Dưới ánh sáng của Thông điệp Laudato Si,
thiết nghĩ mỗi người cần tự vấn xem
liệu chúng ta có đang thiếu xót bổn phận
đối với việc chăm sóc và bảo vệ công trình sáng tạo của Chúa? Chúng ta có cộng tác vào việc hủy hoại môi trường
bằng cách này hay cách khác chăng?
Chúng ta có tìm giải pháp nào để cứu hành tình của chúng ta đang ngày ngày bị tiêu diệt cách thảm thiết không?
thiết nghĩ mỗi người cần tự vấn xem
liệu chúng ta có đang thiếu xót bổn phận
đối với việc chăm sóc và bảo vệ công trình sáng tạo của Chúa? Chúng ta có cộng tác vào việc hủy hoại môi trường
bằng cách này hay cách khác chăng?
Chúng ta có tìm giải pháp nào để cứu hành tình của chúng ta đang ngày ngày bị tiêu diệt cách thảm thiết không?
Nt. Mary Nguyễn
Hòa – MTG. Qui Nhơn
Dẫn nhập
Nếu như ngôi nhà là nơi quy tụ mọi thành
viên cùng chung sống, là môi trường thuận lợi và tốt nhất giúp mỗi người sinh
hoạt và phát triển nhân cách, tri thức, tình cảm, tương giao, tâm linh… trong
trật tự, bình yên và hạnh phúc thì môi trường thiên nhiên chúng ta đang sống
đây cũng có thể được sánh ví như ngôi nhà chung của toàn thể nhân loại được
Thiên Chúa vì tình yêu thương đã quan phòng sắp đặt để mọi loài trong vũ trụ
này được phát triển và tiến triển trong trật tự hài hòa, mang lại cuộc sống
bình yên và hạnh phúc cho con người. Bởi đó, Thiên Chúa đã đặt con người cai
quản vũ trụ này. Chắc chắn ai cũng có quyền được hưởng dùng mọi ích lợi từ ngôi
nhà chung này và đồng thời cũng nhớ đến trách nhiệm đặc biệt của mình là hết
lòng và hết tình bảo vệ, để ngôi nhà chung này trở thành nơi mang lại cuộc sống
hạnh phúc, bình an cho mọi người.
“Ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất
màu xanh bao la. Ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất màu xanh hiền hòa…”
Lời bài hát “Ngôi nhà chung của chúng ta” của Nhạc sĩ Huỳnh Phước Liên như phần
nào cho thấy tình thương và Lòng Thương xót của Thiên Chúa bao phủ trên cuộc
sống con người khi tạo dựng nên Trái Đất cho con. Đây thực sự là nơi mà sự sống
con người được duy trì nếu được trân trọng đúng mức.
Thế nhưng, có lẽ trong quá trình phát
triển và tồn tại, con người đã thấm thía những hậu quả do chính sự phát triển
là ô nhiễm và suy thoái môi trường sinh thái, thực phẩm nhiễm độc, nhiều vùng
bị thiên tai, khô hạn và nhiễm mặn đang từng ngày diễn ra đó đây trên thế giới…
Đặc biệt với Việt Nam, trong những tháng gần
đây (từ tháng 4. 2016), tình trạng cá chết hàng loạt dọc biển Miền Trung
từ Hà Tĩnh trở vào Thừa Thiên – Huế và các tỉnh lân cận đang gây ra nỗi đau và
thiệt hại về sinh mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường; cũng như để lại nỗi
hoang mang cho biết bao người về sự sinh tồn của mình. Khoa học kỹ thuật và
công nghệ tiến bộ những tưởng làm cho đời sống con người bớt khổ đau, thêm phấn khởi, an vui và trường thọ; thế
nhưng, không hẳn như thế! Công nghệ càng tối tân, hiện đại, càng kéo
theo thảm họa sinh thái cùng với nhiều căn bệnh nan y đe dọa mạng sống con
người; khiến không ít người phải sống trong lo sợ, đau khổ và tuyệt vọng. Điều
đó đã và đang tác động mạnh mẽ đến sức khỏe, tình hình xã hội, an ninh quốc gia
và ngay cả mạng sống con người cũng chẳng được đảm bảo.
Đối mặt với những vấn đề tiêu cực này
càng làm cho chúng ta không khỏi lúng túng vì không biết làm sao để bảo vệ ngôi
nhà chung của chúng ta. Trách nhiệm này không thuộc
của riêng ai, nhưng đều là của bạn và của tôi, của chúng ta! Bởi vì con
người hủy hoại ngôi nhà của mình, tức là hủy hoại chính mình, đặc biệt là tàn
phá công trình sáng tạo của Thiên Chúa và gạt bỏ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa
trong công cuộc Tạo Dựng. Dưới ánh sáng của Thông điệp Laudato Si, thiết nghĩ mỗi người cần tự vấn xem liệu chúng ta có
đang thiếu xót bổn phận đối với việc chăm sóc và bảo vệ công trình sáng tạo của
Chúa? Chúng ta có cộng tác vào việc hủy hoại môi trường bằng cách này hay cách
khác chăng? Chúng ta có tìm giải pháp nào để cứu hành tình của chúng ta đang
ngày ngày bị tiêu diệt cách thảm thiết không? Thật đúng lúc để mỗi chúng ta dấn
thân tích cực vào việc bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại này.
I. Tuyệt đỉnh của Lòng Thương Xót Chúa trong công cuộc Tạo Dựng
1. Vũ trụ phản ánh tình thương của Thiên Chúa
Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng một
thế giới tốt đẹp và trao cho con người sử dụng, chăm sóc như lời Chúa trong
sách Sáng thế: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày
cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Con người được hưởng dùng tất cả những điều
tốt đẹp từ muôn loài muôn vật, và cũng chính con người được Thiên Chúa trao
quyền quản lý trái đất này; vì thế con người phải trở nên người quản lý trung
tín của Đấng Tạo Hóa. Kitô giáo đón nhận chân lý mặc khải từ Thiên Chúa: muôn
loài, muôn vật, kể cả con người và toàn thể vũ trụ này đều được Thiên Chúa sáng
tạo từ hư vô (x. St 1, 1-2), và tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện đều tốt
lành (x. St 1, 31). Thiên Chúa là nguồn cội của tất cả những gì thiện hảo và
xinh đẹp, Ngài sáng tạo mọi sự tốt đẹp để con người được hưởng trọn vẹn tình
thương mà Ngài đặc biệt dành cho.
Nếu Chúa không tạo dựng muôn loài trong trời
đất cho bạn hưởng dùng, cho bạn có điều kiện phát triển cuộc sống hạnh phúc và
xứng với nhân phẩm của một con người, bạn cũng chẳng thể làm gì được, kêu ca,
lẩm bẩm, than trách hay phản kháng chăng? Đó là quyền và tự do của Ngài; nhưng
không, Ngài vốn là một Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, quảng đại, khoan dung và
giàu tình thương… không bao giờ muốn thụ tạo Ngài đã dựng nên phải sống trong bất hạnh và đau khổ.
Đứng trước một dòng thác hùng vĩ hay
cảnh núi đồi trùng trùng điệp điệp, khi khám phá đại dương với bao sinh vật
phong phú, khi tham gia cuộc phiêu lưu mạo hiểm trong những cánh rừng bạt ngàn
với các loài thú quý hiếm, các loài sinh vật, thảo mộc; hay được hít thở khí
trời mỗi ngày cách nhưng không mà chúng ta chẳng phải trả bất cứ một khoản tiền
nào, nguồn nước cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng được Chúa ưu đãi ban
cho dồi dào. Hãy mở to đôi mắt ngạc nhiên để thấy được bao điều kỳ diệu mà Chúa
đã làm và cảm được tình thương tuyệt diệu Thiên Chúa tặng ban cho con người.
Thật tuyệt vời và vô biên đến chừng nào, dù chúng ta nhỏ bé và bất xứng. Chúng
ta hãy mượn lời tác giả Thánh vịnh mà ca ngợi Chúa:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
Đêm này kể lại với đêm kia. ( Tv. 19, 2-3)
Thiên Chúa dựng nên vũ trụ như môi
trường thuận lợi cho con người sinh sống. Ngài tạo nên thời tiết bốn mùa thay
đổi nối tiếp nhau, cho mưa thuận gió hòa và điều hành mọi vật tiến triển trong
trật tự, hòa hợp và đi vào quỹ đạo của tình yêu. Ngài hoàn thành chương trình
sáng tạo trong sự quan phòng và thánh ý nhiệm mầu:
Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi,
Đất chứa chan phước lộc của Ngài.
Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc,
Làm tốt tươi cho người thế hưởng dùng.
Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh,
Chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người,
Xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi,
Nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ. ( Tv 104, 13-15)
Mặc khác, chúng ta tin Thiên Chúa tạo
dựng vũ trụ theo sự khôn ngoan và vì tình thương. Ngài muốn cho con người và
muôn loài được tham dự vào hữu thể, sự khôn ngoan và tốt lành của Ngài và muốn
con người đồng thừa hưởng niềm hạnh phúc với Ngài. Bởi đó, khi nói đến chủ tể
của vũ trụ là Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và điều khiển thế giới, chúng ta được
mời gọi ngắm nhìn và ca ngợi quyền năng cao cả và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa
đối với công trình do Người sáng tạo. Phụng vụ Hội thánh trong Kinh nguyện
Thánh Thể IV đã ca khen rằng: “Chúng con
tuyên xưng Cha là Ðấng cao cả, Cha đã tác tạo mọi loài để ban cho chúng đầy
tràn ơn phúc, và cho thụ tạo vui hưởng ánh
sáng huy hoàng của Cha”. Dù cho con người đón nhận hay chối từ,
Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với tình thương quan phòng, chăm sóc và yêu
thương. Đấng đã chăm sóc từ con chim sẻ nhỏ đến hoa cỏ ngoài đồng (x. Mt 6,
26-30), cũng là Đấng “cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như
người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,
45).
Như thế, Thiên Chúa có một mối liên hệ
nội tại với chính thế giới, Ngài chính là tác giả và là Đấng điều khiển thế
giới còn con người là thụ tạo của Ngài. Ngài tạo dựng nên cả trái đất lẫn con
người, và ban phát trái đất cho con người để con người làm chủ bằng sức lao
động và thừa hưởng những kết quả do bàn tay con người làm ra (x. St 1, 28). Vì
Thiên Chúa Sáng Tạo là Ðấng khôn ngoan nên công trình sáng tạo có trật tự “Ngài
đã an bài mọi sự có mực thước, có số, có lượng” (Kn 11, 20) và ban phát trái đất
cho toàn thể nhân loại để nuôi sống toàn thể mọi người không bỏ quên hoặc thiên
vị một ai. Trái đất với hoa trái của nó là món quà đầu tiên của Thiên Chúa ban
cho để nuôi sống con người và con người cộng tác với người khác để tất cả cùng
nhau làm chủ trái đất.[1]
Một thế giới tuy có xa rời tình thương Thiên Chúa vì vết thương do tội lỗi gây
ra thì cũng được Thiên Chúa chữa lành nhờ Máu của Đức Giêsu Kitô và đưa trở về
tầm mức vẹn toàn.
Thế giới loài người,
tức là với toàn thể gia đình nhân loại cùng với mọi thực tại thuộc môi trường
sinh sống. Thế giới ấy là sân khấu của lịch sử loài người, đánh dấu bởi những
cố gắng, thất bại và thắng lợi; một thế giới mà với cặp mắt Đức tin, người Kitô
hữu nhận biết là đã được tình yêu của Đấng Tạo Hóa tác thành cùng bảo toàn; và
dù có rơi vào ách nô lệ tội lỗi, thì nhờ Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại,
bẻ gãy uy quyền của thần dữ, thế giới ấy đã được giải thoát, để thay hình đổi
dạng theo dự kiến của Thiên Chúa mà tiến tới mức thành toàn viên mãn.[2]
Tóm lại, Thiên Chúa
là Đấng dựng nên muôn loài và sắp đặt trật tự cách khôn ngoan, Người tạo dựng
mọi sự tốt đẹp và tạo dựng trong trật tự. Bởi đó, con người cần đến với Thiên
Chúa trong thái độ cung kính, quy phục Đấng Sáng Tạo và hình thành thái độ biết
ơn sâu xa khi được thụ hưởng các công trình, các tài nguyên thiên nhiên đa dạng
và phong phú của thế giới. Con người chính là chóp đỉnh của việc tạo dựng trong
công trình của Thiên Chúa vì mang hình ảnh của Ngài và được trao quyền cai quản
muôn loài trong vũ trụ.
2. Con người được trao quyền cai quản vũ trụ
Đứng trước những kỳ công nơi thiên nhiên
vạn vật, con người đã không ngớt lời thán phục vì tình thương và quyền năng cao
cả của Thiên Chúa. Giờ đây, đứng trước một tác phẩm tuyệt diệu và hoàn chỉnh
nhất là con người, chắc hẳn không ai không
thầm cảm phục tình thương vô bờ Thiên Chúa dành đặc biệt cho con người.
Con người biểu lộ niềm xác tín với một cái nhìn phát sinh từ lòng tôn kính
Thiên Chúa của sự sống, Ðấng đã tạo dựng con người bằng cách làm cho họ nên như
một kỳ công phản chiếu hình ảnh sống động của Ðấng Tạo Hoá. Vì thế, tác giả
Thánh vịnh thốt lên:
Tạng phủ con, chính Ngài cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
Hồn con đây biết rõ mười mươi.
Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì,
khi con được thành hình trong nơi bí ẩn,
được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.
Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy;
Mọi ngày đời được dành sẵn cho con
đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,
Trước khi ngày đầu của đời con khởi sự
(Tv 139, 13-16).
Nếu đọc lại trình thuật tạo dựng trong
sách Sáng Thế 1, 1-2,4a, chúng ta dễ dàng nhận thấy Sách Thánh mô tả việc Thiên
Chúa tạo dựng con người sau khi đã tạo dựng trời đất trăng sao cùng muôn loài
muôn vật. Dưới cái nhìn về môi trường, chúng ta có thể khẳng định, Thiên Chúa
đã ban cho con người một môi trường sống rất tốt lành. Cũng chính trong bản văn
sáng tạo ấy, Thiên Chúa còn ban cho con người một đặc quyền để con người thay
mặt Thiên Chúa mà cai quản thế giới vật chất (St 1, 26). Thế nhưng chúng ta
phải làm chủ như thế nào? Thiên Chúa ban quyền làm chủ trên con người không
phải để cho con người trở thành kẻ thống trị và gây họa cho nhân sinh trên hành
tinh, nhưng Thiên Chúa giao phó vũ trụ cho con người nhằm giúp muôn loài sinh
sôi nảy nở và phát triển hài hòa, bởi vì con người “được tạo dựng giống hình
ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận lãnh trách nhiệm chinh phục Trái đất cùng với
tất cả những gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công
bằng.”[3]
Đó quả là một vinh dự nhưng cũng là một trọng trách của con người. Trọng trách
cộng tác vào công trình sáng tạo, canh tác quả địa cầu, và bảo vệ môi trường
sinh thái. Do vậy, Hội thánh đã tha thiết cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh…
Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và trao cho việc trông coi vũ trụ,
để khi phụng sự một mình Cha là Ðấng Tạo Hoá, con người cai quản mọi loài thụ
tạo.”[4]
Lần giở lại những trang Thánh Kinh và
đọc lại lịch sử Dân Chúa, chúng ta khám phá ra Chúa đang hoạt động trong lịch
sử ấy ngay từ ban đầu: “Tổ tiên tôi là một người Aram phiêu bạt” (Đnl 26, 5).
Thiên Chúa đã hứa với dân Người một giao ước mà dân Chúa có thể nhìn về tương
lai với niềm hy vọng: Người Israel sống niềm tin ấy trong không gian và thời
gian của thế giới này, thế giới mà họ không hề coi là môi trường thù nghịch hay
một chỗ xấu xa mà người ta cần được giải thoát, nhưng chính là ân huệ Chúa ban,
là đất đai và kế hoạch Chúa giao cho họ quản lý và làm việc với tinh thần trách
nhiệm của một con người. Thiên nhiên, một công trình sáng tạo của Thiên Chúa,
không phải một kẻ thù nguy hiểm. Chính Chúa đã làm nên mọi sự, và khi nhìn từng
thụ tạo Chúa đều thấy nó tốt đẹp (x. St 1. 31). Chúa giao cho con người chịu
trách nhiệm về toàn thể thụ tạo, bắt họ chăm lo sao cho thụ tạo được hài hòa và
phát triển (x. St 1, 26-30). Thế nhưng, trải qua thời gian khi nhìn lại thế
giới này với bao vấn đề đáng lo ngại về môi
trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên hiện nay, chúng ta không khỏi
thắc mắc vì sao con người lại có thể đối xử tàn nhẫn với công trình của Thiên
Chúa đến thế?
Có lẽ vì con người quá nhấn mạnh đến
việc chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta đề cao quá mức
vai trò ngôi vị của mình mà xem nhẹ và lãng quên vai trò môi trường chăng. Bên
cạnh đó, con người cũng lạm dụng trách nhiệm làm chủ thiên nhiên của mình mà
tàn phá thiên nhiên cách vô tội vạ và thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến lợi
ích chung của cộng đồng nhân loại. Bởi đó, trong vài thập kỷ vừa qua, đặc biệt
kể từ khi phát triển các nền công nghiệp và kỹ thuật, sự tăng trưởng trong các ngành hóa chất, hóa dầu, y tế, công nghệ thông
tin…, con người đã không những không tôn trọng những quy tắc chung về
môi trường sinh thái mà còn khai thác thiên nhiên cách tàn bạo, ích kỷ và tùy
tiện, khiến trái đất xinh đẹp đang dần dần đi đến chỗ hủy hoại và diệt vong.
Thay vì cộng tác
với Tạo Hóa để giúp thiên nhiên phát triển hài hòa thì con người đã gây nên những thảm trạng cho thiên
nhiên không lường được. Thiên Chúa trao cho con người “bá chủ mặt đất” không có
nghĩa là con người được toàn quyền lạm dụng bừa bãi thiên nhiên, nhưng cần biết
đối xử với thiên nhiên trong tự do và trách nhiệm. Ngài phủ nhận tất cả ý
đồ chiếm hữu tuyệt đối của con người với thiên nhiên khi khẳng đinh với
dân Ngài: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các
ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25, 23).
Trải qua dòng thời gian, nhiều vị lãnh
đạo Giáo hội không ngừng băn khoăn thao thức đến vấn đề môi trường sinh thái vì
nó ảnh hưởng sâu rộng và trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của con người. Nhiều
vị Giáo Hoàng đã đưa ra quan điểm của mình qua các bài tham luận và lên án chỉ
trích những cá nhân hay tập thể chỉ vì một lý do nào đó mà nhẫn tâm phá hủy môi
trường sống và những gì liên quan đến môi trường sinh thái như Thông điệp Pacem in terris – Hòa bình trên thế
giới, của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
cũng đưa ra lời cảnh báo: “Con người đã không nhìn vũ trụ với một ý
nghĩa nào khác, ngoài mục đích sử dụng trực tiếp và lạm dụng”.
Tiếp đến, ngài kêu gọi toàn thế giới phải có một sự chuyển đổi về
mặt sinh thái. Đồng thời, ngài cho thấy người ta dấn thân quá ít để
“gìn giữ những điều kiện luân lý cho một sinh thái thật nhân bản”.
Đặc biệt, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho
thấy sự tàn phá môi trường sinh thái của con người đã rất trầm
trọng, vì Thiên Chúa không những trao cho con người trái đất này để
chăm sóc và phát triển, nhưng còn muốn cho con người được sống và sống dồi dào
nữa. Việc phát triển mang tính nhân bản thực sự phải có một đặc
tính luân lý và phải đưa đến một sự tôn trọng trọn vẹn đối với con
người, đồng thời còn phải chú tâm đến thế giới vạn vật nữa.[5]
Trong thời điểm hiện tại, thật cấp bách
và cần thiết, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu mời chúng ta cần ý thức trách nhiệm
của mình đối với môi trường; tài sản chung của nhân loại. Ngài cho thấy ngôi
nhà chung phải được xem như là người chị cần
chúng ta để ý, quan tâm. Người chị này đang kêu gào vì sự hủy hoại do
chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh
ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và sở hữu chủ, nên được quyền tận dụng.
Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện
rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai,
trong không khí và nơi các sinh vật.
Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi
và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và
bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8, 22). Chúng ta
quên rằng, chính chúng ta cũng là tro bụi (St 2, 7). Thân xác của chúng ta cũng
được tạo nên từ những yếu tố của vũ trụ; không khí giúp chúng ta thở; nước giúp
chúng ta sống và được bồi dưỡng.”[6]
Con người có thể khai thác các tài nguyên thiên nhiên để phát triển sự sống,
nhưng không được thái quá một cách vô tội vạ. Nếu không, con người tự chuốc họa
vào thân, bằng chứng là con người đang lãnh hậu quả từ những khai thác tàn bạo
của mình: động đất, sóng thần, thủng tầng ozone, nhiều bệnh nan y lan tràn… Họ
đang phá đổ mối tương quan với Đấng Tạo Hóa và với các thụ tạo.
II. Con người đang phá đổ tương quan với Đấng Tạo Hóa và
với thế giới tạo thành
Nếu có thể lên
tiếng nói, chắc chắc thế giới thiên nhiên sẽ phẫn nộ và kêu lên những rên siết và quằn quại vì cách
bóc lột tàn bạo, hành động thờ ơ và vô tâm hủy hoại môi trường của con người
từng ngày. Tuy nhiên, dù không lên tiếng nói, trái đất cũng đang phản kháng
mạnh mẽ để tố cáo tội ác của con người qua những hiện tượng thiên tai, lũ lụt,
hạn hán, cháy rừng, động thực vật diệt chủng, nguồn nước sạch khan hiếm, ô
nhiễm không khí, đói nghèo, bệnh tật…
Ngày nay, vô số cá nhân và tập thể từ các
môi trường, văn hóa, ngôn ngữ đến các tôn giáo khác nhau đang gióng lên tiếng
nói đòi con người phải xem xét lại tương quan của mình đối với công trình của
Đấng Tạo Hóa, đối với Mẹ Trái Đất, xem những thảm trạng khôn lường khi con
người quay lưng lại với Lòng Thương Xót và công trình tạo dựng của Đấng Tạo
Hóa.
1. Thảm trạng của con người quay lưng với Đấng Tạo Hóa và
thế giới tạo thành
Chúng ta đang làm ô nhiễm địa cầu, vắt
cạn kiệt tài nguyên, tạo nên những bãi rác khổng lồ, xả khí carbon độc hại vào bầu
khí quyển, gây hại nguồn nước và không khí, làm thủng tầng ozone. Nguyên nhân
sâu xa của những vấn đề ấy có thể là tham
vọng của con người muốn thống trị trên sự vật một cách vô điều kiện và
khuynh hướng khai thác bệnh hoạn các tài nguyên thiên nhiên.
Có lẽ hơn bao giờ hết, con người mới cảm
thấy thật cấp bách và cần thiết để làm mọi cách cứu vãn hành tinh chúng ta đang
sống khi không biết được tương lai trái đất sẽ đi về đâu vì từng ngày, từng
ngày nó đang biến đổi cách tiêu cực: độ nóng cứ nóng dần toàn cầu, khí thải
tăng dần, tình trạng phá rừng ngày càng lan tràn khiến cho thiên tai, hạn hán,
lũ lụt diễn ra nhiều nơi trên thế giới, đe dọa cuộc sống và hủy diệt con người một cách tàn nhẫn. Tình
trạng ô nhiễm trên không, trên mặt đất và dưới biển cũng đáng báo động.
Tầng ozone, xưa nay được mệnh danh là chiếc áo giáp bảo vệ trái đất nay cũng bị
thủng vì chất thải công nghiệp, hóa chất, các chất độc từ công nghệ kỹ thuật
thải ra. Nhiều loại động vật quý hiếm và cây cối cũng dần dần bị tuyệt chủng vì
nạn săn bắt và chặt phá rừng vô tổ chức, vô trách nhiệm. Nhiều loại rác thải từ
y tế, công nghệ khoa học kỹ thuật, điện tử, điện lạnh biến trái đất này thành
bãi rác khổng lồ, mất vệ sinh, mầm móng của nhiều dịch bệnh, sức khỏe chẳng còn
đảm bảo. Con người đang quay lưng lại với chính Đấng Tạo Hóa đã dựng nên mình
và muôn loài cho mình hưởng dùng.[7]
Đâu là nguyên nhân đã gây ra những thảm
trạng này? Chúng ta có thể liệt kê những nguyên nhân tiêu biểu:
Đánh
bắt thủy hải sản quá mức
Các món hải sản ngon miệng được nhiều
người yêu thích đang ngày một rút ruột các đại dương. Theo Quỹ Bảo vệ động vật
hoang dã thế giới (WWF), nhu cầu về hải sản của con người cao hơn gấp 2,5 lần
so với khả năng cung ứng của biển. Các loài hải sản càng được ưa thích thì càng
bị đánh bắt cạn kiệt. Các tàu đánh bắt cá hiện đại là thủ phạm chính. Chúng là
những nhà máy chế biến hải sản di động, được trang bị các thiết bị dò tìm hiện
đại. Khi phát hiện mục tiêu, một tấm lưới khổng lồ có kích thước bằng 3 sân
bóng sẽ được thả xuống, tóm gọn cả bầy cá lớn chỉ trong vài phút. Các chuyên
gia dự đoán rằng, nếu không có biện pháp can thiệp, nhiều loài hải sản quen
thuộc trong thực đơn hàng ngày của con người sẽ biến mất khỏi đại dương trong
40 năm tới.
Những
cuộc di dân và những kẻ xâm chiếm
Khi con người di chuyển đến nơi sinh
sống mới, họ thường đem theo những con vật hoặc cây cỏ ở quê mình đến trồng ở
vùng đất mới. Việc làm này đã vô tình làm xáo trộn quần thể động thực vật bản
địa, là một trong những nguyên nhân gây tàn phá môi trường khốc liệt nhất.
Những kẻ xâm chiếm mới này sẽ tranh giành môi trường sống và thức ăn, đẩy “dân
địa phương” đến bước đường diệt vong. Một ví dụ điển hình là loài chim cưu
(sống ở đảo quốc Mauritius nằm phía Tây Nam Ấn Độ Dương), nay đã bị tuyệt chủng
do những sinh vật “ngoại lai” như mèo, chuột … được những thủy thủ Châu Âu mang
đến đã phá hoại tổ và ăn trứng của chúng.
Các
hoạt động khai thác than và khoáng sản
Than đá là nguồn
cung cấp năng lượng dồi dào, nhưng kèm theo quá trình sản xuất điện từ than đá là lượng khí thải
CO2 khổng lồ đang phá hủy bầu khí quyển. Hậu quả của nó là sự biến đổi khí
hậu đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Thêm một vấn nạn của ngành
công nghiệp khai thác than là rác thải như đất đá, cây cối bị đào lên trong quá
trình khai thác sẽ bị đổ đống xuống các thung lũng lân cận, bóp nghẹt các dòng
suối, phá hủy môi trường sống của các sinh vật, làm kiệt quệ dòng nước chảy ra
các con sông; thêm vào đó, chất thải công nghiệp bị rửa trôi vào các dòng sông,
gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tai
họa từ sơ suất của con người
Đôi khi, chỉ một sơ suất nhỏ của con
người cũng gây ra hậu quả thảm khốc khó lường. Thảm họa tràn dầu từng làm chấn động nước Mỹ của công ty Exxon Valdez năm
1989, ngoài việc cướp đi kế mưu sinh của hàng chục ngàn ngư dân, còn bức
tử hàng triệu sinh vật biển khác ở vùng biển Alaska. Vụ tràn dầu của công ty BP
xảy ra ở vịnh Mexico hồi tháng 4/2010 thậm chí gây hậu quả còn nghiêm trọng hơn
vụ Exxo, được đánh giá là thảm họa tràn dầu kinh hoàng nhất lịch sử. Cho đến hiện tại, vẫn còn quá sớm để ước
lượng mức độ ảnh hưởng cũng như thiệt hại do sự cố này gây ra, nhưng
chắc chắn người dân và hệ sinh thái trong khu vực này sẽ chịu thiệt hại hết sức
nặng nề.
Phương
tiện giao thông
Mỗi năm 1 chiếc xe hơi hoạt động sẽ thải
ra khoảng 5,4 tấn CO2 dưới dạng khí thải. Ngoài tác hại lâu dài đến tầng
ozone, gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên, các loại khí thải này
cũng gây tác hại tức thời đến con người thông qua các bệnh về đường hô hấp ngày
càng phổ biến. Hơn nữa, ngành công nghiệp khai thác và cung cấp nhiên liệu
(xăng dầu) cho các loại phương tiện giao thông hoạt động cũng để lại nhiều hậu
quả xấu cho môi trường.
Các
hoạt động nông nghiệp không bền vững
Các hoạt động nông nghiệp không an toàn
là nguyên chính gây ô nhiễm đất và các nguồn nước. Lấy ví dụ, ở Mỹ, 70% nguồn
nước như sông suối bị nhiễm hóa chất do phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực
vật bị rửa trôi từ các cánh đồng. Ngoài ra,
ngành công nghiệp chăn nuôi quy mô lớn với hàng trăm ngàn con gia súc
đang thải ra một lượng khổng lồ các loại khí thải chưa qua xử lý từ phân của
chúng. Các khí này cũng “góp công” trong việc làm trái đất nóng lên.
Nạn
phá rừng
Các khu rừng đang bị teo nhỏ hoặc biến
mất hàng ngày, đặc biệt là các khu rừng mưa
nhiệt đới. Với đà phá rừng như hiện tại, các nhà khoa học ước tính
khoảng 100 năm nữa, toàn bộ rừng trên trái đất sẽ biến mất. Mất rừng cũng như
mất đi lá phổi; không còn đủ cây xanh để chuyển hấp thụ và chuyển hóa các khí
nhà kính. Không còn rừng cũng đồng nghĩa với việc mất đi hàng rào che chắn và
bảo vệ, dẫn đến các thảm họa xói mòn và lũ lụt ngày một nghiêm trọng.
Bùng
nổ dân số
Các nhà nghiên cứu dân số nói rằng, nếu
chúng ta không tự kiềm chế dân số một cách ôn hòa thông qua các chương trình kế
hoạch hóa gia đình, thì thiên nhiên sẽ làm giúp việc này nhưng với các biện
pháp hết sức tàn khốc như bệnh dịch và đói kém. Chỉ trong vòng 40 năm, dân số
thế giới đã tăng từ 3 tỷ lên gần 7 tỷ người. Mỗi năm lại có thêm 75 triệu người
– tương đương dân số của nước Đức – được sinh ra trên hành tinh. Ước tính đến
năm 2050, dân số trái đất sẽ vượt mốc 9 tỷ người. Dân số tăng đồng nghĩa với
nhu cầu về thực phẩm tăng, lượng rác thải cũng theo đó tăng lên. Các ngành công
nghiệp hoạt động hết công suất để phục vụ con người. Tài nguyên bị rút cạn,
trái đất dần kiệt quệ.
2. Một vài nhận định
Về
mặt kinh tế xã hội
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi khía cạnh sinh hoạt
đời sống của con người. Chẳng hạn trong những tháng vừa qua, tình trạng cá chết
hàng loạt ở các tỉnh ven biển Miền Trung từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên- Huế, hầu
hết người dân ở các vùng này đều gắn liền cuộc sống mưu sinh của họ bằng nghề
đánh bắt cá, nuôi trồng thủy, hải sản, nhưng giờ nguồn nước biển cũng bị ô
nhiễm, họ không còn công việc để làm, kinh tế của gia đình phụ thuộc vào việc
đánh bắt hải sản cũng bị đình trệ, nghèo đói gia tăng và bệnh tật có nguy cơ
cũng tăng cao.
Mặt khác, quá trình chuyển từ nông thôn
sang đô cũng có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Vì để mở rộng không gian đô thị, người ta đã chặt bỏ cây cối, làm thu hẹp diện
tích cây trồng, diện tích cây lương thực và hoa màu, dẫn đến người dân bị thiếu
thốn về lương thực, rau, hoa màu, thảo dược.
Nhiều nhà máy, xí nghiệp thải ra nhiều chất thải độc hại, gây nên những
căn bệnh ung thư, dị tật, những căn bệnh về đường hô hấp vì nhiễm khói bụi, rác thải… Nhiều phương tiện giao
thông bùng nổ, nạn kẹt xe triền miên và gây ra tiếng ồn nghiêm trọng.
Ngoài ra việc biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của
người dân: thiên tai, bão táp, lượng mưa tăng cao, hạn hán, lũ lụt… đang là vấn
nạn gây xáo trộn về đời sống kinh tế của con người không nhỏ.
Về
mặt luân lý
Ai trong chúng ta cũng mong muốn quốc
gia, quê hương chúng ta ngày càng phát triển về mọi phương diện để sánh vai
cùng các cường quốc năm châu, để bắt nhịp cùng với tình hình phát triển trên
thế giới, thế nhưng phát triển như thế nào để không gây hại cho môi trường đó
là một qui tắc mà chúng ta cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Trách nhiệm bảo vệ
môi trường là trách nhiệm chung của mọi người. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói:
Bảo vệ môi trường là
bảo vệ chính mình và bảo vệ anh chị em đồng loại trong tinh thần liên đới. Nói
cách khác, để thi hành quyền làm bá chủ do Đấng Tạo Hoá trao phó, con người
đừng nghĩ rằng mình có quyền tuyệt đối, nhưng phải chấp nhận tuân theo những
qui tắc luân lý.
Hành động hủy hoại môi trường dù là vô
tình hay hữu ý, một mặt là tước đoạt quyền trên sự sống của Thiên Chúa, mặc
khác còn là một trọng tội vì phạm đến sự sống của anh chị em đồng loại, đặc
biệt là những người nghèo hủy hoại cả tương lai của thế hệ con cháu chúng ta.
III. Sự hoán cải sinh thái và trả lại vẻ đẹp ban đầu của
công trình tạo dựng
1. Sự hoán cải triệt để
Môi trường có vai trò hết sức quan trọng
đối với cuộc sống của con người, không những là không gian sinh sống, cung cấp
tài nguyên, chứa đựng rác thải mà còn là nơi quyết định mọi hoạt động sống của
con người từ sức khỏe, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị.
Trong thông điệp Laudato si, Đức Phanxicô đã đặt vấn đề: “Loại thế giới nào chúng
ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn
lên…?” Ngài cũng nối kết tất cả chúng ta với thế giới thiên nhiên này: “Chúng
ta là một phần của thiên nhiên, ở trong thiên nhiên và vì thế thường xuyên
tương tác với thiên nhiên.”[8]
Ngài đã dùng những lời phê phán mạnh mẽ nhất cho những người giàu không quan
tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, và nhất là
ảnh hưởng của nó đối với người nghèo. “Nhiều người trong số những người
sở hữu nhiều tài nguyên hơn dường như quan tâm chủ yếu đến việc che đậy các vấn
đề hay giấu giếm các triệu chứng của các vấn đề ấy...”[9]
Đức Giáo Hoàng đặt câu hỏi tại sao có
quá nhiều người giàu ngoảnh mặt với người nghèo? Không chỉ vì “một số người tự
xem mình là xứng đáng hơn hơn những người khác”, nhưng vì thông thường những
người ra quyết định lại “sống cách biệt với người nghèo”, không gặp gỡ thực sự
anh chị em mình.[10]
Ích kỷ cũng dẫn đến sự “bốc hơi” các khái niệm về công ích. Điều này không đơn giản
chỉ ảnh hưởng đến những người ở các nước đang phát triển, mà còn ở ngay trong
các thành phố của các nước phát triển, nơi mà ngài kêu gọi thực hiện điều có
thể đặt tên là một “nền sinh thái của đô thị”. Trong thế giới của Laudato Si’ không có chỗ cho thói ích kỷ
hay dửng dưng. Chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên “nếu cõi lòng chúng ta
thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến người đồng loại của chúng
ta.”[11]
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mạnh mẽ khẳng định: “Con người đã tàn phá công
trình sáng tạo của Thiên Chúa với nhiều hình thức…” và “mọi tội lỗi chống lại
tự nhiên cũng là tội lỗi chống lại chính chúng ta và là một tội lỗi chống lại
Thiên Chúa”.[12]
Do đó, “khi áp dụng các thành quả khoa học
và kỹ thuật vào việc phát triển thiên nhiên, cần phải tham chiếu với
nguyên tắc quan trọng này, đó là thái độ kính trọng con người, đi kèm với lòng
tôn trọng tất cả các sinh vật khác…”[13]
Bởi đó, cần hoán cải triệt để hầu trả lại cho thiên nhiên những nét đẹp, ổn
định mà nó đã có thuở ban đầu.
2. Lối suy nghĩ mới và lối sống mới
Dù làm gì đi nữa, con người vẫn là đối
tượng cần được bảo vệ để tránh khỏi sự tự hoại. Muốn làm được điều đó, nhân
loại cần chấm dứt việc tôn thờ tiền bạc và đưa con người trở lại đúng phẩm giá
con người. Trong tinh thần đó, con người cần xác tín việc bảo vệ môi trường
chẳng những là trách nhiệm pháp lý theo nguyên tắc công ích xã hội, mà còn là
một ràng buộc lương tri vì đó là lẽ sống còn của cộng đồng nhân loại. Để đi vào
linh đạo môi sinh, chắc hẳn phải có sự can dự của tất cả các lãnh vực giáo dục,
trước tiên là “trường học, gia đình, các phương tiện truyền thông, việc huấn
giáo”[14]
Ta không thể coi nhẹ tầm quan trọng của
hành trình giáo dục về môi sinh có khả năng ảnh hưởng tới những cử chỉ và thói
quen thường nhật, từ sự giảm bớt tiêu thụ nước, cho đến việc thu lượm rác theo
các loại khác nhau, “tắt những đèn điện vô ích” (số 211): Một môi sinh học toàn
diện được thực hiện kể cả bằng những cử chỉ đơn sơ thường nhật trong đó chúng
ta phá vỡ lý lẽ bạo lực, khai thác bóc lột, ích kỷ.”[15]
Chúng ta không chỉ cố gắng khắc phục sửa
chữa những sai lầm mà chúng ta đã gây ra cho thiên nhiên mà chúng ta còn phải
có bổn phận tích cực tìm mọi giải pháp chỉ cần đơn giản thôi miễn là có thể
đóng góp vào việc chăm sóc và bảo vệ môi trường.
Nhặt rác: hãy bỏ rác đúng nơi qui định,
không bạ đâu vứt đó. Rác thải nên phân loại và tìm cách tái chế để có thể sử
dụng cho những công việc cần thiết.
Trồng cây: cây cối có nhiệm vụ thanh lọc
không khí trong lành cho chúng ta hít thở, tạo cảnh quang thiên nhiên đẹp đồng
thời có nhiệm vụ giữ đất không bị xói mòn, lũ lụt. Cần tận dụng những vùng đất
bỏ hoang để trồng cây nhằm giúp cho hệ sinh thái phát triển.
Hưởng ứng các chương trình tiết kiệm
năng lượng: hằng năm có chương trình giờ trái đất để nhằm tiết kiệm nguồn năng
lượng, cần tích cực hưởng ứng và phổ biến cho những người xung quanh hiểu rõ và
đồng hưởng ứng.
Tiết kiệm nước: nước cần thiết cho sinh
hoạt của con người nhưng nếu sử dụng cách lãng phí, nguồn nước sạch cũng cạn
kiệt. Hãy sử dụng nước khi cần thiết và tiết kiệm tối đa để tránh tình trạng
thiếu nước cho nhu cầu sinh sống của mình và tập thể.
Chúng ta có những mẫu gương tuyệt vời về
việc sống hài hòa, tôn trọng các thụ tạo như thánh Phanxicô Assisi, ngài là
“mẫu gương tuyệt hảo về sự chăm sóc những gì là yếu đuối và một nền môi sinh
toàn diện, được sống trong vui mừng”, mẫu gương về sự “không thể tách biệt nhau
giữa mối quan tâm đối với thiên nhiên, công bằng đối với người nghèo, dấn thân
trong xã hội và hòa bình nội tâm.[16]
Còn những mẫu giương khác nữa như thánh Biển Đức, thánh Têrêsa thành Lisieux,
chân phước Charles de Foucauld… Bổn phận của mỗi chúng ta là dấn thân cách tích
cực để bảo vệ ngôi nhà chung nhân loại được bình an, nhằm mang lại hạnh phúc
cho con người, để qua đó Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cũng được mọi người
nhận ra nơi cách sống hài hòa, yêu thương, vị tha, quảng đại của mỗi chúng
ta.
Tạm kết
Thật đau buồn khi con người ngày nay
chưa ý thức bảo vệ môi trường. Điều này có thể là do tập quán, thói quen, quan
niệm đã ăn sâu từ rất lâu trong tâm thức; chính vì thế, chúng ta thường hành xử
với môi trường theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Giáo hội Công giáo bao
nhiêu năm qua đã cho thấy vấn đề môi trường là vấn đề sống còn. Giáo hội giáo
dục con cái của mình và mời gọi mọi người hãy thay đổi quan niệm và lối sống,
chung tay góp sức để biến trái đất mình đang sống thành ngôi nhà tràn đầy niềm
vui, tiếng cười, cuộc sống ấm no, yên bình thay cho những vất vả, đau khổ vì
đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh, tai nạn, ô nhiễm... Đó quả là một vấn nạn
không đơn giản có thể giải quyết một sớm một chiều và cũng không thể khoanh tay
đứng nhìn môi trường chúng ta đang dần dần bị hủy hoại. Mỗi người hãy làm cái
gì đó để làm cho thế giới này ngày thêm tươi đẹp hơn, một đóng góp cho thiện
ích của toàn nhân loại.
[1] Thánh GH Gioan Phaolô II, Thông điệp Đệ Bách Chu Niên, số 31.
[2] CĐ Vat. II, Hiến Chế Vui mừng và
Hy vọng, số 2b.
[3] CĐ Vat. II, Hiến Chế Vui mừng và
Hy vọng, số 34.
[4] Kinh nguyện Thánh
Thể IV
[5] Xc. ĐGH Phanxicô, Thông điệp Laudato
Si, số 5.
[6] Xc. Ibid.,
số 2.
[7] Xc. http://khoahoc.tv/con-nguoi-dang-tu-huy-diet-nhu-the-nao-30247
[8] ĐGH
Phanxicô, Thông điệp Laudato Si, số
139.
[9] Ibid., số
26.
[10] Xc. ĐGH
Phanxicô, Thông điệp Laudato Si, các
số 49, 90.
[11] ĐGH
Phanxicô, Thông điệp Laudato Si, số
91.
[12] ĐGH
Phanxicô, Thông điệp Laudato Si, số
8.
[13] CĐ. Vatican
II, Học thuyết xã hội của Giáo Hội,
số 459.
[14] ĐGH
Phanxicô, Thông điệp Laudato Si, số
213.
[15] ĐGH
Phanxicô, Thông điệp Laudato Si, số
230.
[16] ĐGH
Phanxicô, Thông điệp Laudato Si, số
10.
Đăng nhận xét