Người tu sĩ với vấn đề môi sinh

Môi trường sinh thái đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Giáo hội chia sẻ “u sầu và lo lắng”
với toàn thể nhân loại trong vấn đề môi trường.
Là con cái Giáo hội, chúng ta, những người
sống đời thánh hiến, không thể dửng dưng trước lời mời gọi của Mẹ chúng ta…
Trần Công, OP.
Dẫn nhập
Một trong những vấn đề nóng nhất ở nước ta hiện nay là vấn đề môi trường sinh thái. Đồng bằng sông Cửu Long đang hứng chịu một trận hạn mặn lịch sử lớn nhất trong vòng một trăm năm qua. Vùng biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đang bị ô nhiễm nặng nề, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Tây Nguyên hứng chịu “cơn khát” dữ dội làm cho ruộng đồng nứt nẻ, ao hồ cạn kiệt, thiếu nước sinh hoạt. Đó là vài thảm họa môi trường đang xảy ra ở Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Ngoài ra, chúng ta có thể chứng kiến hiện trạng ô nhiễm môi trường sinh thái ở khắp nơi: từ ô nhiễm không khí do khí thải, bụi bặm, đến ô nhiễm nguồn nước do chất thải của các nhà máy, làng nghề… Sông biển, núi rừng đang bị bức tử! Thêm nữa, một vấn đề nóng bỏng khác là rác thải. Nhiều nơi, rác thải không được  thu gom xử lý, mà được đổ trực tiếp ra sông ngòi, hoặc chôn lấp sơ sài gây nên những hiểm họa tiềm tàng về môi trường và sức khỏe con người.
Giáo hội Công giáo, trong những thập niên gần đây, đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi sinh. Từ Đức Phaolô VI đến Đức Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI, và đặc biệt Đức Phanxicô đều nói đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, vì vấn đề môi trường liên quan đến toàn thể nhân loại; và bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình, bảo vệ anh em đồng loại. Đức Phanxicô đã dành một Thông điệp riêng - Laudato Si, để thực hiện một cuộc đối thoại với hết mọi người về vấn đề môi trường. Trong Thông điệp này, Đức Giáo hoàng kêu gọi “một cuộc cách mạng văn hóa rộng rãi để đương đầu với cuộc khủng hoảng môi trường” hiện nay.
Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường cũng đã được Giáo hội Công giáo quan tâm. Nhiều cuộc Hội thảo liên quan được tổ chức như: Công nghị Loan Báo Tin Mừng và Bảo vệ Môi trường, tháng 11, năm 2011, Người Công giáo với vấn đề Bảo vệ môi trường, ngày 28.11.2015… Đặc biệt, trong Thư mục vụ ngày 31/05/2009, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài Gòn, khẳng định rằng:
Thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hoá và là tài nguyên dành cho tất thảy mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một ai hoặc một thiểu số nào, cũng không chỉ dành riêng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai. Do đó, mọi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người trong cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay. Đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng.
Quả vậy, những lời mở đầu của Hiến Chế Gaudium et Spes được gửi đến mọi Kitô hữu, nhưng có lẽ đặc biệt dành cho những người sống đời tận hiến, vì họ là những người “theo sát Chúa Kitô”, để trở thành môn đệ của Người.
Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. 
Đồng hành cùng Giáo hội và dân tộc, những người sống đời tận hiến tại Việt Nam hôm nay cần phải đồng cảm với những “ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ”, trong mọi vấn đề, cả những vấn đề về môi trường, đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người. Trước vấn nạn này, ắt hẳn có người sẽ nói rằng tình trạng ô nhiễm môi trường là vấn đề nan giải, bảo vệ môi trường là vấn đề khó khăn phức tạp, liệu các tu sĩ có thể làm gì? Có đấy! Các tu sĩ có thể làm những công việc “không phải để làm thay đổi thế giới, nhưng để gieo rắc trong xã hội một điều thiện hảo, sẽ luôn mang lại nhiều hoa trái vượt lên trên điều người ta nhận ra được, chỉ vì chúng gây nên trên trái đất này một điều thiện hảo đôi khi không nhận ra” (Laudato Si, 212).
Trau dồi kiến thức về môi trường
Để hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, người ta cần có kiến thức nhất định về lãnh vực đó. Cũng thế, để dấn thân vào hoạt động bảo vệ môi trường, các tu sĩ cũng cần trang bị kiến thức về môi trường. Trong Thông điệp Ladato Si, Đức Phanxicô hy vọng trong các Đại chủng viện, các nơi đào tạo của các Dòng tu, các chủng sinh và tu sĩ được giáo dục để “chú tâm đến những sự yếu đuối của người nghèo và của môi trường” (x. Laudato Si, 214). Qua phương tiện truyền thông, sách báo, và kinh nghiệm thực tế, các tu sĩ tự tìm hiểu để giúp mình có được những nhận thức về môi trường mà mình đang sống, và có được các kiến thức giá trị kỹ năng, kinh nghiệm cũng như hiểu rõ mình có thể làm gì, để giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay và trong tương lai. Đồng thời, người tu sĩ có thể chia sẻ cho mọi người những kiến thức đã thu nhận được, nhất là tinh thần của Giáo hội trong vấn đề bảo vệ môi trường sống.
Chu toàn việc bảo vệ công trình sáng tạo nhờ những việc nhỏ
Ý thức bảo vệ môi trường phải được thể hiện ngay nơi những việc nhỏ hằng ngày của các tu sĩ. Chẳng hạn, giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng của bản thân, tái sử dụng và sử dụng sản phẩm tái chế; hạn chế sử dụng giấy, túi nilông; tiết kiệm nhu yếu phẩm, nước; phân loại các rác thải, nấu nướng vừa đủ cho bữa ăn, sử dụng các phương tiện lưu thông công cộng, trồng cây, tắt đèn khi không sử dụng… Những việc này đều là những việc nhỏ, thậm chí rất nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, và ai cũng có thể làm được. Thế nhưng, theo Đức Phanxicô, đó lại là những hành động quảng đại và xứng đáng, sẽ đem đến điều tốt đẹp cho hữu thể con người. Hành động sử dụng lại một cái gì đó thay vì quăng đi, có thể là một hành động tình yêu làm nổi bật phẩm giá của chúng ta (Laudato Si, 211). Khi làm những việc đó, chúng ta đang chung tay bảo vệ môi trường sống của mình và của anh chị em chúng ta; đồng thời, một cách nào đó, chúng ta đang làm chứng về việc bảo vệ công trình sáng tạo mà Thiên Chúa trao cho con người làm chủ.
Chung tay giáo dục bảo vệ môi trường
Tại Việt Nam, dù rất hạn chế, nhưng nhiều tu sĩ đã và đang tham gia công tác giáo dục: giáo dục trẻ em tại các trường mầm non của các nữ tu, giáo dục đức tin tại các lớp Giáo lý, giáo dục chuyên đề tại các Trung tâm Mục vụ… Đây là cơ hội để các tu sĩ góp phần vào việc giáo dục môi trường. “Các nhà giáo dục có khả năng theo lối giáo dục của mình cho thấy một nền luân lý mới về môi sinh, giúp làm nổi bật tình liên đới, trách nhiệm và cùng cảm nhận sự quan tâm chung” (Laudato Si, 210). Nhà giáo dục có thể lồng ghép đề tài giáo dục môi trường vào các bài giảng, các bài giáo lý, dạy cho các em ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, làm những việc nhỏ như nhặt rác, bỏ rác đúng nơi đúng chỗ, sống tiết kiệm, nhằm làm cho môi trường sống càng ngày càng xanh-sạch-đẹp. “Một nền giáo dục tốt đẹp tại trường học trong những năm các em còn bé, sẽ được gieo  những hạt giống sản sinh những hiệu quả trong suốt cuộc đời” (Laudato Si, 213). 
Ngoài việc giáo dục tại trường học (trường mầm non, trường Giáo lý) cho học sinh, các tu sĩ có thể thực hiện các chuyên đề về môi trường tại các Trung tâm Mục vụ của Hội dòng, của các Giáo xứ, hay Giáo phận, nhằm trình bày cho nhiều tín hữu hiểu biết về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, tôn trọng thiên nhiên và “cùng nhau củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và môi trường” (ĐHY Tauran, thư gửi các Phật tử nhân lễ Phật đản năm 2010).
Cầu nguyện cho việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường
Cùng với những hành động, dù nhỏ bé nhưng thiết thực trong việc bảo vệ môi trường sống, các cộng đoàn tu sĩ và mỗi tu sĩ cũng cần phải biết “cảm tạ Thiên Chúa vì công trình kỳ diệu mà Người ủy thác cho chúng ta chăm sóc, cầu xin ơn phù trợ của Chúa cho việc bảo vệ thiên nhiên và xin Chúa thương xót vì những tội đã phạm chống lại thế giới chúng ta đang sống” (Thư Đức Phanxicô gửi ĐHY Peter Turkson và ĐHY Kurt Koch).
Khi cầu nguyện cho việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường như thế, các tu sĩ có cơ hội “tái quyết tâm gắn bó với ơn gọi làm người bảo tồn thiên nhiên” đồng thời ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong công việc chung này. Các cộng đoàn tu trì có thể tổ chức những buổi cầu nguyện chung, hoặc những buổi cầu nguyện với sự tham dự của đông đảo giáo dân, như Giáo phận Sài gòn đã thực hiện vào ngày 13 tháng Ba năm 2015 vừa qua.
Tạm kết
Môi trường sinh thái đang bị đe dọa nghiêm trọng. Giáo hội chia sẻ “u sầu và lo lắng” với toàn thể nhân loại trong vấn đề môi trường. Là con cái Giáo hội, chúng ta, những người sống đời thánh hiến, không thể dửng dưng trước lời mời gọi của Mẹ chúng ta, để trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn ý thức và sẵn sàng hành động, quan tâm đến môi trường nơi chúng ta và anh chị em chúng ta sống. Chúng ta cũng hãy khơi dậy nơi các tín hữu ý thức trách nhiệm gìn giữ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bởi đó là cũng chính hành động bảo vệ nhân loại hôm nay và mai sau.
Xin cứu chữa cuộc sống của chúng con,
để chúng con trở thành
những người bảo vệ cho trái đất này,
chứ không phải là những kẻ cướp bóc,
để chúng con gieo những gì tốt đẹp
chứ không phải những loại ô nhiễm và tàn phá.
(ĐGH Phanxicô, Laudato Si, Lời kinh cho trái đất chúng ta).

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn