Chân - Thiện - Mỹ : Nền tảng để xây dựng đời sống Hôn nhân

Nét Bút Chì, MTG Bà Rịa
Hôn nhân là “quà tặng của Thiên Chúa”.[1] Những trang đầu của Kinh Thánh đã làm nổi bật hình ảnh của Hôn nhân khi Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ. Hình ảnh các cuộc Hôn nhân còn được nhắc đến xuyên suốt trong các trang Kinh Thánh để diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và Dân Người hay tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Điều đó cho thấy Hôn nhân không chỉ là một định chế của con người, mà trước hết Hôn nhân nằm trong chương trình của Thiên Chúa: Từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ và Người phán: “Vì thế người đàn ông sẽ lìa bỏ Cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai nên một huyết nhục.”[2]
Chúa Giêsu chỉ sống trên trần gian có ba mươi ba năm, nhưng Ngài đã dành ba mươi năm để sống trong gia đình Nagiarét. Điều đó cho thấy Hôn nhân và gia đình có một tầm mức quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu các đôi vợ chồng nhận ra chính Thiên Chúa là tác giả của Hôn nhân,[3]cũng như luôn đồng hành và làm cho Hôn nhân trở thành con đường hạnh phúc, dẫn con người đến sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau.
Giữa một xã hội tục hóa hôm nay, Hôn nhân như đang ở giữa cuộc chạm trán giữa thiện và ác, giữa sự sống và sự chết, giữa tình thương và những gì chống lại tình thương.[4] Thế nên cần có một đường hướng rõ ràng làm nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống Hôn nhân gia đình đúng với chương trình của Thiên Chúa: Chân- Thiện- Mỹ là nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống Hôn nhân và làm cho Hôn nhân trở thành biểu tượng sáng ngời biểu lộ tình yêu Thiên Chúa đối với con người.[5]
1. Hôn nhân trong Kinh Thánh
Thiên Chúa là Đấng tác tạo Hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi Hôn nhân vào trong bản tính của con người, khi Ngài dựng nên con người có nam và có nữ.[6] Những trang đầu của sách Sáng Thế kể lại rằng, ngày thứ sáu, sau khi đã tạo dựng nên trời đất, muôn vật. Thiên Chúa phán:
Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” Vậy Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”.[7]
Một cách cụ thể hơn về việc kết hợp vợ chồng thì trong trình thuật thứ hai sách Sáng Thế kể lại: « Thiên Chúa phán: ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó’ … Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.”[8]
Như vậy, cả hai trình thuật của Sách Sáng Thế cho thấy, Hôn nhân là do ý muốn của Thiên Chúa. Do đó, khi tạo dựng Thiên Chúa không dựng nên con người cô độc, hoặc chỉ là nam hoặc chỉ là nữ. Nhưng Người đã dựng nên con người có nam có nữ và đã tác tạo họ nên vợ chồng, thành “một xương một thịt”.
Từ sự kết hợp nên một của đôi vợ chồng, Hôn nhân mang một ý nghĩa tuyệt đẹp và trở thành hình ảnh cốt yếu trong Kinh Thánh diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho Dân Người. Ngôn sứ Hôsê dùng kiểu nói Thiên Chúa “quyến rũ” Israel để thổ lộ “tâm tình với nàng” cho đến khi nàng đáp lại như tuổi thanh xuân và sẽ gọi Người “mình ơi”[9]. Còn trong sách Ngôn sứ Êdêkien, Thiên Chúa nói với dân Israel bằng một hình ảnh khác:
Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi. Này ngươi đã đến tuổi, tuổi yêu đương. Ta đã lấy vạt áo của Ta phủ lên để che thân thể loã lồ của ngươi. Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng và ngươi thuộc về Ta. Ta đã lấy nước tắm rửa, gột sạch máu me, rồi xức dầu thơm cho ngươi.  Ta đã cho ngươi mặc đồ gấm vóc, đi giày da mềm, thắt khăn vải gai mịn và khoác toàn tơ lụa.  Ta đã lấy đồ trang sức tô điểm cho ngươi : đeo xuyến vào tay, đeo kiềng vào cổ (...)  Ngươi đã nên xinh đẹp tuyệt trần và xứng ngôi hoàng hậu.[10]
Trong Sách Ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa thể hiện tình yêu son sắt của Người khi “sánh duyên” với Israel, và dù cho Israel có thất tín thì Người vẫn luôn trung tín: “Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.”[11]
Thật vậy, Hôn nhân là hình ảnh diễn tả tình yêu cách sâu sắc giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Thế nên vào thời Chúa Giêsu, khi được chất vấn về vấn đề li dị thì một lần nữa Ngài khẳng định ý định của Thiên Chúa: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly.”[12]
Kinh Thánh có nhiều cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, nhưng trong các cách đó: tình yêu dưới hình thức Hôn nhân được đề cập nhiều nhất. Qua hình thức Hôn nhân, Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết thế nào là tình yêu đích thực và sự trung tín đích thực thì biểu lộ như thế nào. Chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua ý định tạo dựng, qua giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người: trước hết là giao ước với Israel, sau đó là giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, nhằm giúp đôi bạn sống đúng ơn gọi Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa.
2. Chân-Thiện-Mỹ:
                  Nền tảng để xây dựng đời sống Hôn nhân
Yếu tố căn bản để xây dựng đời sống Hôn nhân gia đình là tình yêu. Bởi trong chương trình của Thiên Chúa, Hôn nhân là một cộng đồng yêu thương. Chính vì lý do này mà Thiên Chúa đã đích thân đứng ra bảo đảm cho tình yêu và sự trung tín của vợ chồng trong đời sống Hôn nhân.[13]
Chân
Từ ngàn xưa khi nhắc đến Hôn nhân là người ta liên tưởng đến sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Điều đó như là một định chế, một quy luật tự nhiên và nó trở thành một chân lý. Còn đối với người Công giáo, Hôn nhân không phải chỉ là một định chế thuần túy của con người, mà trước hết còn nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa dựng nên con người có nam và có nữ và đã phán: “Vì thế người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ và kết hợp với vợ mình và cả hai nên một huyết nhục.”[14]
Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như sự bổ túc cho nhau giữa hai giới tình nam và nữ. Nhà thơ Xuân Diệu miêu tả nỗi buồn nếu con người thiếu đi sự thu hút giới tính:
Em có bao giờ tưởng tượng xem
Một mình anh sống không em
Bơ vơ như đã muôn lần chết
Đã chết nhưng còn phải sống thêm.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Chỉ khi có sự kết hợp giữa hai người khác nhau về giới tính, mỗi cá nhân mới có thể đạt tới tình trạng hoàn hảo nhờ vừa có sự hợp nhất giữa hai người vừa có sự bổ túc về tâm sinh lý giữa hai người ấy.”[15]
Thật vậy, trong mối tương quan hiệp thông với nhau, người nam và người nữ làm cho mình được sung mãn một cách hết sức sâu xa, khám phá thấy mình là một ngôi vị nhờ sự hiến thân chân thành.[16] Đó là điều mà chính Thiên Chúa đã ghi khắc vào chính cơ cấu hữu thể của con người.
Như vậy, Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Thế nhưng giữa một xã hội tục hóa ngày nay, người ta đã đánh mất đi vẻ đẹp thánh thiêng để chỉ sống theo những cảm tính lệch lạc với trào lưu Hôn nhân đồng tính. Hiện nay, một số quốc gia như Hà Lan, Mỹ, Ireland , Slovenia, Brazil, Pháp, Anh… đã hợp thức hóa luật Hôn nhân đồng tính. Nếu đứng trên quan điểm luật pháp, Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ phải được coi là hình thức duy nhất, được phép của Hôn nhân, thì trong thực tế, khái niệm Hôn nhân đang bị biến đổi cách triệt để, gây thiệt hại nặng nề cho công ích. Khi đặt sự đồng tính luyến ái ngang hàng về mặt pháp luật với những sự kết hợp trong Hôn nhân và gia đình, xã hội đã hành động cách tùy tiện và đi ngược lại các nghĩa vụ của mình.[17]
Ủy ban Nghiên cứu Gia đình (FRC) đã mô tả các hậu quả mà xã hội phải gánh khi cho phép kết hôn đồng giới: suy giảm tỉ lệ kết hôn, gia tăng tỉ lệ ly dị và đe dọa sự chung thủy trong tình yêu đồng thời nhu cầu hợp pháp hóa chế độ đa thê, đa phu sẽ gia tăng. Đau lòng hơn nữa là ngày càng ít trẻ em được nuôi dưỡng bởi một cha và một mẹ, có những đứa trẻ lớn lên thiếu đi sự dạy dỗ của người cha; Tỉ lệ sinh sẽ giảm đi nghiêm trọng.
Thật vậy, khi tình yêu của con người đi ngược lại với chân lý, ngược với Thánh ý Thiên Chúa thì để lại một hậu quả to lớn cho chính hữu thể đó và cả thế hệ tương lai nữa. Do đó, đứng trước những lý thuyết coi bản sắc giới tính đơn thuần chỉ là sản phẩm văn hóa và xã hội do sự tương tác giữa cộng đồng và cá nhân, hoàn toàn độc lập với bản sắc tính dục của mỗi người, không liên hệ gì đến ý nghĩa đích thực của tính dục. Giáo hội vẫn không mệt mỏi nhắc lại giáo huấn sau đây của mình:
Mọi người dù là nam hay là nữ, điều cần nhận ra và chấp nhận bản sắc tính dục của mình. Sự khác biệt và bổ sung về thể lý, luân lý và tinh thần, giữa người nam và người nữ nhằm hướng đến những lợi ích Hôn nhân và làm thăng hoa đời sống gia đình. Vợ chồng được hòa thuận và xã hội được hài hòa phần nào tùy thuộc vào cách người ta trải nghiệm những sự bổ xung, thỏa mãn các nhu cầu và sự tương trợ giữa hai giới tính. Theo viễn tượng ấy, các luật thiết định đặt ra cần phải phù hợp với luật tự nhiên; theo luật tự nhiên này, bản sắc giới tính là tuyệt đối cần thiết, vì đó chính là điều kiện khách quan để làm nên vợ chồng trong Hôn nhân.”[18]
Nói như vậy không phải để lên án hay để hất hủi những người đồng tính nhưng Giáo hội khuyên phải tôn trọng những người đồng tính một cách đầy đủ trong chính nhân phẩm của họ, và phải khích lệ họ tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa.[19]
Thiện
Thiên Chúa là tình yêu, mà con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên từ thẳm sâu, lòng người luôn có khát vọng yêu và được yêu. Tình yêu làm cho con người được sung mãn nhờ biết chân thành trao ban chính mình. Yêu có nghĩa là cho và nhận một điều gì đó không thể mua cũng không thể bán, mà chỉ có thể cho một cách tự nguyện và hỗ tương.[20] Chính nhờ tình yêu, vốn là thực tại căn bản để định nghĩa Hôn nhân và gia đình mà mỗi người nam người nữ được nhìn nhận, được chấp nhận và được tôn trọng theo đúng phẩm giá của mình. Từ tình yêu ấy sẽ nảy sinh những mối quan hệ mà hai bên sẽ trải nghiệm một cách hoàn toàn không cầu lợi.[21]
Điều thiện hảo mà Thiên Chúa muốn đôi bạn phải xây dựng thật vững chắc để bước đi trong chương trình của Ngài. Khuôn mẫu để đôi bạn thực hiện được điều này là chính Thiên Chúa với tư cách là Ba Ngôi, là sự hiệp thông giữa các ngôi vị.[22] Chúa Giêsu đã mặc khải bản tính của Thiên Chúa qua tình yêu và hy sinh mà Ngài là hiện thân của tình yêu tự hiến được minh chứng bằng máu Người đổ ra trên Thập giá làm khuôn mẫu cho tình yêu vô vị lợi. Điều này rất cần thiết cho mọi cuộc Hôn nhân và gia đình Kitô Giáo.
Bởi thế, Hôn nhân Kitô giáo không phải là một sự thương lượng về quyền lợi và trách nhiệm, nhưng là một sự diễn tả sự tự hiến cho nhau của đôi vợ chồng. Thánh Phaolô mời gọi: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.”[23] Sống được điều này là đôi vợi chồng đang đi vào sự hiệp thông trong tình yêu tự hiến như hy tế Thập giá. Đó là tình yêu đích thực đôi vợ chồng dành cho nhau. Bởi tình yêu đích thực lớn lên từ những gì chúng ta hiến trao cho nhau, chứ không phải từ những gì chúng ta chiếm hữu cho mình.
Đành rằng, Hôn nhân phát xuất từ tình yêu và mục đích là để sống yêu thương và nâng đỡ nhau trong đời sống vợ chồng. Thế nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Từ áp lực cuộc sống, từ những quan điểm và lề luật do chính xã hội con người đặt ra đã phá vỡ mối dây yêu thương và bình đẳng đưa đến những bi kịch như: bạo hành gia đình, ly dị mà hậu quả là bản thân họ và con cái họ phải gánh chịu. Theo thống kê cho thấy khi trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực gia đình của bố mẹ thì 85,5% luôn có tâm trạng buồn phiền lo sợ; 20% sợ hãi, mất tự tin; 8,5% không hiểu được bố mẹ và 4,4% không tôn trọng bố mẹ. Thậm chí có 5,5% mong ước bỏ nhà đi để không phải chứng kiến cảnh tượng bạo lực thường xuyên của bố mẹ. Không ít những người con phải lãnh án tù vì trở thành nghịch tử giết cha chỉ vì bênh mẹ thoát khỏi những trận đòn thù của người cha vũ phu.
Nhìn vào thực trạng Hôn nhân như thế, không phải để chúng ta bi quan, tháo lui. Trái lại, trước thực trạng đó, chúng ta được mời gọi đồng hành với các bạn trẻ và giúp các bạn trẻ cần trang bị cho mình những hành trang cần thiết để bước vào đời, bằng cách rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, tham gia học hỏi các lớp Giáo lý, đặc biệt là lớp Giáo lý Hôn nhân, để tâm lắng nghe Lời Chúa và suy niệm về ý nghĩa cao cả trong các mầu nhiệm mà Thiên Chúa trao ban trong đời sống Hôn nhân. Nhờ đó, các bạn trẻ có thể làm cho con tim trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, để dám hy sinh như Đức Kitô đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu,[24] và trao ban chính mình.[25] Mang thân phận con người nên chúng ta còn nhiều bất toàn, thế nên tha thứ là điều cần thiết trong đời sống Hôn nhân. Đôi bạn cần rộng lượng để tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã dang tay để đón đứa con hoang đàng trở về,[26] hay như người Mục tử đi tìm con chiên lạc.[27]
Như đã nói trên, Hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ để họ bổ túc cho nhau nên cần lắm sự quan tâm và phục vụ lẫn nhau. Chúa Giêsu đã cúi xuống với anh mù: “Anh muốn tôi làm gì cho anh”[28], hay như hình ảnh Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.[29] Cũng vậy, đôi bạn cần mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu để luôn đến với bạn tình của mình “Anh muốn tôi làm gì cho anh”, đồng thời thấy được nhu cầu của bạn tình để có thể dễ dàng phục vụ lẫn nhau. Đó là yếu tố tự hiến để xây nên tổ ấm yêu thương và hạnh phúc, là tình yêu đích thực đôi bạn dành cho nhau trong đời sống Hôn nhân.
Mỹ
Tình yêu Hôn nhân trong Kitô giáo là sự phóng chiếu từ Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thần Khí yêu thương. Thiên Chúa Ba Ngôi là một sự hiệp thông của tình yêu và gia đình là sự phản ánh sống động của tình yêu này. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định, Thiên Chúa trong mầu nhiệm sâu xa nhất của Người, không cô đơn mà là một gia đình, vì tự trong Người có tư cách là Cha, tư cách là Con và yếu tính gia đình tức là tình yêu. Trong gia đình Thiên Chúa, tình yêu chính là Chúa Thánh Thần.[30]
Trong một Thông điệp khác, thánh nhân giải thích:
Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người sẽ mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mặc khải về tình yêu, nếu không có kinh nghiệm về tình yêu và nếu không nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và hăng say tham dự vào đó.[31]
Như vậy, sứ mạng của đời sống Hôn nhân gia đình là: bảo toàn, biểu lộ và truyền đạt tình yêu. Bởi tình yêu là cái mà ta không thể giữ lấy cho riêng mình. Nét đẹp của tình yêu trong đời sống Hôn nhân là mở ra với sự sống mới đồng thời là sự hiệp thông giữa đôi bạn với nhau, với gia đình và với mọi người.
Ngoài ra, Hôn nhân Kitô giáo còn phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người, được thực hiện một cách trọn vẹn trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và sự trung thành trong tự do, họ thuộc về nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh, họ được thánh hiến bởi bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội Thánh tại gia và men của sự sống mới cho xã hội.[32] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích:
Trong kế hoạch của Thiên Chúa: gia đình được coi là nơi đầu tiên diễn ra quá trình ‘nhân hóa’ cá nhân và xã hội, là chiếc nôi của sự sống và tình yêu. Chính trong chiếc nôi sự sống và tình yêu này mà con người được sinh ra và lớn lên. Khi một đứa trẻ được thụ thai, xã hội được tiếp nhận một món quà là một con người mới, con người này được mời gọi: từ trong sâu thẳm nhất của chính mình để hiệp thông với những con người khác và trao ban bản thân mình cho những con người khác.[33]
Quả thật, khi đôi bạn sống hiệp thông trong đời sống vợ chồng thì tình yêu ấy sẽ liên kết họ với con cái và với mọi người. Như thế, đời sống Hôn nhân của họ trở thành biểu tượng sáng ngời của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.[34]
KẾT
Chính Thiên Chúa đã tác tạo Hôn nhân khi Người tạo dựng nên con người có nam có nữ và chúc phúc cho họ: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất.”[35] Kinh Thánh đã dùng hình ảnh Hôn nhân để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Đi vào đời sống Hôn nhân đôi bạn làm sáng lên tình yêu họ dành cho nhau, cho con cái đồng thời tỏa sáng nơi môi trường sống. Nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống Hôn nhân gia đình theo chương trình của Thiên Chúa là: Chân- Thiện- Mỹ. Khi xây dựng đời sống Hôn nhân gia đình trên nền tảng chân- thiện- mỹ chính là đôi bạn sống đúng ơn gọi Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa đồng thời họ trở nên men tình yêu giữa lòng đời.



[1] Xc. 1Cr 7,7.
[2]Xc. Mt 19, 3-5.
[3] Xc. Công Đồng Vat II, Hiến Chế Mục Vụ, số 48.
[4] Xc. ĐGH Gioan Phaolo II, Thư Gởi Các Gia Đình, ngày 2/2/1994.
[5] Xc. ĐGH Bênêđictô thứ 16, Thông Điệp Deus Caritas Est, số 11.
[6] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1603.
[7] St 1,26-28
[8] St 2, 7. 18.21-24
[9] Xc. Hs 2,16-18.
[10] Xc. Ed 16, 8-13.
[11] Xc. Is 54, 5-8.
[12] Mt 19. 6.
[13] Xc. Ml 2, 14-15.
[14] Xc. St 2, 24 ; Mt 19, 4-5.
[15] ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn Văn Gởi Tòa Án Tối Cao Roma ngày 21/1/1999, số 5.
[16] Xc. ĐGH Phaolo II, Thư Gởi Các Gia Đình Gratissiman Sane, số 6, 8.
[17] Xc. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Một vài suy nghĩ về đề nghị công nhận trước pháp luật những sự kết hợp giữa những người đồng tính luyến ái (3/3/2003), số 8.
[18] Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, số 244.
[19] Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2357- 2359.
[20] Xc. ĐGH Gioan Phaolo II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane, số 11.
[21] Xc. Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, số 221.
[22]Xc. ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Niềm vui của Tình Yêu, số 121.
[23] Ep 5, 25.
[24] Xc. Ga 11, 35.
[25] Xc. Ga 3, 16; Mt 26,16.
[26] Xc. Lc 15, 11-32.
[27] Xc. Lc 15, 3-7.
[28] Xc. Mc 10, 46-52.
[29] Xc. Ga 13
[30] Xc. ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giảng cử hành Thánh Thể ở Puebla de Los Angeles, ngày 28/1/1979
[31] Xc. ĐGH Gioan Phaolô II,  Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người, số 10.
[32] Xc. Hội Đồng GMVN, Thư gửi các gia đình Công Giáo, năm 2016, số 1.
[33] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christi fideles, số 40.
[34] Xc. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu , số 121.
[35] St 1, 28.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn