Khủng Hoảng Niềm Tin Nơi Con Người Trong Cộng Đoàn

nếu như tôi không thể có ai đó
để dám chia sẻ những vấn đề của mình
và cũng không ai dám đến với tôi để bộc bạch tâm sự
thì tôi cũng phải coi lại về tình huynh đệ trong cộng đoàn,
còn đâu một cộng đoàn mà người ta phải thốt lên:
“hãy nhìn họ yêu nhau như thế nào”;
còn đâu dấu chỉ Nước trời mai sau
nếu ta không sống yêu thương,
tin tưởng nhau ngay ở trần thế này.
Tập sinh Thu Hiền


 Năm nay là năm Đức tin, Giáo hội mời gọi các tín hữu đào sâu về Đức tin và cũng duyệt xét lại Đức tin của mình. Người ta nói rằng ta không thể tin tưởng nhau nếu không tin tưởng vào Thiên Chúa, điều đó rất đúng nhưng ta lại thấy một thực trạng đáng buồn và suy nghĩ, rõ ràng ngày nay người ta tin Chúa, người ta đi nhà thờ, người ta cũng có niềm tin sâu sắc ấy chứ, thế mà người ta lại không thể tin tưởng lẫn nhau.
Tại sao lại như thế? Làm sao để cho những người con trong gia đình dám chia sẻ cho Cha mẹ chúng những tâm sự, những khó khăn? Làm sao để cho những người vợ, người chồng dám bộc lộ những vấn đề của mình cho người bạn đời của mình để có thể hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn và làm sao cho những thành viên trong cộng đoàn dám can đảm bộc lộ cho người đồng hành của mình những thử thách hay những kinh nghiệm trong ơn gọi và có thể đến với nhau mà bớt đi những phòng vệ.
Một vấn nạn lớn được đặt ra là tôi có thể tin tưởng ai để chia sẻ những vấn đề của tôi và cũng đặt ngược lại vấn đề có ai dám đến với tôi để gửi gắm, để tâm sư, thậm chí để đổ rác không? Chẳng phải vấn đề này cũng rất quan trọng và cũng nên nhìn lại trong năm Đức Tin sao? Bởi vì niềm tin tưởng lẫn nhau trong các cộng đoàn đang là một lỗ hổng không nhỏ, nếu như tôi không thể có ai đó để dám chia sẻ những vấn đề của mình và cũng không ai dám đến với tôi để bộc bạch tâm sự thì tôi cũng phải coi lại về tình huynh đệ trong cộng đoàn, còn đâu một cộng đoàn mà người ta phải thốt lên “hãy nhìn họ yêu nhau như thế nào”, còn đâu dấu chỉ Nước trời mai sau nếu ta không sống yêu thương, tin tưởng nhau ngay ở trần thế này.
Bài viết này không phải là một nghiên cứu sâu rộng về niềm tin tưởng nhau của con người, chỉ đơn giản là một chút suy tư và trăn trở về niềm tin tưởng nhau trong Cộng đoàn dòng tu nơi được mệnh danh là “dấu chỉ Nước trời”.
Nhà vật lý học nổi tiếng Acsimet đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy cả thế giới này lên”. Ông đi tìm một điểm tựa cho Định luật của mình và ông đã khám phá ra định luật được đặt chính tên ông, định luật Acsimet, chính lực đẩy Acsimét sẽ giúp thuyền và khí cầu nổi lên, là cơ chế hoạt động của sự chìm nổi của tàu ngầm hay cá và đóng vai trò trong sự đối lưu của chất lưu, lực đẩy Acsimét còn giúp con người có thể nổi trên mặt nước và nhiều tác dụng to lớn khác trong ngành vật lý học.
Đời sống chung của con người cũng có những khó khăn, từ khó khăn trong nỗi niềm cộng đoàn, đến khó khăn trong công tác sứ vụ,… nếu một người không bẩy được thì toàn thể cộng đoàn sẽ cùng bẩy. Vậy, đâu là điểm tựa để cùng bẩy những khó khăn ấy? Khi cộng đoàn có được sự tin tưởng nhau dù chỉ chút xíu thôi cũng đủ để nâng cả thế giới này lên như Acsimét nói, cũng đủ để đổi mới cả thế giới này, vì chính sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đoàn sẽ nâng đỡ và khích lệ nhau cùng vượt qua những khó khăn, nhưng giật mình ta nhận thấy một sự thật đang diễn ra, các mối tương quan không còn đặt trên nền tảng của sự tin cậy và chân tình nữa, khiến cho mỗi người đều có những chiếc mặt nạ khi đến với nhau, không ai dám bộc lộ hay cởi mở con người của mình, mỗi người có một ốc đảo riêng mà biên giới của nó được canh phòng nghiêm ngặt. Làm sao bây giờ khi người ta không thể đến với nhau? điều gì sẽ xảy ra? mỗi người đều mang thân phận con người, chân vẫn đạp đất, đều có những yếu đuối và bất toàn, làm sao có thể thông cảm cho nhau nếu không cởi mở với nhau, làm sao có thể hiểu nhau nếu không lắng nghe và đối thoại với nhau, chính sự lắng nghe và đối thoại sẽ giúp ta bỏ bớt những mặt nạ, sẽ giúp ta chạm được đến nhau.
Chẳng phải khi bước vào Đời thánh hiến, ta được mời gọi bước theo Đức Kitô, theo sát Đức Kitô (sequela chirsti) để trở nên đồng hình đồng dạng với Người, để trở thành một Kitô đệ nhị sao? và khi quy tụ nhau thành một cộng đoàn từ bốn phương trời với những phong tục tập quán khác nhau nhưng “cùng một lòng một ý” (Cv 4, 32), cùng một lý tưởng, cùng sống chung một Hiến pháp, ta trở thành anh em, chị em với nhau, tương trợ, bảo bọc, che chở lẫn nhau. Là dấu chỉ của tình Huynh đệ, ta được mời gọi để chứng tỏ tác động của ân sủng của Thiên Chúa bằng cách vượt thắng chủ nghĩa cá nhân, sự đóng cửa lòng, tính ích kỷ, sự thờ ơ và bằng cách sống tình yêu Thiên Chúa trong liên hệ hằng ngày. Nhưng chúng ta tự hỏi, chúng ta có đang thực sự sống như thế không?
Khi yêu ai người ta sẽ làm gì? Người ta chỉ muốn được ở với người yêu, muốn được tối ngày nhìn thấy người yêu, muốn người yêu sẽ luôn vui và người ta sẽ yêu cả những gì người đó yêu, yêu cả những người thân thích và quen biết với người đó. Đối tượng của ta chẳng phải là Giêsu sao? Mà khi tự nguyện theo Thầy, tự nguyện yêu Thầy thì cũng có nghĩa là ta chấp nhận yêu những gì Giêsu yêu, thích cái gì Giêsu thích và muốn những gì Giêsu muốn. Vậy hãy thử xem  Giêsu người yêu của ta thích gì, yêu gì và muốn gì nào? Con người luôn chiếm vị trí trung tâm trong mọi lời giáo huấn của Thầy, Thầy yêu con người, muốn con người được hạnh phúc, thích nhìn thấy con người thương nhau, chơi với nhau. Vậy yêu Thầy cũng có nghĩa là yêu con người, mà con người là ai?
Nghe mênh mông và trừu tượng quá! Khi sống thành một cộng đoàn, những người gần gũi ta nhất đó chính là anh em, chị em ta, ta đích thực là anh chị em với nhau, vì ta mang chung dòng máu, dòng máu của Thầy chí thánh, ta cùng ăn, cùng uống chính Mình và Máu Thầy, ta mang trong mình dòng máu, nhịp đập, con tim, hơi thở của Thầy, dòng máu ấy tuôn chảy trong ta và cũng tuôn chảy trong chị em ta nữa. Vậy có gì ngăn cản ta, những con người cùng một huyết tộc thương yêu nhau không? Có gì mà ta lại không đến được với nhau, không thông cảm cho nhau không? Vì ta là một gia đình mà, nếu con cái trong một gia đình mà không tin tưởng nhau thì Cha mẹ chúng sẽ rất đau khổ. Vậy hãy để ý đến Thầy đi, hãy để ý đến cảm xúc của Thầy, Thầy cảm thấy thế nào? Ôi, nếu như người yêu của ta mà không vui thì làm sao ta vui được, nếu Thầy cảm thấy buồn, cảm thấy trăn trở thì ta sẽ như thế nào? Rõ ràng Giêsu đã đặt kỳ vọng vào ta những con người thánh hiến; Thầy ước mong ta sẽ cùng Thầy đổi mới cả thế giới này, ấy thế mà ta đã chẳng thể làm thỏa cơn khát yêu thương của Thầy, chẳng thể nào làm Thầy dịu bớt đi những gánh nặng, thật không uổng những gì ta đã lãnh nhận sao?
Trong Vương quốc của Thầy chí thánh sẽ không còn đau khổ, không còn chết chóc, không còn ganh ghét, chỉ có tình yêu thôi, ai nấy quây quần bên Thầy, chơi với Thầy, chẳng ai phải ganh tị hay so đo vì được Thầy thương, ai cũng vui với niềm hạnh phúc của người khác, nếu ta không tập làm quen với những đặc tính của Nước trời, thì làm sao ta thích nghi với Nước Trời được, chắc chắn sẽ rất ngỡ ngàng đấy. Ta được mời gọi là một Kitô khác, sao ta lại ngày càng khác Chúa Kitô?
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Trong năm Đức tin, những người đã chấp nhận lời mời gọi theo sát Chúa Kitô hơn qua tuyên xưng những chỉ bảo Tin Mừng, anh chị em đã được mời gọi đào sâu hơn nữa mối quan hệ với Thiên Chúa” (Đây là nhiệm vụ mà Đức Thánh Cha trao phó cho các nam nữ tu sĩ vào ngày Lễ Trọng Thể Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh, ngày Đời Sống Thánh hiến lần thứ XVI), chắc mối quan hệ với Thiên Chúa có trúc trắc, trục trặc gì rồi nên dù vẫn đến với Chúa thường xuyên mà ta lại vắng bóng niềm tin tưởng nhau trong cộng đoàn.
Ước mong mọi tín hữu, đăc biệt các tu sĩ nam nữ cùng nhìn lại vấn đề này và một cách có ý thức ta sẽ cùng xây dựng cộng đoàn mình ngày càng thăng tiến bằng cách chú ý tới Thầy và xây dựng niềm tin cho người khác khởi đi từ chính bản thân mình, nếu ta đã từng bị một người bạn thân nào đó bội phản hoặc ngay cả những người mà ta gọi là mang chung dòng máu thiêng liêng chơi xấu, ta cũng đừng mất niềm tin và đừng thất vọng vì chính bản thân ta sẽ cố gắng không xử như thế và chính thái độ chân thành, cởi mở và nhân ái ta sẽ làm cho cộng đoàn của mình tràn ngập niềm vui, tràn ngập sự tin tưởng nhau. Như thế, dấu chỉ của Nước trời, dấu chỉ của lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ được hiển lộ cách rõ ràng ngay ở trần gian này.
Xin kết thúc bằng lời chia sẻ của Đức Ông Charles Pope, Tổng Giáo Phận Wasington DC:

Giáo Hội là nhiệt kế (thermometer) hay nhiệt ổn (thermostat)?”. Quả vậy, ta không chỉ được mời gọi là chiếc nhiệt kế để đo nhiệt độ, để biết được những đắng cay của cuộc sống, những ngọt bùi của kiếp người hay những chua mặn của kiếp nhân sinh, nhưng ta còn được mời gọi là chiếc nhiệt ổn tác động trên tất cả những thứ đó với một sự kiên nhẫn và đầy tình bác ái.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn