỉ thế thôi sao?
Sách
Sáng Thế cho thấy người nữ được dựng nên từ xương sườn của người nam. Ađam đã
thốt lên khi thấy Eva, “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.”
Thần thoại nơi một số dân tộc cũng kể con người ban đầu chỉ là một. Nhưng vì
thần linh ghen với sức mạnh của con người nên tách họ ra làm hai cho yếu bớt
đi, thành ra một người nam và một người nữ. Và từ đấy họ không ngừng khao khát
tìm về nhau.
Hóa ra
là vậy. Trong đời sống nhân loại, người nam và người nữ được xem như hai nửa
của nhau. Người kia chính là xương bởi xương mình, thịt bởi thịt mình. Người
kia chính là một nửa của mình. Họ khao khát tìm lại nhau.
Cố
nhiên, cũng có những người đã sẵn sàng từ bỏ nửa kia của mình, thịt xương của
mình để bước theo lý tưởng đời tu. Nhưng rồi, có vô lý không, khi những người
chấp nhận bỏ đi nửa kia của mình, thịt xương của mình, đã chỉ đi tìm những thứ danh lợi tầm thường, vụn vặt, tủn
mủn không xứng? Hy sinh những điều cao quý thiêng liêng để đổi lấy những
thứ tầm thường, trần tục. Có đáng không? Sơ hỏi.
Sơ thêm,
một người đi tu mà không dấn thân, anh sẽ cảm thấy, đến một lúc nào
đó, chán chường, trống rỗng. Bởi bản chất của việc anh chọn là đi qua
cửa hẹp, đi giữa bầy sói, đi vào đồng lúa. Mà nay anh lại muốn an nhàn,
dễ chịu. Tự nơi bản chất đã có sự nghịch lý, mâu thuẫn. Sự mâu
thuẫn khiến cuộc đời trở nên nặng nề, lê lết, trống rỗng.
Như có
lần Đức Phanxicô cảnh báo:
“Chìm ngập trong nền văn hóa tạm gọi là phân
mảnh, tạm bợ, khiến mình chỉ thích sống theo kiểu “tùy chọn” và bị nô lệ bởi
những gì được cho là thời thượng […] đẩy điều tốt đẹp ra khỏi cuộc sống đơn
giản, đồng thời phát sinh nên sự trống rỗng hiện sinh thật lớn”.
Tự hỏi
liệu mình có sống thế tục quá không nhỉ? Chẳng biết nữa. Cũng chưa thấy ai “bắt
tận tay, day tận mặt.” Chắc không đến nỗi. Tự an ủi mình vậy. Nhưng cũng phải
thú thật là mình chẳng thấy mấy dấn thân cho lý tưởng cuộc đời. Thế nghĩa là
sao? Chắc thuộc ngữ mà như bác Gioan nói, không lạnh cũng chẳng nóng. Hâm hẩm.
Cứ sống ngày trong nếp ngày. Từng ngày qua đi. Chậc! Thế thôi…
Quả tình, cũng có đôi ba tí niềm vui. Vui vắn vỏi. Vui tạm bợ. Vui ào
ào. Ờ! Thì cứ cho là vắn vỏi đi, ào ào đi. Vẫn là vui. Hết rồi lại cố nhét vào
một cái vui mới. Hàii… Biết nói sao nhỉ? Có lẽ cái vui đó, với ánh nhìn cảm
thông, như cái vui của những chú chim đủ thóc lúa ở trong lồng. Cửa mở vẫn
không dám bay lên bầu trời, để cảm nghiệm được niềm hoan vui của những chú chim
chao liệng giữa đất trời thênh thang.
Đăng nhận xét