Sr. Vỹ Cầm[1]
Từ xa xưa, loài người đã khám phá ra việc dùng những âm thanh có giai điệu, để giúp họ đến với thần thánh cách dễ dàng hơn. Sách Cựu ước nhiều lần nhắc đến việc dân Israel và vua Đavít đã hát thánh vịnh để cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa trong những biến cố của dân tộc mình. Thánh Phaolo thì khuyên dạy rằng: anh em “hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19).
Tôi, người ca hát….
Có
một vị linh mục nói với tôi: nghệ sĩ thì dễ gặp Chúa hơn người bình thường gấp
nhiều lần! Khi nghe câu nói của ngài, tôi thầm nghĩ không biết điều đó đúng tới
mức nào. Vì tôi cũng được mọi người biết đến dưới hình ảnh một nữ tu có khả
năng ca hát. Tôi được đào tạo trong môi trường âm nhạc chính quy, và đã có thời
gian theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp trước khi trở thành một nữ tu.
Vậy, có lẽ tôi sẽ dễ gặp Chúa hơn ai khác!
Nhưng
khi bước chân vào đời tu, tôi đã gặp nhiều ánh mắt nghi ngại và cả lo lắng cho
hành trình theo đuổi ơn gọi của tôi. Nhiều người cho rằng nghệ sĩ thì khó tu
lắm! Cũng phải thôi, vì vốn dĩ người nghệ sĩ thường có lối sống thiên về cảm
xúc, không ổn định và tùy hứng, lại thường mang trong mình một trái tim đa sầu
đa cảm, dễ rung động với mọi thứ, với sự vật, với con người… và tôi cũng không
là ngoại lệ. Vậy thì sao dễ gặp được Chúa nhỉ?
Nhưng
càng sống lâu trong đời dâng hiến và trong quá trình nuôi dưỡng đời sống thiêng
liêng của mình, tôi dường như dần cảm nghiệm được điều đó cách rõ ràng hơn. Tôi
trộm nghị, mặc dù người nghệ sĩ có một trái tim đa sầu đa cảm, dễ rung động với
mọi thứ…. Nhưng ở một góc nhìn khác tôi thường đặt câu hỏi rằng nếu những điều
ở thế giới hữu hạn này còn có thể khiến trái tim người nghệ sĩ rung động, thì
Thiên Chúa là Đấng biết bao tuyệt hảo sẽ còn khiến trái tim đó rung cảm chừng
nào? Có lẽ không chỉ dừng lại ở sự rung cảm nữa, mà sẽ là yêu mến, là say mê,
là ước muốn được thuộc về Đấng vô cùng tốt đẹp đó…
Bản
thân tôi lại cảm thấy thật may mắn, bởi dù có là một người nghệ sĩ hay là một
tu sĩ, tôi vẫn muốn chấp nhận rủi ro mở cửa tâm hồn mình ra với thế giới để cho
sự vật, cho con người và cho Thiên Chúa bước vào, hơn là lo sợ rồi lập hàng rào
che chắn canh giữ tâm hồn mình và đóng cánh cửa lòng mình với tất cả.
Trong suy tư của tôi, con người khi không để
cho trái tim mình biết rung cảm, sẽ rất dễ trở nên như những cỗ máy cứ thế chạy
theo lập trình có sẵn, ít rủi ro, ít sai lỗi nhưng cũng không còn mấy ý nghĩa
trong cuộc đời nữa, như thế thì thật tội nghiệp biết chừng nào. Là một tu sĩ,
tôi chỉ sợ lòng mình không đủ rộng lớn để có chỗ cho biết bao điều cần thiết
ngoài kia; tôi sợ mình không biết thổn thức trước một mảnh đời bất hạnh, không
thấy đau khổ trước những đau khổ của tha nhân, không thể cảm thông với những
lỗi lầm của người khác, không biết trăn trở trước những vấn đề mà thế giới
ngoài kia đang đối mặt…
Rõ
ràng, trong việc phát triển đời sống thiêng liêng,
người nghệ sĩ sẽ phải cố gắng nhiều hơn trong việc giữ quân bình cảm xúc và đôi
khi sẽ gặp những khó khăn nhất định, tôi vẫn cho rằng một tu sĩ mang trong mình
trái tim dễ rung cảm của người nghệ sĩ là một điều nên cảm thấy may mắn hơn là
lo lắng hoài nghi.
Càng
ngày tôi càng nhận ra âm nhạc là một điều gì đó rất diệu kỳ được ban tặng cho nhân
loại. Âm nhạc vốn trừu tượng, không biên giới. Một người dù có dành cả đời để
nghiên cứu về âm nhạc hay có tài giỏi đến mấy cũng chỉ có thể nắm bắt được ở
một mức độ nào đó mà thôi, không ai có thể tự nhủ rằng mình làm chủ được âm
nhạc hoàn toàn. Trái lại, âm nhạc có thể dễ dàng mở cửa trái tim con người,
tưới xuống những hạt mưa ẩm mát trên mảnh đất tâm hồn khô cằn nứt nẻ để nó được
mềm đi, được màu mỡ và có thể sẵn sàng ươm mầm cùng trổ sinh những điều tốt
đẹp. Con người cũng có thể bước vào một góc nào đó trong thế giới mênh mông của
âm nhạc, ở lại đó để dạo chơi, để khám phá hoặc nghỉ ngơi thỏa thích.
“Qui bene cantat bis orat”
Tôi
trộm nghĩ, âm nhạc có gì đó rất giống và rất gần với Thiên Chúa. Có lẽ, Thiên
Chúa thấy chúng ta thật quá khó khăn chật vật tìm cách đến gần với Ngài, nên đã
dành tặng một món quà đặc biệt chính là âm nhạc, để làm thành bậc thang kết nối
khoảng cách giữa Thiên Chúa và chúng ta, để bậc thang đó nâng bước chân ta đến
với Ngài. Những thanh âm với giai điệu thiết tha bay bổng hay một giọng ca du
dương êm ái, giúp ta dễ dàng mở cửa lòng mình cho Thiên Chúa đụng chạm, mảnh
đất tâm hồn ta được cày xới để cho Chúa gieo xuống những hạt giống thánh thiện
tốt lành. Chẳng phải tự nhiên mà thánh Augustino (+ 340) có câu nói “Ai hát hay
là cầu nguyện hai lần – Qui bene cantat bis orat”.
Giờ
đây với tôi, ca hát không chỉ là niềm đam mê nhưng chính là ngôn ngữ cảm xúc
của tôi. Tôi vốn không giỏi trong việc biểu hiện cảm xúc hay diễn tả những tình
cảm của mình bằng ngôn ngữ đơn thuần, tôi để âm nhạc giúp tôi làm điều đó.
Trong đời dâng hiến, những khi tôi gặp khó khăn trong cầu nguyện, tôi sẽ hát.
Khi hát, thật dễ dàng để tôi tỏ lộ chính con người mình, phơi bày chính tâm hồn
mình với Thiên Chúa và để Ngài chạm tới nơi thẳm sâu nhất của cõi lòng tôi.
Tôi,
nữ tu hát…
Tôi
vẫn hằng được dạy cho biết rằng: tự bản chất, Phụng vụ là ca tụng. Tôi không
ngừng biết ơn vì tôi có âm nhạc làm bạn đồng hành trong cuộc đời, cả trong quá
khứ và hiện tạ; và hẳn nhiên là trong tương lai nữa! Âm nhạc và tụng ca sẽ luôn
là những yếu tố không thể thiếu để định nghĩa nên con người đời tôi hôm nay và
mai sau. Tôi muốn mãi là “cây vĩ
cầm của Chúa”. Tôi sẽ sử dụng món quà âm nhạc và ca hát để phục vụ, để truyền
cảm hứng và để không ngừng cất lời ca tụng Thiên Chúa trong đời tôi như câu
Thánh vịnh mà tôi chọn làm khẩu hiệu cho đời dâng hiến của mình:
“Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng Chúa,
Sống bao lâu, nguyện đàn ca kính Chúa Trời”
Đăng nhận xét