Thế giới tâm linh

 Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Ngày nay, người ta nói nhiều đến tâm linh như “du lịch tâm linh”, “văn hoá tâm linh”, “di tích đời sống tâm linh”… Tâm linh là những gì linh thiêng, liên hệ đến tinh thần của con người. Tuy nhiên, vì tinh thần con người mở rộng đến vô biên và vươn cao đến vô tận nên thế giới này cũng vượt ra ngoài mọi giới hạn của vật chất, không gian và thời gian để mang tính siêu nhiên và vĩnh hằng.


Thế giới tâm linh vừa là niềm mong ước và hy vọng của con người muốn tìm về sau cuộc lữ hành trần thế, vừa là thực tại mà con người có thể xây dựng ngay trong đời sống trần gian. Nhưng thế giới tâm linh này thật sự là gì, người chủ của nó là ai, bao gồm những thành viên nào, sinh hoạt ra sao và phải làm gì để có thể tham dự vào thế giới ấy thì vẫn là những câu hỏi chưa được các tôn giáo hay hệ tư tưởng nào giải đáp đúng đắn và trọn vẹn. Do đó nhiều người vẫn đang phải chịu những đau khổ triền miên, nhất là do ma quỷ quậy phá và kiềm chế. Vì thế chúng ta phải giúp nhau tìm hiểu về thế giới này.

1. Những hiểu lầm về thế giới tâm linh

Cuộc hành trình ở trần thế kết thúc với cái chết, như một cánh cửa để ta bước vào thế giới tâm linh với niềm tin tưởng và hy vọng, vì được trở về với Nguồn Hiện hữu, và được giải thoát khỏi mọi ràng buộc của vật chất, không gian, thời gian. Cha ông ta vẫn thường nói: “sống gửi, thác về” (sinh ký, tử quy), nhưng vì chưa xác định được mình sẽ về đâu và về như thế nào nên hầu như mọi người đều sợ hãi khi bước vào cuộc hành trình bất định.

1.1. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà !

Nhiều người đang đi trên đường đời nhưng không biết mình đang đi về đâu. Mỗi ngày thức dậy họ biết mình phải sống, phải học hành để có kiến thức, phải làm việc để có phương tiện sống, nhưng họ tự hỏi: học hành, làm việc, kiếm sống để làm gì nếu một ngày kia phải từ bỏ tất cả với cái chết như điểm chấm hết của kiếp người. Mỗi ngày phải làm đi làm lại những công việc quen thuộc đến độ nhàm chán, mỏi mệt như một vận động viên chạy mãi một đường vòng trong sân vận động mà chẳng phải để thi đấu hay tranh giải thưởng nào. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát “Một cõi đi về” đã diễn tả những cảm xúc đầy ưu tư khắc khoải đó:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.

Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.

Cảm xúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể khá xa lạ với người tín hữu Công giáo, nhưng lại rất gần gũi với nhiều người thời nay không tin vào Chúa, không khám phá ra ý nghĩa của kiếp người trong cõi nhân sinh. Họ không nhận ra giá trị hiện hữu vĩnh hằng của mình, mà chỉ đi tìm những sở hữu “vô thường”, nên họ cứ đi loanh quanh trong mê cung của đời người mà chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà! Họ cứ chạy vòng quanh trong nỗi buồn tiều tuỵ để vui, để say cho quên thời gian trăm năm sống của mình, trong khi con tim yêu thương của họ vẫn muốn yêu thương và được yêu thương mãi mãi.

Trái lại, người Công giáo biết chắc chắn về quê hương vĩnh hằng của mình, đó là nhà Cha Trên Trời mà mọi con cái sẽ họp mặt trong hạnh phúc yêu thương để chia sẻ muôn đời suối nguồn tình yêu và nguồn chân thiện mỹ không bao giờ cạn. Do đó ta không phải đi loanh quanh mà thẳng tiến về quê hương yêu dấu với từng ngày sống trong niềm vui, bình an và tình yêu bởi vì ta nhận ra giá trị hiện hữu của đời mình là con cái Thiên Chúa và kết hợp thành một với Đức Giêsu Kitô.

1.2. Không biết Người chủ của thế giới tâm linh và các thần linh là ai ?

Nhiều người ngày nay dị ứng với tôn giáo vì thấy các tôn giáo sùng bái rất nhiều thần linh mà họ thấy chúng chỉ là những sức mạnh tự nhiên được thần hoá như mặt trời, mặt trăng, mây mưa, sấm sét (Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi)[1]. Nhiều thần linh mang những hình thù loài vật như thần trí tuệ Tehuti hình người đầu cò, thần Usir cai quản cõi âm có hình dạng đàn ông quấn trong vải ướp xác, thần xác ướp Anubis hình người đầu chó... của người Ai Cập. Ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo (Trimurti) bao gồm Brahma là đấng tạo hoá, Vishnu là đấng bảo hộ và Shiva là đấng huỷ diệt cùng với ba bà vợ nữ thần (Tridevi) là Saraswati, Lakishmi, Pavati[2] hiển hiện trong những hình thái khác nhau.

Loài người đầu tiên có khuynh hướng đa thần để giải thích các hiện tượng thiên nhiên cũng như các hoạt động của con người như ta thấy trong tín ngưỡng thờ vật tổ, trong các tôn giáo thị tộc thời cổ ở Ấn Độ, trong tôn giáo ở đế quốc Hy Lạp, La Mã, trong Thần Đạo ở Nhật Bản, Đạo giáo (hay Lão giáo) ở Trung Quốc, ở Việt Nam, ở Hàn Quốc, trong các tôn giáo truyền thống Châu Phi[3].

Tài liệu cổ xưa nhất về tôn giáo được tìm thấy trong các bài thơ của Homer ca tụng thần Hermes. Người Hy Lạp sùng bái 12 vị thần trên đỉnh Olympus ở thành Athena vào thế kỷ VI TCN, gồm: Zeus, Hera, Poseidon, Demeter, Athena, Hestia, Apollo, Artemis, Ares, Aphrodite, Hephaestus và Hermes. Mỗi vị thần cai quản một lĩnh vực khác nhau và bảo hộ cho một trong 12 cung hoàng đạo, tạo thành lịch tử vi cho con người[4].

Khi người La Mã (Roma) chiếm được đế quốc Hy Lạp và lập nên đế quốc thay thế thì nền văn hoá La Mã với chữ viết Latinh lại phổ biến các thần linh mới. Các vị thần Hy Lạp được thay thế bằng các thần Roma như Jupiter (thay Zeus), Juno (thay Hera), Mars (thay Ares), Venus (thay Aphroldite), Minerva (thay Athena), Diana (thay Artemis), Vulcan (thay Hephaestus)…[5].

Như thế, các thần linh trong hầu hết các tôn giáo cũng như trong huyền thoại của các dân tộc (ví dụ: Sơn Tinh, Thuỷ Tinh của nước ta), không có thật, mà chỉ là những sản phẩm do trí tưởng tượng của con người thêu dệt nên, để giải thích về các hiện tượng trong trời đất (gió mưa, mặt trời, mặt trăng, sấm sét…), các hoạt động của con người (vui chơi, giải trí, tiệc tùng, chiến tranh, sống chết, cày cấy, lao động) hoặc các giá trị tinh thần như tình yêu, thi ca, y học, sắc đẹp.

Tuy nhiên, khi loại trừ những thần linh giả tạo đó ra khỏi tâm trí, con người vẫn phải đối mặt với câu hỏi: “Tất cả những thực tại và giá trị đó bắt nguồn từ đâu, do ai tạo nên và ban phát chúng cho con người?”, vì rõ ràng là chúng không thể do tay con người làm ra hay con người tự ban phát cho mình. Vì thế, con người vẫn phải đi tìm câu trả lời nơi các tôn giáo mà con người tin là được thần linh soi sáng. Để trả lời được câu hỏi này cần phải xác định được Đấng Tối Cao và các thần linh là ai.

Nhờ tinh thần biết suy tư, nhất là sau này được khoa học hỗ trợ, con người loại bỏ các sức mạnh thiên nhiên và vật chất ra khỏi danh sách thần linh vì biết rằng chúng chỉ là những vật thể vô hồn, không thể chi phối, tác động hay cứu độ con người. Con người nhận ra rằng phải có một Đấng Tối Cao tạo thành nên muôn vật muôn loài, gọi là Tạo Hoá, cũng là nguồn của chân thiện mỹ, để giải đáp các giá trị nơi các vật thể đó. Đấng đó được các dân tộc gọi bằng đủ thứ tên khác nhau: Trời, Thiên, Giàng, Chúa Trời, Thánh Allah, Đấng Chí Tôn, Đấng Cao Đài (Thượng Đế), Phạm Thiên, Thiên Chúa…

Khám phá tiếp theo của tinh thần con người là tất cả những giá trị hiện hữu đều phải bắt nguồn từ một tinh thần tuyệt đối, chứ không phải từ nhiều nguồn tách biệt nhau như các tôn giáo và thần thoại các dân tộc giới thiệu. Lý do là vì tinh thần tương đối của con người nhận ra những giá trị như: sự sống, tình yêu, hạnh phúc, niềm vui, tự do, chân thiện mỹ,… đều nằm ở trong tinh thần chứ không ở trong thể xác hay vật chất.

Vì vậy, nhân loại thiên về khuynh hướng độc thần, nghĩa là chỉ tin vào một Đấng Linh Thiêng là nguồn của mọi hiện hữu. Đấng đó tự mình hiện hữu, có tất cả mọi sự và chia sẻ những gì mình có cho muôn loài. Do Thái giáo đã gọi tên Đấng đó là Giavê hay Giêhôva, nghĩa là Đấng Tự Hữu (tự mình hiện hữu). Ta gặp thấy khuynh hướng này ở Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, đạo Baha’i, đạo Sikh. Trong các tôn giáo độc thần, ngoài Đấng Linh Thiêng là nguồn mọi hiện hữu, vẫn còn có những thần linh cấp dưới, do Đấng Tạo Hoá đó dựng nên để thi hành những mệnh lệnh và ước muốn của Ngài. Người ta gọi họ là các thiên thần, nghĩa là các thần ở trên trời.

Có một số tôn giáo không tin tưởng vào thần linh nào, không tin có Đấng Tạo Hoá tối cao mà chỉ tin vào sự tu luyện của con người. Nhưng vì con người tội lỗi, xấu xa nên cần phải trải qua nhiều kiếp đời mới có thể tự biến đổi và thanh luyện mình thành bất tử, vĩnh hằng như thần linh. Các thần linh có tồn tại thì cũng chỉ là chúng sinh trong vũ trụ, sức mạnh và tuổi thọ của họ vẫn bị giới hạn và bị tiêu diệt. Đây là quan niệm của Phật giáo. Khổng giáo thì chỉ tập trung vào đời sống ở trần thế này làm sao cho tốt đẹp nên chẳng muốn bàn đến chuyện quỷ thần và đời sau nên được xếp vào loại tôn giáo hay ý thức hệ vô thần dù rằng trong lý thuyết có nói đến “thượng thiên”, “thiên mệnh”, “thiên tử”…

1.3. Không giải đáp được nhiều hiện tượng tâm linh

Một số vấn đề quan trọng, mà các tôn giáo cần giải thích, là tại sao con người phải chết, phải đau khổ, phải bệnh tật… nếu đã được Đấng Hiện Hữu vĩnh hằng tạo dựng nên và chia sẻ những đặc tính của Ngài? Nếu muốn được giải thoát, được cứu độ, nghĩa là được sống mãi, trẻ đẹp mãi, hạnh phúc mãi mãi thì con người phải làm gì? Những điều tiêu cực như sự chết, tội lỗi, dục vọng, âm phủ, quỷ dữ, tà ma… bắt nguồn từ đâu? Ai cai quản chúng? Phải làm gì để thoát khỏi chúng? Ai có thể cứu độ con người và thế giới nếu tự con người không thể giải thoát chính mình?

Vì thế, ngoài việc trình bày công trình sáng tạo vũ trụ và con người, nhiều tôn giáo xây dựng lý thuyết về công trình cứu độ do thần linh thực hiện. Tuy nhiên, vì lý thuyết này hoàn toàn do con người tưởng tượng ra và diễn tả thành những thần thoại, nên chúng có nhiều điểm vô lý, mâu thuẫn, ví dụ về thiên đường, âm phủ, hoả ngục, luyện ngục. Các tôn giáo tạo ra những nghi lễ mê tín, dị đoan như các lễ cầu siêu, cầu an; các trò gọi hồn người chết; các tục thờ ma xó, ông địa; các ma thuật luyện âm binh, làm bùa ngải để trừ tà ma, quỷ dữ; các nghi lễ đốt vàng hương dâng cho người chết, các thuật bói toán, coi số tử vi; các phép tính giờ lành, tháng tốt; các kiểu kiêng kỵ như “ra ngõ gặp gái”; các trò phong thuỷ yêu cầu đào nhà, đào vườn để di dời hài cốt cho hồn ma khỏi quậy phá…

Chính những thuyết cứu độ này đã khiến nhiều người thời nay loại bỏ tôn giáo, một số người khác chống đối tôn giáo, chủ trương vô thần vì chúng đi ngược với khoa học và những hiểu biết thông thường của con người. Một số khác cho rằng chỉ có con người mới có thể cứu con người, số còn lại chủ trương “vô tri” nghĩa là con người không thể biết về thần linh vì hai thế giới vật chất và tâm linh hoàn toàn khác biệt nhau.

2. Những giải đáp cơ bản

Tuy nhiên, thực tế lại cho chúng ta thấy rằng con người là một với thể xác và tinh thần. Vì tinh thần con người có khả năng mở ra đến vô tận, nên có thể tiếp cận được với Đấng là Tinh thần Tuyệt đối và đón nhận được sự soi sáng của Ngài để biết được những sự thật vượt quá trí khôn tự nhiên của con người. Tôn giáo gọi hoạt động này là mạc khải, “mật khải”, “mặc khải”, nghĩa là thần linh vén mở tấm màn bí mật cho con người hiểu biết. Do đó, người ta phân biệt tôn giáo mạc khải là loại tôn giáo có nhận được sự soi sáng của thần linh như Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và loại tôn giáo hoàn toàn chỉ dựa vào sự sáng tạo, tìm hiểu, tu luyện của con người như Khổng giáo, Phật giáo và nhiều tôn giáo khác.

2.1. Đấng Tối cao là nguồn của mọi hiện hữu

Chúng tôi giới thiệu những lời giải đáp của Kitô giáo vì đây là tôn giáo được mạc khải và là tôn giáo hiện có đông số tín đồ nhất so với các tôn giáo khác: 2,4 tỉ tín đồ trên tổng số 7,8 tỉ người sống trên trái đất.

Trước hết Kitô giáo xác định rằng Đấng Tối Cao là nguồn của mọi hiện hữu, thật sự đã dựng nên muôn loài và đặc biệt tạo thành con người giống hình ảnh Ngài, khi ban tinh thần cho con người để có thể mở ra với Đấng Siêu Việt là Tinh thần Tuyệt đối.

Hơn nữa, nhờ tinh thần này, con người cũng mở ra với muôn loài hiện hữu gồm con người sống trên trái đất, muôn loài trong vũ trụ, mọi hữu thể thuộc giới tinh thần gồm những thiên thần, quỷ dữ là các thiên thần sa ngã, những linh hồn người đã chết gồm các thánh nhân, trong đó có cả tà ma. Học thuyết Xã hội Công giáo đã xác định rằng:

Mở ra với siêu việt là đặc tính của con người: con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với muôn loài thụ tạo. Nhờ tinh thần với trí khôn và ý chí, con người không bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian, có thể nâng mình lên trên mọi thụ tạo và cả chính mình để có thể tiếp xúc được với Đấng Siêu Việt là Thiên Chúa cũng như với muôn vật muôn loài hiện hữu[6].

Đấng đó mang nhiều tên khác nhau, không phải do con người đặt ra, nhưng là do Ngài soi sáng cho con người[7] và đã được ghi lại trong những cuốn sách gọi là Sách Thánh. Những tên diễn tả đặc tính hay hoạt động của Ngài: Đấng Tạo Hoá[8], Thiên Chúa[9], Đấng Tự Hữu[10], Đức Giavê[11], Đấng Thánh[12], Đấng Hằng Sống[13]

Sách Thánh, hay Thánh Kinh, được người Do Thái chép ra từ 2000 năm trước Công nguyên làm thành phần Cựu Ước. Sau đó, người Kitô giáo chép thêm phần Tân Ước kể về cuộc đời của Chúa Giêsu và hoạt động của Hội Thánh trong khoảng 100 năm của thế kỷ I sau Công nguyên.

Bộ Thánh Kinh Cựu Ước này được cả 3 tôn giáo là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo công nhận. Cả ba có cùng niềm tin vào một Thiên Chúa hằng sống và chân thật cũng như không chấp nhận một thần linh nào khác ngang hàng với Thiên Chúa. Theo đó, tất cả các thần linh của các tôn giáo khác hay của các dân tộc khác đều là hư ảo, không hiện hữu[14] nên không được tôn thờ chúng[15].

2.2. Các thành phần trong thế giới tâm linh và hoạt động của họ

Thiên Chúa đó tạo thành muôn loài và chia sẻ cho các thụ tạo những giá trị tích cực như sự sống vĩnh hằng, tình yêu vô biên, chân thiện mỹ vô tận và muôn vàn ân huệ linh thiêng của Ngài. Trong các loài thụ tạo, Ngài dựng nên hai loài có tinh thần, một loài không có thân xác vật chất, chỉ có tinh thần tinh ròng, gọi là thiên thần, loài kia có tinh thần trong thể xác gọi là loài người. Nhờ có tinh thần nên các loài đó có lý trí, ý chí và những giá trị tinh thần như tự do, hạnh phúc, tình yêu để chọn lựa và điều khiển những hành động của mình, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về những hành động đó.

Vì là những thụ tạo tự do nên một số thiên thần đã nghe theo lời hứa hẹn của Lucifer chống lại Thiên Chúa, để hy vọng có được sự thăng tiến nhanh chóng hơn. Lucifer, với tên gọi “người mang ánh sáng”[16], lúc đó là một tổng lãnh thiên thần hết sức cao quý, đầy quyền năng, chỉ kém một mình Thiên Chúa, nên nghĩ rằng nếu loại bỏ được Thiên Chúa, mình sẽ trở thành Thiên Chúa và hứa cho những thiên thần theo mình nhiều ân huệ hơn tình trạng họ đang có. Các thiên thần này có những cấp độ cao thấp và nhiệm vụ khác nhau như tổng lãnh thiên thần quyền năng hơn thiên thần, với các loại nhiệm vụ như Kêrubim (x. Dt 9,5), Ngai thần, Quản thần, Lãnh thần, Uy thần (x. Cl 1,16), Dũng thần
(x. Eph 1,21)[17].

Tuy nhiên các thiên thần ấy đã không hiểu rằng tất cả ân huệ họ có được đều là những ơn lành Chúa ban cho. Nên khi cắt đứt sự hoà hợp với Thiên Chúa, họ không còn nhận được những ơn mới, trở thành quỷ dữ, và đau khổ mãi mãi vì sự chọn lựa sai lầm của mình. Những giá trị tích cực nơi họ biến thành tiêu cực như tình yêu thành thù hận, sự thật thành dối trá, tốt đẹp thành xấu xa, hạnh phúc thành bất hạnh, quyền lực thành bạo lực, khôn ngoan thành xảo quyệt, bình an trở thành bất an, trật tự trở thành hỗn loạn, sống trong hạnh phúc trở thành sống trong bất hạnh… Vì thế họ trở thành “các thần ô uế”. 

Hơn nữa, sự kiện này giúp chúng ta hiểu rằng không có những thần cai quản sự chết, âm phủ, chiến tranh, bão tố, nghèo đói, dịch bệnh, xấu xa, bất hạnh… Những thứ tiêu cực này chỉ là mặt trái của những ơn lành của Thiên Chúa ban cho các thụ tạo mà thôi. Khi thụ tạo cắt đứt sự hoà hợp với Chúa, những ân huệ đó đều biến đổi, không còn tốt lành cho họ nữa. Quỷ dữ đã đánh mất tình trạng thiên đàng của mình nên Đức Giêsu mới nói: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống[18]. Chúng xâm nhập vào vũ trụ vật chất của muôn loài.

Do ghen tức với con người được Chúa yêu thương nên quỷ dữ cám dỗ những con người đầu tiên là Adam-Eva. Con người đã sa ngã[19] và đã đánh mất các hồng ân Chúa ban: không còn trẻ mãi, đẹp mãi, sống mãi, khôn ngoan vô tận…

Hơn nữa, vì con người có thể xác, gắn bó với vũ trụ vật chất (qua việc ăn uống, hít thở hằng ngày), nên vạn vật cũng bị kết án phải chịu sự hư nát[20], tan rã, chết chóc cùng với con người. Tất cả những ác độc xấu xa trong xã hội loài người không phải do các thần linh (ví dụ: thần Chiến tranh, Tử thần, Diêm vương) chi phối hay điều khiển, nhưng chỉ bắt nguồn từ sự cám dỗ của ma quỷ và ý muốn xấu xa của con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã có kế hoạch cứu độ loài người và vũ trụ bằng tình yêu của Ngài[21].

Chúng ghen tức với con người được Chúa yêu thương nên cám dỗ con người để họ cắt đứt sự hiệp thông với Chúa như chúng. Rồi khi thấy Chúa Giêsu cứu chuộc con người, cho họ trở thành con cái Chúa như Người, chúng càng ghen tức, nên cám dỗ bằng mọi cách để con người sa ngã, đau khổ và trầm luân như chúng.

Vì các quỷ dữ có quyền lực hơn con người nên Thiên Chúa đã cho các thiên thần đến bảo vệ họ. Mỗi người đều có một thiên thần bản mệnh được Thiên Chúa gửi đến để bảo vệ, dẫn dắt, chuyển cầu cho họ và đồng hành với họ trong suốt cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến lúc chết[22].

Nhiều người chúng ta chưa phân biệt ma với quỷ. Quỷ là các thiên thần sa ngã vì đã cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa. Ma là hồn người chết, sau khi thân xác vật chất tan rã, linh hồn họ tồn tại mãi mãi, không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian.

Ta cũng nên phân biệt 3 loại ma, tuỳ vào tình trạng thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục của họ. Hồn người chết lành thánh và hồn người chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng vẫn còn phải thanh luyện cho sạch mọi vết nhơ tội lỗi đều là những loại hồn lành. Họ không làm hại ai và không phù thuỷ hay pháp sư nào có thể sai khiến được họ. Nhưng những hồn người chết trong tình trạng hoả ngục, trở thành tà ma, có thể phối hợp với quỷ dữ, bị tà thuật sai khiến để làm hại con người.

Điều này cũng giúp ta hiểu về những người sử dụng ma thuật. Họ có thể là phù thuỷ, thầy pháp, tu sĩ, giáo sĩ trong các tôn giáo biết lợi dụng mối quan hệ với quỷ dữ, tà ma, tạo nên những bùa ngải, pháp thuật gây nguy hại cho con người. Chúng ta thấy người ta rao bán những thứ đó ở nhiều nơi, ngay cả trên internet: bùa yêu, bùa trừ tà, những con tỳ hưu, con Kuman Thong đem lại may mắn, bình an, tình yêu, hạnh phúc… nhưng thực chất chỉ là dối trá và lừa gạt để làm hại con người.

Người Công giáo không phải chỉ cổ vũ lòng khoan dung đối với tín đồ các tôn giáo khác, mà còn trân trọng nhìn nhận giá trị của các tôn giáo chân chính cũng là những con đường tâm linh dẫn con người đến với Thiên Chúa, cũng chứa đựng những sự thật của Đức Giêsu Kitô và luôn cộng tác với mọi người thành tâm thiện chí để xây dựng trần thế này[23]. Không thiếu những thiền sư, đạo sĩ, tăng ni, tu sĩ, tín đồ của các tôn giáo khác có khả năng xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật nhờ đời sống đạo đức, kết hợp với Đấng Linh Thiêng, dù họ không nhận thức rõ ràng Thiên Chúa hay Đức Giêsu là ai, trong khi nhiều tín hữu Kitô lại không thực hiện được các phép lạ như họ. Đức Giêsu đã cảnh báo điều này để mời gọi tín hữu mở lòng ra đón nhận mọi người[24].

