Lời khấn Khiết Tịnh: Thách Thức Hay Thánh Hiến Bản Năng Tính Dục?

Lời khấn khiết tịnh
ví như chiếc hoa đăng sáng rực trong tay các tu sĩ
đang kiên trì đêm ngày chờ đón chàng rể đến dự tiệc cưới.[1] Chiếc đèn vừa soi đường cho khách,
vừa giúp mọi người sở mục nơi gương mặt họ
ánh nhìn dạt dào yêu thương,
tin kính và hy vọng sẽ sớm được mãn nguyện


Tu sĩ P.X. Nguyễn Văn Nhứt, OP.


Một Vấn Đề Thật Khó Mở Lời
Tuy chỉ là một trong ba lời khuyên Phúc Âm được các tu sĩ nam nữ tuyên khấn vâng giữ, song lời khấn khiết tịnh, tự xưa đến nay, có lẽ thu hút nhiều ngưỡng mộ, quan tâm và lo âu hơn cả.
Trong xã hội của chúng ta, dám nói không với thói tật thụ hưởng, vị kỷ và ham mê lạc thú vật chất chắc chắn là câu được nhiều “like”.  Con người, một mặt hừng hực bao tham vọng không đáy, song mặt khác lại đầy khiếm khuyết, yếu hèn, nên luôn cần có anh hùng, có siêu nhân, có lý tưởng để nuôi dưỡng hy vọng—dầu chỉ là một chút ít—để mà sống.  Càng bị thu hút nhiều nhứt vào lãnh vực nào—tình, tiền, tài—người đời càng ngưỡng mộ bất kỳ ai làm thành sự kiện, lập nên kỳ tích—thậm chí gây ra “xì-căng-đan”—trong lãnh vực ấy. 
Vốn đã quen với cách định hình tập quán suy nghĩ và hành xử do mọi phương tiện thông tin, giải trí, dư luận xã hội và giáo dục hay tuyên truyền đặt nền trên xác tín rằng: tính dục là khởi nguyên và là cùng đích của cuộc sống, con người mặc nhiên chấp nhận một kết luận không cần kiểm chứng—lại càng không đủ tỉnh táo đầu óc mà phản biện—theo đó, người ta không thể sống mà không có sinh hoạt tính dục.
Trong một bài viết gần đây của một luật sư có danh tiếng ở Việt Nam, tác giả quy trách cho việc tiết dục—đa phần là miễn cưỡng—mọi hậu quả tiêu cực, từ bịnh tật thể lý, lệch lạc tâm lý, cho tới tình trạng rối loạn trật tự xã hội. Từ đó, tác giả quả quyết việc thỏa mãn tính dục—gồm việc hợp pháp hóa hoạt động mãi dâm—chính là giải pháp, kể cả cho phương diện an ninh chính trị.[2]      
Do đó, không phải là sự kiện chấn động hay sao khi có ai đó, giữa thanh thiên bạch nhựt, công khai tuyên bố đầy xác tín trước bàn dân thiên hạ rằng: tôi vẫn có thể sống mà không cần sinh hoạt tính dục?  
Ngưỡng mộ thì chắc chắn là rất ngưỡng mộ. Nhưng ngay lập tức trong đầu mọi người xuất hiện nhiều nghi vấn: liệu một người sống mà không có sinh hoạt tính dục thì tâm sinh lý có khỏe mạnh và quân bình không? Biết đâu người đó lại có cuộc sống hai mặt—như đã từng xảy ra, nghĩa là vẫn lén lút giải quyết đòi hỏi của thể xác
thì sao?           
Theo cái nhìn phàm nhân và bị tác động vì những thất bại trong quá khứ, lời khấn khiết tịnh—hiểu đúng nghĩa là việc tiết dục trọn vẹn—quả là một thách thức vô cùng táo bạo đối với nhu cầu bản năng gốc của con người, và là một việc bất khả thi. Nhưng đưới ánh sáng đức tin, và đối chiếu với nhiều tấm gương sáng chói của những người đã suốt đời giữ trọn cam kết, lời khấn khiết tịnh chính là việc hiến thánh bản năng tính dục, một hành vi thờ phượng, hoàn toàn phù hợp với phẩm giá một con người có ý thức sáng suốt và tự do thực sự, nghĩa là một hành vi hoàn toàn khả thi.


Một Thách Thức Vô Cùng Táo Bạo
Xưa nay tính dục là một đề tài cấm kỵ, đặc biệt trong môi trường nghiêm cẩn như giáo dục và tôn giáo. Ngay như xã hội Âu-Mỹ, dầu nổi tiếng là thông thoáng với chuyện quan hệ nam nữ, nhưng vẫn có những quy phạm nghiêm khắc để bảo vệ tính mẫn cảm của công chúng.[3]
Theo quan niệm Nho Giáo, tính dục chỉ hợp lẽ đạo đức khi được đôi nam nữ thể hiện trong khuôn khổ hôn nhân, với mục đích truyền tử lưu tôn. Song vì sức tác động của sắc dục mạnh mẽ hơn cả đức độ, người quân tử cần phải hết sức phòng ngừa nữ sắc để không bị sa lầy vào chỗ suy thoái đạo đức. Giáo dục Nho Giáo quy định nghiêm khắc việc tách biệt không để nam nữ gần nhau, “nam nữ thọ thọ bất thân”—cho dầu họ là vợ chồng đi nữa—khi xuất hiện trước công chúng.
Tính dục trong hôn nhân chỉ để có người nối dõi.  Tính dục ngoài hôn nhân là đại tội, phải chặn đứng mọi “nguy cơ.”  Thế nên quan hệ giữa nam và nữ, thậm chí giữa vợ chồng, cũng phải theo đúng khuôn phép cực kỳ nghiêm ngặt. Kinh Lễ, chương Nội Tắc, viết: “Là đàn ông, không nên bàn việc trong phòng khuê, là phụ nữ không nên bàn việc bên ngoài. Nếu không phải là ngày tế lễ hoặc ngày tang chế, trai gái không được đưa cho nhau những vật dụng.  Nếu có trao, người nữ phải cầm một cái thúng; không có thúng thì hai bên phải quỳ xuống đặt vật xuống đất rồi người nữ nhận lấy.[4]     
Từ chỗ thận trọng đối với khuynh hướng tính dục để tránh lạm dụng và giữ gìn giềng mối đạo đức trong tương quan nam nữ, theo giáo huấn của Đạo Nho, giáo lý Nhà Phật thẳng thắn lên án ái dục nói chung và sắc dục nói riêng là hành vi xấu ác về luân lý do Ma Vương xúi xiển con người để mãi bắt họ chìm đắm trong cõi luân hồi.  Nho gia khuyên kiểm soát tính dục, còn Phật tử quyết tâm diệt trừ ái dục.
Phật Giáo coi sắc dục là trở lực lớn nhứt trên đường tu đạo, nên một mặt người tu hành phải giảm thiểu mọi thứ tiện nghi sinh hoạt nào khêu gợi ham mê sắc dục, mặt khác phải dứt khoát khử ái đoạn dục. Bồ Tát thì thương xót, che chở chúng sinh không mảy may chút lòng dục, trong khi Ma Vương khơi dậy dâm tà để hãm hại người. Trước khi nhập diệt, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng: 
Hiện nay Ta còn ở tại thế gian thì bè lũ Ma vương không dám xuất hiện. Song le, lúc Phật Pháp đang ở vào giai đoạn tàn lụn - Thời Mạt Pháp - thì sẽ có nhiều loại ma dân ấy hiện ra đông đảo ở thế gian, mở rộng sự tham dâm.”  “Thời Mạt Pháp” chính là thời đại của chúng ta hiện nay.  Vào thời điểm này, loại ma dân ấy rất đông đúc và chúng đi khắp nơi nói chuyện dâm dục.  Bất luận nam hay nữ, kẻ nào cũng ưa thích dâm dục và đồng thời cũng muốn thành Phật, muốn được khai ngộ.  
Sự khác biệt giữa “phản” (trái) và “chánh” (phải) giữa Ma vương và Bồ-tát—vốn rất vi tế—khác biệt như thế nào?  Bồ-tát thương xót và che chở tất cả chúng sanh với lòng từ-bi, chứ tuyệt đối không có lòng dâm dục.  Trong khi đó, Ma vương đối với chúng sanh thì cứ đề xướng “ái”, chuyên môn nói chuyện dâm dục, chú trọng dâm dục; thậm chí chúng còn nói rằng hễ tâm dâm dục càng nặng bao nhiêu thì khai ngộ được quả vị càng cao bấy nhiêu, và dùng tà thuyết ấy để hại người.[5]  
Điểm tương đồng của hai quan niệm Nho và Phật là đều nhìn nhận sức mạnh lạ thường của tính dục, một khuynh hướng xuất phát từ và gắn liền với bản năng sinh tồn của con người.
Thánh Kinh Ki-tô Giáo cũng tán thành ý tưởng về sức mạnh vô song của bản năng tính dục khi khẳng định:
Tình yêu mãnh liệt như tử thần,
Cơn đam mê dữ dội như âm phủ.
Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy,
Một ngọn lửa thần thiêng.
Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,
Sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.[6]
Mãnh liệt đến nỗi đôi nam nữ yêu nhau dám dứt bỏ cả tình thân gia đình để được mãi mãi sống bên nhau.[7]
Tuy công nhận sức mạnh kỳ diệu của tính dục, cũng như giáo lý Nho và Phật giảng dạy, song Ki-tô Giáo chưa bao giờ coi bản năng này là điều xấu về luân lý hay là tội lỗi. Trái lại, Thánh Kinh dạy tính dục là ơn phước của Thiên Chúa ban cho con người từ thủa tạo thiên lập địa.  Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh của Chúa, và con người do Chúa sáng tạo gồm người nam và người nữ.[8] Hai giới tính tuy khác biệt một cách sâu xa và triệt để nhưng không đối kháng, loại trừ nhau, trái lại thiết yếu cần đến nhau, lôi cuốn và bổ túc nhau,[9] để thực hiện được sứ mạng cao quý là tiếp tục công cuộc sáng tạo ra những con người, những hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, vấn đề luân lý Ki-tô Giáo đặt ra cho tính dục không phải là nhắm cản trở, hạn chế, giảm thiểu, lại càng không phải để triệt tiêu bản năng tự nhiên và nhân bản ấy, mà chính là để con người biết cách phát triển và thực hiện tính dục theo đúng Thánh Ý Thiên Chúa Tạo Hóa.
Người nữ là phần bổ sung cho người nam, cũng như người nam là phần bổ sung cho người nữ: người nam và người nữ bổ túc cho nhau, không chỉ về mặt thể lý và tâm lý, mà cả về mặt hữu thể.  Chính vì tính cách có hai mặt “nam” và “nữ” mà hữu thể con người mới trở thành một thực tại đầy đủ.  Con người là “thể thống nhứt gồm hai mặt”, hay nói cách khác, là mối quan hệ “hai trong một”, nhớ đó mỗi người có thể trải nghiệm mối quan hệ liên vị và hỗ tương, vừa như một quà tặng, vừa như một sứ mạng: “Thiên Chúa đã giao cho ‘thể thống nhứt gồm hai mặt’ này không những việc sinh sản và đời sống gia đình, mà còn cả việc kiến tạo lịch sử.  “Người nữ là ‘trợ tá’ cho người nam, cũng như người nam là ‘trợ tá’ cho người nữ!”  Khi người nam và người nữ gặp nhau, thì nhận thức thống nhứt của con người được hình thành, không dựa trên lý lẽ tập trung vào mình và khẳng định mình, mà là dựa trên lý lẽ yêu thương và liên đới.[10] 
Chịu ảnh hưởng của thuyết Nhị Nguyên,[11] một khuynh hướng luân lý sai lạc xuất hiện trong Ki-tô Giáo, vào khoảng thế kỷ thứ 13, coi sinh hoạt tính dục, cho dù trong khuôn khổ đời sống hôn nhân, là tội lỗi và bất xứng với việc phụng sự Thiên Chúa.  Cùng với nỗ lực trường kỳ chống lại ba thù: ma quỷ, xác thịt, và thế gian, việc tiết dục được đặc biệt khuyến khích—thậm chí bắt buộc—nếu người tín hữu muốn nên thánh.
Giáo lý chính truyền của Hội Thánh, trái lại, dựa vào đạo lý của các Thánh Tông Đồ đề cao hôn nhân giữa một người nam và một người nữ Ki-tô hữu như dấu chỉ—bí tích—của tình yêu của Chúa Ki-tô dành cho Hội Thánh.[12]
Tuy nhiên, việc tiết dục—đặc biệt qua hình thức lời khấn khiết tịnh—vẫn là một thách thức vô cùng táo bạo và gây tranh cãi—thậm chí chia rẽ—ngay trong lòng Hội Thánh Công Giáo.
Trước hết, tiết dục dưới nhiều hình thức như khấn khiết tịnh trong ơn gọi thánh hiến, giữ luật độc thân trong đời sống linh mục, tiết chế trong bậc sống hôn nhân, phải chăng là những lớp ngụy trang có vẻ đạo hạnh cho thái độ chống đối lịnh truyền “truyền tử lưu tôn” của Thiên Chúa? Từ chối cuộc sống lứa đôi phải chăng người đàn ông và người đàn bà cố tình đi ngược lại lời cảnh cáo của Thiên Chúa “Con người ở một mình thì không tốt”?[13] Làm sao người từ chối hoạt động tính dục—hiểu một cách giản đơn là tương quan xác thể giữa hai người khác giới tính—có thể chu toàn ơn gọi sống trọn vẹn tính nhân bản toàn diện, theo đó, phải có cuộc hiệp nhứt thâm sâu giữa hai yếu tính nam và nữ—vốn cần bổ túc cho nhau về phương diện thể lý, tâm lý và hữu thể—để thành hình một “họa ảnh của Thiên Chúa trọn vẹn và tuyệt hảo”?[14] Ngoài ra, không phải là không có lý khi người ta quy trách những lệch lạc trong đời tu, những sai phạm đầy tai tiếng và nhức buốt về giới răn Thứ Sáu trong giới giáo sĩ cho chủ trương tiết dục của Hội Thánh Công Giáo theo nghi lễ La Tinh?[15]     
Thiết tưởng trên đây là những vấn nạn rất chân thành, rất lương thiện—không hàm ý khích bác hoặc phá hoại những tập truyền tốt lành trong Ki-tô Giáo nói chung và Công Giáo nói riêng—nên cũng rất xứng đáng được hồi đáp một cách chân thành và lương thiện để, một mặt, làm sáng tỏ giá trị của lời khấn khiết tịnh trong đời sống thánh hiến, mặt khác, loại bỏ đi những ngộ nhận, xuyên tạc và sai lầm về ơn gọi cao quý sống “khiết tịnh vì Nước Trời.”[16]

Hiến Thánh Bản Năng Tính Dục
Trung thành với giáo huấn Tin Mừng và truyền thống tông đồ—có đặc trưng là quan điểm rất tích cực, chân thực và quân bình giữa hai lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên về tính dục nhân linh—Hội Thánh Công Giáo yêu quý và chúc phước cho cả hai ơn gọi hôn nhân và ơn gọi thánh hiến. 
Tính dục là ơn ban của Thiên Chúa cho con người được sáng tạo theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa. Sách Sáng Thế nhấn mạnh: Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ.[17] Giới tính là món quà của Thiên Chúa ban cho con người. Do có giới tính tuy khác biệt nhưng không đối kháng mà trái lại bổ túc nhau, cần có nhau, thu hút nhau, vui mừng được “kết hợp cùng nhau thành một xương một thịt”[18] nên tính dục “lôi cuốn mãnh liệt hơn cả Tử Thần.”[19]  Tính dục thuộc về “trọn gói làm người”, là thành tố thiết yếu làm nên nhân vị, nhân phẩm, giúp con người chu toàn sứ mạng lưu truyền dòng dõi con cái Thiên Chúa.[20]  Ngay từ lúc mới được sáng tạo, nghĩa là trước khi con người sa ngã, tính dục—hiển nhiên bao gồm hành vi tính dục—đã được Thiên Chúa chúc phước như một yếu tố làm cho con người thành nhân linh.
Tính dục của con người tuy có chung nhiều yếu tố với bản năng truyền sinh của thực vật và động vật song vượt xa cả về đẳng cấp sinh học lẫn triết học và luân lý.  Trong khi loài vật hoạt động tính dục theo bản năng sinh tồn, chuẩn mục một cách máy móc, vô cảm, vô hồn, tựa một cỗ máy đã được lập trình tự động theo đúng thời biểu, đúng tần xuất, thì con người phải tuân thủ nhiều chuẩn mực khác nhau trong sinh hoạt tính dục. Các quy tắc ứng xử trong tương quan nam nữ, vợ chồng phản ánh nền tảng văn hóa, xã hội, kinh tế và tôn giáo của từng địa phương, từng thời điểm. Lý do đơn giản để giải thích tất cả những dị biệt vừa nêu là vì sinh hoạt tính dục của con người có dấu ấn nhân văn: hành vi được con người thực hiện trong tư cách là một nhân vị.
Cần nhận định rõ điều quan trọng này: bản năng, nhu cầu và hành vi tính dục tự thân chỉ là phương tiện nhắm phục vụ một mục đích cao quý và tối hậu đã được Thiên Chúa ấn định. Đó là một mục đích kép: hoàn thành ơn gọi làm con người, Hình Ảnh Thiên Chúa, và duy trì giống nòi của loài người, tiếp tục việc hiện diện của con người với tư cách là nhân linh, là hình ảnh Thiên Chúa trên mặt đất này. Hành vi tính dục không thể bị giản lược vào việc thỏa mãn ham muốn thể xác, nhưng còn phải giúp đạt tới tình trạng hòa hợp, mãn nguyện về phương diện tâm lý, và sau cùng, nhờ hợp nhứt hai giới tính với nhau, con người đón nhận được một bản vẽ trọn vẹn, một bức tranh đầy đủ, về Dung Mạo Con Người được sáng tạo theo Họa Ảnh của Thiên Chúa. Chính đây là ý nghĩa đúng đắn của câu: “Con người ở một mình thì không tốt.”[21]  Bởi vì nếu chỉ hành động đơn độc một giới tính thì không thể diễn tả đầy đủ và chính xác nội dung vô cùng phong phú và vĩ đại của ơn phước “Imago Dei” đã được Thiên Chúa ban cho. Để thi hành trọn vẹn ơn phước có tính sống còn—tính hiện hữu hoặc hữu thể—ấy, nhứt thiết con người cần có một “trợ tá”[22]: giới này cần giới kia như “đồng nghiệp”chí thân, “đồng hành”chí thiết, và “đồng phận” bất khả chuẩn chước trong cuộc sống hiện tại và trên mặt đất này.  
Quả vậy, ơn gọi, sứ vụ và vận mạng con người không chỉ giới hạn trong cuộc đời hiện tại, nhưng phải nhứt thiết hướng tới một thế giới tương lai. Trong khi còn ở cõi đời này, con người cần một “chiếc lều tạm” và các trợ cụ khác thích hợp với điều kiện tại đây và lúc này—tất cả đều là tạm thời và có giới hạn—để hoàn thành cuộc sống lữ khách. Dù thiết thân đến đâu, dầu đớn đau vật vã thế nào thì việc giã từ chiếc lều tạm để di chuyển về chiếc lều vĩnh cư chỉ còn là vấn đề thời gian.[23]
Tại nơi cư ngụ mới—cõi trời mới đất mới[24]—phải có những trợ cụ mới thích hợp với điều kiện của con người mới và với ý nghĩa, mục đích của cuộc sống mới trong Chúa Ki-tô.[25] Nơi ấy cuộc sống con người sẽ được hình dung ra sao?  “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt cho họ. Sẽ không còn cái chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”[26] Thánh Phao-lô triển khai rõ hơn tình trạng của con người sau khi được hiệp nhứt với Chúa Ki-tô trong mầu nhiệm Phục Sinh:
Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí.”[27]   
Trí óc hiếu kỳ—mà cũng là hệ lụy của nỗi đớn đau vật vã khi phải rời bỏ chiếc lều tạm— không thể không muốn biết tình nghĩa gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái rồi sẽ ra sao trên cõi vĩnh hằng trường phúc ấy.  Hết sức thẳng thắn, xin được hỏi: bản năng tính dục của con người còn có vai trò nào trong cuộc sống mai sau không?  Rất rõ ràng, rất xác quyết, Chúa Ki-tô dạy: “Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ sống như các thiên thần trên trời.”[28]
Tính dục nhân linh—gồm cả khuynh hướng lẫn sinh hoạt—chỉ có ý nghĩa và vai trò trong cuộc sống tại thế để đáp ứng nhu cầu lưu truyền dòng dõi con cái Thiên Chúa.  Tính dục sẽ hoàn thành vai trò lịch sử khi trời cũ đất cũ qua đi, vì lúc đó là cuộc sống trường cửu, mật thiết hiệp nhứt với Thiên Chúa, tận điểm của tất cả những gì từng một thời khắc khoải mong chờ, tìm kiếm.
Khi cái hoàn hảo tới thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi.  Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ đượ mặt giáp mặt.[29]
Khi nào sẽ tới thời điểm nói trên, thời điểm của buổi giao thừa, của phiên đổi gác giữa vũ trụ mới và vũ trụ cũ?  Thánh Phao-lô báo động tính khẩn cấp của biến cố ấy và cho lời Ki-tô hữu khuyên thực hành:
Thời gian chẳng còn bao lâu.  Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng.  Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.[30]     
Tính khẩn cấp của biến cố Nước Trời giáng lâm lập tức giảm thiểu đến mức tối đa mọi giá trị thực tại trần gian—đúng hơn là trả lại công bình và chính danh cho các thực tại này—để dành ưu tiên bậc nhứt cho các giá trị thực tại vĩnh cửu. Đây chính là nội dung sứ điệp Tin Mừng Chúa Ki-tô truyền giảng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.”[31] Tiếp theo đó, Chúa đưa ra lời mời gọi—cũng có thể coi như lời thách đố—dành cho những ai có dũng khí, có “máu phiêu lưu”, dám liều nhập cuộc chơi của những con người “vai u thịt bắp” quyết liệt tranh chiếm thực tại Nước Trời:[32]Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.”[33]
Trật tự các giá trị cũ—ngay cả tình thân ruột thịt máu mủ—đã bị thay thế khi trật tự mới được thiết lập: “Hễ ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đáng ngự trên trời, người ấy chính là anh chị em tôi, là mẹ tôi.[34]
Chính trong toàn cảnh vô cùng khẩn cấp và yêu sách không khoan nhượng của giá trị các thực tại trường cửu mà quy chế sống khiết tịnh vì Nước Trời được ban hành: “Có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời.”[35] 
Vậy không phải một cam kết tiết dục đơn thuần, hoặc một đời sống khiết tịnh vì bất kỳ lý do nào cũng đều mang giá trị chứng từ, phục vụ như tấm biển báo cho nhân loại hướng về các giá trị của thực tại đang đến, nhưng chỉ có duy nhứt “khiết tịnh vì Nước Trời.” 
Điều này cũng hàm ý quan trọng là giới thiệu nếp sống khiết tịnh vì Nước Trời, một mặt, như món quà mới lạ của Thiên Chúa ban cho Ki-tô hữu nào muốn đạt tới tình yêu tuyệt hảo—trọn vẹn hiến tế cho Thiên Chúa và cống hiến cho việc phục vụ đồng loại—theo gương Chúa Ki-tô, mặt khác, cần có trợ lực thật đặc biệt của trời cao thì con người hữu hạn bất toàn mới có thể thủy chung đến cùng với cam kết vượt quá khả năng tự nhiên:
Khiết tịnh “vì Nước Trời” do các tu sĩ tuyên khấn phải được đánh giá như một ơn ban ngoại lệ. Lời khấn này giải thoát cõi lòng của con người để họ nhiệt tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Vì lý do đó, khiết tịnh là biểu tượng đặc biệt của muôn phúc lộc thiên giới, còn đối với các tu sĩ thì khiết tịnh là phương tiện hiệu quả nhứt để hết dạ cống hiến bản thân cho công việc phụng sự Thiên Chúa và cho công tác tông đồ.[36]  
Lời khấn khiết tịnh ví như chiếc hoa đăng sáng rực trong tay các tu sĩ đang kiên trì đêm ngày chờ đón chàng rể đến dự tiệc cưới.[37] Chiếc đèn vừa soi đường cho khách, vừa giúp mọi người sở mục nơi gương mặt họ ánh nhìn dạt dào yêu thương, tin kính và hy vọng sẽ sớm được mãn nguyện.
   





[1] Xc Mt 25:1-10.
[3] Tội danh “công xúc tu sỉ” (hành vi khiến công chúng bị xúc phạm và hổ thẹn) hoặc “offenses against public sensibilities” (hành vi xúc phạm tính chất tinh tế của công chúng): hành vi dâm ô nơi công cộng, phô bày các bộ phận gợi dục hay quảng bá hình ảnh khiêu dâm nơi công cộng (xc http://ypdcrime.com/penal.law/article245.htm).
[4] Xc http://maxreading.com/sach-hay/nho-giao-dai-cuong/ban-nga-va-xa-hoi-39640.html
[5] Xc http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
[6] Dc 8:6-7.
[7] Xc St 2:24.
[8] Xc St 1:27.
[9] Xc St 2:23.
[10] Xc St 1:28; Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, số 147.
[11] Theo thuyết này, vũ trụ thành hình do hai thần tạo hóa, một thiện một ác; một tinh thần, một vật chất; vật chất xấu ác, cản trở sức phát triển của tinh thần.  Muốn thăng tiến tinh thần, phải hạn chế, thậm chi triệt tiêu thân xác.  Từ quan niệm này, hôn nhân bị chỉ trích, cấm đoán (xc Gerald O’Collins, S.J.. “A Concise Dictionary of Theology”, Quezon city: Claretian Publications, 2001, trang 68.)
[12] Xc Êp 5:21-32.                                                                                             
[13] St 2:18.
[14] Xc. St 1:28; Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, số 147.
[15] Khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng trẻ nam vị thành niên.”
[16] Xc Mt 19:12.
[17] Xc St 1:27.
[18] Xc St 2:23-24.
[19] Xc Dc 8:6-7.
[20] Xc St 1:28.
[21] St 2:18.
[22] Xc Richard J. Clifford, S.J. “Genesis”, trong quyển The New Jerome Biblical Commentary. Bangalore: Theological Publications in India, 2000, trang 12.
[23] Xc 2 Cr 5:1-9.
[24] Xc Kh 21:1.
[25] Xc 2 Cr 5:17.
[26] Kh 21:4.
[27] 1 Cr 15:42-44.
[28] Mt 22:30.
[29] 1 Cr 13:10-12.
[30] 1 Cr 7:29-31.
[31] Mt 6:33.
[32] Mt 11:12.
[33] Lc 14:26.
[34] Mt 12:50.
[35] Mt 19:12.
[36] Sắc Lệnh Canh Tân Dòng Tu “Đức Ái Trọn Lành”, số 12.
[37] Xc Mt 25:1-10.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn