Vài Suy Tư Trong Cơn Đại Dịch Covid-19

 

Phong Trần

DẪN NHẬP

Thời nay bệnh dịch không ngừng,

Cô Vi” lan tỏa, chớ đừng giao lưu.

Cách xa khỏi chốn đông người,

Buồn lo, sợ hãi, cuộc đời héo hon.

“Cô Vi”, cuộc sống mỏi mòn,

Buồn về thể xác, tâm hồn cách ngăn.

Nhưng là lúc để ăn năn,

Hướng về Thiên Chúa toàn năng đời đời.

Từ ngày xuất hiện dịch bệnh do virus Covid-19, thế giới lâm vào hàng loạt những xáo trộn chưa từng có. Người ta hình dung ra một bức tranh toàn cảnh khá ảm đạm, khiến tâm lý con người bất an, hoang mang lo sợ, không ai đoán định được tương lai, dù cho với cá nhân hoặc cho toàn thể xã hội. Khắp nơi, từ nước này đến nước nọ, hết nước giàu rồi đến nước nghèo, tình trạng phong tỏa, suy thoái kinh tế, sản xuất bị đình trệ; rồi thì thất nghiệp, chết chóc, các vấn đề an sinh xã hội, y tế… gây ra biết bao hệ luỵ trong đời sống con người. Cùng với đó là các sinh hoạt tôn giáo, những tổ chức lễ hội, tín ngưỡng, du lịch, văn hóa, thể thao… cũng phải tạm ngưng hoạt động.

Cuộc chiến do Covid-19 đã trải qua hơn hai năm, nhưng con người vẫn còn chưa hết bàng hoàng, âu lo trước sự đe dọa từng ngày, từng giờ của những biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn. Dịch bệnh không kiêng nể ai, từ kẻ có chức sắc, quyền thế, đến người nghèo khổ, bình dân, đều có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau. Nó cũng không miễn trừ cho bất cứ giai cấp, thành phần, sắc tộc, tôn giáo nào cả. Đây quả là cuộc tàn sát vô hình, người ta phải chết đi trong cô đơn, cô độc, không người yêu thương bên cạnh để an ủi, trăng trối, không người thân ở gần để vuốt mắt tiễn đưa…

Với người Kitô hữu, đại dịch Covid-19 còn là cuộc thử thách đức tin chưa từng có. Trong lịch sử Giáo hội Công giáo luôn có những cuộc bách hại đức tin, nó xảy ra tùy vào địa phương của mỗi thời đại, nhưng trên một bình diện rộng lớn tầm cỡ quốc gia, thậm chí là cả một vùng rộng lớn bao gồm nhiều nước trong một vùng miền, không có Thánh lễ nào được cử hành thì quả thật là điều chưa từng có tiền lệ. Người tín hữu phải sống đạo trong sự âm thầm, lặng lẽ bằng đời sống cầu nguyện và phó thác vào tình yêu thương của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là cơ hội để người có đức tin sống với tâm tình chiêm niệm, kết hợp và gắn bó với Chúa nhiều hơn; là lúc để người tín hữu có cơ hội nhìn lại đời sống đạo đức của mình, suy tư về sự quan phòng và toàn năng của Thiên Chúa, ngõ hầu cảm nhận được sự yếu đuối mỏng dòn của kiếp nhân sinh, để kịp thời quay về với lòng thương xót bao la của Đấng Nhân Lành muôn thuở vẫn luôn đồng hành và nâng đỡ loài người.

1. Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới

Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/1/2022 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 330.867.567 ca, trong đó có 5.561.649 người tử vong.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong một ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 100.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 2.000 ca.

Sau hơn hai năm xuất hiện, đại dịch đã lây lan đến 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 264.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 51 triệu ca và trên 96.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 14/01/2022, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 67.295.833 ca mắc và 873.594 ca tử vong, dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, số trẻ em phải nhập viện điều trị Covid-19 đang ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.Theo CDC Mỹ, hiện trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận 893 trẻ dưới 17 tuổi mắc Covid-19 nhập viện - mức cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê vào tháng 8 năm 2020.

Tại châu Á, Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo đã ghi nhận 3.859 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 696.032 ca. Tổng số ca tử vong do dịchtại Hàn Quốc là 6.333 ca. Tuy nhiên, số ca nhiễm đột phá ở nước này đang tăng mạnh và đến nay ghi nhận tổng cộng 199.749 ca, là những trường hợp vẫn nhiễm virus Sars-CoV-2 dù đã tiêm phòng Covid-19 .

Ở Nhật Bản, dịch bệnh đang lây lan nhanh ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận gồm Saitama, Chiba và Kanagawa, buộc chính phủ nước này phải cân nhắc khả năng đưa vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm. Ngày 16/1, Nhật Bản ghi nhận 25.658 ca mới, chỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh 26.924 ca được ghi nhận vào ngày 23/8/2021.

Tính đến hết ngày 16/01/2022, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 105.087ca mắc Covid-19, trong đó có 4.636 ca tử vong. Một số thành phố tại Trung Quốc đang căng mình ứng phó với các đợt bùng phát dịch liên quan các biến thể Delta và Omicron .

Tại châu Âu, Viện Robert Kock (RKI) của Đức ngày 17/01/2022 thông báo, tỷ lệ người bị nhiễm Covid mới trong trung bình 7 ngày ở nước này tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục, với 528,2 ca/100.000 dân, tăng mạnh so với tỷ lệ 375,7 ca hồi tuần trước. RKI vừa ghi nhận 34.145 ca mắc mới trong 24 giờ qua, cao hơn khoảng 8.900 ca so với mức ghi nhận hồi tuần trước. Hôm 14/01/2022 vừa qua, số ca mắc mới ở Đức lần đầu vượt ngưỡng 90.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát.

Trong khi đó, Đan Mạch ngày 17/01/2022 cũng thông báo ghi nhân số ca mắc mới ở mức kỷ lục với 28.780 ca trong 24 giờ qua. Số ca nặng nhập viện cũng lên tới 802 trường hơp, mức cao nhất tại nước này kể từ đầu năm 2022.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết, tính đến tối 16/01/2022, số ca nhiễm Covid-19 trong khu vực đã lên tới 10.327.787 ca. Số ca tử vong là 234.267 ca, trong khi đó số bệnh nhân phục hồi là 9.224.148 ca.

Nam Phi, Maroc, Tunisia và Ethiopia nằm trong số những quốc gia có số ca nhiễm cao nhất châu lục. Cụ thể, tính đến tối 16/01/2022, Nam Phi ghi nhận 3.556.633 ca mắc, mức cao nhất châu lục, tiếp đến là Maroc với 1.045.250 ca. CDC châu Phi cho biết, xét theo số ca nhiễm, miền Nam châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất, tiếp theo là các khu vực miền Bắc và miền Đông châu Phi, trong khi Trung Phi là khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.

Nhìn chung, toàn khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với mối đe dọa của dịch bệnh Covid -19 vhủng mới Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca Covid-19 mới[1].

2. Dịch bệnh là cơ hội để chúng ta
            
thờ phượng Thiên Chúa
              trong Thần Khí và Sự
Thật

Thật thiếu sót khi nói rằng Coronavirus và bệnh Covid-19 mà nó gây ra đã khiến thế giới của chúng ta đảo lộn. Thực tế là virus đã phá hủy hoàn toàn cuộc sống của chúng ta.

Có lẽ trong khoảng 100 năm, kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 vốn đã tàn phá nhiều sinh mạng hơn cuộc Đại chiến, có rất nhiều quốc gia, rất nhiều dân tộc trên thế giới, đã rơi vào trạng thái hoang mang hoảng sợ và bị tổn thương.

Do virus lây lan chủ yếu qua sự tiếp xúc giữa các cá nhân, các cơ quan Chính phủ đã cấm tất cả các nhóm trong trạng thái tiếp xúc gần nhau – vì vậy tất cả các hệ thống giao thông công cộng và khu vực giải trí chung đều bị đóng cửa.

Theo lệnh của Chính phủ, tín hữu các tôn giáo bị buộc phải giữ một khoảng cách xã hội với nhau. Lần đầu tiên trong ký ức sống động của chúng ta, Thánh lễ Chúa nhật và các hoạt động tương tự đã bị cấm trên toàn thế giới.

Covid-19
           
thách thức đức tin của chúng ta như thế nào?

Nó đã buộc chúng ta phải làm cho đức tin của chúng ta trở nên cá nhân hơn, để suy nghĩ lại về cách thức ta tin tưởng. Đối với nhiều người trong chúng ta, đức tin là một việcthực hành mang tính cơ học, được thực hiện thường xuyên vào mỗi Chúa nhật cùng với bạn bè và gia đình. Đó là một điều đã được nói giảm nhẹ chứ không còn là một nhiệm vụ khó khăn cam go. Giờ đây, lần đầu tiên – như trong thời kỳ bách hại chính trị – chúng ta không thể coi đức tin là điều gì đó hiển nhiên.Nói cách khác, chúng ta được yêu cầu chuyển từ tín ngưỡng tuyệt đối luận sang một đức tin sáng suốt.

Và chúng ta nên nhận thức điều gì?

Tất cả mọi người đều yêu thích văn hóa công nghệ này của chúng ta vì đã cho ta những tiện nghi và sự thoải mái của cuộc sống hiện đại: xe điện, điện lạnh, du lịch hàng không, máy tính và internet... Chúng ta không thể tưởng tượng cuộc sống này sẽ ra sao khi thiếu chúng.Nhưng chúng ta hiếm khi nghĩ về việc nền văn hóa công nghệ này đã làm nghèo nàn và ô nhiễm trái đất, và khiến chúng ta xa cách với thiên nhiên.

Lời cảnh báo cho thế giới

Thực sự, vấn đề nóng lên toàn cầu, mưa axit, thời tiết cực đoan… đã cảnh báo nhiều người về thực tế rằng, tất cả đều không thích hợp trong thế giới công nghệ của chúng ta. Covid-19 mang đến ngôi nhà thế giới một sự mong manh và dễ vỡ rõ ràng. Trong sự thất vọng hoàn toàn, chúng ta nhận thấy rằng chỉ cần một triệu chứng đơn giản như ho, hắt hơi cũng có thể có khả năng gây tử vong cho mình và thậm chí là cho nhiều người khác.

Vì vậy, thách thức đối với đức tin của chúng ta nằm ở những cách thức chúng ta thường không nghĩ tới, chẳng hạn như sống một cuộc sống hòa hợp hơn với thiên nhiên xét về chế độ ăn uống, công việc và giải trí.

Rất nhiều thứ trên thế giới ngày nay dựa trên sự tham lam và bạo lực. Liệu chúng ta có thể sống đơn giản hơn để người khác có thể sống đơn giản không? Điều này sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn trái đất và thế giới.

Vì tất cả các đại dịch đều chỉ ra mối tương quan căng thẳng giữa con người và môi trường, một mối tương quan đã trở nên tồi tệ. Mọi dịch bệnh, có thể là bệnh dịch hạch, dịch tả, AIDS hoặc virusCorona, trở thành một phép ẩn dụ cho chúng ta biết rằng, loài người đã phá vỡ giao ước ban đầu với thiên nhiên và thiên nhiên đang tìm cách chống trả lại con người. Liệu thế giới của chúng ta sẽ còn bị nhiễm thứ virus của sự tham vọng, dã tâm và bạo lực trong bao lâu nữa?

Vậy Covid-19 có phải là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, nói với chúng ta rằng lối sống của chúng ta không còn bền vững và chúng ta cần phải thay đổi quyết liệt?

Cơ hội để thức tỉnh Giáo hội

Theo một cách kỳ lạ, Covid-19 cũng chính là một lời cảnh tỉnh khác cho Giáo hội. Lời mời gọi đầu tiên đã được đưa ra vào đầu những năm 1960 với Công đồng Vatican II.

Bằng cách đóng cửa các buổi cử hành phụng vụ trong nhà thờ, người Công giáo buộc phải đặt câu hỏi về cách họ cầu nguyện, thờ phượng và tuyên xưng đức tin. Nói cách khác, họ được yêu cầu chuyển từ tín ngưỡng tuyệt đối luận sang một niềm tin sáng suốt.

Và họ nên nhận thức điều gì?

Đức tin của các tín hữu Công giáo ngày nay nhất thiết phải trở nên mang tính liên tôn, nơi người Công giáo tiếp cận với các tôn giáo khác trong việc thờ phượng, phục vụ và đối thoại với những người có niềm tin khác, bằngthái độ tôn trọng và gìn giữ hòa bình.

Có lẽ, dịch bệnh Covid-19 làmđóng cửa các Nhà thờ là để chúng ta có thể nhìn xung quanh, nhìn lại chính mình và “thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4,24).

Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây đã nhấn mạnh khi Ngài nói về những người cảm thấy bị mắc kẹt bởi Coronavirus:

Nguyện xin Thiên Chúa giúp anh chị em khám phá ra những cách thế mới, những cách thể hiện tình yêu mới, để sống như anh chị em đang làm trong tình huống mới này. Cuối cùng, đây chính là một cơ hội tuyệt vời và sáng tạo để tái khám phá chính bản thân chúng ta” (Tâm thư của Đức Thánh Cha gởi các gia đình Công giáo trong “Năm gia đình Amoris Laetitia” khi đại dịch vẫn tiếp diễn).

 

3. Dịch bệnh trong sự quan phòng của Thiên Chúa

Dù dịch bệnh Covid-19 có nguồn gốc từ đâu, thì sự xuất hiện, hoạt động, và hậu quả của nó vẫn không nằm ngoài sự quan phòng mầu nhiệm và khôn lường của Thiên Chúa. Đức tin Công giáo dạy chúng ta sự thật này, đó là:

Sự quan phòng của Thiên Chúa bao gồm những sắp xếp nhờ đó Thiên Chúa dẫn đưa các thụ tạo của Ngài hướng đến cùng đích của chúng” và: “Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa đã không cho phép sự dữ xuất hiện, nếu Ngài không làm phát sinh điều thiện hảo từ chính sự dữ đó, bằng những đường lối mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu (sách GLHTCG số 321 và 324).

Như Chúa Giêsu đã mặc khải, xét như Thiên Chúa là chủ tể tuyệt đối của thế giới tự nhiên lẫn lịch sử con người, sự quan phòng của Người bao gồm và tính đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, những chi tiết xem ra không có gì quan trọng cả: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha các con. Phần các con, ngay đến tóc trên đầu các con cũng được đếm cả rồi
(Mt 10,29-30).

Mọi điều xảy ra, kể cả những sự ác phát xuất từ ma quỷ và kẻ xấu, đều được Thiên Chúa dùng để phục vụ cho mục đích của kế hoạch Người và phục vụ cách chính xác như ý Người muốn, ngay cả một li cũng không hềsai lệch. Nếu ngay cả những mưu tính, hoạt động thâm độc, xảo quyệt nhất của Satan, tuy hoàn toàn phát xuất từ ý muốn tự do đen tối của nó, vẫn không thể nào thoát ra khỏi quyền năng sắp đặt, điều khiển của Thiên Chúa, dù cả trong chi tiết nhỏ nhất, vậy phương chi là sự xuất hiện và hoạt động của virus Corona vô tri vô giác. Nguyên nhân của dịch bệnh Corona có thể vừa thể lý (tức phát sinh từ thế giới tự nhiên) vừa luân lý (tức do con người) thì các nguyên nhân của bệnh dịch này cũng không thể đặt ra chút giới hạn nào cho quyền năng quan phòng của Thiên Chúa; chúng hoàn toàn dưới quyền làm chủ tuyệt đối của Chúa. Nếu chúng ta thật sự tin vào Thiên Chúa quan phòng như Giáohội dạy, thì chúng ta phải xác tín rằng, Thiên Chúa, và chỉ một mình Người, mới là chủ tể tuyệt đối của dịchbệnh Covid-19; cũng không khác gì Người là chủ tể tuyệt đối của thế giới thụ tạo và mọi sự khác trong đó. Vậy thì ai mới là Đấng đáng cho chúng ta cậy dựa nhất trong hoàn cảnh hôm nay, không chỉ về ơn cứu rỗi đời đời của linh hồn chúng ta, mà còn cả về việc duy trì, bảo vệ sức khỏe và sự sống của thân xác mình?

4. Tự sức mình,
              chúng ta không thể bảo đảm mạng sống đời này

Những gì đã và đang xảy ra trong thời gian quakhi nhân loại chỉ mới bị virus Corona nhỏ xíu tấn công cũng quá đủ để thấy rằng, các hệ thống xã hội, chính trị, và kinh tế hiện hành, dù được trang bị với biết bao tiến bộ khoa học kỹ thuật nói chung và y khoa nói riêng, vẫn không tránh được nhiều lầm lẫn, thiếu sót, khuyết điểm, bất cập, hạn chế, v.v.. trong việc ngăn ngừa và chữa trị dịch bệnh. Trong lúc nhiều hướng dẫn y tế đáng tuân giữ nếu có thể được, thì một điều hiển nhiên đó là không có ai, không có cái gì trên trần thế này có thể bảo đảm cách an toàn tuyệt đối mạng sống đời này của chúng ta. Quả là vô ích, thậm chí có thể bị hụt hẫng, nếu chúng ta quá lo lắng tìm kiếm các phương tiện trần thế và chỉ biết cậy dựa vào chúng để bảo đảm an toàn tối đa cho mạng sống đời này. Lời Chúa đã cảnh báo, thậm chí trách cứ những ai không tin cậy nơi Chúa mà chỉ cậy dựa vào sức mạnh người đời: “Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế, nơi người phàm chẳng cứu nổi ai. Họ tắt hơi là trở về cát bụi, dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan” (Tv 146,3); và Đức Chúa phán như sau: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa” (Gr 17,5). Kể cả những kẻ giàu có nhất trên thế giới, có được nhiều phương tiện nhất để bảo đảm an toàn mạng sống của y, cũng không có gì chắc chắn 100% là y sẽ sống qua được ngày mai. Chẳng phải Đức Giêsu đã cảnh báo như vậy trong dụ ngôn về ông phú hộ lầm tưởng rằng mạng sống mình sẽ an toàn nhờ tích trữ nhiều của cải vật chất đó sao (x. Lc 12,13-21)?

5. Thiên Chúa có thể “dùng dịch bệnh
             
để cứu độ cho những ai trung tín với Người

Thiết yếu thuộc về sự quan phòng của Thiên Chúa đó là làm cho mọi sự hoạt động cho ơn cứu rỗi đời đời, cho phần thưởng thiên quốc của những con cái trung tín của Người như lời dạy trong thư của thánh Phaolô: “Chúng ta biết rằng: mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa, tức là cho những kẻ được kêu gọi theo ý định của Người… những ai Người đã kêu gọi… thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang
(Rm 8,28-30).

Diễn giải cách cụ thể, chúng ta thấy rằng, nếu Thiên Chúa muốn việc gìn giữ một người khỏi bị nhiễm bệnh là điều ích lợi cho ơn cứu rỗi đời đời của người đó hay của những người liên can, thì với sự quan phòng toàn năng của Ngài có vô số cách làm cho việc gìn giữ đó tất yếu xảy ra: hoặc an bài qua các nguyên nhân tự nhiên hoặc can thiệp bằng phép lạ đúng nghĩa. Trong trường hợp này, giả như người đó có tiếp xúc với virus Corona thật sự, chắc chắn cũng không bị nó thâm nhập vào cơ thể nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu Thiên Chúa muốn làm ích lợi cho ơn cứu rỗi đời đời của một người hay của những người liên can nhờ qua việc người đó nhiễm bệnh, thì theo sự quan phòng của Người, việc nhiễm bệnh chắc chắn sẽ xảy ra. Do đó, một điều chắc chắn là Thiên Chúa sẽ ban ơn giúp đỡ người đó gánh chịu dịch bệnhnày một cách ích lợi cho ơn cứu rỗi đời đời của mình hay của những người liên quan.

Hiểu được điều này, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy những bằng chứng trong lịch sử Giáo hội. Trong những trận ôn dịch quá khứ ở châu Âu mà tính nguy hiểm vượt xa bệnh dịch Covid-19 hôm nay, trong số đông những tâm hồn đạo đức thánh thiện xả thân phục vụ bệnh nhân, có nhiều trường hợp các vị được Thiên Chúa gìn giữ không hề hấn gì như thánh Catarina Siena[2], nhưng cũng vẫn có một số trường hợp Thiên Chúa để cho các vị mắc bệnh, thậm chí phảichết vì nó như thánh Luy Gonzaga[3]. Trong cả hai trường hợp, những hy sinh xả thân vì đức mến vừa tăng thêm phần thưởng thiên quốc cho các vị vừa phục vụ cho lợi ích thể lý và nhất là thiêng liêng của nhiều bệnh nhân.

Như vậy, trong khi chúng ta cần cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta và người thân khỏi dịch bệnh, chúng ta trên hết nên khẩn cầu Thiên Chúa giúp chúng ta biết vâng phục và phó thác cho sự quan phòng của Người: cho dù có chuyện gì xảy ra kể cả nhiễm bệnh dịch, thì chúng ta vẫn an bình, vững tin rằng, Thiên Chúa sẽ dùng nó làm ích lợi cho ơn cứu rỗi đời đời của chúng ta.

Trong tường thuật Tin Mừng Chúa nhật V mùa Chay (phụng vụ năm A, Ga 11, 1-45), chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về việc vâng phục thánh ý của Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thật vậy, tuy có lòng thương cảm sâu xa đối với các bạn hữu của Người là các chị em Mácta, Maria, và Lazarô, Đức Giêsu vẫn đặt ý muốn và kế hoạch của Chúa Cha trên hết mọi sự. Để tôn vinh Chúa Cha, Đấng muốn cho mọi người biết và tin rằng, Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa được sai đến cứu rỗi nhân loại, Người đã cho phép cái chết của Lazarô xảy ra để Người có thể làm phép lạ giúp cho việc tin nhận Người là Đấng Cứu Thế. Dù biết tin Lazarô đau nặng, Đức Giêsu vẫn không khởi hành sớm để kịp thời ngăn chặn cái chết xảy đến; Người để cho Lazarô nếm mùi đau khổ của sự chết, vẫn để cho Mácta và Maria cảm nhận được nỗi đau khổ vì bị mất em. Người bằng lòng chấp nhận nỗi đau buồn vì chọn lựa vâng theo thánh ý Chúa Cha trong trường hợp này; đau buồn đứng trước những đau khổ của bạn mình, vì họlà những người bạn tốt nhất của Người, và đau buồn vì bị chính các bạn hữu của Người trách cứ là không có lòng yêu thương đủ đối với họ. Tin Mừng kể rằng, Người đau buồn đến mức “rơi lệ”, mặc dù không có bất kỳ ai trên trần thế này có thể làm chủ tình cảm bản thân hơn Người. 

6. Dịch bệnh thuộc về sự quan phòng của Chúa   
           như là một hình phạt của tội lỗi

Vì dịch bệnh Covid-19 cũng như những bệnh tật thể lý khác, tai nạn do con người, tai ương từ thiên nhiên, và sau cùng nhiều đau khổ khác nữa, nhất là sự chết đời này, tất cả đều là những sự dữ con người kinh nghiệm, nhưng không muốn nên ngôn ngữ Kitô giáo truyền thống gọi chung chúng là những hình phạt đau khổ (poena). Hình phạt đau khổ bao giờ cũng gắn liền với loại sự dữ khác mà chính con người gây ra cho trật tự luân lý: đó là tội phạm theo ý muốn.

Mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh cho biết rằng, bệnh tật, chết chóc, mọi đau khổ khác ở đời này và đời sau đều không phải do Thiên Chúa gây ra: Người không phải là Đấng chịu trách nhiệm luân lý về chúng, nhưng chúng là những hình phạt xảy ra như những hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của tội lỗi, ít nữa là tội Nguyên tổ, cho dầu không phải đau khổ nào con người chịu cũng đều tất yếu là hậu quả trực tiếp và lập tức của nguyên nhân gần là tội riêng của họ.

Tội Nguyên tổ cũng như mọi tội riêng đều là sa ngã của con người có ý chí tự do. Thiên Chúa không thể muốn tội là sự dữ luân lý theo bất kỳ nghĩa nào, bằng bất kỳ cách nào (kể cả gián tiếp hay phụ tùy), mặc dầu Người cho phép nó theo nghĩa là Người không ngăn cản nó xảy ra. Một khi cho phép tội xảy ra thì Thiên Chúa nói chung cũng cho phép các hình phạt đau khổ là hậu quả của tội xảy ra, vì rõ ràng là nếu Người muốn ngăn cản mọi hiệu quả của một nguyên nhân nào đó xảy ra thì Người đã không cho phép nguyên nhân đó hoạt động. Nếu con người không bao giờ phạm tội thì hình phạt đau khổ không thể xảy ra cho họ, và trong trường hợp đó cả tội và hình phạt đều không có trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì lẽ đó, Thiên Chúa không bao giờ mongmuốn bất kỳ hình phạt nào xảy đến cho con người.

Như thế, khi Kinh Thánh và Truyền thống Giáo hội nói đến sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi thì cần phải hiểu rằng: (a) Chính tội lỗi của họ gây ra các hình phạt đau khổ như những hiệu quả xấu phát sinh từ một nguyên nhân luân lý xấu, và Thiên Chúa nói chung không ngăn cản những hậu quả này;
(b) Thiên Chúa cách gián tiếp và phụ tùy (per accidens) muốn các hình phạt xảy ra cho tội nhân chỉ bởi vì Người muốn các điều tốt lành mà chúng cách nào đó đem lại.

Một trong những điều tốt lành mà Thiên Chúa muốn các hình phạt đem lại và cũng là điều tốt lành trước hết đó là sự phục hồi, tái lập trật tự luân lý của Người. Thật vậy, một khi trật tự này bị tội lỗi vi phạm, xáo trộn, thì theo đòi hỏi thích đáng của công lý nơi Thiên Chúa, nó phải được phục hồi cách nào đó nhờ vào hình phạt. Chính Đức Giêsu đã mặc khải sự tương xứng giữa hình phạt và tội lỗi khi nói về hình phạt được tuyên án vào giờ Người đến xét xử mỗi người:

Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn (Lc 12,47-48).

Cũng lưu ý rằng, có những trường hợp hình phạt do một loại tội nào đó mà người này gây ra lại được Thiên Chúa, theo sự quan phòng khôn lường của Người, dùng để phục hồi, tái lập trật tự luân lý của Người bị vi phạm, xáo trộn bởi một loại tội khác của người khác. Một điều tốt lành khác, đó là nhờ hình phạt đau khổ làm giảm thiểu hay chấm dứt những cái tốt hữu hạn, tạm thời, thậm chí tầm thường, hạ đẳng mà tội lỗi đem lại, cho nên tội nhân dễ có cơ hội thức tỉnh, ăn năn và hoán cải. Trong lúc điều tốt lành thứ nhất phục vụ cho công lý của Thiên Chúa, thì điều tốt lành thứ hai phục vụ lòng thương xót của Người là Đấng “chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11).            

Ôn dịch, đói kém, và chiến tranh trong quá khứ luôn được những tâm hồn đạo đức có đức tin mạnh mẽ sâu xa như các vị thánh nhận ra, như là những hình phạt đau khổ mà Thiên Chúa muốn xảy ra vì tội lỗi của con người, cá nhân cũng như cộng đồng. Cũng vậy, ngày hôm nay, dù cá nhân nào hay tổ chức nào là chủ thể và nguyên nhân luân lý của dịch bệnh Covid-19, thì con cái Giáo hội vẫn nên tin rằng, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, bệnh dịch này là một thứ hình phạt đau khổ mà Chúa gián tiếp muốn cho xảy ra để Người dùng nó phục vụ cho công lý và lòng thương xót của Người đứng trước biết bao tội lỗi, xúc phạm ghê gớm của con người.

7. Dịch bệnh là dấu chỉ kêu gọi lòng sám hối
             
để đón nhận sự thương xót của Thiên Chúa

Dù tội lỗi của con người ngày nay ghê gớm đến mức nào để dịch bệnhxảy ra như là một trong những hình phạt của nó, thì hình phạt này cũng là một dấu chỉ của niềmhy vọng, của lòng cậy trông. Thật vậy, như đã nói ở trên, trong việc Thiên Chúa trừng phạt tội nhân không phải chỉ có công lý mà còn có cả lòng thương xót. Vì bản tính của Thiên Chúa vừa công minh chính trực, vừa giàu lòng thương xót, nên lòng thương xót của Người không thể loại trừ mọi hình phạt cách vô điều kiện trong mọi trường hợp, mà không mâu thuẫn với công lý của Người. Nhưng lòng thương xót của Chúa vẫn có thể loại trừ hình phạt trong một số trường hợp hay theo một số điều kiện mà vẫn hoàn toàn phù hợp với công lý của Chúa. Trong mọi trường hợp mà theo công lý, Thiên Chúa muốn cách gián tiếp và phụ tùy các hình phạt giáng xuống trên tội nhân, thì vì lòng thương xót Người lại can thiệp giảm nhẹ chúng.

Vì vậy, noi gương các thánh trong lịch sử Giáo hội, nhất là các vị thánh lãnh đạo Giáo hội trong hoàn cảnh ôn dịch như thánh Grêgôriô Cả Giáo hoàng,[4]và thánh Carôlô Bôrômêô, Giám mục Milan,[5] con cái Giáo hội ngày hôm nay, cần nên nhận thấy đại dịch Covid-19 như là “dấu chỉ của thời gian”, để mà mau chóng và mạnh mẽ đáp trả lòng thương xót của Thiên Chúa bằng cách vừa ăn năn sám hối bản thân, vừa trở nên tấm gương kêu gọi, khích lệ con người thời đại ăn năn hoán cải vì mục đích trên hết để được cứu thoát khỏi tội lỗi và hình phạt hỏa ngục như Thiên Chúa mong muốn.
Kế đến, nhờ sự ăn năn hoán cải củanhiều tội nhân, đồng thời nhờ lời cầu nguyện và những hy sinh hãm mình của các tâm hồn công chính thánh thiện vì đức mến đối với tha nhân, con cái Giáo hội có lý do mạnh mẽ trông cậy rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ giảm nhẹ nhiều hơn và sớm cho chấm dứt hình phạt đại dịch, khiến hình phạt này xảy ra dưới xa mức mà công lý của Chúa đòi hỏi đối với những vi phạm ghê gớm của tội lỗi con người ngày nay.

8. Phải chăng Covid-19 là dấu chỉ thời đại?

Nếu đọc qua những lá thư của các vị lãnh đạo Giáo hội liên quan đến lần đại dịch này, chúng ta dễ dàng nghe được những lời mời gọi nguyện cầu và trở về với Thiên Chúa. Hẳn nhiên, đó luôn là sứ mạng của Giáo hội, để giúp con người trung tín với Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh dịch bệnh lan tràn như hiện nay, Giáo hội càng nhìn thấy nơi đó một dấu chỉ lớn lao. Vì trong đau khổ và nghịch cảnh, một mặt người tín hữu dễ phớt lờ tiếng nói của Thiên Chúa trong biến cố này; mặt khác, Giáo hội luôn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Hoặc như một văn sĩ người Anh, Clive Staples Lewis[6], từng nói: 

Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê”(Youcat, số 51)hay như lời thánh sư Tôma Aquinô: “Không đau khổ nào mà không mang một ý nghĩa. Đau khổ luôn luôn có nền móng nơi sự khôn ngoan của Chúa.

Chắc chắn virus Corona đang ảnh hưởng không chỉ đến tính mạng nhiều người, nó còn tác động đến hầu hết khía cạnh của đời sống. Có người ví đó như cuộc chiến tranh mà toàn thế giới phải chống chọi và người tín hữu Chúacũng không miễn nhiễm với virus này. Cứ nhìn thành đô Rôma tráng lệ, đông đúc người hành hương trên khắp thế giới, nhưng khi virus Corona bùng phát, mọi chương trình, Thánh lễ công cộng đều tạm ngưng và cũng không còn ai nghĩ đến chuyện viếng thăm Rôma nữa.

Trong bầu không khí đó, dĩ nhiên, Giáo hội thấy được nỗi đau đớn, hoảng sợ của người dân. Giáo hội thấy nơi đó một lời mời gọi để con người cần hoán cải, sám hối và ăn năn nhiều hơn. Giáo hội đang tiếp tục lắng nghe tiếng Chúa quanhững biến cố của thế giới, nhất là tronglần đại dịch này. Phải chăng Thiên Chúa muốn nhắc cho con người về thân phận mỏng dòn, mong manh và phải chết? Phải chăng con người toàn năng có thể làm được mọi thứ, có thể tiêu diệt được địch thù đang tấn công nhân loại? Có phải virus Covid-19 là hệ quả của những lầm lạc và kiêu ngạo của con người? Hình như con người chia phe nhóm chống đối nhau, đến nỗi hậu quả là chết chóc tang thương? Hoặc là, virus này khiến thế giới bừng tỉnh về một viễn tượng thiên đường do chính con người có thể tạo nên bằng quyền lực, tranh giành và cố chấp? v.v.

Danh sách câu hỏi trên đây có thể dài vô tận mà mỗi người có thể đặt ra trước cơn đại dịch Covid-19 lần này. Đừng quên rằng, Giáo hội luôn nhớ sứ mạng của mình là chăm chú tìm kiếm, lắng nghe, khám phá tiếng nói, cũng như hoạt động của Thiên Chúa trong dòng lịch sử qua những dấu chỉ thời đại. Sẽ không thừa khi Giáo hội thống thiết nhắc nhở con cái mình về một dấu chỉ đang diễn ra trước mắt chúng ta. Đó là thời cơ để con người khiêm tốn hơn, nhìn nhận thân phận và vị trí của mình trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Một cách cụ thể, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần mời gọi chúng ta nhận ra dấu chỉ của thời đại. Chẳng hạn: “Mỗi người chúng ta đều có tự do để phân định. Nhưng để có thể phân định được, chúng ta phải biết rõ điều gì đang diễn ra”.[7] Hẳn nhiên, mỗi người đều thấy điều gì đang diễn ra quanh đại dịch kinh khủng này. Trên mạng Internet, môi trường xung quanh, đâu đâu cũng đầy những thông tin về virus Covid-19. Mỗi người chúng ta đã phòng dịch và nhìn nhận về dịch bệnh này như thế nào?

Trong bài giảng của mình, Đức Phanxicô chỉ cho ta một chìa khóa để nghe được dấu chỉ: “Trước hết là phải biết thinh lặng: hãy thinh lặng và quan sát. Sau đó, hãy suy tư và phản tỉnh”. Đó là không gian nguyện cầu, là nhìn những gì đang diễn ra để lắng nghe tiếng Chúa. Chúa vẫn ở đó, và muốn nói nhiều điều với con người trong biến cố này. Với sự đơn sơ, chân thành cùngvới việc thinh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện, hy vọng mỗi người sẽđọc được thông điệp của Chúa trong bối cảnh không mấy yên bình này; như Đức Giáo Hoàng từng cầu nguyện rằng:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn tỏa sáng trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng. Chúng con tín thác nơi Mẹ, là sức khỏe của những người đau bệnh; cạnh bên Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu và giữ vững đức tin…Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha… Xin đừng chê bỏ lời khấn xin của chúng con đang trong cơn thử thách, và lạy Đức Trinh nữ vinh hiển và được chúc phúc, xin giải thoát chúng con khỏi mọi nguy hiểm.[8]

Điều tuyệt vời cho những ai nhận ra chút dấu chỉ của thời đại, đó là không hoang mang, hoảng sợ, ngược lại, phải xác tín rằng: 

Chính Tin Mừng là Lời của Chúa Giêsu đã làm thay đổi thế giới và tâm hồn chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi tín thác vào Lời của Chúa Kitô, để mở tâm hồn đón nhận lòng thương xót của Chúa Cha và để cho bản thân mình được biến đổi nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần”và:“Chúng con cầu xin Chúa ngăn chặn dịch bệnh virus Corona đang lan tràn trên toàn cầu. Chúng con khẩn khoản nài xin Chúa thể hiện sức mạnh mà chặn đứng sự lây lan nhanh chóng của loại virus chết người này. Xin cho những người đã bị nhiễm bệnh cảm nhận được sự hiện diện của Chúa. Xin ban cho họ niềm hy vọng và sự can đảm và xin Chúa ra tay kỳ diệu chữa lành họ.[9]

Gần hơn, sau khi đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho giáo dân trước đại dịch Covid-19, Đức cha Giuse Nguyễn Năng mời gọi mỗi người giáo dân hãy cầu nguyện tha thiết qua lời khẩn nguyện“Xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chữa lành và ban bình an cho nhân loại”[10].

9. Một vài gợi ý về sống đạo trong thời dịch bệnh

Cẩn thận kẻo sa chước cám dỗ

Dù Satan quỷ dữ có đóng vai trò nào trong việc phát sinh hoặc làm lây lan  dịch bệnh Covid-19, thì một điều chắc chắn là nó đang lợi dụng tối đa tình trạng khủng hoảng hiện nay để cám dỗ dân chúng, nhất là phạm những tội mà bản tính yếu hèn của con người dễ sa ngã trong một hoàn cảnh như thế. Thánh Phêrô từng khuyên dạy các tín hữu thời của người rằng:

Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1Pr 5,8-9). 

Vì vậy, chúng ta phải thật tỉnh táo, sáng suốt nhận ra những mưu chước cám dỗ độc hại đang tìm cách hủy diệt đời sống thiêng liêng của mình, và mau mắn có những biện pháp mạnh mẽ thích đáng để ngăn chặn, chống trả, và vượt thắng chúng.

Chúng ta có nhiệm vụ thiêng liêng vô cùng quan trọng này, không những đối với bản thân, mà còn đối với những ai được Chúa giao phó cho chúng ta chăm sóc, nhất là con cái còn nhỏ tuổi, chưa trưởng thành. Dĩ nhiên không dễ dàng có thể vạch trần mọi cám dỗ của Satan lợi dụng tình trạng hiện nay, nhưng ít racó thể thấy rõ ràng hai cám dỗ sau đây đặc biệt thường nhắm vào những người trẻ.

Thứ nhất là cám dỗ xem các thứ khiêu dâm truyền thông qua mạng.

Khi các phương tiện thể thao và giải trí công cộng bị đóng cửa vì bệnh dịch và xem ra chỉ có mỗi thứ đồi trụy này là còn hoạt động tự do, thì không chỉ những kẻ vốn mắc bệnh xem nó nay càng bị cám dỗ mạnh hơn, mà còn có những người mới vì buồn chán và tò mò sẽ dễ dàng sa ngã vào thứ độc hại này mà trước đây họ không bị cám dỗ hoặc dễ dàng vượt qua.

Thứ hai là cám dỗ lười biếng về đời sống cầu nguyện và thờ phượng Chúa.

Việc cứ “giữ đạo tại gia” một thời gian lâu dài không lãnh nhận bí tích Thánh Thể cũng như không thể tham dự các buổi cầu nguyện, phụng vụ chung và lãnh nhận Bí tích Hoà Giải vì phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch, thì khi bệnh dịch qua rồi, chắc chắn sẽ có những người sa vào cám dỗ là lười biếng thực hành đời sống đạo, xem thường việc thờ phượng Chúa trong Nhà thờ cùng cộng đoàn Giáo hội, cũng như “quên” luôn việc lãnh nhận các bí tích, nhất là xưng tội và rước lễ. Việc “giữ đạo tại gia” lâu dần sẽ sa vào cám dỗ chỉ cần “giữ đạo tại tâm” của riêng cá nhân, người ta sẽ thấy không cần thiết cầu nguyện chung với người nào khác, không cần lo lắng quan tâm về ơn cứu rỗi ngay cả của người thân trong gia đình và rồi thì “hồn ai người nấy giữ”. Nhưng cám dỗ cũng chưa dừng ở đó, chỉ “giữ đạo tại tâm” không bao lâu sau lại thoái hóa thành chỉ cần“giữ đạo tùy ý, tùy thích”: ngay cả bản thân cầu nguyện riêng với Chúa, người ta cũng sẽ không thấy là điều thường xuyên cần thiết, chỉ khi nào cảm thấy cần mới cầu nguyện.

Tới lúc này thì Thiên Chúa càng xa lạ, càng bớt cần thiết đối với con người, trong khi đó ảnh hưởng của những kẻ thù đức tin lại tăng mạnh lên trong đời sống của họ. Bên cạnh những đam mê làm vẩn đục tâm hồn, làm lòng người ra u tối, biến họ thành chai đá, mất hết khả năng tiếp nhận những gì đến từ Thiên Chúa, còn có vô số chủ trương tục hóa và vô thần, khôn khéo lợi dụng thời cơ, thuyết phục người ta rằng, tin vào Thiên Chúa không có ích lợi gì, thậm chí còn là chuyện vô nghĩa. Bắt đầu với cám dỗ lười biếng về đời sống cầu nguyện và thờ phượng đối với Thiên Chúa, Satan sau cùng kéo người ta xuống vực thẳm vô thần, phủ nhận Thiên Chúa hay ít nữa loại trừ mọi ảnh hưởng của Thiên Chúa trong đời sống thực hành.

Gia tăng cầu nguyện, xin Chúa ban ơn

Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta có nhiều thời gian hơn để thực hành kinh nghiệm sống với Chúa bằng việc cầu nguyện. Đây là thời gian thuận tiện cho cá nhân và gia đình gia tăng đời sống cầu nguyện cả về lượng cũng như về phẩm. Các gia đình đặc biệt nên thực hành cầu nguyện cùng chuỗi Mân Côi. Trường học, công sở, công ty phải đóng cửa hoặc giảm giờ làm, các gia đình có đủ thời gian để cầu nguyện cả chuỗi Mân Côi trọn vẹn, nếu không được hàng ngày, thì ít ra cũng được vài ngày trong tuần. Sự thật là cầu nguyện cùng chuỗi Mân Côi đem đến cho chúng ta nhiều phúc lành đặc biệt và khôn lường, nếu cầu nguyện với lòng yêu mến, tín thác, thì tràng Mân Côi ràng buộc chúng ta vào sự cầu bầu, che chở vô song của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Trời Đất.

Những khi cầu nguyện, chúng ta nên xin Chúa điều gì? Xin Chúa cứu chúng ta thoát khỏi dịch bệnh và những hậu quả tự nhiên hay trực tiếp của nó; dĩ nhiên đó là điều chính đáng và cần thiết, nhưng còn có những điều khác còn quan trọng hơn, giá trị hơn mà chúng ta cần cầu xin. Đứng trước tình trạng dịch bệnh, khó có ai mà không hoang mang, lo sợ cách nào đó mà nếu không có ơn Chúa giúp đỡ, không ai có thể đứng vững trong đức tin, nhất là khi gặp thử thách như trong thời gian này. Vậy nên, mỗi cá nhân cũng như gia đình, hãy luôn khiêm tốn và thành khẩn xin Chúa gia tăng đức tin trong chúng ta,  xin Chúa củng cố, làm vững mạnh trong chúng ta lòng tin tưởng, cậy trông, và phó thác vào sự quan phòng toàn năng, từ bi của Người.

Ngày xưa khi đối diện với sức mạnh của thiên nhiên, sóng to, gió lớn, làm thuyền sắp chìm, các Tông đồ đã hốt hoảng kêu cầu Đức Giêsu lúc Người đang nghỉ ngơi trên thuyền. Đức Giêsu thức dậy và truyền cho gió yên, biển lặng, và trách các vị: “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin” (Mt 8,26). Còn ở một chỗ khác, các Tông đồ đã thành thật xin Đức Giêsu: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). Nếu các Tông đồ luôn sống bên cạnh Chúa Giêsu, chứng kiến biết bao phép lạ Người làm, mà còn phảicầu xin Người giúp củng cố và gia tăng đức tin, thì phương chi là chúng ta.

Trong Tin Mừng, trước cảnh đứa con trai đang bị quỷ dữ hành hạ, người cha đau khổ xin Đức Giêsu: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” ĐứcGiêsu nói với ông ta: “Sao lại nói: ‘Nếu Thầy có thể?’ Mọi sự đều có thể đối với người tin”. Lập tức, ông ta kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9,22-24). Chúng ta hãy khiêm nhường, thành thật cầu xin với Đức Giêsu như vậy. Chính Người thấy rõ sự yếu hèn của chúng ta hơn chúng ta nhận biết chính mình, Người luôn tỏ lòng thương xót và giúp đỡ những ai chạy đến với Người với lòng khiêm nhường, thành thật thú nhận những yếu hèn của mình, bởi vì: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,19).

không được dự Thánh lễ cộng đồng, người tín hữu vẫn có thể đến Nhà thờ cầu nguyện trước Thánh Thể, ít là mỗi tuần một lần vào Chúa nhật; tham dự Thánh lễ trên truyền hình, nếu sốt sắng, không bị cản trở luân lý, vẫn được ơn ích cách nào đó, nhưng đó vẫn không phải là dự Thánh lễ đúng nghĩa (giống như nhìn một bữa ăn tối thịnh soạn trên truyền hình và ngồi vào bàn thật sự dùng bữa ăn đó vẫn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau). Hãy luôn nhớ rằng, tham dự Thánh lễ trên truyền hình vẫn không bằng đến Nhà thờ cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa đang hiện diện thật sự trong Nhà Tạm. Chúa Giêsu sẽ đặc biệt quảng đại ban ơn cho những ai vì yêu mến Người, không ngại đến viếng thăm Người trong nhữngthời điểmnày, cũng như giúp đền bù cho những đáp trả bất xứng đối với bí tích Thánh Thể, từ hờ hững dửng dưng cho đến phạm sự thánh.

 

Ăn năn sám hối và hoán cải đời sống

Một đức tin thích đáng nhất thiết đưa đến sự ăn năn, hoán cải đời sống và từ bỏ tật xấu nhất là khi một trong các “dấu chỉ thời gian” đang xảy ra là đại dịch Covid-19. Cho nên, khi cầu nguyện xin Chúa gia tăng đức tin, chúng ta cũng cần cầu nguyện xin Người giúp cho mỗi người chúng ta, cho gia đình, xã hội, quốc gia, và thế giới ăn năn sám hối  hoán cải đời sống. Đối với một tín hữu Công giáo, ăn năn sám hối không thể không dẫn đến việc tìm lãnh nhận ơn tha thứ nhờ bí tích Hòa giải, trừ phi ở trong những điều kiện bất khả dĩ. Tình trạng lây lan của dịch bệnh, ít nữa là hiện nay ở nhiều nơi, vẫn chưa đến mức ngăn cản chúng ta đi xưng tội miễn là thực hành một số biện pháp vệ sinh ngăn ngừa. Nhưng, nhất là những ai có lý do để nghĩ mình ở trong tình trạng tội trọng nên đặt ưu tiên hàng đầu việc xưng tội để phục hồi sự sống siêu nhiên của linh hồn và loại trừ nguy cơ mất ơn cứu rỗi đời đời nếu chẳng may bị chết bất ưng. Nguy cơ này phải là điều đáng sợ hơn triệu triệu lần so với nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Ăn năn hoán cải tất yếu dẫn đến việc đền tội. Dĩ nhiên, việc đền tội không phải là nguyên nhân cũng như điều kiện của ơn tha thứ tội lỗi, bởi lẽ ơn tha thứ tội lỗi là ân huệ mà chúng ta có được chỉ nhờ công nghiệp của Đức Giêsu mà thôi. Nhưng việc đền tội là hiệu quả tất yếu của đức Mến đối với Đức Giêsu trong cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Người, cũng như của đức thờ phượng, kính sợ Thiên Chúa công minh chính trực trước những tội lỗi của chúng ta. Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia nói về Đức Giêsu, Người Tôi Tớ Đau Khổ và Trung Tín của Thiên Chúa trong cuộc Thương Khó, như sau:

Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành… Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu… Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa…Đức Chúa đã muốn Người phải bị nghiền nát vì đau khổ… Vì đã nếm mùi đau khổ, Người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ (Is 53,5.8-11).

Vậy, nếu Đức Giêsu là Đấng Thánh, Con Một Chúa Cha, đã vui lòng chịu đau khổ, chịu chết vì tội lỗi của chúng ta, thì chúng ta, đích thị là những kẻ tội lỗi, lại có lý lẽ gì để từ chối chịu đựng bất kỳ hình phạt nào? Vậy nên, đứng trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra hiện nay từ những bất tiện, thiếu thốn, mất mát vật chất, cho đến những đau khổ lớn hơn về thể lý cũng như tinh thần, chúng ta hãy cầu xin Chúa cứu giúp; với lòng ăn năn sám hối, chúng ta vui lòng đón nhận hay ít nữa làbình an chấp nhận  chịu đựng chúng như một cách đền bù tội lỗi của chúng ta và của biết bao nhiêu người khác đang xúc phạm ghê gớm đến Thiên Chúa.


THAY LỜI KẾT

Xin mượn lời Kinh xin ơn chữa lành, đã được Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, ấn ký ngày 14/02/2020, để cầu nguyện xin Chúa ban ơn cho tất cả chúng ta vượt  qua đại dịch nguy hiểm này:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng con tuyên xưng Chúa là Đấng toàn năng và là Cha giàu lòng thương xót. Nay chúng con đến trước nhan Chúa, xin Chúa thương xót nhân loại chúng con trong cơn dịch bệnh, đang lan rộng nhiều nơi trên thế giới cũng như trên đất nước chúng con.

Xin Chúa ban cho các nhà cầm quyền và các nhân viên y tế, ơn khôn ngoan và can đảm, tìm ra những phương thế ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này.

Xin Chúa an ủi và chữa lành những anh chị em bị nhiễm bệnh, và nâng đỡ gia đình họ trong lúc khó khăn.

Xin Chúa đón nhận những anh chị em đã qua đời vì dịch bệnh, và đón nhận họ vào nhà Chúa muôn đời.

Sau cùng, xin ban Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con, biến chúng con thành khí cụ bình an của Chúa, để chúng con góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh,đem tình thương và ơn lành của Chúa đến cho muôn người.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


[2] Khi dịch bệnh bùng phát ở Tuscany năm 1374, thánh nữ Catarina (1242 – 1380) tự nguyện từ Florence trở lại Siena để phục vụ các bệnh nhân.

[3] Vào năm 1591, trong nạn dịch xảy ra ở Rôma, thánh Luy (1568 – 1591) đã xin bề trên cho phép ngài phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện do Dòng Tên thành lập và đã được chấp nhận.

[4] ThánhGrêgôriô Cả (~540 – 604) được bầu làm Giáo Hoàng năm 590, giữa nạn đại dịch kinh hoàng ở Ý và Rôma; người đã kêu gọi ăn năn, sám hối, cầu nguyện, làm việc đền tội…và chấm dứt được đại dịch.

[5] ThánhCarolô Bôrômêô (1538 – 1584) đang là Tổng Giám Mục Milan được 6 năm thì nạn dịch lan đến giáo phận của ngài vào trung tuần tháng 8 năm 1576. Ngài đã dấn thân thăm viếng, an ủi, ban bí tích cho bệnh nhân, kêu gọi cầu nguyện và ăn năn đền tội… bệnh dịch chấm dứt vào tháng 7 năm 1577.

[6]Văn sĩ Clive Staples Lewis (1898 – 1963), tác giả của Ký sự Narnia.

[7] Bài giảng của Đức Phanxicô, 23/10/2015 tại nhà nguyện St. Martha.

[8] ĐTC Phanxicô, Xin Đức Mẹ bảo vệ thế giới khỏi virus Corona
    
ngày 11/3/2020.

[9] Lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi cầu nguyện cho các bệnh nhân
   
nhiễm virus Coronangày 26/1/2020.

[10] Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn, Thông báo về dịch bệnh Covid-19,
   
ngày 06/3/2020.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn