Phong trào “sứ điệp từ trời” và những sai lạc với đức tin Công giáo

 Phong Trần

Dẫn nhập

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã nghe nói hoặc đã từng đọc qua các “Sứ điệp từ trời”. Điều đó ít nhất cũng cho thấy tầm ảnh hưởng và tính chất thu hút của phong trào mới này. Điều đáng nói là có nhiều người đã tin và đang góp phần quảng bá cho các “Sứ điệp trời”. Riêng tại Việt Nam, phong trào “Sứ điệp từ trời” cũng đang rộ lên như một hiện tượng đáng quan ngại. Tại nhiều giáo xứ, người ta thấy xuất hiện các hội cầu nguyện Mân Côi, nhưng thực chất là hội quảng bá các “Sứ điệp từ trời”. Điểm nổi bật của các hội này là thái độ chống Đức Giáo hoàng, và đây cũng là một trong các chủ đề thường gặp trong các “Sứ điệp từ trời”. Nhiều tín hữu đã “lỡ” đọc các “Sứ điệp từ trời” thì cảm thấy hoang mang vì rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không tiếp tục đọc thì sẽ có nguy cơ bị án phạt như các sứ điệp đã đe dọa, còn nếu tiếp tục thì không biết các sứ điệp sẽ dẫn mình tới đâu…

Chúng ta cùng nhìn qua một lượt về cái gọi là phong trào “Sứ điệp từ trời” này: từ nguồn gốc, người sáng lập cho đến nội dung cơ bản của các thông điệp này để hiểu rõ hơn về những khác biệt của chúng so với những giáo lý đức tin của Hội Thánh.

1. Sơ lược về người tự xưng “Maria Divine Mercy” và phong trào “sứ điệp từ trời”

Hiện tại không có một thông tin chính thức nào xác định về người phụ nữ nặc danh với tên gọi “Maria Divine Mercy”, được biết dưới tên tiếng Việt là “Maria Lòng Chúa Xót Thương”, hoặc viết tắt là MDM. Đây chính là người sáng lập phong trào nhưng hầu như không ai biết được đích xác bà này là ai. Người này có một website chính thức bằng Anh ngữ mang tên: https://www.thewarningsecondcoming.com. Trên trang mạng chính thức của phong trào, nhân vật này đã tự giới thiệu mình là một phụ nữ Châu Âu, theo đạo Công Giáo, đã có gia đình, và là một doanh nhân. Theo bà, tên gọi “Maria Lòng Chúa Thương Xót” không phải tên thật, mà chỉ là một biệt danh. Bà tacho biết rằng Chúa Giêsu muốn bà giữ kín danh tánh để bảo đảm sự an toàn cho gia đình, cũng như để người ta chỉ tập trung vào các sứ điệp mà thôi. Dầu vậy, cũng có người đã cố tìm hiểu xem bà là ai; và hiện nay người ta đã xác định được khá chắc chắn rằng bà là một phụ nữ Ái Nhĩ Lan, hiện sống tại thành phố Dublin. Thậm chí có người còn biết rõ tên tuổi thực của bà.

Theo thông tin công bố trên website này thì đây là một phụ nữ muốn ẩn danh, không có kiến thức về Thánh Kinh, người này đã xuất bản các tài liệu sau:

- Các thông điệp mang tên “The Warning Second Coming” (Sứ Điệp Từ Trời) được ấn hành trong Sách Sự Thật (The Book of Truth) giải thích theo nghĩa đen các sự kiện được nói đến trong sách ngôn sứ Daniel và sách Khải Huyền.

- Tập sách Các Chiến Dịch Cầu Nguyện (Crusade Prayer).

- Ấn Tín Thiên Chúa Hằng Sống (The Seal of the Living God) cùng Mẫu Ảnh Cứu Rỗi (Medal of Salvation).

Theo ghi nhận của Giáo phận Portland, Giáo phận Spis và Tổng Giáo phận Dublin thì rất có thể người phụ nữ bị cáo buộc này sống tại giáo phận Dublin. Và từ tháng 11 năm 2010, là thời điểm các cáo buộc là mạc khải tư bắt đầu, cho đến nay, người phụ nữ này vẫn chưa đến trình diện với Giáo quyền để có sự kiểm tra về Thần học các nội dung bà ta đưa ra.

Dựa trên nguồn tin đáng tin cậy, Giáo phận Portland trong thông cáo được đăng tải trên trang National Catholic Register của tác giả Jimmy Akin,cho biết: ngày 3/3/2013, người phụ nữ mang tên “Maria Divine Mercy” này xuất hiện trên một phỏng vấn ở trang Youtube. Các nguồn tin xác minh người phụ nữ này tên là Mary Carberry, sinh năm 1955, trả lời phỏng vấn với khẩu âm vùng Ailen.

Nếu thông tin này là xác thực, thì đây là nữ doanh nhân tại công ty McGovernPR và là mẹ của 4 người con sống tại Muldowney Court, Malahide County, Dublin, Ireland, trong đó có cô con gái Sarah Carberry, 28 tuổi, và một đứa con trai 27 tuổi, một nhà thiết kế trang web.

Từ thời điểm tháng 11/2010 đến tháng 6/2014, người phụ nữ này đã có tổng cộng hơn 1140 thông điệp, với tần suất là gần như mỗi ngày một thông điệp, hoặc có khi không có thông điệp nào hoặc nhiều hơn một thông điệp trong một ngày. Các sứ điệp này được tuyên bố là do Chúa Giêsu tỏ cho biết, cũng có khi do Chúa Cha hoặc từ Đức Trinh Nữ Maria. Nội dung chính của các sứ điệp xoay quanh việc cảnh cáo thế giới tội lỗi, kêu gọi ăn năn hối cải, và tiên báo sự gần kề của ngày Chúa trở lại. Theo bà Maria, các sứ điệp nhằm chuẩn bị cho thế giới sẵn sàng chờ đón ngày Chúa trở lại, sau khi đã trải qua thời kỳ cảnh cáo và thanh luyện. Cho đến nay, bà vẫn không ngừng nhận được các sứ điệp mới.

Những thông điệp của Maria Divine Mercy được một nhóm người Việt tiến hành dịch thuật và đăng tải tại nhiều trang web với tên gọi là “Sứ Điệp Từ Trời”.[1] Trên trang https://sudieptutroi.com/, phần giới thiệu đã làm méo mó một Thông Cáo của Toà Thánh nhằm biện hộ cho các thông điệp của họ: “Theo sắc luật của Bộ Truyền Bá Đức Tin AAS 58/16 (1966) (đã được Đức Phaolô VI chấp thuận) ghi rõ rằng: Những sách vở không cần xin phép chuẩn của Giáo quyền nữa, với điều kiện là những tài liệu này không ngược với đức tin và luân lý”. Tuy nhiên, qua việc kiểm tra văn kiện mà họ nêu thì phát hiện ra rằng đây là Thông Cáo Về Việc Bãi Bỏ Danh Sách Các Sách Cấm (Notificatio de Indicis librorum prohibitorum conditione) của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành ngày 14-06-1966.

Riêng phần các thông điệp có nhiều lỗi sai mà như nhận xét của Tổng Giáo phận Dublin trong thông cáo về bà ta là “rất nhiều các văn bản này mâu thuẫn với thần học Công Giáo”.

 

2. Những sai lạc về giáo lý trong “sứ điệp từ trời”

Các thông điệp của bà Maria Divine Mercy tuy rời rạc nhưng cùng chung một mục đích nhắm đến việc loan báo Cuộc Cảnh Báo sẽ xảy ra trước khi Chúa Giêsu quang lâm. Nó luôn đề cập đến hình ảnh đầy tội lỗi của thế giới và kêu gọi sự ăn năn sám hối để trông chờ Chúa đến. Điều đó Thánh Kinh có dạy cho biết rằng tội lỗi đã xâm nhập thế gian (Rm 5, 12) và khi đến trần gian lần thứ nhất Chúa Giêsu không ngừng kêu gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng. Với những điều đó thì khi đọc sơ lược người ta lại nhầm tưởng rằng những thông điệp mang tên “Sứ Điệp Từ Trời” là đúng. Kỳ thực thì những điểm sai lại trộn lẫn vào đó khiến cho những ai nhẹ dạ có thể lơ là việc xemxét các nội dung đó theo các chuẩn mực đức tin là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Những điểm sai lạc chủ yếu của nó bao gồm các vấn đề tiêu biểu sau:

2.1. Thánh Kinh và giá trị của mạc khải

Trong lịch sử Hội Thánh cũng có ghi nhận việc một số thị nhân nhận được thị kiến về những việc được ghi chép trong Thánh Kinh. Ví dụ như việc chân phước Katharina Emmerich được cho thấy Bữa Tiệc Ly năm xưa nhưng những thị kiến này đều phù hợp với trình thuật Thánh Kinh. Còn bà Maria Divine Mercy tuy không nói rằng bà ta nhận được thị kiến nhưng những lời được mạc khải lại đưa đến những sự kiện mà khi xét đến những ghi chép thì không phù hợp với thực tế.

Thông điệp ngày 4-1-2014, bà Maria Divine Mercy đã đề cập đến cuộc bách hại Chúa Kitô vào trước thời gian Người xuất hiện để rao giảng công khai. Khi đọc thông điệp này người ta nhận thấy có 2 cuộc bách hại đã xảy ra: lần thứ nhất là của vua Herode khi Người Giáng Sinh, lần thứ hai là sau sự kiện năm Chúa Jesus 12 tuổi dự lễ Vượt Qua ở Jerusalem. Có một sự đánh lận con đen trong thông điệp này, nó khiến người ta có thể hiểu rằng Chúa Jesus bị bách hại năm 12 tuổi và phải đi trốn qua các nơi:“Khi Thánh Tử của Mẹ được tìm thấy trong đền thờ, lúc Người được mười hai tuổi, khi Người đang giảng dạy, Gia đình Mẹ đã phải đưa Người đi trốn. Gia đình Thánh cả Giuse đã phải tham gia vào việc đưa gia đình Mẹ đi trốn và gia đình Mẹ đã đi khắp đó đây trong nhiều năm. Trước tiên gia đình Mẹ đã đến Giuđêa và sau đó Thánh Tử của Mẹ đã được đưa đến Ấn Độ, Ba Tư, Ai Cập, Hy Lạp và Anh Quốc”.

Như bà ta nói cuộc trốn chạy xuất phát từ Jerusalem và điểm đến đầu tiên là Giuđêa. Điều sai đầu tiên ở đây là kiến thức về địa lý: khi xem bản đồ có thể thấy Jerusalem thuộc miền Giuđêa, như vậy bản thân Giuđêa là điểm xuất phát chứ không phải là nơi đến. Điểm kế tiếp là việc thêu dệt thêm các nội dung vốn không có trong Thánh Kinh. “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 51). Lời Chúa cho biết là sau sự kiện trong Đền Thờ năm 12 tuổi là Đức Giêsu trở về Nazarét và sống ẩn dật nơi đó mà không có cuộc trốn chạy nào hay đi đến nơi nào khác trước khi trở về.

Việc này trái với chính những lời bà Maria Divine Mercy đã nói đến trong thông điệp của mình: “đừng bao giờ cho phép mình chấp nhận bất kỳ sự thật nào khác ngoài những điều có trong Kinh Thánh” ngày 13-9-2011. Bà ta vừa tự đưa ra lý thuyết Duy Kinh Thánh (Sola Scriptura) như các hệ phái Tin Lành, lại vừa tự mình thêm những điều khác ngoài Thánh Kinh. Một sự bất hợp lý nữa là vừa khẳng định vị trí của Thánh Kinh lại vừa đòi buộc người khác loan truyền Sách Sự Thật (The Book of Truth) cùng tồn tại trong một thông điệp. Trong sứ điệp ngày 25-12-2010, bà viết:

Giáo lý nào không đặt nền tảng trên Kinh Thánh mà vẫn quả quyết là tuyên xưng Sự Thật thì đó là lời gian dối. Đây là tội chống lại Ta và là sự tấn công trắng trợn vào Ta và Thiên Chúa Cha Hằng Hữu…Giờ đây Ta kêu gọi các con, hỡi những tín hữu nhiệt thành được chúc lành bởi Ân Sủng của Chúa Thánh Thần. Hãy cầm lấy vũ khí đức tin của các con và tiếp tục đứng vững. Hãy thách thức chúng. Hãy giảng dạy cho người ta Sự Thật bằng cách liên lỉ nhắc nhở họ về Sự Thật trong Sách của Cha Ta – Sách Sự Thật. Những Giáo Huấn này sẽ tồn tại mãi mãi.

Việc những lời trong một mạc khải tư được cho là của Thiên Chúa hoặc Các Thánh là một điều vẫn có trong các mạc khải tư đã được Hội Thánh công nhận, nhưng không có một mạc khải tư nào lại tự khẳng định vị trí của mình ngang hàng với Thánh Kinh như các thông điệp của bà Maria Divine Mercy: “Cuốn sách đó phải được phổ biến rộng khắp, đầy sức mạnh, và được hằng triệu người tìm đọc cũng như sách Kinh Thánh vậy”, sứ điệp ngày 12-11-2010.

Khi đã đưa vị trí của Sách Sự Thật lên ngang hàng với Thánh Kinh, bà Maria Divine Mercy đã tự đưa những mạc khải tư giả mạo của mình thành một thứ mạc khải công mới, và làm cho nó trở nên như những luật định được thiết lập cho những nhóm người đi theo bà ta. Thứ mạc khải công mới do bà ta loan truyền trái ngược với mạc khải Thánh Kinh, là mạc khải công duy nhất được Giáo Hội nhìn nhận, là mạc khải đã được nên trọn trong Đức Kitô và Giáo Hội không phải trông chờ thêm một mạc khải công nào khác nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô ngự đến trong vinh quang
(x. Hiến chế Dei Verbum, số 4).

Rõ ràng đây là một sự giả hình để chối bỏ Thánh Kinh, nhằm mục đích làm cho người tín hữu xa rời Lời Chúa là:“sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh Đức Tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội”[2].

2.2.  Loan truyền lạc thuyết Thiên Niên (Millenarianism)

Lạc thuyết Thiên Niên (Millenarianism) đã bị Giáo Hội nhiều lần kết án vì đi ngược với Đức Tin của Hội Thánh về ngày quang lâm của Chúa Kitô. Tín biểu các Thánh Tông Đồ cho biết ngày Chúa Quang Lâm là để “phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicea I năm 325 cũng nhắc lại như vậy: “Chúa lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng”. Chúa đến lần thứ hai là đến trong ngày tận thế để phán xét, chứ không phải để thiết lập một thiên niên kỷ hòa bình như những gì lạc thuyết này nói đến.

Hội Thánh đã nhiều lần kết án nó, gần đây nhất là ngày 21-7-1944, qua Thánh Bộ Nhiệm Thánh Tối Cao (Sacra Congregatio Sancti Officii), bây giờ là Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregatio pro Doctrina Fidei): “Hệ thống thuyết Thiên Niên được khuyên là không an toàn khi đưa ra giảng dạy”. Kế đến, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo năm 1992 cũng ghi rõ: “Hội Thánh cũng không chấp nhận thứ Nước Trời giả mạo dù dưới hình thức hiền hòa Thuyết Ngàn Năm hoặc dưới dạng chính trị của một thuyết Mêsia trần tục”[3].

Nhưng trong các thông điệp của bà Maria Divine Mercy không ngừng nhắc lại điều đó, những điều mà Hội Thánh đã kết án. Như thông điệp 9-4-2012 mạo xưng là của Đức Maria nói về cuộc quang lâm của Chúa Kitô: “Kỷ Nguyên của Hòa Bình vốn sẽ diễn ra sau Cuộc Quang Lâm của Con Mẹ, sẽ kéo dài 1.000 năm”. Hàng loạt những lỗi như vậy có thể tìm thấy như các như trong thông điệp ngày 14-8-2011: “Thiên Đàng Mới trên Trái Đất, nơi mà các con, gia đình và những người thân yêu của các con sẽ tận hưởng một Cuộc Sống Vinh Quang đang chờ đợi các con trong 1000 năm. Không bệnh tật. Không đói kém. Không lo lắng. Chỉ có tình yêu tinh tuyền nhất. Sự sống vinh hiển ấy mới là gia nghiệp thực sự của các con”; cũng như thông điệp ngày 23-2-2012: “Thánh sử Gioan cũng đã nói về cuộc quang lâm đầy vinh hiển của Con yêu dấu Ta khi Người sẽ trị vì Kỷ nguyên Mới của Hòa bình trong 1.000 năm”, hoặc ngày 24-2-2012: “Thế hệ được Ta tuyển chọn sẽ ở với Ta đời đời. Thiên Đàng này sẽ ban tặng 1.000 năm trong hòa bình, tình yêu và hoà hợp”…

Giáo Hội khẳng định:

Thánh Truyền, Thánh Kinh và Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội, theo ý định vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, liên kết và phối hiệp với nhau đến nỗi không thực thể nào trong ba có thể đứng vững một mình được. Và dưới tác động của một Chúa Thánh Thần duy nhất, cả ba, theo phương cách riêng, cùng góp phần hữu hiệu vào việc cứu rỗi các linh hồn.[4]

Bà Maria Divine Mercy chống lại qua các thông điệp khi loan truyền lạc thuyết Thiên Niên (Millenarianism), nó đã trực tiếp xúc phạm đến Thiên Chúa và nó sẽ không giúp ích vào việc cứu rỗi các linh hồn, nhưng ngược lại sẽ huỷ hoại linh hồn những ai tin vào các thông điệp đó.

2.3. Hội Thánh và Huấn Quyền của Hội Thánh

Hội Thánh Chúa Kitô gồm có 4 đặc tính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Những đặc tính này là vĩnh viễn và bất biến từ khi Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh và cho đến muôn đời. Ấy vậy mà bà Maria Divine Mercy trong các thông điệp đã tiên báo một thứ giáo lý quái dị rằng Giáo Hội của Chúa Kitô sẽ sụp đổ và sinh ra một thứ “Giáo Hội Toàn Cầu Mới”. Nó phủ nhận trực tiếp lời hứa của Chúa Kitô là sẽ gửi Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ cho Hội Thánh và gìn giữ Hội Thánh cho đến muôn đời (x. Ga 14, 16-20). Các thông điệp có thể kể đến là: “Hắn sẽ là người đứng đầu thứ tôn giáo toàn cầu mới và tiên tri giả, kẻ lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo vốn chỉ còn lớp vỏ bên ngoài, sẽ làm việc chặt chẽ với nhau để lừa dối tất cả con cái Thiên Chúa” (ngày 20-7-2012); hoặc thông điệp ngày 13-2-2013: “Đây không chỉ là sự sụp đổ của Giáo Hội Công Giáo, vốn sẽ sớm trở nên rõ ràng và sẽ gây chia rẽ trong nhân loại. Đây còn là sự can thiệp của tổ chức độc ác nhằm tạo ra một Giáo Hội Toàn Cầu Mới, một thứ tôn giáo toàn cầu, vốn sẽ tạo ra tà giáo và việc thờ ngẫu tượng”…

Với thứ giáo lý quái dị này, bà ta buộc phải chống đối lại Đấng Kế Vị Ngai Toà Phêrô nhằm củng cố địa vị những thông điệp bà ta loan truyền trong lòng những ai đã lầm tin. Việc nhấn mạnh tới Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI là vị “Giáo Hoàng thật cuối cùng trên trái đất” và vị “Giáo Hoàng kế vị” sẽ là “Tiên Tri Giả” mâu thuẩn trực tiếp với những Giáo Huấn của Hội Thánh về sự hợp pháp và hiệu lực của vị Giáo Hoàng được bầu bởi Mật Nghị Hồng Y. Bà ta tấn công vào Đấng Kế Vị Ngai Toà Thánh Phêrô bởi vì vai trò của ngài thật quan trọng với Hội Thánh, ngài là “nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như giữa các tín hữu”[5].

Có thể xem thấy trong sứ điệp ngày 12-4-2012: “Đức Giáo Hoàng Benedict XVI yêu quý của Ta là vị Giáo Hoàng đích thực cuối cùng trên trái đất. Thánh Phêrô thành Rôma xưa, là Phêrô Tông đồ của Ta, vị tông đồ thuở ban đầu, người sẽ cai trị Giáo Hội của Ta từ trời theo lệnh của Thiên Chúa Cha Hằng Hữu. Rồi khi Ta đến để trị vì trong Cuộc Quang Lâm, ngài sẽ cai trị tất cả con cái Thiên Chúa khi mà tất cả các tôn giáo hiệp nhất trong một Hội Thánh Công Giáo và Tông Truyền”, hoặc là:“Con cái Thiên Chúa sẽ bị cai trị bởi cái sừng nhỏ - kẻ hênh hoang tự đắc ngồi trên Ngai Tòa Thánh Phêrô” (ngày 18-2-2013) và sứ điệp ghi ngày 25-2-2013: “Sau khi ngồi vào Ngai Tòa của Thánh Phêrô, kẻ mạo danh sẽ lớn tiếng kêu gào và hãnh diện công bố về giải pháp của ông ta, để quy tụ tất cả các tôn giáo nên một. Được ca ngợi như một nhà cải cách hiện đại, ông ta sẽ được thế giới trần tục tán thưởng vì ông ta sẽ dung túng cho tội lỗi…Ông ta sẽ đưa ra những lề luật mới, những lề luật không chỉ mâu thuẫn với Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo mà còn chống lại tất cả mọi lề luật của Kitô Giáo”…

Như thế, “quyền Giáo Huấn sống động của Giáo Hội, và Giáo Hội thi hành quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô”[6] qua vị Mục Tử Đại Diện Chúa Kitô đã bị phủ nhận hoàn toàn. Bà Maria Divine Mercy đã không ngừng lặp lại điều đó khi nói rằng Huấn Quyền của Hội Thánh là không còn cần thiết khi xác nhận các mạc khải, và nó đã đặt những thông điệp của bà ta đi xa khỏi thẩm quyền của Hội Thánh. Trong khi đó, những mạc khải tư được chuẩn nhận vẫn có một truyền thống là các thị nhân luôn được hướng dẫn đệ trình với thẩm quyền của Hội Thánh và chờ đợi sự chuẩn y. Thông điệp ngày 9-7-2011 cho biết: “Không quan trọng việc Giáo Hội có xác nhận những Thông Điệp này hay không, vì thời gian không đứng về phía họ”.

Tính thiêng liêng của Hội Thánh đã bị đánh đổ trong các thông điệp của bà ta, cho nên những luật định trong Hội Thánh đã bị xem thường đến mức xem những điều đó như là hình luật đặt ra để trừng trị như luật pháp dân sự. Vạ tuyệt thông không còn mang hiệu quả chữa trị với mục đích khiển trách tội nhân, giúp họ hối cải và kêu gọi họ từ bỏ sự ngoan cố nhằm chữa trị cho linh hồn; ngược lại nó chỉ là một hình thức để ngăn cách người tín hữu với Hội Thánh. Ta có thể xem trong sứ điệp ngày 25-7-2013: “Nhiều vị hồng y, giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân sẽ bị rút phép thông công, nếu họ không tuân theo những luật lệ mới hoặc không tôn thờ tên tiên tri giả”; cũng như thông điệp sau đó, ngày 17-8-2013: “Những linh mục không chấp nhận giáo lý sai lạc sẽ bị kết tội là dị giáo và nhiều người sẽ bị trách mắng một cách công khai vì không vâng lời bề trên của họ. Nhiều người sẽ bị rút phép thông công. Những người khác sẽ tử vì đạo”…

Với những điểm vừa nêu có thể thấy mầm mống của tội ly giáo đã được sản sinh ra trong các thông điệp này. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho những ai tin vào những thông điệp ấy bởi vì những ai tin vào đó có thể mặc phải một kết quả đáng buồn là việc mắc phải vạ tuyệt thông và không được lãnh nhận các Bí Tích, cùng ơn ích của Hội Thánh.

2.4. Bí Tích và Giáo Lý về Ân Xá của Hội Thánh

“Các bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh”[7]. Hội Thánh được Chúa Kitô ủy thác nên phải trung thành truyền lại các Mầu Nhiệm Thánh ấy một cách trọn vẹn như chính Chúa Kitô đã thiết lập.

Trong đó có hiệu quả của Bí Tích Rửa Tội bị diễn dịch một cách sai lạc rằng Bí Tích Rửa Tội chỉ có hiệu quả khi phải được thực hiện cùng với “lời hứa từ bỏ Satan”, trong khi đó “nghi thức chính yếu của Bí Tích Rửa Tội là dìm người dự tòng vào trong nước hay đổ nước lên đầu họ trong khi kêu cầu danh Ba Ngôi Chí Thánh là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[8]; điều này là bất di bất dịch và Hội Thánh sẽ không có sự sửa đổi công thức Chúa Ba Ngôi mà Đức Kitô đã truyền phải thực hiện (x. Mt 28, 19-20; Mc 16,15-16). Bà Maria Divine Mercy nói rằng Bí Tích Rửa Tội bị sửa đổi khi bị “xóa bỏ tất cả những lời hứa từ bỏ Satan”, như trong thông điệp ngày 5-8-2013: “Khi chúng thay đổi Bí Tích Rửa Tội, chúng sẽ xóa bỏ tất cả những lời hứa từ bỏ Satan, vì chúng sẽ tuyên bố rằng những ý nghĩa này là lỗi thời và gây sợ hãi. Chúng sẽ nói rằng điều này không còn thích hợp nữa”.

Bí Tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”[9], nhưng bà Maria Divine Mercy đã sửa đổi trình tự của việc biến đổi bản thể mà Hội Thánh luôn xác tín rằng: “nhờ lời thánh hiến bánh và rượu đã diễn ra sự biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, Chúa chúng ta, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người”[10]. Và “Sự hiện diện Thánh Thể của Đức Kitô bắt đầu từ lúc thánh hiến (a memoto consecrationis, quen gọi là lúc truyền phép) và kéo dài bao lâu các hình dạng Thánh Thể còn tồn tại. Đức Kitô hiện diện trọn vẹn trong mỗi hình bánh và rượu, và trong mỗi phần nhỏ của hình bánh và rượu, như vậy việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô”[11]. Bà ta giải thích rằng việc biến đổi bản thể chỉ thực sự diễn ra sau khi bánh và rượu được trao cho người lãnh nhận:“Hãy nhớ những gì Cha đã hứa trong bữa Tiệc Ly khi các con nhận lấy bánh và rượu thì bánh và rượu sẽ trở thành Mình và Máu Thánh của Cha cho các con”(ngày 14-4-2011).

Bí Tích Hòa Giải tuy được nhắc đến nhiều lần và được cổ võ trong các thông điệp nhưng lại là một hình thức để che đậy việc loan truyền một thứ giáo lý mới về ơn tha tội. Thứ giáo lý này đi ngược với niềm tin của Hội Thánh vào ơn tha tội chỉ được thông ban qua việc lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, hoặc trong trường hợp khẩn cấp, bằng việc ăn năn tội cách trọn, chứ không chỉ đơn thuần bằng việc đọc bất kỳ kinh nguyện hoặc thực hiện một hành vi nào khác ngoài việc ăn năn tội: “Đối với những ai trong các con là những Kitô Hữu hoặc thuộc về các tín ngưỡng khác nhưng tin vào những Thông Điệp này, thì các con phải đọc Chiến Dịch Cầu Nguyện 24 để xin Ơn Toàn Xá...Các con phải đọc lời cầu nguyện này trong bảy ngày liên tục và Ta, Chúa Giêsu của các con, sẽ ban cho các con ơn tha thứ” (ngày 9-7-2012).

Qua việc thay đổi Giáo Lý về các Bí Tích của Hội Thánh giảng dạy mà bà Maria Divine Mercy thực hiện, thì sẽ không có gì lạ lùng khi thấy quyền của Hội Thánh trong việc quản lý và phân phát các Mầu Nhiệm Thánh bị chiếm đoạt. Bà ta minh nhiên ban phát các ân xá qua các kinh nguyện dưới cái tên Chiến Dịch Cầu Nguyện, nó hoàn toàn trái ngược với Giáo Lý của Hội Thánh là: “Không thể nhận được ân xá nếu không có sự sám hối chân thành trong tâm trívà kết hợp với Chúa, thực hiện những việc làm có ân xá đã được chỉ định”[12].

Những Giáo Lý Đức Tin Kitô giáo đã bị chối bỏ qua tuyên bố làm thay đổi về bản chất các Bí Tích cho thấy những thông điệp này tiềm ẩn sự bội giáo -apostasia[13].

2.5. Về Ấn Tín Thiên Chúa Hằng Sống
                   và Mẫu Ảnh Cứu Rỗi

Sau khoảng thời gian hơn 15 tháng tung ra các thông điệp, mà bà Maria Divine Mercy tự cho là nhận được từ Chúa Ba Ngôi và Đức Trinh Nữ Maria, bà Maria Divine Mercy đã đưa ra một biểu tượng (symbol) mang tên Ấn Tín Thiên Chúa Hằng Sống (Seal of the Living God), đây là một sự mô phỏng lấy ý từ sách Khải Huyền.

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo qua các số 698, 1121, 1216, 1262-1274, 1293-1300, 1303-1305, 1320 cũng có dạy về ấn tín mà người Kitô hữu lãnh nhận từ Thiên Chúa. Dấu ấn đó được Thiên Chúa ban cho các tín hữu qua dấu chỉ là Bí Tích Rửa Tội:

Ấn tín của Chúa” là dấu ấn Chúa Thánh Thần ghi trên chúng ta “để chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4,30) và “Bí tích Rửa Tội là dấu ấn của đời sống vĩnh cửu”. Tín hữu nào “gìn giữ dấu ấn” cho đến cùng, nghĩa là, trung thành với những đòi buộc của bí tích Rửa Tội của mình, thì có thể chết “với dấu chỉ của đức tin”, với đức tin của bí tích Rửa Tội của mình, trong sự mong đợi được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa- đó là sự hoàn tất đức tin- và trong niềm hy vọng sống lại[14].

Dấu ấn thực sự của Thiên Chúa là một ấn tích thiêng liêng, vô hình, một dấu ấn không thể xoá nhoà chứ không phải là một dấu ấn phải đến thời đại hôm nay mới được mạc khải qua bà Maria Divine Mercy. Dấu ấn của bà ta là một sự sáng tạo nhằm phục vụ cho mục đích giúp những nhóm người đi theo thứ thông điệp kỳ quặc của bà ta dễ dàng nhận ra nhau, đến nỗi có thể gọi đó là một dấu chỉ riêng của những ai tin theo bà ta.

Thông điệp công bố Ấn Tín Thiên Chúa Hằng Sống (Seal of the Living God) của bà ta vào ngày 20-2-2012 đã khẳng định sức mạnh của Ấn Tín: “Với Ấn Tín này, các con sẽ thoát khỏi sự chú ý của những kẻ sẽ gây ra đau khổ trong những quốc gia của các con. Ấn Tín của Cha là lời hứa của ơn cứu rỗi. Với Ấn Tín này quyền năng của Cha sẽ tăng mạnh mẽ trong các con và sẽ không có sự nguy hiểm nào xảy ra với các con”. Và nhắc lại nhiều lần ở nhiều thông điệp khác nhau, như: “Satan và những thiên thần sa ngã của hắn, những kẻ giờ đây đang tàn phá trái đất, không có quyền trên những ai mang Dấu Ấn của Thiên Chúa Hằng Sống. Hỡi các con, các con phải lắng nghe Cha và hãy đón nhận Ấn Tín của Cha vì Ấn Tín ấy sẽ bảo vệ không những mạng sống mà còn linh hồn của các con nữa” (ngày 8-3-2012) và sau đó là ngày 4-4-2013: “Chỉ có những người chấp nhận Ấn Tín, giữ Ấn Tín trong nhà, hoặc mang theo bên mình sẽ được bảo vệ. Chỉ những người có Ấn Tín của Thiên Chúa Hằng Sống mới thoát khỏi hình thức huỷ diệt linh hồn này”.

Ấn Tín này có nhiều biến tấu khác nhau, mẫu đính kèm trong báo cáo này là một phiên bản tiếng Việt với thiết kế gốc bao gồm hình ảnh Ấn Tín, lời giới thiệu và lời nguyện trong Chiến Dịch Cầu Nguyện số 33. Có khi lại thấy chỉ có hình ảnh Ấn Tín xuất hiện trên một ảnh vảy nhỏ để lồng vào chuỗi Mân Côi truyền thống của người Công Giáo. Hoặc một dây có 2 mẫu ảnh choàng qua cổ với mẫu thức gần giống với Áo Đức Bà núi Cát Minh truyền thống mà Hội Thánh đã chuẩn nhận.

Biểu tượng thứ hai được chính thức ra mắt vào 20-1-2014, mặc dù vào tháng 9-2013 đã có tin tức loan ra là bà Maria Divine Mercy nhận được một Mẫu Ảnh Cứu Rỗi (Medal of Salvation) từ Đức Trinh Nữ Maria, sự chậm trễ này được lý giải là để “chờ thiết kế”. Mẫu ảnh này cũng được báo là có một sức mạnh vô cùng lớn: “Chính vì thế mà người ta thuộc mọi lứa tuổi, mọi nền văn hoá và mọi chi phái của các tôn giáo, phải lãnh nhận Mẫu Ảnh Cứu Rỗi. Mỗi một người được trao cho Mẫu ảnh, ngay cả khi Mẫu ảnh không được làm phép, cũng sẽ được ban cho một Ân Huệ phi thường. Ngay sau đó, Thiên Chúa sẽ cho thấm nhuần trong tâm hồn họ một Ân Sủng, một sự thấu hiểu sâu sắc về chính tình trạng bất lực của họ và một sự cảm nhận về Tình Yêu đầy Quyền Năng của Thiên Chúa” (sứ điệp ngày 20-01-2014).

Thật là kỳ lạ với những biểu tượng mà bà Maria Divine Mercy đưa ra với những lời loan truyền về sức mạnh của nó. Rõ ràng là nó khẳng định rằng các biểu tượng đó có thể thay thế được Đức Tin của Hội Thánh, là điều thực sự mang lại Ơn Cứu Độ và sự sống đời đời. Trong khi “Đức tin là một hành vi mang tính nhân linh”, là một sự cộng tác giữa ân sủng của Thiên Chúa và sự tự do của loài người (Tin là một hành vi của lý trí chấp nhận chân lý của Thiên Chúa theo lệnh của ý chí được Thiên Chúa tác động nhờ ân sủng –lời thánh Thomas Aquino). Còn khi mang theo các biểu tượng này thì chắc chắn sẽ được “bảo vệ không những mạng sống mà còn linh hồn” hay thoát được sự “huỷ diệt linh hồn” hoặc “cảm nhận về Tình Yêu đầy Quyền Năng của Thiên Chúa” mà không cần phải có Đức Tin.

2.6. Các lỗi liên quan đến Thần học

Những lỗi thần học này nằm rải rác trong các thông điệp được gọi là “sứ điệp từ trời”:

- Hình ảnh Thiên Đàng được diễn giải sai lạc như một thứ địa đàng trần gian: như thông điệp ngày 13-11-2010: “Điều đó sẽ xảy ra nơi Thiên Đàng Mới của Ta khi Trời và Đất giao hoà làm một”. Và ở một chỗ khác: “Rồi các con sẽ nhận được Ân huệ là Sự Sống Đời Đời khi Trời và Đất nên một. Đây là những gì được nói tới về Thiên Đường Mới” (ngày 15-11-2010).

- Sự lộn xộn trong công thức Chúa Ba Ngôi khi diễn giải Đức Chúa Cha đến nhân danh Chúa Giêsu Kitô, như: “Ta đến Nhân Danh Con yêu dấu của Ta, Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của nhân loại. Ta là Thiên Chúa Cha, và Ta đang nói chuyện với con lần đầu tiên” (ngày 25-6-2011). Hoặc sứ điệp ngày 2-8-2011: “Ta đến nhân danh Con Ta, Chúa Giêsu Kitô. Ta là Thiên Chúa Cha và Ta muốn thông truyền cho toàn thể nhân loại. Ý định của Ta là hoãn lại Cuộc Trừng Phạt sắp tới để nhân loại có cơ hội hiểu được Sự Thật về sự Hiện Hữu của Ta”.

- Sự lo sợ của Thiên Chúa và sự hiện diện thật của cả Ba Ngôi trong Bí Tích thay vì là chỉ có một Đấng riêng biệt, ngày 6-7-2011: “Trong khi Ta đang hạnh phúc với những người có đức tin mạnh mẽ thì Ta vẫn còn lo sợ cho những người đang chống đối Ánh Sáng Thiên Tính của Ta – đó là Sự Thật… Lời thề trong hôn nhân rất hệ trọng ,vì hãy nhớ rằng đây là một Bí Tích và được thực hiện trước Sự Hiện Diện của Thiên Chúa Cha… Tất cả các cuộc hôn nhân đều được thực hiện ở trên Thiên Đàng”

- Hiền Thê của Đức Kitô là Hội Thánh chứ không phải là một con người cụ thể nào đó (x. 1Cr 6, 15-17; 2Cr l1, 2; Kh 22, 17; Ep l, 4; 5, 23-29), như sứ điệp ngày 7-7-2013: “Người bạn yêu quý của Cha, có hề gì đâu nếu họ la hét vào mặt con hoặc nguyền rủa con vì Danh Cha ?” (bản Việt ngữ của nhóm theo bà Maria Divine Mercy sử dụng “người bạn yêu quý” để dịch cho “my dearly beloved spouse”, so sánh với “my dearly beloved daughter” ngày 24-2-2012).

- Nhầm lẫn việc ly giáo của Giáo Hội Anh Giáo (Anglican) với việc Thệ Phản (Protestant) của các hệ phái Tin Lành (Evangelicalism), ngày 17-9-2012: “Nước Anh, một quốc gia thệ phản sẽ sớm hoán cải theo các đường lối của Ta, Giáo Huấn và Sự Thật của Cha”.

Đây là những hạt sạn chứa đầy những lộn xộn gây nên sự mất bình an cho người đọc các thông điệp ấy. Đó là biểu hiện cho những thông điệp này không đến từ Thần Khí của Sự Thật mà đến từ sự lừa dối và gian trá.

2.7. Những sai lầm về mặt luân lý

+ Sai lầm trong quan niệm về luân lý tính dục

Trong sứ điệp ngày 06-04-2011, bà Maria Divine Mercy tỏ ra dung túng cho một lối sống tự do về tình dục. Nội dung chính của sứ điệp này xoay quanh việc đừng lên án những người khác tôn giáo, tín ngưỡng hay khác về những sở thích tính dục (sexual preferences). Hẳn nhiên, cần phân biệt giữa tội lỗi và con người. Chúng ta không có quyền lên án các tội nhân, cho dù họ phạm những tội nặng nề nhất. Thế nhưng, cách diễn tả mơ hồ của sứ điệp khiến người đọc có cảm tưởng rằng cũng không nên phê phán sự sai trái của những xu hướng lệch lạc về tính dục. Điều đáng nói ở đây là cụm từ “sở thích về tính dục” được lặp đi lặp lại nhiều lần như một sự nhấn mạnh. Cách dùng cụm từ này thật đáng ngờ! Xem ra nó hàm ý rằng những xu hướng tính dục như đồng tính chẳng hạn, cũng chỉ nên coi là chuyện sở thích cá nhân chứ không phải là một sự lệch lạc về luân lý. Thế nhưng, đây lại là điều đi ngược lại với Giáo lý của Hội Thánh vốn coi các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là vô trật tự, và nghịch với luật tự nhiên (xc. GLHTCG, số 2357).

+ Quan niệm sai lạc về việc áp dụng án tử hình

Bà này còn đưa ra một quan niệm sai lạc về việc áp dụng án tử hình khi bà lên án theo cách cào bằng vô điều kiện mọi hình thức giết người, chỉ trừ ra hành động tự vệ. Sứ điệp ngày 26-01-2012 có những lời như sau: “Ngươi không được giết người có nghĩa là ngươi không được giết người khác. Điều này không có ý nói về sự tự vệ nhưng về bất kỳ trường hợp nào khác. Không ai được biện minh cho việc giết người - dù là phá thai, hành hình hay trợ tử. Không người nào được phép” (sứ điệp ngày 15-07-2011 cũng có những lời tương tự).

Hẳn nhiên, Hội Thánh luôn dạy rằng phá thai, trợ tử và những hành động giết người cố ý và không có lý do chính đáng đều là những tội ác nghiêm trọng về luân lý. Tuy nhiên, đối với án tử hình, mặc dù Hội Thánh luôn kêu gọi các chính quyền thực thi lòng khoan dung và giảm thiểu hết mức có thể việc áp dụng án tử hình, nhưng Hội Thánh vẫn luôn công nhận quyền chính đáng của các chính quyền dân sự trong việc áp dụng án tử hình đối với những tội phạm hết sức nguy hiểm cho xã hội mà xét thấy không còn cách chọn lựa nào khác. Như vậy, việc áp dụng án tử hình không phải luôn luôn là hành động vô luân, nhưng là điều chính đáng trong một số hoàn cảnh nhất định. Giáo lý này thuộc về truyền thống lâu đời của Hội Thánh, từng được các vị thánh Tiến sĩ thời danh giảng dạy, và nhất là được khẳng định trong giáo lý như sau: “Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh, sau khi đã xác minh đầy đủ căn tính và trách nhiệm của phạm nhân, không loại trừ việc kết án tử hình, nếu đây là con đường khả thi duy nhất để bảo vệ hữu hiệu mạng sống con người khỏi bị xâm phạm cách bất công”[15].

3.   Ảnh hưởng của phong trào “Sứ điệp từ trời” đến cộng đoàn Công giáo Việt Nam

Với những sai lạc tràn ngập trong các thông điệp của bà Maria Divine Mercy, nó đã gây nên một sự xáo trộn trên khắp các Giáo Hội toàn cầu. Sở dĩ có thể xảy ra việc này là vì phương thức truyền bá của nó là qua môi trường truyền thông trực tuyến, cụ thể là mạng internet. Ngay khi một thông điệp được viết ra là ngay tức khắc ở Việt Nam đã nhận được và tiến hành dịch thuật. Với việc tổ chức bài bản như vậy, có thể đoán định được rằng nhóm đang phổ biến “Sứ Điệp Từ Trời” tại Việt Nam được tổ chức khá chặt chẽ. Từ việc dịch thuật, phát tán trên internet qua các website, in ấn và đi sâu vào một số hội đoàn qua hình thức cầu nguyện với chuỗi Mân Côi và đọc các bài trong tập sách Chiến Dịch Cầu Nguyện.

Những hội đoàn bị ảnh hưởng này tuy thực hiện việc cầu nguyện với chuỗi Mân Côi nhưng lại có một thái độ chung là bất tuân phục Đức Giáo Hoàng. Các thông điệp của bà Maria Divine Mercy tuy không nói rõ là Đức Giáo Hoàng Phanxico đương nhiệm, nhưng việc các sứ điệp nói rõ Đấng kế vị Đức Benedict XVI là nguỵ Giáo Hoàng thì người ta lập tức nghĩ ngay đến vị Giáo Hoàng thứ 266, chính là Đức Phanxico đáng kính.

Và hiển nhiên là khi đã tin chắc là mình đang đi đúng hướng, khi xác tín đây là Lời của Chúa, khi tưởng như mình có sứ mạng đặc biệt đem Sứ Điệp của Chúa đến cho anh em khác, thì những người tin theo các thông điệp cùa bà Maria Divine Mercy sẽ ra sức làm theo những gì các thông điệp đã nêu và được ấn hành qua quyển Sách Sự Thật (The Book of Truth), bất chấp cả những lời cảnh tỉnh từ phía các đấng bản quyền của các giáo phận.

Nhưng việc tiếp cận các thông tin ngoại ngữ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế nên việc đọc biết các thông tin này là khó khăn, dẫn đến trường hợp nói rằng: “nếu Giáo Hội cấm sao tôi không nghe nói gì”. Thêm nữa vì những sản phẩm có liên quan đến bà Maria Divine Mercy và các thông điệp được bán công khai hoặc phân phát cách miễn phí (dù thời gian gần đây tạm thời lắng đọng) đã làm cho các thông điệp này nằm trong cảnh “tranh tối tranh sáng”. Điều đó gây nên thái độ “tin thì tốt hơn không” ở nhiều người, với một thời gian dài có thể kéo đến việc suốt ngày theo dõi các thông điệp mà quên lãng cả Thánh Kinh.

Như vậy bà Maria Divine Mercy và các thông điệp dưới tên gọi “Sứ Điệp Từ Trời” đã thực sự có ảnh hưởng đến Giáo Hội Việt Nam ở một mức độ không nhỏ đối với một số anh chị em đã lầm tin vào các thông điệp này.

Ngày 14-4-2015, UB GLĐT đã ra thông cáo sau:

Dựa vào huấn thị, "Normae S. Congregationis pro Doctrina Fidei de Modo procedendi in judicandis praesumptis apparationibus ac revelationibus die 25 Februarii 1978” (“Những Qui tắc của Thánh Bộ Đức Tin về phương pháp tiến hành khi phải đánh giá những hiện tượng được coi như là những cuộc hiện ra và những mặc khải, ngày 25, tháng 02 năm 1978”), Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin đã nhận định như sau:

1. Tác giả luôn ẩn danh. Không ai biết được tư cách đạo đức của người tự cho là nhận được mặc khải.

2. Về nội dung, có nhiều điều không phù hợp với Giáo lý Công Giáo:

- Các sứ điệp tin vào thuyết "ngàn năm” (millénarisme) là lạc thuyết đã bị Hội Thánh lên án.

- Ủng hộ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đang khi đó lại không chập nhận và có những lời xúc phạm đến Đức Thánh Cha Phanxicô.

- Nhiều điều mập mờ lẫn lộn giữa sự thật và sai lầm trong cách giải thích liên quan đến mầu nhiệm Đức Kitô, Huấn quyền, bí tích, luân lý.

3. Về hiệu quả, các sứ điệp không mang lại bình an tâm hồn, nhưng gieo rắc sự sợ hãi hoang mang cho nhiều tín hữu.

Vì thế, các tín hữu Công Giáo sẽ không đọc, không phổ biến và không rao giảng các “Sứ điệp từ trời” này.

Tạm kết

Qua các nội dung đã tìm hiểu ở trên về “The Warning Second Coming” (Sứ ĐiệpTừ Trời) được ấn hành trong Sách Sự Thật (The Book of Truth), tập sách Các Chiến Dịch Cầu Nguyện (Crusade Prayer), Ấn Tín Thiên Chúa Hằng Sống (The Seal of the Living God) cùng Mẫu Ảnh Cứu Rỗi (Medal of Salvation), có thể thấy những dạng tài liệu này của bà Maria Divine Mercy phát hành đều hàm chứa những nội dung khiến cho người đọc và tin theo có thể mắc phải các tội Ly Giáo, Bội Giáo và Lạc Giáo. Bởi vì, các thông điệp này chống lại Huấn quyền của Hội Thánh; trong đó, Thánh Kinh bị sửa đổi và giải thích cách tùy tiện; đồng thời sự sùng kính quá mức và đi lệch hướng mục đích của các kinh nguyện, biểu tượng dẫn đến sai lạc giáo lý về ân xá của Hội Thánh; gây ra sự hoang mang, lo lắng trong đời sống đức tin người tín hữu. Những lỗi này chắc chắn đưa người tín hữu đến một thực trạng bi thảm là mắc vạ tuyệt thông tiền kết mà Hội Thánh ấn định. Các nội dung này không phục vụ cho mục đích mưu ích cho phần rỗi các linh hồn nhưng ngược lại là đưa các linh hồn đến bên vực thẳm của diệt vong.

Phong trào “Sứ điệp từ trời” thực sự là đã có một tác hại không hề nhỏ đến đời sống Đức Tin của người tín hữu: ai tin theo thì đi lạc hướng; người nhận thấy sai trái lại chống đối. Nó gây ra mối bất hoà khiến nhiều nhóm cầu nguyện lớn và thánh thiện bỗng nhiên bị chia rẽ, không còn hiệp nhất với nhau nữa. Nhiều gia đình có người tin theo và nảy sinh mối bất hoà. Trong không khí hoang mang xáo trộn đó, một số người đi tìm thêm chân lý ở những lý thuyết không an toàn khác, chắp nối vụng về những lời tiên tri từ nhiều thị nhân thật, giả khác nhau làm nên một bức tranh rối loạn về thời cuộc để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng con đường an toàn và đúng đắn duy nhất là tin theo các sứ điệp của Maria Divine Mercy. Chính lúc mạc khải Thánh Kinh bị quên lãng tạo nên mối nguy hại lớn nhất cho đời sống đức tin là rời bỏ Lời Chúa và người ta sẽ không còn nhận ra đâu là khuôn mặt chân thật của Thiên Chúa nữa. Một khi đã quá lầm tin vào các thông điệp xuất phát từ bà Maria Divine Mercy thì khuôn mặt của Thiên Chúa đã trở nên méo mó, đồng thời Hội Thánh là Mẹ và Thầy cũng bị gạt sang bên với những lời Giáo Huấn rút ra từ kho tàng thánh thiêng không còn được lắng nghe.

Vì vậy, có thể nhận thấy Maria Divine Mercy và những thông điệp mang tên “sứ điệp từ trời” của bà ta tại Việt Nam có một ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng tín hữu Công giáo và có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là ảnh hưởng về đức tin. Vì thế, người tín hữu Công giáo phải tuyệt đối tuân thủ theo thông cáo của Ủy ban Giáo lý Đức tin, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đó là: “không đọc, không phổ biến và không rao giảng các ‘sứ điệp từ trời’”này (ngày 14/4/2015) để gìn giữ đức tin và sống đúng như lời dạy của Hội Thánh.



[2] Hiến chế Dei Verbum, số 21.

[3] Sách GLHTCG, số 676.

[4] Hiến chế Dei Verbum, số 10.

[5] Hiến chế Lumen Gentium, số 23.

[6] Hiến chế Dei Verbum, số 10.

[7]Sách GLHTCG, số 1131.

[8]Sách GLHTCG, số 1278.

[9] Hiến chế Lumen Gentium, số 11.

[10] Sách GLHTCG, số 1376.

[11] Sách GLHTCG, số 1377.

[12] Tông hiến Giáo lý về Ân xá, Indulgentiarum Doctrina, số 11.

[13] Xc. Những quy định về các tội dành riêng cho Bộ Giáo Lý Đức Tin, CIC. điều 751.

[14] Xc. GLHTCG, số 1274.

[15] Sách GLHTCG, số 2267.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn