Thế giới xuất hiện là kết quả của một quyết định,
chứ không phải từ hỗn mang hay tình cờ.
Theo quan điểm của Kitô giáo thì công trình tạo dựng
là một trật tự của tình yêu,
mọi công trình tạo dựng đều nằm trong ý định yêu thương
của Thiên Chúa.
chứ không phải từ hỗn mang hay tình cờ.
Theo quan điểm của Kitô giáo thì công trình tạo dựng
là một trật tự của tình yêu,
mọi công trình tạo dựng đều nằm trong ý định yêu thương
của Thiên Chúa.
Nét Bút Chì MTG Bà Rịa
Dẫn
nhập
Những
trang đầu sách Sáng Thế trình bày ý định của Thiên Chúa qua việc tạo dựng: đó
là mọi thụ tạo đều tốt đẹp (St 1,31). Mỗi loài đều có vẻ đẹp riêng, có nét đặc
trưng riêng và mỗi loài đều có sự hoàn hảo riêng. Thiên Chúa đã xếp đặt chúng
theo một trật tự hài hoà. Điều đặc biệt là chúng có mối tương quan rất hài hoà
với con người mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Chúng ta không sinh ra để bị bao
trùm bởi bê tông, nhựa đường, thuỷ tinh và bị tước mất mối tương quan về mặt
thể lý với thiên nhiên.”[1]
Vâng, ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa là dựng nên mọi loài
trong kế hoạch yêu thương “Đức Chúa tốt lành với mọi loài, tỏ lòng yêu thương
với mọi công trình Ngài đã làm ra” (Tv 145, 1). Trong mọi loài Thiên Chúa dựng
nên thì con người là loài thụ tạo cao quý nhất, được dựng nên theo hình ảnh Thiên
Chúa, được trao cho quyền cai quản và canh giữ vườn (St 2,15). Thế nên, con
người được mời gọi trở thành những khí cụ của
Thiên Chúa là Cha chúng ta, để hành tinh của chúng ta có thể trở thành điều mà
Người mong muốn khi Người tạo nên nó và đáp trả lại kế hoạch yêu thương cua
Chúa bằng hoà bình, vẻ đẹp và sự toàn vẹn[2].
Thế nhưng qua dòng
thời gian con người đã làm cho mối tương quan hài hoà giữa con người với Thiên Chúa, với chính mình, với
tha nhân và với vạn vật bị đỗ vỡ, để lại hậu quả to lớn là thảm cảnh về môi
trường. Trong bối cảnh ấy, chúng ta cần tìm
những phương hướng khắc phục, để trái đất thực sự trở thành ngôi nhà
chung cho mọi loài.
1. Công trình
sáng tạo trong ý định yêu thương của Thiên Chúa
Sách Sáng Thế chương một và chương
hai trình bày hai trình thuật về việc Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vạn vật:
đầu tiên Thiên Chúa tạo dựng nên thế giới hữu hình. Ngày thứ nhất Thiên Chúa
dựng nên Ánh sáng và bóng tối. Ngày thứ hai Thiên Chúa làm nên vòm trời và khối
nước. Ngày thứ ba Thiên Chúa dựng nên đất có thảo mộc. Để trang trí cho bầu
trời, ngày thứ tư: Thiên Chúa đã làm nên mặt trời, mặt trăng và muôn tinh tú.
Để trang trí cho trái đất, ngày thứ năm: Ngài dựng nên chim trời cá biển. Ngày
thứ sáu Ngài dựng nên dã thú và con người (X. St 1,1- 2, 4a )
Bên cạnh việc sáng tạo nên thế giới
hữu hình thì Thiên Chúa cũng sáng tạo nên thế giới vô hình là các thọ tạo linh
thiêng thuần tuý, được gọi là các Thiên Thần. Các Ngài có lý trí và lòng mến
như ta nhưng không có xác như ta, các ngài bất tử và thường không ai thấy được [3].
Sau khi Sáng tạo, “Thiên Chúa thấy
mọi sự Ngài đã làm ra đều tốt đẹp” (St 1,31) và mọi loài đều có một vị trí
trong thế giới[4].
Mọi vật đều có sự vững chãi, chân thật và tốt lành cùng với trật tự và định
luật riêng.[5]Do
đó, mọi loài có liên hệ với kế hoạch yêu thương
của Thiên Chúa mà trong đó mọi thọ tạo đều có giá trị và ý nghĩa riêng của nó.
Mọi loài thụ tạo như là một quà tặng từ cánh tay vươn ra của Chúa Cha của hết
mọi loài, và như là một thực tại được soi sáng bởi tình yêu vốn mời gọi chúng
ta cùng nhau đi vào sự hiệp thông hoàn vũ.[6]
Như vậy, thế giới
xuất hiện là kết quả của một quyết định, chứ không phải từ hỗn mang hay tình
cờ.[7]
Theo quan điểm của Kitô giáo thì Công trình tạo dựng là một trật tự của tình
yêu[8],
mọi công trình tạo dựng đều nằm trong ý định yêu thương của Thiên Chúa.
2. Lòng thương Chúa xót trên vạn vật
Nhìn vào kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa trong việc tạo
dựng vũ trụ ta thấy được tình yêu và lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho mọi
loài. “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã
làm ra, vì giả như chúa ghét loài nào, thì Ngài chẳng dựng nên” (Kn 11, 24). Do
đó, mọi loài thụ tạo là đối tượng của sự dịu dàng của Chúa Cha, Đấng đang trao cho nó một vị
trí trong thế giới. Ngay cả sự sống thoáng qua của sinh vật nhỏ bé nhất cũng là
đối tượng của tình yêu Người[9]
nên ngài mặc cho nó một vẻ đẹp lộng lẫy, mà Đức Giêsu so sánh: “ngay cả Vua
Salomon dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt
6,29).
Vì Thiên Chúa là Đấng
Tạo Dựng mọi loài, Ngài nhấn mạnh một chân lý nền tảng: “Thiên Chúa là Cha” (x.
Mt 11,25) trong khi trò chuyện với các môn đệ Đức Giêsu mời gọi họ nhận biết
mối tương quan phụ tử của Thiên Chúa với hết mọi loài thụ tạo. Ngài nhắc đến
chúng với lòng trìu mến, cảm thông vì mỗi loài đều quan trọng trong mắt của
Thiên Chúa: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai đồng phải không? Thế mà không một
con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc
12,6). “Hãy xem chim trời chúng không gieo không gặt, không thu tích vào
kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6, 26).
Thiên Chúa tạo
dựng nên mọi loài trong tình yêu nên lúc nào Ngài cũng có mối liên hệ chặt chẽ
với mọi thụ tạo Thomas H. Green đã đặt hai vấn đề song song để làm nổi bật lên
tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa nơi mọi thụ tạo. Anh chế tạo đồng hồ:
Khi chế tạo đồng hồ thì anh tìm mọi phương thế để cho ra chiếc đồng hồ thật
tốt, thật đẹp. Anh bỏ một phần con người của anh vào chiếc đồng hồ ấy. Nhưng
một khi làm xong, một khi đồng hồ xuất xưởng, anh không còn liên luỵ trực tiếp
với chiếc đồng hồ ấy nữa[10].
Trái với người chế tạo đồng hồ, Thiên Chúa luôn để mình liên luỵ vào quá trình
phát triển và vận mệnh phát triển của các thụ tạo ngay từ phút khởi đầu tại
vườn địa đàng mà thi sĩ Dante Alighieri nói về Người “Tình yêu làm chuyển động
mặt trời và các tinh tú”. Do đó, chúng ta có thể đi từ những điều kiện tạo dựng
đến sự cao cả của Thiên Chúa và đến lòng thương xót từ ái của Người[11].
Lòng thương xót đã
làm cho trái tim Thiên Chúa phải quặn đau khi thấy con người: coi thường nghĩa
vụ phải vun trồng và duy trì mối tương quan đúng đắn với người thân cận, với
những người mà tôi có trách nhiêm phải canh giữ và chăm sóc, sẽ phá huỷ tương
quan với bản thân, với người khác, với Thiên Chúa và với trái đất[12].
Nên ngài đã truyền lệnh cho dân Israel hãy dành một ngày thứ bảy như là ngày
nghỉ ngơi, ngày Sabát (x. St 2, 2-3; Xh 16, 23; 20, 10). Tương tự, cứ mỗi bảy
năm, sẽ là một năm sa-bát được đặt ra cho người Ít-ra-en, một sự nghỉ ngơi hoàn
toàn dành cho đất đai (x. Lv 25:1-4), khi mà việc gieo giống bị cấm và người ta
gặt hái chỉ điều cần thiết để sống và để nuôi gia đình người ấy (x. Lv 25:4-6).
Sau cùng, sau bảy tuần của các năm, có nghĩa là bốn mươi chín năm, Năm Thánh
được cử hành như là một năm để tha thứ chung và “sự tự do trên toàn cõi đất cho
hết mọi cư dân” (x. Lv 25:10). Luật này xuất hiện như một nỗ lực để đảm bảo sự
quân bình và sự công bằng trong các mối quan hệ của họ với người khác và với
đất đai mà trên đó họ sống và làm việc[13].
Dẫu biết rằng lòng
thương xót Chúa hiện hữu trên tất cả mọi thụ tạo mà Ngài đã dựng nên, nhưng con
người có một chỗ đứng rất riêng biệt trong trái tim Chúa. Bởi con người được
dựng nên vì tình yêu và được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x St 1, 26).
Điều này cho chúng ta thấy phẩm giá lớn lao của mỗi con người, vốn không chỉ là
một điều gì đó, nhưng là một ai đó. Người ấy có khả năng tự hiểu biết, khả năng
tự thụ đắc và khả năng tự trao ban chính bản thân mình và đi vào mối hiệp thông
sâu xa với những người khác. Thánh Gioan Phaolô II chỉ ra rằng tình
yêu đặc biệt của Đấng Tạo Thành dành cho mỗi con người nhân loại là “trao ban
cho con người một phẩm giá vô biên”[14].
Vâng, lòng Chúa
thương xót đã bao phủ toàn vũ trụ mà Ngài đã tạo dựng. Bởi Thiên Chúa là Đấng
Toàn Năng đã lấy khôn ngoan và tình thương mà sáng tạo nên muôn vật hữu hình và
vô hình để “ban cho chúng đầy tràn ơn phúc và cho nhiều thọ tạo được vui hưởng
ánh sáng huy hoàng”[15].
3.
Thảm cảnh về môi trường
Ngay từ thuở ban
đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ
với vẻ đẹp hài hoà cùng với trật tự vô cùng độc đáo và Thiên Chúa đã
giao cho con người vai trò làm chủ và canh tác. Thế nhưng con người đã quá lạm
dụng và đề cao tự do của mình để rồi quên đi nhiệm vụ “giữ vườn” (x.St 2, 15).
Dẫn đến hậu quả trầm trọng về ô nhiễm môi trường.
Một vài con số cho chúng ta thấy tình trạng khủng hoảng về môi trường: mỗi năm con người thải vào
môi trường trái đất 1,53 triệu tấn SiO2; 1 triệu tấn Niken; 20 tỉ
triệu tấn CO2; 700 triệu tấn bụi;
900 triệu tấn Cacbon; 600000 triệu tấn khí độc. Mỗi ngày ô nhiễm môi trường gây
ra xấp xỉ 14.000 cái chết trên toàn thế giới, chủ yếu là do ăn uống bằng nước
bẩn chưa được xử lý. Khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó dự báo hơn
mưa bảo thất thường, suy giảm nguồn tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường đang
xảy ra ở diện rộng.[16]
Riêng đối Việt Nam
theo kết quả phân tích của Trung tâm phân tích thí nghiệm TP. HCM cho thấy
lượng Benzen trong không khí tại các trục giao thông chính của thành phố đã lên đến mức báo động đỏ với
nồng độ benzen trung bình là 33,6 micro gam/m3 cao gấp 6,72 lần tiêu
chuẩn của tổ chức y tế Thế giới là 5 micro gam/m3. Các nhà khoa học
cho rằng nếu dựa vào kết quả này thì nguy cơ mắc bệnh bạch cầu đối với những
người luôn hít thở không khí ở TP. HCM có thể cao gấp 5,4 lần so với những khu
vực khác.[17]
Việt nam có hai
thành phố lớn nằm trong danh sách 6 thành phố bị ô nhiễm không khí trầm trọng
nhất thế giới: Bắc Kinh - Thượng Hải - New Delhi- Dhakar - Hà Nội - Tp. HCM.
Mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt chưa được thu gom khoảng 1200m3/
ngày, đang xả thẳng vào các khu đất ven hồ, kênh, mương trong nội thành. 35% số
người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đọc nhãn thuốc; 94% hộ gia đình sử
dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo hướng dẫn trên bao bì.
Không chỉ xảy ra ở
các thành phố lơn mà tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn cũng
đang ở mức báo động. Nguyên nhân là do việc xử lý chất thải, lạm dụng thuốc bảo
vệ thực vật… làm cho nguồn nước, không khí nông thôn bị ô nhiễm trầm trọng.[18]
Cùng với sự ô nhiễm môi trường, chúng ta
đang phải đối mặt với ba vấn đề phổ biến đó là sự nóng lên của trái đất, sự ô
nhiễm biển và đại dương
cùng với sự hoang mạc hoá môi trường.
Nhiệt độ trung bình của Trái Đất hiện nay
nóng hơn gần 40 độ C so với nhiệt độ trong kỷ băng hà gần nhất, khoảng 13.000
năm trước. Tuy nhiên trong vòng 100 năm qua, nhiệt độ trung bình bề mặt Trái
Đất tăng khoảng 0,6-0,7oC và dự báo sẽ tăng 1, 4-5,8oC
trong 100 năm tới.
Việc toàn cầu ấm lên có những tác động sâu
sắc đến môi trường và xã hội. Một trong những hệ quả tất yếu của sự gia tăng
nhiệt độ của trái đất là sự gia tăng mực nước biển, gia tăng cường độ các cơn
bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan, suy giảm tầng ôzôn, thay đổi ngành
nông nghiệp, và làm suy giảm trong đại dương.
Tốc
độ ấm lên toàn cầu ở thế kỷ XXI nhanh hơn so với sự thích ứng của các loài sinh vật. Vì vậy một số loài có nguy cơ
tuyệt chủng.
Biển và đại dương đang ngày đêm kêu cứu vì
ô nhiễm trầm trọng. Hàng năm, khoảng 50 triệu tấn chất thải rắn đổ ra biển gồm
đất, cát, rác thải, phế liệu xây dựng, chất phóng xạ... Bên cạnh đó, rò rỉ dầu,
sự cố tràn dầu của các tàu thuyền thường chiếm 50% nguồn ô nhiễm triên biển.
- 1.000.000 chim biển, 100.000 thú biển và
rựa biển bị chết do bị vướng hay bị nghẹt thở bởi các loại rác plastic.
- 30-50% lượng CO2 thải ra từ quá trình
đốt các nhiên liệu hóa thạch bị đại dương hấp thụ, việc thay đổi nhiệt độ sẽ
làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu CO2 của các phiêu sinh vật và sau
đó ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Nếu con người cũng
xem biển cả là một bãi rác khổng lồ có thể chứa đủ thứ chất thải, môi trường
đại dương sẽ còn bị hủy hoại trầm trọng hơn nữa chứ không những như tình trạng
hiện nay.
Mỗi năm, sa mạc
Sahara tiến dần về phía Nam với tốc độ 45 km/ năm. Cao nguyên Madagasca - nơi
được xem là kho báu về đa dạng sinh học nhưng giờ đây 7% đất đai là đất cằn đồi
trọc. Tại Kazakhstan, kể từ năm 1980, 50% diện tích đất trồng trọt đã bị bỏ
hoang vì quá cằn trong tiến trình hoang mạc hoá.
Đa dạng sinh thái
bị suy giảm, đất đai trở nên bạc màu không thể canh tác là hai ảnh hưởng chủ
yếu của quá trình hoang mạc hóa. Tình trạng này đang đe doạ cuộc sống của gần 1
tỉ dân trên trái đất.
Những dấu hiệu
cảnh báo về hiện tượng ô nhiễm môi trường toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều ở
mọi nơi trên toàn thế giới. Chúng ta đều hiểu rằng, một khi ô nhiễm môi trường
xảy ra, chính loài người chúng ta cùng những sinh vật vô tội khác trên Trái Đất
sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên - những ảnh hưởng tiêu cực tác động đến
sự sống hôm nay và mai sau.[19]
Hiện nay 2/3 dân số thế giới đang thiếu nước
trầm trọng. Theo The Verge, một nghiên cứu được công bố
trong tuần vừa qua 24/ 2/ 2016 đã cho thấy có khoảng 4 tỷ người gặp tình trạng
thiếu nước trầm trọng ít nhất 1 tháng trong 1 năm, và gần một nửa trong số này
sống tại Trung Quốc và Ấn Độ Kết quả cho
thấy không chỉ các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia nghèo
đói như Bangladesh, Pakistan, Nigeria gặp phải tình trạng thiếu nước mà
ngay cả 130 triệu người dân tại nước Mỹ (chủ yếu tại các bang California, Texas
và Florida) cũng đang rơi vào tình cảnh này. "Tình trạng thiếu nước đã trở thành một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng tới tất
cả chúng ta. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến cho tình trạng
thiếu nước trở nên trầm trọng hơn.[20]
Những con số nêu trên cho chúng ta biết
tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về vấn đề môi trường. Những tình hình này
đã làm cho chị đất, cùng với tất cả sự bỏ mặc của thế giới của chúng ta, than
khóc lên, khẩn xin chúng ta hãy thực thi một hành động khác. Chưa bao giờ chúng
ta lại quá làm tổn thương và đối xử tệ với ngôi nhà chung của chúng ta như
chúng ta đang thực hiện trong suốt hai trăm năm qua. Tuy nhiên chúng ta được
mời gọi để trở thành những khí cụ của Thiên Chúa là Cha chúng ta, để hành tinh
của chúng ta có thể trở thành điều mà Ngài mong muốn khi Ngài tạo nên nó và đáp
trả lại kế hoạch của Ngài bằng hoà bình, vẻ đẹp và sự toàn vẹn.[21]
4. Sứ mạng – trách nhiệm - phương hướng hành động
Sau khi hoàn tất việc sáng tạo Thiên Chúa
thấy “mọi sự Ngài làm ra đều tốt đẹp” (St 1,31) và Ngài đã trao cho con người
để con người được đồng thừa hưởng quyền sáng tạo. Đó là sứ mạng cao cả mà Thiên
Chúa đã dành cho con người để họ làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp. Do đó,
điều thiết yếu là chúng ta phải có trách nhiệm với trái đất do Thiên Chúa dựng nên, nghĩa là con người, được phú
bẩm sự thông minh, phải tôn trọng các luật của tự nhiên và thế quân bình mỏng
manh tồn tại giữa các loài thọ tạo của thế giới này.[22]
Điều này cũng là
lời khuyên của Mạnh Tử cho nhà vua Lương Huệ Vương trong vấn đề giữ nước:
Không làm trái nghịch
thời tiết của kẻ làm ruộng thì lúa thóc ăn không hết, đừng làm cho lưới nhặt
bủa trong bưng hồ thì cá rùa ăn chẳng hết, cho rìu búa vào rừng đúng lúc thì
cây cối không thể dùng hết. Lúa thóc, cá rùa ăn chẳng hết, cây cối dùng không
hết. Khiến cho dân nuôi dưỡng được người sống, tống táng được người chết, không
ai sầu oán.[23]
Như vậy, vì thiếu
tôn trọng luật tự nhiên mà ngày nay con người phải đối diện với bao thảm cảnh
của môi trường. Đứng trước thảm cảnh về môi trường các nhà chức trách đã đưa ra
một số phương hướng hành động thiết thực. Thiết nghĩ mỗi người cần nổ lực cộng
tác và thực hiện để trả lại sự hài hoà của mọi loài thụ tạo trong các mối tương
quan.
Trong cuốn sách Môi Trường và Ô Nhiễm thì ông Lê Văn
Khoa đã đưa ra những nguyên tắc căn bản: 1. Nguyên tắc thứ nhất là phải tôn
trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng đó là nguyên tắc đạo đức. Sự phát
triển của nước này không được làm thiệt hại đến quyền lợi của nước khác và thế
hệ mai sau. 2. Nguyên tắc thứ hai là cải thiện chất lượng cuộc sống con người:
một cuộc sống lành mạnh có nền giáo dục tốt, có đủ tài nguyên cho một cuộc sống
nhân bản, an toàn và không có bạo lực. 3. Nguyên tắc thứ ba là biết bảo vệ sức
sống và tính đa dạng của trái đất: phát triển trên cơ sở bảo vệ về cấu trúc,
chức năng và tính đa dạng các hệ thống thiên nhiên của trái đất.[24]
Còn theo thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cần chú ý vấn đề sinh thái và môi trường. Ngài chia quan
điểm luân lý và tôn giáo để nhìn vấn đề môi trường thành ba thái độ nhận thức
cụ thể:
- Con người
không được tuỳ tiện sử dụng các tạo vật trong thế giới theo nhu cầu riêng
của mình, phải quan tâm tới bản tính tự nhiên của mỗi vật thể và mối quan hệ hỗ
tương giữa các vật thể trong hệ thống tổng thể của vũ trụ.
- Con người
phải khẩn trương nhận thức rằng tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, trong số đó
có những tài nguyên không thể tái tạo, dễ cạn kiệt. Vậy phải bảo tồn chúng cho
thế hệ hiện nay và cả cho thế hệ tương lai.
- Công
nghiệp hoá thường gây ô nhiễm trầm trọng cho môi
trường và phương hại tới chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của dân chúng. Do đó,
bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình và bảo vệ anh chị em đồng loại trong
tinh thần liên đới. Nói cách khác, để thi hành quyền làm chủ trái đất do Đấng
Tạo Hoá trao phó, con người đừng nghĩ rằng mình có quyền tuyệt đối, phải chấp
nhận theo những nguyên tắc luân lý, trong khi vận dụng những qui luật
vật lý và sinh học.[25]
Với Đức Giáo
hoàng Phanxicô, ngài khuyên: cần đào tạo để sử dụng tốt quyền lực để cùng với
sự tiến bộ của công nghệ là sự tiến lên về trách nhiệm và các giá trị lương tâm
con người. [26]
Cần
khẩn trương tiến bước trong cuộc cách mạng văn hoá mạnh mẽ nhưng cũng cần phải
chậm lại và nhìn vào thực tại theo một cách thế khác, để trân trọng sự tiến bộ
tích cực và duy trì được là điều đã được thực hiện, nhưng cũng để khôi phục lại
các giá trị và các mục tiêu lớn lao đã bị càn quét đi bởi những ảo tưởng vô
giới hạn của chúng ta về sự vĩ đại.[27]
Cần
khích lệ xây dựng “nền văn hoá chăm sóc”: tình yêu tuôn trào từ những nghĩa cử
chăm sóc lẫn nhau. Tình yêu là chìa khoá cho sự phát triển đích thực: để làm
cho xã hội nhân bản hơn, xứng hợp với con người hơn, Tình yêu trong đời sống xã
hội chính trị, kinh tế và văn hoá phải mặc lấy giá trị mới, trở thành chuẩn mực
thường hằng và tối cao cho mọi hoạt động. Đó là chiến lược hữu hiệu làm giảm
suy thoái môi trường.[28]
5. Giá trị của
việc sống ba lời khuyên Phúc âm
Người
tu sĩ khi sống triệt để ba lời khuyên Phúc Âm là một bằng chứng sống động trong
việc cộng tác - bảo vệ - xây dựng công trình tạo dựng mà Thiên Chúa đã
ban tặng cho con người để xây dựng trời mới đất mới.
Lời khấn khiết tịnh
Sống
đức khiết tịnh thánh hiến là gìn giữ trái tim không bị phân chia và hiến dâng
trọn vẹn con người mình cho Đức Kitô để cùng với Người hân hoan phục vụ Nước
Trời.[29]
Vâng,
khi sống đức khiết tịnh người tu sĩ không còn lo âu tìm kiếm lợi ích cho chính
mình. Theo linh đạo huấn luyện, khiết tịnh mang ý nghĩa của một tình yêu thanh
tịnh, hoàn toàn nhân bản. Nó thanh tẩy ta khỏi mục tiêu ích kỷ, khỏi những nhu
cầu lo âu thái quá cho chính mình. Giải thoát ta khỏi xu hướng sử dụng, lạm
dụng chính mình và tạo dựng[30].
Thật vậy, đức khiết tịnh mang giá trị tích cực: mở rộng trái tim đón nhận sự
hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, yêu thương mọi người, làm tăng trưởng sự sống
nơi bản thân và tha nhân. Đồng thời tiên báo đời sống vị lai cho nhân loại mới.[31]
Lời khấn khó nghèo
Xã
hội hôm nay đang đề cao chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu thụ. Người tu sĩ sống tinh
thần nghèo khó như đang lội ngược dòng để bước theo sát dấu chân Thầy Chí
Thánh: sống mầu nhiệm Tự Huỷ (Ga 12, 24) và Tự Hạ (Pl 2, 6-8). Thật vậy, Đức
Kitô tự nguyện rời bỏ địa vị giàu sang trở nên nghèo khó từ Belem đến núi sọ[32].
Người tu sĩ khi sống khó nghèo sẽ làm phát sinh hiệu năng là muốn diễn tả sự
trưởng thành mà ngay trong bản chất đã hình thành bản năng này. Bản năng muốn
sử dụng những vật xung quanh một cách điều tiết và điều biến, trong sự khôn
ngoan và trân trọng. Một cung cách tự do trong việc sử dụng sự vật, lòng trí
thanh thoát, sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng từ bỏ ra đi nhường quyền sử dụng cho
người khác. Một cách lương thiện sử dụng tương thích sự vật với cuộc sống.[33]
Lời khấn vâng phục
Sống
đức vâng phục thánh hiến là thao thức tìm kiếm thánh ý Chúa qua những yếu tố
trung gian, đem hết sức lực, trí tuệ và ý chí, năng khiếu tự nhiên và siêu
nhiên thi hành thánh ý Người[34].
Theo linh đạo huấn luyện vâng phục là sự rộng mở trọn vẹn của con người đến ý
nghĩa của mọi biến cố trong tình huống sống của nó. Con người sẽ tự huỷ diệt
mình khi hoàn toàn cách ly khỏi mọi tín hiệu của môi trường xung quanh. Nó cũng
là một sự hiện diện trân trọng trước tiếng gọi của Đấng Thánh trong chính mình
và tạo dựng. Một sự hiệp thông có sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh, dấu hiệu
của sự sống và sự triển nở. Khấn Vâng Phục là hứa phát triển khả năng trực giác
nhạy cảm trước tiếng gọi của Thiên Chúa và tạo dựng[35].
Thật vậy, khi sống Đức Vâng Phục nghĩa tử là dấu chứng của sự khôn ngoan, tạo
bình an, hiệp nhất, làm tăng trưởng sự tự do đích thực và phát triển nhân cách
trong đời tu.[36]
Kết luận
Trong
ý định yêu thương Thiên Chúa đã tạo dựng nên vạn vật và cho con người “làm chủ
công trình tay Ngài sáng tạo” (Tv 8,7). Cùng với việc làm chủ thì con người
cũng có nhiệm vụ “canh tác và giữ vườn” (St 2,15). Thế nhưng vì quá lạm dụng tự
do và chỉ muốn thu vén cho chính mình, con người đã phá huỷ mối tương quan hài
hoà với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với vạn vật. Dẫn đến một hệ
quả nghiêm trọng là nhân loại đang đứng trước thảm cảnh về ô nhiễm môi trường
cũng như sự nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu… Do đó, cần chu toàn trách
nhiệm canh tác và giữ vườn để trả lại cho vũ trụ cái trật tự hài hoà của buổi
bình minh sáng tạo thì đã có những định hướng thiết thực cần được tuyên truyền,
phổ biến rộng rãi để mọi người cùng chung tay xây dựng, bảo vệ để thế giới tự
nhiên được nhìn nhận như là ngôi nhà chung của nhân loại. Chính khi thực hiện
được điều này con người thực sự là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người phải
đi vào tương liên lành mạnh với nhau và tương liên hài hoà với thiên nhiên,
đồng thời nhận ra chính mình là tác nhân trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng này
với sự thúc đẩy của Thánh Linh, nguyên lý của tạo dựng, của sự chú tâm, của
sáng tạo, của tác động, của cá nhân hoá[37].
Đứng
trước sự khủng hoảng trong các mối tương quan, người tu sĩ sống triệt để ba lời
khuyên Phúc Âm sẽ trở thành những “vầng sáng” giúp con người thời đại hướng
nhìn và trở về: cảm nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trên vạn
vật. Đồng thời giúp mở đường trong vấn đề xây dựng và bảo vệ môi trường cũng
như dễ dàng sống liên đới với tha nhân.
[1] ĐTC
Phanxicô, Laudato Sí, số 44.
[2] Ibid., số 53.
[3] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số
328-333, 350- 351
[4] Xc. ĐTC
Phanxicô, Laudato Sí, số 77
[5] Vat. II, Hiến Chế Gaudium et
Spes, số 36
[6] ĐTC Phanxicô, Laudato Sí, số
76
[7] Xc. ĐTC Phanxicô, Laudato Sí,
số 77
[8] Xc. Ibid., số 77
[9] Ibid.
[10] Thomas
Green, Cỏ Dại Giữa Lúa Đồng, tr.
18-21
[11] ĐTC Phanxicô, Laudato Sí, số
77
[12] Ibid., số 70
[13] ĐTC Phanxicô, Laudato Sí, số
71
[14] Ibid., số 65
[15] Kinh Tạ Ơn IV
[16]Xc.
http://moitruongsuckhoe.com.vn/moi-truong/moi-truong-o-nhiem/so-lieu-dang-so-ve-o-nhiem-moi-truong-4071.html
[17] Xc.
http://vietbao.vn/Xa-hoi/Nhung-con-so-ve-moi-truong-dang-so/45184353/157/
[18] Xc.
http://moitruongsuckhoe.com.vn/moi-truong/moi-truong-o-nhiem/so-lieu-dang-so-ve-o-nhiem-moi-truong-4071.html
[21] ĐTC Phanxicô, Laudato Sí, số
53
[22]Ibid., số 68
[23] Nguyễn Văn Ba, Nho Văn Giáo Khoa
Toàn Thư,1970, tr. 499.
[24] Lê Văn Khoa, Môi Trường và Ô
Nhiễm, 1995, tr. 25-30.
[25]
http://vacne.org.vn/moi-truong-va-cong-giao-viet-nam-bai-2-bao-ve-moi-truong-duoi-cai-nhin-cong-giao/28489.html
[26] Xc. ĐTC Phanxicô, Laudato
Sí, số 105
[27] Ibid., số 114
[28] Ibid., số 231
[29] Hiến Chương Dòng
MTG, Điều 13
[30] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Linh
Đạo Huấn Luyện, 1993, tr. 15.
[31] Hiến Chương Dòng
MTG, điều 13; Tông Huấn Hồng Ân Cứu Độ, số 11.
[32] Hiến Chương Dòng
MTG, điều 20
[33] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Linh
Đạo Huấn Luyện, tr. 19- 20.
[34] Hiến Chương Dòng
MTG, điều 30; Sắc lệnh canh tân thích nghi đời sống dòng tu, số14.
[35] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Linh
Đạo Huấn Luyện, tr. 13-14.
[36] Hiến Chương Dòng
MTG, điều 30
[37] Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Linh
Đạo Huấn Luyện, tr. 254.
Đăng nhận xét