Thật ra, những người này khi tin vào một Đấng Linh Thiêng ban phát mọi ơn lành, khi họ sống theo sự thật và lương tâm ngay chính, họ đã là những “Kitô hữu ẩn danh”, vì như thế là họ đã nhận biết Thiên Chúa và theo Đức Giêsu Kitô vì “Đức Kitô là con đường, là sự thật, là sự sống”. Thánh giáo phụ Justinô đã quả quyết điều đó[25].

2.3. Sự hiện diện của ma quỷ trong đời sống

Nhiều tín hữu thời nay, thậm chí có cả một số tu sĩ và linh mục, do ảnh hưởng của tâm thức duy lý, duy khoa học thực nghiệm, cho rằng không hề có chuyện ma quỷ hiện ra cám dỗ Đức Giêsu[26] hay con người. Họ cho rằng sự việc ma quỷ cám dỗ chỉ là một huyền thoại hay do đầu óc tưởng tượng của con người thêu dệt nên để dạy bài học đạo đức chứ không có thực trong lịch sử.

Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ im lặng, sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, xuất bản năm 1992, chính thức nhắc nhở về sự hiện diện thật sự của ma quỷ[27] với những công việc ác đức của chúng[28]. Sách Giáo lý gọi chung là các quỷ dữ tà ma, là “ma quỷ” theo từ gốc Hy Lạp dia-bolos có nghĩa là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô[29]. Chính ma quỷ đang muốn cám dỗ con người làm ngược lại kế hoạch cứu độ của Chúa. Satan, theo nghĩa chữ Do Thái, là “kẻ thù, kẻ chống đối”. Lucifer trở thành “ông hoàng của thế giới”, phối hợp với các quỷ dữ tà ma chống lại chương trình của Thiên Chúa và gây hại cho con người.

Vì thế, Chúa Giêsu trao quyền năng của mình cho các tông đồ, cho 72 môn đệ và tất cả những ai tin theo Đức Giêsu để họ rao giảng Tin Mừng nước Trời cho muôn loài thụ tạo, xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật cho con người. Hiện tượng ma quỷ rất đáng cho chúng ta quan tâm để cùng với Đức Giêsu và nhân danh Người, chúng ta cứu độ thế giới. Người nói với ta: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà chẳng có gì hại được anh em[30].

3. Hành động trong thế giới tâm linh

Nhiều tín hữu Công giáo thời nay, do chưa được cập nhật những hiểu biết về thế giới tâm linh, nên đã cho rằng không thể có những linh hồn vất vưởng, đi lang thang vì mỗi người sau khi chết chắc chắn phải ở trong một nơi chốn nhất định là thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục. Hơn nữa, khi nghĩ đến những sự việc đi kèm với cái chết như phán xét, thiên đàng, hoả ngục, luyện ngục, người ta lo sợ, hãi hùng, vì không biết chúng thật sự là gì và sẽ được thực hiện ra sao. Vì thế ta cũng nên tìm hiểu về chúng để có thể luôn sống trong niềm vui và hy vọng.

3.1. Chết là một cuộc thăng hoa

Chết là gì? Theo định nghĩa truyền thống, chết là khi tim ngừng đập và không còn hô hấp, tiếp theo là sự hư hỏng và phân huỷ của cơ thể. Tuy nhiên, với các kỹ thuật y khoa hiện đại săn sóc người hấp hối, người ta có thể duy trì hoạt động của các cơ quan hô hấp, tuần hoàn trong khi các chức năng não đã bị mất một cách vĩnh viễn. Người bệnh chỉ duy trì một đời sống thực vật, vô tri giác, hôn mê kéo dài có thể vài năm. Do đó ranh giới giữa sự sống và sự chết ngày càng trở nên mờ nhạt[31].

Vì thế, y khoa thường phân biệt chết lâm sàng và chết não. Chết lâm sàng là khi các phương pháp khám lâm sàng cho phép xác định là chết với các dấu hiệu như tim ngừng đập, phổi ngừng thở. Chết não là khi dùng máy đo hoạt động của não, người ta thấy đường biểu diễn sóng não chỉ còn là một đường thẳng, chứng tỏ não không còn hoạt động, các mô bắt đầu phân huỷ. Căn cứ vào tiêu chuẩn chết não, người đó được cho là chết thật và từ đó mới được phép lấy đi các cơ quan có thể chưa phân huỷ của họ như gan, thận, tim… để cấy ghép cho những người khác. Như thế, chết theo khoa học là chấm dứt tất cả các chức năng sinh lý của thân xác. Nhưng hoạt động của tinh thần con người vẫn tồn tại. Cái chết là do bệnh tật, do chấn thương, do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết và cuối cùng là do tuổi già gây nên. Với những tiến bộ của khoa học, người ta hy vọng trong vài chục năm nữa có thể kéo dài tuổi thọ con người đến 150 hay 200 năm. Nhưng có một điều chắc chắn là ai cũng sẽ phải chết!

Tại sao có sự chết? Các tôn giáo khác không giải thích được tại sao có sự chết vì không hiểu chết thật sự là gì. Chỉ Kitô giáo mới nói rõ về nguồn gốc sự chết:

Thiên Chúa không làm ra sự chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Bởi vì Ngài sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, và mọi loài trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu[32].

Thiên Chúa là nguồn sự sống nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của tinh thần. Tuy nhiên, vì con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu, thì cũng được tự do chối từ tình yêu ấy. Giống như một số Thiên Thần dùng tự do để chối từ Thiên Chúa nên biến thành quỷ dữ thì con người cũng đã chiều theo cơn cám dỗ của quỷ dữ để chối từ tình yêu Thiên Chúa, cắt đứt sự hoà hợp với Thiên Chúa là nguồn sống bất diệt, nên con người phải chết cả xác lẫn hồn. Sự chết của hồn chính là không nối kết được với Thiên Chúa hằng sống. Rồi vạn vật vì liên hệ mật thiết với con người, nên cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người[33].

Thánh Kinh nói: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Ngài. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà sự chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi sự chết (Kn 2,23-24). Vì vậy, Thiên Chúa không tạo nên sự chết và quỷ dữ cũng không thể làm cho ai chết cả. Chính con người tự do, khi cắt đứt với nguồn sống, đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật.

Vì thế, sự sống mới là thực tại, mới là thật để ta quan tâm và thể hiện trong cuộc đời. Có người nói sự chết là do Thiên Chúa tạo nên vì “Chúa làm cho sống và cũng làm cho chết”. Có người lại nghĩ sự chết là do Tử Thần quyết định hay do Diêm Vương cai quản. Thật ra, đó chỉ là những kiểu nói nhân cách hoá sự chết, chứ không có vị thần nào làm chủ sự chết cả. Còn Âm phủ, địa ngục cũng chỉ là nơi chốn tưởng tượng do con người vẽ ra để ngăn ngừa người ta làm ác.

Theo Thần học Công giáo, vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, nên không ai chết cả. Mọi người đều đang sống và sống mãi mãi, dù thân xác vật chất của họ đã tiêu tan. Thân xác đó sẽ sống lại vào ngày tận thế khi vật chất được ổn định, không còn chuyển hoá từ vật này sang người khác và thăng hoa nhờ cuộc sống lại của Đức Giêsu Kitô. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống[34]vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống (Lc 20,38).

Chết thật ra chỉ là việc thay đổi tình trạng sống của con người. Chết giống như một ngưỡng cửa để ta bước vào cõi vĩnh hằng. Nó không đưa ta vào cõi tiêu diệt và cũng không làm ta mất mát bất cứ thứ gì hay xa cách một ai. Trái lại, chết làm ta gần gũi hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn, vì chúng ta không còn bị giới hạn bởi không gian, thời gian và vật chất nữa. Một người chết ở bên Mỹ, ở ngoài Bắc, ở trong Nam, tất cả đều gần nhau vì không còn bị ngăn cách bởi không gian. Một người chết cách đây chục ngàn năm như tổ tiên hay vài chục năm như ông bà cha mẹ: tất cả đều đang có mặt bên nhau vì không còn bị thời gian chi phối.

Vì thế, trong thánh lễ, tất cả đều hiện diện, đều sống động bên Chúa: các thiên thần, các thánh nhân, các linh hồn đã khuất, cùng với ông bà, cha mẹ, bạn bè ta. Nhờ vậy, khi hiểu sự chết làm cho ta gần nhau hơn, tác động lên nhau cách hiệu quả hơn thì chúng ta phải vui mừng thay vì e ngại, sợ hãi. Nhiều người không hiểu được điều đó nên đã than khóc, lăn lộn bên xác người vừa chết như là mất mát tất cả. Có người còn muốn nhào xuống huyệt để được chôn táng theo người thân, người tình. Có người lại cố gắng sắm sửa những bộ áo quan mắc tiền, tổ chức tang lễ hết sức hoành tráng, thuê cả những người khóc mướn,… nhiều khi chỉ để khoe của, khoe danh. Đó là những thái độ không đúng.

Chúng ta được mời gọi để vượt qua nỗi sợ hãi sự chết, vì Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết khi Người làm cho cô con gái của ông Giairô sống lại. Người nhắc bảo mọi người rằng: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy![35]. Chết chỉ là một giấc ngủ để rồi chúng ta đều thức dậy, sống lại với nhau như Đức Giêsu đã vượt qua sự chết để chia sẻ cho ta sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa. Khi gắn bó với Đức Giêsu, ta mới coi thường sự chết vì nó không có thật, mới dám hy sinh vì đại nghĩa.

Thậm chí có nhiều người chưa biết Chúa Giêsu cũng đã tự nguyện chết để bảo vệ quê hương, chết cho những giá trị cao quý, cho những công trình nghiên cứu khoa học… Nhà ái quốc Phan Bội Châu[36] đã nhắc nhở chúng ta: “Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh, chết tựa Trưng Vương phách hoá thần”. Khi gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể chết cách hào hùng, thánh thiện như Người đã chết tủi nhục trên thập giá vì yêu thương ta và muốn cứu độ ta. Người chết như thế để giúp ta hiểu được ý nghĩa của sự sống: vì “nếu ta cùng chết với Chúa Kitô, ta sẽ cùng sống với Người”[37].

3.2. Những tình trạng sống sau khi chết

Những hiểu lầm và xuyên tạc

Ngay sau cuộc phán xét, con người đón nhận được tình trạng sống của mình mà chúng ta thường gọi là thiên đường, luyện ngục, hoả ngục. Tình trạng sống này đã bị hiểu lầm do sự pha trộn về ý niệm và hình ảnh giữa các tôn giáo với nhau. Nhiều tín hữu Công giáo đã nhầm lẫn hoả ngục với địa ngục, luyện ngục với âm phủ, thiên đường với Niết Bàn (Nirvana) của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Bà La môn giáo và nhiều tôn giáo khác[38].

Nếu chúng ta muốn xem thiên đàng, địa ngục như thế nào, có lẽ chúng ta nên xuống Công viên Đầm Sen hay Suối Tiên của TP.HCM, vào thăm 18 tầng địa ngục theo quan niệm của Phật giáo hay mở Internet gõ chữ “thiên đàng/hoả ngục” là có nhiều video giống như vậy.

Ví dụ như video “23 giờ thăm địa ngục, phần I”: chuyện kể về cô gái tên Angelica Elizabeth Zambrano Mora 18 tuổi, đến từ Cộng hoà Ecuador, Châu mỹ Latinh. Trong 23 tiếng đồng hồ, cô đã được Chúa Giêsu đưa đi thăm thiên đàng và hoả ngục. Sau đó, cô đã tường thuật lại cảnh tượng mà mình chứng kiến khi linh hồn rời khỏi thân xác và được gặp Chúa qua cuốn sách: “Prepare to Meet Your God” (nghĩa là: Hãy chuẩn bị đi gặp Thiên Chúa của bạn!). Đây là những video làm sai lạc đức tin Công giáo, do những nhóm chống phá Giáo Hội thực hiện, vì phần II bộ phim chiếu cảnh chính ĐGH Gioan Phaolô II là tên tội phạm nặng nhất bị giam cầm trong đó vì ngài đã tham tiền, tham tửu sắc,…

Qua dụ ngôn,[39] Chúa  Giêsu cũng mô tả cho thấy hai thái độ sống đối lập nhau: thái độ sống buông thả, hưởng thụ của người giàu và thái độ sống âm thầm chịu đựng của anh Lazarô nghèo khó trong đời sống ở trần thế. Câu chuyện trong dụ ngôn khiến chúng ta liên tưởng tới thiên đường, luyện ngục và hoả ngục, mà mỗi người chúng ta sẽ nhận được sau cuộc phán xét của Chúa, như kết quả cuộc sống ở thế trần. Nhưng chúng thật sự là gì và ta sẽ sống như thế nào để đạt được hạnh phúc thiên đường như Lazarô?

Thiên đường, luyện ngục, hoả ngục là gì?

Chính là những tình trạng sống của con người sau khi chết, chứ không phải là những nơi chốn cố định, rõ rệt, như ta vẫn quan niệm trong không gian ba chiều hiện nay. Nếu mở lại sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1023-1029 nói về thiên đường, số 1030-1032 nói về luyện ngục, số 1033-1037 nói về hoả ngục, cũng như mở lại những tài liệu của CĐ. Vaticanô II nói về Nước Trời[40], ta sẽ học được nhiều điều mới mẻ về các tình trạng sống này.

Trước hết, Thiên Chúa không tạo nên các toà nhà lớn với tường cao như ngục tù để những ai vào đó không thể thoát ra ngoài. Trong dụ ngôn Tin Mừng, ông nhà giàu và Lazarô, dù ở hai tình trạng khác biệt, vẫn trông thấy nhau, nói chuyện với nhau, nhưng có một vực thẳm vô hình ngăn cách đôi bên. Ông ta còn xin Abraham gửi Lazarô về trần thế để nhắc bảo anh em mình thay đổi đời sống cho khỏi sa vào cực hình như ông. Những điểm này chứng tỏ mọi người vẫn có thể gặp gỡ nhau, dù sống trong bất cứ tình trạng nào. Đây là tình trạng sống thanh thoát, không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian. Đây cũng là đời sống của chính Thiên Chúa, của các thiên thần, các hồn người đã khuất, trong đó có cả quỷ dữ lẫn tà ma.

Tiếp đến, thiên đường là tình trạng sống của những ai được kết hợp trọn vẹn với Chúa, không bị bất cứ một vết nhơ tội lỗi nào ngăn cản. Từng giây phút họ được Chúa chuyển thông cho họ sự sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận và nguồn chân thiện mỹ vô cùng.

Luyện ngục là tình trạng sống của những người muốn thanh tẩy những điểm tối trong đời mình để có thể kết hợp trọn vẹn với Chúa. Tuy nhiên, vì không còn tự do nên những hành động sau khi chết của họ như chiêm ngưỡng và ca tụng lòng nhân từ thương xót của Chúa không còn đem lại cho họ những công phúc nữa. Nhiều bài thánh ca và những bản văn đạo đức đã làm cho các tín hữu hiểu lầm về tình trạng sống này như là một chỗ tối tăm, đầy tiếng khóc than của những người chịu cực hình. Có người còn nghĩ họ bị lửa thiêu đốt, dù không nóng nảy và đau đớn như lửa hoả ngục! 

Thật ra, những linh hồn ấy rất vui vì đang được thấy Chúa trong vùng ánh sáng tuyệt vời, được ca tụng Chúa với toàn thể thần thánh, nhưng niềm vui của họ chưa trọn vẹn. Họ thiết tha mong được hoà nhập hoàn toàn với Chúa, nhưng lại tự nguyện xa cách Chúa để thanh luyện chính mình. Đấy là ngọn lửa tâm linh thiêu đốt tâm hồn họ. Nhưng họ vẫn hy vọng vì nhờ lời cầu nguyện, hy sinh, nhất là những thánh lễ của Giáo Hội và người thân, họ sẽ thanh luyện mình dần dần, để cuối cùng sẽ đạt được tình trạng thiên đường.

Hoả ngục là tình trạng của những người, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, dù với bao ân huệ Chúa ban, tiếng lương tâm nhắc nhở, người thân khuyên bảo, Giáo Hội cầu nguyện, họ vẫn cương quyết cắt đứt mối dây liên lạc với Chúa. Nên khi vừa vượt qua ngưỡng cửa của cái chết, họ thấy ngay Chúa tốt đẹp, nhân từ, hoàn hảo vô cùng. Vì thế họ tiếc xót, tự dằn vặt chính mình, đau khổ và tuyệt vọng vì đã cắt đứt với nguồn tình yêu, sự sống và chân thiện mỹ. Nỗi đau khổ này chính là ngọn lửa thiêng liêng thiêu đốt họ, chứ không phải Chúa ném họ xuống biển lửa, ở chung với quỷ dữ tà ma, bị quỷ dữ đâm chém, cưa xẻ, như ta thấy được mô tả qua hình ảnh về các tầng địa ngục trong các tôn giáo khác. Có người cha nào yêu thương lại hành hạ con mình muôn đời như thế!

Thật ra, Chúa ở khắp mọi nơi với tất cả lòng từ bi, thương xót, tình yêu và quyền năng của Ngài. Vì thế, dù ở trong tình trạng thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục, mọi thụ tạo gồm thiên thần, con người hay quỷ dữ tà ma đều thấy Ngài y như nhau. Như thế, không phải Chúa tạo thành thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục để thưởng công hay hành hạ muôn loài, nhưng là chính thụ tạo tự dựng nên tình trạng đó cho mình.

3.3. Làm sao để nhanh chóng được vào thiên đường

Khi biết mình phạm tội, xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em, biết mình phải sống trong tình trạng luyện ngục để tẩy rửa các vết đen bẩn của linh hồn, ta chỉ mong được mau chóng ra khỏi đó để bước vào thiên đường.

Tuy nhiên, việc thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba[41] và nhiều vị thánh đã cảm nghiệm được thiên đường ngay trong cuộc đời trần thế, như nhắc bảo ta rằng: mình có thể và phải xây dựng Nước Trời hay thiên đường bằng thái độ sống tích cực trong tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu.

Chúng ta rất giàu về thời giờ, ân huệ, tài năng và có khi cả tiền của. Tuy nhiên, nhiều người lại đang có thái độ sống hưởng thụ, ích kỷ, chỉ biết có mình, phung phí các nguồn lực đó cho những đam mê, nghiện ngập như ông nhà giàu trong dụ ngôn. Ta không quản lý tốt gia sản của Cha Trên Trời nên không phát huy được hiệu quả để tạo nên thiên đường.

Ta sống mỗi ngày 24 giờ, mỗi giờ có 3.600 giây. Một nụ cười, một lời thân tình kết nối yêu thương, một lời xin lỗi để tạo lại hoà khí, một cử chỉ ân cần để cảm thông, một hành động bác ái để chia sẻ… thường chỉ tốn một vài giây, vài phút. Nhưng thử hỏi mỗi ngày ta làm được mấy lần để tạo nên hạnh phúc thiên đường cho người thân hay cho cộng đồng quanh ta? Nhiều khi ta đang tạo nên hoả ngục cho họ từ những thái độ im lặng giận hờn, những lời thô tục dối trá, những cử chỉ lãnh đạm, những hành động loại trừ nhau. Chính khi tạo nên hoả ngục cho người thì ta cũng giam hãm mình trong đó. Còn khi ta tạo nên hạnh phúc cho người, thì ta cũng tạo thành thiên đường cho mình.

Thánh Phaolô khuyên nhủ ta: “Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta xuất hiện( Tm 6,11-16). Bằng những hành động, cử chỉ, lời nói, tích cực và trong sáng, chúng ta tạo nên thật nhiều điểm sáng trong từng ngày sống còn lại của đời mình. Nhờ đó chúng ta sẽ loại trừ và tẩy rửa những điểm tối bẩn trong hồn ta, để một ngày nào đó, có khi ngay trong cuộc đời trần thế, ta đã tạo nên thiên đường cho mình và cho những ai sống gần mình.

Lời kết

“Chúng ta không biết được trái đất và nhân loại sẽ kết thúc vào thời điểm nào (x. Rm 15,16), chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ biến đổi ra sao. Quả thật, bộ mặt của một thế giới bị biến dạng vì tội lỗi đang qua đi (x. 1Cr 7,31), nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một thế giới mới, nơi công lý ngự trị. Hạnh phúc ở nơi ấy sẽ thoả mãn và lấp đầy mọi ước vọng hoà bình đang trào dâng trong lòng con người (x. 1Cr 2,9; Kh 21,4-5). Khi ấy sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô… và toàn thể thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân (x. Rm 8,19-21). Tuy nhiên sự trông đợi thế giới mới này không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích, nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một số hình ảnh nào đó của thời đại mới. Vào thời điểm cuối cùng Chúa Kitô sẽ trao lại cho Chúa Cha Vương Quốc vĩnh cửu và phổ quát: “Vương Quốc của sự thật và sự sống, của thánh thiện và đầy ơn phúc, của công lý, tình yêu và hoà bình[42].



[1] x. Bài Tứ Pháp trong vai trò chấn hưng văn hoá Đại Việt, Giác Ngộ Online.

[2] x. Wikipedia: Bài Các thần linh của Ấn Độ giáo, Các thần linh của Ai Cập; Tôn giáo, Internet.

[3] x. Tôn giáo.

[4] x. Wikipedia: 12 vị thần trên núi Olympus; Bài Tôn giáo, Internet.

[5] x. Wikipedia, Bài Tôn giáo, Internet.

[6] x. Tóm lược HTXHCG, số 130; Docat, câu 53.

[7] x. Giáo hoàng Học viện Piô X, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, mục từ Thiên Chúa, Tập IV, tr.119-136.

[8] x. St 1; Ga 1,1.

[9] X. El, Elohim: Xh 3,6; 6,7; Is 41,10; 43,3; 1V 18,21.

[10] x. Xh 3,14.

[11] x. Xh 3,1-15; 33,18-23; 34, 1-7.

[12] x. Am 4,2; Os 11,9; Is 6,3; Am,7; Lc 20,3…

[13] x. 1V 17,1; 1Sm 17,26,36.

[14] x. Gr 2,11; 5,7; Is 43,10.

[15] x. Xh 20,3.

[16] x. Is 14,12-15.

[17] x. Giáo Hoàng Học viện Piô X, Điển ngữ thần học Thánh Kinh, tập 4, mục từ Thiên thần, tr. 138-143.

[18] x. Lc 10 18.

[19] x. St 3,1-24.

[20] x. Rm 8,20-22.

[21] x. Docat, chương 1.

[22] x. Tv 91, 10-13; Mt 18,10; GLHTCG 336.

[23] Giáo hội Công giáo xác nhận điều này trong các văn kiện của CĐ Vaticanô II, như Hiến chế Lumen Gentium, số 16; Hiến chế Gaudium et Spes, số 22; SL Ad Gentes, số 7; TN Nostra Aetate, số 2; và trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2609.

[24]  x. Mc, 9,38-39.

[25] x. Thánh Justinô, Apologia I, 46; Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.247.

[26] x. Mt 4,1-11; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13.

[27] x. GLHTCG, số 391-392; 414; 2.891.

[28] x. GLHTCG, số 1237, 394-395.398; 2.851-2.852.

[29] x. GLHTCG, số 2.851.

[30] Lc 10, 19: x. Mt 10,1.

[31] x. Alice Roberts, Atlas, tr.412- 413.

[32] Kn 1,13-14.

[33] x. Rm 8,20-23.

[34] Mt 22,32; Mc 12,27; Lc 20,38.

[35] x. Mc 5,21-43.

[36] Phan Bội Châu (1867-1940). Hai câu trong bài thơ Chết của ông.

[37] 2Tm 2,11.

[38] x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.383-400.

[39] x. Lc 16,19-31.

[40] x. Lumen Gentium, số 3, 5, 35-36, 44, 46;  Gaudium et Spes, số 39, 45.

[41] x. 2Cr 12,2.

[42] x. Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô Vua; Gaudium et Spes, số 39.

 

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn