Sự gì Thiên Chúa phối hợp, con người không được phân ly

Ts. Pet. Võ Tá Đương, OP.
Nguyện xin Thiên Chúa gia ân,
Cho tình đôi lứa ái ân mặn nồng.
Ngày qua tháng lại vun trồng,
Tình yêu kết nụ bông hồng ngát hương.
(Nam Giao).
Xu thế toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh mẽ đến từng quốc gia, dân tộc, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội và con người, tạo nên những biến đổi to lớn cho con người thời đại. Bên cạnh những tác động tích cực, những cơ hội phát triển mà xu thế này mang lại cho con người và xã hội, nó còn đem đến nhiều nguy cơ và thách thức mới cho con người, đặc biệt là trong lĩnh vực đời sông Hôn nhân gia đình. Hơn bao giờ hết, nền tảng và đời sống Hôn nhân gia đình ngày nay đang bị lung lay trước nguy cơ tan vỡ, bởi những quan niệm và suy tư đổi mới của con người thời đại. Một cách nào đó, toàn cầu hóa cũng đã và đang trần tục hóa những giá trị thiêng liêng cao đẹp trong đời sống Hôn nhân gia đình. Thật vậy, “Giá trị cao đẹp của Hôn nhân Kitô giáo đang đối diện với bao thách đố của thời đại ngày hôm nay, những thách đố nhằm gạt bỏ giá trị cao đẹp của hôn nhân và nhất là loại bỏ đặc tính bí tích ra khỏi cấu trúc hôn nhân, để rồi hôn nhân đơn thuần chỉ là một cuộc “ăn ở” của hai người thích nhau.”[1]
Trước thực trạng đó, Giáo hội mời gọi mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống Hôn nhân gia đình, cùng những người đồng hành, tái khám phá vẻ đẹp và sự thánh thiêng của Hôn nhân Kitô giáo: một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm. Bởi lẽ, Hôn nhân được hoạch định trong chương trình của Thiên Chúa.[2] Quả thế, “Hôn nhân không phải kết quả của ngẫu nhiên hay của các lực lượng tự nhiên, vô ý thức tạo thành. Trái lại, đó là một sự sắp đặt khôn ngoan do Ðấng Tạo Hóa vì tình thương đã thực hiện nơi nhân loại.”[3]
Hôn nhân Kitô giáo: một ơn gọi
Khi nói về ơn gọi, người ta thường nói đến ơn gọi đi tu làm linh mục, làm tu sĩ, chứ ít người nghĩ đến ơn gọi Hôn nhân gia đình. Bởi lẽ, “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng” vẫn là quy luật tất nhiên, muôn đời nay vẫn vậy. Vì thế, người ta thấy việc lập gia đình là một việc tự nhiên, bình thường vì nam nữ hấp dẫn nhau, muốn kết hợp với nhau, nên không mấy ai nghĩ Hôn nhân là một ơn gọi. Nhưng kỳ thực đó là một ơn gọi.
Nếu niềm tin trong dân gian, nơi những người ngoài Kitô giáo tin rằng, hôn sự đời người là có an bài, cũng là duyên phận, hay gọi là Trời định hay Tiền định; thì người niềm tin Kitô giáo chúng ta khẳng định, duyên phận, hoặc Trời định hay Tiền định, đó chính là sự quan phòng yêu thương, là ơn gọi đến từ Thiên Chúa.
Phải chân nhận rằng, mỗi chúng ta được hiện hữu trong cuộc đời này là một ơn gọi. Đó là ơn gọi làm người. Người Kitô hữu chúng ta được sống trong cộng đoàn Hội Thánh là một ơn gọi. Đó là ơn gọi làm con Chúa, ơn gọi Kitô hữu. Trong Hội Thánh có những người được mời gọi sống đời Thánh hiến tru trì: linh mục, tu sĩ nam nữ; số còn lại được mời gọi sống bậc giáo dân. Trong bậc sống giáo dân có người được gọi để sống độc thân giữa đời, nhưng đa số được gọi để sống đời sống Hôn nhân gia đình. Do đó, đời sống Hôn nhân gia đình chính là một ơn gọi cao quý của Kitô hữu.
Khi sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, và sáng tạo con người có nam có nữ,[4] Thiên Chúa muốn họ sống cho nhau, bổ túc cho nhau và hiệp thông với nhau trong tình yêu. Và duy chỉ trong Hôn nhân, Thiên Chúa kết hợp hai người nam nữ “thành một xương một thịt” để có thể lưu truyền sự sống qua muôn thế hệ, và để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tao, trong việc làm cho trái đất này ngày càng hoàn thiện và tốt đẹp hơn. “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.”[5] Thật vậy,  khi lưu truyền sự sống cho dòng dõi mình với tư cách là vợ chồng và cha mẹ, người nam và người nữ cộng tác một cách độc đáo vào công trình của Đấng Sáng Tạo.[6]
Như thế, chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo Hôn nhân, và Hôn nhân nằm trong ý định yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa. Điều này Gaudium et Spes, số 48 đã khẳng định:
Thiên Chúa đã lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng do giao ước Hôn nhân, tức là do sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị cả trước mặt xã hội nữa.
Thật vậy, ơn gọi Hôn nhân gia đình là một ơn gọi đặc biệt cao quý, có giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa và con người, bởi vì đó là dấu chỉ diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Israel nói riêng và với toàn thể nhân loại nói chung.[7] Thiên Chúa tự ví mình như là “Tân lang”, và Israel được xem là “Tân nương”.[8] Thánh Công đồng đề cao ơn gọi Hôn nhân gia đình như một bậc sống giữa những bậc sống khác trong Giáo hội:
Để có thể kiên trì chu toàn nghĩa vụ ơn gọi làm người Kitô hữu như thế, tức là sống đời vợ chồng, cần phải có một nhân đức phi thường. Chính vì thế mà vợ chồng được ơn Chúa củng cố để sống thánh thiện sẽ ân cần nuôi dưỡng và cầu xin cho được một tình yêu kiên vững, một tâm hồn đại lượng và tinh thần hy sinh.[9]
Như vậy, Hôn nhân Kitô giáo không con là một định chế thuần túy nhân loại, nhưng là một hạch định của Thiên Chúa trong chương trình của Người. Đằng sau những khác biệt đến từ các nền văn hóa, các tôn giáo, các cơ cấu xã hội hay những biến đổi qua các thời đại, chúng ta vẫn nhận ra những yếu tố thường tồn làm nên sự cao quý của Hôn nhân và gia đình như: tình yêu vợ chồng chung thủy, tình phụ tử mẫu tử cao dày của bậc làm cha mẹ hay lòng hiếu thảo của con cái.[10] Không chỉ thế, Hôn nhân Công giáo là một bí tích trong bảy bí tích mà Chúa Giêsu đã thiết lập.

Hôn nhân Công giáo: một bí tích
Khi một người nam và một người nữ kết hôn, họ trở thành vợ chồng theo luật tự nhiên. Hôn nhân của họ là một khế ước, có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Đối với người Kitô hữu, Hôn nhân không chỉ là một khế ước, mà còn là một bí tích do Chúa Giêsu thiết lập và chúc phúc cho họ.[11] Bí tích này dẫn đôi bạn tới tâm điểm của dự án Thiên Chúa, đó là một dự án giao ước với Dân Người, với tất cả chúng ta, một dự án hiệp thông.[12] Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Hôn nhân là bí tích tình yêu. Khi vợ chồng nên một trong Hôn nhân, cả hai không còn là hình ảnh dưới trần nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên trời.”[13]
Khi một người nam và một nữ cử hành bí tích Hôn phối, Thiên Chúa ban ân sủng của Người cho đôi tân hôn.[14] Qua bí tích Hôn phối, tình yêu của hai vợ chồng được Thiên Chúa đóng ấn; họ nhận được những ơn siêu nhiên giúp họ sống hoàn trọn ơn gọi Hôn nhân và gia đình:
Vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một Bí tích để chu toàn xứng đáng các bổn phận trong bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh của Bí tích này, họ được thấm nhuần Đức tin, Đức cậy, Đức mến và ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và thánh hoá lẫn nhau; và bởi đó, họ cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.[15]
Quả vậy, do giao ước Hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích.[16] Tình yêu Thiên Chúa được phản ánh trong tình yêu Hôn nhân. Hôn nhân Kitô giáo trở thành dấu chỉ giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh.
Thánh Phaolô đánh giá cao giá trị của Bí tích Hôn nhân, khi người đòi buộc Hôn nhân phải được ký kết “trong Chúa”[17] Thánh nhân đặt nền tảng cho phẩm giá và sự thánh thiện của Hôn nhân của Kitô hữu ở chỗ Hôn nhân là phản ảnh sự liên kết giữa Chúa Kitô và Hội Thánh:“Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.”[18] Đối với người Kitô hữu, sự liên kết giữa Chúa Kitô và Hội Thánh là nguyên nhân của nhiều ân sủng, thế nên khi Hôn nhân là phản ảnh trọn vẹn của sự liên kết tạo nên ân sủng giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, thì Hôn nhân không thể nào chỉ là một biểu tượng trống rỗng như trước thời Kitô giáo, nhưng phải là một dấu chỉ ân sủng đầy hiệu năng.
Chính nhờ bí tích Hôn nhân, tính bất khả phân ly mang một ý nghĩa mới mẻ và sâu xa hơn. Thiên Chúa yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vĩnh viễn và không rút lại, hai người phối ngẫu được dự phần vào tình yêu đó của Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa hằng ở trong họ, hướng dẫn và nâng đỡ họ, và nhờ sự chung thủy với nhau, họ có thể là chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa.[19]

Hơn nữa, nhờ Bí tích Hôn phối, cuộc Hôn nhân thành sự giữa hai người nam nữ, nảy sinh một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc hữu tự bản chất. Nhờ đặc tính bí tích, Hôn nhân Kitô giáo nhận được sự trợ giúp đặc biệt của Thiên Chúa qua ân sủng của bí tích phù hợp với bậc sống, để nhờ đó “vợ chồng được củng cố và được thánh hiến để chu toàn nghĩa vụ và nâng cao phẩm giá bậc sống của mình.[20], và vì có tính bí tính nên những đặc tính chính yếu của hôn nhân là sự đơn nhất và bất khả phân ly mang yếu tố bền vững cách đặc biệt.
Hôn nhân Công giáo: đơn nhất và bất khả phân ly
Tình yêu vợ chồng và Hôn nhân Công giáo có ý nghĩa rất phong phú và sâu sắc, vì bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và rập theo khuôn mẫu tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Tình yêu đó có hai đặc tính là đơn nhất và bất khả phân ly. Giáo huấn của Giáo hội chỉ dạy rõ ràng rằng: “Ngay tự bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly cho công đoàn nhân vị bao trùm toàn bộ đời sống của họ.”[21] Và cũng “tự bản chất, tình yêu Hôn nhân Kitô giáo đòi hỏi hai vợ chồng phải thủy chung. Đây là hệ quả của việc hai vợ chồng tự hiến cho nhau. Tình yêu đòi hỏi phải dứt khóat và không tạm bợ.”[22]
Đơn nhất
Đơn nhất nghĩa là một vợ một chồng. Tự bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly. “Họ không còn phải là hai, nhưng là một xương một thịt”[23] Từ đó, họ được mời gọi không ngừng lớn lên trong tình hiệp thông với nhau qua việc mỗi ngày trung thành sống lời cam kết Hôn nhân, là trao hiến trọn vẹn cho nhau. Sự hiệp thông này được củng cố, thanh luyện và hoàn thiện nhờ bí tích Hôn phối đem lại sự hiệp thông trong Đức Kitô. Sự hiệp thông này càng thâm sâu hơn nhờ cùng chia sẻ một đức tin và cùng đón nhận Mình Thánh Chúa.[24]
Chính vì thế, họ được mời gọi lớn lên không ngừng trong sự hiệp thông với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau. Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ trong sự bổ túc tự nhiên giữa người nam và người nữ, và được nuôi dưỡng nhờ ý chí của đôi bạn đích thân muốn chia sẻ với nhau toàn thể dự phóng cuộc đời của họ, chia sẻ với nhau điều họ có và điều họ là: bởi đó, một sự hiệp thông như thế là kết quả và là dấu hiệu của một đòi hỏi nhân bản sâu xa.[25] Vả lại, chúng ta cũng được mời gọi: “Phải nhìn nhận sự bình đẳng giữa vợ chồng trong tình tương thân tương ái trọn vẹn, để nhờ đó biểu hiện rõ ràng tính đơn nhất của hôn nhân đã được Đức Kitô xác nhận. Đa thê là đi ngược với tình yêu vợ chồng, cũng như với sự bình đẳng giữa hai vợ chồng.”[26]
Đặc tính đơn nhất của Hôn nhân Công giáo cũng được Ca dao Việt Nam diễn tả thật sinh động:
Đói no một vợ một chồng,
Một nêu cơm tấm dầu lòng ăn chơi.
Đói thì ăn nắm lá sung,
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.
Bất khả phân ly
Giáo huấn của Giáo hội dạy rằng:
Lý do sâu xa nhất đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy chính là sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước, và sự trung tín của Đức Kitô với Hội Thánh. Nhờ bí tích Hôn phối, hai vợ chồng được ban ơn để diễn tả và làm chứng cho sự trung tín ấy. Do bí tích, tính bất khả phân ly của hôn nhân tiếp nhận một ý nghĩa mới và sâu xa hơn.”[27]
Ngoài ra sự liên kết mật thiết giữa hai vợ chồng, cũng như lợi ích của con cái, buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín với nhau.[28] Thế nên, “khi người nam và người nữ đã kết hôn thành sự và hợp pháp, họ phải trung thủy với nhau trọn đời.”[29] Không ai có thể tháo gỡ giây hôn nhân đó. Vì thế, “bất khả phân ly” chính là một trong những đặc điểm nổi bật của hôn nhân Công giáo, đồng thời còn có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với thế giới hiện nay, khi mà ly dị thường được coi là giải pháp bình thường cho những khó khăn hoặc thất bại trong đời sống hôn nhân. Quả thực, đối với nhiều trường hợp, chung thuỷ là một thách đố lớn lao. Trong đời sống Hôn nhân, đôi vợ chồng cần nhớ rằng sự liên kết với nhau không phải chỉ do quyết tâm của họ mà còn là kết quả của ơn Chúa. Thế nên, Hội Thánh không ngừng cầu nguyện cho các đôi vợ chồng được trung thành với nhau suốt đời. Ngược lại, chính Hội Thánh cũng được nâng đỡ luôn trung tín với Chúa Giêsu nhờ sự chung thuỷ của các đôi vợ chồng.[30]

Thay lời kết
Để kết thúc, người viết xin được trích lại lời giáo huấn của vị Cha chung của Giáo hội về Hôn nhân Kitô giáo:
Hôn nhân Kitô giáo phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người, được thể hiện trọn vẹn trong sự kết hợp giữa người nam và người nữ, họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và sự trung thành trong tự do, để thuộc trọn về nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh. Họ được thánh hiến nhờ bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội Thánh tại gia và là men của đời sống mới cho xã hội.[31]
Thật thế, sự trung thành và chung thủy trong Hôn nhân Kitô giáo là nét đẹp tuyêt vời của nhân loại. Con người chỉ có thể sống đẹp với nhau khi họ trung thành với những gì họ đã cam kết. Ước mong sao, khi tái khám phá “Niềm vui của Tình yêu”, mỗi chúng ta nhận ra vẻ đẹp và sự thánh thiêng của Hôn nhân Kitô giáo trong chương trình của Thiên Chúa, để có thể thực thi sứ vụ mục vụ các gia đình, cũng như việc đồng hành với các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống Hôn nhân gia đình, giúp các những người trẻ trang bị những hành tràng cần thiết, hầu sống trọn vẹn ơn gọi Hôn nhân Công giáo, trong yêu thương và hạnh phúc.





[1] ĐGH Phanxicô, Tông huấn  Amoris Laetitia, số 33.
[2] Xc. St 1,27-28; 2,18-2; Kh 21,2.9.17.
[3] Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông Ðiệp Humanae Vitae, số 08.
[4] Xc. St 1, 26 -27.
[5] St 1, 28.
[6] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, các số 371-372.
[7] Xc. St 17, 1-26; Xh 19,4-8; Hs 1-3; Is 54; 62; Gr 2-3; 31; Ed 16; 23.
[8] Xc. Is 61, 10;  Kh 21, 2-4.
[9] Vaticanô II, Gaudium et Spes số 49.
[10] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1603.
[11] Xc. Ủy Ban Giáo lý Đức tin, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo lý Hôn nhân và Gia đình, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 19.
[12] Xc. ĐGH Phanxicô, Bài diễn giải Giáo lý về Bí tích Hôn phối,
[13] Xc. Giáo lý Hôn nhân và Gia đình, tr. 19.
[14] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1617.
[15] Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes số 48.
[16] Xc. Giáo Luật, điều 1055, §1.
[17] Xc. 1 Cr 7, 39.
[18] Ep 5, 32.
[19] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1647-1648.
[20] Giáo Luật, điều 1134.
[21] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1644.
[22] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1646.
[23] Mt 19, 6; St 2, 24.
[24] Xc. Ủy Ban Giáo lý Đức tin, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo lý Hôn nhân và Gia đình, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 22.
[25] Xc. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Gia đình - Familiaris Consortio, số 19.
[26] Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes - Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 49.
[27] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1647.
[28] Xc. Vaticanô II, Gaudium et Spes số 48.
[29] Ibid., số 20.
[30] Xc. Giáo lý Hôn nhân và Gia đình, tr. 23.
[31] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, số 292.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn