Ts. Phanxicô X. Nguyễn Quốc Vinh[1]
Dẫn nhập
Công đồng Vatican II trong Hiến chế về Phụng Vụ Thánh số 106 phát biểunhư sau: “Theo truyền thống Tông đồ, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm vượt qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay Chúa nhật.” Thật vậy, Chúa nhật giữ một chỗ đứng rất quan trọng trong Phụng vụKitô giáo, đó là ngày Chúa Kitô Phục sinh, ngày hoàn tất công trình tạo dựng đầu tiên và bắt đầu công trình tạo dựng mới. Trong truyền thống thần học Công giáo, Ngày Chúa nhật mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng và trổi vượt, thể hiện cả một quá trình lịch sử và đức tin mạnh mẽ của các Kitô hữu. Ở đây chúng ta chỉ rút ra vài ý nghĩa chính về Chúa nhật nơi tư tưởng của Giáo phụ.
Khi nói về Chúa nhật, các Giáo phụ
thường gán cho ngày này những tên gọi đặc biệt mang đậm giá trị thần học và
định hướng linh đạo Kitô giáo như: ngày Chúa sống lại, ngày Sáng tạo hay ngày
Thứ Tám. Chúng ta sẽ tìm hiểu lịch sử và
phân tích ý nghĩa thần học của các tên gọi gắn liền với Chúa nhật này.
1. Chúa Nhật - Ngày Chúa Sống
Lại
Sự Phục sinh đã trở thành lý do
chính cho việc tuân giữ ngày Chúa nhật. ThánhAugustinô có lẽ là người đưa ra
lời khẳng định rõ ràng nhất về điều này khi cho rằng“Ngày của Chúa không được
công bố cho người Do thái mà cho các Kitô hữu bởi nó gắn liền với sự Phục sinh
của Chúa Kitô và cũng chính sự kiện đó là nguồn gốc cho ngày Lễ này.”[2] Trong một bức thư khác, vị
giám mục thành Hippo cũng tuyên bố tương tự rằng “Ngày của Chúa được ưu tiên
hơn ngày Sa-bát bởi đức tin của chúng ta về sự Phục sinh”. Sự công nhận rõ ràng
về biến cố Phục sinh như là nguyên nhân và nguồn gốc của việc tuân giữ Ngày Chúa
nhật tuy ngắn gọn nhưng để có được sự công nhận này, người ta đã phải trải qua
cả một quá trình suy tư thần học lâu dài.
Bởi như có thể thấy, vào đầu thế kỷ
thứ hai, sự Phục sinh không được coi là lý do đầu tiên hay động lực chính yếu
cho việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Chẳng hạn, Giáo phụ thánh Inhaxiô trong Thư
gửi người Magnesian chỉ đề cập một cách gián tiếp rằng “các vị ngôn sứ sống
theo Chúa Giêsu Kitô đã được tiến tới niềm hy vọng mới bằng cách không giữ ngày
Sa-bát nữa, nhưng là sống theo ngày của Chúa, ngày mà đời sống chúng ta được
trổi vượt lên nhờ Chúa Kitô và cái chết của Người”.[3]
Rõ ràng, trong bản văn này, giá trị
đích thực của sự Phục sinh đối với việc cử hành Ngày Chúa nhật là không rõ
ràng, và sự Phục sinh của Đức Kitô chỉ được đề cập đến một cách gián tiếp. Vì
đối với Inhaxiô việc đạt tới niềm hạnh phúc mới không phụ thuộc vào lựa chọn
nhóm họp ngày Sa-bát hay Chúa nhật, mà là do cách sống. Cũng vậy, trong thư của
thánh Barnaba, sự sống lại được tác giả xếp thứ hai trong số những lý do hình
thành nên việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Lý do đầu tiên ngài đưa ra liên quan
đến chiều kích cánh chung: “Ngày Chúa nhật, vốn được ngài coi như là “ngày thứ
tám” chính là sự kéo dài của ngày Sa-bát, là sự kết thúc của thời gian và đánh
dấu “sự khởi đầu của một thế giới khác”. Lý do thứ hai là vì Ngày Chúa nhật là
ngày “mà Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, và đã lên trời”.[4]
Như vậy, sự Phục sinh của Đức Kitô
chỉ được trình bày như một lý do bổ sung và thứ yếu, nên ta có thể suy luận
rằng tại thời điểm đó, nó chưa được xem là lý do chính cho việc tuân giữ ngày
Chúa nhật. Cùng chung tư tưởng đó, thánh Giustinô Tử đạo cũng cho thấy có một
sự đối nghịch sâu sắc về vai trò ngày của Chúa nhật so với ngày Sa-bát của Do
thái giáo. Trong quyển I Apology, ngài trình bày sự sống lại là lý do
thứ hai trong số các lý do của việc tuân giữ Chúa nhật: “Thật vậy, Chúa nhật là
ngày mà tất cả chúng ta cùng nhau họp mừng bởi vì đó là ngày đầu tiên Thiên
Chúa biến đổi bóng tối và vật chất để tạo thành thế giới; và Đấng Cứu Chuộc
chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết trong cùng một ngày đó. Đối
với thánh Giustinô “động lực chính cho việc tuân giữ ngày Chúa nhật,” là để “kỷ
niệm ngày đầu tiên tạo thành thế giới và rồi sau đó mới đến kỉ niệm sự Phục
sinh của Chúa Giêsu”.[5] Điều đáng chú ý là cả
thánh Barnaba và thánh Giustinô, những người sống vào thời điểm nền phụng tự
Ngày Chúa nhật đang phát triển, đều không trình bày sự sống lại như một động
lực thứ yếu cho việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Điều này có thể hiểu được là bởi
vì ban đầu, đây chưa được xem là lý do chính yếu cho các Kitô hữu họp mừng vào
mỗi ngày Chúa nhật.
Tuy nhiên, dần về sau, sự Phục sinh
của Đức Kitô đã nổi lên như là lý do chính yếu cho việc tuân giữ ngày Chúa
nhật. Trên thực tế, một số thực hành phụng vụ đã được cử hành để kỉ niệm của
biến cố Phục sinh một cách đặc biệt. Chẳng hạn thánh Cyprianô cho rằng “Bữa
Tiệc Ly mặc dù được Đức Kitô thực hiện vào buổi tối, nhưng chúng tôi cử hành nó
vào buổi sáng vì sự Phục sinh của Chúa Kitô.”[6] Tương tự như vậy, theo Tertulianô, “việc ăn chay và quỳ gối thờ phượng vào
Ngày của Chúa, bị coi là đi ngược với lề luật”.[7] Mặc dù ngài không đưa ra
lý do rõ ràng cho những thực hành này, tuy nhiên các Giáo phụ đã giải thích rõ
ràng rằng những quy định này được thiết lập để nhắc nhớ tín hữu về sự Phục sinh
của Đức Kitô.
Thế nên, Thánh Augustinô tuyên bố
rằng vào Ngày Chúa nhật “việc ăn chay cần được hoãn lại và chúng ta cầu nguyện
trong tư thế đứng thẳng vì đó là dấu chỉ của sự Phục sinh”.[8] Như vậy, ban đầu sự Phục
sinh của Đức Kitô không được coi là lý do chính cho việc cử hành phụng vụ ngày
Chúa nhật, nhưng nó đã xuất hiện khá sớm như là lý do gợi hứng cho một số thực
hành phụng vụ về sau.
2. Chúa Nhật - Ngày Thứ Nhất -
Ngày Sáng Tạo
Việc kỷ niệm ngày sáng tạo thế giới
thường được các Giáo phụ giải thích như là một trong các lý do cho việc tuân
giữ ngày Chúa nhật. Trong cuốn I Apology số 67, Thánh Giustinô Tử đạo
cho rằng: “Chúa nhật là ngày chúng ta sum họp vì đó là ngày đầu tiên Thiên Chúa
biến đổi bóng tối và vật chất để tạo thành thế giới”. Việc thánh Giustinô đề
cập đến sự kiện tạo ra ánh sáng vào ngày thứ nhất dường như được gợi hứng bởi
sự tương đồng của ngày này với ngày lễ kính thần Mặt trời. Đồng thời, lời khẳng
định ấy cũng cho thấy việc khởi đầu công trình sáng tạo được xem như là lý do
việc nhóm họp hàng tuần của các Kitô hữu. Sự khởi đầu của công trình tạo dựng
được Giustinô liên kết với biến cố Phục sinh của Đức Kitô, vì cả hai sự kiện
xảy ra vào cùng một ngày, và cả hai cùng biểu trưng cho sự khởi đầu của cái cũ
và sự sáng tạo cái mới. Thánh Ambrôsiô cũng lặp lại tư tưởng này trong một bài
giáo huấn về ngày Chúa nhật: “ngày thứ nhất khi Thiên Chúa tạo ra thế giới này
lại cũng chính là ngày mà Đấng Cứu Chuộc đã Phục sinh, Ngài đã chiến thắng sự
chết và giải thoát chúng ta”.[9] Mối liên hệ giữa công
trình sáng tạo và biến cố Phục sinh thậm chí còn được khắc họa rõ ràng hơn nơi
tác giả Eusebiô Alexandria:
“Ngày Chúa nhật là ngày
thánh tưởng nhớ đến Thiên Chúa. Nó được gọi là của Chúa (κῡρίου) vì đó là Chúa
(κύριος) của mọi ngày. Chính vào ngày này, Thiên Chúa đã thiết lập nền tảng của
sự sáng tạo và cũng là ngày Người ban cho thế giới hoa trái đầu mùa của sự Phục
sinh. Ngày này do đó đối với chúng ta là nguồn gốc của mọi phúc lành. Sự khởi
đầu của công trình sáng tạo, và sự mở đầu của biến cố Phục sinh đều diễn ra vào
ngày thứ nhất trong tuần.”[10]
Những lời khẳng định trên đây của
các Giáo phụ được coi như một lời giải thích hợp lý cho việc tuân giữ Ngày Chúa
nhật của các Kitô hữu. Tuy vậy, quan điểm này đặt ra một câu hỏi quan trọng:
Tại sao các Kitô hữu lại khẳng định Chúa nhật là ngày tưởng niệm công trình
sáng tạo, trong khi ở Cựu Ước và trong suy nghĩ của người Do Thái, đây được coi
là đặc quyền riêng của ngày Sa-bát? Ta chỉ có thể hiểu điều này qua những thực
hành của các Kitô hữu tiên khởi khi họ có sự phân biệt rõ ràng giữa công trình
sáng tạo và biến cố Phục sinh. Chẳng hạn, trong bản Quy chếcủa các Tông đồ
(khoảng năm 380 SCN), các Kitô hữu bắt buộc phải giữ ngày Sa-bát và tham dự
ngày của Chúa: “vì Ngày Sa-bát đặt nền tảng trên công trình sáng tạo, còn Ngày
Chúa nhật là ngày Chúa Phục sinh”.[11] Hoặc như có thể thấy
trong khảo luận về ngày Sa-bát và Phép cắt bì, được coi là của thánh Athanasiô,
ngài đã trình bày ngày Sa-bát và Ngày Chúa nhật như là biểu tượng của hai cuộc
sáng tạo liên tiếp:
“Ngày Sa-bát là ngày kết
thúc cuộc sáng tạo đầu tiên, Ngày Chúa nhật là ngày bắt đầu cuộc sáng tạo thứ
hai, trong đó Thiên Chúa đổi mới và khôi phục thế giới cũ. Theo cách này, Thiên
Chúa đã truyền cho chúng ta phải coi ngày Sa-bát như một ngày tưởng niệm sự kết
thúc của công trình sáng tạo thứ nhất, và chúng ta tôn vinh Ngày Chúa nhật như
là ngày tưởng niệm sự sáng tạo mới. Thật vậy, Thiên Chúa không tạo ra một thế
giới khác, nhưng Ngài đổi mới thế giới cũ và hoàn thành những gì Ngài đã khởi
sự”.[12]
Như vậy, ngày Sa-bát và Ngày Chúa
nhật được đối chiếu với nhau như là biểu tượng của sự sáng tạo thế giới cũ và
mới. Tính ưu việt của Ngày Chúa nhật được xác định bởi bản chất của nó là “cuộc
sáng tạo thứ hai và không có kết thúc,” trái ngược với cuộc sáng tạo thứ nhất
được biểu trưng bởi ngày Sa-bát “đã kết thúc” với sự Phục sinh của Chúa Kitô.
Hơn nữa, vì sự sáng tạo mới “đã đổi mới và khôi phục thế giới cũ,” nên nó chứa
đựng cả ý nghĩa của ngày Sa-bát ở trong nó. Từ góc nhìn mang tính thần học này,
ngày Sa-bát được coi như một định chế mang tính tạm thời “được trao cho người
Do Thái, để họ nhận biết sự kết thúc và sự khởi đầu của công trình sáng tạo”.
Việc xem ngày của Chúa là ngày thứ
nhất trong tuần sẽ biện minh cho việc thực hành thờ phượng của cả những người
Kitô hữu gốc dân ngoại và các Kitô hữu gốc Do thái vốn vẫn giữ ngày Sa-bát. Đối
với những Kitô hữu gốc dân ngoại, họ có thể giải thích rằng vào ngày Mặt trời,
họ không tôn kính Thần Mặt trời mà tôn vinh việc tạo ra ánh sáng và sự mọc lên
của Mặt trời Công chính, là những sự kiện xảy ra vào ngày thứ nhất. Đối với
những Kitô hữu giữ ngày Sa-bát, ngày thứ nhất cao trọng hơn ngày thứ bảy, bởi
vì đó là ngày kỷ niệm sự khởi đầu của sự sáng tạo, ngày kỷ niệm sự sáng tạo mới
và sự xuất hiện của Đức Kitô.[13]
3. Chúa Nhật - Ngày Thứ Tám
Những lời giải thích về ý nghĩa của
ngày thứ nhất phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về tầm quan trọng của những con
số biểu tượng đối với các Kitô hữu tiên khởi. Các biểu tượng này là cơ sở quan
trọng cho các nhà hộ giáo và thần học gia thời kỳ đầu bảo vệ lập trường về việc
tuân giữ ngày Chúa nhật. Ngày thứ nhất trong tuần cũng là ngày trở lại sau ngày
thứ bảy, vì thế cũng được coi là Ngày thứ tám. Đặc biệt, ý niệm về Ngày thứ tám
còn gắn liền với truyền thống trong Kinh thánh và mang biểu tượng thần học về
Phép rửa, về chiều kích cánh chung và sự tiếp nối của ngày Sa-bát.
3.1. Ngày thứ tám gắn với Phép Rửa
Trong Cựu ước, Ngôn sứ Êdêkien loan
báo một tuần lễ để thanh tẩy và thánh hiến bàn thờ trong đền thờ mới và Ngày
thứ tám bắt đầu phụng vụ dâng hy lễ toàn thiêu (Ed 43,27). Còn trong 1 Pr
3,20-21, tác giả ghi nhận chỉ có tám người được cứu vớt trong tàu của ông Noê
gồm có ông với bà vợ, ba người con trai và ba con dâu. Đoạn văn này thường được
giải thích rằng người Kitô hữu nhận được ơn cứu độ và sự thanh tẩy qua việc dìm
mình xuống nước Rửa tội. Trong chiều hướng đó, Eusebiô là người đầu tiên giải
thích về ý nghĩa của Ngày thứ tám gắn với Phép rửa: “chúng ta tin rằng Ngày thứ
tám là ngày Đấng cứu thế đã Phục sinh và việc tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta
đã diễn ra trong ngày đó. Vậy nên, vào ngày đó, trẻ em tuy được cắt bì một cách
tượng trưng, nhưng trên thực tế, tất cả các linh hồn được Thiên Chúa dựng nên
đều được thanh tẩy bởi phép Rửa của Đức Kitô.[14]
Có thể thấy Chúa nhật liên kết với
số tám vì Phép rửa được thực hiện vào Ngày Chúa nhật và Phép rửa đã sớm có liên
hệ với biểu tượng liên quan đến số tám. Thánh Cyprianô thì cho rằng, “ngày thứ
tám, tức là ngày đầu tiên sau ngày Sa-bát, là ngày mà Chúa Phục sinh và ban
phép cắt bì thiêng liêng cho chúng ta”.[i] Giáo phụ Origenê cũng xem
Ngày thứ tám là biểu tượng cho sự Phục sinh của Đức Kitô, chính điều này đặt
nền tảng cho việc cắt bì phổ quát, tức là phép rửa cho toàn thể thế giới. Ngài
viết: “trước Ngày thứ tám của Đức Giêsu Kitô, cả thế giới đều không trong sạch
và không được cắt bì. Nhưng khi đến Ngày thứ tám của sự Phục sinh, ngay lập tức
chúng ta được thanh tẩy, được mai táng và sống lại nhờ phép cắt bì của Đức
Kitô”.[15]
Trong các bản văn này, phép cắt bì
không liên quan đến Phép rửa vào ngày Chúa nhật, mà là với chính sự kiện Phục
sinh, mang lại quyền năng thanh tẩy chúng ta. Tertulianô trong khảo luận về
Phép rửa, cũng thừa nhận rằng “mọi ngày là của Chúa, mọi giờ, mọi thời điểm đều
thích hợp cho Phép rửa.” Ngoài ra, lời giải thích hợp lý về “ngày thứ tám” gắn
với Chúa nhật phải được gắn với những suy tư thần học về ngày cánh chung.
3.2. Ngày thứ tám biểu tượng của
ngày Cánh Chung
Biểu tượng cánh chung của Ngày thứ
tám mang hình ảnh của một thế giới vĩnh cửu đã lôi cuốn những Kitô hữu đang cố
gắng thoát ly khỏi định chế của ngày Sa-bát. Biểu tượng này là cơ sở quan trọng
để giải thích cho lựa chọn của các Kitô hữu tuân giữ Ngày Chúa nhật thay vì
ngày Sa-bát. Ý nghĩa cánh chung của Ngày thứ tám được nói đến trong thư của
Thánh Barnaba, trong đó ngài sử dụng những lời được trích từ Sách Hê-nóc nói
đến ngày tiếp theo trong tuần vũ trụ phải là ngày thứ tám, để bác bỏ việc giữ
ngày Sa-bát và biện minh cho việc tuân giữ ngày Chúa nhật”. Barnaba giải thích
sáu ngày của sự sáng tạo có nghĩa là “Chúa sẽ kết thúc mọi sự trong sáu ngàn
năm, vì đối với Chúa ngàn năm ví thể một ngày”. Do đó, ngày thứ bảy tượng trưng
cho sự trở lại của Đức Kitô để “chấm dứt sự cai trị của kẻ vô pháp, phán xét kẻ
vô đạo và biến đổi mặt trời, mặt trăng và các vì sao, và ngày thứ bảy cũng là ngày
Người sẽ nghỉ ngơi”.
Vì vậy, ngài lập luận, hiện nay
không phải là lúc để thánh hóa ngày Sa-bát, nhưng là trong tương lai “khi không
còn sự bất tuân nữa, và mọi sự đã được Chúa đổi mới”. Từ lý do này, Barnaba
muốn loại bỏ việc tuân giữ ngày Sa-bát hiện tại và thay vào đó phải tuân giữ
“ngày thứ tám”: Tôi không coi ngày Sa-bát hiện nay là ngày khởi đầu, vì đó là
ngày mà mọi sự nghỉ ngơi. Ngày khởi đầu phải là “ngày thứ tám”, tức là ngày bắt
đầu của thế giới mới. Đó là lý do tại sao chúng ta cũng vui mừng họp nhau vào
ngày thứ tám, ngày Chúa Giêsu cũng sống lại từ cõi chết và lên trời”.[16]
Biểu tượng Ngày thứ tám ở thời cánh
chung mà Barnaba sử dụng để giải thích cho việc tuân giữ Ngày Chúa nhật đã được
nhiều Giáo phụ nhắc lại. Điều này nói lên một truyền thống phổ biến trong suy
tư về thời gian tồn tại của thế giới theo tuần vũ trụ. Hơn nữa, vì là biểu
tượng của thế giới mới vĩnh cửu, do đó Ngày thứ tám vượt xa ngày thứ bảy, vốn
là biểu tượng của thế giới tạm bợ này.
3.3. Ngày thứ tám là sự tiếp nối
của ngày Sa-bát
Một số học giả cho rằng Chúa nhật
được gọi là “ngày thứ tám” vì nó có nguồn gốc là sự tiếp nối của các buổi lễ
trong Sa-bát kéo dài đến Chúa nhật. Theo cách tính của người Do Thái, ngày đầu
tiên của tuần bắt đầu vào chiều tối thứ bảy. Bất kỳ sự thờ phượng nào được tiến
hành sau đó đều có thể được coi là sự tiếp nối của các buổi lễ Sa-bát. Các Kitô
hữu họp nhau để thờ phượng vào tối thứ Bảy, và họ đặt ra tên gọi “ngày thứ
tám”, để biểu thị rằng sự thờ phượng của họ là sự kéo dài của ngày Sa-bát. Do
đó, có thể Ngày Chúa nhật ban đầu được gọi là “ngày thứ tám” bởi vì, như J.
Daniélou giải thích, người Kitô hữu gốc Do thái “đã cử hành ngày Sa-bát như
những người Do thái giáo, rồi sau đó, họ kéo dài phụng vụ của người Do thái với
việc tôn thờ Thánh Thể của Kitô giáo. Điều này được cộng đồng Kitô giáo coi là
sự tiếp nối của ngày Sa-bát, tức là ngày thứ bảy. Do đó, đương nhiên là họ nên
coi đó là ngày thứ tám, mặc dù trong lịch, nó là ngày đầu tiên trong tuần tiếp
theo.”[17]
Tuy cần phải nói rằng, Ngày Chúa nhật
không thay thế cho ngày Sa-bát và cũng không phải là ngày Sa-bát nối dài, nhưng
giữa hai ngày đó vẫn có mối liên hệ, đó là sự liên hệ giữa thờ phượng và nghỉ
ngơi, giữa công trình sáng tạo và Cứu Chuộc. Ngày Chúa nhật vượt trên và làm
tròn đầy ý nghĩa cho ngày Sa-bát.
Kết Luận
Ngày Chúa nhật đặt nền tảng nơi
biến cố Phục sinhvà cũng chính biến cố này theo thời gian đã trở thành lý do
chính cho việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Các Giáo phụ đã suy tư để rồi mặc
choNgày Chúa nhật những giá trị và ý nghĩa thần học rất phong phú. Những giá
trị và ý nghĩa này nhắc nhở chúng ta phải ý thức hơn về tầm quan trọng của Ngày
Chúa nhật đối với đời sống người Kitô hữu. Bởi vì Chúa nhật giúp ta tưởng nhớ
cuộc sáng tạo mới, ngày ánh sáng đã khai sinh, ngày cứu chuộc và là ngày Chúa
Phục sinh. Hơn nữa, ngày này còn cho ta cảm nếm trước ngày Thiên Chúa trở lại
vào thời cuối cùng với cuộc sống vĩnh cửu trên Nước Trời.
[1] Sinh viên thần học tại TT.HVĐM.
[2]
Johannes Quasten, Patrology, tập
II (Westminter: The Newman Press, 1952) tr. 288.
[3]
Irenaeus, Fragments from the Lost
Writings of Irenaeus 38, Dg. Philip Schaff. ANFI, 575.
[4]
Johannes Quasten, Patrology, tập
II., tr. 173.
[5]
Justin, Apologia I, in Lucien
Deiss, Springtime of the Liturgy: Liturgical Tests of the First Four Centuries,
dg. MatthewO’Connell (Collegeville: Liturgical Press, 1979), tr. 92.
[6]
P. K. Jewett, The
Lord’s Day (Grand Rapids: Eerdmans, 1972), tr. 45.
[7]
W. Rordorf, Sunday: The history of
the day of rest and worship(London: S.C.M. Press, 1972), tr.138.
[8]
Augustine, Sermons on New
Testament Lessons 86.
[9]
Francis D. Nichol, Seventh Day
Adventist Bible Commentary (Maryland: Review and Herald Publishing, 1957),
tr. 2056.
[10]
Claude Fleury, Histoire
Ecclésiastique, tập 28 (Charleston: Nabu Press, 2011), tr 45.
[11]
Didache, 14, as translate by Maxwell Staniforth in
Early Christian Writings (New York: Penguin Books, 1987), tr. 17.
[12]
Samuele Bacchiocchi, From Sabbath
to Sunday(Scotts Valley: Biblical Perspectives, 1977), tr. 288.
[13]
W. Rordorf, Sunday: The history of
the day of rest and worship(London: S.C.M. Press, 1972), tr.140.
[14]
“Stoicheion,”Theological
Dictionary of The New Testament, tập VII,Bs. G. Friedrich, (Grand Rapids:
Eerdmans, 1979), tr. 684.
[15]
“Sabbaton,” Theological Dictionary
of The New Testament, tập VIII, Bs. G. Friedrich, (Grand Rapids: Eerdmans,
1979), tr.29.
[16]
Herold Weiss, “The Law in the Epistle
to theColossians,” The Catholic Biblical Quarterly,số 34 (1972): tr.
294-295.
[17]
“Lakanon,”Theological Dictionary
of The New Testament, tập IV, Bs. G. Friedrich, (Grand Rapids: Eerdmans,
1979), tr. 67.
Đăng nhận xét