Giáo hội tự bản chất là truyền giáo, là tham dự
vào truyền thông của Đức Giêsu trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy, việc truyền
thông sứ điệp Kitô giáo đến muôn dân là trách nhiệm sống còn của chung Giáo hội
và của mỗi kitô hữu.
và của mỗi kitô hữu.
Josephmai
Dẫn nhập
Việt Nam là đất nước có tỷ lệ theo đạo Công Giáo không cao nếu
không muốn nói là rất thấp. Chỉ có khoảng 7% người Công giáo trong tổng số gần
90 triệu dân. Những năm vừa qua, do có cái nhìn tích cực trong cộng đồng xã hội,
sự đón nhận nhau giữa các tôn giáo có phần tiến triển tốt. Các hoạt động đối thoại liên tôn được xúc tiến. Các đạo hữu giữa các tôn giáo giao
hảo với nhau nhiều hơn. Vì thế, người gia nhập đạo Công giáo cũng gia tăng đáng
kể. Trong số đó, số đông là những người di dân về các thành phố lớn để học tập
và mưu sinh.
Trong các công tác mục vụ giáo xứ, mục vụ
hướng dẫn gia nhập đạo (quen gọi là dạy giáo lý Tân tòng) cho người Dự tòng
cũng là một công tác thường xuyên của nhiều giáo xứ (tại Sài Gòn). Đây là công
việc tôi rất thích thú và thấy Giáo hội cần quan tâm nhiều hơn nữa. Vì đây là
một công tác mục vụ khó khăn nhưng nhiều thú vị và cũng là môi trường truyền
giáo rất tốt. Làm thế nào để chuyển tải sứ điệp Kitô giáo đến cho anh chị em Dự
tòng nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung qua công tác mục vụ này là điều
đáng để chúng ta suy nghĩ.
I.
Sơ qua tình hình người Dự tòng – Tân tòng
Rảo qua tình hình mục vụ giáo xứ tại giáo
phận Sài Gòn, tôi thấy có nhiều giáo xứ thường xuyên tổ chức các khóa giáo lý
dành cho người dự tòng. Riêng tại giáo xứ Đaminh (Ba Chuông) nơi tôi sống và
làm việc, nhiều năm nay, mỗi năm có khoảng 4 khóa học, mỗi khóa có từ 30 đến 50
anh chị em, cộng với một số nhóm dạy riêng lẻ, tổng cộng cả năm, giáo xứ tiếp
nhận từ 120 đến 150 anh chị em gia nhập Giáo hội.
Trong quá trình tìm hiểu để hướng dẫn, tôi
thấy rằng đa số anh chị đến với Giáo hội vì lý do kết hôn (khoảng trên 90%).
Một số khác theo đạo vì cảm phục những tấm lòng của người chủ Công giáo, cũng
có người theo đạo vì một biến cố đau khổ tột độ, không nơi bám víu, tìm được
bình an khi vào nhà thờ thư giãn. Có người đi ngang qua nhà thờ, gặp đèn giao
thông màu đỏ, dừng xe và nghe được mấy câu trong bài giảng của “ông cha”, thấy
hay hay tới nghe tiếp nhiều lần rồi nhận ra được tiếng gọi của Chúa…
Tuy nhiên, sau một
thời gian theo đạo, một số sống đạo sốt sắng, số khác cũng “nhì nhằng” và số bỏ
đạo cũng không ít. Đây chính là điều Giáo hội nói chung, những người hướng dẫn
nói riêng phải quan tâm, phải xem lại công tác mục vụ này đã làm như thế nào,
cần phải thêm gì nữa.
II.
Thuận lợi và khó khăn
1. Thuận lợi
Giáo hội tự bản chất là truyền giáo, là
tham dự vào truyền thông của Đức Giêsu trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy, việc
truyền thông sứ điệp Kitô giáo đến muôn dân là trách nhiệm sống còn của chung
Giáo hội và của mỗi kitô hữu. Vì thế, việc hướng dẫn người đã “tự” đến với Giáo
hội để xin học đạo là một thuận lợi rất lớn. Ta không phải đi tìm họ mà họ đã
tự đến với ta.
Mặt khác, những người Dự tòng thường rất
đơn thành. Nếu tạo được thiện cảm ngay từ bước khởi đầu và được hướng dẫn chu
đáo, họ rất dễ nhận thấy những điều tốt đẹp nơi Giáo hội từ sứ điệp yêu thương
của Chúa và trở nên những Kitô hữu sốt sắng. Đồng thời, họ cũng có thể trở
thành nhà truyền giáo âm thầm hoặc công khai nơi gia đình, dòng họ của họ và
sau đó lan ra xã hội.
2. Khó khăn
Chúng ta thấy, nếu thay đổi một thói quen
trong cuộc sống đã là không dễ thì thay đổi được đời sống đức tin lại càng khó
bội phần. Một số còn bị cấm cản từ gia đình. Số khác cảm thấy khó khăn khi theo
đạo phải hy sinh những lợi lộc xã hội (một số ngành nghề tại Việt Nam chưa chấp
nhận người Công giáo), con đường tiến thân (chính trường) bị chặn lại. Một số
tới học giáo lý với tâm trạng “ấm ức, phòng thủ”. Họ không tự nguyện tìm hiểu
mà bị ép buộc (trường hợp theo đạo vì lý do hôn nhân)…
Người Dự tòng đến với Giáo hội số nhiều
nhận mình là có Đạo Ông Bà, số khác là Đạo Phật, số khác nữa thuộc Cao Đài hay
Hòa Hảo... Theo kinh nghiệm tiếp xúc và gặp gỡ, tôi thấy việc tòng giáo của anh
chị em thuộc Đạo Cao Đài là khó khăn nhất.
Một số sẵn ác cảm với Công giáo do hiểu
lầm, do gương mù của người Công giáo…
III.
Tiến trình hướng dẫn
1. Khởi đầu khóa học
Tôi nghĩ việc truyền thông sứ điệp Kitô
giáo cho anh em Dự tòng cũng như các công việc khác. Nó đúng với câu nói cửa
miệng của chúng ta: “khởi sự vạn đầu nan”. Đây là bước quan trọng quyết định
“thành – bại” lớn. Nó đòi hỏi người hướng dẫn phải thật lòng, tận tình và gần
gũi với các học viên. Giáo lý viên phải biết được hoàn cảnh của người thụ huấn:
họ có theo tôn giáo nào hay không, cảm nghĩ của họ thế nào về giáo hội Công
Giáo… Giáo lý viên cố gắng làm sao để họ nói thật và luôn trân trọng những gì
họ nói, đặc biệt những người bị ép theo đạo, những người không thiện cảm với
Công giáo. Từ đó, chúng ta giúp họ tháo gỡ những khúc mắc trong lòng, để họ
hoàn toàn tự do trong chọn lựa đức tin của mình.
2. Giai đoạn huấn luyện giáo lý
- Người hướng dẫn cố gắng đặt mình vào bối
cảnh và tâm trạng của người Dự tòng để có thể truyền đạt một giáo lý không áp
đặt.
- Tìm những điểm chung trong nhiều tôn
giáo và trân trọng những “mầm Tin Mừng” trong các tôn giáo bạn để có thể đối
thoại và giới thiệu về tôn giáo mạc khải, về Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người.
- Lưu ý tới các Vấn nạn giáo lý, điều mà
người thuộc tôn giáo bạn thường khó chấp nhận: Chẳng hạn rửa tội trẻ sơ sinh,
giáo lý về tạo dựng, thờ kính ông bà tổ tiên, …
Khi trao đổi với các anh chị em Dự tòng,
tôi thường thấy họ thắc mắc: Tại sao em bé vừa sinh ra đã phải “rửa tội”? Em đã
có tội gì đâu. Nên ta cần giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của phép rửa (bí
tích Thánh Tẩy).
Nguồn gốc con người và nguồn gốc muôn loài
cũng là vấn đề mấu chốt của niềm tin. Giáo lý viên cần nắm vững kiến thức khoa
học: Thuyết tiến hóa, vụ nổ Bigbang và cách giải thích trình thuật Tạo dựng
trong Kinh Thánh. Nhờ đó, người hướng dẫn có thể giúp người thụ huấn nhận ra
khoa học và đức tin không đối chọi nhau nhưng còn hỗ trợ nhau.
Cách giải thích việc thờ kính ông bà tổ
tiên xưa cũng gây ra sự căng thẳng trong chọn lựa theo đạo Công giáo của nhiều
người, trong nhiều gia đình.
- Cũng cần tập cho người Dự tòng dần làm
quen với sinh hoạt phụng vụ của Giáo hội. Mời gọi họ tham dự các nghi thức
phụng vụ như thánh lễ, các việc đạo đức bình dân khác, nhất là giúp họ biết cầu
nguyện.
3. Hậu khóa học
Đức tin của người Tân tòng rất dễ bị lung
lạc vì quan niệm vô thần, tục hóa hoặc “nhì nhằng” với những hủ tục tôn giáo cũ
theo thói quen. Nên Giáo hội cần có những chương trình để giúp họ thăng tiến
đức tin. Tuy thế, một số giáo xứ không có kế hoạch lâu dài cho các Tân tòng.
Điều này dễ làm cho họ dần xa Giáo hội vì cảm thấy ngại ngùng, lạc lõng… Một số
nơi đã làm tốt các công tác cần phát huy như sau:
- Ngày truyền thống cho tân tòng. Đây
là dịp các anh chị gặp gỡ, làm quen với nhau. Những anh chị cùng lớp có dịp
chia sẻ tâm tình với nhau sau một năm bươn chải cuộc sống, những khó khăn trong
đời sống đức tin.
- Lập diễn đàn: Chúng ta đang sống
trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng. Lập website cho anh
chị em Tân tòng chia sẻ cảm nhận đời sống đức tin là điều rất nên làm. Một số
nơi đã làm việc này (thanhcavietnam.net; ongoikitohuu.com….). Mỗi giáo xứ
thường xuyên có các lớp giáo lý cho người Dự tòng cũng nên mở các tài khoản
faceboook, twitter cho mỗi lớp. Đây lại là dịp truyền giáo rất tốt, nhất là nó
lại được thực hiện bởi chính những anh chị em Tân tòng.
- Mời tham gia các công tác trong giáo xứ
nhằm liên kết họ với sinh hoạt của giáo xứ và giáo hội. Các Tân tòng thường là
những người trẻ, có chuyên môn cao (ở Sài Gòn). Họ có thể giúp Giáo hội trong
nhiều lãnh vực và mang lại lợi ích cho đời sống đạo của họ.
- Giúp người bạn đời gốc Công giáo ý thức trách nhiệm truyền thông Tin Mừng trong đời sống chứng tá.
- Giúp xưng tội lần đầu: Người tân
tòng thường rất ngại bước vào tòa xưng tội lần đầu tiên. Qua được lần đầu rồi,
họ dễ dàng hơn trong những lần sau. Các giáo xứ có những lớp giáo lý Tân tòng
nên tổ chức định kỳ ngày này để giúp họ.
- Người Tân tòng cũng rất cần
có người đồng hành, giải đáp các thắc mắc trong đời sống đạo, nhất là
những năm đầu sống ơn gọi Kitô giáo. Cho nên, những người hướng dẫn giáo lý cần
đảm nhiệm công tác này.
Kết
luận
Như vậy, nhìn qua một số thông tin đã nói
ở trên, chúng ta có thể nhận thấy, dạy giáo lý Tân tòng là một cách truyền giáo
tương đối thuận lợi so với các cách thức truyền giáo khác trong môi trường
truyền giáo khó khăn như lục địa Á Châu này, một lục địa “thấm đẫm” văn hóa và
các niền tin tôn giáo truyền thống như Nho Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, Ấn Giáo…
Vì vậy, công tác dạy giáo lý cho người Dự
tòng và Tân tòng cần được Giáo hội quan tâm đặc biệt, nhất là những nơi có
nhiều anh chị em tới tìm hiểu Đạo như tại Sài Gòn. Giáo phận và các giáo xứ cần
có những kế hoạch mang tính “chiến lược” cho công tác này, đồng thời cũng cần
nhiều người thuộc mọi thành phần Dân Chúa vừa có tâm vừa tầm dấn thân cho sự
vụ. Từ đó, chúng ta mới hy vọng sứ điệp Kitô giáo được giới thiệu và tác dụng
tới đời sống của Giáo hội cũng như xã hội này.
Đăng nhận xét