Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo Về Di Dân

Khi chúng ta tiếp đón một người khách lạ,
là chúng ta đang đón rước chính Đức Giêsu Kitô.
Như thế, chính nơi khuôn mặt của người di dân,
người định cư, người tị nạn, chúng ta phải nhìn ra
khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô trong đó.

Ninh Tú Toàn, OP.

Di dân: cuộc lữ hành của đức tin và hy vọng” là chủ đề mà Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã chọn cho ngày Thế Giới Di Dân lần thứ 90.
Chủ đề này được đặt trong bối cảnh cử hành năm Đức Tin, đánh dấu 50 năm khai mạc Công Đồng Vatincan II và 60 năm công bố Tông huấn “Gia Đình Xa Cách” (Exsul Familia, 1952), cũng như để toàn thể Giáo hội can đảm đón nhận những thách đố của việc Tân Phúc Âm Hóa.
Để hòa chung với nhịp đập của Giáo hội, trong bài này, người viết muốn trình bày giáo huấn xã hội của Giáo hội về vấn đề di dân, một vấn đề được Giáo hội quan tâm cách đặc biệt, bởi đó là “là một hiện tượng đáng báo động vì số đông những người di dân, vì những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo mà hiện tượng di dân đặt ra, và vì những thách đố bi thảm mà hiện tượng này đặt ra cho các cộng đồng quốc gia và quốc tế”,[1] và vì “mỗi người di dân là một nhân vị, có những quyền lợi bất khả xâm phạm mà mọi người phải tôn trọng trong mọi hoàn cảnh”.[2]
1.   Nền tảng Kinh Thánh
1.1.   Cựu Ước
Dân riêng của Thiên Chúa trong Cựu Ước được mô tả như là những người di dân. Truyền thống Dothái và Cựu Ước đều tôn trọng phẩm giá con người, đặc biệt truyền thống ngôn sứ. Điều này tỏ lộ qua cách cư xử với người nghèo. Những người này chủ yếu là các bà góa, trẻ mồ côi, và khách ngoại kiều (Xh 22, 20-22). Trung thành với Yahweh, dân Israel phải bảo vệ và quan tâm họ cách đặc biệt. Họ phải yêu những người này như chính họ, đặc biệt với các ngoại kiều, những người tha hương, và không được đối xử với họ một cách bất công giống như họ đã phải chịu ở Aicập: “Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Aicập”  (Dnl 5,15).
Kinh Thánh kể nhiều câu chuyện của những người bị buộc phải đi lánh nạn vì sự áp bức bạo tàn. Sách Xuất Hành kể câu chuyện về Dân Riêng Israel, là những nô lệ tại Aicập. Sự can thiệp của Thiên Chúa giúp họ có thể thoát khỏi sự áp bức và lánh vào sa mạc. Trong bốn mươi năm họ sống như là những người tha hương cầu thực, không có mảnh đất cho riêng mình. Cuối cùng, Thiên Chúa đã giữ lời hứa và dẫn họ vào vùng Đất Hứa. Sách Lêvi cho thấy kinh nghiệm đau thương của Dân Thiên Chúa vì phải sống như là những ngoại kiều và những mệnh lệnh của Thiên Chúa là phải quan tâm cách đặc biệt đối với những người ngoại kiều này: “Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, như một người trong các ngươi; ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các người đã từng là ngoại kiều tại đất Aicập”.  (Lv 19, 33-34).
“Các người phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Lv 19,18). Trong sách Lêvi, mệnh lệnh này xuất  hiện trong một chuỗi những mệnh lệnh cấm bất công. Một trong những mệnh lệnh này cảnh báo rằng: “Khi có ngoại kiều cư ngụ với (các) ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp họ. (Các) ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; (các) ngươi phải yêu họ như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Aicập. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi (Lv 19,33-34). Lý do, “vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Aicập” vốn luôn đi kèm với mệnh lệnh này để tôn trọng và yêu thương những người di dân, không chỉ nhắc nhở dân Thiên Chúa về tình trạng trước kia của họ; mà còn mời gọi họ để ý tới hành động của Thiên Chúa: trong ý định khởi thủy của Thiên Chúa, Người đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ và đưa họ vào một vùng đất hứa. “Các người đã từng là nô lệ và Thiên Chúa đã can thiệp để các ngươi được giải thoát; vì thế các ngươi đã chứng kiến Thiên Chúa cư xử với những người di dân như thế nào; các ngươi cũng phải cư xử với họ y như vậy: Đây là ý tưởng minh nhiên dựa trên nền tảng của mệnh lệnh này”.[3] 
1.2.    Tân ước
Nhìn vào chính đời sống của Đức Giêsu, chúng ta sẽ thấy được những người đang trên đường đi cư trú, tức là những tầng lớp di dân, di cư, định cư hay tị nạn… được Thiên Chúa quan tâm chăm sóc cách đặc biệt. Ở Tin Mừng Mátthêu, chương 2, từ câu 14-15, hình ảnh hài nhi Giêsu là một người đang trên đường tìm nơi lánh nạn. Người cùng với Gia Đình Thánh Gia phải lánh sang Aicập để tránh cơn cuồng nộ của Hêrôđê. Còn trên hành trình sứ vụ rao giảng công khai, Người cũng là một người nay đây mai đó, di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác, “chẳng có chỗ để tựa đầu…” (Mt 8,20).
Cũng trong Tin Mừng của Mátthêu, Đức Giêsu dạy chúng ta phải biết tiếp đón khách lạ: “Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho ta uống; Ta là khách lạ, các người đã tiếp rước” (Mt 25,35). Còn Tin Mừng Gioan, tác giả cho thấy chính Đức Giêsu không được chính dân của người đón rước: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Khi chúng ta tiếp đón một người khách lạ, là chúng ta đang đón rước chính Đức Giêsu Kitô. Như thế, chính nơi khuôn mặt của người di dân, người định cư, người tị nạn, chúng ta phải nhìn ra khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô trong đó. Điều này được diễn tả rõ ràng nơi kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24, 13-15). Cả hai môn đệ này đã có cuộc đón tiếp “vị khách lạ”-chính là Đức Kitô, và chính từ cuộc đón tiếp đầy huyền nhiệm này, họ trở thành những chứng nhân cho Người.
2.      Giáo huấn của các Đức Giáo hoàng
Trong thông điệp đầu tiên về xã hội, Rerum Novarum (Tân Sự, 15.05.1061),[4] Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã viết thông điệp này như là một lời đáp trả cho cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ thứ 19 và những hệ quả nghiêm trọng của nó trên đời sống của hàng triệu công nhân. Ngài đã xác quyết rằng con người có quyền làm việc để tồn tại và trợ giúp gia đình của mình. Ngài lên tiếng bảo vệ quyền của công nhân qua việc có quyền để tư hữu tài sản, quyền hưởng lương và giờ làm việc chính đáng, quyền được nghỉ ngơi. Tất cả những quyền này đều hệ tại phẩm giá con người là hình ảnh của Thiên Chúa chứ không hệ ở công việc mà những người di dân này làm. Từ đây, có thể tóm lại ba nguyên tắc sau của Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo như sau:
- Nguyên tắc thứ nhất: Mọi người đều có quyền để di trú nhằm duy trì cuộc sống và gia đình của họ.
Điều này hệ tại trên giáo huấn của Kinh Thánh và của các tín hữu thời đầu: Mọi của cải trên trần gian đều thuộc về tất cả mọi người; chúng có tính phổ quát. Đang khi quyền tư hữu tài sải được Giáo hội ủng hộ và bảo vệ, thì mỗi cá nhân không có quyền dùng việc tư hữu tài sản mà không có sự liên hệ với thiện ích chung. Mọi người có quyền có những điều thiết yếu liên quan đến đời sống của họ, chẳng hạn như cơm ăn, áo mặc, và chỗ ở. Hơn nữa, mọi người đều có quyền hưởng sự giáo dục, chăm sóc y tế, tôn giáo, và việc diễn tả văn hoá của mình. Ở nhiều nơi, còn có nhiều người đang sống trong sự sợ hãi, nguy hiểm, hay sống trong tình trạng thiếu thốn tột cùng. Khi một người nào đó không thể đạt tới một đời sống có ý nghĩa trên chính quê cha đất tổ của mình, thì người ấy có quyền để di trú. Một lý do khác nữa để ủng hộ lập trường này là ngưởi bản xứ không có những quyền tối thượng trên người di dân. Trước Thiên Chúa, tất cả đều bình đẳng; địa cầu này được Thiên Chúa trao tặng cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, còn có bổn phận mang tính truyền giáo là giúp đỡ những người không có gì để sinh sống.
- Nguyên tắc thư hai: một quốc gia có quyền quy định và kiểm soát việc nhập cư.
Bởi vì ra như thế giới còn đầy rẫy sự nghèo đói, chiến tranh, và cảnh nghèo khổ, nên các quốc gia phát triển sẽ tiếp tục cảm thấy sức ép từ muôn dân đang khát khao được tái định cư trong những quốc gia này. Giáo huấn xẫ hội của Giáo hội rất thực tiễn: Đang khi mọi người có quyền để di cư, thì chẳng có bất kỳ quốc gia nào có bổn phận phải nhận nhiều người nhập cư đến độ đời sống kinh tế xã hội của nó bị hủy hoại. Chúng ta nên yêu mến và ủng hộ những đóng góp của những người di dân và văn hóa của họ.
- Nguyên tắc thứ ba: một quốc gia phải quy định luật di trú dựa trên sự công bằng và lòng khoan dung.
Việc quy định và kiểm soát nhập cư của một quốc gia phải được hệ ở mối liên hệ đến lợi ích của mọi người cũng như lòng khoan dung va công bằng. Một quốc gia có thể không đơn thuần quyết định rằng quốc gia ấy chỉ dành riêng cho dân tộc của mình chứ không cho bất kỳ ai khác. Một sự dấn thân đích thực với những nhu cầu của tất cả mọi người phải chiếm ưu tiên hàng đầu và mọi Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo phải được hiểu trên tính bình đẳng tuyệt đối của mọi dân nước và sư dấn thân vào những thiện ích chung, chứ không phải là lợi ích cá nhân. Hơn nữa, chính sách nhập cư nên xem xét tới những giá trị quan trọng khác như quyền của các gia đình được đoàn viên. Chính sách nhập cư mang tính khoan dung sẽ không bắt những cặp vợ chồng đã kết hôn hay con trẻ phải sống xa cách gia đình của họ trong một thời gian dài. Đặc biệt, chính sách nhập cư vốn cho phép người ta sống ở đây và đóng góp cho xã hội nhiều năm nhưng lại từ chối cho họ cơ hội để đạt được tình trạng phát lý không phục vụ cho thiện ích chung. Sự hiện diện của hàng triệu con người sống mà không có những quyền cơ bản và những điều tối thiểu của con người thì là điều bất công rất nghiêm trọng.
Cùng tiếp nối ý tưởng về quyền sống đúng với phẩm giá con người, Đức Piô XII, trong Tông hiến Exsul Familia (Gia Đình Xa Cách, 1952), tái khẳng định rằng những người di dân có quyền sống đúng với phẩm giá nhân vị của mình, và vì thế có quyền để cư trú theo mục đích đó. Mở đầu của tông hiến này, Đức Piô XII sử dụng hình ảnh của Gia Đình Nazarét đang trên đường lánh sang Aicập để tìm nơi bình an cho Hài Nhi Giêsu như là một kiểu mẫu cho các gia đình di dân. Đức Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse mãi mãi và luôn luôn là những mẫu gương, và là người bảo vệ cho mỗi người di dân, người xa lạ, người tị nạn ở bất cứ hình thức nào, chẳng hạn như sợ bị bách hại hay vì lòng muốn, buộc phải rời khỏi quê hương, cha mẹ, người thân, bạn hữu, để tìm kiếm một miền đất lạ.[5]
Về sau, Công Đồng Vatican II đã đưa ra những hướng dẫn quan trọng cho công tác mục vụ đặc thù này xuất phát từ lời nhận định: “Một hiện tượng không kém quan trọng khác là biết bao người bởi nhiều lý do phải di cư, và vì thế đã phải thay đổi cách sống”.[6] Lời nhận định này mời gọi các tin hữu đặc biệt ý thức đến hiện tượng di dân và nhận thức tầm ảnh hưởng mà di dân đã và đang tác động đến đồng loại và đời sống xã hội. Công Đồng đã tái xác quyết quyền để di trú, phẩm giá của người di dân, nhu cầu để vượt qua những bất công trong sự phát triển về kinh tế xã hội và đáp ứng một giải pháp cho những nhu cầu đích thực của con người. Mặt khác, Công Đồng đã công nhận quyền của các thẩm quyền chính thức, trong một bối cảnh đặc thù, để điều chỉnh làn sóng di dân. Công Đồng cũng mời gọi các tín hữu đặc biệt mở lòng cộng tác và trở nên “người thân cận” đối với người di dân. Các nghị phụ đã quan tâm tới việc phải bảo đảm tính cách chăm sóc tâm linh phù hợp với những nhóm tín hữu đặc biệt bởi vì những nét đặc thù của họ, tức là đại đa số anh chị em di dân, những người vượt biên và di trú, những thủy thủ, những người du lịch, những người du mục và các dạng thức khác.
Còn trong thông điệp Pacem in Terris,[7] (Hòa Bình trên Trái Đất, 11.04.1963), Đức Gioan XXIII khẳng định rõ ràng quyền di cư và quyền không phải di cư: “Mọi người có quyền tự do để di chuyển và định cư trong ranh giới đất nước của họ; và, khi có những lý do chính đáng, người dân có quyền để di cư đến các quốc gia khác và sinh sống tại đó” (Số 11).
Đức chân phước Gioan Phaolô II tái khảng định giáo huấn nền tảng này trong huấn từ tại Công nghị Thế Giới về chăm sóc mục vụ cho người di dân và người tị nạn 1985 rằng:
Mọi người đều có quyền được tự do di chuyển và cư ngụ trong chính ranh giới đất nước của mình, chỗ mình đang là một công dân; họ cũng có quyền, một khi đầy đủ lý do, được xuất ngoại và kiều ngụ ở ngoại quốc. Nhưng nguyên sự kiện mình là người nước này hay người nước khác sẽ không bao giờ có thể là một trở lực chính đáng cấm con người không được gia nhập xã hội nhân loại, cấm thành một công dân của khối cộng đồng thế giới, nơi mà toàn thể nhân loại đoàn tụ với nhau vì những mối dây liên lạc cố hữu chung.
Cuối cùng, trong năm Đức Tin, Đức Benedictô XVI đã tiếp tục ý tưởng tích cực này qua sứ điệp nhân ngày thế giới di dân 2013 như sau: “Chắc chắn mỗi quốc gia có quyền đặt quy định đối với những người di dân, và ban hành những chính sách đã được chi phối bởi những đòi hỏi chung về công ích, nhưng phải đảm bảo là luôn tôn trọng nhân phẩm con người. Quyền của con người đối với việc di dân, (như được mời gọi trong Hiến Chế Mục Vụ của CĐ Vaticano II, số 65) là những quyền đã được đặt ra giữa những quyền cơ bản của con người. Quyền ấy cho phép con người được định cư bất cứ nơi nào mà họ xét thấy là có cơ hội tốt nhất để hiện thực hóa hết những khả năng, khát vọng và hoạch định của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị xã hội hiện nay, thậm chí trước cả quyền di cư, thì cũng cần tái khẳng định lại quyền không phải di cư, nghĩa là được ở lại nơi quê nhà, như Chân Phước Gioan Phaolô II đã nói: “Quyền cơ bản của con người là được sinh sống nơi chính quê hương mình. Song những quyền này chỉ trở nên hữu hiệu khi những yếu tố bắt người ta phải di cư luôn được kiểm soát” (Huấn từ tại Công Nghị Thế Giới lần 4 về Chăm Sóc Mục Vụ cho Người Di Dân và Người Tị Nạn, 9-10-1998).[8]
3.      Đường hướng của Giáo hội Việt Nam
3.1. Tình hình di dân hiện nay
Theo tham luận của Ủy Ban Giám Mục về Mục Vụ Di Dân,[9] không kể tới những cuộc di cư vì chiến tranh hay thiên tai, hay những cuộc di rời có tính cách riêng tư vì mưu cầu cuộc sống, thì những cuộc di dân có tinh quy mô trong những năm gần đây gồm:
-     Trong nước: Di dân lập nghiệp hay dãn dân: thay đổi nơi ở để định canh định cư lâu dài, từ những vùng đồng bằng có mật độ dân số cao tới các vùng cao nguyên, đồi núi: khoảng 6 triệu người trong 30 năm gần đây nhất; Di dân thời vụ vì lao động hay học hành, chuyển tới các thành phố lớn và các khu công nghiệp: khoảng 3,5 triệu người/năm trong những năm gần đây; Di dân thời vụ vì lao động hay học hành, chuyển tới các thành phố lớn và các khu công nghiệp: khoảng 3,5 triệu người/năm trong những năm gần đây.
-     Hải Ngoại: Định cư lâu dài hoặc vĩnh viễn vì nhiều lý do (kể cả lập gia đình với người nước ngoài): khoảng 4 triệu người trong nhiều quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ, Úc và Châu Á; Di dân có thời hạn vì lao động hay học hành: khoảng 1,5 triệu người/năm; Trong số các di dân này, giáo dân công giáo chiếm tỷ lệ không dưới 10 %.
3.2. Định hướng của Giáo hội Việt Nam
Trước một biến chuyển của làn sóng di dân như vậy, Giáo hội Việt Nam đã đề đường hướng để chăm sóc mục vụ cho người di dân ở cả ba chiều kích:[10]
-     Chiều kích mầu nhiệm: Di dân đặt ra nhiều vấn đề cho đời sống đức tin của người công giáo Việt nam: Trước hết việc mục vụ truyền thống cần được rà soát và canh tân, nhất là trong lãnh vực Bí tích và Phụng tự. Việc này đòi hỏi một ý thức mới nơi hàng giáo phẩm, cũng như sự cởi mở chân thành về phía giáo dân địa phương. Thứ đến, di dân phát huy đức tin trong một môi trường xa lạ với truyền thống đạo đức địa phương gốc, một số sẽ phải hội nhập trở lại. Điều này đòi hỏi phải có đối thoại giữa các truyền thống, đồng thời để đời sống đức tin được sống động và phát triển trong điều kiện di chuyển sẽ đòi có một nền giáo lý và thần học thích hợp hơn. Văn hóa và từ vựng tôn giáo cũng cần rà soát lại sao cho gần gũi và thích hợp với xã hội đa diện hơn.
-     Chiều kích sứ vụ: Sự hiện diện của di dân nghèo khổ kêu gọi ý thức bác ái huynh đệ nơi các cộng đoàn Giáo hội tiếp nhận. Trong việc phục vụ di dân, như kinh nghiệm làm chứng, cũng tạo dịp để cộng tác chung vai sát cánh với các tôn giáo bạn và các tổ chức thiện nguyện xã hội, một dạng thực tế của đối thoại liên tôn và đại kết; sự hiện diện của Kitô hữu di dân trong nhiều môi trường không Công giáo nhiều khi lại là cơ may truyền giáo quí giá được ban tặng cho Giáo Hội Việt Nam. Vì thế cần gây ý thức làm chứng cho các giá trị Tin mừng nơi các anh chị em di dân trong các môi trường sống và làm việc mới. Cũng vậy việc phục vụ các di dân không phân biệt tôn giáo có thể gieo vãi hạt giống Tin mừng trong lòng nhiều người.
-     Chiều kích hiệp thông: Trước hết, di dân có thể trở thành sợi dây nối kết và đối thoại hữu hiệu giữa 26 giáo phận trong nước, nhất là giữa các giáo phận gốc nơi người di dân xuất phát và giáo phận tiếp nhận. Thứ đến, trong hoàn cảnh các cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam tản mát tại nhiều nơi trên thế giới, thúc đẩy mối hiệp thông và cộng tác giữa Giáo Hội Việt Nam trong nước với các Cộng Đoàn Dân Chúa Việt Nam hải ngoại là điều thật cần thiết. Điều này sẽ giúp nhiều cho văn hóa và truyền thống Công giáo Việt Nam được phát triển sâu rộng hơn. Thực tế hơn nữa là xây dựng tình hiệp thông trong chính các cộng đồng giáo xứ nơi người di dân đến. Cộng đồng giáo xứ phải là môi trường hội nhập thích hợp để tiếp đón, gặp gỡ và trợ giúp di dân đặc biệt về phương diện tinh thần.
Như vậy, dựa trên nền tảng Kinh Thánh và các giáo huấn về xã hội, cũng như bằng chính kinh nghiệm như là một Giáo hội lữ hành trên trần gian, một mặt Giáo hội Công giáo phải nói lên tiếng nói của mình đại diện cho những người bị cho là “thấp cổ bé họng” và những người mà phẩm giá của họ không được tôn trọng. Mặt khác, từng Giáo hội địa phương có những đường hướng mục vụ cụ thể ngõ hầu giúp đỡ những người di dân hội nhập trọn vẹn trong một bối cảnh xã hội và văn hóa mới mới mà không đánh mất đức tin và niềm hy vọng, vốn là những tài sản quý giá mà những người di dân mang theo mình. Vì họ biết rằng nhờ đức tin và niềm hy vọng, họ có thể “đối diện diện với hiện tại, một hiện tại cho dẫu là đầy bi kịch, nhưng vẫn có thể được sống và được đón nhận nếu nó dẫn chúng ta đến một mục tiêu, nếu chúng ta chắc chắn về mục tiêu này, và nếu mục tiêu này đủ lớn để minh chứng cho hành trình của chúng ta”.[11]




[1] Đức Benedictô XVI, Caritas In Veritate (29.06.2009), số 62 có trên: http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20090629_caritas-in-veritate_en.html.
[2] Ibid.
[3] Xc. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Quốc Tế Di Dân lần thứ 85, 02.02,1999, số 4.
[5] Đức Piô XII, Exsul Familia (01.08. 1952),  http://www. papalencyclicals.  net/Pius12/p12exsul.htm.
[6] Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, số 6.
[7] Đức Gioan XXIII, Pacem in Terris, (11.04.1963), http://www.vatican. va/holy_father/john_xxiii/encyclicals/documents/hf_j-xxiii_enc_11041963 pacem_en.html
[9] http://www.dongthanhthe.net/index.php?option=com_content&view= article&id=55%3Atham-lun-ca-y-ban-giam-mc-v-mc-v-di-dan&catid=44%3 Achia-s-tin-mng-cn-a&Itemid=28.
[10] Ibid.
[11] Đức Benedictô XVI, Spe Salvi (30.11.2007), số 1, có trên: http://www. nvatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc 20071130_spe-salvi_en.html. 

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn