Lời Khấn Nguyền Với Chúa, Tôi Xin Giữ Trọn (Tv 115, 18)

Con người thời đại 
đang bị khủng hoảng về căn tính của mình,
cơn khủng hoảng ấy cũng là thách đố
của người tu sĩ hôm nay.
Tuyên khấn sống ba lời khuyên Tin mừng,
chính là cách thế người tu sĩ tìm lại căn tính của mình,
tìm lại yếu tố làm nên người tu sĩ.
Sống ba lời khuyên này, cũng chính là người tu sĩ
đang sống ba nhân đức hướng thần: tin, cậy, mến.
Quốc Văn, OP.

Lời Chúa: Mt 8,18-22
Thấy xung quanh có đám đông, Đức Giêsu ra lệnh sang bờ bên kia. Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng:“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Đức Giêsu trả lời:“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”.
Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã”. Đức Giêsu bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”.
 Dẫn nhập
Trong bài này, xin chia sẻ với quý độc giả về ba lời khấn. Qua ba lời khấn, chúng ta dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân. Tuy nhiên, cùng hoà nhịp với dòng đời, cùng dấn thân với mọi người, nhưng sự dấn thân của người tu sĩ mang một ý nghĩa đặc biệt, trong một danh xưng mới mẻ, khi họ tuyên khấn ba lời khuyên Tin mừng. Trong lá thư gởi toàn Dòng Đaminh, tháng 4 năm 1994,[1] cha Timothy Radcliffe đã làm nổi bật ý nghĩa ba lời khấn của người tu sĩ, cách riêng là tu sĩ Đaminh; những lời khấn ấy có sức giải phóng mãnh liệt, để người tu sĩ có thể hân hoan hiến thân phục vụ mọi người. Sự dấn thân ấy chính là dấu chỉ của một đức tin son sắt, của niềm hy vọng tha thiết, và của đức mến nồng nàn. Tất cả đều nhằm loan báo một Vương Quốc Thiên Chúa đang hiện diện giữa lòng nhân loại hôm nay.
I. Lời mời gọi dấn thân trong đức vâng phục:
   sống chiều kích đức tin
1. Lội ngược dòng với tâm thức của thời đại
Lời khấn vâng phục chính là một lời tuyên xưng đức tin, là một cuộc lao mình vào vực thẳm. Có thể ví hành vi tuyên khấn của người tu sĩ như hành vi của tổ phụ Abraham, cất bước ra đi mà chẳng biết mình đi đâu. Lời khấn dẫn chúng ta tới chân trời nào, điều đó không nằm trong dự phóng riêng tư của mỗi người.
Trong một thế giới đề cao sự tương đối, và khao khát tự do, thì lời khấn tuân phục trở thành một “cớ vấp phạm” cho nhiều người. Tuyên khấn vâng phục, chính là lúc chúng ta đối đầu với định mệnh của mình, là lúc đặt vận mạng mình trong tay anh chị em mình. Nếu nói theo ngôn ngữ của cha Timothy, đây chính là “hành vi tạ ơn của một sự tự do điên rồ”. Tuy nhiên, chính sự tự do điên rồ ấy, giúp ta đối diện với một vấn đề cốt thiết: chúng ta đang khao khát một thứ tự do nào? Thứ tự do hào hùng của con cái Thiên Chúa; hay thứ tự do mà thế gian hứa hẹn, mời chào? Để có thể đón nhận được tự do như một quà tặng đích thật từ Thiên Chúa, ta phải biết ngỡ ngàng và khám phá, khi tự do ấy chính là hoa quả của sự vâng phục cao độ.
Đức Giêsu có một thứ tự do rất kỳ lạ: tự do khi trao hiến mạng sống mình, khi chân tay bị đóng vào thập giá, khi được dương cao khỏi mặt đất, khi được vùi sâu trong huyệt mộ, khi trở thành tấm bánh bẻ ra trao ban cho mọi người. Đó cũng phải là thứ tự do của chúng ta, tự do khi tự “ràng buộc” mình trong lời khấn. Chúng ta đang lội ngược dòng với tâm thức của thời đại; quả thật, vâng phục gay go!
2. Vâng phục: sự từ bỏ gay go nhất,
          từ bỏ chính mình
Một nét rất đặc trưng của anh em Đaminh, là anh em chỉ tuyên đọc một lời khấn duy nhất, lời khấn vâng phục. Bên các chị thì khác, tuy nhiên đều cốt lõi ở đây là lời khấn này đụng chạm sâu thẳm đến “cái tôi” của chúng ta. Người ta có từ bỏ điều gì, thì cũng là từ bỏ những cái bên ngoài mình; nhưng một khi từ bỏ cái tôi, là sự từ bỏ sâu xa nhất, từ bỏ chính con người của mình. Chính nhờ sự từ bỏ ấy, chúng ta tận hiến cho Thiên Chúa, và có thể làm trống rỗng chính mình để kết hợp mật thiết với Thiên Chúa hơn. Hiến pháp Anh Em Đaminh dạy rằng:
Trong các lời khấn (diễn tả) các lời khuyên (Tin mừng), thì tuân phục trổi vượt hơn cả, vì nhờ lời khấn này, con người chúng ta được tận hiến cho Thiên Chúa, và những hành vi lời khấn thì gần với mục đích của việc tuyên khấn là sự trọn lành của đức mến hơn. Sau hết nhờ lời khấn này, chúng ta đồng thời lãnh nhận tất cả những gì liên quan đến đời sống tông đồ.[2]
Nếu chúng ta chỉ nhìn theo góc cạnh tiêu cực, thì quả thật lời khấn vâng phục là một thách đố quá lớn, là bức vạn lý trường thành ai có thể vượt qua được; tuy nhiên, lời khấn không chỉ dừng lại như một sự mất mát, nuối tiếc, mà còn mở ra cho chúng ta chân trời mới, chân trời tự do và ân phúc.
Vì chính nhờ tuân phục, chúng ta được liên kết với Đức Kitô và Hội thánh, nên bất cứ sự vất vả và hy sinh nào chúng ta chịu để chu toàn lời khấn này đều như kéo dài lễ phẩm của Đức Kitô và có giá trị hiến tế cho cả chúng ta lẫn Hội thánh, trong đó bao gồm toàn thể công trình sáng tạo.
3. Tìm ý Chúa qua ý Bề trên, ý cộng đoàn
Khi khấn tuân phục, chúng ta tự nguyện từ bỏ ý riêng để sống theo ý Chúa qua ý Bề trên và cộng đoàn. Vấn đề khó khăn của chúng ta là, Bề trên cũng là con người chứ không phải là Chúa; do vậy nhiều khi ý Bề trên cũng là ý con người, rất con người nữa là khác! Còn cộng đoàn, chín người mười ý, đâu là ý Chúa? Và dẫu cho rằng đa số anh/chị em đều đồng thuận, thì đâu phải lúc nào chân lý cũng thuộc về số đông!
Chúng ta tuân phục, nhưng không phải “tuân phục như xác chết”, không “vâng lời tối mặt”, không “trồng cây chuối ngược”, mà là vâng phục trong sự lắng nghe, đối thoại. Khởi đầu của sự vâng phục đích thực chính là thái độ chúng ta biết lắng nghe. Cha Timothy đã trích lại lời của Herbert McCabe rằng: “Trong truyền thống chúng ta, tuân phục mù quáng cũng giống như học hỏi một cách mù quáng. Một cộng đoàn tuân phục hoàn toàn là một cộng đoàn trong đó không có ai bị ép buộc phải làm một việc gì cả.”[3]
Sự lắng nghe và đối thoại từ cả hai phía: Bề trên phải biết lắng nghe anh/chị em, tôn trọng những tài năng và đặc sủng của anh/chị em; còn anh/chị em, khi đáp lại các Bề trên của mình trong tinh thần đức tin và yêu mến đối với thánh ý Thiên Chúa, cũng như trong tinh thần cộng tác huynh đệ, hãy chân thành cảm thông với Bề trên và cố gắng chu toàn một cách tích cực và cẩn thận những điều các vị truyền. Nét độc sáng của Dòng Đaminh là Hiến pháp không buộc thành tội. Sự tự do của chúng ta thênh thang thế đấy!
II. Lời mời gọi dấn thân trong đức khó nghèo:
     sống chiều kích đức cậy
1. Một thoáng nhìn về đức khó nghèo
Ở Ấn Độ, người ta coi khó nghèo như một truyền thống lâu đời, coi khất thực là điều thánh thiêng; nhưng ở Châu Phi, người ta lại coi giàu sang là phúc lành của Thiên Chúa; và trong xã hội tiêu thụ Tây Phương, khó nghèo lại được quan niệm khác.
 Trước tiên chúng ta nhận thấy rằng, đề cao đức khó nghèo không có nghĩa chúng ta bần cùng hóa con người, đẩy lui sự phát triển của xã hội, làm cho xã hội trở nên nghèo nàn lạc hậu. Theo khía cạnh này, khó nghèo là điều tiêu cực, điều xấu, cần phải được khử trừ. Giáo hội, bằng mọi cách, đang ra sức làm thăng tiến con người về nhiều phương diện và không ngoại trừ những yếu tố thuộc vật chất; tạo cho họ những điều kiện sống xứng với nhân phẩm, xứng với địa vị làm con cái Chúa. Bởi chưng, của cải vốn nó không là điều gì xấu, và theo quan niệm của Cựu Ước đó là những ơn lành Thiên Chúa ban cho con người. Thế nhưng, thay vì của cải là phương tiện phục vụ cho hạnh phúc, thì con người lại biến nó thành mục đích, thành cứu cánh đời mình. Và như vậy, con người trở thành một thứ nô lệ cho tiền của.
Khó nghèo là một trong ba lời khuyên Tin mừng mà người tu sĩ tự nguyện tuân giữ. Thời đầu của Giáo hội, các đan sĩ sống khó nghèo theo tinh thần triệt để, noi gương đời sống các Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem, coi thánh Antôn như một gương sáng để cùng học hỏi và dấn thân sống đời khổ hạnh. Thời Trung Cổ, vào thế kỷ thứ XII - XIII, đặc biệt nổi bật hai mẫu gương sống đời khó nghèo là thánh Phansinh và thánh Đaminh. Thánh Đaminh coi khó nghèo là phương tiện để đạt đến sứ vụ của mình, còn thánh Phansinh thì kết thân với “Bà Chúa Nghèo,” khó nghèo như thể là mục đích, là con đường duy nhất theo Chúa Kitô: “Nudus Nudum Christum sequi,” “trần trụi để theo Đức Kitô trần trụi.” Đến thời hiện đại, trước hiện tượng nghèo đói lan tràn, trong đời tu đã hình thành ít là hai quan điểm về đời sống khó nghèo:
- Sống khó nghèo nghĩa là đồng hóa với dân nghèo, chia sẻ cảnh bấp bênh thiếu thốn của họ. Tiêu biểu cho lối sống này là cha Charles de Faucauld.
- Quan điểm thứ hai về sống nghèo có nghĩa là dấn thân bênh vực người nghèo, cộng tác vào việc giải phóng họ khỏi cảnh nghèo túng. Ta thấy luồng tư tưởng này được nhấn mạnh ở Châu Mỹ Latinh.
Ngày nay, người tu sĩ coi khó nghèo là:
Một lối sống trung thực làm sao cho phù hợp với hình ảnh chúng ta mong muốn trở nên trong tư cách cá nhân cũng như hội Dòng. Chấp nhận sống nghịch với văn hóa chung quanh và như vậy phản bác lại những gì mà nền văn hoá chúng ta coi là cốt yếu cho đời sống hạnh phúc.[4]
Đức khó nghèo luôn là một lời mời gọi dấn thân, chia sẻ chính bản thân của mình ở tầm mức sâu sắc nhất. Lời khấn khó nghèo mời gọi chúng ta hoàn toàn sống phó thác vào Thiên Chúa, sống trong sự bảo đảm của tình yêu Thiên Chúa dành cho ta, hơn là tin vào sự an toàn của của cải trong Hội dòng. Càng ngày, đức khó nghèo càng được nhấn mạnh đến chiều kích yêu thương bác ái, dám mở lòng mình ra để chia sẻ với mọi người, ngay cả phải chia sẻ chính bản thân và mạng sống nữa.
2. Không ai giàu sang đến độ không cần Thiên Chúa
Lời mời gọi dấn thân trong nếp sống thanh bần, chính là chúng ta sống  chiều kích đức cậy, phó thác cho lòng quảng đại của Thiên Chúa. Trước nhan Chúa, tất cả mọi người đều nghèo khó, đều đáng thương. Cái nghèo không chỉ giới hạn vào của cải vật chất, mà còn nghèo về tinh thần, nghèo sự cảm thông, nghèo nhân đức, nghèo tri thức, nghèo lòng mến… Không ai giàu sang đến độ không cần Thiên Chúa.
Đặt mình trong vị trí của người nghèo, người tu sĩ được nhắc nhở luôn phải tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Như một đứa trẻ, hoàn toàn nghèo, tay trắng, nhưng em luôn tin tưởng vào cha mẹ của mình, em vẫn thấy mình chẳng hề thiếu thốn chi cả, nhưng nhiều khi còn thấy mình giàu có, vì biết rằng của cải của cha mẹ rồi cũng sẽ là của mình. Chúng ta có dám sống thái độ đó với Cha chúng ta, là Đấng nuôi dưỡng chim trời, và làm mưa xuống trên cả người lành và kẻ dữ không?
3. Khó nghèo vì sứ vụ
Ơn gọi của người tu sĩ Đaminh, nam cũng như nữ, ở mọi thời, mọi nơi đều là ơn gọi ngôn sứ, ơn gọi của một kẻ luôn phải cất bước lên đường. Chính Đức giáo hoàng Honorius III cũng phải công nhận:
 Thánh Đaminh và các anh em của người được tinh thần hăng say khích lệ, đã rũ bỏ những gánh nặng của những người giàu sang có ở thế gian này, và khi nhiệt thành rong ruổi đi truyền bá Tin mừng, các ngài đã nhất định thi hành nhiệm vụ giảng thuyết trong hoàn cảnh khiêm tốn của đức thanh bần tự nguyện..., để phục vụ ơn cứu độ tha nhân.[5]
Trở về với tinh thần của Dòng, chúng ta thấy rõ lối sống khó nghèo chính là lối sống của các tông đồ, các ngài luôn một lòng đi theo Đức Kitô, làm chứng và loan truyền Tin mừng của Người. Không phải ngẫu nhiên, nhưng là cả một quá trình chọn lựa, dấn thân, chúng ta bắt gặp trong Hiến pháp của Anh Em những lời này:
Tinh thần thanh bần thúc bách chúng ta đặt kho tàng của mình trong sự công chính của Nước trời với niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Đó là sự giải thoát khỏi nô lệ và ngay cả sự lo lắng về những của cải trần thế, để kết hợp với Chúa cách khăng khít hơn, phục vụ Chúa mau mắn hơn, nói về Chúa can đảm hơn. Cho nên đối với chúng ta, đó là sự cần kiệm, giúp ta thân mật liên kết với những người nghèo cần được loan báo Tin mừng, đồng thời lại là quảng đại với anh em và tha nhân; bởi chưng, vì Nước trời, chúng ta sẵn lòng chi tiêu tiền của, nhất là trong những nhu cầu học vấn và tác vụ tông đồ để trong tất cả những gì nhu cầu tạm thời đòi phải dùng, điều thuộc đức aí luôn tồn tại và trổi vượt hơn”(Tu luật thánh Augustinô).[6]
Thánh Đaminh và các anh em của người đã chọn một lối sống thanh bần thật sự cả về vật chất lẫn tinh thần. Người lữ hành không được cắm trụ nơi nào, phải luôn sẵn sàng ra đi với “gia tài là chiếc bị” và hành trang là “đôi tay trắng”, họ muốn theo sát Thầy Giêsu, một con người tự do, “không có chỗ gối đầu.” Con chim dù có được cột bằng sợi chỉ vàng, nó cũng bị tù túng, không được tự do.
Tinh thần của thánh Đaminh vẫn sống mãi và trải dài suốt tám thế kỷ. Có điều, theo dòng thăng trầm của lịch sử, theo sự thích nghi với đời sống mà con cái của thánh Đaminh mỗi thời thể hiện tinh thần đó một cách khác nhau. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lúc các tu sĩ đã biến mình thành một giai cấp trưởng giả, giàu sang. Và nguy cơ ấy, cám dỗ ấy càng mạnh mẽ trong hoàn cảnh hiện nay. Chính vì vậy người tu sĩ luôn phải phản tỉnh, tự nhìn lại mình để có thể sống và phát huy tinh thần của Dòng luôn mãi.
III. Lời mời gọi dấn thân trong đức khiết tịnh:
      sống chiều kích đức mến
1. Khiết tịnh để yêu nhiều hơn
Lời khấn khiết tịnh đụng chạm đến vấn đề “nhức nhối” nhất của con người, đó là tình cảm, phái tính, khát vọng yêu và được yêu. Thoáng qua, người ta có thể cho rằng, lời khấn này thui chột con người, biến con người thành gỗ đá. Chúng ta nên biết rằng lời khấn không phải để giữ, mà để sống; lời khấn không thui chột, nhưng thăng hoa con người; không biến con người thành gỗ đá, nhưng làm cho trái tim con người nhạy cảm hơn, yêu nhiều hơn, yêu đẹp hơn, yêu như Chúa yêu.
Cha Timothy cho rằng tội đầu tiên nghịch đến đức khiết tịnh là tội không biết yêu thương.[7] Khiết tịnh đích thực không nghĩa là chỉ có một thân xác hoàn toàn trong trắng, chưa một lần lỗi điều răn thứ sáu hoặc thứ chín. Coi chừng đó mới chỉ là xác chết khiết tịnh. Khiết tịnh không phải là một trạng thái cần phải bảo tồn, mà là một hành trình, một thái độ, một hành động mở rộng trái tim hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân.
Một anh chàng đã có vợ nhưng đi ngoại tình, dù không ai biết, nhưng lòng anh không an; anh trở về rửa chén, quét nhà, chăm sóc vợ con, như một thái độ chuộc lỗi; thiết tưởng anh chàng này vẫn giữ được sự chung thuỷ. Ngược lại, một anh khác trốn vợ đi “tòm tem” đâu đó, nhưng về nhà vẫn hý hửng, vì qua mặt được vợ mình; anh chàng này đã không còn chung thuỷ nữa. Cũng vậy, để đi vào trong tình yêu tự do và không chiếm hữu, cần phải kiên nhẫn. Chúng ta đừng vội nản chí khi gặp thất bại, khiết tịnh không phải như viên ngọc quý chúng ta xót xa vì lỡ đánh mất, nhưng là một trái tim yêu thương làm cho chúng ta có thể lớn lên. Những kinh nghiệm về giới tính hoặc những đổ vỡ trong mối tương quan có thể là cần thiết để chúng ta trưởng thành. Nói như vậy không phải là “vẽ đường cho hưu chạy” hay khuyến khích ai đó đi tìm kinh nghiệm đâu nhé! Chúng ta hãy cùng với thánh Phaolô xác tín rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người.”[8]
2. Nhân bản hơn với con người
Nền tảng của đức khiết tịnh không bao giờ có thể là sự chạy trốn, sợ hãi, khinh thường phái tính, hay mặc cảm với người khác phái. Đức Giêsu đã sống đến tận cùng phái tính của mình, khi “Ngôi lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”[9] Người đã đảm nhận thân xác của mình và đối xử nhân bản với hết mọi hạng người, từ những người đạo hạnh đến những cô gái điếm; từ những tín hữu thuần thành đến người phụ nữ Samari lai căng lạc đạo…
Lời khấn khiết tịnh không cho phép chúng ta đối xử thiếu nhân bản với con người, nhưng ngược lại, phải nhân bản hơn, thân ái hơn. Nhiều khi người ta “thất bại” không phải vì đã quá đối xử nhân bản với con người, nhưng vì đã không kiểm soát được sự dồn nén của bản thân. Đức khiết tịnh không phải là sự dồn nén. Chắc hẳn chúng ta đều đã biết câu chuyện vị hoà thượng bế cô gái qua vũng lầy như thế nào, khiết tịnh không nằm ở chỗ có đụng chạm đến cô gái hay không, nhưng là tâm có động hay không. Và đây là một giai thoại thiền khác: Một thiền sư kia tu hành lâu năm, nổi tiếng là đã đắc đạo. Một hôm, vị ân nhân muốn thử lòng thầy, nên sai một cô gái đến cám dỗ thầy. Dĩ nhiên là thầy đã cự tuyệt, lòng thầy phẳng lặng không chút gợn sóng. Và trời tối dần, bỗng nhiên sấm chớp nổi lên, mưa to gió lớn, cô gái lạnh cóng đứng ngoài cửa van nài. Lòng thầy vẫn không mảy may thương cảm. Nghe tin đó, vị ân nhân nổi giận sai đốt căn nhà, và đuổi vị thiền sư đó đi, vì người tu hành mà không có cái tâm, hoặc chưa tu cái tâm thì coi như chưa tu hành gì cả.
3. Đối diện với tiếng thì thầm của trái tim
Dẫu biết rằng tu là dâng hiến, khiết tịnh là mở lòng ra với tha nhân, là sống một tình yêu trọn vẹn mà không chiếm hữu, là nhân bản với con người, là…; nhưng chúng ta đừng quên một điều rất thật, trái tim mình đôi lúc cũng “lúc lắc”, cũng “đập sai nhịp,” cũng chứa đựng, dấu diếm bóng hình ai đâu đó. Rất cần phải đối diện với tiếng thì thầm của trái tim ta.
Như đã nói ở trên, chúng ta không sợ hãi trốn chạy, cũng không lao đầu vào tìm kiếm kinh nghiệm; nhưng chúng ta cần phản tỉnh để thấy được những gì đang diễn tiến trong trái tim mình. Ngoài việc cậy trông ơn Chúa, cũng rất cần những trợ giúp tự nhiên khác, nhất là phải khôn ngoan và trung thực với chính mình. Nền tu đức cổ vẫn khuyên rằng: “Dĩ đào vi thượng sách,” nhưng thiết nghĩ không phải lúc nào chúng ta cũng “dĩ đào vi” được, mà cần phải đối diện với đối tượng, với vấn đề.
Trong các phương tiện trợ giúp hữu hiệu để chúng ta có thể sống vui tươi thanh thản, thiết tưởng không thể coi nhẹ vai trò của cộng đoàn. Nếu trong cộng đoàn, người chị em của chúng ta không tìm được một sự cảm thông, không tìm được một ai có thể lắng nghe, chia sẻ… thì đương sự có thể đi tìm ở nơi khác, nơi đó có người lắng nghe, đồng cảm. Chính khi ấy, cộng đoàn không thể phủi tay hết trách nhiệm với người chị em của mình. Cộng đoàn có thể vực dậy một người chị em sa ngã, nhưng cũng có thể đẩy người chị em đang chao đảo xuống vực sâu; cộng đoàn có thể là nơi chúng ta được chữa lành, nhưng cộng đoàn cũng có thể là nơi làm vết thương của ta mãi rỉ máu, mâng mủ, thối rữa.
Để kết thúc những dòng suy tư này, xin được trích vài số trong Hiến pháp của Anh Em Đaminh, và thiết tưởng điều này cũng hữu ích cho cả các chị em nữa.
Dẫu sẽ gặp thử thách suốt đường đời, chúng ta khi cố gắng kiên trung và tiến tới không ngừng trong đức thanh khiết, thì trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, phải cố gắng giao tiếp thân mật với Thiên Chúa,… lấy Sách thánh và mầu nhiệm Thánh Thể để nuôi dưỡng sự giao tiếp ấy. Đồng thời phải lấy tình con thảo và lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Mẫu Thiên Chúa, để cho mình được nên kiện cường.[10]
Ý thức sự yếu đuối của bản thân, chúng ta đừng cậy sức riêng, nhưng phải hãm dẹp và canh giữ giác quan cùng tình cảm mà không sợ sệt hay nhút nhát, và đang khi tỏ ra niềm nở với mọi người, chúng ta phải lấy bản năng thiêng liêng mà đẩy lui những gì nguy hại đến đức thanh khiết.[11]
Cũng phải sử dụng một cách thích hợp những phương thế tự nhiên cần thiết hoặc hữu ích cho sức khoẻ tinh thần và thể xác.[12]
Kết luận
Con người thời đại đang bị khủng hoảng về căn tính của mình, cơn khủng hoảng ấy cũng là thách đố của người tu sĩ hôm nay. Tuyên khấn sống ba lời khuyên Tin mừng, chính là cách thế người tu sĩ tìm lại căn tính của mình, tìm lại yếu tố làm nên người tu sĩ. Sống ba lời khuyên này, cũng chính là người tu sĩ đang sống ba nhân đức hướng thần: tin, cậy, mến.
Trong thời đại chúng ta, nhiều bậc thang giá trị bị đảo lộn, việc tuân giữa ba lời khấn quả là một thách thức không nhỏ. Lời mời gọi trở nên dấu chỉ và loan báo về Vương Quốc Thiên Chúa, vẫn là một sứ điệp gắn liền với ba lời khuyên Tin mừng, và vẫn đang đợi chờ những tâm hồn quảng đại đáp trả.
Giá trị của những lời khấn vẫn sáng ngời tuy phải xuyên qua bức màn đen dày đặc là những thách đố. Như mặt trời ló dạng ở cuối màn đêm, mặt trời giúp phượng hoàng sáng mắt, nhưng lại làm cho chim cú trở nên mù loà. Tình yêu luôn là lời mời gọi: Ai muốn hiểu thì mới hiểu được!

                    




[1] Có thể tìm xem lá thư này trong cuốn “Hát lên bài ca mới,” Chân lý, 2000, tr. 31-56.
[2] HP Dòng Anh Em Giảng Thuyết, số 19, § I.
[3] Timothy Radcliffe, OP. Hát lên bài ca mới. Chân lý, 2000, tr. 37.
[4] Catharine M. Harmer, Đời Tu Trong Thế Kỷ XXI, tr. 113.
[5] Trích dẫn theo Mari-Humbert Vicaire, Dòng Đaminh năm 1215. Peter Lobo biên soạn, The Genius of Saint Dominie, tr. 75.
[6] HP Dòng Anh Em Giảng Thuyết, số 30, § II.
[7] Xc. Timothy Radcliffe, OP. Hát lên bài ca mới. Chân lý, 2000, tr. 51.
[8] Rm 8,28.
[9] Xc. Ga 1,14.
[10] HP Dòng Anh Em Giảng Thuyết, số 28, § I.
[11] Ibid., số 28, § III.
[12] Ibid., số 28, § IV.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn