JB. Nguyễn Ninh
Hẳn là nhiều người, thậm chí cả
những người Công giáo, nhìn thấy những đau đớn, bế tắc nơi những người già cả,
bệnh tật đó, đôi khi cũng thắc mắc tại sao Giáo hội không cho phép an tử, để
giúp họ ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản, chấm dứt mọi đau đớn. Giáo hội có
quá hà khắc, lệ luật, thậm chí không có lòng thương cảm? Có cái gì đó lấn cấn
trong tâm trí chúng ta. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhãn quan của Giáo hội trong
vấn đề an tử này.
1. Các luận cứ ủng hộ an tử
Với những người
ủng hộ an tử, chúng ta có thể thấy hai lập luận nổi bật nhất họ đưa ra, đó là
luận cứ lòng thương xót và luận cứ quyền tự quyết cá nhân.[1]
Luận cứ lòng thương xót
Trong các luận
cứ ủng hộ an tử thì luận cứ “giết vì lòng thương xót” là luận cứ phổ biến,
thông thường nhất, tức được nhiều người đưa ra để biện minh cho việc an tử. Đây
cũng là luận cứ xem ra có tính thuyết phục nhất. Quả vậy, mấy ai mà không xót
xa thương cảm khi nhìn thấy một con người phải quằn quại trong đau đớn tột
cùng, hoặc không còn hy vọng gì nữa khi phải sống cả cuộc đời còn lại trong đau
khổ, bế tắc.
Luận cứ giết vì
lòng thương xót cho rằng, việc kết liễu mạng sống của những người đau khổ tột
cùng hoặc những người không còn hy vọng phục hồi, theo ý muốn của chính họ, là
việc làm thể hiện lòng từ bi trắc ẩn, lòng thương xót. Những đau khổ mà họ đang
chịu đựng là quá sức, là vô lý, không nhất thiết phải chịu, và chỉ những ai
đang trải qua mới cảm nhận được nó khủng khiếp biết chừng nào. Do đó, một khi
họ mong muốn, người thầy thuốc cần giúp kết liễu mạng sống của họ, để giải
thoát họ khỏi đau đớn. Việc làm đó là vì lòng thương xót dành cho họ. Trong
trường hợp này, người thầy thuốc không hề có tội hay lỗi gì. Ngược lại, đứng
nhìn họ đau đớn vẫy vùng trong đau đớn mới là tàn ác, là phi nhân.[2]
Luận cứ quyền tự quyết cá nhân
Những người ủng
hộ an tử dựa vào quyền “tự quyết cá nhân” nại đến quyền tự do cá nhân. Những
người này cho rằng, phẩm giá căn bản của con người hệ tại ở tự do, mỗi người
đều có quyền tự do cá nhân được pháp luật bảo vệ. Chẳng hạn như quyền hôn nhân,
sinh sản, giáo dục, cùng các quyền tự do khác. Hơn nữa, vì là xét về chính bản
thân mình, nên họ cho rằng, con người hoàn toàn tự do kiểm soát thân xác và
mạng sống mình. Đó phải là một sự tự do đúng đắn và tuyệt đối vì nó hoàn toàn
xảy ra nơi chính bản thân mình mà không ảnh hưởng đến người khác. Tôn trọng tự
do đó nơi cá nhân là tôn trọng phẩm giá của một con người. Hơn nữa, họ còn cho
rằng, phẩm giá của con người sẽ không nguyên vẹn khi họ phải chịu những đau khổ
vô lý, không đáng. Vì vậy, luận cứ ủng hộ an tử dựa vào quyền tự quyết cá nhân
yêu cầu pháp luật phải bảo vệ quyền được an tử khi bệnh nhân mong muốn được
giúp đỡ để kết liễu mạng sống mình.[3]
2.
Lập luận của Giáo hội
Trước khi bắt đầu tìm hiểu các lập
luận của Giáo hội về an tử, chúng ta biết rằng, Giáo hội không chấp nhận hành
vi an tử. Tuyên ngôn về An tử của Bộ
Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng:
Cần phải khẳng định
cách mạnh mẽ một lần nữa rằng, không ai hoặc không điều gì bằng bất cứ cách
thức nào có thể cho phép việc giết chết con người vô tội, dù đó là phôi, thai,
hài nhi, người trưởng thành, người già, người khổ sở vì bệnh nan y vô phương
cứu chữa hay người hấp hối. Ngoài ra, không ai được phép yêu cầu hành vi giết
người này, dù là cho chính mình hay cho người được ủy thác cho mình coi sóc.
Cũng không được chấp thuận hành vi này, dù là minh nhiên hay mặc nhiên. Không
một quyền bính nào được lấy pháp luật mà khuyên làm hoặc cho phép làm một hành
vi như thế. Bởi lẽ, đây là sự vi phạm thiên luật, là sự xúc
phạm phẩm giá con người, là tội ác chống lại sự sống và là sự tấn công vào cộng
đồng nhân loại”[4]
Sự sống thánh thiêng
và quyền làm chủ của Thiên Chúa
Trong lời khẳng định trên, Giáo hội
cho chúng ta thấy, an tử là một hành vi chống lại thiên luật. Quả vậy đối với
đức tin Công giáo, mạng sống con người có một giá trị thiêng liêng cao cả. Sự
sống là do Thiên Chúa ban. Con người được chia sẻ với sự sống thần linh của
Thiên Chúa vì sự sống con người không chỉ giới hạn trong khi còn sống trên thế
gian nhưng là sự sống muôn đời trong Thiên Chúa.[5]
Chính vì tính thánh thiêng đó mà con người không có quyền xâm phạm đến sự sống
của người khác hay của chính mình.
Sự sống có tính thánh thiêng là do
bởi phát xuất từ Thiên Chúa, do vậy chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên sự sống
và sự chết của con người. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa Thiên Chúa nắm
trong tay quyền sinh sát thì Người tùy tiện đối xử hay đe dọa sự sống con
người, nhưng Người luôn chăm sóc tốt nhất đối với con người. Và không chỉ riêng
Thiên Chúa, nhưng Người con mời gọi con người cùng cộng tác với Thiên Chúa để “bảo vệ và thăng tiến sự sống, tôn kính và
yêu thương sự sống. Con người được mời gọi tham gia cộng tác và trở nên người
quản lý, cộng tác với Thiên Chúa để xây dựng sự sống.”[6]
Thế nhưng, khi nói rằng sự sống có
tình thánh thiêng vì nó phát xuất từ Thiên Chúa, đối với những người không cùng
niềm tin Công giáo, sẽ khó mà thuyết phục được họ. Tuy nhiên, ngoài những lập
luận dựa trên đức tin, Giáo hội còn đưa ra những lập luận cho thấy tính thánh thiêng
của sự sống là cảm nghiệm vốn có trong mọi người. Nỗi sợ hãi cái chết và khát
khao sự sống trong mỗi con người là một cảm nhận tự nhiên sâu xa trong thân
phận con người. Bất cứ ai cũng cảm nhận được giá trị thánh thiêng này nhờ lý
trí. “Giá trị ở đây là một giá trị mà bất
cứ người nào cũng có thể nắm bắt nhờ ánh sáng của lý trí, và vì vậy nó nhất
thiết liên quan tới mọi người.”[7]
Ta cũng biết
rằng, luân lý truyền thống nơi hầu hết mọi tôn giáo, mọi văn hóa không chấp
nhận an tử. Chẳng hạn, lời thề hyppocrates cho thấy, không được giết người vô tội
trong bất cứ hoàn cảnh nào. An tử là đi ngược lại với luân lý truyền thống.
Tính thánh thiêng của sự sống là phổ quát mà như nhà xã hội học Edward Shils
diễn tả: “nếu sự sống không được coi là
thánh thiêng thì chẳng có gì là thánh thiêng nữa.”[8]
Xét
về quyền tự quyết cá nhân
Như đã bàn luận trên đây, sự sống
con người là thánh thiêng, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền trên sự sống
con người. Con người chỉ là quản lý, cộng tác với Thiên Chúa để xây dựng sự sống
đó. Do vậy, con người không có quyền tuyệt đối trên sự sống của chính mình và
tha nhân.
Hơn nữa, xét về mặt xã hội, con
người là một phần tử của một tập thể xã hội, do đó con người không thể cư xử
như một cá nhân đơn lẻ, tách biệt, tự mình quyết định, thích gì thì làm nấy.
Trái lại, con người sống trong xã hội nên phải tùy thuộc vào xã hội. Ngoài
những đặc quyền của một cá nhân khi sống trong xã hội, con người phải tuân thủ
những quy định chung để giữ vững cơ cấu xã hội. Thậm chí lợi ích chung của xã hội
phải đặt trên lợi ích riêng của một cá nhân.
Đức Gioan Phaolô II cho thấy, người
ta đòi quyền tự quyết cá nhân trong việc kiểm soát sự sống là do quan niệm sai
lầm về tự do, tán dương tự do tuyệt đối, sống ích kỷ, không có chỗ cho tình
liên đới, mở ra với tha nhân. Một mặt người ta hô hào nhân quyền, tôn trọng
phẩm giá con người, mặt khác họ lại kêu gào đòi quyền được giết chết sự sống
con người. Đây là một nghịch lý đau đớn tấn công trên sự sống con người.
Quả vậy, khi hợp pháp hóa quyền
được an tử, sự sống không còn là một ranh giới bất khả xâm phạm. Cái hàng rào “ngươi
không được giết người” (Xh 20,13) đã bị lật nhào, khiến người ta coi rẻ sự
sống, có nguy cơ thay đổi nhận thức xã hội về những người già, người bệnh,
người thiểu năng, những người yếu thế, những người bị loại bỏ, bị gạt ra ngoài lề
xã hội, bị đàn áp. Chính họ đến một lúc nào đó, dù muốn hay không, phải biện
minh cho sự hiện hữu của chính mình. Họ nên sống hay nên chết? Họ có giá trị
gì, gánh nặng gì cho xã hội? Đó là lúc mà con người sống trong xã hội đáng ra
phải được nâng đỡ nhất thì lại bị ghẻ lạnh, cô độc, loại trừ. Người ta đem sự
sống ra bỏ phiếu nhân danh tự do cá nhân, số đông sẽ được ủng hộ. Cuối cùng thì
tự do cá nhân đã trở thành thứ tự do của kẻ mạnh đàn áp, chống lại những kẻ yếu
bị buộc phải khuất phục. Lúc này thì cái gọi là quyền tự quyết cá nhân đã khiến
những hô hào tôn trọng phẩm giá con người của các quốc gia trở thành sự chối
bỏ, loại trừ chính con người. [9]
Xét
về lòng thương xót
Lòng thương xót là một luận cứ mạnh
mẽ được nhiều người ủng hộ an tử nêu ra. Quả vậy, thật khó mà không động lòng
trắc ẩn trước những nỗi đau đớn tột cùng, những bế tắc tuyệt vọng của những
người đang phải gánh chịu những đau đớn đó. Là một con người, không chỉ những
người đang phải chịu mà ngay cả những người chứng kiến lắm khi cũng cầu mong
cho họ được chết lành. Có một người bạn sau khi xem một bộ phim về chủ đề đau
khổ và an tử, đã cảm thấy bực mình và hỏi tôi tại sao Giáo hội lại không cho
phép họ được an tử. Anh thừa biết luật Giáo hội không cho phép nhưng vẫn thấy
khó chịu. Bộ phim đã quá thuyết phục được anh, đánh trúng vào lòng trắc ẩn của
anh trước những hoàn cảnh đớn đau nghiệt ngã.
Lòng trắc ẩn là một cảm nghiệm
chung với tất cả mọi người. Tuy nhiên, đối với luân lý Kitô giáo, lòng trắc ẩn
không bao giờ được dùng để biện minh cho các hành vi luân lý. Không thể lấy mục
đích biện minh cho phương tiện. Trong trường hợp lòng trắc ẩn đòi quyền được an
tử, xâm phạm trực tiếp đến sự sống là bất nhân, là không thể chấp nhận được. Lòng
trắc ẩn đó chúng ta có thể hiểu được nhưng nó bị bóp méo, bị đặt sai chỗ.[10]
Thay vì nhân danh lòng thương xót
để giết chết người vô tội, chúng ta cần phải đặt lại lòng thương xót của mình
đúng chỗ. Thật vậy, những người già, người bệnh là những người đang ở trong
giai đoạn cần nhất đến tình yêu thương, sự quan tâm nâng đỡ chia sẻ của chúng
ta. Chúng ta cần để ý tới nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của họ. Với những kỹ
thuật y tế hiện đại ngày nay, chúng ta có nhiều phương tiện để giảm bớt đau đớn
thể xác cho họ. Hơn nữa, theo các nghiên cứu thì “ít khi bệnh nhân phải khổ sở vì nỗi đau ngoài sức chịu đựng. Đúng ra,
họ bày tỏ những nỗi lo sợ: sợ mất tự chủ bản thân, sợ trở thành gánh nặng, sợ
phải sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác và sợ mất sự đàng hoàng phẩm
giá thường thấy ở người bệnh trong giai đoạn cuối.”[11]
Do vậy, điều quan trọng trên hết là
nghĩa cử tình yêu, chăm sóc, quan tâm ta dành cho họ. Chúng ta phải thực sự
thấu hiểu điều này để tận tâm dốc lòng lo lắng cho họ. Không để người già, người
đau bệnh cảm thấy mình là gánh nặng, vì ta thật tâm chăm sóc và muốn phục vụ,
chia sẻ, động viên họ. “Sự đồng cảm chân
thật khiến ta chia sẻ nỗi đau của người khác chứ không giết chết người đang
chịu sự đau khổ mà ta không mang được nỗi đau ấy.”[12]
Hơn nữa, thật đau lòng khi những người thân thích với họ lại là những người
làm việc đó, cả những người thầy thuốc là lương y để cứu sống thì lại giết chết
thì thật mâu thuẫn.
Xét
về những ý nghĩa của đau khổ
Đức Gioan
Phaolô II cho thấy, một trong những lý do khiến người ta bằng mọi giá đòi quyền
an tử là vì họ đã không còn ý thức được giá trị ý nghĩa của đau khổ. Thật vậy
nền văn hóa chúng ta đang cổ xúy một lối sống hưởng thụ cá nhân. Những gì là
sung sướng, thỏa mãn, là khỏe mạnh, đẹp đẽ, trẻ trung thì được tôn sùng. Còn
những gì là đau khổ, là tuổi già, bệnh tật lại bị xem là ghê tởm, không thể
chấp nhận được, phải tránh, phải loại trừ bằng mọi giá. Đây là hậu quả của một
nền văn hóa vắng bóng Thiên Chúa, loại trừ những giá trị siêu việt, thiêng
liêng. Chính khi không cảm nhận được về ý nghĩa siêu việt của đời mình, khi xem
cuộc đời chỉ là những gì nơi một cuộc sống hữu hạn, hưởng lạc vật chất, sự nối
kết giữa con người và Thiên Chúa bị bẻ gãy khiến con người bơ vơ tuyệt vọng
trong những giới hạn của chính mình. Cuộc sống với những gánh nặng hiện sinh
trở thành một thứ không thể chịu đựng, không muốn chịu đựng. Gánh nặng giờ đây
không chỉ là những nỗi đau của thể xác nhưng nghiêm trọng hơn, là sự tuyệt vọng
bế tắc của hư vô trống rỗng.[13]
Tuy nhiên, trong nỗi bế tắc và bạo
loạn đó, Thiên Chúa vẫn mở ra cho con người một niềm hy vọng để họ tìm lại được
ý nghĩa cuộc đời mình, tìm lại được những giá trị nơi đau khổ, lẫn sự chết.
Niềm hy vọng đó chính là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người. Người đã đồng
hành với những nỗi đau khổ của con người. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, một vị
Thiên Chúa toàn năng, không tì vết lại phải xuống trần gian, sống
cuộc đời cùng cực của một con người, từ khi sinh ra cho đến lúc
chết. Vì yêu mà vốn là Thiên Chúa, Người đã trở nên trọn vẹn một con
người ở đáy cùng cực mà ngay cả một người thấp hèn khốn quẫn nhất
vẫn tìm thấy nơi Người có cái gì đó thê thảm như mình. Một sự gần
gũi, cảm thông sâu sắc. Nhờ đó mà họ dám đến với Người và tìm được
ủi an, nâng đỡ.
Chúng ta không thể trốn tránh
gánh nặng cuộc đời mình. Chúng ta phải đảm đương nó. Nhưng chúng ta
không cô đơn. Chúng ta có Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã từng trải qua những
đau đớn như chúng ta và còn hơn nữa. Chúa Giêsu hiểu chúng ta. Người đi với chúng
ta, đồng hành với những đau khổ cuộc đời chúng ta; nâng đỡ, ủi an
chúng ta giữa cuộc đời là biển cả nước mắt này.
Hơn nữa, như Chúa Giêsu đã hứa,
càng chịu đau khổ vì danh Người thì chúng ta càng có một niềm hy vọng lớn lao
được sự sống đời đời. Khi thấy hai chị em Matta và Maria cùng nhiều người đau
buồn, khóc thương cho kẻ đã chết, thì Người chạnh lòng thương và an ủi họ: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai
tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ
không bao giờ phải chết” (Ga 11, 15-16). Người đã chữa nhiều kẻ bị bệnh tật
về thể xác, đặc biệt đã cứu anh Ladarô sống lại từ cõi chết. Tuy vậy, qua phép
lạ này, Chúa Giêsu không chỉ cho thấy Người có thể làm cho con người sống lại
từ cõi chết, để họ được sống thêm một khoảng thời gian nữa trên cõi đời này;
nhưng trên hết, Người muốn họ tin rằng, Người có thể ban cho thân xác và linh
hồn họ được sống lại sau khi đã trải qua cái chết thể xác ở đời này, như chính
lời cô Matta thưa với Chúa: “Con biết em
con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11, 24), và
hơn thế nữa, đó sẽ là cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng, miễn là họ sống và tin vào
Người.
Báo “Tuổi Trẻ
Cuối Tuần” ngày 05/11/2017 có đăng câu chuyện về Betsy[14], một người mắc bệnh hiểm
nghèo, đã xin được chết nhờ sự trợ giúp của y học. Trong ngày cuối cùng của
cuộc đời, cô đã tổ chức một bữa tiệc mừng, và mời nhiều người bạn đến tham dự
bữa tiệc đó với điều kiện không ai được khóc, ai cũng phải vui cười. Chính bản
thân cô cũng tươi cười với mọi người, như thể đó là ngày hạnh phúc của đời cô.
Khi tiệc đã tàn và đến giờ tiêm thuốc trợ tử, vị bác sĩ đưa cô vào phòng cách
ly. Tất cả mọi người đã rơi lệ. Cô nhìn thấy mọi người khóc và chính cô cũng
rơi lệ. Khi cánh cửa phòng đóng lại, có một tiếng hét phẫn uất gào thét lên từ
trong phòng kín. Đó là tiếng hét của nỗi tuyệt vọng, của sự bất mãn, của sự
không chấp nhận.
Con người sợ đau khổ, sợ chết. Thế
nhưng, người Kitô hữu can đảm đối diện với đau khổ, với cái chết, bởi chúng ta
có một niềm tin, một niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta tin Chúa Giêsu
là Con Thiên Chúa đã đến thế gian, chịu chết vì tội chúng ta để cứu chuộc chúng
ta. Những người công chính, sau khi trải qua cái chết nơi trần gian này, sẽ
được “sống muôn đời với Đức Kitô phục sinh, Đấng sẽ làm cho họ sống lại vào
ngày sau hết” (GLHTCG số 989).
Như vậy, chúng ta tin đau khổ hay cái chết không thể làm cho cuộc đời chúng ta
ra hư vô. Cuộc đời nơi dương thế không còn là cuộc đời duy nhất chúng ta có, mà
thực ra đó chỉ là cuộc sống tạm bợ ngắn ngủi. Cuộc đời mà chúng ta mong chờ
chính là sự sống lại vĩnh cửu sau khi chết. Chính vì vậy, sự đau khổ, sự chết
đối với chúng ta không còn là một định mệnh không thể tránh hay phải cam chịu,
nhưng là cánh cửa đưa chúng ta vào cõi sống vĩnh hằng hoan lạc cùng với Chúa
Giêsu Kitô.
Tạm
kết
Niềm tin vào sự sống vĩnh cửu đời
sau giúp người Kitô hữu sống bình an, thanh thản, can đảm đối diện với đau khổ,
với sự chết. Chúng ta tin Chúa Giêsu Kitô và sống theo lời Người dạy, dám đón
nhận đau khổ để cùng kết hiệp với những đau khổ của Người, chúng ta dám chết
cho tội lỗi (Rm 6, 11), chết cho con người cũ, cho xác thịt (Rm 6 – 8), cho
những gì thuộc về thế gian (Cl 2, 20). Các thánh tử đạo đã chết để làm chứng
cho niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cũng chết mỗi ngày trong cuộc đời
chúng ta những xấu xa, tội lỗi, để làm chứng về Người và như lời của thánh
Phaolô, chúng ta có niềm hy vọng được sống lại cùng Người (2 Tm 2, 11). Một khi vượt qua những đau khổ và
sự chết thể xác vì danh Chúa Giêsu Kitô, ta được sống lại cùng Người, được
hưởng một cuộc sống viên mãn đời đời và sẽ không bao giờ phải chết (Ga 11, 26)
hay phải đau khổ nữa.
[1] X. Trần Mạnh Hùng, an tử và trợ tử dưới nhãn quan thần học luân lý, Dg. Nguyễn Đình Diễn (Hà Nội: Tôn Giáo, 2004), tr. 92
[2] X. Trần Mạnh Hùng, sđd, tr. 92-93.
[3] X. Trần Mạnh Hùng, sđd, tr. 95.
[4] Trần Mạnh Hùng, sđd, tr.
327.
[5] X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin mừng
sự sống (1995), số 38.
[6] Ibid., số 42.
[7] Ibid., số 101.
[8] Trần Mạnh Hùng, sđd, tr. 111.
[9] X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin mừng
sự sống (1995), số 19.
[10] Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin mừng sự
sống (1995), số 57.
[11] Trần Mạnh Hùng, sđd, tr. 134.
[12] Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin mừng sự
sống (1995), số 66
[13]
Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin mừng sự sống (1995), số 23.
[14] X.
Quỳnh Trung (chuyển ngữ), “Buổi
lễ tái sinh của Betsy,” truy cập ngày 10-08-2021, https://tuoitre.vn/buoi-le-tai-sinh-cua-betsy-1406173.htm.
Đăng nhận xét