Phêrô Tuy Anh[1]
Dẫn nhập
Thánh Giustinô tử đạo đã mô tả về việc thờ phượng của các Kitô hữu, trong một văn bản được viết khoảng năm 155 và được ghi lại trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) số 1345 như sau: “Vào ngày Mặt Trời như người ta thường gọi, mọi người ở thành phố hay nông thôn đều họp lại một nơi” để ca tụng, thờ phượng Chúa. Đó làngày của Chúa, Ngày Chúa nhật và cũng là Ngày Thứ nhất trong tuần của các tín hữu.Hành vi quy tụ này trở thànhtruyền thống tiêu biểu của Hội Thánh mà vẫn còn duy trì đến ngày nay.
Ngày thứ nhất trong tuần, Ngày Đức Kitô phục sinh, là “ngày
lễ cội nguồn của các Kitô hữu”. Ngày ấy sẽ mãi mãi là ngày thứ nhất và quan
trọng nhất đối với người Kitô hữu. Cho nên việc “giữ ngày Chúa nhật” phát sinh
từ nhu cầu nội tại của đời sống đức tin, chứ không chỉ đơn thuần là lề luật áp
đặt từ bên ngoài. Trong một giáo xứ, đời sống các Kitô hữu lên hay xuống đều
gắn với Chúa nhật, bởi lẽ tâm điểm của đời sống Kitô giáo là việc cùng nhau đến
làm việc thờ phượng Chúa.
“Chúng ta đừng bỏ những buổi hội họp
như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau” (Dt 10,25). Lời
khuyến dụ này của tác giả thư gởi tín hữu Do thái trực tiếp nhắm vào Chúa nhật,
cũng được gọi là “Ngày của Chúa”. Đây là Ngày Chúa Kitô phục sinh, nên là ngày
của niềm vui. Thánh Lễ là trung tâm và chóp đỉnh của ngày ấy, “để khi nghe Lời
Chúa và tham dự bí tích Thánh Thể, họ kính nhớ cuộc khổ nạn, sự sống lại và
vinh quang của Chúa Giêsu. Đồng thời họ cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã tái sinh họ
trong niềm hi vọng sống động, nhờ sự sống lại từ cõi chết của Chúa Giêsu Kitô”
(GLHTCG số 1167). Trong Thánh Lễ, “toàn thể cộng đoàn các tín hữu được gặp Chúa
Phục sinh, Đấng mời họ vào bàn tiệc của Người” (GLHTCG số 1166). Vì vậy mà ta
có thể nói rằng Ngày Chúa nhật là ngày của cộng đoàn Phụng vụ.
1. Chúa Nhật
a. Ngày của Chúa
Trước hết, ngày của Chúa ám chỉ ngày của Đức Kitô chứ
không phải của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Chúa nhật như vậy là ngày của Chúa
Kitô, vì là ngày Người sống lại. Kỷ niệm ngày Chúa Kitô sống lại từ cõi chết,
người tín hữu cũng kính nhớ cuộc Thương khó trên thập giá của Người. Như vậy là
kính nhớ mầu nhiệm Vượt qua bất khả phân, và cùng với mầu nhiệm ấy, tất cả mầu
nhiệm cứu độ. Đúng như Pseudo-Eusebio thành Alexandria đã viết: “Ngày Chúa nhật
thánh thiện là ngày tưởng niệm Kyrios, nghĩa là tưởng niệm đầy đủ về tất
cả nhiệm cục cứu độ đã được thực hiện viên mãn do Chúa Kitô”.[2]
b. Ngày thứ Nhất
Việc các Tông đồ họp nhau để cử hành
bữa ăn cứu thế của Đấng Phục sinh là biến cố trung tâm điểm của lịch sử cứu
rỗi, là biến cố vĩnh viễn đánh dấu “ngày thứ nhất trong tuần”. Tất cả mầu nhiệm
cử hành Ngày Chúa nhật đã hiện diện trong ngày Phục sinh. Chúa nhật chỉ là cử
hành tuần kỳ mầu nhiệm Phục sinh.[3]Đàng
khác, tưởng niệm cuộc Phục sinh của Đấng Cứu Thế, Chúa nhật cũng chính là khởi
điểm của một tạo dựng mới. Thế giới này được dựng nên trong trật tự và trong
một hòa hợp mỹ lệ, nhưng đã bị tội lỗi làm xáo trộn và gây ung thối loang lổ.
Tuy nhiên, nó lại được tái tạo một lần nữa do bàn tay âu yếm của Thiên Chúa,
vào buổi sáng Phục sinh trong cuộc vinh thắng hiển hách của Chúa Kitô trên tội
lỗi và sự chết. Chính vì thế, ta hiểu tại sao có mối dây liên hệ giữa mầu nhiệm
Phục sinh và tạo dựng, và tại sao có kiểu nói “Ngày thứ nhất trong tuần”, Cha
Rouillard viết rất chí lý như sau:
Mỗi Chúa nhật đều nhắc nhớ cuộc tạo dựng lần thứ hai
này, cuộc tác tạo Phục sinh. Không những nhắc nhở, nó tiếp tục và canh tân luôn
mãi, qua thời gian. Do đó, Chúa nhật biện chính cho danh hiệu ngày thứ nhất của
nó, cũng như trạng huống của nó ở vào buổi đầu tuần… Mỗi Chúa nhật, khi cử hành
mầu nhiệm Phục sinh, người tín hữu phải đinh ninh rằng họ là một kẻ đã phục
sinh của Chúa, và họ phải sống như kẻ đã phục sinh. Dọc theo năm tháng, những
cuộc cử hành Chúa nhật sẽ giúp họ cởi bỏ con người cũ đễ mặc lấy con người mới
đã được tạo nên theo hình ảnh Chúa Kitô.[4]
c. Ngày thứ Tám
Sau hết, ngày thứ nhất trong
tuần cũng là ngày trở lại sau ngày thứ bảy, cho nên nó là ngày thứ tám. Thánh
Giustinô coi kiểu nói này như hàm chứa một mầu nhiệm[5].
Thánh Augustinô thì viết: “Ngày thứ nhất cũng là ngày thứ tám, như vậy là cốt
để cho sức sống ban đầu không bị cất đi mà được trở thành vĩnh cửu”.[6] Do
đó, Chúa nhật xét là ngày thứ tám, là dấu hiệu của đời sống vĩnh cửu, tưởng
niệm sự Phục sinh của Chúa Kitô và thể hiện trước cuộc tái giáng của Người.
d. Ngày Phục sinh
Lịch sử Ngày Chúa nhật bắt đầu cùng với cuộc Phục
sinh của Chúa Kitô. Ngày Phục sinh, đây là danh hiệu được sử dụng rất thông
dụng trong Giáo hội, nó nhắc nhớ lại cách minh nhiên sự liên hệ giữa Chúa nhật
và ngày vượt qua của Chúa Phục sinh. Đây cũng là danh hiệu diễn tả sự kiện
Phụng vụ. Ngày Chúa nhật chính là ngày tưởng niệm ngày Chúa Phục sinh, Ngày kỷ
niệm Chúa trở lại trong vinh quang. Hiến chế về Phụng vụ thánh (HCPV) đã
viết:
Theo tông truyền, bắt nguồn từ
chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo hội cử hành mầu nhiệm Phục sinh vào mỗi
ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay ngày Chúa nhật. Thực vậy,
trong ngày đó, các Kitô hữu phải hợp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự lễ Tạ
Ơn, để kính nhớ Cuộc Thương Khó, sự sống lại và vinh quang của Chúa Giêsu đồng
thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Người đã dùng sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ
trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động (1Pr 1,3).
Vì vậy, Ngày Chúa nhật là ngày lễ độc đáo phải được đề cao và in sâu vào lòng
đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc.
Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át
Ngày Chúa nhật bởi vì Ngày Chúa nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm Phụng
vụ (HCPV, số 106).
Để tổng hợp tất cả ý nghĩa tên gọi thần học của ngày Chúa
nhật, chúng ta có thể nêu lên câu tóm kết của cha Jounel:[7] Thành
ngữ “Ngày của Chúa” tự nó gợi lên ba khía cạnh chính yếu mà các danh hiệu khác
sẽ nói rõ hơn về từng khía cạnh: – là một cuộc tưởng niệm sự Phục sinh của Chúa
mà chúng ta thành tâm kính nhớ trong đức tin; – là sự đợi trông ngày tái giáng
của Chúa mà ta sống bằng đức cậy; – là sự hiện diện qua cuộc tập hợp các tín
hữu, qua việc tuyên dương Lời Chúa trong cử hành Thánh Thể: sự hiện diện đích
thực và âu yếm của Chúa giữa các chi thể của Người, mà ta thông hiệp trong đức
mến.
2. Ngày Chúa nhật là ngày của Cộng đoàn
Phụng vụ
Chúa Nhật là ngày của Giáo hội, ngày của sự hiệp
nhất, ngày của cộng đoàn phụng vụ. Thật vậy, Chúa Phục sinh đã hứa “Thầy ở cùng
anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Lời hứa này vẫn còn được nghe vang
lên trong Giáo hội và ở trong lời đó, ta mới tìm thấy niềm xác tín phong phú
của đời sống và nguồn cội hy vọng của Giáo hội. Nếu Chúa nhật là ngày của sự
sống lại, thì đó không phải chỉ là việc tưởng nhớ một biến cố trong quá khứ,
nhưng đó chính là việc cử hành sự hiện diện sống động của Đấng Phục sinh ở giữa
những ai thuộc về Người.[8]
a. Ngày của hiệp nhất
Cuộc họp mặt cộng đoàn vào Chúa nhật là một nơi đặc
biệt diễn tả sự hiệp nhất. Người ta cử hành ở đó “bí tích hiệp nhất”. Đây là bí
tích diễn tả sâu xa tính cách Giáo hội như là dân tộc được quy tụ lại “nhờ” và
“trong” sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.[9]
Do đó, người tín hữu không chỉ cầu nguyện riêng tư và
tưởng nhớ đến cái chết cùng sự sống lại của Đức Kitô trong ý nghĩ, trong thẳm
sâu của tâm hồn là đủ. Thật vậy, những ai đã lãnh nhận hồng ân phép rửa không
phải chỉ được cứu thoát từng cá nhân riêng rẽ, nhưng là những chi thể trong Thân
thể mầu nhiệm (Corpus mysticum), họ làm nên thành phần dân Chúa. Vì vậy,
việc họ tụ họp với nhau thì rất quan trọng để diễn tả đầy đủ chính căn tính của
Giáo hội như là một cộng đoàn hiệp nhất. Từ ngữ này nói về cộng đoàn được Chúa
Phục sinh mời gọi đến mà chính Người đã hiến dâng mạng sống mình “để quy tụ con
cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Họ đã nên “một”
trong Đức Kitô (xc. Gl 3,28) nhờ ân sủng của Thần Khí. Sự hiệp nhất này biểu lộ
ra bên ngoài mỗi khi các Kitô hữu tụ họp nhau. Lúc ấy, họ ý thức cách sống động
là dân tộc được cứu chuộc, gồm “muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc
mọi nước, mọi dân” (Kh 5,9) và họ làm chứng về điều này trước thế giới.
Sự quy tụ, hợp nhất của các môn đệ Đức Kitô ngày nay,
được kéo dài trong thời gian, là hình ảnh của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, gồm
những người được rửa tội mà thánh Luca đã muốn diễn tả lại trong sách Tông đồ
Công vụ như một mẫu mực khi viết rằng “Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng
dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu
nguyện” (Cv 2,42).[10]
Qua lễ dâng Thánh Thể Chúa nhật,
khi tôn vinh chứng từ của con cái mình, những người đang miệt mài trong lao
động và trong các công việc khác nhau của đời sống, những người biết hiến dâng
mọi ngày trong tuần để loan báo Tin mừng và thực hành đức ái, thì Giáo hội
chứng tỏ một cách rõ ràng nhất: “Giáo hội cũng là bí tích, theo một nghĩa nào
đó, nghĩa là dấu hiệu và phương tiện thể hiện sự liên kết chặt chẽ với Chúa và
đồng thời cũng hợp nhất với toàn thể loài người”.[11]
Ngoài ra, Chúa nhật còn là ngày
của cầu nguyện, hiệp thông và niềm vui, nên luôn chiếu toả niềm hy vọng. Đó là
nội dung chính của lời loan báo “một khi thời gian được Đấng Phục sinh và là
Chúa của lịch sử đón nhận, thì Chúa nhật không phải là mồ chôn tương lai, nhưng
là sự chuyển đổi những giây phút hiện tại thành những hạt giống vĩnh hằng”. Vì
Chúa nhật là lời mời gọi nhìn về viễn cảnh tương lai, khi cộng đoàn Kitô hữu
dâng lên Chúa lời cầu khẩn của mình: “Maranatha: Lạy Chúa, xin hãy đến!”
(1Cr 16,2). Trong lời cầu đầy hy vọng và chờ đợi này, cộng đoàn Kitô hữu có kèm
theo và nâng đỡ cả niềm hy vọng của muôn người.[12]
b. Ngày của tình liên đới
Nói đến cộng đoàn thì ta nói đến tính hiệp nhất nhưng
cũng không thể không kể đến tình liên đới của cộng đoàn. Ngày Chúa nhật cũng là
một cơ hội thuận lợi để con người sống tình liên đới với nhau qua việc bác ái
và tông đồ. Việc gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh là nguồn gốc, động lực thúc đẩy
người tín hữu chia sẻ tình yêu dạt dào trong lòng mình. Không có tình yêu thì
cũng không có niềm vui. Đức Giêsu đã giải thích điều này cho chúng ta qua việc
liên kết tình yêu và niềm vui của Người cho ta:
“Nếu anh em giữ các điều răn của
Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn
của Cha Thầy, và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói
với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên
trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy
đã yêu thương anh em” (Ga 15,10-12).
Như vậy, Ngày Chúa nhật không làm cho các tín hữu xa
rời bổn phận bác ái của họ, nhưng trái lại thúc đẩy họ tham gia mọi công việc
bác ái, đạo đức và tông đồ, đó là bằng chứng hùng hồn của việc các tín hữu dù
sống trong thế gian, nhưng họ lại không thuộc về thế gian mà lại là ánh sáng để
cho thế gian nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa Cha.[13] Chẳng
phải trong các cộng đoàn Giáo hội tiên khởi, sau các buổi cử hành phụng vụ và
lễ bẻ bánh, các phó tế đã mang của ăn đến chia sẻ để nói lên tình liên đới trong
cộng đoàn đó sao.
Tạm Kết
Ngày nay, tại Việt Nam, việc cử hành Ngày Chúa nhật tuy
vẫn được các tín hữu trung thành gìn giữ nhưng đang có nguy cơ bị mờ nhạt vì
nhiều lý do, nhất là tại các thành phố lớn. Chúa nhật chỉ được coi là ngày nghỉ
cuối tuần để giải trí vui chơi hơn là Ngày Thứ Nhất trong. Và trong ngày cuối
tuần ấy, không có bóng dáng của Chúa. Cũng vì chỉ coi như ngày giải trí vui
chơi nên nếu có đến nhà thờ, cũng chỉ đến cho xong bổn phận.
Vì thế, phải khơi dậy ý thức đức tin về Ngày Chúa nhật,
Ngày của Chúa, ngày của cộng đoàn Phụng vụ, ngày huynh đệ…, để Ngày ấy trở
thành nguồn sáng trung tâm cho cả tuần lễ: “Nếu người ngoại giáo gọi ngày này
là ngày của mặt trời (Sunday), chúng ta cũng sẵn sàng công nhận như vậy, vì hôm
nay, ánh sáng của trần gian đã mọc lên, các tia sáng của mặt trời này mang lại
ơn chữa lành” (Hiêrônimô).
[1] Sinh viên thần học tại TT. HVĐM.
[2] Trần Đình Tứ, Phụng Vụ và Thời Gian, phần I, ĐCV thánh
Giuse, 1997, tr. 26-27.
[3]Nguyễn Cao Luật, Năm Phụng Vụ, TTHV Đa
Minh, tr. 6-8.
[4]Ph. Rouillard, Les
Pères: Signification du Dimanche, trong: Assemblée du Seigneur, I,
Introduction, Bruges, 1962, tr. 47.
[5]S. Justin, Dialogue avec
Tryphon, 24,1, éd. G.
Archambault, tập I, Picard, 1909, tr. 108.
[6]S. Augustin, Epist. 55, 17, éd. A.
Golbacher (CSEL 33,2), tr. 188.
[7]P. Jounel, Le Dimanche
et la semaine, trong: L” Église en prière, éd. 1984, tr. 698.
[8]Gioan Phaolô II, Tông thư “Ngày của Chúa”,
(31.05.1998), số 31.
[9]Ibid.,
số 36.
[10]Ibid., số 31.
[11]Ibid.,
số 38.
[12]Gioan
Phaolô II, Tông thư “Ngày của Chúa”, (31.05.1998), số 84.
[13]Timothy Radcliffe, OP., Không
có Chúa nhật, chúng tôi không thể sống được.
Đăng nhận xét