Fr. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, op.
1.- Phụng vụ và nét đẹp
Khác với khái niệm “chân” và “thiện”,
khái niệm “mỹ” thật sự là một điều gì lãng đãng, bàng bạc trong tâm trí. Không
dễ để xác định được ý nghĩa của cái đẹp bằng khái niệm của lý trí. Trong dòng lịch sử triết học Tây
Phương, chúng ta thấy quá nhiều cách hiểu khác nhau, biến chuyển theo từng thời
đại, về cái đẹp. Tuy vậy, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe và từng nói “đẹp quá !”, ai trong chúng ta cũng từng bị
lôi cuốn, cảm thấy thú vị trước
những nét đẹp nào đó, hoặc
về thể chất, hoặc về tinh thần… Thực sự ai cũng từng có kinh nghiệm về cái đẹp, và cái đẹp vẫn luôn là một chuẩn
mực trong những lựa chọn của
con người. Nhiều khi việc lựa chọn theo tiêu chuẩn cái đẹp như thế không phải chỉ là một chút hương hoa điểm tô cho cuộc
sống, nhưng có dính dáng tới cả vận mạng của đời người. Cái đẹp là một trong những
yếu tố quan trọng của đời người, nhưng người ta lại không dễ dàng định nghĩa được.
Do đó cái đẹp của thời hiện đại cũng thường bị xếp vào loại chủ quan, tuỳ ý
thích của mỗi người ; trong khi mà, ở cội nguồn, cái đẹp mang giá trị khách quan, phổ quát vì gắn liền với hữu thể…
Tuy vậy, những giá trị “chân” hay “thiện” nói chung thường phải được biểu lộ thông qua nét đẹp. Trong Kitô giáo, giá trị “chân” và “thiện” được diễn tả trong khía cạnh “mỹ” một cách cô đọng và tiêu biểu hơn hết nơi Phụng vụ. Phụng vụ là thế giới của những biểu tượng, chất chứa ngập đầy những giá trị. Phụng vụ tự nó, ngay trong bản chất, đã mang tính chất thẩm mỹ, giống như một bài thơ, như một bài hát, một vũ điệu hoặc như một vở kịch… Phụng vụ tự nó đã là một thứ nghệ thuật.
Như thế, ta thấy Phụng vụ, tuy vẫn hàm
chứa giá trị “chân” và “thiện”,
nhưng lại gắn liền với giá trị đẹp nhiều hơn.
Tuy nhiên, Phụng vụ Kitô giáo phần lớn được hình thành vào thời Trung Cổ, khi
mà yếu tố “mỹ” còn luôn được nhìn dưới khía cạnh siêu hình và siêu nhiên, nhiều
hơn là yếu tố thẩm mỹ của thời Cận Đại. Do
đó, yếu tố “mỹ” được quan niệm như
một siêu nghiệm thể gắn liền với phẩm tính của chính hữu thể, đồng thời cũng mang âm hưởng của Đức
tin để thấy Thiên Chúa là cội nguồn của chân thiện mỹ… Như thế, việc khám phá nét đẹp trong Phụng vụ Kitô giáo, một
căn bản, không bắt nguồn từ các giác quan, không chỉ là nét đẹp về hình thức và
mầu sắc, nhưng chính yếu thuộc về một cảm quan siêu hình về nhân bản và cảm thức
tâm linh trong sự sống siêu nhiên.
2.- Phụng vụ và trí tưởng tượng
Chúng ta sống trong một thế giới bị chi phối quá nhiều bởi tính thực dụng. Học thuyết thực chứng của thế kỷ XIX đã được các khuynh hướng triết học mới của thế kỷ XX vượt qua rồi. Tuy nhiên, khoa học thực nghiệm, như bạn đồng hành của trào lưu thực chứng, thì không yếu mà còn tỏ ra mạnh mẽ hơn nữa, khi mà những hệ quả tích cực của nó làm thay đổi cấu trúc xã hội của thế giới hiện đại. Trong bầu không khí ấy, trào lưu thực chứng dù không chiến thắng trong lý thuyết nhưng lại hầu như toàn thắng trong thực tế của cuộc sống của thế giới hiện đại. Hệ quả của khuynh hướng này là, vì muốn giản lược thực tại vào lãnh vực khoa học, nên đã làm nghèo nàn thực tại.
Trong tác phẩm “Alive in God. A Christian Imagination” (2019), Cha Timothy
Radcliffe1 cho rằng, trong thời
hiện đại, chính chủ nghĩa thế tục và thứ tôn giáo “bảo căn” là hai thế lực đối đầu với nhau, nhưng cả hai lại hợp
tác với nhau trong khuynh hướng nhìn thực tại theo kiểu giản lược.
Trào lưu thế tục mang nhiều ý nghĩa tổng
hợp và phức tạp, trong đó có phần chịu ảnh hưởng của khoa học theo nghĩa thực chứng. Thứ khoa học này giam
mình trong giới hạn của những tương tác thực nghiệm,
lãng quên ý nghĩa nhân bản của triết học và từ chối ý nghĩa siêu
nhiên của tôn giáo, nên sử dụng lý trí như một công cụ thuần túy. Lý trí chỉ nhằm vào việc tạo ra được những sản phẩm đáp ứng những
nhu cầu cụ thể của con người mà không còn biết
soi sáng cho khoa học bằng giá
trị nhân linh và tâm linh. Một khi lý trí chỉ là một công cụ nhằm tới những
thành quả “lượng tính”, chứ không phải là một
lý trí soi sáng những giá trị thuộc “phẩm tính”, thì lý trí sẽ
tự biến mình thành công cụ chứ không còn là chủ thể ; lý trí sẽ
bị những chủ thuyết kinh tế, chính
trị, hoặc tôn giáo điều khiển
cách mù quáng. Một con người sống trong phạm trù của lý trí công
cụ sẽ có thể phạm vào những thứ tội ác khủng khiếp chỉ như một “tội ác bình thường”, theo cách diễn tả của nữ
triết gia Hannah Arendt về thái độ của Eichmann2. Ta cũng có thể
coi sự kiện ấy là một ví dụ tiêu biểu cho chiều hướng giản lược của thời hiện đại hết sức nguy hiểm
cho vận mạng nhân loại.
Yếu tố “hợp tác” với trào lưu thế tục trong chiều hướng giản lược hoá thực tại, đó là thứ tôn giáo “bảo căn”. Thứ tôn giáo này không phải là sự phục hồi cảm thức của thời Trung Cổ, nhưng là con đẻ của thời hiện đại3. Đây là trường hợp của nhiều giáo phái tôn giáo cực đoan, vì chúng không còn mở ra một chân trời nhân bản phong phú cho nhân loại cho bằng giản lược ý nghĩa tôn giáo thành những thế lực, những tổ chức, những phong cách lỗi nhịp với giá trị nhân bản.
Hai chiều hướng
ấy cùng ngả theo chiều
hướng giản lược thực tại trở thành những sinh hoạt
“đo đếm được”, chính vì thế mà chúng đối kháng nhau. Khi cả hai đều là một thứ
“trương độ” thì không thể cùng hiện hữu trong một không gian vào cùng một thời điểm thời gian. Cả hai đều làm suy yếu chân
trời giá trị, chân trời ý nghĩa,
điều mà người ta chỉ có thể với tới được bằng khả năng “mường tượng’
của trí tưởng tượng chân thật.
Đức hồng y John Henry Newman nói :
“Không phải là lý trí, mà chính là trí tưởng tượng mới là kẻ thù số một của đức
Tin”4. Đây là một nhận xét khá bất ngờ, giải phẫu được căn bệnh thời đại ở chiều sâu văn hoá. Nhận xét này không phải là lời
kết án trí tưởng tượng,
nhưng đúng hơn là khẳng
định tầm quan trọng của trí
tưởng tượng chân thật, và kết án mầm mống của
những lệch lạc trong xã hội hiện đại nơi những thứ trí tưởng tượng hạn hẹp. Đó là điều
cha Timothy gọi là “trí tưởng tượng mang tính kỹ trị” của thời đại.
Trong bầu không khí ấy, ta nhận ra tầm quan trọng của Phụng vụ, xét như là nơi trí tưởng tượng được nuôi dưỡng trong chân trời giá trị nhân bản và siêu nhiên. Phụng vụ là việc cử hành cách “long trọng” những giá trị đích thực. Khi Phụng vụ không bị rớt vào cám dỗ đồng hoá với “chữ đỏ”, nhưng là cử hành một ý nghĩa đậm đặc trong một nghi thức cụ thể và nhỏ bé thường ngày. Khi đó, Phụng vụ chính là hành vi vượt thoát của trí tưởng tượng khỏi thế giới của những “thực tại thô”. Phụng vụ như là “văn hoá gõ nhịp” để phục hồi tính thời gian “hướng đích” hay chiều kích cánh chung của toàn bộ lịch sử nhân loại ; và Phụng vụ như là “văn hoá ướm”5 để làm nổi bật giá trị siêu việt ẩn chứa trong những thái cử bình thường của cuộc sống hằng ngày.
Văn hoá nhanh, lỗ hổng của đời sống nội
tâm, giá trị luợng tính lấn át giá
trị phẩm tính, giá trị nhân bản bị hụt
hơi trong cuộc chạy đua với những thành quả tiện dụng của kỹ thuật…, đó là kết quả của thế giới Tây phương
đã đánh mất trí
tưởng tượng Kitô giáo. Những hệ quả
tiêu cực như thế đã lan tràn trên toàn thế giới. Phụng vụ cần phác họa được một cảnh
giới siêu việt, để góp phần vào “bước ngoặt trí tưởng tượng” của thời đại này một
cách tích cực hơn nữa, nếu không muốn phó mặc thế giới cho những trào lưu giản lược rẻ tiền. Phụng vụ Kitô giáo phải luôn
mở ra một chân trời của niềm hy vọng, có khả năng sắp xếp được mọi sự quy
hướng về Chúa, có khả năng đọc được dấu chỉ mang tính bí tích trong thực tại và luôn
nối kết các diễn biến của thời sự vào một dòng chảy của thời gian hướng tới thực
tại thành toàn mang tính cánh chung.
3.- Tìm lại giá trị toàn vẹn của
Phụng vụ
Để dễ cảm nhận được giá trị toàn vẹn của Phụng vụ, có lẽ chúng ta nhìn tới tác động của những hành vi, cử chỉ… mang tính biểu tượng trong thế giới hôm nay. Chẳng hạn, trong một thế giới tản mạn và nhạt nhòa vì quá nhiều sinh hoạt, khi có quá nhiều giá trị hỗn độn bị dính vào từng lãnh vực, từng vụ việc… người ta cần tới những logo. Logo là một biểu tượng diễn tả cô đọng một giá trị nào đó mà người ta muốn trình bày. Trong số tràn ngập những logo trên đường phố, thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp được những logo diễn tả một ý nghĩa chân thật và những logo ấy có được một sức mạnh lan truyền của nó.
Cũng vậy, trong số muôn vàn vụ việc của
thế giới được truyền tải qua tivi, qua kênh mạng internet, đôi khi có một bức hình
nào đó lại tỏ lộ một sức mạnh đáng kinh ngạc có thể đánh
thức được lương tri của thế giới. Chẳng hạn, trong cuộc nội chiến hoang tàn và
nạn đói khủng khiếp ở Sudan vào năm 1993, nhiếp ảnh gia người Nam Phi, Kevin Carter
đã chụp được bức hình một đứa trẻ ở Sudan, gầy trơ xương,
đang lê lết đến
trạm cung cấp thực phẩm để lãnh thức ăn, đàng sau đó là một
con kền kền đang rình chờ ăn xác đứa trẻ… Cũng vậy, bài hát
“chúng ta là thế giới” của Michael
Jackson và Lionel
Richie được sáng tác nhằm mục đích cứu trợ nạn đói ở Châu Phi đã khơi dậy
lòng trắc ẩn trong trái tim biết bao người…
Vài thí dụ ấy cho ta thấy phần nào tính
toàn vẹn của Phụng vụ Kitô giáo. Phụng vụ phải được hình thành như một biểu tượng
gồm gói đậm đặc những giá trị nhân bản và siêu nhiên đích thực và đến lượt mình,
những nghi thức Phụng vụ lại trở
thành sức mạnh định hướng cho cuộc sống thật.
Hơn thế nữa, tính toàn vẹn của Phụng vụ Kitô giáo còn hệ tại ở chỗ : nghi thức biểu tượng của bí tích không phải chỉ thuần túy mang tính “tinh thần”, nhưng luôn là những biểu tượng tái hiện, nghĩa là gắn chặt vào thực tại. Phụng vụ Kitô giáo là một hiện thực kéo dài, nghĩa là giữ nguyên vẹn phẩm tính và sức mạnh của tính tương tác ngôi vị trong từng nghi thức. Nhờ tác động chuyển đổi của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô chịu Tử nạn và Phục sinh vẫn đang hiện diện trong từng nghi thức để nói và hành động cho “tôi”. Tính biểu tượng của Phụng vụ Kitô giáo không phải chỉ là “bài học luân lý” hoặc là thông tin tuyên truyền, nhưng là chính cuộc sống thật được cử hành ở tầng biểu tượng bí tích. Trong ý nghĩa ấy, Phụng vụ thực sự là một thành tố của cuộc sống thật, vì Phụng vụ hiện thực hoá một Đức Giêsu Kitô vẫn đang chịu Tử nạn và Phục sinh trong dòng chảy của cuộc sống hôm nay.
Có lẽ thời đại mang tính kinh tế thị trường, dĩ nhiên có làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, cũng kéo theo không ít hệ quả tiêu cực. Chẳng hạn, chúng ta bị ám ảnh bởi sự quá lố của quảng cáo nên cũng ít để ý đến sức mạnh của những biểu tượng. Đúng hơn, chính tâm hồn chúng ta cũng bị làm rối tung do quá nhiều những biểu tượng mang tính “trí tưởng tượng kỹ trị”, nên người ta không bắt gặp được trong Phụng vụ những biểu tượng sâu xa, sung mãn ý nghĩa và có sức định hình lại cho tâm hồn và ý nghĩa cuộc sống của mình. Tính thị trường hình như cũng đúng cả trong lãnh vực đời sống đức tin. Hiện tình này cũng giống như khi xưa người ta không dễ gì có được trọn vẹn cuốn Sách Thánh, nên thỉnh thoảng ai đó ban tặng cho ta một câu chữ Kinh Thánh, thì đó là món quà quý giá được nâng niu, được nghiền ngẫm sâu xa… ; trong khi mà ngày nay thì quá dễ để có Sách Thánh… mà lại chẳng có câu chữ nào đọng lại trong tâm hồn. Cũng giống như vậy, Phụng vụ ở những vùng Kitô giáo toàn tòng không còn mang tính chất một món quà quý giá, nhưng trở nên một gánh nặng pháp lý, khi ấy, người kitô hữu khó giữ được tâm hồn trong sáng để mở ra cho giá trị chân thiện mỹ. Quả thật những biện pháp giải quyết mang tính đối phó thường đánh mất tính toàn vẹn, nhất là khi những biện pháp ấy chỉ đụng đến khía cạnh chất thể của vấn đề.
4.- Phụng vụ và việc loan báo Tin Mừng
Đức Biển Đức XVI nói rằng nét thiết yếu
của Phụng vụ Kitô giáo là quà tặng của Thiên Chúa6
chứ không phải công trình tạo tác của con người. Bởi
vì sợi giây nối kết Dân Israel với Chúa một cách tiêu biểu chính là việc thờ
phượng một mình Chúa. Truyền thống tư tế của Dân Chúa không phải là một nhóm người có kỹ thuật
đoán định ý muốn của thần linh, nhưng là chức vụ tiêu biểu để giữ vững
sợi giây ấy, và biểu lộ tính chất thánh
thiện của một Dân được thánh hiến cho Thiên Chúa là Đấng Ba Lần Thánh. Thánh
Phêrô nói về phẩm tính thánh thiện của Dân Chúa như sau :
“Còn anh em, anh
em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế
vương giả, là dân thánh, dân
riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh
em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2,9).
Thật sự, nguyên sự hiện hữu của Phụng vụ, “quà tặng Phụng vụ”, dù không được mấy người hiểu và cảm, thì đã là một lời loan báo về chiều kích linh thánh cũng như cứu cánh toàn vẹn của thân phận con người. Tuy nhiên, ý nghĩa căn bản ấy không hẳn đòi buộc một sự tuân thủ tỉ mỉ luật chữ đỏ, bởi vì thực sự nghi thức Phụng vụ do Giáo hội đặt ra và những nghi thức ấy cũng đã được thay đổi bao lần trong dòng lịch sử7.
Mặt khác, nếu chúng ta giữ vững giáo lý
để hiểu rằng đỉnh cao của lời cầu nguyện Kitô giáo là Phụng vụ chứ không phải là những thứ kỹ thuật
tâm linh hoặc phương pháp suy niệm, hoặc một lòng đạo đức sùng mộ nào khác, thì
chúng ta cũng hiểu rằng những sinh
hoạt đạo đức, hoặc là những công việc phục vụ đa dạng trong xã hội của người
kitô hữu đều phải bắt nguồn từ Phụng vụ và trở nên như một thứ “Phụng vụ kéo
dài”.
Nếu Phụng vụ Kitô giáo thực sự diễn tả được căn tính của Giáo hội như một Dân thánh hiến dành riêng cho Chúa như thánh Phêrô đã diễn tả, và nếu Phụng vụ Kitô giáo thể hiện được tính toàn vẹn, thì người kitô hữu sẽ có nhiều cơ may bắt được mạch sống phong phú Kitô giáo trong Phụng vụ qua những câu nói biểu tượng, qua những hành vi biểu tượng, có sức biến đổi thế giới. Chẳng hạn thái độ sám hối để dám nhìn nhận lỗi lầm của mình, cử chỉ dâng lễ vật như một thái độ mở ra với siêu việt, hành vi “bẻ bánh” như một biểu tượng đẹp của sự chia sẻ, lời chúc bình an như lời chào vang vọng đến cùng thế giới…. Tất những điều đó chạm tới được căn tính của sự sống ở góc độ phẩm tính, và thật sự là việc loan báo Tin Mừng cần thiết cho thế giới hôm nay. Có lẽ một lần nữa phải nói rằng có quá nhiều chất liệu vô cùng phong phú trong Phụng vụ Kitô giáo, nhưng chưa được “giải ngân” để làm phong phú cho cuộc sống nhân sinh ngày hôm nay.
Tạm kết
Không
phải là Phụng vụ cũng có thể mang sứ mạng loan báo Tin Mừng, nhưng đúng hơn là Phụng
vụ phải thiết yếu mang lấy sứ mạng đó, cho dù sinh hoạt Phụng vụ có xa cách về
“thể lý” với những phương cách quen thuộc của việc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên
để thể hiện được đúng chức năng của mình, có lẽ hơn cả những khía cạnh nào
khác, chính sứ mạng loan báo Tin Mừng phải là lời cật vấn mạnh mẽ để Phụng
vụ không mãi giam hãm mình trong thế giới của những biểu tượng xa lạ với giá trị
nhân bản của thời đại.
1 Bản ghi nhớ được viết vào ngày 23-07-1857, trích lại trong Timothy Radcliffe, OP., Sống Sinh động và Dồi dào trong Thiên Chúa, Học viện Đa minh, 2023.
2 X. Ký sự Pháp đình của Hannah Arendt : Eichmannn ở Giêrusalem.
3 Theo nhận xét của cha Timothy, sđd., tr. 12
4 Timothy Radcliffe, sđd., tr. 12.
5 X. Nguyễn Trọng Viễn, Đời sống Thánh hiến như một Cử hành Nghi lễ, Báo Chia Sẻ 109, tr. 12-14.
6 X. Linh mục Edward McNamara, Đức Bênedicto XVI : Những Nguyên tắc Căn bản của Phụng vụ, Nữ tu Anna Ngọc Diệp, OP, Đa Minh Thánh Tâm chuyển ngữ.
7 Cha Timothy Radcliffe, đã viết “Chúng ta không nhất thiết tuân theo mọi luật chữ đỏ cách thụ động mà không một chút sáng tạo nào. Dân Chúa là một cộng đồng của những con người tự do mà Thánh Thần đã tuôn đổ xuống trên họ. Họ được trao ban một nền phụng thờ tiến triển qua thời gian, qua vô số những thích nghi nho nhỏ, trong nhiều nghi lễ khác nhau và ở những nơi khác nhau”. “Sống Sinh Động và Dồi Dào trong Thiên Chúa”, Học viện Đa minh, tr. 410.
Đăng nhận xét