Canh Tân Đoàn Sủng Của Các Hội Dòng
trong bối cảnh Việt Nam hôm nay
Để canh tân đoàn
sủng, các hội dòng
cần phải trung thành với ơn đoàn sủng của mình,
làm phong phú và thích nghi vào trong bối cảnh mới.
cần phải trung thành với ơn đoàn sủng của mình,
làm phong phú và thích nghi vào trong bối cảnh mới.
Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, fsf
Thư Đức Thánh Cha nhân dịp Năm
đời sống thánh hiến 2015, kêu gọi những người sống đời tu dấn thân canh tân
đoàn sủng, kiểm điểm sự trung thành đối với sứ mạng đã được ủy thác, tiếp tục
làm phong phú và thích nghi, nhưng không đánh mất đi căn tính của mình. Để đáp
lại mời gọi của ngài, chúng ta cần tìm hiểu về ơn đoàn sủng của mỗi Hội dòng, sự
canh tân ơn đoàn sủng đó và thích nghi ơn đoàn sủng đó trong bối cảnh hôm nay.
Khái quát về Ơn đoàn sủng
Mỗi hội
dòng là một bông hoa trong vườn hoa của Giáo hội. Chính ơn đoàn sủng tạo ra sự
độc đáo và phong phú này. Đây chính là căn tính của mỗi hội dòng, nó tạo ra sự
khác biệt giữa dòng này và dòng khác. Mỗi một hội dòng như một gia đình, cùng
có một Đấng sáng lập là cha, là mẹ, và mọi thành viên đều cùng chia sẻ một ân
ban của Thần Khí. Mỗi hội dòng chỉ nhận được một đặc sủng, được ban qua Đấng
sáng lập. Đấng sáng lập chia sẻ Đặc sủng (đoàn sủng)[1]
này cho cả hội dòng để mọi thành viên cùng sống đặc sủng ấy và làm phong phú
thêm đặc sủng ấy qua dòng thời gian. Những người đến sau phải tìm hiểu nó tốt
hơn và sống đặc sủng đó trong sự nhận thức về trách nhiệm truyền lại cho thế hệ
kế tiếp một cách trung thành.
Đặc sủng được coi là ân huệ mà
Thần Khí ban cho mỗi người hay mỗi hội dòng vì lợi ích chung. Văn kiện của Bộ
Các hội dòng Tận hiến và các Tu đoàn Tông đồ và Bộ Giám mục đã nói về đặc sủng
của đấng sáng lập như sau: “Đặc sủng của
các Đấng sáng lập biểu lộ như là một kinh nghiệm về Thần Khí, được truyền lại
cho các môn đệ của họ để sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển trong
sự hài hòa với Thân Thể Chúa Kitô đang không ngừng lớn lên” (MR 11). Đây là
một cảm nghiệm đặc biệt về Thần Khí của Đấng sáng lập; qua đó, giúp vị này nhận
thức một hướng đi mới trong đường nên thánh và hoạt động Tông đồ.[2]
Như thế, đoàn sủng của mỗi dòng tu bao gồm hai khía cạnh: linh đạo (con đường
nên thánh riêng của hội dòng) và sứ vụ. Bài viết này chú trọng đến việc canh
tân sứ vụ của mỗi dòng tu.
Mỗi dòng có sứ vụ riêng biệt.
Đây chính là mục đích của vị sáng lập khi thành lập dòng. Mỗi dòng được thành lập
để đáp ứng nhu cầu nào đó của Giáo hội hoặc xã hội. Ví dụ: dòng Lasan chuyên về
giáo dục; dòng Gioan Thiên Chúa phục vụ bệnh nhân; Tu hội Xuân Bích, đào tạo
linh mục; dòng Phaolô Thiện Bản, rao giảng Đức Kitô bằng sách báo và các phương
tiện truyền thông... Đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh truyền giáo, mỗi hội
dòng có một sứ mệnh truyền giáo riêng biệt, tùy theo đặc sủng của mình (x. VC
19, 72, 46; PC 10, 20; Can 673, 674, 676, 677).
Canh tân đoàn sủng như thế nào?
Để canh tân đoàn sủng, các hội
dòng cần phải trung thành với ơn đoàn
sủng của mình, làm phong phú và thích nghi vào trong bối cảnh mới. Sắc lệnh
Perfectae Caritatis của công đồng Vatican II đưa ra nhiều nguyên tắc hướng dẫn
cho việc canh tân đời tu. Hai nguyên tắc căn bản để canh tân là: trở về nguồn
và thích nghi đời tu vào bối cảnh hiện tại. Để đổi mới đời sống thánh hiến, mỗi
hội dòng phải khám phá lại tinh thần và mục đích của đấng sáng lập (x. PC 2b).
Chân phước Phaolô VI đã qui chiếu về Công đồng và nhắc nhở các hội dòng:
Công đồng đã dạy rằng các tu sĩ phải duy trì một cách trung
thành tinh thần của các đấng sáng lập, lối sống Tin mừng và gương thánh thiện của
họ. Các tu sĩ phải nhận ra nơi đây một trong những nền tảng cho sự canh tân hiện
nay và một trong những tiêu chuẩn chắc chắn nhất cho sự quyết định về loại hoạt động của mỗi hội dòng (ET 11).
Ngài chỉ ra rằng mỗi cá nhân của
mỗi hội dòng được định hình bởi những tính cách đặc biệt về tinh thần và đặc sủng
của đấng sáng lập. Mỗi hội dòng phải qui chiếu về với những nguồn gốc này trước
khi nó có thể đem lại một sự canh tân đích thực và trung thành.[3]
Trong Tông huấn về đời sống thánh hiến, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II căn dặn
các hội dòng phải trung thành với những đặc sủng này và sau đó trung thành với
gia sản thiêng liêng được tạo lập nên trong mỗi hội dòng. Họ phải duy trì chúng
trong những cộng đoàn mà chúng đã lập nên. Đặc sủng phải xây dựng nguyên tắc sống
của mỗi hội dòng tại bất cứ thời điểm nào (x. VC 36, 37).
Thánh bộ các hội dòng tận hiến
và các tu đoàn tông đồ đã nhấn mạnh đến một trong các khía cạnh của thường huấn
là: “Trung thành với đoàn sủng riêng, qua việc luôn tìm hiểu sâu xa về đấng
sáng lập, về lịch sử của hội dòng, về tinh thần và sứ vụ của hội dòng, và cùng
hỗ trợ nhau sống đoàn sủng ấy, xét về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn”
(PI 68). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng yêu cầu các hội dòng chú tâm vào
việc đào tạo theo đoàn sủng riêng biệt của họ, để họ có thể thực hiện sứ mệnh
loan báo Tin mừng tùy theo đoàn sủng của mình (x. VC 68, 72).
Các Bề trên và các phần tử hãy trung thành
duy trì sứ mệnh và các công tác riêng của dòng. Tuy nhiên, họ hãy biết thích ứng
chúng cách khôn ngoan chiếu theo nhu cầu của thời thế và địa phương, kể cả bằng
việc sử dụng các phương tiện mới mẻ và thích ứng (Can 677 §1).
Canh tân đoàn sủng trong bối cảnh Việt Nam
hôm nay
Trước năm 1975, các dòng tu đều
phục vụ theo sứ vụ của mình. Sau năm 1975, tất cả các phương tiện để thi hành sứ
vụ của các dòng tu đã được quốc hữu hóa như: trường học, bệnh viện, nhà dưỡng
lão, nhà cô nhi, trại phong,... Hoạt động tông đồ của các dòng tu bị hạn chế tối
đa. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh
đó, các dòng tu chỉ cố gắng sao cho có thể sống còn. Không còn phương tiện để
thi hành sứ vụ, các tu sĩ làm bất cứ công việc gì để có thể tồn tại. Đây thực sự
là giai đoạn khủng hoảng về căn tính của các dòng tu. Trải qua một giai đoạn
dài như thế, các dòng tu có thể dần dần mất ý thức về sứ vụ của mình, những tu
sĩ trong giai đoạn này không thể sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển
đoàn sủng của mình như định nghĩa về đặc sủng được nói đến ở trên. Và như vậy,
họ không thể truyền lại cho thế hệ kế tiếp một cách chính xác và trung thành.
Và nếu các dòng tu còn ý thức về sứ vụ, nhưng điều kiện không cho phép, các
dòng tu cũng gặp rất nhiều khó khăn để thi hành sứ vụ riêng biệt của mình. Và hậu
quả là nhiều dòng tu ngày nay thi hành những sứ vụ giống nhau. Nhiều hội dòng cố
gắng thích nghi vào trong bối cảnh mới, nhưng cũng không dễ dàng.
Các văn kiện của Giáo hội đã
lưu ý chúng ta về sự canh tân sứ vụ này. Dù nhu cầu mục vụ cấp bách thế nào đi
nữa, chúng ta luôn phải nhớ rằng sự đóng góp tốt nhất mà một hội dòng có thể
đem lại cho Giáo hội là sự trung thành với đoàn sủng của họ. Hội dòng càng hiện
diện theo đoàn sủng của mình, càng đem lại nhiều hoa trái (x. FLC 61; MR 49- 50). Trong bối cảnh xét lại các hình thức hoạt
động tông đồ, văn kiện. “Những yếu tố cốt yếu của đời tu” (số 27) đã đưa
ra những khuyến cáo về ba cơn cám dỗ khi xây dựng kế hoạch hoạt động tông đồ:
1, Muốn ôm đồm tất cả mọi hoạt
động tông đồ,
2, Bỏ đi những hình thức hoạt động
truyền thống và bền vững theo đặc sủng của dòng, để chạy theo những hoạt động
mà ta cho là đáp ứng nhu cầu xã hội tức thời hơn, nhưng lại không hợp với đặc sủng
của dòng,
3, Phân tán nhân lực dòng vào
nhiều hoạt động ngắn hạn, chỉ liên hệ đến đặc sủng nguyên thủy một cách mơ hồ;
do đó, với thời gian, tính cách đồng nhất trong việc thực hiện đặc sủng của
dòng sẽ bị tổn thương, và đó sẽ là một mất mát đối với sứ mạng của Giáo hội.
Những khuyến cáo trên của Bộ
các hội dòng Tận hiến và các Tu doàn Tông đồ rất đúng với bối cảnh Việt Nam hôm
nay. Ba cám dỗ trên có thể dẫn một hội dòng tới chỗ mở ra thêm nhiều sứ vụ mà
không liên hệ gì đến đặc sủng. Dần dần những sứ vụ được thêm vào này làm lu mờ
sứ vụ chính của dòng, hoặc đứng ngang hàng với sứ vụ chính, hoặc lại trở thành
sứ vụ chính của hội dòng và với thời gian căn tính của dòng sẽ bị lu mờ.
Mỗi hội
dòng cũng có thể có thêm một số hoạt động khác với sứ vụ chuyên biệt của mình,
nhưng không nên để cho những hoạt động này trở thành những hoạt động chính. Nên để cho một số phần tử nào
đó phụ trách mà thôi.
Thư Đức Thánh Cha nhân dịp năm
đời sống thánh hiến 2015 cũng nhắc nhở chúng ta: “Anh chị em đừng chiều theo cám dỗ của những con số và hiệu năng.”
Trong thư này, Đức Thánh Cha cũng đang đặt câu hỏi cho mỗi hội dòng chúng ta:
Năm Đời sống thánh hiến hỏi chúng ta về lòng trung thành với sứ
mệnh đã được trao phó cho chúng ta. Các tác vụ, các hoạt động của chúng ta, sự
hiện diện của chúng ta, có đáp lại những gì mà Thánh Thần đã đòi hỏi các vị
Sáng lập của chúng ta, có xứng hợp với việc đi theo các mục đích của sứ mệnh
trong xã hội và trong Giáo hội ngày nay không?
Bởi đó, Sắc lệnh Perfectae
Caritatis của Công đồng Vatican II đã kêu gọi các dòng tu trở về với mục đích của
đấng sáng lập (mục đích lập dòng ban đầu) và thích nghi vào môi trường mới một
cách trung thành và sáng tạo. Các hội dòng chỉ có thể trung thành với đặc sủng
nguồn gốc khi họ biết thế nào để đọc được những dấu chỉ của thời đại và biết thế
nào để đáp ứng lại những nhu cầu của Giáo hội và xã hội trong thời hiện tại.
Trung thành mà không thích nghi vào bối cảnh mới, sẽ dẫn đến chỗ suy tàn; đổi mới
mà không bám vào gốc của nó, sẽ dẫn đến chỗ lập nên một hội dòng mới. Đó là lý
do tại sao sự đổi mới đời sống tu trì không bao giờ được làm một lần cho tất cả.[4]
Sai lầm có thể xảy ra là khi chúng ta “hiện đại hóa” đặc sủng, thay mới hoàn
toàn để cho nó hấp dẫn hơn, hoặc sử dụng đặc sủng của đấng sáng lập để phục vụ
cho chính chúng ta, để biện minh cho những quyết định và hành động của chúng
ta. Điều này có thể là tốt, nhưng nó không phải là mục đích của đấng sáng lập.
Nó có thể phá đi những gì đã được dày công xây dựng và làm mất đi đặc tính và
căn tính của hội dòng.[5]
Trong mỗi Tổng hội/Tổng tu nghị,
hội dòng cần nhìn lại quá khứ của mình, đọc và giải thích nó để để tìm ra hướng
đi cho tương lai của mình. Điều này có nghĩa là họ phải luôn duy trì ký ức sống
động về đấng sáng lập của họ và luôn tiến tới một sự hiểu biết rõ hơn về đặc sủng
nguồn gốc của họ, về sứ mệnh của họ trong Giáo hội và trong thế giới.[6]
Qua đó, họ có thể làm cho đấng sáng lập
trở thành người tiên phong của Thần khí trong thời của họ. Đó chính là chiều
kích ngôn sứ của đấng sáng lập, như George đã khẳng định: “Các đấng sáng lập ở
trước chúng ta, đi trước chúng ta.”[7]
Đó là lý do tại sao Công đồng Vatican II kêu gọi công việc canh tân nên được thực
hiện trong sự hợp tác của cả cộng đoàn (PC 4). Cộng đoàn phải luôn tìm kiếm
cách tốt hơn để thích hợp với nhu cầu “ngôn sứ” của đấng sáng lập của họ. Trong
cách này, cộng đoàn tìm cách để nhận ra và đáp ứng những nhu cầu của thời đại
trong mọi tình huống.[8]
Trở về với sứ vụ nguồn gốc của mình, thích nghi vào bối cảnh hôm nay một cách
trung thành và sáng tạo, và như thế đoàn sủng của dòng chúng ta càng thêm phong
phú và mang lại nhiều hoa trái trong đời sống Giáo hội.
Thư Đức Thánh Cha kêu gọi trong
Năm đời sống thánh hiến này, là dịp thuận lợi mà mỗi gia đình đặc sủng hãy nhớ
lại cội nguồn của mình và sự phát triển lịch sử của mình, để tạ ơn Thiên Chúa:
Vậy cha mời tất cả các cộng
đoàn Kitô hãy sống Năm này trước hết để tạ ơn Chúa và nhớ lại với lòng biết ơn
các ân sủng đã nhận được và rồi chúng ta đã nhận được các ân sủng này nhờ sự
thánh thiện của các vị Sáng lập nam và nữ và về sự trung thành của biết bao
nhiêu người thánh hiến cho đặc sủng riêng biệt.
[1]
Các đặc sủng được ban là để phục vụ lợi ích chung, phục vụ cộng đoàn, nên còn
được gọi là Đoàn sủng.
[3] X.
Đức Phaolô VI, bài nói chuyện với một số tu sĩ ngày 31/3/1969, trong AAS 61
(1969) 266; và trong bài giảng ngày
4/3/1964; ET 11.
[4] X.
Antonio Romano. The Charism of the
Founders: The person and Charism of Founders in Contemporary Theological
Reflection. Ireland: St Pauls, 1994,
tr.151-156; Teresa Ledóchowska Osu. In
Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union.
Roma: Ursulines of the Roman Union Via Nomentana 236, 1976, tr. 17.
[5]
X. X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr.171.
[6] X.
Futrell, J.C. Discovering the Founder’s charism, in The Way Supplement 14 (1971), 62,70.
[7] F. George, «Critères pour découvrir et
vivre le charisme du Fondateur aujourd’hui», trong Vie Oblate Life 36 (1977) 39.
[8] X.
Antonio Romano, The Charism of the
Founders, tr. 181.
Đăng nhận xét