Fr. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, op.
Nội san Chia Sẻ là tờ báo của giới liên tu sĩ thành phố, và đề tài chung cho năm 2023 của báo Chia Sẻ là Phụng vụ. Chắc hẳn nhiều người thấy ngay rằng việc nối kết đời sống thánh hiến và chủ đề Phụng vụ như thế có mùi vị giống như những người viết xã luận như một chuyên viên tuyên truyền, nghĩa là những người có một sự khôn khéo theo kiểu khôn vặt, để lúc nào cũng cố tìm cho ra những lý sự, nhằm cổ võ, không phải cho một chân lý vững bền, mà chỉ nhằm những mục tiêu chính trị có tính cách thời vụ và khá khiên cưỡng…
Mong rằng những suy tư
dưới đây không phải là thứ suy tư minh hoạ như một công cụ tuyên truyền, không
phải là những lý sự mang tính mang tính phong trào như vậy; nhưng là một sự
phản kháng, hoặc ít ra là một cảm nhận mang tính phê bình về hiện trạng mập mờ,
nhạt nhẽo của cả Phụng vụ lẫn cung cách của những người sống đời sống thánh
hiến…
1. Sự sống và biểu tượng
Qui chế hiện hữu riêng
biệt của con người là linh hồn nhập thể, đó là vị thế siêu hình căn bản của con
người. Theo đó, sự sống chân thật và phong phú của con người luôn nằm nơi giao
điểm giữa ý nghĩa và thực tại. Một ý nghĩa có khả năng lan toả sức sống cho con
người luôn phải là một ý nghĩa được biểu lộ trong thực tại; và thực tại của thế
giới này, xuất hiện trước con người, luôn phải là một thực tại có ý nghĩa nhân
bản đích thực. Con người có thân xác nên chỉ có thể mở ra với thế giới bên
ngoài thông qua cửa ngõ giác quan, nghĩa là thông qua những thực tại “hữu
hình”. Nhưng con người cũng có linh hồn, nên không thể bị chìm đắm trong những
tương tác thực nghiệm thuần tuý sự vật, mà luôn khao khát đón nhận thực tại như
một biểu tượng có ý nghĩa nhân văn và siêu việt. Đó chính là đời sống văn hoá
của con người, là đẳng cấp nền tảng của sự sống con người, mà tôn giáo, triết
lý hay khoa học vẫn luôn phải xây dựng trên đó. Mọi phẩm tính của sự sống con
người, nếu được đặt để đúng trên phẩm tính siêu hình căn bản ấy, sẽ tìm được
mạch nguồn sức sống mạnh mẽ và phong phú. Trong thực tế những người khai sáng
một qui chế sống, một linh đạo, một tổ chức… có tầm ảnh hưởng quan trọng đến
vận mạng của nhân loại đều đã tìm thấy cách thức thể hiện đúng với phẩm tính
siêu hình căn bản. Đồng thời, ta cũng có thể thấy nhiều người đi sau, một khi
không “trực giác” được mạch nguồn sự sống của những vị khai sáng, thường đã bẻ
quặt dòng chảy và làm cho sự sống của tập thể ấy trở nên èo uột hoặc lệch lạc.
Do đó, việc duyệt xét lại phẩm tính của đời sống thánh hiến cũng như phẩm tính
của Phụng vụ, có lẽ cũng cần lưu ý tới nền tảng siêu hình ấy.
Nhìn lại quá trình 30
năm báo Chia Sẻ của liên tu sĩ thành phố, ta vừa vui lại vừa buồn ! Vui vì
trong số cả một rừng các dữ liệu trong thế giới tràn ngập truyền thông như hiện
nay mà báo Chia Sẻ đã sống được 30 năm. Nhưng cũng phải buồn vì so sánh hiện tình
với 30 năm trước, những gì đo đếm được cho thấy một sự sa sút liên tục, với mức
độ khoảng 50% trong 30 năm qua, cả về số người cộng tác viết lách cũng như số
độc giả. Trước tình trạng ấy, bước vào năm thứ 30, có vẻ như mục tiêu của báo
Chia Sẻ chỉ là “trụ hạng”, hoặc là tuyên bố “hoàn thành sứ mạng” như qui luật
tất yếu của mọi thực tại trần thế….
Phân tích thực trạng ấy
thực trạng ấy một cách sâu xa hơn, ta có thể tự hỏi phải chăng tình trạng sa
sút ấy cũng là lời tố cáo, không phải chỉ về tờ báo, nhưng tố cáo về phẩm tính
đời sống thánh hiến ? Đời sống thánh hiến nói chung đã phai lạt cách nào đó
khiến cho dòng sức sống không còn có khả năng sáng tạo những hình thức sống
chân thật và phong phú ? Đời sống thánh hiến hiện nay có mang dáng dấp một biểu
tượng nào cho chính sự sống của kiếp người ? Lựa chọn đời sống thánh hiến của
những tu sĩ Việt Nam hôm nay có trở nên một biểu tượng chân thực nào cho đời
sống đức tin hôm nay ?
Đề tài chung cho năm
2023 là Phụng vụ. Một lựa chọn tình cờ chăng ? Nhưng hình như lựa chọn ấy cũng
xuất phát từ một cảm nhận, dù còn mơ hồ, về tình trạng tản mạn, nhạt nhoà nào
đó mà chúng ta cần tìm lại nét-mạnh, cần định hình lại dáng dấp sắc nét hơn.
Giống như đời sống chung của Giáo hội, hy vọng chủ đề Phụng vụ sẽ có khả năng
góp phần vào sự đổi mới của một tờ báo !!!
2. Văn hoá như một “cử hành”
Con người có một thế
đứng siêu hình riêng biệt, “linh hồn nhập thể”, và cũng có những thách đố riêng
biệt của phận người trong thế đứng ấy. Hoặc đời sống con người bị tan loãng trong
sự nhạt nhoà của một nếp sống “lập đi lập lại”, một ngày như mọi người và
“không có gì mới dưới ánh mặt trời”. Hoặc đời sống con người bị khuôn đúc theo
những mẫu mực lý tưởng cao đẹp nhưng lại tách rời với cảm nhận của đời thường.
Tuy nhiên, có lẽ thách đố thường xẩy ra hơn là người ta tách biệt hoàn toàn hai
khía cạnh ấy như là những sinh hoạt đặt bên cạnh nhau. Sinh lực sống của đời
người thôi thúc con người tìm được những “nghi thức” mang tính “cử hành”, để
luôn cô đọng những ý nghĩa căn bản cho cuộc sống. Tôn giáo nào cũng có những
nghi thức mang tính cử hành như thế để giúp người tín hữu đứng vững, xác định
rõ ý nghĩa của cuộc sống trước những nhu cầu, mặc dù là cấp thiết nhưng chỉ là
để đáp ứng một khía cạnh nào đó trong cuộc sống mà thôi. Chẳng hạn cung cách
thiền trong từng bước chân hoặc việc làm dấu thánh giá trước mỗi công việc,
hoặc việc qùi gối phủ phục hướng về Mecca vào những thời điểm xác định…, đó là
những cử hành cần thiết để phác hoạ được dáng dấp của sự sống trong văn hoá tôn
giáo của mình. Trong ý nghĩa ấy, chúng ta càng hiểu ra tầm quan trọng của văn
hoá cử hành trong thế giới hiện đại, thế giới “tục hoá”, thế giới cạnh tranh,
thế giới loại trừ…, cạnh tranh và loại trừ trong kinh tế, trong chiến tranh
quân sự, trong kiến thức và kỹ năng, trong tính dục và cả trong nghệ thuật…
Việc cổ võ một thứ văn
hoá cử hành như thế cần được thể hiện cả trong hai chiều kích, tạm gọi là chiều
kích lịch đại (diachronique) với “văn hoá gõ nhịp” và chiều kích đồng đại
(syncronique) với “văn hoá ướm”.
2.1. Cử hành “Văn hoá gõ nhịp”
Thời gian là chiều kích
căn bản để con người thực hiện vận mạng của mình một cách chân thật; vì vận
mạng của con người được thành toàn không phải như một bài toán cộng trừ ở đây
và lúc này, để có một kết quả một lần thay cho tất cả, nhưng là do những gì con
người thể hiện qua sử tính của đời mình, qua những thăng trầm, qua những đổ vỡ,
đau thương để đạt tới một kết luận có hậu.
Như thế, chúng ta nhận
ra thách đố của phận người được tỏ lộ không phải chỉ như một “khối lượng” to lớn
nhiều ít, nhưng còn như một phẩm tính dai dẳng qua những biến động của thời
cuộc. Tác động của chiều kích thời gian trên những giá trị của đời sống con
người qua rõ ràng, ai cũng thấy được. Thậm chí nhiều người còn cho rằng “thời
gian là phương thuốc nhiệm mầu” để chữa lành những vết thương trong tâm hồn con
người; hoặc là những điều gì, mặc dù rất rất quan trọng nhưng cũng dễ dàng bị
mờ nhạt theo kiểu “cứt trâu để lâu hoá bùn”.
Theo quan điểm Kitô
giáo, thời gian không đi vòng tròn nhưng theo đường thẳng, hướng tới một chung
cuộc thành toàn, và những gì đã có mặt trong dòng thời gian đều góp phần vào
chung cuộc ấy. Do đó, những biến cố, những sự kiện mang tính ác sẽ không phải
bị phai lạt, nhạt nhoà trong cái lập đi lập lại, nhưng cần được “hóa giải” bằng
điều thiện. Có bất công thì phải có phúc lộc, có xúc phạm thì phải có tôn
trọng, có bạo lực thì phải có thứ tha…
Tất cả lẽ sống ấy được
diễn ra trong sự miên man của dòng thời gian, luôn có nguy cơ bị che lấp do cái
đều đặn và nhạt nhoà, nên thật sự cuộc sống con người cần được củng cố trong
phẩm tính kiên bền của những “thì mạnh” (temps fort), tạo nên nhịp mạnh cho
từng “khuông nhạc” trong dòng chảy của cuộc sống. Dòng đời cần có những khởi
đầu mới của “tết nhất”, cần có những ngày đầu tháng, đầu tuần, hoặc những chặng
mới trên hành trình làm người,… Chính nơi những “thì mạnh” ấy, người ta cử hành
lại những hành động biểu tượng để xác định lại ý nghĩa của dòng đời. Tạm gọi đó
là “văn hoá gõ nhịp”, qua đó mỗi người tìm lại vai trò nhạc trưởng cho bản trường
ca đời mình. Một đời sống không có những cử hành vào những thời điểm nào đó
chắc chắn sẽ bị phai lạt, nhạt nhoà và biến chất thành một thứ nhân cách không
hình hài.
2.2. Cử hành “Văn hoá ướm”
Nếu chiều kích lịch đại
hàm chứa nguy cơ làm cho ý nghĩa đời sống con người trở nên nhạt nhoà trong cái
lập đi lập lại, thì chiều kích đồng đại lại hàm chứa nguy cơ làm cho ý nghĩa
đời người bị biến dạng thành một thứ gì khác. Tạm gọi đó là tình trạng bị “lạc
tông”. Quả thật người ta thấy không ít những người hoặc những cộng đoàn sống
đời thánh hiến không còn biểu lộ được một giá trị nào như một lời chứng; nhiều
lúc người ta không thể ngờ được những con người đầy thiện chí, đầy lý tưởng lúc
ban đầu, mà cuối cùng lại có thể làm những điều ti tiện, bất nhân, hoặc ác độc
… Rất nhiều bạn trẻ, đầy thiện chí, quảng đại, theo đuổi một lý tưởng cao đẹp
trong đời sống thánh hiến,… để rồi, một thời gian sau, đối diện với những đòi
hỏi trước mắt, những thách đố gắt gao của cuộc sống, đã dần dần trở thành một
con người khác hẳn. Biết bao nhiêu lý tưởng thuở ban đầu của một tâm hồn thiện
chí bị biến thành những nếp sống theo khuôn khổ vô hồn, những lựa chọn từng
ngày không còn qui chiếu vào ý nghĩa căn bản mà trở thành những biện pháp đối
phó, những cách lý giải sự việc không còn biểu lộ sự khôn ngoan gắn liền với
cứu cánh, nhưng chỉ là sự khôn khéo vụn vặt để giải quyết tình huống trong từng
vụ việc… Cái khao khát ban đầu và cái cứu cánh tối hậu đã tan biến dần…để chỉ
còn lại một sự đấu tranh thảm hại để tồn tại…
Về phương diện triết học,
ta có thể diễn tả một cách đơn giản ý nghĩa của khủng hoảng là: ở đỉnh cao minh triết thì “siêu hình” và
“luân lý” hoà nhập với nhau; còn ở mức độ la đà thì siêu hình và luân lý trở
thành hai con đường riêng biệt chẳng dính dáng gì tới nhau. Mức độ “la đà” đó
chính là nguồn cơn của khủng hoảng. Đây là “qui luật” của lịch sử nhân loại. Sự
huỷ hoại sâu xa nhất của một tôn giáo, một tổ chức, một tập thể,… không phải là
sự huỷ hoại tự bên ngoài, nhưng chính là một tình trạng mất căn tính từ bên trong,
khi mà những đường nét “tinh thần” căn bản không còn là nguồn mạch của những
phương sách cụ thể, nhưng chính những thứ thích ứng rẻ tiền đã lèo lái tất cả.
Thái độ thích ứng, kiểu giải quyết vấn đề bằng những biện pháp mà không phải là
những thể hiện chân thực, phát xuất từ một nền tảng siêu hình chân chính, sẽ
làm cho tình hình càng ngày càng trở nên vá víu, mất phương hướng, giải quyết
chỗ này lại nẩy sinh vẫn đề chỗ khác; bịt được điều này thì lại xì ra chỗ lủng
ở điều khác.
“Văn
hoá ướm” là một cách duyệt xét lại, để định hình lại cái dáng dấp ban đầu và
cũng là dáng dấp của cứu cánh. Cử hành “văn hoá ướm”, nghĩa là luôn ướm cuộc
đời vào ý nghĩa siêu hình căn bản, để làm cho mọi lựa chọn đều biểu lộ một cuộc
vượt qua căn bản, một lời đáp cho vận mạng, một lựa chọn dính liền tới sự sống
và cái chết… Một châm ngôn sống được phác hoạ như một xác tín thâm sâu, một huy
hiệu được tôn trọng như chính lý do hiện hữu của bản thân, một lựa chọn được
tuyên xưng cách kiên định qua mọi thách đố…chính là những đường nét của “văn
hoá ướm”.
3. Đời sống thánh hiến như một Cử hành nghi lễ
Văn
hoá như một cử hành, và cử hành văn hoá gõ nhịp cùng văn hoá ướm… thật ra, đó
chính là những yếu tố của Phụng vụ bí tích Kitô giáo nhìn từ khía cạnh con
người. Có lẽ phần lớn người Kitô hữu đón nhận Phụng vụ với những giá trị
nghiêng ngả về tính cách duy linh. Phụng vụ Kitô giáo cần được cử hành với tất
cả ý nghĩa linh thánh như một quà tặng của Thiên Chúa… đó là điều không được bỏ
mất hoặc giảm nhẹ… Nhưng Phụng vụ cũng cần thực sự mang lại chất bổ dưỡng cho
sự sống của con người trong cõi nhân sinh.
Chúng ta không thiếu
những suy tư và nghiên cứu về tính linh thánh của Phụng vụ, vốn hàm chứa nhiều
ý nghĩa tâm linh siêu nhiên rất tinh tế; nhưng có lẽ cũng cần làm sáng lên
chiều kích nhân bản của nghi lễ Phụng vụ, nghĩa là mối tương quan giữa Phụng vụ
và thực tại. Cũng thế, người sống đời sống thánh hiến cần tin tưởng vào Chúa và
Giáo hội, nhưng cũng cần có sự xác tín bản thân, “cái lý” bên ngoài cần trở
thành “cái lẽ” bên trong, để có thể sống một cách sung mãn hơn những giá trị
nhân bản, trong mối tương quan sống động với hiện tình của thế giới…
Cũng giống như thực
trạng của đời sống Phụng vụ, đời sống thánh hiến hiện nay vẫn được diễn tả với
rất nhiều ý nghĩa linh thánh nhưng lại ít cổ võ, nuôi dưỡng khát vọng Nước
Thiên Chúa cho đời sống Giáo hội, cũng như ít trở nên lời chứng về Nước Trời
cho xã hội con người nói chung. Có một thực trạng giống nhau của Phụng vụ cũng
như đời sống thánh hiến, đó là tình trạng xa cách giữa “tính siêu hình” và
“tính luân lý”. Phụng vụ được nhắc nhở phải trung thành với qui định của huấn
quyền. Đó là những điều căn bản, nhưng Phụng vụ cũng cần gợi ra được ý nghĩa có
khả năng nhân hoá và thánh hoá cuộc sống đời thường. Cũng thế, đời sống thánh
hiến cần phải giữ đúng qui định của giáo luật, nhưng lại ít biểu lộ như một giá
trị biểu tượng, giá trị nhân sinh thiết thực. Nói chung, trong thực tế hiện
nay, đời sống thánh hiến vẫn không biểu lộ được như một chứng tá cho giải pháp
Tin Mừng đối với thế giới.
Nếu so sánh một chút,
chúng ta thấy văn hoá Á Châu có thật nhiều những “kỹ năng” để đưa lý thuyết
giải thoát vào đời sống thực tiễn, đưa giá trị “đạo” vào những thực hành của
cuộc sống rất đời thường…, nhiều chân lý đạo được cử hành như một nghi lễ qua
những thái cử hằng ngày… Trong khi đó, Kitô giáo, đặt biệt trong Phụng vụ, cũng
có một kho tàng vô cùng phong phú những cử hành, gồm chứa thực tại siêu nhiên
chân thật trong những nghi thức cụ thể…, nhưng lại ít có tác dụng trong đời
sống thường ngày.
Thực sự, bản chất của
Phụng vụ hoặc sự sống đức Tin Kitô giáo nói chung có một khác biệt căn bản với
văn hoá Á Châu, vì sự sống Kitô giáo không tuỳ thuộc vào những kỹ năng hoặc
đẳng cấp tinh thần của con người, nhưng là do ân huệ của Thiên Chúa. Tuy vậy,
sự sống Kitô giáo cũng hoàn toàn không phải là một thứ chủ nghĩa vô vi hay tĩnh
tịch thuyết (quiétisme). Kitô giáo, được diễn giải trong vị thế siêu hình căn
bản như một linh hồn nhập thể, cũng cần tìm được những cung cách có khả năng
khai mở sự sống của con người trước tác động của Chúa Thánh Thần.
Đời sống thánh hiến là
một cách sống trước mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Mầu nhiệm này đã được đức Giêsu
công bố trong Bài Giảng Trên Núi như khai mạc “Thời Đã Mãn”. Dẫu rằng những
người chọn đời sống thánh hiến vẫn còn chìm ngập trong những đam mê, trong tội
lỗi, dù vẫn đứng trong vũng bùn,… việc lựa chọn đời sống thánh hiến vẫn là thái
độ giương cao ngọn cờ Nước Thiên Chúa. Chính trong tình trạng nước đôi ấy mà
việc “cử hành” mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, cử hành “văn hoá gõ nhịp” và cử hành
“văn hoá ướm” mới có ý nghĩa.
Hình
như không mấy người Kitô hữu nhận ra được bước ngoặt mang tính quyết định của
“Thời Đã Mãn”, nên đời sống đức Tin vẫn rớt vào tình trạng lai căng, một nửa là
thể chế lề luật và một nửa là thể chế ân sủng. Trong nền tảng chung ấy, người
sống đời sống thánh hiến cũng không thoát được tình trạng mập mờ, lạt lẽo của
một tình trạng lai căng…
Làm thế nào để người
sống đời sống thánh hiến thực sự trở nên lời chứng cho mầu nhiệm Nước Thiên
Chúa đã có mặt và đang lớn lên trong thế giới hôm nay ?
Làm thế nào để người tu
sĩ sống lời khuyên Khó Nghèo như một cách thế cử hành “cái nghèo mở”, nhằm vượt
qua tính sự vật để đạt tới tương quan với ai khác ?
Làm thế nào để người tu
sĩ sống lời khuyên Khiết Tịnh như một cách thể cử hành “sự tôn trọng mở” nhằm
vượt qua sự giản lược ngôi vị vào tài năng, đức độ hoặc phái tính để vươn tới
tình yêu thực sự mang tính ngôi vị ?
Làm sao để người tu sĩ
sống lời khuyên Vâng Phục như một cách thể cử hành “tương quan mở” nhằm vượt
qua tính tự nhiên của thế giới này để vươn tới đẳng cấp thánh của sự sống siêu
nhiên ngay trong nếp sống cộng đoàn ?
Tất cả những câu hỏi
ấy, và dĩ nhiên còn nhiều câu hỏi khác nữa, cần được nhiều suy tư và sáng tạo
của người sống đời sống thánh hiến giữa trào lưu thế tục hoá hôm nay.
Tạm
kết
Sự sống con người nằm
trong “giao điểm” giữa hồn và xác, mọi năng lực sống của con người đều bao gồm
một “nội dung ý nghĩa” và một sự bộc lộ hữu hình trong chính phong cách thể
hiện. Do đó, con người không thể bị rớt vào vòng xoáy của những tương tác thực
nghiệm trong thế giới hữu hình, để trở thành một thứ “thực tại thô”; và con
người cũng không thể tìm đến một thứ “đạo tại tâm” như là một giải pháp để
thoát khỏi ảnh hưởng của thế giới hữu hình, của kinh nghiệm giác quan và của
thực tại nơi thế giới bên ngoài. Ngược lại, “sự sống có ý nghĩa” phải bắt nguồn
từ chính những “thực tại như dấu chỉ”, cũng như được thể hiện qua những “thực
tại như dấu chỉ” ấy... Tính bí tính là một qui chế hiện hữu khiến con người vừa
gắn vào cuộc sống đời thường vừa hàm chứa một sự sống siêu việt; vừa tôn trọng
cấu trúc khách quan của thực tại, vừa có khả năng mở bung chính thực tại vào
khung trời giá trị nhân bản và giá trị siêu nhiên. Quả thật cấu trúc bí tích
của sự sống Kitô giáo là một tuyệt tác của Chúa Thánh Thần.
Ước mong sao bước qua năm thứ 30, Nội san Chia Sẻ cũng là nơi khơi
gợi lên được dưỡng chất men nồng rượu mới cho chính phẩm tính đời sống thánh
hiến cũng như cho con người trong thế giới tục hoá hôm nay.
Đăng nhận xét