Tình yêu & lòng chung thủy trong hôn nhân Công giáo



Con người không ngừng tìm kiếm hạnh phúc
và lời giải đáp về một tình yêu trọn vẹn, sung mãn;
và con người chỉ thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc
khi trao tặng và đón nhận tình yêu
cách tự do trong tôn trọng,
cũng như dành điều thiện hảo cho người mình yêu.
Jos.  Hồ Sỹ Thảo, OP
Khi xem bộ phim kiếm hiệp “Thần Điêu Đại Hiệp”, có lẽ ai cũng biết mấy câu thơ Lý Mạc Sầu thường ngâm nga:
Hỏi thế gian tình là vật gì?
Tình  khiến sinh tử tương hứa.
Trời Nam đất Bắc song phi nhạn
Cổ thụ mấy mùa hàn sương.
Hoan lạc thú, biệt ly sầu
Nỗi khổ chứa đầy tình tương tư.
Sau một trận tử chiến, những câu thơ ấy lại âm vang não nùng giữa núi rừng trùng điệp. Trong nỗi đau tột cùng và tuyệt vọng của một tình yêu tan vỡ, những vần thơ ấy nghe như vừa ai oán, vừa chua xót. Qua Lý Mạc Sầu, tác giả Kim Dung đã gửi thông điệp xót xa về bi kịch của tình yêu và hôn nhân tan vỡ cho người đời.
Tình yêu và lòng chung thuỷ
Xưa nay người ta thường hỏi tình là gì? Không ai hỏi tình là vật gì. Chữ “vật” khiến ta liên tưởng đến một món nợ phải trả, một thực thể hiện hữu giữa tâm trí, một biểu tượng quyền lực chi phối, quyết định vận mạng đôi lứa; và có lẽ nó còn là một linh vật kiểu như linga hay yoni trong văn hóa Chăm. Đây là câu hỏi mà người đời thuộc mọi tầng lớp, đặc biết là các bạn trẻ đang bước vào ngưỡng cửa tình yêu muốn có ngay lời giải đáp từ cuộc sống. Một nhà văn viết rằng, tình yêu là cái bóng của mình, khi ta đuổi theo thì nó chạy nhưng khi ta bỏ chạy thì nó đuổi theo… Tình yêu là con quái vật kỳ lạ: khi ta bỏ đói thì nó sống, khi cho nó ăn no thì nó chết. Vì tình yêu chứa đầy nghịch lý như thế, nên tác giả bộ phim trên đã không ngừng khơi dậy cho người đời vấn nạn: “Hỏi thế gian Tình là vật gì ?
Vì không ai nắm chắc khái niệm trọn vẹn về tình yêu, nên nó có thể là: một ánh mắt trong xanh, một nụ cười duyên dáng, một cơn mưa hay ánh nắng chiều, một giọt sương trên lá hay một giai điệu du dương.  Ca dao có câu:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Tình yêu vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ, vừa khơi nguồn sức sống vừa gieo rắc cái chết. Tình yêu đem lại hạnh phúc nhưng cũng nhấn chìm con người trong khổ đau. Tình yêu tạo ra văn học nghệ thuật nhưng cũng gieo rắc chiến tranh. Thánh Augustinô đã có một kinh nghiệm thực tế và sâu sắc về vấn đề này, ngài nói: “Amor meus, pondus meum-tình yêu của tôi là sức nặng của tôi”.[1] Điều này có nghĩa rằng, khi yêu, người ta nảy sinh một sự hướng chiều, một sức nặng làm cho kẻ đang yêu bị lôi kéo về phía người được yêu. Qua đó khai diễn sự kết hiệp giữa người đang yêu và người được yêu, đó là sự kết hiệp theo cảm xúc của cả hai dưới dạng thức của sự hướng chiều, của trọng lực. Như vậy, ta có thể nói rằng, không có cái gì đa dạng bằng tình yêu.
Tình yêu ngày xưa là một cái gì chầm chậm như giọt nước, bồng bềnh như áng mây bay, nên nó lãng đãng, bền vững và đậm chất huyền thoại. Tình yêu bây giờ là tốc độ, nên nó mong manh như sương khói, ngắn ngủi như chiếc lá khô, chóng tan như bọt bèo, khiến một số gia đình trẻ chưa kịp cảm nhận được cái êm đềm, cái ngọt ngào cay đắng… thì đã nói lời chia tay. Đó là một thảm trạng chung về sự bất trung, phản bội, ngoại tình, ly dị trong đời sống Hôn nhân đang gia tăng nhanh nơi các gia đình, ngay cả trong các gia đình Công giáo. Người ta tìm mọi lý do để biện minh, hay phản đối Giáo hội khắt khe về luật Hôn nhân, và tìm cách chống phá Hôn nhân “duy nhất, bất khả phân ly” mà luật Thiên Chúa thiết định. Hôn nhân của các gia đình Công giáo chưa bao giờ trở nên thách thức lớn như hôm nay.
Vấn đề bất thuỷ chung và ly dị của người sống đời Hôn nhân hôm nay cũng không khác gì người Do Thái ngày xưa. Tin Mừng Maccô (Xc. Mc 10,1-12) thuật lại chuyện có mấy người Pharisêu đặt vấn nạn với Đức Giêsu về việc chồng ly dị vợ: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì? Họ trả lời: Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ” (Mc 10, 2-4). Đức Giêsu trả lời bằng cách đưa họ trở về với luật hôn nhân nguyên thuỷ mà ông Môsê đã truyền dạy như trong sách Đệ Nhị Luật (Xc. Đnl 24,1), Đức Giêsu trích đoạn sách Sáng Thế (St 2, 24), để truy nguyên nguồn gốc về đặc tính và giá trị vĩnh viễn của luật hôn nhân: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”. Người khẳng định luật này đã có từ thuở ban đầu, và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa. Việc ông Môsê cho phép ly dị, chỉ là một nhượng bộ tạm thời, do cha ông họ “lòng chai dạ đá”. Như vậy, giải pháp của ông Môsê hoàn toàn không phải là lệnh truyền của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, để cả hai trở nên một xương một thịt, nghĩa là cả hai phải bổ túc lẫn cho nhau. Sợi giây hôn nhân này còn bền chặt hơn cả sợi giây máu huyết. Bởi đó người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ để kết hiệp với vợ mình. Và Đức Giêsu đã kết luận: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly.”
Lời xác quyết của Chúa Giêsu thì vững vàng chắc chắn. Chính vì thế mà Giáo hội luôn bênh vực cho tính cách bất khả phân ly của Hôn nhân. Do vậy, Hôn nhân lý tưởng và trọn vẹn là tình yêu chung thuỷ trọn đời, không chia sẻ cho bất kỳ một ai khác, càng yêu thương nhau chân tình, người ta càng thấy mình thiếu sót, cần phải bổ túc cho nhau mãi, đây cũng là cái chính yếu góp phần làm cho đời sống gia đình trở nên hạnh phúc. Hơn nữa, sống đời Hôn nhân là một đáp trả tự do ưng thuận, chín chắn và trách nhiệm, vì tình yêu này diễn tả tình yêu của Thiên Chúa với con người, là hình ảnh tuyệt mĩ giữa sự kết hiệp mật thiết giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Đó chính là lý do tại sao Thiên Chúa đã không cho phép vợ chồng ly dị. Chúng ta hãy thử suy tính xem, nếu như vợ chồng được tự do ly dị thì những hậu quả nào sẽ xẩy ra?
Trước hết, phần thiệt thòi sẽ về phía người phụ nữ. Người phụ nữ sẽ bị coi nhẹ như mớ tôm mớ tép, bị coi là thứ đồ chơi mua bán để thỏa mãn dục vọng, và phải chịu bao bi kịch đau thương.
Trăm năm, trăm tuổi trăm chồng
Bởi duyên lận đận, má hồng tàn phai. (Ca Dao)
Trở lại câu chuyện ban đầu. Lý Mạc Sầu trước khi trở thành nữ sát thủ là một cô gái xinh đẹp, tính cách hơi ngang bướng. Cô ta yêu Lục Chiển Nguyên sâu nặng, một chàng trai khôi ngô tuấn tú, cả hai thề hứa sống chết có nhau, bên nhau trọn đời. Thế nhưng khi biết được những tính xấu của cô, người tình tìm cách xa tránh, rồi chạy theo bóng hồng mới, cô đau khổ tột cùng, cô hận người tình đến tận cốt tủy: “Hận người thuở trước ta thương, hận đời hận kiếp tìm nương bóng thù.”
Cuộc đời cô chuyển sang một trang sử mới, rùng rợn và kinh khiếp. Một con người xinh đẹp biến thành một mụ đàn bà với khuôn mặt đầy sát khí, ác độc và tàn bạo. Từ hận tình dẫn đến trả thù đời, Lý Mạc Sầu học võ, trở thành một sát thủ khét tiếng, võ công cái thế, khiến các cao thủ võ lâm đều phải kinh hồn bạt vía. Để trả thù tình, bà bắt đầu đi chém giết, đi đến đâu, gặp bất cứ ai máu chảy đầu rời ở đó. Càng hận tình, bà càng chém giết, càng chém giết, bà càng thấy đau khổ, cô đơn và bế tắc. Trong lúc đau khổ lên đến tột đỉnh, Lý Mạc Sầu nhảy vào lửa kết liễu đời mình, mang theo nỗi uất hận và tuyệt vọng. Lời giải đáp tình yêu là gì vẫn còn bỏ ngõ. Quả là một bi kịch đau thương về tình yêu cho một kiếp người.
Về phía người chồng thì ra sao? Người chồng hoặc sẽ chung thuỷ dù phải chịu đựng, hoặc sẽ như con bướm đậu rồi lại bay, thích tự do theo kiểu riêng mình, vô trách nhiệm với bổn phận của một người chồng, người cha.
Rồi con cái của những cặp đôi này sẽ ra sao? Nghiên cứu về thực trạng ly hôn ở Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Giảng viện Trường Đại học Xã hội và Nhân văn, Tp. Hồ Chí Minh) cho biết,  tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 30% trẻ em “bụi đời” do hoàn cảnh cha mẹ bỏ nhau. Với thực trạng này, đa phần chúng sẽ bất hạnh, thiếu tình thương, không được chăm sóc và giáo dục tử tế. Hệ lụy khác, xã hội phải gánh chịu nhiều thảm họa của nạn phạm pháp, tệ nạn xã hội ngày cang tăng, luân lý đạo đức xuống cấp. Vết gãy tâm lý sâu thẳm không ai băng bó cho chúng được. Và chúng tự băng bó vết thương bằng hận thù cha mẹ chúng hay người khác.
Tóm lại, gia đình là nền tảng kiên vững của xã hội, nền tảng này tồn tại được là do tính cách bất khả phân ly của Hôn nhân. Một khi gia đình chia ly, nó sẽ kéo theo nhiều hậu quả tai hại cho xã hội. Một cuộc tình tan vỡ, chắc hẳn sẽ gây đau khổ cho cả hai. Nơi những quốc gia mà chế độ đa thê còn tồn tại, thì người phụ nữ phải chăng chỉ là một thứ đồ chơi không hơn không kém. Với đặc tính duy nhất và bất khả phân ly, Giáo hội đã bảo vệ đời sống Hôn nhân gia đình, và lớn tiếng bênh vực quyền lợi của người phụ nữ. 
Mặt khác, vì lợi ích của con cái mà Hôn nhân đòi phải được bền vững. Trẻ nhỏ như một mầm non, cần phải được che chở bởi sức mạnh của người cha và tình thương yêu của người mẹ. Gia đình là mái trường đầu tiên dạy cho trẻ thơ những bài học làm người, trong đó cha mẹ chính là những bậc thầy, những người hướng dẫn không thể thay thế. 
Chứng từ về đời sống Hôn nhân chung thuỷ là loại chứng từ cần thiết cho thời đại chúng ta, nó là dấu chỉ của tình yêu vô hạn mà Thiên Chúa dành cho con người. Chứng từ ấy nói cho người đời biết rằng, trong những con đường hưởng thụ mang màu khoái cảm của xác thịt đang làm cho cuộc sống con người biến chất, cạn dần về ý nghĩa, còn có có một con đường khác dẫn đến hạnh phúc bền vững và bảo đảm, là tình yêu duy nhất và bất khả phân ly.
Mặt trái  của tính dục trong tương quan tình yêu
Thế giới hôm nay có khuynh hướng hưởng thụ. Lạc thú là món ăn trần thế mà nhiều người ham muốn. Thậm chí có người muốn coi nền văn hóa đương đại là một nền văn hóa hưởng lạc. Hiện nay, nhiều người trên thế giới muốn bỏ hết mọi ràng buộc luân lý về Hôn nhân, để chiều theo bản năng tính dục, và tôn sùng bản năng ấy. Khuynh hướng tự do luyến ái làm đổ vỡ biết bao nhiêu gia đình, làm hại biết bao nhiêu con người về mọi phương diện, thể lý, tâm lý và tinh thần.
Thật vậy, con người sa ngã đã tuyệt đối hoá khoái lạc mà tính dục mang lại, con người tìm kiếm nó chỉ vì nó. Khoái lạc đã đem lại cho con người một trạng thái say đắm ngây ngất. Lý trí con người bị đè bẹp bởi một thứ “điên dại thần bí”, nó lôi kéo con người ra khỏi cuộc sống hạn hẹp phàm nhân, và cho con người tận hưởng một niềm hạnh phúc thần tiên cao độ. Trong trạng thái bị chinh phục bởi sức mạnh của khoái lạc, con người xem tất cả mọi quyền lực trên trời dưới đất đều là thứ yếu, vì “tình yêu chinh phục mọi thứ”. Bị khuất phục bởi sự “điên dại thần bí” của khoái lạc, con người đã tôn thờ nó như một vị thần.
Chính vì tôn thờ thần “khoái lạc” mà nhân vị của kẻ khác phái đã bị chối từ, bị hạ giá, bị đối xử như phương tiện phục vụ thần “khoái lạc”. Kinh Thánh Cựu Ước đã mạnh mẽ lên án và tuyên chiến với thần “khoái lạc”, sản phẩm do con người làm nên. Thực vậy, các cô gái điếm phục vụ trong các điếm thờ được dùng như một phương tiện để khơi dậy “cơn điên thần bí”.[2] Như vậy, thật quá rõ, con người sa ngã đã muốn thống trị kẻ khác phái bằng sức mạnh của khoái lạc tính dục để chứng tỏ thế thượng phong của mình: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16). Con người đã muốn thần hoá chính mình bằng sức mạnh của khoái lạc tính dục. Khi tìm kiếm thoả mãn khoái lạc tính dục, con người tôn thờ chính mình.
Ngày hôm nay, chẳng thiếu những con người đang tôn thờ khoái lạc tính dục. Họ đã và đang làm băng hoại những giá trị của tính dục và niềm hoan lạc chân chính mà tính dục mang lại cho con người. Tính dục thời hiện đại đã bị giản lược. Nó chỉ còn là một hành vi thuần tuý sinh lý như đói ăn, khát uống, thèm thì hưởng, chẳng còn chút liên hệ gì đến những điều sâu thẳm nhất của một nhân vị. Tương quan tính dục không còn là điều linh thiêng được dành riêng cho đôi bạn nam nữ đã cam kết hiến thân cho nhau bằng một tình yêu duy nhất và chung thuỷ. Tính dục chỉ còn làm cho con người được tận hưởng niềm ngây ngất khoái lạc; là một loại hình giải trí cao cấp, giảm “stress” hiệu nghiệm. Vì vậy, tính dục thời hiện đại đã bị thương mại hoá, trở thành một thứ hàng hoá, hay hơn thế nữa, chính con người trở thành một thứ hàng hoá, được bày bán công khai và đa dạng trên sách báo, quảng cáo, phim ảnh, thế giới intrenet.
Trước hiện trạng thương mại hoá tính dục, Giáo hội nhắc nhở rằng: “mại dâm là một đại hoạ cho xã hội.”[3] Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nhận định rằng: “Thứ tình ái mất lý trí và bừa bãi là một sự sa ngã, một bước thụt lùi của con người”.[4] Với trọng trách bảo vệ phẩm giá con người và phục vụ ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, Giáo hội Công giáo lên tiếng kêu gọi các nhà chức trách của các quốc gia phải có hành động can thiệp. Hãy trả lại vẻ đẹp và giá trị cao quý của tính dục, bởi lẽ, “Tính dục chỉ thực sự xứng đáng với con người, khi nó là thành phần không thể thiếu của tình yêu giữa người nam và người nữ đã cam kết hiến thân cho nhau trọn vẹn suốt đời.”[5] Khi tính dục được nhìn nhận một cách thực sự nhân linh như thế, thì tính dục là lời mời gọi đôi bạn sống đời Hôn nhân mở ra và hướng về nhau. Nó khích lệ đôi bạn hiệp thông và hiến thân cho nhau cách trọn vẹn. Trong tương giao yêu thương sâu đậm ấy, đôi bạn nhận ra sự thật về chính mình và về nhau. Nhờ đó, họ làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn.


Tạm kết
Con người không ngừng tìm kiếm hạnh phúc và lời giải đáp về một tình yêu trọn vẹn, sung mãn, và con người chỉ thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi trao tặng và đón nhận tình yêu cách tự do trong tôn trọng, cũng như dành điều thiện hảo cho người mình yêu. Ngược lại, khi con người muốn thần hoá mình, muốn thống trị kẻ khác bởi “nữ thần tình ái”, thì họ đang tự huỷ diệt chính mình. Sự huỷ diệt ấy không phải do tính dục, nhưng do chính con người tự chuốc lấy, tự bước vào cõi chết.
Một thực tế, tình yêu đôi lứa dẫn con người tới “hoan lạc thú”, nhưng cũng đem đến “biệt ly sầu”, tương phản cùng cực, nhưng cũng dung hợp cùng cực. Riêng tình yêu, Hôn nhân Công giáo thì bắt nguồn từ Thiên Chúa, được Thiên Chúa thiết lập và chúc phúc. Do vậy, khi sống đời Hôn nhân duy nhất và vĩnh viễn, vợ chồng sẽ dễ loại bỏ những đam mê quyến rũ trong sự chiếm đoạt, hưởng thụ,; nhờ đó, họ mới cảm nhận được sự ngọt ngào và hạnh phúc diệu kì mà tình yêu mang lại. Hạnh phúc đó là chứng từ để cho người đời nhìn vào thấy được câu trả lời mà họ đang đi tìm, là lời giải đáp thỏa đáng cho những người đang đau khổ, thất vọng trong tình yêu đôi lứa trước vấn nạn muôn thuở: “hỏi thế gian tình là vật gì?”.


[1] P. Emonet. OP, Triết học về con người, (Lâm Văn Sỹ chuyển ngữ, TTHV Đa Minh 2014), tr 118.
[2] Đức Bênêdictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 04.
[3] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2355.
[4] Đức Bênêdictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 04.
[5] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2361.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn