Các tác động của ma quỷ trên con người

 Lm. Antony Nguyễn

Khi sống ở trần thế, ma quỷ có thể tác động đến con người theo nhiều mức độ khác nhau mà chúng ta cần phân biệt để có thể thoát khỏi ảnh hưởng và sự kiềm chế của chúng. Con người với ý thức và tự do luôn luôn mở ra đến vô biên. Vì thế, mối liên hệ với ma quỷ không phải ngẫu nhiên mà có nhưng luôn bắt nguồn từ sự tự do chọn lựa của con người trực tiếp hay gián tiếp. Tác động của ma quỷ có thể ảnh hưởng trên thể xác con người qua những tật bệnh và những triệu chứng tinh thần. Nhưng ta cần phân biệt rằng không phải tật bệnh hay triệu chứng thần kinh nào cũng bắt nguồn từ ma quỷ. Do đó, muốn giúp đỡ những nạn nhân của chúng, ngoài những kiến thức về thần học, đạo đức, ta cũng cần hiểu biết khá rõ về sức khoẻ và tật bệnh con người. Điều này như khuyến khích tất cả chúng ta, nhất là các linh mục, tu sĩ hay tín hữu nòng cốt trong các hội đoàn Công giáo, cần phải tích cực học hỏi và được đào tạo kỹ lưỡng.

1. Những tác động của quỷ dữ

Linh mục Gabriele Amorth là nhà trừ quỷ của Giáo phận Rôma đã xử lý hơn 70 ngàn trường hợp do quỷ dữ gây ra,

tính cho đến năm 2010. Cha đã viết cuốn Nhà trừ quỷ kể chuyện mình (An Exorcist Tells His Story)[1], sách này đã được linh mục Joseph Hoàng Phúc, CSsR, dịch và xuất bản. Một bản dịch khác của cuốn sách cũng được anh Joseph ở Hoa Kỳ chuyển ngữ. Cha đã chia những hoạt động của quỷ dữ thành những loại sau đây:

1.1. Hoạt động thông thường: cám dỗ, đó là hoạt động thông thường nhất của quỷ dữ và có thể tác động đến hết mọi người. Khi Chúa Giêsu cho phép Satan cám dỗ Người, Người đã chấp nhận thân phận nhân loại của chúng ta. Vì tinh thần của con người mở ra nên ma quỷ cũng là loại tinh thần có thể cám dỗ bất cứ ai.

1.2. Hoạt động bất thường: một số tác động của ma quỷ có thể xảy ra nơi một số người do họ tự nguyện liên hệ với ma quỷ hoặc họ đón nhận như một thử thách của Thiên Chúa, được Ngài gửi tới để mời gọi họ tham dự vào công trình cứu độ của Ngài. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm này khi nói đến cái dăm của Satan đâm vào thân thể mình[2]. Vì thế, cha Amorth nhấn mạnh “những hoạt động bất thường này chỉ xảy ra nếu Chúa cho phép”. Loại này có 6 hình thức khác nhau:

1.2.1. Đau đớn thể lý bên ngoài do Satan gây ra: chúng ta biết điều này từ cuộc đời của nhiều vị thánh như thánh Phaolô Thánh giá, thánh Gioan Maria Vianey – cha sở họ Ars, cha Piô và nhiều vị khác đã bị ma quỷ đánh đập. Hình thức hành hạ bên ngoài này không ảnh hưởng đến linh hồn, không cần đến việc trừ quỷ, chỉ cần cầu nguyện.

1.2.2. Quỷ nhập (Demonic possession): điều này xảy ra khi Satan hoàn toàn chiếm trọn thể xác mà không chiếm linh hồn. Đó là hình thức trầm trọng nhất và đáng chú ý nhất trong các tai ách do quỷ dữ gây nên. Phim The Exorcist của Hoa Kỳ đã mô phỏng tình trạng này: người đàn ông được Chúa Giêsu chữa ở Ghenêrasa là một thí dụ điển hình. Các triệu chứng như nói đủ thứ tiếng nước ngoài, có sức mạnh phi thường cần nhiều người mới khuất phục được và tiết lộ những điều chưa biết. Hình thức này có một số điểm giống với bệnh thần kinh phân liệt và hoang tưởng nên cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng mà chúng ta sẽ đề cập ở bài sau.

1.2.3. Quỷ hành (Diabolical Oppression): những nạn nhân có thể có những triệu chứng nặng nhẹ khác nhau của cơn bệnh. Họ không bị chiếm hữu, không mất ý thức. Trong Thánh Kinh chúng ta có nhiều thí dụ về tình trạng quỷ hành này. Như ông Job bị mất hết con cái, của cải, sức khoẻ. Người phụ nữ còng lưng, người đàn ông câm điếc được Chúa Giêsu chữa lành cũng ở trong tình trạng đó. Thánh Phaolô chắc chắn không bị quỷ nhập, nhưng ngài đã bị quỷ dữ hành hạ khiến ngài phải sầu muộn. Đối với các trường hợp bệnh tật hay những hành hạ liên quan đến sức khoẻ, nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội… nhà trừ quỷ rất cần phải phân biệt đâu là do tính khí tự nhiên của nạn nhân, đâu là do hoàn cảnh xã hội hay do chính ma quỷ gây nên.

1.2.4. Quỷ ám (Diabolic obsession): nạn nhân có những triệu chứng bao gồm những cuộc tấn công chớp nhoáng vào một thời gian liên tục (vd: luôn nhức đầu vào khoảng 1-2 giờ sáng, luôn thức giấc và cảm thấy người nằm đè lên mình lúc 3g sáng,…) hoặc có những ý tưởng chán nản, thậm chí có ý định tự tử, hay trong giấc mơ thấy có người quấy rối tình dục, đụng chạm đến thân thể của mình. Người trừ quỷ cần phải phân biệt những triệu chứng này với những triệu chứng bệnh tâm thần như trầm cảm hoặc các bệnh về tâm lý bằng những hình thức thử nghiệm khác nhau. Rất nhiều lần chúng tôi đã chữa cho các trường hợp mà người nhà của bệnh nhân nói là họ bị ma ám quỷ nhập hay chính bệnh nhân kể cho chúng tôi nghe rằng họ nhìn thấy ma quỷ hiện hình, thấy những ảo giác về Chúa, Đức Mẹ, hay nghe những lời từ ma quỷ đe doạ… Khi chúng tôi dùng các thiết bị y tế để kiểm tra huyết áp của bệnh nhân thì thấy khá cao hoặc rất thấp, kiểm tra dung lượng khí thở thấy rất thấp, kiểm tra đường mạch máu lên não có nhiều chỗ không bình thường. Các chỉ số này cho chúng ta biết bệnh nhân thiếu oxy trong máu khiến cho các dữ liệu chứa trong bộ nhớ bị hỗn loạn gây nên những ảo giác, ảo thanh, ảo tưởng. Như thế, đây không phải là hiện tượng quỷ nhập gì cả. Khi chúng tôi dạy cho họ biết thở nhiều hơn, ổn định lại huyết áp và nhịp tim thì các triệu chứng kia biến mất và hiện tượng quỷ ám cũng không còn.

1.2.5. Quỷ phá (Diabolic infestation): sự quấy phá của ma quỷ ảnh hưởng đến nhà cửa, đồ đạc vật chất hoặc thú vật. Chúng tôi biết có những nạn nhân bị giấu những đồ vật, thậm chí bị lấy mất những của cải một cách bất thường, dù đã đề phòng hết sức cẩn thận và không tìm ra nguyên nhân. Chúng tôi đã thấy những con chó, con mèo có những phản ứng mãnh liệt đối với những người bị ma ám quỷ nhập.

1.2.6. Quỷ điều khiển (Diabolical subjugation/dependence): sự chế ngự hoặc lệ thuộc ma quỷ xảy ra khi con người tự nguyện nhận lãnh những “ân huệ” như của cải, quyền lực, danh dự chúng trao ban qua những hiệp ước ký kết với ma quỷ trong những hiệp hội của chúng. Chúng ta thấy nhiều chính trị gia đã kết ước với ma quỷ để có quyền lực, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng thế giới cũng kết ước với chúng để được danh dự. Nhiều người trẻ kết ước với chúng để thoả mãn những đòi hỏi của tham vọng, dục vọng hay những cơn nghiện ngập của họ.

Chúng ta cũng nên phân biệt rằng ma quỷ không có quyền lực tác động đến sự sống hay cái chết của con người, nhưng chính khi chiều theo những tham vọng, dục vọng ấy con người bị lệ thuộc và dẫn đến cái chết. Vd: một người nghiện ma tuý bị chết không phải là do ma quỷ giết họ, nhưng họ chết là do dùng ma tuý quá liều, hoặc một người nghiện rượu lái xe gây tai nạn tử vong.

2. Những tác động của hồn ma

Cha Gabriele Amorth còn viết tiếp cuốn sách thứ hai với tựa đề Nhà trừ quỷ nhiều mẩu chuyện hơn (An Exorcist more Stories) xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2002 sau khi nguyên bản bằng tiếng Ý (Nuovi raconti di un esxorista) được in 12 lần tính đến năm 1994. Ngài còn viết cuốn thứ ba về đề tài này với tựa đề Nhà trừ quỷ giải thích về quỷ ám (An Exorcist explains the Demonic) do NXB Sophia Institute ở Manchester, New Hampshire, Anh Quốc, xuất bản năm 2016. Tuy nhiên, trong những cuốn sách này, cha chỉ nói đến tác động của quỷ dữ và hầu như không nói gì đến những tác động của hồn ma.

 

Trong chương trước chúng ta đã nói đến các hồn ma cũng hiện diện trong thế giới tâm linh và cũng có thể tác động vào tinh thần của con người. Ví dụ như các hồn lành thánh của ông bà, cha mẹ, tổ tiên vẫn thường xuyên che chở, gìn giữ chúng ta và chuyển cầu cho chúng ta trước toà Chúa, hoặc các hồn trong tình trạng luyện ngục vẫn cần đến sự trợ giúp của chúng ta qua các thánh lễ, lời cầu nguyện, việc bác ái để sự thanh luyện của họ được mau chóng, nhẹ nhàng. Đặc biệt là các tà ma có thể tác hại đến cuộc sống con người ở trần thế khi bị xúc phạm. Các hồn này có thể liên kết với quỷ dữ qua những trò ma thuật của các thầy phù thuỷ, thầy pháp, thầy bùa, thầy yểm, thầy phong thuỷ hay qua những tôn giáo, tổ chức, hội đoàn thờ phượng ma quỷ.

Khác với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam là một vùng đất “ít người, nhiều ma”. Việt Nam có nhiều nền văn hoá tâm linh khác nhau với các tục thờ cúng người chết của các đồng bào thiểu số trên miền thượng du ở miền Bắc, người Kinh ở vùng đồng bằng, người Chăm ở miền Trung (ma Hời), và người dân Nam bộ với nền văn hoá Óc Eo. Trong thực tế, khi giúp cho các nạn nhân, chúng tôi thường gặp những người bị các hồn ma ám ảnh hơn là bị các quỷ dữ chiếm đoạt.

Có thể miền đất Việt Nam này có nhiều người chết trong suốt dòng lịch sử xây dựng dân tộc. Chỉ riêng cuộc chiến tranh gần đây, từ 1963-1975, theo những nguồn thống kê khác nhau người ta ước tính có từ 2 triệu đến 4 triệu người, gồm cả binh sĩ và thường dân, đã chết[3]. Trước đó, vào năm 1945, có khoảng 2 triệu người đã chết vì đói. Người ta ước tính có khoảng hơn nửa triệu người đã chết trên biển cả, trong các trại tập trung ở nước ngoài sau biến cố 30/4/1975 vì muốn đi tìm một đời sống tự do, an lành. Trong thời điểm 1990-2010, mỗi năm có khoảng 2 triệu ca phá thai và Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới về số vụ phá thai. Trong vài năm gần đây số ca phá thai đã giảm, nhưng mỗi năm vẫn có khoảng 300 ngàn bào thai bị phá chính thức trong các bệnh viện của Nhà nước, chưa kể hàng trăm ngàn ca phá thai trong các bệnh viện hay phòng khám tư nhân. Nếu người ta tính số những hồn ma đang có mặt trên trái đất với khoảng 100 tỉ người đã chết từ khi có con người hiện đại xuất hiện trên trái đất này, ta sẽ thấy đó là một số đông kinh khủng không ai ngờ tới.

Điều này cũng gợi ý cho chúng tôi về sự hiện diện của hồn ma ở khắp nơi. Không có vùng đất nào mà không có sự hiện diện của người đã khuất. Vì thế, những trò mê tín, lừa bịp của một số thầy “ngoại cảm” yêu cầu đào những lớp đất trong nhà, trong vườn rồi mang chút đất “đen đen” ấy chôn táng lại ở nghĩa trang… chỉ là những trò bịp bợm. Để giải thoát khỏi sự ám ảnh của những hồn ma, người ta cần phải phân biệt và tìm những giải pháp hữu hiệu hơn vì các hồn ma không còn bị lệ thuộc không gian và thời gian.

Chúng tôi phân biệt hồn ma với quỷ dữ là nhờ việc các hồn này xưng danh tính, lý do tại sao tác động đến người sống và những yêu cầu của hồn muốn được siêu thoát. Hầu hết những người bị ma ám đều có một mối liên hệ nào đó với người đã khuất, nhất là những bà mẹ, ông bố đã cố tình loại bỏ những đứa con của mình khi chúng còn là bào thai. Tôi đã gặp trường hợp của một bệnh nhân nữ khi vào Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình ở TP.HCM đã nằm đúng vào giường bệnh của một người đã khuất. Người chết này bị tai nạn giao thông vào dịp Tết Nguyên Đán và bị người tình bỏ mặc cho đến chết, nên quyết trả thù người tình bằng cách nhập vào người bệnh để đi tìm người tình của mình. Khi chúng tôi cầu nguyện cho người bị am ám, hồn đó đã kể lại hoàn cảnh đau khổ của mình. Chúng tôi đã khuyên nhủ hồn ma hãy tha thứ như Đức Giêsu tha thứ cho kẻ đóng đinh mình và tự nguyện chết cho loài người chúng ta. Sau nhiều lần cầu nguyện, dâng thánh lễ cầu cho hồn ma, người bệnh đã được bình an.

Ở Việt Nam, chúng ta thấy có những trang thờ bên vệ đường chỗ xảy ra tai nạn để tưởng nhớ hồn người bị nạn. Người ta có thể đặt vào đó những nải chuối hay những đĩa trái cây và có khi vào ngày giỗ, ngày Tết người ta cắm vài cây nhang. Trong một số những nghĩa trang, người ta cũng thường làm như thế. Đó là lòng kính trọng người đã khuất trong văn hoá của người Việt. Có một vài bạn trẻ ngày nay không hiểu được nét đẹp văn hoá này nên có những hành động xúc phạm đến người đã khuất. Tôi đã gặp những trường hợp trẻ thơ hay người lớn đã tự động lấy những trái cây ở những trang thờ hoặc nói xúc phạm khi nhìn vào tấm ảnh ở các bia mộ nơi nghĩa trang nên bị các hồn ma làm cho đau bệnh, thậm chí điên khùng. Không phải các hôn ma này cần đến một không gian như trang thờ hay ngôi mộ, nhưng chúng là những thứ vật chất liên hệ với người đã khuất cần được tôn trọng. Nếu tìm hiểu kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy những hồn lành thánh hay những hồn trong tình trạng luyện ngục thường không thực hiện những kiểu hành hạ như thế và họ thường tha thứ cho những người không biết xúc phạm đến mình. Nhưng nếu người chết là tà ma, những ai xúc phạm đến các hồn ma này có thể bị những kiểu hành hạ gây đau đớn, tủi nhục cho đến khi họ biết hối hận và xin lỗi hồn ma.

Việc cúng tế người chết bằng những bữa giỗ, đốt vàng mã hay dâng cúng tiền bạc thật sự cần được giải thích rõ ràng để không bị lạm dụng, biến thành những trò mê tín. Những người đã khuất do thân xác vật chất đã tiêu tan đi, chỉ còn phần linh hồn tồn tại, nên không cần cúng tế bằng bất cứ loại vật chất nào. Việc gia đình làm những bữa cúng giỗ chỉ là phần tưởng niệm người đã khuất về mặt tinh thần, biểu lộ lòng hiếu thảo, biết ơn. Ví dụ hồn của ông bà, tổ tiên rất cảm động khi thấy con cháu mình còn nhớ đến công ơn, thậm chí cả những món ăn đồ uống mình ưa thích khi còn sống. Văn hoá của người Việt đối với người đã khuất được thể hiện qua những bữa ăn này.

3. Chiến thuật cám dỗ của ma quỷ và phòng ngự của con người

Thánh Kinh đã kể lại cho ta câu chuyện Satan hay Lucifer dưới hình con rắn, cám dỗ con người và con người đã sa ngã khi bất tuân lệnh truyền của Chúa, cắt đứt mối giao hảo và tình yêu của Ngài. Loài người đã đánh mất ánh hào quang ân huệ bao phủ họ, nên họ thấy mình trần truồng, tủi nhục, nghèo nàn, vô nghĩa[4].

Ngày nay, ma quỷ cảm dỗ chúng ta qua những hình ảnh đồi truỵ, bạo lực, những ước muốn tham lam, dâm đãng, những tư tưởng sai lầm, hẹp hòi, ích kỷ, những niềm tin tưởng sai lầm về Thiên Chúa cũng như con người. Tất cả xuất hiện trong tâm trí ta nhưng ta vẫn có toàn quyền chọn lựa và tự do quyết định hành động của mình như Đức Giêsu đã chống lại chúng. Vì thế, cám dỗ của ma quỷ không phải là một tai hoạ hay là dấu hiệu chứng tỏ con người xấu xa, kém đạo đức. Cám dỗ là những cơ hội giúp ta trưởng thành, khiêm tốn và có kinh nghiệm hơn trong trận chiến thiêng liêng với Chúa Giêsu để cứu độ thế giới.

Chúng ta nên biết đôi chút về chiến thuật cám dỗ của quỷ dữ qua các đề nghị chúng đặt ra cho Chúa Giêsu[5]. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI[6] phân tích cho chúng ta như sau:

3.1. Chiến thuật cám dỗ của ma quỷ

- Trước hết, quỷ dữ đưa ra những hình ảnh giả dối về Đấng Mêssia - Đấng Kitô và Chúa Giêsu đã vạch trần âm mưu của chúng. Đó cũng là những hình ảnh giả dối về con người, về đời sống Kitô hữu trong mọi thời đại. Chúng bủa vây tâm trí con người, tác động đến lương tâm con người, nguỵ tạo những đề nghị có vẻ thích hợp, hữu hiệu, thậm chí tốt đẹp nữa: “Cần bánh cho người đói, cần quyền lực trần thế để giải phóng con người, cần phép lạ của Chúa để thu phục nhân tâm”.

- Tiếp theo, hai thánh sử Matthêu và Luca đều trình bày 3 đề tài căn bản khi cám dỗ Đức Giêsu, chỉ khác phần nào thứ tự, còn Marcô kể tóm lược cuộc cám dỗ. Nòng cốt của các cám dỗ ấy là sự lợi dụng Thiên Chúa để phục vụ cho tư lợi (đá hoá bánh ăn), xem thành công và của cải vật chất là điều quan trọng hơn Thiên Chúa. Trong cơn cám dỗ, quỷ nhắc đi nhắc lại với Chúa Giêsu rằng: “Nếu ông là con Thiên Chúa” và mỗi người chúng ta cũng ý thức rằng mình đã được Thiên Chúa nhận làm con. Nếu ta tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa thì chắc chắn Ngài sẽ thương và ban mọi ơn lành cho ta như đã ban tất cả vinh quang cho Con Một yêu dấu của Ngài. Quỷ yêu cầu chúng ta hãy tin vào quyền năng Chúa ban để biến đá thành bánh, tin vào tình yêu an bài của Chúa để hành động liều lĩnh như gieo mình từ nóc đền thờ hay tìm danh vọng, quyền lực bằng bất cứ cách nào, thậm chí bằng cả việc bái lạy tà thần. Lúc đó, Chúa chỉ còn là một phương tiện cho con người sử dụng, sai khiến theo ý muốn của họ chứ không còn là cùng đích mà họ phải hướng về và là nguồn của sự thật, sự sống, tình yêu, ân phúc mà họ phải tìm kiếm.

- Tên cám dỗ rất tinh quái: hắn không trực tiếp lôi kéo con người về điều ác nhưng hướng họ về những sự thiện giả tạo, nhất thời, coi chúng là tuyệt đối cần thiết cho lúc này: bánh ăn cho lúc đói, vinh hoa phú quý cho lúc nghèo khổ, một chứng cứ tình yêu của Chúa trong lúc nghi ngờ như qua việc Chúa bảo vệ khi gieo mình từ nóc đền thờ… Quả thật trong cuộc sống, rất nhiều lần ma quỷ gợi cho chúng ta rằng nếu ta là con Thiên Chúa thì tại sao Chúa lại để ta đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, thất bại như vậy? Ta đi dự lễ và làm việc bác ái thường xuyên nhưng tại sao Chúa lại để ta bị nhục nhã, thiệt thòi hơn những người tội lỗi, kém đạo đức? Xét cho cùng, quỷ ma muốn phá đổ lòng tin và tình yêu của ta vào Chúa.

- Qua cuộc chiến đấu thiêng liêng của Chúa Giêsu trong hoang địa để ăn chay và chịu những cơn cám dỗ của ma quỷ, chúng ta được mời gọi đổi mới những nhận thức của mình. Chúng ta cần ý thức con người mình là bụi đất, nhưng bụi đất ấy được Thiên Chúa yêu thương, đón nhận vì Con Một Ngài cũng trở thành người trần như ta để nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người, chúng ta trở thành con Thiên Chúa.

 

3.2. Chiến thuật phòng ngự của con người

Muốn chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ, ta cần phải gắn bó với Chúa Thánh Thần, như Ngài đã dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa, để nhận được ơn khôn ngoan và sức mạnh, hầu khám phá ra những cạm bẫy và mưu chước của chúng. Đồng thời ta cũng phải kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha luôn yêu thương và bảo vệ mình.

Cuộc đời của người tín hữu chúng ta khi được gắn kết với cuộc đời của Chúa Giêsu sẽ biến đổi một cách trọn vẹn. Hiểu được điều đó chúng ta không rơi vào những tình trạng chán nản, bi quan, thất vọng, chỉ đi tìm những lợi lộc, danh giá trần gian mà quên đi cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ của Chúa Giêsu trong suốt đời trần thế của Người.

Cơn cám dỗ không phải chỉ kéo dài 40 ngày mà cho tới lúc bị treo trên thập giá quỷ dữ vẫn thách thức Chúa Giêsu qua môi miệng con người: “Nếu mi là Con Thiên Chúa thì xuống khỏi thập giá xem nào![7]. Vì thế, thánh Luca ghi chú trong bài Tin Mừng hôm nay: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ[8]. Như thế, con người chúng ta sẽ phải chiến đấu với những cơn cám dỗ trong suốt cuộc đời trần thế của mình.

Ngoài việc chống lại cơn cám dỗ bằng cầu nguyện và chay tịnh, người Kitô hữu còn được mời gọi biết sử dụng Lời Chúa để xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, phục hồi tinh thần cho con người như Chúa Giêsu đã hành động trong suốt 3 năm hoạt động công khai của Người. Nhất là khi đất nước chúng ta đang có hàng chục triệu người lâm vào tình trạng bất an về tinh thần, cần phải chữa trị về mặt tâm thần, tâm lý và có khi cả tâm linh.

Thánh Phaolô đã nhắc nhở ta điều này:

Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.[9]

Việc hàng ma, phục linh, hành hiệp giang hồ này không phải là chuyện võ hiệp tưởng tượng của các đệ tử Cái Bang trong các tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung, nhưng đó là sứ mạng chiến đấu của những tín hữu Kitô trong thời đại ngày nay khi họ được đào tạo những kỹ năng khám phá và điều trị tinh thần cho con người, biết sử dụng Lời Chúa như thanh gươm hai lưỡi sắc bén để chế ngự quân thù[10], và tin vào quyền năng, sức mạnh Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho.

3.3. Thí dụ điển hình

Ma quỷ đang có mặt trong cuộc đời của chúng ta, vì ma quỷ là tinh thần nên từng giây, từng phút chúng có thể tác động vào tinh thần của ta qua hình ảnh khiêu dâm trong các phim ảnh ta xem, qua tư tưởng tiêu cực trong những sách báo ta đọc, qua lời nói tục tĩu của bạn bè ta gặp… Ngồi nghe giảng trong thánh lễ nhưng đầu óc ta có thể đang nhớ lại những gì đã diễn ra trong dịp Tết, nhớ đến người bạn, người tình nào đó đang ở xa chúng ta. Dù ta không muốn, nhưng ma quỷ đang lôi kéo để ta không chú ý đến bài giảng và thánh lễ, để cắt đứt sự thân mật giữa ta với Chúa. Đó là cơn cám dỗ mà chúng ta thường gọi là “chia trí”.

Đến lúc sắp lên rước lễ, quỷ có thể nói trong tâm trí ta: “Bạn chia trí trong giờ lễ, không xứng đáng rước Mình Thánh Chúa, phải đi xưng tội, nếu không sẽ phạm sự thánh”. Chúng làm ta sợ hãi và mất bình an nên không dám lên rước lễ! Chính ma quỷ tạo cho chúng ta chia trí rồi cũng chính chúng bảo chúng ta đừng lên rước lễ. Đó là mưu chước của ma quỷ. Trong trường hợp này, chia trí thật sự chỉ là một tội nhẹ hoặc chỉ là một sự thiếu sót vì không cố ý. Hiểu được điều đó, chúng ta mới thấy rằng khi ta đang sống trong ơn nghĩa với Chúa mà điều gì làm cho chúng ta mất bình an, lo lắng, bối rối thì đó là do ma quỷ. Trong trường hợp này, ta bình tĩnh xin lỗi Chúa rồi lên rước lễ, cơn cám dỗ sẽ rời xa ta.

Trái lại, nếu có người đang sống trong tình trạng tội trọng, mất ơn nghĩa với Chúa, cũng chia trí khi dự lễ, và muốn rước lễ. Người ấy nghĩ thầm trong lòng rằng: “Mình cần rước lễ để tìm được bình an hạnh phúc trong gia đình. Nếu mình không rước lễ hôm nay, bà vợ cùng dự lễ sẽ đoán ngay là tối qua mình đi chơi với bồ nhí, rồi vặn hỏi lung tung. Hơn nữa Chúa đầy lòng thương xót sẽ tha thứ cho tội phạm thánh của mình mà!”. Cùng lúc đó lại có tiếng nói nhắc bảo: “Phải xưng tội rồi mới lên rước Chúa. Tội phạm thánh nặng lắm”. Tiếng nói này làm người đó bối rối, lo âu, mất bình an. Vậy làm sao phân biệt được đâu là tiếng nói của thần lành và thần dữ?

3.4. Hai nguyên tắc căn bản
                 
để phân định thần lành, thần dữ

Nếu chúng ta không khám phá ra mưu chước của ma quỷ thì chúng ta không thể chiến đấu và chiến thắng. Thánh Ignatiô de Loyola, Đấng sáng lập Dòng Tên, đã viết tập sách “Linh Thao” và trình bày cho ta 2 nguyên tắc căn bản để khám phá mưu chước của ma quỷ tác động trong tâm hồn con người[11]:

Nguyên tắc I: Những ai đang sống trong tình trạng tội trọng, mất ơn nghĩa với Chúa, ác thần làm cho họ ở lì trong tội lỗi, trong khoái lạc và thú vui giác quan, tạo bình an giả dối. Còn thần lành hành động ngược lại là làm cho họ bối rối, bất an bằng những cắn rứt của lương tâm.

Nguyên tắc II: Những ai đang sống trong tình trạng ân sủng với Chúa, ác thần khơi dậy những điều làm cho họ mất bình an, buồn phiền, lo lắng, cắn rứt lương tâm. Còn thần lành làm cho họ được ơn bình an, can đảm, an ủi, nước mắt, gạt mọi trở ngại để làm điều tốt.

4. Vài cách khám phá những dấu hiệu ma ám, quỷ nhập

Trong hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam, số người bất an về mặt tinh thần lên tới hàng triệu người, nên người tín hữu Kitô cần học hỏi kỹ năng khám phá những dấu hiệu về ma ám, quỷ nhập để có thể cứu giúp người khác trong sứ mạng “hàng ma, phục linh” của mình. Qua kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi xin chia sẻ một vài điều cơ bản sau đây:

4.1. Những triệu chứng bất thường. Trước hết, những người này thường có một số hành động không bình thường (thí dụ đổ cơm ra nền nhà rồi bốc ăn, leo trèo trên xà nhà đu đưa như con khỉ, chỉ ăn được rau - nếu có trộn một chút thịt cá là nôn mửa dữ dội...); những biểu hiện bệnh tật trên cơ thể (đau nhức, đau tim, đau bụng, mất ngủ, tê liệt tay chân, sụt ký nhanh chóng...) dù xét nghiệm y khoa, khám sức khoẻ kỹ lưỡng cũng không tìm ra nguyên nhân; những phản ứng mãnh liệt với những gì liên quan đến tôn giáo (như sợ hãi khi đến nhà thờ, nhà nguyện, không muốn tham dự các nghi lễ tôn giáo, không uống nước có pha lén nước thánh-dù chỉ một giọt-, sợ hãi la hét khi bị ai vẩy nước thánh hay đưa ảnh tượng chạm vào người, quay lưng lại khi nghe tên Chúa Giêsu...); đột nhiên bị mù, bị câm điếc mà không do nguyên nhân thể lý nào.

4.2. Phân loại các nguyên nhân gây bệnh. Tiếp theo, chúng ta cần phải phân biệt có nhiều nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng bất an đó. Có 4 lĩnh vực chúng ta cần quan tâm và nhờ đến sự trợ giúp của các nhà chuyên môn: đó là thể lý, tâm thần, tâm lý và tâm linh.

Về thể lý, chúng ta phải căn cứ vào những chỉ số sức khoẻ như huyết áp, nhịp tim, dung tích thở, lượng máu đưa lên não, các bản phim chụp MRI não… Nếu những chỉ số này bình thường mà xuất hiện các triệu chứng trên, chúng ta mới có những căn cứ để cho rằng bệnh nhân có thể thuộc các lĩnh vực khác. Những triệu chứng của người bị ma ám quỷ nhập rất gần với các triệu chứng của người bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt, tâm thần hoang tuởng, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách… nên chúng ta cần tham vấn các bác sĩ tâm thần, các chuyên viên tâm lý. Chúng ta nên nhớ rằng những trường hợp bị ma ám, quỷ nhập chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (1% -2%) so với các tình trạng bất an do các nguyên nhân khác.

Một dấu hiệu để phân biệt là trong khi các triệu chứng bệnh lý hay điên loạn do thể lý, tâm thần, tâm lý kéo dài liên tục trong suốt thời gian bị bệnh, thì các triệu chứng tâm linh lại chỉ xuất hiện thất thường, không cố định, người bệnh lúc tỉnh lúc mê. Một người điên loạn không cảm nghiệm được giá trị tôn giáo, thì họ chẳng sợ hãi các ảnh tượng tôn giáo, chẳng ngại uống nước phép hay đến nhà thờ, đền chùa. Họ có thể đập phá, xé nát các ảnh tượng đó. Đây không phải là hành động đối nghịch tôn giáo của ma quỷ mà chỉ do chứng điên loạn của con người. Tuy nhiên, nếu tín hữu hay người ngoài Công giáo thấy những cảnh tượng như thế, họ có thể bị chấn động, hiểu sai về tôn giáo. Vì thế các tín hữu đừng vội dùng các phương thức trừ quỷ, trừ tà ma của tôn giáo trước khi xác định bệnh nhân thuộc lĩnh vực tâm linh.

4.3. Tìm hiểu tiền sử của người bị ma ám, quỷ nhập. Người xua trừ ma quỷ cũng còn phải làm một công việc khác nữa, đó là phải hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất an của đối tượng, giống như bác sĩ hỏi về tiền sử của người bệnh. Những người bị ma ám, quỷ nhập thường bắt đầu bằng những sự việc nhất định (do chủ ý phá thai, do chơi cầu cơ, do xin bùa phép, do lấy đồ cúng trong các trang thờ người bị nạn bên đường, do phóng uế trên mộ hoang, do thách thức quỷ ma nhập vào mình vì nghĩ mình đạo đức không ai hại được mình, do thù oán hay ghen tương của người khác...), chứ không phải hoàn toàn bất ngờ, ngẫu nhiên, vô cớ. Chúng ta có thể nhờ người thân của bệnh nhân cho biết những nguyên nhân sự việc, rồi phối hợp với những câu hỏi mà ta đặt ra cho bệnh nhân để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

4.4. Xác định nhân thân của hồn ma hay bản chất của quỷ dữ. Những người bị ma quỷ kiềm chế thường hành động như có hai nhân vật hiện diện trong họ và khi được các người có nhiệm vụ trừ tà như các thầy pháp, thầy bùa, tăng ni, linh mục, tu sĩ hoặc tín hữu giáo dân có ơn đặc sủng trừ tà, chữa bệnh hỏi han, thì hồn ma hay quỷ dữ có thể nói cho biết mình là ai, chết ngày tháng năm nào, tại sao lại nhập vào người này, mình cần gì để được siêu thoát. Theo kinh nghiệm riêng tư, chúng ta đừng vội tin ngay những lời chúng khai báo vì chúng rất tinh quái hay lừa bịp để làm lạc hướng phán đoán của chúng ta và lừa bịp nhiều cách để ta mắc sai lầm và để chúng được ở lại trong người bị hại.

4.5. Người trừ tà cần có thái độ âm thầm, hiền hậu và khiêm tốn của Chúa Giêsu. Khi tiếp xúc với loại người này, chúng ta đừng ngại ngùng, lo sợ, nhưng mang hết tình yêu thương cứu độ của Chúa Giêsu Kitô để lắng nghe họ giãi bày tâm sự, tuyệt đối không được bạo hành thiêng liêng như trói buộc, đánh đập họ bằng dây các phép, ép buộc họ đeo tràng chuỗi Mân Côi hay tượng ảnh thánh, ép họ phải uống nước thánh hay xức dầu trừ tà….

Chúng tôi đã gặp trường hợp quỷ dữ muốn xiết cổ giết chết nạn nhận bằng tràng chuỗi họ đeo trên cổ và chúng tôi ngăn cản bằng cách giữ chặt tràng chuỗi và tay kia chúng tôi lần hạt Mân Côi. Trận chiến kéo dài hơn hai giờ đồng hồ mới chấm dứt. Nạn nhân được cứu thoát.

Người trừ tà nên mang tâm tình từ bi, nhân hậu của Chúa Giêsu để yêu thương cả quỷ dữ, tà ma như Chúa Giêsu yêu thương chúng vì chúng cũng là những thụ tạo được Người tạo thành[12]. Người không trừ ma, diệt quỷ, xoá đi sự hiện hữu của chúng, nhưng chỉ xua đuổi chúng rời khỏi con người, như Người đã cho quỷ dữ nhập vào đàn heo khi chữa lành cho người bị quỷ ám ở Gherasa[13]. Chúng ta thân tình giới thiệu Chúa Giêsu cho những hồn ma, nhất là những hồn trẻ thơ, vì chỉ có Người mới có thể giải thoát họ, cho họ được siêu thoát, không còn bị lệ thuộc vào con người hay nơi chốn trên trần thế. Chúng ta đừng sợ hãi chúng vì Chúa luôn bảo vệ chúng ta. Tôi đã thấy những người bị tà ma ám ảnh giơ tay đấm thẳng vào tôi, nhưng tay họ như bị chặn lại bởi một bức tường vô hình.

Người trừ tà cũng cần học lại bài học làm việc âm thầm và khiêm tốn của Chúa Giêsu. Quả thật sau khi thành công trong một số ca chữa bệnh, trừ tà, chúng ta rất dễ rơi vào thái độ kiêu căng, tự mãn, khoe khoang. Đây cũng là cạm bẫy của ma quỷ, khi chúng tạm thời rút lui để ta tưởng lầm rằng mình chiến thắng. Đức Giêsu cũng đã cảnh báo tình trạng này cho chúng ta khi Người nói về tình trạng người bị quỷ ám bỏ đi để rồi kéo thêm về nhiều quỷ dữ khác[14]. Chúng ta thành công là nhờ sức mạnh và quyền năng của Chúa, nhưng khi chúng ta kéo sự thành công này về cho mình, quảng cáo nó bằng các phương tiện truyền thông xã hội như nhiều nhóm hiện nay là chúng ta hành động trái với tinh thần của người môn đệ Chúa Giêsu. Đó có lẽ cũng là lý do người ta nghi ngờ đối với Nhóm Trừ quỷ ở Bảo Lộc. Tính cho đến hôm nay, 12/8/2022, Nhóm này đã gửi lên mạng 362 băng video để “chứng minh cho lòng đạo đức chân thực” của họ trước những sai trái của người khác khiến người ta tự hỏi có thế lực đen tối nào đứng sau lưng họ để gây chia rẽ trong Giáo Hội không?

Người trừ tà cũng cần tập tính kiên nhẫn để giúp đỡ những nạn nhân về mặt tâm linh. Có những trường hợp bệnh nhân cần một thời gian điều trị lâu dài. Cha G. Amorth kể mình đã có các bệnh phải chữa trị hằng tuần trong nhiều năm. Chúng ta có thể dạy cho những người bất an cách thở tự nhiên để tăng cường khả năng trí não cho họ và cách thở siêu nhiên để Thần Khí Đức Kitô hồi phục tâm linh họ. Chúng ta cũng có thể nói họ nên dùng một ít thuốc bồi bổ trí não hay hoạt huyết dưỡng não vì những người này thường bị kiệt quệ tâm thần do suy nghĩ liên miên mà không biết dừng lại và làm cho tâm trí được thư giãn.

Các linh mục Công giáo có thể làm bí tích Xức dầu Bệnh nhân, giải tội và làm phép trừ tà cho những bệnh nhân này. Trong những trường hợp bất an nặng nề, bị nhiều loại ma quỷ chiếm giữ, người bệnh suy sụp tinh thần và thể chất như một số thanh thiếu niên nghiện phim đồi truỵ, thủ dâm liên tục, la hét đập phá đến nỗi gia đình phải dùng dây xích trói lại và dẫn đi, chúng ta cũng cứ bình tĩnh cầu nguyện, khuyên nhủ, dạy dỗ, nhất là dùng sự chay tịnh của chính mình và lời cầu nguyện của cộng đồng[15], việc hàng ma phục linh sẽ có hiệu quả tốt đẹp và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, việc chữa trị tâm linh này thường nhanh chóng hơn nhiều, so với việc điều trị tâm lý có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm hay điều trị tâm thần mà có khi cả đời không thể hồi phục, như chúng tôi đã thấy ở nước Đức trong chuyến tham quan 9 cơ sở điều trị tâm lý vào tháng 9-2012.

Lời kết

Trong cuộc chiến đối phó với bệnh tật, ma quỷ, chúng ta hãy giúp nhau bằng lời cầu nguyện, bằng việc chay tịnh, làm chủ bản thân và hành động nghĩa hiệp để có thể gắn kết mật thiết với Chúa Giêsu. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn xuống trên chúng ta để ta luôn là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Cứu thế trong cuộc đời chiến đấu vì đại nghĩa của mình.



[1] Do NXB Ignatius Press, 1999, Hoa Kỳ.

[2] x. 2Cr 12,7

[3] x. wikipedia, Tổn thất nhân mạng trong chiến tranh Việt Nam.

[4] x. St 2,7-9; 3,1-7.

[5] x. Mt 13,53-58; Mc, 6,1-6; Lc 4,1-13.

[6] x. Đức Giêsu thành Nazareth, chương 2 về việc Chúa chịu phép Rửa, tập I; Diễn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin áp chót của ĐTC Bênêđictô, ngày 17/2/2013, tại Quảng trường thánh Phêrô.

[7] X. Mt 27,40; Mc 15,29-32; Lc 23,35-37

[8] Lc 4,13.

[9] x. Rm 10,8-13.

[10] x. Dt 4,12; Ep 6,17.

[11] x. Ignatiô de Loyola, Những bài Linh thao, Bản dịch của Lm. Đinh Văn Trung, SJ. số 314-315, tr.188-189

[12] x. Ga 1,1-2

[13] x. Mt 8,28-34; Mc 5,1-20; Lc 8,26-38.

[14] x. Mt 12, 43-45; Lc, 11,24-26.

[15] x. Mt 17,21; Mc 9,29

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn