Phêrô Mạnh Tâm, OP
Giáo hội từ khi được Chúa Giêsu thiết lập cho đến nay luôn đối diện với
biết bao nhiêu thế lực ma quỷ quấy phá. Điều này Chúa Giêsu đã tiên báo trước: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy
trước…Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ
Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em…Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại
anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (xc. Ga 15, 18.19-21). Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an các Tông đồ khi Người đặt
thánh Phêrô làm thủ lãnh: “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của
Thầy và cửa hỏa ngục sẽ không phá nổi”(Mt 16,18).Chúng ta vẫn thường lặp lại lời
này trong lời kinh chầu Thánh Thể:“Này con là đá, trên viên đá này Cha xây
Giáo hội muôn đời kiên trung. Này con là đá, Satan sức thần mưu ma vẫy vùng
không làm chuyển rung.”
“Satan sức thần mưu ma” là ai
vậy? Thưa đó là thế lực bên ngoài và bên trong của Hội thánh mà ma quỷ dùng để
gây chia rẽ, bất hòa, lôi kéo tín hữu xa Thiên Chúa và rời khỏi Hội thánh. Một
trong thế lực tiềm ẩn nhưng đầy mãnh liệt, đó là những lạc giáo, dị giáo với
nội dung lệch lạc đức tin.
Xin được mạn phép điểm qua một số trào lưu này để chúng ta nhận diện, để cẩn trọng, khôn ngoan phân định, để chúng ta đối thoại và cầu nguyện, để sao cho Hội thánh luôn vững tin vào quyền năng và sức mạnh của Đức Kitô luôn ở cùng Hội thánh như lời Người đã hứa, vì “lửa thử vàng thật”
NHỮNG TRÀO LƯU LỆCH LẠC ĐỨC TIN
1. Dị giáo là gì? (Haeresis)
Có hai
nghĩa: Đạo lập dị, nghĩa là khác thường so với những gì gọi là chính thống
(theo giáo lý chính thức của Hội thánh). Khác thường có thể là cùng một Thiên
Chúa nhưng không cùng một Giáo hội Công giáo. Khác thường có thể là cùng một
phép rửa, Kitô hữu nhưng lại theo một triết thuyết nào đó sai lệch, nên gọi là
dị giáo.
2. Phân biệt: Lạc giáo khác với bội
giáo và ly giáo
Sách giáo lý Hội thánh Công giáo (SGLHTCG ) số 2089 viết: “Ly giáo là từ chối tùng phục Ðức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với
các phần tử của Hội Thánh đang phục quyền Người” (x.CIC Can 751). Vậy,
những người ly giáo là các Kitô hữu Công giáo tuy không bác bỏ tín lý đã được
tuyên xưng, nhưng họ rời khỏi vì lý do trên.Thí dụ như sự ly giáo
của Huynh Đoàn Thánh Piô X “Lefebvre” hay nhóm những người theo Tổng Giám mục
Lefebvre tách khỏi Giáo Hội vào những năm 1980 nhưng không bác bỏ các tín lý
Công giáo. Hoặc cuộc đại ly giáo: Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo.
Cũng
theo số giáo lý trên, “Bội giáo là một nhóm hoàn toàn từ chối đức tin Kitô giáo và thậm chí
tuyên bố mình không phải là một Kitô hữu nữa. Theo cha Phanxicô Xavie Ngô Tôn
Huấn, “Đây là tội rất nghiêm trọng mà một người đã được rửa tội, đã tuyên
xưng đức tin nhưng sau đó đã chối bỏ hoàn toàn đức tin về Chúa và về quyền bính
của Giáo Hội”. Tác giả Thư Hipri đã nói như sau về tội này: “Quả thật,
những kẻ đã một lần được chiếu sáng, đã được nếm thử ân huệ bởi trời, đã được
thông chia Thánh Thần, đã được thưởng thức Lời tốt đẹp của Thiên Chúa… những kẻ ấy mà sa ngã, thì không
thể được đổi mới một lần nữa để sám hối ăn năn vì họ đã tự đóng đanh Con Thiên
Chúa vào thập giá một lần nữa và đã công khai sỉ nhục Người…” (Hr 6, 4-8).
3.
Bội giáo trong Kinh thánh
Trong thời Cựu Ước, Dân Do Thái mỗi
lần bất trung với Thiên Chúa, ngôn sứ Giêrêmia đã nói rõ như sau: “Sự gian ác của ngươi phải sửa trị ngươi.
Hành vi phản bội của ngươi sẽ trừng phạt người. Ngươi phải biết, ngươi phải
thấy rằng: Lìa bỏ Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Không còn kính sợ Người, thì
thật là xấu xa và cay đắng” (Gr 2,19).
Sách Giôsuê (22,22)
cũng nói như sau về tội bội giáo: “Đức Chúa, Thần các thần, chinh Người biết
và Ít-ra-en cũng phải biết:nếu đó là một cuộc nổi loạn hay là
một tội bất trung đối với Đức Chúa, thì xin Người đừng cứu chúng tôi hôm nay”.
Thánh Phaolô sau này cũng cảnh giác
các tín hữu về nguy cơ chối Đạo: “Trước đó phải có hiện tượng chối Đạo, và
người ta sẽ phải thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng” (Tx 2,3). Giáo luật số 751 cũng nói rõ
“bội giáo là chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo”.
4. Lạc giáo
Lạc giáo chính
là dị giáo. Họ là Kitô hữu vì một quan niệm nào đó sai lệch Chân lý hay tín
điều mà Hội thánh đã tuyên xưng đến nỗi rời khỏi Giáo hội, nên gọi họ là lạc
giáo. Theo nghĩa này, có thể nói Dị giáo chính là lạc giáo, hay lạc thuyết. Tôi
sẽ dùng chữ lạc giáo tránh ngộ nhận hay xúc phạm.
Lạc giáo không
phải là một khái niệm tương tự như hoài nghi, ly giáo, bội giáo hay các tội
chống lại đức tin. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo nói rõ: “Nghi ngờ là hờ hững với
chân lý mặc khải hay cố tình từ chối chấp nhận chân lý ấy. Lạc giáo là ngoan cố
từ chối hoặc nghi ngờ, dù đã chịu phép Rửa, một số chân lý buộc phải tin với
đức tin Công giáo thánh thiện” (GLCG số 2089). Thí dụ: Hội thánh tuyên xưng mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Nhập Thể, sự hiện diện thật của Chúa Kitô
trong bí tích Thánh Thể, hy tế Thánh Lễ, sự bất khả ngộ của Giáo Hoàng, sự vô
nhiễm và hồn xác lên trời của Đức Maria… Họ từ chối việc tuyên xưng này.
LẠC
GIÁO TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI
1.
Thời
sơ khai
Ngay từ thời đầu Các lạc giáo đã xuất hiện trong Hội
thánh rồi. Hội thánh đã bị tấn công bởi những lời giảng dạy sai lầm. Thánh
Phaolô viết cho Timôthê, môn đệ của ngài: “Thật
vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo
những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn
nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang
đường” (2Tm 4,3-4).
Theo Giáo luật 751, những đoạn tuyệt làm tổn thương sự
hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô là do tội lỗi con người gây ra: “Ở đâu có tội
lỗi, ở đó có chia rẽ, ly giáo, lạc giáo, có tranh chấp. Trái lại,
ở đâu có nhân đức, ở đó có hiệp nhất, có hoà hợp làm cho tất cả các tín hữu chỉ
còn là một thân thể và một linh hồn” (GLHTCG số
817).
Tuy nhiên, chúng
ta tin rằng dù bất cứ chia rẽ nào cũng không thể làm
mất
đi hoàn toàn tính hiệp nhất trong Hội thánh, vì thử
lửa
sẽ biết vàng thật!
2.
Một số lạc giáo lớn trong lịch sử Giáo Hội[1]
2.1. Ảo Thân tuyết thuộc Ngộ đạo
Theo quan điểm
của Hội thánh, các lạc thuyết đầu tiên phủ nhận nhân tính hơn
là chối bỏ thiên tính của Ðức Kitô. Ngay từ thời các tông đồ, đức tin Kitô giáo
nhấn mạnh đến việc nhập thể đích thực của Con Thiên Chúa “đến trong xác phàm”
(1 Ga 4, 2-3; 2 Ga 7). Nhưng từ thế kỷ thứ III, Hội Thánh trong Công Ðồng họp
tại thành Antiôkia phải khẳng định chống lại ông Phao-ô thành Xamoxatê (không
phải thánh Phaolô thành Chartes), rằng: Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính
chứ không phải do được nhận làm nghĩa tử. Công Ðồng chung thứ I, họp tại Nixêa vào
năm 325, tuyên xưng trong kinh Tin Kính rằng: Con Thiên Chúa “được sinh ra chớ
không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha”, và kết án Ariô là người cho rằng
“Con Thiên Chúa đã xuất tự hư không” (DS 126, GLHTCT số 465).
2.2. Lạc thuyết Néttôriô
Nhóm này cho rằng Ðức Kitô là một
ngôi vị nhân loại liên kết với ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa, tức hai ngôi vị. Chống lại lạc thuyết
này, Thánh Xyrilô thành Alêxanria và Công Ðồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm
43l đã tuyên xưng: “Ngôi Lời đã làm người khi kết hợp trong ngôi vị mình một
thân xác do một linh hồn làm cho sống động” (x. DS 25O). Nhân tính của Ðức Kitô
không có một chủ thể nào khác ngoài ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa. Về
vấn đề này, Công Ðồng chung Êphêsô năm 43l công bố rằng: Ðức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua
việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. “Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, không
phải vì Ngôi Lời đã nhận thiên tính của Người từ nơi Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ
mà Người đã nhận được một thân xác thánh thiêng có linh hồn; Ngôi Lời đã liên
kết với thân xác ấy ngay trong ngôi vị của mình, vì thế chúng ta nói: “Ngôi Lời
đã sinh ra làm người” (DS 25l;
GLHTCG số 466)
2.3. Lạc
thuyết Nhất Tính
Những người chủ trương thuyết Nhất Tính
khẳng định: trong Ðức Kitô, bản tính con người đúng nghĩa không còn tồn tại vì
đựơc ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận. Ðể chống lại lạc thuyết
này, Công Ðồng chung thứ IV, họp tại Canxêđônia năm 451, tuyên xưng: “Cùng với
các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy và tuyên xưng Một Ngôi Con Duy Nhất,
Ðức GiêsuKitô Chúa chúng ta, trọn vẹn trong thiên tính và trọn vẹn trong nhân
tính, đích thực là Thiên Chúa và đích thực là người, gồm một linh hồn và một
thân xác, đồng bản thể với Chúa Cha theo thiên tính, đồng bản thể với chúng ta
theo nhân tính, “giống chúng ta về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi” (Hr 4,
l5), được Chúa Cha sinh ra từ trước muôn đời theo thiên tính, và trong thời sau
hết này, vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, được sinh ra bởi Ðức
Trinh nữ MariaMẹ Thiên Chúa, theo nhân tính (GLHTCG
số 467).
Trong cùng một Ðức Kitô duy nhất,
là Ðức Chúa, là Chúa Con duy nhất, chúng ta phải tin nhận có hai bản tính,
không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt. Sự khác biệt
giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của
mỗi bản tính đã được bảo tồn và hợp nhất trong cùng một ngôi vị duy nhất và một
ngôi hiệp duy nhất” (DS 30l-302).
2.4. Các Lạc giáo khác
Dị giáo Cắt Bì (thế kỷ 1)
Dị giáo Cắt Bì
được nói tóm gọn trong những lời này của sách Công vụ Tông đồ (Cv 15,1):
“Có những người từ miền Giuđê đến dạy anh em rằng: ‘Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không
thể được cứu độ.’”
Nhiều Kitô hữu tiên khởi là người
Do Thái, những người đóng góp cho đức tin Kitô giáo nhiều tập tục của họ. Họ
nhận ra Đấng Mêsia đã được các tiên tri và Cựu Ước báo trước nơi Chúa Giêsu. Vì
phép cắt bì đã được Kinh Thánh Cựu Ước đòi hỏi cho tất cả những người thuộc về
giao ước của Thiên Chúa, nên nhiều người nghĩ rằng nó cũng cần cho những người
thuộc về Giao Ước Mới đã được Chúa Kitô đến để khai mở nữa. Họ tin rằng người
ta phải chịu cắt bì và giữ luật Môsê thì mới đến được với Chúa Kitô. Nói cách
khác, người ta phải trở thành người Do Thái trước rồi mới trở thành Kitô hữu.
Nhưng Thiên Chúa đã nói rõ với Thánh
Phêrô trước đó (Cv 10) rằng người ngoại được Chúa chấp nhận và có thể chịu phép
Rửa trở thành Kitô hữu mà không cần đến phép cắt bì. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ
bảo vệ giáo huấn tương tự trong bức thư gửi tín hữu Rôma và Galát, những nơi mà
lạc thuyết Cắt Bì bắt đầu lan rộng.
Lạc
giáo Ariô (thế
kỷ 4)
Ariô dạy rằng
Đức Kitô là tạo vật được Thiên Chúa sáng tạo nên. Bằng cách che giấu lạc thuyết
này với những thuật ngữ khá chính thống hoặc gần chính thống, ông ta đã có thể
gieo lầm lẫn lớn trong Hội Thánh. Ông ta đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều
giám mục, trong khi nhiều vị khác thì phạt vạ tuyệt thông ông.
Lạc thuyết Ariô
chính thức bị lên án năm 325 tại Công đồng Nicea, xác tín thần tính của Chúa
Kitô; năm 381 tại Công đồng Contantinopoli, thần tính của Chúa Thánh Thần được
xác tín. Hai Công đồng này đã để lại cho chúng ta tín biểu
Nicea-Contantinopoli, được biết đến như kinh Tin Kính đọc vào mỗi Chúa nhật
(Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng…).
Lạc giáo Pelagiô (thế kỷ 5)
Pelagiô chối
rằng chúng ta chịu truyền lại của nguyên tội từ tội Ađam phạm trong vườn Địa
Đàng, và tuyên bố rằng chúng ta chỉ trở nên tội lỗi bởi vì các gương xấu
của cộng đồng tội lỗi mà chúng ta sinh ra trong đó. Ngược lại, ông ta cũng chối
chúng ta nhận được sự công chính là hoa quả của cái chết Đức Kitô trên Thánh
Giá, mà rằng chúng ta chỉ tự được nên công chính nhờ các hướng dẫn và mô phỏng
của cộng đoàn Kitô hữu, theo gương mẫu là Chúa Kitô mà thôi. Pelagiô nói rằng
con người được sinh ra trong tình trạng thánh thiện trung lập và chỉ có thể
chiếm được Thiên Đàng nhờ vào năng lực của chính mình mà thôi. Theo ông ta, ân
sủng của Thiên Chúa thì không thực sự cần thiết, nhưng chỉ đơn giản là làm dễ
bớt những nhiệm vụ khó khăn mà chúng ta phải thi hành.
Dị
giáo Bài Ảnh Tượng (thế
kỷ 7 và 8)
Dị giáo này ra đời khi một nhóm
người được biết đến như những người bài ảnh tượng (cũng gọi là “biểu tượng đập
phá”) xuất hiện, họ tuyên bố rằng việc tạc tượng và vẽ hình Chúa Giêsu hay các
thánh là tội, mặc dù thực tế trong Kinh Thánh Thiên Chúa đã truyền cho làm các bức
tượng tôn giáo (Xh 25,18-20; 1Sb 28,18-19), trong đó có biểu tượng đại diện của
Chúa Kitô (Ds 21,8-9; Ga 3,14).
Nhị
Nguyên thuyết (thế
kỷ 11)
Dị giáo Nhị Nguyên là một hỗn hợp
phức tạp của các tôn giáo ngoài Kitô giáo được chỉnh lý lại với thuật ngữ Kitô.
Nhị Nguyên có nhiều phái khác nhau. Họ có chung một giáo huấn là thế gian được
tạo thành bởi thần dữ (vì thế vật chất là sự dữ), cho nên chúng ta phải tôn thờ
các thần lành để bù đắp lại.
Một trong những phái Nhị Nguyên lớn
nhất là Albigensê. Họ dạy rằng linh hồn được Thiên Chúa dựng nên, là tốt, trong
khi thân xác thì được tạo ra bởi một vị thần ác, do đó linh hồn phải tìm cách
thoát khỏi thân xác. Sinh con là một trong những điều tồi tệ nhất, bởi vì nó
khiến cho thêm một linh hồn nữa lại bị giam cầm trong thân xác. Một cách hợp lý
là hôn nhân phải bị phản đối, trong khi thông dâm thì được phép. Ăn chay khắc
khổ và hãm mình khắt khe được thực hành, và những người lãnh đạo của họ trở về
trong nghèo khó tự nguyện. Thánh Augustino trước khi quay trở lại với GH đã
chạy theo lạc thuyết này là làm khổ sở thân mẫu ngài là thánh Monica.
Dị
giáo Jansêniô (thế
kỷ 17)
Jansêniô, giám mục Ypres, Pháp,
khởi xướng dị giáo này với một bài báo ông viết trên tờ Augustine, trong đó tái
định nghĩa giáo lý về ân sủng. Trong các giáo lý khác, ông phủ nhận rằng Chúa
Kitô đã chịu chết cho tất cả mọi người, và tuyên bố rằng Người chỉ chết cho
những người sẽ được cứu rỗi (được tuyển chọn). Sai lầm này và các sai lầm khác
của Jansêniô chính thức bị lên án bởi Đức Giáo hoàng Innôcentê X vào năm 1653.
Những phong trào này cũng là “lửa”
để thử vàng thật. Gian nan thử đức tin như thánh Phaolô nói: “Thật vậy, một
chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối
vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17). Và đó là con đường mà ông Gióp đã
kinh qua :“Quả thật, con đường tôi đi, Người đã biết, Người có đem tôi thử
trong lò, tôi sẽ nên như vàng tinh luyện” (G 23, 10). Quả thật, lửa thử vàng,
gian nan thử thách đức tin.
Riêng thời đại hôm nay, thì có lẽ
những phong trào lạc giáo hay dị giáo nổi lên rất nhiều với những hình thức lý
luận và thu hút cách mạnh mẽ, tiềm ẩn; thậm chí một số các linh mục, tu sĩ cũng
rời khỏi Dòng tu hay Hội thánh để sống chết điều mà họ cho là Sự thật. Một
trong những phong trào đã và đang xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam là phong
trào của nhóm “Sứ điệp từ trời”…
THÁI
ĐỘ CỦA KITÔ HỮU THẾ NÀO TRƯỚC LẠC GIÁO
1.
Đau xót
Dù ly giáo, bội giáo hay lạc giáo
đều là sự tổn thương sự hiệp nhất trong Hội thánh. Sự tổn thương mang vết
thương rạn nứt làm cho đặc tính hiệp nhất của Hội thánh. Nó trở nên một thách
đố rất lớn trong việc thực thi sứ mạng và ước
nguyện của chính Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Hội thánh “Lạy Cha, ước chi
chúng nên một như Chúng Ta là một” (Ga 17,21). Sở dĩ Hội thánh đau xót và vẫn
tôn trọng họ vì họ “cùng chịu phép Rửa và thấm nhuần đức tin nơi Chúa Kitô… Một
khi đã được công chính hóa nhờ đức tin khi chịu Phép Rửa tội, họ đã được tháp
nhập vào Chúa Kitô, và vì thế có quyền mang danh Kitô hữu, xứng đáng được con
cái của Hội Thánh Công giáo nhìn nhận là anh em trong Chúa” (UR 3) – SGLHTCG
818
2.
Không kết án, chỉ trích tín hữu chạy theo ly giáo, lạc giáo hay dị giáo này
Hậu quả của lạc giáo là cản trở
Kitô hữu trên con đường nên thánh như trong TH Gaudete et exsultate của đức thánh cha Phanxico đã nêu
lên trong số 35.
Tôi muốn đề cập đến hai
hình thức thánh thiện giả dối có thể dẫn chúng ta đi lạc đường: thuyết ngộ đạo
và thuyết Pêlagiô [dựa vào sức riêng của mình]. Chúng là hai lạc giáo từ thời
Kitô giáo sơ khai, nhưng vẫn tiếp tục gây tai hại cho chúng ta. Trong thời đại
của chúng ta cũng vậy, nhiều Kitô hữu, có lẽ không ý thức điều ấy, có thể bị dụ
dỗ bởi những ý tưởng lừa đảo này; chúng phản ánh một chủ thuyết nội tại đặt con
người làm trung tâm được trá hình như chân lý của Công Giáo.
Do đó, Hội
thánh cố gắng dùng Giáo lý, Kinh thánh để hướng dẫn anh chị em đó đi cho đúng
và luôn mở rộng khi họ quay trở lại. Đồng thời, tiếp cầu xin Chúa Thánh Thần
Thần Đấng hiệp nhất…. Có thể, có vài cá nhân dễ bị ảnh hưởng lạc giáo là: những
người bất mãn với cha sở, với giáo xứ; với Hội thánh hoặc những người nhiệt
thành tới mù quáng, hay nghiêm trọng hóa vấn đề, cực đoan trong đạo đức.
3. Quan tâm hơn tới việc đào tạo Thánh Kinh và giáo lý
Các linh mục phải quan tâm hơn tới việc đào tạo Thánh
Kinh
và giáo lý trong giáo
xứ, hội đoàn, nhất là đồng hành thiêng liêng với giáo dân của mình. Mọi tín hữu
có quyền được biết: Ở đâu có tình thương, ở đó có Đức Chúa Trời; Ở đâu có Chúa
Trời, ở đấy là thiên đàng. Họ không cần phải chạy theo các hội kín với các kiểu
hành đạo lạ kỳ để có thể đạt được Nước Chúa. Họ có thể an vui hạnh phúc khi
sống mến Chúa yêu người, khi cầu nguyện, làm phúc trong môi trường mình sống.
4.
Hội thánh làm tất cả để đưa đến hiệp nhất này
Hậu quả của ly giáo là chia rẽ, nên
Hội thánh khẳng định: “Ðức Kitô vẫn
luôn luôn ban cho Hội Thánh ơn hiệp nhất, nhưng Hội Thánh phải luôn luôn cầu
nguyện và hành động để duy trì, tăng cường và hoàn chỉnh sự hiệp nhất như Ðức
Kitô muốn” (SGLHTCG 2748).
* Canh tân thường xuyên để ngày càng trung
thành hơn với ơn gọi của mình. Sự canh tân này là động lực của phong trào hiệp
nhất (x. UR 6).
* Hoán cải nội tâm “để sống phù hợp
hơn với Tin Mừng” (UR 7), vì
chính sự bất trung với hồng ân của Ðức Kitô sẽ gây chia rẽ giữa các chi thể -
SGL 827
* Cầu nguyện chung, vì “sự hoán cải tâm hồn và
đời sống thánh thiện cùng với những lời kinh chung hoặc riêng cầu cho sự hiệp
nhất các Kitô hữu, phải được coi như là linh hồn của mọi phong trào đại kết và
xứng đáng mệnh danh là” đại kết thiêng liêng” (UR 8); - SGL 279
* Đào
tạo các tín hữu, nhất là các linh mục theo hướng đại kết (x. UR l0);
* Đối thoại
giữa các nhà thần học, gặp gỡ giữa các Kitô hữu của các Hội Thánh và các cộng
đoàn khác nhau (x. UR 4; 9; ll)
* Hợp tác giữa các Kitô hữu trong
các lãnh vực khác nhau để phục vụ con người (x. UR 12).
KẾT
LUẬN
Hãy tin vào lời hứa của Chúa Kitô
rằng sai lầm sẽ không bao giờ chiến thắng Hội Thánh, khi Người phán cùng Thánh
Phêrô: “Anh là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và các cửa hoả
ngục sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Hội Thánh thực sự là, theo Thánh Phaolô,
“cột trụ và điểm tựa của chân lý” (1Tm 3,15). Lửa
sẽ thử vàng, gian nan thử đức tin!
[1]Robert H. Brom, Giám mục San Diego, 10-8-2004 Chuyển ngữ: duoc1706. https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=46237
Đăng nhận xét