Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, OP.
“Thánh Kinh xác quyết có một thực tại được chính loài người cảm nghiệm, đó là những ưu thế vĩ đại thu hoạch từ công cuộc phát triển của nhân loại đều bị nhiễm nặng vì nhiều cơn cám dỗ: ngôi thứ các giá trị bị đảo ngược, thiện ác bị pha trộn, mỗi cá nhân, mỗi phe nhóm chỉ biết lo cho lợi ích riêng mà không cần quan tâm đến quyền lợi của người khác. Do đó mà trái đất nầy chưa trở thành một cõi bồng lai tiên cảnh của tình huynh đệ chân thực. Trái lại, hiện trạng bành trướng của quyền lực con người đang đe dọa sẽ kết liễu chính nhân loại nầy”.[1]
Con Bê Vàng Ngày Xưa
Trong
thời Xuất Hành, đoàn người vừa thoát khỏi kiếp nô lệ dưới chế độ bạo quyền
Pha-ra-ô đã vui mừng đến mất trí, cùng nhau cử hành đại lễ toàn dân mừng cách
mạng thành công với việc xây một tượng đài ghi công chiến thắng, bằng nguồn
vàng bạc vô cùng hào phóng gần như bất tận, vừa xử dụng ma thuật tuyên truyền,
vận động quyên góp, vừa mạnh tay thi hành quỷ kế tận thu không bỏ sót bất kỳ
một ai.
“Được tin Ông Mô-sê chậm trễ chưa kịp xuống
núi, dân chúng kéo đến vây lấy Ông A-rôn và yêu cầu: ‘Hãy tạo cho chúng tôi một
vị thần để làm người lãnh đạo chúng tôi, vì cái lão Mô-sê từng dẫn chúng tôi
đào thoát khỏi đất Ai Cập hiện chẳng biết chuyện gì đã xảy ra cho lão ấy’. Ông A-rôn bảo họ: ‘Hãy bắt vợ con các người
tháo hết vòng vàng đang đeo đem nộp cho ta’.
Thê là toàn dân gỡ sạch đồ trang sức đem nộp cho Ông A-rôn để ông gom
tất cả mọi thứ cống nạp lại, chế một cái khuôn, rồi đúc thành một con bê
vàng.’ Dân chúng hò hét vang dội: ‘Hỡi
đồng bào Ít-ra-en! Đây là Thiên Chúa của
các người! Chính đây là Đấng đã giải cứu
các người ra khỏi đất Ai Cập.’ Chứng
kiến cảnh tượng ấy, Ông A-rôn liền dựng một bàn thờ trước con bê và tuyên bố:
‘Ngày mai là đại lễ kính mừng Đức Ngài’.
Từ sáng sớm, dân chúng dâng lễ thiêu sinh và kiệu lễ vật cầu an. Họ ngồi vào bàn, ăn uống rồi bắt đầu cuộc vui
chơi thác loạn.[2]”
Bài
tường thuật vừa rồi cho thấy việc đúc con bê vàng và tổ chức thờ phượng nó vi
phạm hai yếu tố của tội tôn thờ ngẫu tượng bị nghiêm cấm theo Điều Răn Thứ Nhứt
của Đức Chúa Trời: một là thờ lạy ai đó hoặc một thứ gì đó, vốn chỉ là loài thụ
tạo, như thờ lạy Thiên Chúa Tạo Hóa; hai là tuy thờ lạy Thiên Chúa Chân Thật
nhưng lại bằng hình thức mê tín dị đoan của các tín ngưỡng ngoài Ki-tô Giáo.
Bản
văn Sách Xuất Hành ghi: “Dân chúng hò hét
vang dội: ‘Hỡi đồng bào Ít-ra-en! Đây là
Thiên Chúa của các người! Chính đây là
Đấng đã giải cứu các người ra khỏi đất Ai Cập.’” Dân chúng đã không nghi ngờ khi phủ phục
xuống tế lễ con bê vàng do họ tạo ra như tôn thờ Đấng Thiên Chúa vừa giải cứu
họ khỏi tay bạo quyền Pha-ra-ô. Cách
thức họ vinh danh con bê vàng gồm việc vừa dâng cúng lễ vật, không chỉ là hương
hoa, lúa gạo, củ quả và các loại thịt thú vật chiên dê hay trâu bò, mà còn sát
tế cả trẻ con theo thói tục các dân tộc láng giềng, đây là điều Thiên Chúa
nghiêm cấm: “Các ngươi không được học
theo thói tục ghê tởm của các dân tộc, không ai được làm lễ thiêu con trai hoặc
con gái mình.”[3] Sách Sáng Thế thuật truyện Ông Áp-ra-ham sắp
hạ sát con trai mình là I-sa-ác để hiến tế cho Thiên Chúa thì thiên thần Chúa
xuất hiện ngăn không cho ông thực hành nghi lễ theo thói tục dân ngoại đạo thời
ấy.[4]
Thứ
đến, sau phần mô tả lễ cúng tế kính thờ con bê vàng, đoạn sách Xuất Hành tường
thuật tiệc liên hoan: “Họ ngồi vào bàn, ăn
uống rồi bắt đầu cuộc vui chơi thác loạn.”
Dân chúng ăn uống rượu thịt đã dâng cho con bê vàng cũng là do học theo thói
tục dân ngoại như hình thức hiệp thông, hội nhập với các các ngẫu tượng, điều
sau nầy Thánh Phao-lô gay gắt lên án trước những lạm dụng của các Ki-tô hữu
cộng đoàn Cô-rin-tô trong việc ăn thịt dâng cúng cho tà thần và việc cử hành
tiệc Thánh Thể.[5]
Thói
tục ngoại tục càng lúc càng được thu nạp ào ạt và áp đảo vào sinh hoạt Ki-tô
Giáo, kể cả trong việc cử hành phụng vụ, dưới bảng
hiệu hội nhập văn hóa, cho đạo và đời giao lưu, phong phú hóa lẫn nhau.
Các
cuộc lễ hội của thế tục ngoài phần”lễ”, tức nghi thức thờ cúng vô số các loại
thần thánh, tùy tin tưởng của dân địa phương, luôn kèm theo phần không thể
thiếu, được mọi người háo hức mong đợi, đó là phần “lạt”, tức là ăn uống, với chất liệu chính yếu bất khả chuẩn
chước là rượu và thịt. Khởi thủy, chỉ là
những bữa ăn trong gia đình hay xóm làng để bày tỏ nỗi mừng sau thời gian dầm
mưa giãi nắng cầy cấy vất vả. Rốt cục, phần
“lạt” từng bước hất đổ ngai chủ trì của phần “lễ”: thiên hạ vui vẻ nhận lời dự
“lễ”, cố sức chịu đựng mọi thứ phiền toái, sớ tấu chư thánh thần dài lê thê,
cung giọng lè nhè điệu bộ thô cứng, y trang lượm thuộm của các thầy cúng, đơn
giản vì ai cũng mong được bồi hoàn thỏa đáng trong phần “lạt”. Giả mà biết
trước sau “lễ” sẽ không có “lạt”, liệu có ai buồn đi dự “lễ” hay chăng? Và đây là câu trả lời của Thánh Phao-lô:
“Điều trước tiên tôi nghe được là khi cộng đoàn,
anh em chia rẻ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng. Những chia rẽ giữa anh emthế nào cũng có,
nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn. Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn
bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo
ăn bữa riêng của mình trước và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa
và làm nhục những người không có của?”.[6]
Hóa ra, cái hủ tục: “phi
tửu bất thành lễ nghĩa”[7] không phải bây giờ mới có, song rõ ràng chưa bao giờ tệ hại và tàn sát
phẩm giá mọi người khủng khiếp như thời buổi hiện nay.
Chí
ít, thủa trước, người thời xưa có tệ đến độ bị Thánh Phao-lô nghiêm khắc mắng
là “tín đồ đạo thờ dạ dày”[8]thì
họ cũng chờ cho xong việc lễ bái đã rồi mới bày mâm cỗ ra. Thời bây giờ chè chén quá độ đến mức chẳng
còn đủ tỉnh táo mà đọc cho hết Kinh Kính Mừng.[9]
Mọi
việc chưa dừng lại ở đây: phần cuối của buổi lễ cúng tế thờ phương con bê vàng
là một khi đã no say rượu thịt thì mọi người cuồng nhiệt giải tỏa cơn thèm khát
của bản năng tính dục, như tín ngưỡng phồn thực được thực hành tràn ngập xã hội
ngoại giáo vì họ tin là phải thực hiện những
tập tục ấy để được các thần chúc phước cho cho cả con người, cho thú vật
lẫn mùa màng được sinh sôi sung túc.[10] Thói tục nầy khơi mào cho nếp sống buông thả,
trái ngược luân lý hôn nhân gia đình Ki-tô hữu, như Thánh Phao-lô nặng lời
khiển trách:
“Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô
xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy rangay cả nơi dân ngoại: có
kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình! Thế mà
anh em lại còn kiêu ngạo! Lẽ ra anh em
đã phải than khóc và loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn của anh em![11]”
Người ta
nói: “rượu vào thì lời ra”, và nhiều lần
cùng với lời nói thất thố không còn được cân nhắc, là hành vi khiếm nhã mất
kiểm soát, nhận chìm thanh danh của cả nạn nhân lẫn thủ phạm.
Việc “than khóc và loại trừ” những phần tử vi
phạm luật cấm—án tử hình bằng hình phạt ném đá thời Cựu Ước và án tuyệt thông thời Tân Ước—vừa có giá
trị chữa trị, vừa ngăn ngừa tác động lây lan của tội thờ bê vàng vốn ngàn lần
nguy hại hơn cả ôn dịch vì chúng gây nguy hại cho cả thể xác và hồn thiêng của
các nạn nhân.[12]
Liệu
rằng thời kỳ của tiến bộ vượt bực trong lãnh vực khoa kỹ thuật và đưới hào
quang của cuộc sống văn minh của các giá trị nghệ thuật nhân văn, nhân loại có
khép lại quá khứ mê muội, phủ phục cúng tế các sức mạnh thiên nhiên như tiền
nhân đã từng sai lầm mắc phải hay không?
Nói cách khác, Bê Vàng liệu có còn chỗ đứng trong xã hội hôm nay nữa hay
không, khi mọi hình thức mê tín dị đoan của ngày hôm đều bị phơi bày trần trụi
dưới kính hiển vi cực mạnh và tuyệt đối chuẩn xác?
Con Bê Vàng Ngày Nay
Từ ngữ
được sử dụng có lựa chọn khi đặt cho tiêu đề “bê vàng ngày nay”.
Con bê
vàng ngày hôm qua, con bê vàng của thời Xuất Hành, đã kết thúc vai trò lịch
sử. Nhưng vẫn còn đó giá trị biểu tượng
của nó.
Bê
vàng từng được chính con người tạo ra để tự ban thưởng cho tài trí và mưu lược
của chính mình trong biến cố vùng thoát khỏi kiếp nô lệ dưới bạo quyền Pha-ra-ô
bên Ai Cập.
Không
có gì sai khi nhắc lại bước khởi đầu của cuộc đào thoát có một không hai trong
lịch sử nhân loại: cả một dân tộc bị đày ải, hạ nhục, truy sát và diệt chủng
suốt bao nhiêu đời.[13]
Tuy
nhiên, đó chưa phải là cuộc giải thoát con người mong đợi, nếu sau cùng, họ vẫn
chưa được hưởng tự do tuyệt đối, mà phải chỉ là một thứ “tự do trong khuôn khổ”, với giới hạn đáng sợ: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái cây cho biết điều
thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi
sẽ phải chết.”[14] Tèo,đứa
con cưng trong phim hoạt họa cho thiếu nhi “Sao
Hỏa Tìm Mẹ”[15],
không hiểu được vì sao mẹ luôn miệng nói yêu mình nhưng lại cứ gây cho mình đủ
mọi thứ phiền toái, kể cả việc kiểm soát từng bữa ăn, từng giấc ngủ của mình.
Chịu hết nổi những biện pháp đàn áp tự do đó, Tèo phẫn nô hét lên: “Đời con có lẽ sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu
không có mẹ.” Trong khi mẹ ôm mặt, che dấu những giọt nước mắt cay đắng tuôn trào,
Tèo cảm thấy hết sức tự hào vì vừa “dũng cảm đứng lến chống lại chính sách chăm
nuôi con quá hà khắc của mẹ.”
Đâu
chỉ có một mình Tèo muốn đòi mẹ cho mình hưởng tự do tuyệt đối. Đâu chỉ có một mình Tèo khó chịu vì mẹ lúc
nào cũng nhân danh tình mẫu tử để thực chất là kim kẹp mình. Đâu phải cứ còn bé dại, thiếu hiểu biết như
Tèo mới không hiểu nổi tấm lòng trời biển của mẹ, yêu con hơn cả mạng sống của
chính mẹ, khi còn biết bao kẻ đầu hai thứ tóc, học hành thông tuệ, nhưng không ngừng
khai trừ Thiên Chúa khỏi cuộc đời mình, khỏi mái ấm vũ trụ càn khôn do chính
Người từng ân cần tạo dựng để loài người có chỗ dung thân.
Vai
diễn Tèo trong đời thực tinh vi hơn, ma mãnh hơn và cũng đáng sợ hơn khi Tèo
hiện nay biết tạo ra những con bê vàng của thế kỷ 21.
Trong
số những con bê vàng đó có lẽ gần chiếm vị trí được tôn thờ thay thế cho Thiên
Chúa đáng ngại nhứt là con “bê vàng nhân quyền” và “con bê vàng môi trường.”
Con Bê Vàng Nhân Quyền
Cuộc
Cách Mạng Pháp năm 1789 khai mở khái niệm nhân quyền phổ cập tất cả mọi người
với phẩm giá là một nhân vị đều được thừa hưởng như nhau. Bản Tuyên Ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ban
hành năm 1946 mở đầu bằng lời lẽ trang trọng:
“Mọi
người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương
tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.”[16]
Thời Kỷ Nguyên Ánh Sáng như là động tác trở mình
thức giấc của con người sau thời gian hầu như vô tận ngủ vùi trong vô minh với
chút ánh sáng mù mờ của trí tuệ khi đặt câu hỏi về chân tính của chính mình
giữa cơ man các hình thái hiện hữu khác: có thứ to lớn hơn nhiều, mạnh mẽ hơn
nhiều, sống lâu hơn nhiều hung bạo và đáng sợ hơn nhiều. Nhưng qua cọ sát thực tế, con người đã có thể
dành ưu thế hơn tất cả các loài nói trên, không dựa vào sức mạnh của thể lý,
của cơ bắp, mà chính là nhờ sức mạnh của trí tuệ.
Từ ngỡ ngàng nầy đến kinh ngạc khác, con người
đạt được mục tiêu vĩ đại nhờ triển khai tiềm lực vô tận của bộ não. Hình ảnh chú mục đồng nhỏ bé dắt mũi con trâu
lực lưỡng chưa kịp quen mắt mọi người thì đã xuất hiện bóng người ngồi trước
các thiết kế khoa học không gian để kiểm soát và khiển dụng vũ trụ càn
khôn.
Một lần nữa, trong tâm trí loài người, cũng như
trong đầu óc đứa trẻ mới lớn, câu chất vấn ngàn xưa lại nổi lên dữ dội hơn: tại
sao mẹ nói thương mình mà cứ mãi hạn chế tự do của mình? Sao phải ăn ngủ đúng giờ? Sao phải học bài chứ không được tự do vui
chơi? Cái lằn ranh hạn chế tự do cá nhân
của con do mẹ đặt ra để làm gì? Ai được
lợi khi con phải ép mình trong cái gọi là “tự
do trong khuôn phép” đó?
Thật may mắn, nhân loại đã tìm ra lời giải, dầu
muộn màng, nhưng vẫn rất tự hào và đắc thắng, vì sau cùng, con người đã tự mình
giải mã được bí mật động trời nhờ ánh sáng trí tuệ:
“Rắn
là loài xảo quyệt nhứt trong mọi giống vật ngoài đồng mà Đức Chúa là Thiên Chúa
đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: ‘Có
thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn
không?’ Người đàn bà nói với con rắn:
‘Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã
bảo: các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” Rắn nói với người đàn bà: ‘Chẳng chết chóc gì
đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông
bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết
điều thiện điều ác.”[17]
Phải cử hành chiến thắng vĩ đại mở ra thời kỳ tự
do của trí tuệ, thoát khỏi mọi hình thức xiềng xích nô lệ của sợ hãi cấm kỵ của
mê tín, của các loại giáo điều làm hạn chế, thậm chí giết chết tự do suy tư của
con người.
Bàn thờ vĩ đại, tốn công sức chưa từng thấy, được
công phu xây lên dâng kính Trí Tuệ Con Người.
Con Bê Vàng Trí Tuệ tiếp tục được tô phết thêm hào
quang quyền lực và nâng lên vị trí độc tôn vào thời điểm hoàng kim của Trí Tuệ
Nhân Tạo. Lời hô hào toàn dân
Ít-ra-en phủ phục bái thờ con bê vàng
thời Xuất Hành xa xưa ấy thời nay lại vang lên như sấm đội, không hề kém thách
thức, ngạo mạn và cuồng loạn: “Hỡi toàn
thể loài người! Đây là Thiên Chúa của
các người! Đây là Đấng đã giải cứu các
người khỏi số kiếp nô lệ cho mọi thứ tín điều mê muội phi lý!”
Cũng như xa xưa, sau phần “lễ”, nhân loại nhứt thiết phải tự thưởng cho mình phần “lạt”, cung cấp mọi thứ phương tiện và
công cụ thỏa mãn khát vọng hưởng tự do tuyệt đối: làm bất cứ điều gì mình muốn.
Mọi thứ rào cản luân lý, tôn giáo đều phải tháo gỡ, tiêu hủy. Cơ man những đứa trẻ, những đứa con tinh thần
được các thế hệ chứng nhân truyền giáo, tuẩn đạo cưu mang trong gian khổ, sinh
nở giữa lưu đày, nuôi dạy trong máu và nước mắt, bị đem ra sát tế trên bàn thờ
con bê vàng trí tuệ.
Cả loài người cuồng dại đứng lên, ăn uống vui
chơi, chưa cần phải suy xét lý do vì sao phải có phên dậu kiên cố được tiền
nhân dầy công xây lên xung quanh mái ấm, trước khi nghe được tiếng gầm gừ của
lũ sói rừng phía sau hè.
Con Bê Vàng Môi
Trường
Thời hiện đại, thời của ngày hôm nay, người ta
một mặt đưa ra mọi chứng cứ khoa học kỹ thuật đầy thuyết phục là dấu chấm hết
của vũ trụ càn khôn đang được bấm giờ theo dõi từng giây. Mặt khác, giải pháp tối ưu tuyệt đối cũng
được giới thiệu như đấng cứu tinh nhân
loại: tôn giáo thờ môi trường sống để loài người được sống trong môi trường
tuyệt đối trong lành. “Bà Mẹ Đất”—
“Pachamama”—được rước lên bệ thờ bê vàng [18],
giữa tiếng hò vang rền: “Hỡi loài
người! Đây là Thiên Chúa của các người,
đấng sẽ cứu sống các người trong bất kỳ tai ương tiềm tàng nào liên quan đến
khủng hoảng môi trường!”[19]
Liệu Có Là Con Bê Vàng Cuối Thời?
Tiên báo
về cảnh nhiễu nhương của buổi “cuối thời”, Chúa Ki-tô dạy:
“Bấy giờ nếu có ai bảo anh em: “Này Đấng Ki-tô
ở đây” hoặc “ở đó”, thì anh em đừng tin.
Thật vậy, sẽ có những Ki-tô giả và ngôn sứ gỉ xuất hiện, đưa ra những
dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã
được tuyển chọn.”[20]Với
lượng xuất hiện dồn dập của các loại bê vàng, đặc biệt trong lãnh vực của ngôi
đền thánh thiêng tôn giáo, có phải thời kỳ nầy của thế kỷ 21 đã hội đủ điều
kiện theo Sách Khải Huyền cho Con Thú xông vào chiếm lĩnh Bàn Thờ rồi chăng?
“Bấy giờ toàn thể cõi đất thán phục đi theo Con
Thú. Họ thờ lạy Con Rồng vì nó đã ban
quyền hành cho Con Thú, và họ cũng thờ lạy Con Thú mà rằng: “Ai sánh được với
Con Thú và ai có thể giao chiến với Con Thú?”[21]
Không
thể kháng cự Con Thú thì chỉ còn cách quy phục nó, nhân loại mới sống sót:
“Con thú bắt mọi người, không phân biệt lớn
nhỏ, giàu nghèo, tự do hay nô lệ, phải thích dấu trên tay hữu hoặc trên
trán. Không ai thể mua bán, nếu không
mang dấu thích đó, tức là tên Con Thú hoặc con số tương đương với tên nó.
Đây là lúc cần phải có sự khôn ngoan. Ai có trí thông minh hãy tính ra số của tên
Con Thú, vì đó là số của tên một người, và số của tên người ấy là sáu trăm sáu
mươi sáu.”[22]
Những
gì xảy ra gần đây sau cơn đại dịch Covid 19, cả bên ngoài thế tục lẫn bên trong
cộng đoàn Ki-tô hữu, không thể không khiên cho những lời Thánh Kinh thượng dẫn
có nhiều gợi ý.
Con bê
vàng thời nay không nhứt thiết giữ thế đối đầu không đội chung trời với Thiên
Chúa chân thật, nó có nhiều chiêu thỏa hiệp theo phương châm “hai bên cùng có
lợi, hai bên cùng chung sức khai thác”, không mất ai mà cũng chẳng ai mất gì.
“Con
Đường Công Nghị” của Hội Thánh Đức Quốc,[23]
được coi như là một Con Bê Vàng hứa hẹn giải cứu mọi chứng nan y, bất trị trong
cơ thể Hội Thánh Đức, vừa được Hội Thánh Bỉ rước vào đền thờ để trị liệu cho
tình trạng suy sụp của Dân Chúa tại Bỉ.[24]
Và rồi
Công Nghị Giám Mục 2023 cho toàn Hội Thánh sẽ kết thúc vào tháng 10 năm sau có
là con bê vàng với phép mầu, chữa tận căn mọi thứ bịnh tật và cứu sống Hội
Thánh toàn cầu hay không?[25]
[1] Vui
Mừng và Hy Vọng, 47.
[2] Xh, 32:1-6.
[3]Đnl 18:10.
[4] Xc St 22:1-12.
[5] Xc 1 Cr 10:1-22;
[6] 1 Cr 11:18-22.
[7] Xc
https://vandieuhay.net/cau-noi-dan-gian-vo-tuu-bat-thanh-le-nghia-vo-sac-lo-doan-nhan-hy-nghia-la-gi.html.
[8] Pl 3:19.
[9] Có truyện kể một tư tề Tân Ước “say khướt cò bợ”, thay vì nâng mặt nhựt
có Mình Thánh bên trong, đã cung kính bê
chân nến lên ban phép lành cho giáo dân!
[10] Xc https://123docz.net/document/270672-luan-giai-tin-nguong-phon-thuc.htm.
[11] Xc 1 Cr 5:1-5.
[12] Xc Mt 10:19.
[13] Xc Mt 1:17.
[14] St 2:16.
[15] Xc “Mars
Needs Moms”:https://www.fandango.com/mars-needs-moms-135710/movie-overview
[16]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx.
[17] St 3:1-5.
[18] Xc https://en.wikipedia.org/wiki/Pachamama
[19] Trong Thánh Lễ Bế Mạc Công Nghị Giám Mục
Miền Arizona ngày 27 tháng 10, năm 2019, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô,
hình ảnh Pachamama được cung nghinh vào và trưng bày cho mọi người tôn kính:
ifesitenews.com/blogs/a-symbolic-sign-after-the-pachamama-worship-at-st-peters-papal-altar-unused-for-months-now/
[20] Mt 24:24.
[21] Kh 13:4.
[22] Kh 13:16-18.
[23]https://en.wikipedia.org/wiki/Synodal_Path
[24]https://www.euronews.com/2022/09/20/belgian-bishops-agree-to-bless-same-sex-unions-defying-vatican
[25]https://www.ncregister.com/news/breaking-international-coalition-of-bishops-offers-fraternal-letter-of-concern-to-german-episcopacy-over-synodal-path?gclid=CjwKCAjwm8WZBhBUEiwA178UnBHzkG1SDU4UI406nkJi4iJkQgqCWtPM8v1NmGTyJx1i9NNxNY-24xoCSUkQAvD_BwE
Đăng nhận xét