“Ta Là Khách Lạ, Chúng Con Đã Tiếp Đón”(Mt 25,35)


Suy nghĩ về thách đố 

đối với công tác mục vụ di dân

                                                                             Tương tự như hành trình về Đất Hứa ngày xưa, 
con đường tìm kiếm lẽ sống còn
của di dân và người tị nạn hôm nay
cũng phủ đầy chông gai, trắc trở. 
Nơi đất khách quê người,
thân phận kẻ tha phương cầu thực mọi nơi mọi thời
đều gắn liền với trăm ngàn nỗi đắng cay, tủi nhục ê chề. 
Tu Sĩ Phan-xi-cô X. Nguyễn Văn Nhứt, OP.


A.    Một Xã Hội Di Dân
a)Di Dân Lao Động Ở Nước Ngoài
Tháng 8 năm ngoái, cảnh sát Nga khám xét nhà máy Vinastar ở ngoại ô Mát.cơ-va, nơi chuyên sản xuất hàng may mặc, sau khi được tin phóng viên BBC cho biết công nhân người Việt làm ở đây bị đối xử như nô lệ. Công nhân phải làm việc và sinh sống trong điều kiện thiếu an toàn, không hợp vệ sinh, không được ăn uống đầy đủ. Chính quyền Nga đã trục xuất 70 công nhân trở về Việt Nam vì những người nầy không có giấy tờ hợp pháp, mặc dù nhiều người phải vay nợ lo chạy giấy tờ từ các cơ quan hợp tác lao động để được qua Liên Bang Nga kiếm sống.  Được biết đây không phải là nhà máy duy nhứt có điều kiện lao động khắc nghiệt ở Liên bang Nga.[1]
Đây cũng tất nhiên không phải là toàn cảnh bức tranh, mà chỉ là một góc nhỏ, mô tả tình trạng di dân vì lý do kinh tế của xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ trong một mảng đơn lẻ như vậy, thân phận khốn cùng của người dân lao động Việt Nam đang phiêu dạt tìm kế sinh nhai trên khắp thế giới cũng được phơi bày một cách trần trụi, đau xót. 
Nỗi nhọc nhằn, đau khổ, và tủi nhục trong mồ hôi, nước mắt - có cả máu nữa -của di dân lao động ở nước ngoài cũng nhiều và thiên hình vạn trạng như con số nhiều trăm ngàn và có thể là hàng triệu của họ, nhiều ngành nghề, nhiều điều kiện làm việc, nhiều cách đối xử của giới chủ, nhiều thái độ giao tiếp của đồng nghiệp, nhiều phản ứng của người dân và chính quyền địa phương. Nhiều trường hợp việc làm và kể cả đời sống của người di dân lao động bị ảnh hưởng chẳng những do tình hình kinh tế, mà còn tùy thuộc vào các diễn biến chính trị, ngoại giao nữa. 
Không ít người trong số họ - vô tình do hoàn cảnh phức tạp đưa đẩy hoặc chủ tâm chọn lựa vì động lực khó cưỡng của đồng tiền - phải bán rẻ nhân phẩm, hay bị vướng vào đường dây làm ăn phi pháp.
b)  Di Dân Lao Động Trong Nước
Những tưởng đồng bào người Việt tha phương cầu thực mới phải rước vào thân bao nỗi khốn khổ trên đời để có chút gì gởi về trợ giúp gia đình. Rốt cuộc, ngay tại quê hương của mình, có biết bao người lao động nghèo đang bị bóc lột, bị giới chủ bất lương đối xử như nô lệ, bị những băng đảng tàn ác cưỡng bức bán cả thân xác.
Mới giữa tháng 8 năm nay, có tin Quỹ Cứu Giúp Trẻ Em Blue Dragon (Thanh Long) kết hợp với chính quyền Việt Nam giải cứu nhiều trẻ em bị nhốt trong các xưởng may tại Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc như nô lệ.   Nhiều em khác bị các tổ chức tội phạm buộc phải đi ăn xin, hoặc làm điếm.  Những em bé nầy là con các gia đình nghèo từ vùng dân tộc miền núi, được nhiều môi giới tìm đến tận nơi tuyển mộ.  Lời hứa hẹn sẽ giúp các em được học chữ, học nghề và có công ăn việc làm thu nhập khá khiến cha mẹ các em tin tưởng giao con cái cho bọn buôn người.  Một khi đã bị đưa vào Sài Gòn, các em hoàn toàn bị cắt đứt mọi liên lạc với gia đình.
Từ năm 2005 đến nay, có 230 nạn nhân trẻ tuổi được giải cứu, trong số nầy 25% là từ các xưởng may tại Thành phố Hồ Chí Minh.[2] 
Thông tin nầy tiết lộ một thực tế đáng sợ, chẳng những đối với các trẻ em bị cưỡng bức lao động, bị xâm hại nhân phẩm, bị buôn bán như nô lệ, mà còn đối với mọi người Việt Nam quan tâm đến tương lai đất nước.   Không còn nghi ngờ gì nữa: yếu tố tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa, đã xâm nhập vào xã hội Việt Nam.
Nỗi lo sợ càng tăng lên nhiều lần theo con số các em sinh viên học sinh, công nhân trẻ từ các thôn làng vùng quê đổ xô về các thành phố lớn để tìm cơ hội học hành, làm việc tốt hơn.  Không được gia đình hay xã hội bảo vệ, các em dễ dàng trở thành con mồi cho bao loại hổ báo, kền kền chờ chực cắn xé.           
B.      Một Hội Thánh Di dân
Thực trạng di dân lao động đang diễn ra mạnh mẽ trong xã hội, tạo ra nhiều vấn đề, nhiều thách đố như an ninh, trật tự, mạng lưới tội phạm, ô nhiễm môi trường sống, bên cạnh những cơ hội giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm làm việc, trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ một thế giới đa nguyên, đa dạng.
Thực trạng đó cũng đồng thời xảy ra trong Hội Thánh, bởi vì đàn chiên của Chúa cũng chính là những công dân của một xã hội đang ngày đêm chật vật bươn chải giành giật nhau từng miếng cơm manh áo.  Bởi vậy, những cơ hội  phát triển lẫn những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đang chi phối xã hội ra sao thì chúng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tương lai của Hội Thánh.
Không còn là cá biệt nữa trường hợp một giáo xứ vùng quê, với truyền thống giữ đạo lâu đời, với nề nếp kinh hạt, lễ bái trọng thể, đông vui, nay đành chịu cảnh dìu hiu, vắng vẻ, chỉ còn lác đác một vài cụ già đi lễ ngày chúa nhựt, đi ngắm Mùa Thương Khó, vì thanh niên trai tráng đều đi xa làm ăn hoặc học hành hết cả.  Mỗi năm may còn dịp Tết, đám trẻ được nghỉ học, nghỉ làm trở về giúp cho sinh hoạt giáo xứ sống lại dăm ba bữa. 
Con chiên đi lao động hoặc học tập xa trở về mang theo tiền của và kiến thức, giúp cải thiện đời sống kinh tế và trí thức của giáo xứ.  Nhà dân và nhà Chúa trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn.  Giáo xứ dần dà cũng có nhiều con chiên khoa bảng, leo lên những bậc thang cao ngoài xã hội lẫn trong Hội Thánh. 
Nhưng bên cạnh đó, họ cũng du nhập về không ít những thứ làm đau đầu các vị chủ chăn.
Trên trang mạng một giáo phận miền Tây Nam Bộ, người ta đọc thấy thông tin như sau về một giáo xứ có lịch sử thành lập lâu đời từ thời các thừa sai người Pháp.  Xin được trích nguyên văn để có thể cảm nhận nét mộc mạc ngay trong văn phong của người viết:
Họ chánh Bãi Xan (trừ các họ nhánh) số giáo dân có khoản 3500 người lớn nhỏ. Trong số này có trên 500 người đi làm ăn xa, đa số là những người trẻ. Gần hết những người đi làm ăn là trễ nải, đạo hạnh lôi thôi.[3]
Thông điệp vắn gọn nói trên hình như tiết lộ - mà cũng có thể là than phiền và báo động - tình trạng không còn êm đềm, bình an cố hữu ở một họ đạo truyền thống.  Một khi ngôi nhà thờ bằng gạch thẻ, mái ngói rêu phong, nằm dưới bóng mấy cây sao cổ thụ đã nhường chỗ cho một cấu trúc bê-tông tân kỳ, trang bị dàn âm thanh ánh sáng hiện đại, thì không nhiều cũng ít truyền thống phải lùi bước trước sức lấn lướt của cái mới, cái lạ, gồm cả hai mặt phải và trái của nó. 
a)     Dấu Chỉ Thời Đại
Thông tin không chỉ để than phiền hay báo động, mà còn giúp cho người tín hữu Chúa Ki-tô, nhứt là những ai có trách nhiệm đối với lẽ tồn vong của Hội Thánh - tất yếu cũng là của quê hương, đất nước - phải “đọc thấy thời điềm”[4] và tìm ra phương án hành động hữu hiệu dưới ánh sáng đức tin, đặt trọn niềm tín thác vào quyền năng của Đấng vẫn đang hiện diện trong Hội Thánh.[5]
Được trang bị tinh thần tin tưởng và lạc quan như vậy, Ki-tô hữu nhận thấy sứ vụ của Hội Thánh đang đứng trước những thách đố sau đây:
b)  Một Thế Giới Thu Hẹp Mọi Khoảng Cách
Hiệu ứng toàn cầu hóa đang tác động trên xã hội, khiến cho thế giới hiện nay trở thành một ngôi làng nhỏ, nơi bất kỳ một biến cố quan trọng hay một chuyện đời thường cũng đều được mọi người thông tri chia sẻ.  Với sức mạnh của truyền thông đại chúng như truyền hình vệ tinh, internet, tin tức được truyền tải nhanh như chớp và được giao tận phòng riêng của mọi người.  
c)     Một Nhân Loại Thu Hẹp Mọi Dị Biệt
Hiện tượng di dân lao động cũng có tác dụng giao lưu như truyền thông kỹ thuật số, nhưng mạnh mẽ hơn, sống động hơn, và tất nhiên hữu hiệu hơn, vì là cuộc giao tiếp giữa con người với nhau, sống động, trực diện, không qua trung gian máy móc.
Người dân sống ở nông thôn, hoặc ở vùng biển đảo xa xăm, không cần phải cất công chịu bao tốn kém để đến tận các thành phố mà quan sát, học hỏi, hoặc thưởng thức những tiện nghi, những tiến bộ mới lạ.  Hàng xóm, hoặc chính người nhà, sẽ cung cấp mọi chứng cớ thuyết phục từ kinh nghiệm tai nghe mắt thấy của họ.
Đối lại, dân thành thị cũng không cần mất giờ—và cũng là mất tiền bạc—lặn lội về đồng quê, hay lên rừng xuống biển để hiểu biết được thực tế đời sống, phong tục tập quán ở những địa phương ấy. Chính bạn học, đồng nghiệp từ mọi miền đất nước sẽ cung cấp thông tin rất thật, rất cập nhựt về mọi vấn đề được quan tâm.  
d)     Phản Ứng Khôn Ngoan
Vấn đề bây giờ là phải biết xử lý thông tin, chọn lọc và tiếp thu với tinh thần phê phán và có trách nhiệm, chứ chẳng lẽ mất công sức—một cách vô bổ—dựng tường lửa bưng bít, ngăn chặn.  Quả tình có một thời nhân danh việc bảo tồn bản sắc một cộng đồng, truyền thống một địa phương, thậm chí  nhân danh công cuộc  bảo vệ công ăn việc làm cho dân địa phương, người ta thực hiện chính sách ngăn sông cấm chợ, nội bất xuất, ngoại bất nhập.  Biết bao thảm họa do thái độ bảo thủ quá khích gây ra, như nạn kỳ thị đối với người khác màu da, chính kiến, tín ngưỡng, coi di dân như mối đe dọa an ninh xã hội, như gánh nặng kinh tế.
Do ngân sách eo hẹp, chúng ta chứng kiến nào là những biện pháp thắt lưng buộc bụng đang đối xử bất công với di dân lao động, nào là lý lẽ hùng biện xuất phát từ não trạng sợ hãi người ngoại quốc đang đổ dầu vào đám lửa bạo lực chống lại di dân bất hợp pháp, nào là dự luật về di trú cho phép cảnh sát được lập hồ sơ người di dân một cách vô tội vạ.  Trong những cơn thoái trào kinh tế nầy, cần nhớ là toàn bộ các khu vực kinh tế đều lệ thuộc vào di dân lao động và các chủ doanh nghiệp di dân giúp tạo ra công ăn việc làm.[6]       
Quan trọng hơn hết cần chuẩn bị chu đáo 2 động tác hỗ tương; trao và nhận thông tin.  Đây là những yêu sách tối cần của một cuộc đối thoại chân chính.  Mỗi bên phải còn là chính mình, trong khi sẵn sàng mở ra với tha nhân.  Tương ái, tương kính không đồng nghĩa với vị nể và thỏa hiệp. Đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo, đối thoại chân chính không được phép kết cục bằng chủ trương tương đối hóa niềm tin, cào bằng mọi giá trị luân lý và tâm linh.   
e)     Một Hội Thánh Di Dân
Do đặc tính là một cộng đoàn Dân Chúa đang trên đường hành hương về quê trời,
Hội Thánh là nơi mà trong Chúa Ki-tô tất cà chúng ta được mời gọi đến và ở đó chúng ta được nên thánh nhờ ân sủng Chúa, Hội Thánh ấy chỉ thành toàn trong vinh quang trên trời, khi đến thời canh ân mọi sự, và cũng là lúc cùng với nhân loại, toàn thể vũ trụ, vì được liên kết mật thiết với con người và nhờ con người mà đạt được cùng đích của mình, sẽ được tái tạo trọn vẹn trong Chúa Ki-tô.[7]
Hội Thánh vừa dang rộng tay đón nhận nhân loại cùng với tất cả mọi vui buồn, sướng khổ của cuộc đời,
Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhứt là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ.[8]
vừa phải dứt khoát chọn lựa một điều tối cần mà thôi:[9] “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.”[10]    
Chúa Ki-tô nêu gương của một sứ giả Tin Mừng liên tục lên đường, không chấp nhận việc xây thành trì thường trú trên trần thế nầy, nhưng phải hăm hở tiến về Thành Thánh Giê-ru-sa-lem, nơi Người sẽ hoàn tất Hiến Tế Thập Giá dâng lên Thiên Chúa Cha vì Ơn Cứu Độ muôn dân. [11]   Lựa chọn của Chúa trở nên quyết liệt đặc biệt qua lời tuyến bố “Nước Ta không thuộc về thế gian nầy.”[12]
Tuy phải có trách nhiệm cùng với lòng trắc ẩn của Người Sa-ma-ri Nhân Hậu trước lẽ sống còn của đồng loại và của cả tạo thành, nhưng Hội Thánh Di Dân không bị ràng buộc vào bất kỳ một giá trị trần thế cá biệt nào, và cũng không cho phép hành trang của mình càng ngày càng trở nên cồng kềnh, nặng nề khiến bước chân bị trì trệ, tinh thần bị chểnh mảng thiếu tỉnh thức, mất cảnh giác, tầm nhìn về Ngày Cánh Chung, Điểm Hẹn với Đấng Phục Sinh, bị thu hẹp, thậm chí bị lẫn lộn.
Xét theo tính chất lữ hành, Hội Thánh luôn sống lại kinh nghiệm của Biến Cố Vượt Qua—sau Biển Đỏ rồi lại Sa Mạc—của cả thời Cựu Ước lẫn Tân Ước.  Ngay cả việc phụng tự Thiên Chúa—thể theo chính Thánh Ý của Người—cũng được thực hiện theo bối cảnh dã chiến.  Song có cơ sở nào để phủ nhận tính chất trang trọng, bầu khí linh thánh của Phụng Vụ Di Dân so với lễ bái hoành tráng trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem?
Áng văn bất hủ ca tụng quyền năng của Thiên Chúa Đấng Giải Cứu Đoàn Dân Nô Lệ, đường hoàng dẫn đầu đám Di Dân khổng lồ băng qua Biển Đỏ, được Thủ Lãnh Mô-sê cảm tác và do toàn dân trình tấu ngay tại bờ bên kia, bờ của Tự Do, lúc cuộc Xuất Hành vừa hoàn tất:
Tôi xin hát mừng Chúa,
Đấng cao cả uy hùng,
Kỵ binh cùng chiến mã,
Người xô xuống đại dương.
Chúa là sức mạnh tôi,
Là Đấng tôi ca ngợi,
Chính Người cứu độ tôi.
Người là Chúa tôi thờ,
Xin dâng lời vinh chúc,
Người là Chúa tổ tiên,
Xin mừng câu tán tụng.[13]
Phụng Vụ Đêm Phục Sinh—Lễ Vượt Qua của Ki-tô giáo—trọng thể dường nào, linh thánh biết mấy, mà cũng không nghĩ cần phải tìm một sáng tác mời để thay thế!
Không còn chút nghi ngờ gì nữa: Một Hội Thánh Di Dân là giải pháp cho Một Nhân Loại Di Dân.
C.    Ta Là Khách Lạ
Trong những thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thề kỷ 21, do các biến cố lớn về chính trị, kinh tế và xã hội trên thế giới—nhứt là tình hình leo thang của bạo lực chiến tranh và khủng bố—vấn đề di dân và tị nạn đã trở thành một chính sách quan trọng hàng đầu của các quốc gia và của chính cơ quan Liên Hiệp Quốc.  Dòng người không có quãng cách liên tục bồng bế nhau từ bỏ nhà cửa ruộng vườn, ra đi với 2 bàn tay trắng, để chạy trốn chiến tranh, chạy trốn bất công, đàn áp, khủng bố dưới ách độc tài, chạy trốn cả thiên tai, mong tìm một nơi trú thân, tìm cả cơm bánh và tự do.  Hình ảnh nầy gợi lại Cuộc Xuất Hành vĩ đại của hàng ngàn năm trước.
Tương tự như hành trình về Đất Hứa ngày xưa, con đường tìm kiếm lẽ sống còn của di dân và người tị nạn hôm nay cũng phủ đầy chông gai, trắc trở.  Nơi đất khách quê người, thân phận kẻ tha phương cầu thực mọi nơi mọi thời đều gắn liền với trăm ngàn nỗi đắng cay, tủi nhục ê chề.  Bất kể ở tuổi tác nào, giới tính nào—dễ tổn thương nhứt là phụ nữ và trẻ em—người di dân và tị nạn luôn là nạn nhân của mọi hình thức lạm dụng, bóc lột, áp bức vô cùng dã man, nham hiểm, và ác tà.
Nhắm đến một hành động có tính toàn cầu trước làn sóng di dân càng lúc càng dâng cao, ngày 4 tháng 12, năm 2000, Liên Hiệp Quốc công bố 18 tháng 12 là Ngày Quốc Tế Di Dân.  Trước đó, ngày 18 tháng 12, năm 1990, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận Công Ước Quốc Tế Về Việc Bảo Vệ Quyền Lợi Của Tất Cả Các Di Dân Lao Động Và Các Thành Viện Của Gia Đình Họ.[14] 
Nếu phản ứng thích đáng và công bình của xã hội ngày nay trước hiện tượng di dân lao động là chẳng những rộng cửa chào đón họ vì lòng nhân ái, mà còn chân thành bộc lộ từ cõi lòng, từ con tim của mình, lời “Cảm Ơn”, thì thiết nghĩ thái độ của Hội Thánh—Hội Thánh Lữ Hành—ở mọi cấp độ cũng thật hợp tình hợp lý khi dang tay ôm lấy người di dân—bất luận là giáo hay lương—và tiếp đãi, phục vụ với lòng trìu mến lẫn biết ơn vì chẳng những họ đã tín nhiệm dành cho Hội Thánh vinh dự được đón tiếp và phục vụ họ như đón tiếp và phục vụ chính Chúa Ki-tô: “Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước”,[15] song đặc biệt hơn, bằng việc hiện diện sống động của họ với tư cách một nhân vị, bừng cháy khát vọng tìm kiếm không chỉ cơm bánh mà còn các giá trị tinh thần xây nên hạnh phúc chân thật, giúp củng cố thêm xác tín của Cộng Đoàn Dân Chúa vào quyền năng của Chúa Ki-tô và sứ vụ của Hội Thánh.
Người di dân và người tị nạn có thể cảm nhận ra, bên cạnh những khó khăn, là các mối tương quan mới và thân ái, nhờ đó họ được khích lệ dùng tài năng chuyên môn, di sản xã hội và văn hóa của minh mà làm cho quê hương mới trở nên phong phú, và không phải là hiếm có trường hợp chứng từ đức tin của họ còn đem đến năng lực và sức sống cho các cộng đoàn vốn giữ truyền thống Ki-tô giáo kỳ cựu, kêu mời người khác đến gặp gỡ Chúa Ki-tô và hiểu biết Hội Thánh.[16]
Hiện diện bằng xương bằng thịt của Di Dân trong Hội Thánh giúp cho sáng tỏ hơn dung mạo của Một Hội Thánh Lữ Hành.  
Nếu như cộng đoàn Hội Thánh ở nhiều cấp độ đã kiên trì trong nhiều năm qua thực hiện “Tiếp Sức Mùa Khai Trường”, “Tiếp Sức Mùa Thi” đón tiếp, phục vụ Di Dân Học Sinh, Di Dân Sinh Viên, hoặc bung rộng cửa “nhà mở”, “nhà lưu xá” cho Di Dân Lao Động tá túc, thì nên chăng thử phác thảo một chương trình dài hơi hơn nữa để nâng mức độ phục vụ lên khỏi tầm “tình huống”.[17] 
Khi phải quan tâm chăm lo cho di dân và người tị nạn, Hội Thánh và các tổ chức của Hội Thánh cần phải tránh chỉ phục vụ họ theo hình thức từ thiện mà thôi.  Nên mời gọi họ tích cực tham gia vào một xã hội, trong đó mọi người đều là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với thiện ích của nhau, cùng quảng đại cống hiến một cách sáng tạo và chia sẻ một cách hợp pháp những quyền lợi và nghĩa vụ như nhau.[18]     
Theo thông lệ, chẳng ai muốn cơ quan xí nghiệp, đoàn thể, hoặc cộng đoàn gia đình, giáo xứ mình bị xáo trộn, bất ổn và trăm thứ phiền toái khác, khi tiếp nhận người làm, hay thành viên di dân, do họ không có trú quán cố định.  Họ giống như dân du mục, cuộc sống rày đây mai đó, tùy thời tiết, tùy vụ mùa, tùy hợp đồng làm việc, hoặc tùy việc học tập, thi cử ở trường.
Nhưng với tinh thần đồng loại, với tình yêu đồng bào, và nhứt là với đức tin và đức ái Ki-tô giáo, những rào cản, những chướng ngại, những bức tường ngăn cách có thể được vượt qua hoặc san bằng.
Mọi người, bất kỳ thuộc thành phần xã hội, chính kiến hay tín ngưỡng nào, mọi cộng đoàn gia đình, đoàn thể, giáo xứ hay dòng tu, xin mở rộng vòng tay đón tiếp di dân và người tị nạn, và giúp họ hội nhập một cách tích cực và trọn vẹn vào quê hương trú sở mới.
Các gia đình, các giáo xứ, các dòng tu cùng có kế hoạch giáo dục đức tin, nhân bản, và huấn luyện nếp sống đạo chân chính cho các thành viên của mình, nhứt là giới trẻ và thiếu nhi, để dầu có phiêu bạt đến chân trời nào, họ vẫn vững vàng bản lãnh, gìn giữ mọi phẩm chất nhân văn và tôn giáo của mình, có thể tự thích ứng, hội nhập, không chỉ để sống sót mà còn để phục vụ cho cộng đồng quê hương, cộng đồng nhân loại, và đặc biệt là cộng đồng Hội Thánh.
Còn lại một câu hỏi là liệu Hội Thánh ở mọi cấp độ có sẵn sàng bước vào một cuộc Lữ Hành vĩ đại cùng với Đoàn Dân Chúa tiến về điểm hẹn của Ngày Cánh Chung với Chúa Ki-tô hay không?



[1] Theo tin BBC Tiếng Việt ngày 14 tháng 8, năm 2012.
[2] Theo tin của phóng viên Marianne Brown trên mạng BBC tiếng Việt ngày 25 tháng 8, 2013.
[3] Trích website của Giáo Phận Vĩnh Long, tháng 8 năm 2013.
[4] Xin coi Mt 16:3.
[5] Xin coi Mt 28:20.
[6] Trích Thông Điệp của Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, nhân Ngày Di Dân Quốc Tế, 18 tháng 12, năm 2012.
[7]  Ánh Sáng Muôn Dân, số 48.
[8] Vui Mừng Và Hy Vọng, số 1.
[9] Xin coi Lc 10:42.
[10] Mt 6:33.
[11] Xin coi Mt 16:21; 17:4.9.
[12] Ga 18:26.
[13] Xh 15:1-2.
[14] Trích trang mạng của Cơ Quan Liên Hiệp Quốc.
[15] Mt 25:35.
[16] Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Nhân Ngày Di Dân Và Ti Nạn Thế Giới Năm 2013.
[17] Theo cụm từ La Tinh “ad hoc” chỉ nhắm đến một mục tiêu nhứt thời.
[18] Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Nhân Ngày Di Dân Và Ti Nạn Thế Giới Năm 2013.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn