Tính luân lý của việc phá thai và an tử theo Giáo lý Công giáo

 

Phong Trần

 

DẪN NHẬP

Con muốn tỏ cho mẹ cha được biết

Con đã là người với tim óc, tứ chi

Mẹ cha đừng nghĩ, con chẳng biết gì

Chỉ có nói là con chưa biết nói!

[…]

Cho con ra đời – dù không hoan hỷ

Bỏ con nơi bố thí, viện tế bần

Dù cùng cực, sống khốn khổ bần dân

Con muốn sống muôn ngàn lần hơn chết!

[…]

Con lạy mẹ cha trăm ngàn lạy nữa

Hãy để con – cho con được sinh ra!

Ngày chào đời bằng tiếng khóc oa oa

Chính là ngày con vô cùng sung sướng![1]

Lời khẩn nài thống thiết trên như thay cho bao tiếng kêu cứu, van xin của những thai nhi vô tội bị tước đi quyền được sinh ra trên trái đất này. Bài thơ trên đã gióng lên một hồi chuông báo động về vấn nạn phá thai đã và đang lan rộng ra trên thế giới từ hơn hai mươi năm trước, đã từng làm thổn thức biết bao những tâm hồn có lòng trắc ẩn. Những người phò sinh thì cho rằng cần phải tôn trọng và bảo vệ sự sống con người, phá thai là một hành vi vô đạo đức, là hành động giết người nên cần phải bị lên án và nghiêm cấm. Những kẻ ủng hộ phá thai thì cho rằng đó là quyền tự do của phụ nữ, và bào thai chưa phải là một con người thật sự nên không cần phải nghĩ ngợi gì về đạo đức, luân lý…

Cùng với nạn phá thai, an tử cũng là một vấn đề thách đố và nan giải trong thời đại hôm nay. Những cuộc tranh luận về an tử luôn là một chủ đề nóng được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn đạo đức sinh học. Nhưng phải nhìn nhận rằng, việc tranh luận về việc an tử đã và đang diễn ra trong bối cảnh mà chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa cá nhân, và trào lưu tục hóa đang bành trướng khắp nơi, đặc biệt ở phương Tây. Do đó, các khái niệm như quyền tự quyết cá nhân, quyền được chết, hành vi giết người vì nhân đạo, tính chất luân lý của việc kết liễu mạng sống con người vô tội đang có nguy cơ gây ngộ nhận và làm lung lạc những nguyên tắc luân lý cơ bản cho con người thời đại.

Là một người Kitô hữu, chúng ta cần phải tìm hiểu những quan điểm chính thức của Giáo hội về hai vấn đề phá thai và an tử sao cho chính xác và rõ ràng nhất để không chỉ giúp bản thân mình mà còn giúp cho người khác hiểu được ý nghĩa và bản chất của hồng ân sự sống, là một món quà và là ý định của Thiên Chúa chứ không phải tuỳ thuộc vào quyết định của con người.

I. VẤN ĐỀ PHÁ THAI

1.  Một vài số liệu

Hiện nay não trạng phá thai đã và đang lan tràn khắp nơi. Mỗi năm trên thế giới có khoảng trên bốn mươi hai triệu ca phá thai, tức là bốn mươi hai triệu em bé bị tước đoạt quyền sống, tương đương với một nửa dân số Việt Nam bị tiêu diệt.

Chỉ riêng ở Việt Nam, dù chưa có luật tự do phá thai vậy mà tỉ lệ phá thai cao gấp ba lần nước Mỹ, mặc dù tổng số dân chỉ bằng 1/4 nước họ (nước Mỹ hơn 350 triệu dân, với tỉ lệ phá thai khoảng một triệu ca/năm). Thậm chí, con số này còn cao hơn cả tổng số ca ở các nước thuộc Liên Minh Châu Âu cộng lại.

Theo giáo sư bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP. HCM - cho biết: thực trạng nạo phá thai rất đáng lo ngại. Mỗi năm, tại Việt Nam, có khoảng bảy trăm ngàn phụ nữ nạo phá thai. Riêng ở TP. HCM, với khoảng bảy triệu dân, mỗi năm có khoảng hơn một trăm ngàn ca sinh, nhưng số ca nạo phá thai cũng tương đương. Tại Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm tổng số sinh khoảng 45.000 người nhưng nạo phá thai hơn 30.000 người và tổng số 1,2-1,6 triệu ca mỗi năm. Cả nước có 5% em gái sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước hai mươi tuổi”. Còn theo bác sĩ Mai Hoa, Trung tâm Sức khỏe sinh sản Hà Nội cho biết, nhóm đối tượng đến phá thai tại trung tâm khoảng 150-180 người/tháng, trong đó, số thanh niên chưa lập gia đình chiếm khoảng 30%. Dù tất cả các trường hợp đến phá thai đều được tư vấn, nhưng rất nhiều người quay trở lại phá thai lần hai… Còn tại khoa Kế hoạch hóa gia đình - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trung bình mỗi năm có từ 12.000-15.000 ca nạo hút thai các loại. Trong số ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có 60-70% là học sinh, sinh viên.

2.  Vấn đề phá thai theo quan điểm Giáo hội

Luân lý Kitô giáo không được phép nạo phá thai. Ta hãy nhìn lại nền luân lý này, khởi đi từ Kinh thánh rồi tới Giáo huấn của Giáo hội.

Cựu ước

Giá trị của con người được đề cập trước hết trong Sách Sáng Thế. Trong đó, ta có thể thấy tiến trình và thứ tự qua đó Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, ánh sáng, bầu trời và muôn vật muôn loài. Khi đã có mọi thứ trên trái đất, Thiên Chúa nhận thấy rằng, cần phải có con người để điểu khiển mọi loài và Người sáng tạo con người là một sinh vật cao quý nhất trong vũ trụ. 

Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (St 1,26-27).

Chúng ta thấy, Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Chúa để con người là hiện thân của Thiên Chúa trên trái đất, để điều khiển những sinh vật khác. Hình ảnh của Thiên Chúa nói lên rằng, con người có một giá trị nội tại lớn lao, luôn luôn cho thấy ân sủng của Thiên Chúa bất kể điều gì xảy ra. Không một sinh vật nào có được đặc ân là hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này làm cho con người có giá trị hơn nhiều những sinh vật khác.

Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, họ luôn luôn có giá trị “là người” tại bất cứ lúc nào. “Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 9,6). Câu Kinh Thánh trên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Có thể hiểu thêm rằng, mặc dù đứa trẻ chưa được sinh ra, nó đã có giá trị trọn vẹn của một con người. Trong suốt thai kỳ, đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng sức sống của người mẹ truyền cho nó, từ khi còn là một cái phôi chưa có đủ hình ảnh của một con người, dù chưa có đủ não, tim, tay chân… thì nó vẫn là một sự sống. Nó đã là hình ảnh của Thiên Chúa rồi. 

Trong một gia đình, đứa con là một sợi dây liên kết giữa vợ chồng. Người chồng có thể tìm thấy trong đứa con mang nhiễm sắc thể của mình và người vợ cũng thế. Họ nhận ra hình ảnh của mình trong chính đứa con của họ. Đứa con sẽ mang những đặc điểm của cha mẹ, và đứa con không những phản ánh cha mẹ nó, nhưng còn là hình ảnh của Thiên Chúa. Tình mẫu tử là một sự thánh thiêng của chức năng làm mẹ và chức năng này thực sự là một ân ban. Lý trí và ý chí đã có trong hình ảnh của Thiên Chúa và không cần đợi đến khi được sinh ra để cho hình ảnh của Thiên Chúa được xác nhận rõ ràng hơn.

Thiên Chúa ban cho con người có một ơn trổi vượt ngay từ ban đầu: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28). Con người có thể tiếp tục tồn tại và họ tôn vinh Thiên Chúa bằng sự cộng tác của mình trong việc sáng tạo. Thiên Chúa muốn con người lãnh nhận ân huệ của Người để làm chứng cho tình yêu của Người trong vũ trụ này. Bởi đó, khi phá thai, con người đã đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa.

Thiên Chúa chúc lành và thánh hóa đứa trẻ từ khi nó còn trong bụng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi” (Tv 139,13-14). Một đứa trẻ chưa được sinh ra thì đã được xem là khởi đầu cho một sinh vật mới. Trong sách Gióp, chúng ta cũng thấy một đoạn nói về việc tạo dựng của một thai nhi:

Chính tay Ngài đã tạo tác nên con, chẳng lẽ Ngài đổi ý mà huỷ diệt? Xin Ngài nhớ cho: Ngài đã tạo ra con bằng đất sét, rồi lại đưa con trở về cát bụi. Há chẳng phải Ngài đã tạo nên con như sữa lỏng, rồi làm con đặc lại như bơ? Ngài đắp lên con bằng da bằng thịt, rồi lấy gân lấy cốt mà dệt mà thêu. Ngài đã ban cho con tình thương và sự sống, quan tâm đến từng hơi thở của con (G 10,8-12).

Như vậy, Thiên Chúa đã quan phòng con người từ khi con người chưa lọt lòng mẹ. Một cách cụ thể hơn, Nicanor Pier Giorgio Austriaco nhận định rằng “Từ giây phút thụ thai, phôi người là con người duy nhất”[2]. Những nghiên cứu khoa học gần đây cũng cho thấy có những dấu chỉ đáng kể về cuộc sống con người ngay từ giây phút thụ thai. Điều này có nghĩa là một đứa trẻ chưa được sinh ra đã thực sự là người dù cho nó còn trong bụng mẹ. Austriaco cho biết: “Từ giây phút thụ thai, hợp tử là một con người riêng biệt”[3] và John Rziha nói rằng: “Một người thì được xem như là người ngay từ giây phút đầu tiên của việc thụ thai”[4].

Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa thì “vô thuỷ vô chung, nghĩa là không phụ thuộc vào thời gian. Vì vậy, giá trị của con người cũng không phụ thuộc thời gian. Điều này muốn nói rằng, tuổi thọ của một người không quyết định giá trị của người đó. Một đứa trẻ hai tuổi không có hề có giá trị “người” hơn so với đứa một tuổi, bởi vì: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Vì vậy, ta không thể nói phôi thai mới một tuần tuổi thì ít giá trị “người” hơn đứa bé một tuổi.

Những suy tư triết học cũng bổ túc cho ý tưởng này là con người đáng được tôn trọng ngay khi trong bụng mẹ. Charles Camosy nói rằng, bất cứ hữu thể nào có bản chất lý trí thì được xem như là người vì hữu thể đó có tiềm thể chủ động cho việc trở thành người. Một cái cây có tiềm thể để trở thành một cái bàn, nhưng cần có một ngoại lực để làm điều đó. Một người thợ mộc có thể làm một cái bàn từ cây, còn cái cây có tiềm năng thụ động trở thành chiếc bàn. Trái lại, một hạt bắp có tiềm năng chủ động trở thành cây bắp mà không cần ngoại lực. Vì thế, đứa trẻ chưa được sinh ra có tiềm năng chủ động để trở thành một con người hoàn chỉnh[5]. Mặc dù phôi chưa là một người hoàn chỉnh theo nghĩa có đủ chi thể, não, tim và thân mình, nhưng nó thực sự là một con người. Một đứa bé trai không có râu, nhưng nó sẽ trở thành một người đàn ông trưởng thành và sẽ có râu. Chúng ta không thấy râu của đứa bé đó, không có nghĩa là nó không thể trở thành một người đàn ông trưởng thành. Khi một đứa trẻ được sinh ra, nó chưa thể nói, nhưng chúng ta không thể kết luận là nó bị câm. Con người cần có thời gian để phát triển và họ luôn mang hình ảnh của Thiên Chúa dù ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời.

Tân Ước

Tin Mừng Luca cho thấy rằng, sự sống thực sự bắt đầu từ khi Thiên Chúa có ý định, và Thánh Thần thực hiện điều đó. Đức Maria thực sự đã cưu mang Đấng Cứu Thế khi Đức Maria thưa lời “xin vâng” khi nhận được sứ điệp từ Sứ thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Từ đó trở đi, Đức Maria đã trở thành Thân mẫu của Thiên Chúa mà không cần phải đợi tới khi Đức Giêsu được sinh ra.

Chúng ta có thể thấy điều đó với sự xác tín rằng, phôi thai thì đã là con người trong bụng mẹ qua trình thuật Đức Maria đi thăm viếng bà Elisabet:

Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc (Lc 1,41).

Rõ ràng là thánh Gioan Tẩy Giả đã nghe tiếng chào của Đức Maria và nhảy lên trong bụng mẹ. Danh từ “đứa con” đã được dùng ở đây chứ không phải là từ “phôi thai” hay một từ nào khác. Chúng ta thấy rằng đứa trẻ đã có cảm nghiệm được tương quan xã hội trong trình thuật này. Nếu như “phôi thai” chỉ được xem như là một tài sản thì nó không có hành vi nhân linh và sự cảm nhận. Sự cảm nhận của Gioan Tẩy Giả khẳng định rằng, ngài đã thực sự là người hoàn chỉnh dù chưa lọt lòng mẹ. Đức Maria muốn viếng thăm bà Elisabet để chúc mừng đứa con của bà chứ không phải để chúc mừng một tài sản hay bất cứ cái gì khác. Tác giả Tin Mừng nói rõ ràng rằng, đứa trẻ đã “nhảy lên” để chào đón Đức Maria. Điều này cũng cho thấy đứa trẻ Gioan đã hành động như một con người, có một chiều kích xã hội với mọi người và với môi trường xung quanh dù chưa được sinh ra.

Chương đầu của Tin Mừng Luca cũng cho ta thấy việc con người được tạo thành là hoàn toàn do thánh ý của Thiên Chúa: khi Thiên Chúa muốn Đức Maria thành Thân mẫu của Đấng Cứu Thế thì người lập tức trở nên một người mẹ và Đức Giêsu trở thành một con người. Đứa trẻ không cần phải đợi tới khi được sinh ra để được gọi là con người. Vì vậy, một đứa trẻ trước khi sinh ra là một hồng ân của Thiên Chúa, một giao ước Thiên Chúa thực hiện với con người.

Một đứa trẻ, dù chưa chào đời vẫn được xem như một con người thực sự rồi. Chúng ta có thể nhận ra điều đó ngay trong cuộc sống đời thường. Khi một phụ nữ mang thai, những người bạn và họ hàng của cô thường hỏi thăm đứa trẻ như thế nào, con trai hay con gái, là con thứ mấy trong gia đình... Người ta không hỏi đó là “cái phôi” hay “hợp tử thứ mấy” nhưng hỏi là “đứa con thứ mấy” trong gia đình. Các cặp vợ cũng chồng thường nói với nhau: “Chúng ta phải chuẩn bị một số thứ để chăm sóc đứa con của chúng ta” chứ không nói: “chúng ta chăm sóc cái phôi…”. Mặc dù đứa bé vẫn ở trong bụng mẹ, nhưng người ta thường dùng chữ “đứa trẻ” hay “đứa con” để nói về nó. Như thế, ngay cả trong ngôn ngữ hằng ngày cũng phản ánh một thực tại là “phôi thai” đã thực sự là một đứa trẻ, là sự sống.

Theo Giáo huấn của Hội Thánh

Giá trị của sự sống rất đáng quý và giáo lý Giáo hội Công giáo khẳng định điều này:

Sự sống con nguời phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, con người phải được kẻ khác nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội (GLHTCG, số 2270).

Con người, đặc biệt là những người Công giáo, phải tuân theo điều luật này và tôn trọng sự sống để hoàn thành những điều mà Thiên Chúa muốn con người thực hiện.

Giáo hội Công giáo dạy rằng, con người có linh hồn và thân xác. Tuy nhiên, Giáo hội không trả lời chắc chắn là khi nào thì một người có linh hồn. Mặc dù khoa học cũng không thể chứng minh thực nghiệm khi nào thì linh hồn được phú vào trong con người. Kết luận của khoa học về phôi người cũng cho thấy những dấu chỉ đáng kể về việc sử dụng lý trí của phôi ngay từ lúc mới thụ thai. Làm sao một người có thể trở thành một con người nếu trước đó anh ta đã không phải là người? Thật vậy, một cái phôi không thể là một con người nếu nó không phải là con người trước đó. Người ta phải cần đối xử với những cái phôi như những con người thực sự. Người ta có thể gây ra một cái chết oan uổng cho một phôi người nếu người ta chỉ xem chúng không phải là những con người. Nói cách khác, thậm chí chúng ta không biết chính xác khi nào chúng ta có linh hồn thì chúng ta vẫn phải tôn trọng sự sống. Có thể là một cái phôi có linh hồn có nghĩa là chúng ta phải tôn trọng sự sống của nó.[6]

Trong Thông điệp Tin Mừng về sự sống, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nhận định rằng, nghiên cứu của khoa học trên phôi người cũng cho những bằng chứng rằng sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Tuy nhiên, Giáo hội cũng khẳng định rằng, nghiên cứu khoa học thì chưa đủ quyết định khi nào sự sống bắt đầu vì con người còn có linh hồn ngoài thân xác. Khoa học không thể nói về linh hồn. Đó là tại sao chúng ta không thể chỉ dựa vào khoa học để kết luận khi nào sự sống con người bắt đầu (Xc. Thông điệp Tin Mừng sự sống, số 60).

II.     VẤN ĐỀ AN TỬ

3.  An tử là gì?

Thuật ngữ Euthanasia, Euthanasie bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp (Eunghĩa là cao quý, còn thanatos nghĩa là chết), Euthanasie được hiểu là “cái chết êm ái” hay “cái chết hạnh phúc, chết không đau đớn”, nhằm nói đến cái chết của những người già yếu, bệnh tật, chết bằng cách uống thuốc độc. 

Từ điển Công giáo thì giải thích: “An: sự thư thái ; Tử: chết. An tử: chết một cách thư thái, nhẹ nhàng. Vậy, an tử còn gọi là chết êm dịu, là hành vi chủ động (làm cho chết) hay thụ động (không dùng các phương tiện khả dĩ) nhằm kết thúc sự sống của những người bệnh không còn hy vọng được chữa lành, chấm dứt sự đau khổ do bệnh tật gây nên”.[7]

Đức Gioan Phaolô II thì định nghĩa:

Chết êm dịu nghĩa là một hành động hay một sự bỏ qua mà tự nó và ý hướng gây ra cái chết, với mục đích xóa bỏ mọi đau khổ. Đó là hành vi làm cho người nào đó chết một cách không đau đớn do những bệnh tật nan y vô phương cứu chữa.[8]

Ý nghĩa chết êm dịu thay đổi vào thế kỷ XVII, thuật ngữ  euthanasia chỉ những hành vi của thầy thuốc để làm giảm đau đớn cho bệnh nhân đang hấp hối. Vì thế, an tử còn gọi là chết êm dịu (euthanasia) mặc lấy nghĩa là trợ giúp cho cá nhân được chết sớm hơn hoặc tự tử. Sang thế kỷ XX, ngoài việc trực tiếp làm cho một bệnh nhân mắc bệnh nan y chết êm dịu theo ý muốn của người ấy, từ euthanasia còn mang một ý nghĩa rộng hơn, tiêu cực hơn và ám chỉ việc trực tiếp làm cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y hoặc bị điên phải chết ngoài ý muốn của họ. Phương pháp này đã được Đức Quốc Xã thực hiện rộng rãi, cho đó là hợp lý và hợp pháp. Hậu quả là Đức Quốc Xã tàn sát tập thể những người già yếu, thiểu năng tâm lý và khuyết tật thể lý. Kể từ đó, ý niệm về cái chết tự nguyện và không tự nguyện trở nên quan trọng hơn cho việc định nghĩa hai từ an tử (chết êm dịu).

Vì thế, để có định dễ hiểu ta cần phải phân biệt: an tử chủ động và an tử thụ động.[9]

An tử chủ động: nghĩa là bệnh nhân còn tỉnh táo để quyết định xin được chết sớm hơn, thường là bác sĩ, y tá hay người nhà bệnh nhân giúp bệnh nhân tìm đến cái chết. Luân lý và truyền thống Giáo hội Công giáo còn phân biệt chết êm dịu chủ động tự nguyện (voluntary active euthanasia) và chủ động không tự nguyện (non- voluntary active euthanasia).

An tử chủ động tự nguyện: là việc “cố ý giết chết bệnh nhân hấp hối” theo yêu cầu rõ ràng và sự ưng thuận hoàn toàn của bệnh nhân. Trường hợp này còn gọi là tự tử với sự trợ giúp của thầy thuốc (physician assisted suicide). Thí dụ: bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, không còn hy vọng điều trị hồi phục, không muốn kéo dài tình trạng đau đớn, và yêu cầu bác sĩ tiêm cho mình liều cao thuốc morphine để chết. Bác sĩ đồng ý và thực hiện điều này.

An tử chủ động không tự nguyện: những người không còn có khả năng bày tỏ sự ưng thuận cách tự do và không hiểu biết về những gì sẽ xảy ra cho mình, như người bệnh tâm thần, bệnh nhân tình trạng thực vật, hôn mê sâu. Thí dụ bệnh nhân ở trạng thái thực vật vài năm, gia đình yêu cầu bác sĩ tiêm thuốc cho bệnh nhân chết, bệnh nhân không hề biết cái chết đang xảy ra cho mình.

An tử thụ động: là việc mà khi bệnh nhân hôn mê, trẻ sơ sinh chưa có ý thức được bác sĩ, ý tá hay một người nào đó giúp đỡ để cái chết được đến sớm hơn. Có nghĩa là “để cho chết”, tức là không điều trị hoặc đình chỉ điều trị nhằm kéo dài sự sống, vì thế bệnh nhân sẽ chết vì bệnh hoặc vì chấn thương. Với ý nghĩa hiện đại của nó, an tử thụ động còn được định nghĩa là một hành vi cố ý giết chết những người bị bệnh hoặc bị chấn thương ở mức vô vọng vì lý do nhân đạo. Cuối cùng, thuật ngữ euthanasia còn được dùng với ý nghĩa đặc biệt để nói việc “giết người vì thương xót”, có nghĩa là nhằm chấm dứt nỗi đau hay giúp trẻ sơ sinh bất thường, những người tâm thần và những bệnh nhân vô phương cứu chữa được chết sớm.

Khái niệm trên cho ta thấy rằng, hành vi giết người cách êm dịu là một hành động hay một sự bỏ sót với ý định gây ra cái chết cách nhanh chóng cho một người để tránh mọi đau đớn cho người ấy.[10]

An tử khác với quyết định khước từ việc “bám riết điều trị”. Không phải là an tử khi từ chối các can thiệp của y khoa khi nhận thấy những can thiệp này không còn tương hợp với tình trạng thực tế của bệnh nhân, không cân xứng với bất cứ kết quả nào mà người ta có thể chờ mong, và tạo ra gánh nặng quá mức trên bệnh nhân và gia đình. Giáo hội dạy trong những trường hợp như thế, khi biết cái chết đang gần kề và rõ ràng không tránh khỏi, với lương tâm có thể khước từ những biện pháp điều trị vốn chỉ bảo đảm kéo dài đời sống nặng nhọc và mong manh, nhưng vẫn phải tiếp tục những chăm sóc bình thường phải có cho bệnh nhân, phải cung cấp cho họ những phương tiện điều trị thông thường. Thật vậy, bỏ qua các can thiệp hay điều trị ngoại thường thì không phải là an tử, việc này “có thể xem là hợp pháp”theo cách này, ta không muốn đưa đến cái chết, nhưng chấp nhận vì không thể ngăn cản được cái chết” (GLHTCG, số 2278).

An tử khác với trợ tử (physician-assisted suicide: tự tử với sự trợ giúp của bác sĩ). Cũng giống như an tử là sự trợ giúp của bác sĩ trong việc kết liễu mạng sống của người bệnh, nhưng khác biệt ở mức độ tham gia của bác sĩ. Với an tử, bác sĩ là người thực hiện “hành vi cuối cùng”, thường là một mũi tiêm; họ đóng vai trò chính yếu, là nguyên nhân gây ra cái chết cho bệnh nhân. Còn với trợ tử, bệnh nhân đóng vai trò chính yếu khi họ là người thực hiện việc tiêm thuốc hay uống thuốc để gây ra cái chết, vai trò của bác sĩ chỉ là phụ thuộc. Dù có khác biệt về chủ thể hành động, nhưng cả hai trường hợp đều có sự yêu cầu trợ giúp của bệnh nhân và ý hướng nhắm đến là kết thúc mạng sống của người bệnh để loại bỏ đau khổ do bệnh tật gây ra[11]. Theo nghĩa này, an tử và trợ tự cũng không khác biệt nhau về bản chất.

4.  Quan điểm của Giáo hội về vấn đề an tử

Về phần mình, Giáo hội cho rằng, an tử là hành vi trái luân lý và không thể được đề nghị làm giải pháp kết thúc sự đau khổ của bệnh nhân vô phương chữa trị hoặc của người hấp hối. Đây là hành vi cần phải được gạt bỏ.

Để chống lại quan điểm ủng hộ chết êm dịu và bác bỏ việc hợp thức hoá nó, trước hết, Giáo hội căn cứ trên nhân phẩm con người và giá trị của sự sống như đã được nói tới trong Kinh Thánh. Sau nữa, Giáo hội cũng tái khẳng định rằng, mạng sống con người là một “tài sản được Thiên Chúa tín thác” chứ không phải là “tài sản sở hữu” thuộc quyền kiểm soát của con người.

Tính thánh thiêng của sự sống

Sự sống của con người là do Thiên Chúa tặng ban và phải được nuôi dưỡng, phát triển và bảo vệ như ý Chúa muốn. Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho biết: “Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống, từ khi sự sống khởi đầu cho tới khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội” (GLHTCG, số 2258). Phát xuất từ cội nguồn và định mệnh cao cả ấy, quyền được sống của con người là một thực tại bất khả nhượng và bất khả xâm phạm.

Đứng trước những tranh luận, đặc biệt khi phải đối diện với những tổ chức hay cá nhân tán thành hành vi làm chết êm dịu, Bộ Giáo lý Đức tin giải thích cách rõ ràng rằng:

Cần phải khẳng định mạnh mẽ một lần nữa, rằng, không ai hoặc không điều gì bằng bất cứ cách thức nào, có thể cho phép việc giết chết con người vô tội, dù đó là phôi, thai, hài nhi, người trưởng thành, người già, người khổ đau vì bệnh nan y vô phương cứu chữa hay người hấp hối. Ngoài ra, không ai được phép yêu cầu hành vi giết người này, dù là cho chính mình hay cho người được ủy thác cho mình coi sóc. Cũng không được chấp thuận hành vi này, dù là minh nhiên hay mặc nhiên. Không một quyền bính nào được lấy pháp luật mà khuyên làm hoặc cho phép làm một hành vi như thế. Bởi lẽ đây là sự vi phạm thiên luật, là sự xúc phạm phẩm giá con người, là tội ác chống lại sự sống và là sự tấn công vào cộng đồng nhân loại[12].

Tính thánh thiêng của sự sống được diễn tả như sự “tôn trọng sự sống”, “phẩm giá của sự sống con người”, “giá trị của sự sống con người”, thậm chí là “quyền được sống”. Vậy, những nguyên tắc này có nguồn gốc từ đâu? Quả thật, mặc khải của Thiên Chúa đã trả lời cho ta vấn nạn này khi nói: “Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 26-27). Huấn thị Donum vitae cho biết: “Sự sống con người là thánh thiêng, bởi vì ngay từ nguồn gốc, nó bao hàm hành động sáng tạo của Thiên Chúa và mãi mãi nằm trong một mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu cánh duy nhất của nó.[13]

 Sự sống là một thực tại thánh thiêng, do đó nó cũng mang tính bất khả xâm phạm. Giết chết con người, dù ở trong tình trạng nào và bằng cách thế nào cũng là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Đàng khác, theo giáo huấn của Kitô giáo, khi nói đến tính thánh thiêng của sự sống là nhấn mạnh đến khía cạnh thụ tạo của con người. Là vật được tạo thành, tuyệt nhiên, con người không có quyền làm chủ mạng sống và thân xác mình. Con người chỉ giữ nó như tài sản tín thác dành cho những mục đích của Thiên Chúa. Cũng trong tinh thần ấy, Paul Ramsey nhấn mạnh rằng, sự thánh thiêng của sự sống không phải là những giá trị tốt đẹp mà con người gán cho sự sống, nhưng giá trị tiên vàn của nó hệ tại ở mối liên hệ giữa sự sống với Thiên Chúa.[14] Đức Gioan Phaolô II cũng cho biết:

Sự sống trên trần thế vẫn là một thực tại thánh thiêng được trao phó cho chúng ta, để chúng ta giữ gìn với ý thức trách nhiệm và để chúng ta đưa nó đến mức hoàn thiện trong tình yêu và trong sự hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa và cho anh chị em chúng ta (Thông điệp Tin Mừng sự sống, số 2).

Thánh Augustinô khẳng định:

Không bao giờ được giết kẻ khác, dù chính họ muốn thế hoặc nhất là do chính họ yêu cầu, bởi vì bị chới với giữa sống và chết, họ van xin được giúp đỡ để giải phóng linh hồn đang đấu tranh chống lại các mối giây ràng buộc với thân xác và muốn thoát khỏi nó, cả đến bệnh nhân trong tình trạng không hy vọng sống được nữa, tự sát vẫn không được phép”[15].

Tính thánh thiêng của sự sống không tuỳ thuộc vào sự đánh giá về phẩm chất sống hay dựa vào thành tích của con người, nhưng đó là vì tình thương yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Phẩm giá con người là không thể chuyển nhượng, không thể thương lượng, không bắt nguồn từ thành tựu cá nhân hay phẩm chất xã hội, nhưng từ chính tình yêu Thiên Chúa, Đấng tác tạo chúng ta theo hình ảnh Người (Xc. St 1, 26-27).

Theo nguyên tắc luân lý, mọi người, dù trong hoàn cảnh nào, cũng không được tiếp tay với người khác để làm một việc vô đạo đức. Cũng vậy, lòng thương hại không cho phép chúng ta tiếp tay với người bệnh để thực hiện một hành vi “suy đồi” về mặt luân lý, vì khi làm chết êm dịu là chúng ta giúp người bệnh chạy trốn cách ích kỷ trách nhiệm đối với cuộc sống và chống lại sự thánh thiện của sự sống con người. Biết rằng, khi đối mặt với đau khổ ai mà chẳng lo sợ! Thế nhưng, ai có thể lẫn trốn được khổ đau? Bởi vì đau khổ thuộc về bản tính con người. Cũng biết rằng trên thực tế, sự đau khổ của con người tự nó không phải là một giá trị, thậm chí nó cần phải được đào thải sớm bao nhiêu có thể, nhưng với những kẻ tin, nó lại có ý nghĩa cao siêu khi sự đau khổ ấy được nối kết trong đức tin; vì thế, đau khổ không hề làm giảm giá trị nhân phẩm con người. Cũng trong đức tin, người Kitô hữu còn được phép được chết, cái chết này không phải để tránh né đau khổ hay trốn tránh trách nhiệm đối với cuộc sống, nhưng vì cái chết bây giờ đã trở nên như con đường phải đi qua để được kết hợp với Đức Kitô Tử nạn và Phục sinh và để được tháp nhập sâu hơn vào mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa.

Quyền quản lý mạng sống

Sống và chết đều thuộc về Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý” (Ga 5, 21). Như thế, ai can thiệp để làm cho cái chết mau đến hay ngưng điều trị để cho bệnh nhân chết là vi phạm đến quyền của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tác giả sự sống và sự chết. Do đó, thời điểm kết thúc sự sống thuộc về Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Chúa của sự sống và sự chết. Xác tín này khẳng định rằng,

Giá trị tột đỉnh và tính thánh thiêng của sự sống con người là từ Thiên Chúa mà đến. Tuyên xưng Thiên Chúa là chúa của sự sống và sự chết, tức là khẳng định sự phân biệt nền tảng giữa Tạo Hoá và thụ tạo, đồng thời khẳng định rằng con người nhờ Thiên Chúa mới có được sự hiện hữu.[16]

Nhà luân lý Bernard Haering cũng nói rằng:

Sự sống con người là tặng vật thiêng liêng của Thiên Chúa; sự sống được ký thác cho sự tự do và đồng trách nhiệm của con người. Con người không phải là chủ nhân độc lập của sinh mạng mình, nhưng là người quản lý dưới quyền chủ tể của Thiên Chúa.[17]

Paul Ramsey nói thêm rằng:

Chúng ta phải tôn trọng sự sống của mình và của người khác, không chỉ vì sự sống được đặt nền tảng nơi Thiên Chúa mà còn vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống như một giá trị tín thác để sử dụng theo ý của Ngài.[18]

Nguyên tắc quyền làm chủ và quyền quản lý sự sống cũng được tìm thấy nơi thánh Tôma Aquinô, thánh nhân dạy rằng:

Duy Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, có quyền chủ tể đối với sự sống và sự chết. Về phương diện luân lý, việc hủy hoại sinh mạng con người không thuộc quyền phán đoán tự do của con người. Con người chỉ có quyền sử dụng chúng như “tài sản tín thác” hay như “tặng vật” từ Thiên Chúa, chứ không có quyền làm chủ nó như “tài sản sở hữu riêng”. Vì thế, trách nhiệm của chúng ta đối với sự sống là trách nhiệm của người quản lý.[19]

Tôn trọng sự sống chính là cùng đồng hành với bệnh nhân chứ không phải là loại trừ họ; giúp họ ý thức rõ hơn về phẩm giá của sự sống cho dù họ đang phải chịu đau đớn tột cùng, chứ không phải thương hại bằng cách tìm đến cái chết. Giáo hội không thể chấp nhận lối cắt nghĩa giết chết vì thương hại; và mọi hình thức giết người đều xúc phạm đến Tạo Hóa. Đó là điều đã được nói tới trong Công đồng Vaticanô II:

Tất cả những hình thức xâm phạm đến mạng sống, như giết người với bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giết chết êm dịu, hoặc tự tử trực tiếp… tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều thực sự ô nhục… Trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, tất cả những điều trên lại bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là bôi nhọ những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng thời xúc phạm nặng nề đến uy danh của Đấng Tạo Hoá” (Hiến chế Gaudium et Spes, số 27).

Mặc dù không nói đến những hình phạt, nhưng Công đồng vẫn tiếp tục lên án hành vi này là: “những tội đi ngược với chính sự sống như giết người, diệt chủng, phá thai, an tử và trợ tử trực tiếp.” Đề cập đến vấn đề này, Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 2276 đưa ra một giáo huấn rất rõ ràng là phải chăm sóc và bảo vệ sự sống: “Phải đặc biệt tôn trọng sự sống của những người tàn tạ, yếu ớt. Những người bệnh hoạn hoặc khuyết tật phải được nâng đỡ để sống một cuộc sống bình thường, bao nhiêu có thể”.

Trước vấn đề làm chết êm dịu, Đức Gioan Phaolô II đã nêu lên một số nét đặc trưng của “nền văn hoá sự chết” như thói quen tìm cách can thiệp vào lúc khởi đầu của sự sống con người, xu hướng chỉ đánh giá sự sống con người theo chiều kích kinh tế và sinh lý, xu hướng tôn thờ của cải vật chất và khoái lạc, xem đau khổ và sự chết như những thực tại phi lý. Ngài kêu gọi cấp bách cần phải có những phản ứng đúng đắn về phía Giáo hội, đó là phải tái khám phá các khái niệm Kitô giáo về sự sống, đau khổ, cái chết, Nước Thiên Chúa, ơn gọi và sứ mạng làm người cũng cần tái xác nhận các giá trị Kitô giáo cơ bản về con người, gia đình, nghề nghiệp trong tinh thần cộng tác với mọi người thiện chí. Với tinh thần ấy, trong Thông điệp Tin Mừng Sự Sống, ngài long trọng xác quyết:

Am hợp với quyền giáo huấn của các vị tiền nhiệm của tôi và trong mối hiệp thông với các giám mục của Giáo hội Công giáo, tôi xác nhận rằng việc làm chết êm dịu vi phạm nghiêm trọng Lề luật của Thiên Chúa, xét như nó là việc giết chết một con người cách cố ý và không thể chấp nhận về mặt luân lý. Đạo lý này đã được viết ra dựa trên cơ sở lề luật tự nhiên và trên Lời của Thiên Chúa; nó được truyền thống Giáo hội truyền lại và được quyền giáo huấn thông thường phổ quát giảng dạy. Tuỳ theo trường hợp, một cách làm như thế bao hàm tính độc hại đặc thù của việc tự sát hoặc là việc giết người (Thông điệp Tin Mừng sự sống, số 65).

Mặt khác, Đức Giáo hoàng còn khẳng định rằng, làm chết êm dịu là lỗi phạm nặng nề luật của Thiên Chúa, trái với luân lý. Tuyên bố của ngài cũng loại bỏ sự cộng tác mô thể hay việc tham gia ý kiến vào quá trình thực hiện hành vi chết êm dịu (Xc. Thông điệp Tin Mừng sự sống, số 66-74).

Truyền thống Giáo hội luôn mạnh mẽ và kiên định trong lập trường của mình, sẵn sàng lên án mọi hành vị xúc phạm tới mạng sống vô tội, bất kỳ đó là ai và ở trong hoàn cảnh nào, trong đó có trường hợp làm chết êm dịu, dù là chủ động hay thụ động. Tất cả hành vi làm chết êm dịu, dù dưới danh nghĩa nào, cũng đều có tính chất hủy hoại sự sống đã được Thiên Chúa ủy thác, nhất thiết phải được loại bỏ.

TẠM KẾT

Giáo hội không chấp nhận bất cứ hình thức phá thai nào trừ khi có lý do chính đáng phù hợp, và nguyên tắc song hiệu được áp dụng ở đây. Khi đứa trẻ ở trong bụng mẹ, Thiên Chúa đã sáng tạo và phó thác nó cho người mẹ. Vì thế, nó là sự thánh thiêng của tình mẫu tử mà người phụ nữ cần giữ gìn và họ nên hợp tác với Thiên Chúa trong việc duy trì sự sống.[20] “Quyền được sống và được toàn vẹn thân thể mà mỗi thụ tạo nhân linh được hưởng, từ lúc tượng thai cho đến khi chết.[21] Đây là quyền bất khả nhượng của nhân vị phải được xã hội dân sự và công quyền nhìn nhận và tôn trọng, quyền này thuộc về bản tính con người và gắn liền với nhân vị do chính hành động tạo dựng, là nguồn gốc của con người. Thật vậy, một đứa trẻ dù chưa được sinh ra thì đã là một người vô tội và nó có quyền sống.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng nêu rõ:

Mọi người, từ trong lòng mẹ, đã thuộc về Chúa là Đấng tìm kiếm và biết họ… Đấng dõi theo họ ngay từ khi họ mới chỉ là những phôi chưa thành hình dạng, đã nhìn thấy nơi họ những con người của tương lai với năm tháng ngày giờ, và ơn gọi của họ đã được viết trong Sách sự sống.” (Thông điệp Tin Mừng sự sống, số 61).

Còn về vấn đề an tử (euthanasia), GLHTCG dạy rằng: “Cái chết êm dịu trực tiếp, với bất cứ lý do nào hoặc dùng phương tiện nào, cốt tại chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, bệnh hoạn hoặc hấp hối. Về phương diện luân lý, việc này không thể chấp nhận được” (số 2277) và “Tội này nghịch lại cách nghiêm trọng với phẩm giá của nhân vị, và với sự tôn trọng Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo Hoá của con người” (số 2324); “Cái chết êm dịu (euthanasia) có chủ ý, với bất cứ hình thức và lý do nào, đều là tội giết người. Tội này nghịch lại cách nghiêm trọng với phẩm giá và nhân vị, và với sự tôn trọng Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo Hoá của con người” (số 2324).

Đó là những quan điểm rất rõ ràng của Hội Thánh về vấn đề bảo vệ sự sống con người, thụ tạo đã được Thiên Chúa dựng nên giống với hình ảnh Thiên Chúa.



[1] Xuân Vũ Trần Đình Ngọc, “Tiếng kêu cứu của thai nhi”, https://www.vanthoconggiao.net/2019/10/tho-song-ngu-tieng-keu-cuu-cua-thai-nhi.html, truy cập ngày 01/8/2021.

[2] Nicanor Pier Giorgio Austriaco, Biomedicine and Beatitude: An Introduction to Catholic Bioethics (Washington, DC: Catholic University of America Press, 2011), 51.

[3] Ibid, 53.

[4] John Rziha, The Christian Moral Life: Directions for the Journey to Happiness, 1 edition (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 2017), tr. 244.

[5]Charles C. Camosy, Peter Singer and Christian Ethics: Beyond Polarization (Cambridge: Cambridge University Press, 2012), 34-39.

 

[6] Austriaco, Biomedicine and Beatitude, 69-70.

[7] Ủy Ban Giáo lý Đức tin- Hội đồng Giám mục Việt Nam, Từ Điển Công giáo, An tử, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2016.

[8] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris, 9.

[9] Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, An tử và Trợ tử dưới nhãn quan Thần Học Luân Lý, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2004, trang 56.

 

[10] Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về An Tử, AAS 72 (1980), 542-552.

[11]Xc. Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, An tử và Trợ tử dưới nhãn quan Thần Học Luân Lý, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2004, trang 80.

[12] Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về An Tử, AAS 72 (1980), 554.

[13] Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum vitae, số 5.

[14]Paul Ramsey, The Morality of Abortion, New York 1982, 78

[15] Thánh Augustinô, Thư 204, 5; CSEL 57, 320

[16] Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng,  Sđd., trang 114

[17] B. Haring, Free and Faithuful in Christ, Vol. III. 1981, 5.

[18] Paul Ramsey, The Morality of Abortion, trong Lm. Phêrô Trần Mạnh HùngSđd., trang 115.

[19] Thomas Aquinas, Summa Théologica, II-II,q. 64, a. 5.

[20] Bayertz, Sanctity of Life and Human Dignity, 1-18

[21] Bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, 3: AAS 80 (1988), 98-99.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn