Thiên nhiên, cùng với con người, chiếu tỏa vẻ đẹp của Thiên Chúa quyền năng

Hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, của biển khơi,
của khí trời nở phồng và lan tỏa,
của thiên nhiên và bầu trời…
hãy hỏi tất cả những thực tại ấy.
Tất cả sẽ trả lời bạn: ‘Hãy xem đó, chúng tôi thực là đẹp’. Vẻ đẹp của chúng là lời tuyên xưng.
Ai đã làm ra những cảnh đẹp thiên biến vạn hóa ấy,
nếu không phải là Đấng Toàn Mỹ không bao giờ đổi thay.
[1]
Dom. Trí Dũng, OP.


Vịnh gia thật chí lý khi ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa
không trung loan báo việc tay Người làm. (19,2)
Thiên nhiên không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên, mà là công trình do Thiên Chúa sáng tạo nên. Ngay từ đầu, đức tin Kitô Giáo đã nhìn nhận rằng thiên nhiên hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa và con người. Thiên nhiên được dựng nên cho con người, và con người được dựng nên cho Thiên Chúa. Tác giả sách Sáng Thế ghi rõ:
Hãy sinh sôi, nảy nở cho nhiều, cho đầy mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất. Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, làm lương thực cho các người (St 1,28-29).
Điều này, một mặt, cho thấy con người có một vị trí trổi vượt trên các thụ tạo khác vì được Thiên Chúa tuyển chọn, mời gọi và thông ban khả năng để làm chủ; mặt khác, điều này cũng chỉ rõ con người chỉ là cộng tác viên trong công trình cai quản và bảo tồn vũ trụ thiên nhiên này mà thôi. Vì không phải là chủ tể tuyệt đối của thiên nhiên vũ trụ này, nên con người không có quyền tuyệt đối để hành xử cách tàn bạo đối với thiên nhiên. Con người cần ý thức rõ trách nhiệm và vai trò của mình trước sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó để đừng biến thiên nhiên thành một thứ “hàng hóa” để trục lợi cho riêng mình. Thiên nhiên theo cách thức của mình cũng được mời gọi để làm tôn lên vẻ đẹp của Thiên Chúa sáng tạo. Nhờ ý thức vai trò của thiên nhiên trong công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa, con người sống mối tương quan với thiên nhiên cách hòa hợp và tốt đẹp. Như thế, cả thiên nhiên và con người đều được mời gọi để ca tụng và chiếu tỏa vẻ đẹp của Thiên Chúa.
1. Thiên Chúa là Chủ tể của công trình sáng tạo vũ trụ và con người
 Thiên Chúa là căn nguyên đệ nhất làm phát sinh vũ trụ và con người
Kinh Thánh mở đầu với niềm xác tín về Thiên Chúa tạo dựng như sau: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất” (St 1,1). Những lời đầu tiên này của Thánh Kinh xác quyết ba điều. Thứ nhất, Thiên Chúa vĩnh cửu đã ban một khởi điểm cho tất cả những gì hiện hữu bên ngoài Ngài; thứ hai, chỉ duy mình Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá (động từ “tạo dựng”- tiếng Hipri là bara - luôn có chủ từ là Thiên Chúa); và thứ ba, tất cả những gì hiện hữu đều tùy thuộc vào Đấng đã cho chúng hiện hữu.
Thiên Chúa, theo mặc khải của Kitô giáo, không phải là một Thiên Chúa độc đoán hay khép kín. Người là Thiên Chúa yêu thương. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được nhận thấy rõ rệt trong công trình sáng tạo. Quả thế, thánh Gioan nối kết câu đầu của Sách sáng thế với Lời tự ngôn trong Tin Mừng của mình rằng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3). Như thế, Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu, Con yêu dấu của Người. “Trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất… Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1,16-17). Đức tin của Hội Thánh cũng xác quyết một cách tương tự về hoạt động tạo dựng của Chúa Thánh Thần. Trong kinh Tin Kính, Công đồng Nixêa - Constantinôpôli đề cập đến Chúa Thánh Thần và quy cho Người là “Chúa, và là Đấng ban sự sống.”[2] Chúa Thánh Thần là “Thần Khí Sáng Tạo”[3] làm tác sinh muôn loài. Tạo dựng là công trình chung của Ba Ngôi Chí Thánh, vì lẽ “chỉ có một Thiên Chúa duy nhất… Ngài là Cha, là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá, là Tác Giả, là Đấng làm nên mọi sự, Đấng tự mình tác tạo mọi sự, nghĩa là nhờ Lời và Đức Khôn Ngoan của Ngài”[4].
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 296 dạy rằng:
Chúng ta tin Thiên Chúa không cần một thứ gì có trước hoặc một sự trợ giúp nào để sáng tạo. Công trình sáng tạo cũng không phải là một sự phát xuất tất yếu từ bản thể Thiên Chúa. Thiên Chúa tự do sáng tạo “từ hư vô”.
Điều này cho thấy, vũ trụ không phải tự nhiên mà có, nhưng vũ trụ này được chính Thiên Chúa dựng nên và sắp xếp cho có trật tự. Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành và cũng là nguyên nhân cứu cánh cho mọi sự hiện hữu.
 Mục đích việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và con người
Công trình sáng tạo của Thiên Chúa thật tốt đẹp biết bao; trí khôn con người không thể dò cho hết được sự cao siêu tuyệt vời nơi công trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Kinh Thánh cho hay: “Mọi công trình của Người kỳ diệu biết bao! Những gì thấy được chỉ như một ánh lửa” (Hc 42, 22). Lại nữa, khi đứng trước kỳ công tuyệt diệu như thế, thi nhân cảm thấy ngây ngất thán phục công trình của Thiên Chúa như lời Kinh Thánh viết: “Kể sao cho xiết những gì muốn nói; tắt một lời: “Người là tất cả!”. Làm sao đủ sức để tôn vinh Người? Vì chính Người là Đấng Cao Cả, vượt trên mọi công trình Người thực hiện” (Hc 43,27-28). Những lời tuyệt vời này của Sách Huấn Ca đã tóm gọn bài ca chúc tụng mà mọi thời đại mọi miệng lưỡi dưới gầm trời dâng lên Ðấng Tạo Hóa, Ðấng đã tỏ mình ra qua muôn vàn công trình kỳ diệu đẹp đẽ của Người.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ rõ hai mục đích của việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và con người:
Đây là chân lý căn bản, mà Thánh Kinh và Truyền Thống không ngừng giảng dạy và biểu dương: “Thế giới được tạo dựng để làm vinh danh Thiên Chúa.” Thánh Bonaventura giải thích: Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự “không phải để gia tăng vinh quang, nhưng để biểu lộ và thông ban vinh quang đó”. Quả thật, Thiên Chúa không thể có lý do nào khác để tạo dựng, ngoài tình yêu và sự tốt lành của Ngài: ‘Chính chìa khoá tình thương đã mở bàn tay Người để sản sinh vạn vật’. Công đồng Vaticanô I giải thích: ‘Thiên Chúa duy nhất, trong ý định hoàn toàn tự do, ngay khởi đầu đã tạo dựng tất cả từ hư không, loài thiêng liêng hay loài có xác thể’…
Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Người qua việc biểu lộ và thông ban sự tốt lành của Ngài. Vì thế Người đã tạo thành vũ trụ. Theo ý muốn đầy lòng nhân hậu của Người, Người đã tiền định cho ta “làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để xưng tụng vinh quang của ân sủng Người” (Ep 1,5-6). “Vì vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được thấy Thiên Chúa: nếu trước đây sự mạc khải Thiên Chúa qua công cuộc sáng tạo đã đem đến sự sống cho mọi loài trên trái đất, thì sự biểu lộ Chúa Cha nhờ Ngôi Lời lại càng đem lại sự sống gấp bội cho những ai thấy Thiên Chúa”. Cùng đích tối hậu của sáng tạo là: “Thiên Chúa được muôn loài suy phục (1 Cr 15,28), khi Người tỏ hiện vinh quang cho Người và đem lại hạnh phúc cho chúng ta”. [5]
Mục đích tiên khởi
Mục đích tiên khởi khách quan của sáng tạo hay mục đích gắn liền với công trình sáng tạo, chính là việc mặc khải các điều thiện hảo và vinh quang của Thiên Chúa. Kinh Thánh xác nhận cách rõ ràng rằng Thiên Chúa là An-pha và O-mê-ga, khởi đầu và cùng tận của vạn vật. Tác giả sách Khải Huyền viết: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán: ‘Ta là An-pha và O-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1,8). Thánh Phaolô tông đồ cũng viết: “Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen!” (Rm 11,36).
Khi nói mục đích tiên khởi của việc sáng tạo là nhằm mặc khải vinh quang của Thiên Chúa, điều này không có nghĩa rằng Thiên Chúa ích kỷ chỉ muốn quy hướng mọi sự về Người. Vì lẽ tất cả mọi lời ca tụng của các thụ tạo không thêm gì vào trong yếu tính thần linh của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa không thiếu bất cứ điều thiện hảo nào. Thế nhưng đúng hơn chính nhờ sự thông dự vào trong vinh quang của Thiên Chúa, các thụ tạo đạt đến cùng đích hiện hữu của mình.          
Mục đích thứ hai
Mục đích thứ hai của việc sáng tạo là chia sẻ ân huệ cho thụ tạo, đặc biệt là hạnh phúc của các thụ tạo có lý trí. Công đồng Vaticanô I dạy rằng:
Thiên Chúa đã làm như vậy (sáng tạo tất cả từ hư không), với lòng nhân hậu và nhờ sức mạnh toàn năng của Người; không phải để gia tăng hạnh phúc của Người, hoặc để đạt tới sự trọn hảo, nhưng là để biểu lộ trọn vẹn sự thiện hảo ấy qua những điều tốt lành Người ban cho các thụ tạo.[6]
Như vậy, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ “để tỏ lộ sự thiện hảo” của Người (mục đích tiên khởi) “qua những điều tốt lành Người ban cho các thụ tạo” (mục đích thứ hai).
Kinh Thánh nhấn mạnh rằng, vũ trụ được tạo thành là để phục vụ con người. Con người là chóp đỉnh trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Vũ trụ quy hướng về con người và cả hai cùng quy hướng về Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa ban cho con người quyền bá chủ trên các loài thụ tạo khác, nhằm đảm bảo cho con người có những phương thế để đạt đến hạnh phúc; nhưng hạnh phúc này phải làm vinh danh Thiên Chúa. Tác giả Thánh vịnh cho rằng: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6-7). Tác giả sách Khải Huyền xác nhận quyền tối cao của Thiên Chúa như sau: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên” (Kh 4,11).
Hai mục đích của việc sáng tạo tạo thành một khối thống nhất không thể chia cắt được; thật vậy, việc tôn vinh Thiên Chúa qua việc nhận biết và yếu mến Thiên Chúa sẽ tạo thành hạnh phúc cho thụ tạo có lý trí. Để có thể chống lại những luận chứng cho rằng vinh quang bên ngoài Thiên Chúa như một cái gì hữu hạn, không thể là mục đích tối hậu của sáng tạo được, cần phải phân biệt finis qui và finis quo của công trình sáng tạo. Finis qui (mục đích khách quan) là điều được đi tìm; finis quo (mục đích mô thức) là điều nhờ đó đối tượng cần tìm kiếm được đạt tới. Finis qui của công trình sáng tạo chính là sự tốt lành nội cố của Thiên Chúa đồng nhất với yếu tính thiên linh. Finis quo là sự thông hiệp của thụ tạo vào sự tốt lành của Thiên Chúa, là điều thực hiện được hạnh phúc của thụ tạo có lý trí. Định tín của công đồng Vaticanô I (Dz 1805); theo đó, vũ trụ được sáng tạo vì vinh quang của Thiên Chúa, rõ ràng là nhắm tới finis quo; thật vậy, sự thông hiệp của thụ tạo vào sự tốt lành của Thiên Chúa đồng nhất với vinh quang bên ngoài của Thiên Chúa. Các điều thiện hảo của thụ tạo chỉ là phản ánh các điều thiện hảo của Đấng Sáng tạo (gloria objectiva);  việc chiêm ngắm các điều thiện hảo của thụ tạo dẫn đưa các thụ tạo có lý trí đến việc nhận biết và công nhận các điều thiện hảo của Đấng Sáng tạo (gloria formalis). Trong khi finis quo hữu hạn, thì finis qui vô hạn. Thiên Chúa là cùng đích tối hậu cho mọi thụ tạo, đó là điều mà Thánh Kinh muốn nói với chúng ta[7].
Việc Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ và con người chính là để cho thụ tạo được thông sự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ không phải để bắt buộc con người hay các thụ tạo khác thờ lạy Chúa, nhưng Ngài muốn cho con người và toàn thể thế giới tham dự vào vinh quang của Ngài. Khi chiêm ngưỡng vũ trụ, con người cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa. Vũ trụ như là một cuốn sách để qua đó con người đọc được Thánh ý của Thiên Chúa. Thiên nhiên và con người có cùng một nguồn gốc tác sinh là Thiên Chúa và cùng hướng về Thiên Chúa như cứu cánh tối hậu của mình. Việc thông dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa là một diễm phúc vì nhờ sự thông dự này, con người và thiên nhiên vươn lên để hoàn thiện mình theo như cách thức Thiên Chúa phú ban cho các thụ tạo của Người.
2. Vẻ đẹp và tính tự trị của các loài thụ tạo trong công trình sáng tạo
 Vẻ đẹp của thiên nhiên trong công trình sáng tạo
Vẻ đẹp của Thiên Chúa biểu lộ trong vẻ đẹp của thiên nhiên vũ trụ. Con người có thể làm mất đi vẻ đẹp ấy, khi con người đặt mình làm trung tâm và không nhận ra tương quan hòa hợp của mình với Thiên Chúa, với anh chị em và với thiên nhiên kỳ thú. Thụ tạo mang dấu ấn của Đấng Sáng Tạo, và Đấng Sáng Tạo là chủ thể của toàn bộ công trình sáng tạo. Về những người tìm kiếm chân lý qua con đường tự nhiên, thánh Phaolô khẳng định: 
Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người (Rm 1,19-20).
Đối với những người đã biết Thiên Chúa và chân nhận giáo lý của Người, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác nhận rằng: 
Với tâm hồn cởi mở đón nhận sự thật và vẻ đẹp, với lương tri, tự do và tiếng nói của lương tâm, với khát vọng vươn tới vô tận và hạnh phúc, con người tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Qua những đặc tính trên, con người nhận ra những dấu chỉ cho thấy mình có linh hồn. “Vì mầm sống vĩnh cửu mà con người mang nơi mình, không thể giản lược chỉ duy vào vật chất, nên linh hồn con người chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa[8].
Khi cẩn trọng xem xét và khám phá sự kỳ diệu của thiên nhiên, người Kitô hữu cũng có thể bắt gặp trong các lời tôn vinh của thánh Augustinô:
Hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, của biển khơi, của khí trời nở phồng và lan tỏa, của thiên nhiên và bầu trời… hãy hỏi tất cả những thực tại ấy. Tất cả sẽ trả lời bạn: ‘Hãy xem đó, chúng tôi thực là đẹp’. Vẻ đẹp của chúng là lời tuyên xưng. Ai đã làm ra những cảnh đẹp thiên biến vạn hóa ấy, nếu không phải là Đấng Toàn Mỹ không bao giờ đổi thay.[9]
Tác giả Thánh vịnh cũng cho thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa nơi thiên nhiên. Thiên nhiên là dấu chỉ cho thấy vinh quang của Thiên Chúa, như tác giả Thánh vịnh mô tả:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ,
chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
(Tv 19, 2-3)
Kinh Thánh ghi lại rất rõ ràng Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ bằng quyền năng và do lòng nhân hậu của Người. Cách thức Kinh Thánh diễn tả công trình tạo dựng qua từng ngày cho thấy Đấng Tạo Hoá muốn chăm chút cho công trình của mình, bởi vì Người muốn ban tặng cho con người món quà tuyệt vời ấy như là công trình của tình yêu, vừa là tài nguyên nuôi sống con người và còn là tác phẩm nghệ thuật tinh xảo nhất. Tác giả Thánh vịnh ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên như sau:
Hãy ca tụng Chúa, hỡi lửa hồng mưa đá,
tuyết trắng mây mù, ngọn cuồng phong,
cấp thừa hành lời Chúa.
Núi với đồi trùng trùng điệp điệp,
cây ăn trái và đủ loại bá hương,
thú vật rừng hoang cùng là gia súc, l
oài bò sát và mọi giống chim trời.
(Tv 148,9-10)
Đồng thời tác giả cũng viết:
Ngài khiến mọc cỏ xanh,
nuôi sống đàn gia súc,
làm tốt tươi thảo mộc
cho người thế hưởng dùng.
Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh,
chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người.
(Tv 104,14-15)
Đức Thánh Cha Phanxicô gọi thiên nhiên với một danh xưng thật thân thương trìu mến: mẹ thiên nhiên[10]. Như người mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt ngào, mẹ thiên nhiên luôn hào phóng cung cấp cho con người lương thực và những nhu cầu của cuộc sống hằng ngày, nhờ đó mà nhân loại từng thế hệ nối tiếp nhau sinh sống và phát triển. Vẻ đẹp của thiên nhiên không phải chỉ để nhìn ngắm mà thiên nhiên còn hướng tới công dụng để phục vụ và giúp con người phát triển và thăng tiến. Thế nhưng, nếu con người không biết trân trọng và bảo tồn thiên nhiên thì con người sẽ gánh lấy những hậu quả đáng tiếc từ những hành động sai lạc của mình từ chính môi trường thiên nhiên nơi mình sinh sống và phát triển.

Tính tự trị của các loài thụ tạo trong công trình sáng tạo
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho thấy hiện trạng đau thương của con người khi đánh mất các mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và với thiên nhiên vì phạm tội:
Trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế, trong ngôn ngữ biểu trưng và trình thuật, chứa đựng những lời giảng dạy sâu xa về hiện sinh con người và thực tại lịch sử của họ. Trình thuật này muốn nói, hiện sinh con người dựa trên ba sự liên hệ căn bản, liên kết với nhau thật mật thiết: liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với trái đất. Theo như lời Thánh Kinh, ba liên hệ sống động này đã bị phá vỡ, không những bên ngoài, nhưng cả nội tại bên trong. Sự đổ vỡ này là tội lỗi. Sự hòa hợp giữa Đấng Sáng Tạo, nhân loại và toàn thể sáng tạo đã bị phá vỡ qua hành động muốn thay thế vị trí của Thiên Chúa, khi từ chối công nhận chúng ta là những thụ tạo hữu hạn. Hành động này đã làm sai lệch mệnh lệnh “cai quản” trái đất (x. St 1, 28) “xây dựng” và “che chở” trái đất (x. St 2,15). Hậu quả là liên hệ thật hòa hợp thuở ban đầu giữa con người và thiên nhiên bước vào xung khắc (x. St 3,17-19)[11].
Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ mặc con người và các loài thụ tạo trong tội nhưng đã tái tạo con người và các loài tạo khác trong Đức Kitô. Thánh Phaolô viết:
Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an, cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời (Cl 1,19-20).
Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô là cao điểm của lòng thương xót Thiên Chúa dành cho loài người.
Thiên Chúa không những ban cho các thụ tạo sự hiện hữu, mà còn ban cho chúng một bản tính riêng phù hợp với hiện hữu của chúng. Công Đồng đưa ra một phân biệt căn bản giữa sự độc lập “chính đáng” và “không chính đáng” của các thụ tạo trần thế, được hiểu theo cách nói trên, trong tương quan với chân lý về tạo dựng. Sự độc lập là “không chính đáng” nếu cho rằng các thụ tạo độc lập đối với Thiên Chúa- Đấng Tạo Thành. Thật sai lầm khi cho rằng các thụ tạo không lệ thuộc Thiên Chúa, và nhân loại có thể sử dụng các tạo vật đó mà không cần nói đến Đấng Tạo Thành. Đó là cách hiểu và hành xử hoàn toàn đi ngược lại với chân lý về tạo dựng. Ngược lại, sự độc lập hay tự trị của các thụ tạo sẽ là chính đáng, theo Hiến Chế Gaudium et Spes, nếu các thụ tạo hưởng quyền tự do thích hợp với chúng “theo ý Đấng Tạo Thành”. Quyền tự do này có gốc rễ từ bản tính các thụ tạo và gắn liền với cứu cánh việc tạo dựng. Công Đồng nhìn nhận rằng:
Do chính cách thức tạo dựng, mọi vật đều được tác thành với các phẩm tính bền vững, chân thực và tốt lành cũng như có những định luật và trật tự riêng…Những ai kiên nhẫn và khiêm tốn nỗ lực nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của vạn vật, vẫn được bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn, Đấng bảo trì muôn loài và cho chúng hiện hữu theo bản tính riêng mỗi loài[12].
Chắc chắn rằng Thiên Chúa vĩnh cửu nên hành động của Người cũng mang tính vĩnh cửu, thế nhưng các thụ tạo của Người lại cần đến một tiến trình để đạt đến sự hoàn thiện mình theo bản tính đã được phú ban.
Sau khi sáng tạo, Thiên Chúa không bỏ mặc các thụ tạo của Người. Người không chỉ ban cho chúng hữu thể và hiện hữu, Người còn luôn gìn giữ chúng hiện hữu, cho chúng khả năng hành động và đưa chúng đến cùng đích. Một trong những nguồn mạch khôn ngoan và tự do, niềm vui và niềm cậy trông của con người là nhận ra mọi sự tùy thuộc hoàn toàn vào Đấng Tạo Hóa[13].
Việc con người sa ngã là nguyên nhân gây nên sự xáo trộn nơi các mối tương quan, nhưng điều này không làm mất đi bản tính mà Thiên Chúa đã tặng ban cho con người và các thụ tạo khác. Khi Thiên Chúa sáng tạo vạn vật và phú ban cho chúng một bản tính tự chủ, Thiên Chúa tôn trọng bản tính đó của thụ tạo. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng:
Mỗi thụ tạo đều có sự tốt lành và hoàn hảo riêng…Theo ý Thiên Chúa, các thụ tạo khác nhau đều phản chiếu một chút sự khôn ngoan và sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa, mỗi thụ tạo mỗi cách. Chính vì thế, con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của từng thụ tạo để tránh sử dụng nó một cách bừa bãi, nếu không con người sẽ coi thường Đấng Tạo Hóa và kéo theo nhiều hậu quả nguy hại cho mình và môi sinh[14].
Riêng con người, hữu thể có lý trí và tự do, còn phải tiến triển và hoàn thành bản thân theo chương trình Thiên Chúa đã ấn định cho cá nhân và xã hội loài người. Theo mức độ con người tìm kiếm “khám phá, khai thác và sắp đặt” dựa vào lý trí sáng suốt cách thích hợp các quy luật và giá trị của vũ trụ, con người không những chỉ tham gia cách khôn ngoan vào sự tự do chính đáng của mọi thụ tạo qua việc cộng tác với Thiên Chúa, mà còn thực hiện quyền tự do thích hợp chính đáng để thành toàn chính mình. Như thế, con người cần nhận thức được tính tự trị của các loài thụ tạo khác và từ đó khám phá ra sự quan phòng đầy yêu thương của Đấng Tạo Hóa. Đức Thánh Cha Phanxicô viết:
Khi nhấn mạnh con người là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta không được quên rằng mỗi thụ tạo đều có một phận vụ và không có điều gì dư thừa. Toàn bộ vũ trụ vật chất là dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa, sự âu yếm vô tận của Người đối với chúng ta. Đất đai, nguồn nước, núi non – tất cả đều là sự âu yếm của Thiên Chúa[15].
3. Thiên nhiên và con người cùng chung tiếng ngợi ca Thiên Chúa
 Con người được Chúa mời gọi để cai quản vũ trụ chứ không phải để khai thác và hủy diệt
Vũ trụ được Thiên Chúa sáng tạo nên và con người được mời gọi cộng tác trong công cuộc sáng tạo đó. Kinh Thánh chỉ rõ Thiên Chúa là nguyên lý sáng tạo nên tất cả mọi loài bằng cách làm cho chúng được hiện hữu. Con người được Thiên Chúa mời gọi cùng cộng tác với Ngài để làm cho vũ trụ này tốt đẹp hơn và để thành toàn con người. Vũ trụ thiên nhiên nơi con người sinh sống, làm việc và phát triển là một căn nhà chung của nhân loại. Vì thế, con người cũng có tương quan với vũ trụ thiên nhiên nơi mình sinh sống, cư ngụ. Ngược lại, vũ trụ này cũng gắn kết cách nào đó với con người như là chóp đỉnh của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thế nhưng, con người cần nhìn nhận cách rõ ràng rằng mình chỉ là người cư trú chứ không phải là chủ tể tuyệt đối của thế giới thiên nhiên. Thế nên, con người không thể tự cho mình quyền phá huỷ thiên nhiên vũ trụ này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ ra rằng:
Các thụ tạo trong thế giới này không thể nào được xem như một điều thiện hảo mà không có chủ: “Lạy Chúa, tất cả đều là gia tài của Ngài, Ngài là niềm vui của cuộc đời” (Xc. Kn 11,26). Từ đó, đưa đến xác tín tất cả thụ tạo trong vũ trụ đều do một Cha sáng tạo, nên đã liên kết với nhau bằng một liên hệ vô hình và chúng ta, một cách nào đó, cùng với các thụ tạo thành một gia đình, một cộng đoàn cao thượng thúc đẩy chúng ta đi đến một sự tôn trọng mang sắc thái linh thiêng, yêu thương và khiêm tốn.[16]
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng phê bình những lối hiểu sai lạc về thiên nhiên, coi thiên nhiên như công cụ để trục lợi cho riêng mình. Điều này sẽ đưa đến những hệ lụy nguy hại cho chính con người. Ngài nhận định:
Những suy nghĩ sẽ sai lầm, khi cho các hữu sinh khác như các đối tượng, phải tùng phục quyền hành tùy tiện của con người. Khi con người nhìn thiên nhiên như là đối tượng lợi dụng, sẽ đưa đến những hệ lụy quan trọng cho xã hội. Cái nhìn tùy tiện của kẻ mạnh, sẽ tạo nên không biết bao nhiêu sự bất bình đẳng, không công bằng và bạo quyền trên phần đông loài người, vì những tài nguyên sẽ dần rơi vào tay những người nắm quyền hành: kẻ chiến thắng sẽ nắm lấy tất cả: lý tưởng về hòa hợp, công bằng, tình huynh đệ và hòa bình như Đức Giêsu đòi hỏi, sẽ nghịch lại với mẫu này; người nắm quyền sẽ bóc lột con người trong thời đại của mình: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 25-26).[17]
Bảo vệ thiên nhiên là cách thức làm cho con người gần gũi với Đấng Tạo Hóa hơn. Khi bảo vệ môi trường thiên nhiên, chúng ta đồng thời cũng chống lại và lên án những hình thức chiến tranh, lên án những phương pháp khai thác tuỳ tiện và vô độ nguồn tài nguyên của vũ trụ. Hơn thế nữa, bảo vệ thiên nhiên còn là một hình thức xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng lẫn nhau, kiến tạo nên sự hòa hợp tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa và với thế giới tạo thành này.
 Con người, thông qua thiên nhiên, ca ngợi Thiên Chúa
Khi nói về sự sáng tạo, Kinh Thánh không chỉ nói về lúc ban đầu khi Thiên Chúa truyền và có mọi sự; Kinh Thánh còn nhấn mạnh rằng Thiên Chúa sáng tạo và gìn giữ các thụ tạo của Người mọi giây phút. Thụ tạo chẳng bao giờ có thể hiện hữu độc lập với Thiên Chúa vì Người là căn nguyên và nền tảng cho hiện hữu của mọi thụ tạo. Thiên Chúa dựng nên vũ trụ và loài người “từ hư vô” do ý muốn nhân từ và tự do của Người. Vì thế, nếu Người không muốn, thì không có thụ tạo nào có thể hiện hữu được.
Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận biết rằng thiên nhiên chẳng những mang dấu ấn của Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả mọi sự sống, mà còn chuyển tải vẻ đẹp của chúng đến cho các thụ tạo khác. Thiên nhiên nói lên quyền năng và vẻ đẹp thiện hảo của Thiên Chúa khiến cho con người chỉ biết kính phục và tôn thờ. Tuy nhiên, để có thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa vang lên trong thiên nhiên vũ trụ này, con người cần phải mở lòng ra để lắng nghe, đón nhận và chiêm ngắm. Làm sao chúng ta có thể cảm nghiệm về Chúa Ba Ngôi nơi thiên nhiên vũ trụ nếu chúng ta không biết lắng đọng cõi lòng và để cho Chúa Thánh Thần tác động. Vì lẽ, qua thiên nhiên, con người nhận thấy không những hình ảnh của một Thiên Chúa duy nhất theo nghĩa chung chung, mà còn cả những dấu vết của một vị Thiên Chúa tình yêu. Thật vậy, “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba nguyên lý của thụ tạo mà là một nguyên lý duy nhất. Nhưng mỗi Ngôi Vị thực hiện công trình chung theo đặc tính riêng.”[18]
Vậy khi chiêm ngưỡng vũ trụ vĩ đại và tuyệt diệu này, con người cần dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng. Thánh Phanxicô đã có những cảm nghiệm thật tuyệt vời về Thiên Chúa khi chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên như sau:
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
với muôn loài thọ tạo, đặc biệt nhất Ông Anh Mặt Trời,
Anh là ánh sáng ban ngày,
nhờ Anh, Ngài soi chiếu chúng tôi,
Anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời,
Anh tượng trưng Ngài, lạy Đấng Tối Cao.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị Trăng và muôn Sao,
Chúa dựng trên nền trời: lung linh, cao quí và diễm lệ.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,

vì Anh Gió, Không khí và Mây trời,
cảnh thanh quang và bát tiết tứ thời,
 nhờ Anh, Chúa bảo tồn muôn vật.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,

vì Chị Nước, thật lợi ích và khiêm nhu,
quí hóa và trinh trong.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,

vì Anh Lửa, nhờ Anh, Chúa sáng soi đêm,
Anh đẹp và vui tươi, oai hùng và mạnh mẽ.
[19]
Đức Phanxicô trong Thông điệp Laudato sí đã viết:
Trong vũ trụ này, được tạo lập do các hệ thống mở rộng để liên kết với nhau, chúng ta có thể khám phá ra không biết bao nhiêu hình thức liên hệ và chia sẻ. Điều này đưa chúng ta đến tư tưởng, toàn thể khai mở vì sự siêu vượt của Thiên Chúa, trong đó vũ trụ sẽ được triển khai. Niềm tin giúp chúng ta giải thích ý nghĩa và vẻ đẹp mầu nhiệm của những gì đang xuất hiện. Sự tự do của con người có thể đem đến một sự nâng đỡ khôn ngoan cho một sự phát triển tích cực, nhưng cũng có thể gây nên một điều xấu mới, những nguyên nhân của khổ đau và suy thoái đích thực. Điều này đã xuất hiện trong lịch sử căng thẳng và bi đát của loài người, có thể diễn ra trong việc phát triển sự tự do, trưởng thành, cứu độ và tình yêu hay trên một con đường suy thoái và hủy hoại lẫn nha.”[20]
 Thiên nhiên mong chờ được dự phần với con người trong Nước Thiên Chúa
Thánh Phaolô tông đồ gắn kết vận mạng của muôn loài thụ tạo khác với cùng đích tối hậu của con người là đạt đến vinh quang của Thiên Chúa như sau:
Tôi nghĩ rằng: những đau khổ của thời hiện tại sánh sao được với vinh quang sẽ được mặc khải nơi chúng ta, vì muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã phải phục tùng sự hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Đấng đã bắt chúng phải phục tùng; tuy nhiên, chúng hy vọng cũng sẽ được tự do, thoát khỏi vòng nô lệ cảnh hư nát, để được hưởng tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa.[21]
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định:
Toàn thể vũ trụ với những liên hệ đa dạng của nó, cho thấy sự phong phú của Thiên Chúa một cách tốt đẹp nhất. Thánh Tôma thành Aquinô với sự khôn ngoan của mình, cho thấy rằng sự phong phú và đa dạng đều xuất phát từ ý định của Tác Nhân tiên khởi, Đấng muốn rằng “điều gì thiếu sót nơi thụ tạo để trình bày sự nhân từ thần linh, sẽ được bổ túc bằng thụ tạo khác”. Chỉ vì sự tốt lành của Người “không thể do một thụ tạo có thể trình bày cách đầy đủ được”. Vì thế, chúng ta phải nắm vững sự khác biệt của các thụ tạo trong liên hệ đa dạng của chúng. Người ta có thể hiểu sự quan trọng và ý nghĩa của từng thụ tạo tốt hơn, khi nhìn vào toàn thể trong chương trình của Thiên Chúa. Sách Giáo lý dạy : “Sự liên hệ lẫn nhau của các thụ tạo là do ý muốn của Thiên Chúa. Mặt trời và mặt trăng, cây sến và bông hoa ngoài đồng, phượng hoàng và chim se sẻ – cảnh thiên hình vạn trạng và không đồng đều nói lên rằng không thụ tạo nào được đầy đủ nơi bản thân mình, chúng chỉ hiện hữu trong sự lệ thuộc lẫn nhau, để bổ túc cho nhau trong việc phục vụ lẫn nhau”.[22]
Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn cho thấy sự liên hệ thân thiết giữa con người và thiên nhiên. Trái đất vừa là mẹ vừa là chị của chúng ta, luôn đón tiếp chúng ta với cánh tay rộng mở. Nhưng, người chị này đang kêu cứu vì chính chúng ta đang gây nên những tàn phá khủng khiếp[23]. Trái đất đang oằn mình gánh chịu biết bao hành động phá hoại của con người. Mẹ thiên nhiên đang lên tiếng kêu cứu trước sự vô cảm của con người đối với môi trường sống. Do sự vô trách nhiệm của con người, “trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đang nhanh chóng biến đổi thành một bãi rác[24].
Thiên nhiên là một quà tặng yêu thương đến từ Thiên Chúa. Do đó, con người cần đón nhận với lòng biết ơn và sử dụng chúng sao cho phù hợp với thánh ý Chúa. Thiên nhiên và con người tạo nên một mối dây hiệp thông trong vũ trụ. Tương tác qua lại này cần dựa trên sự tôn trọng. Thiên nhiên là môi trường con người sinh sống, làm việc và phát triển; vì thế, con người không thể dửng dưng hay thờ ơ với việc bảo vệ thiên nhiên vì lẽ tất cả chúng ta đều có thể cộng tác như những khí cụ của Thiên Chúa để bảo vệ công trình sáng tạo, mỗi người tùy theo văn hoá, kinh nghiệm, sáng kiến và khả năng của mình[25].
Đức Thánh Cha Phanxicô thật có lý khi nhấn mạnh việc thiên nhiên vũ trụ này cùng với con người tiến bước về Nước Thiên Chúa nhờ Đức Kitô:
Mục đích của chuyển động vũ trụ nằm trong sự phong phú của Thiên Chúa, đạt được qua Đấng Kitô phục sinh – điểm mấu chốt tiến trình trưởng thành của vũ trụ. Chúng ta cũng đưa thêm một lý luận để phủ nhận quyền chuyên chế và vô trách nhiệm của con người trên các thụ tạo khác. Mục đích cuối cùng của những thụ tạo khác không phải là chúng ta. Nhưng chúng cùng đồng hành với chúng ta và qua chúng ta cùng tiến về một mục đích chung là chính Thiên Chúa, trong một sự tràn đầy siêu vượt, nơi Đấng Kitô phục sinh ôm lấy và chiếu sáng cho tất cả. Vì con người, dù được ban cho lý trí và tình yêu, cũng được lôi kéo vào sự phong phú của Đức Kitô, được kêu gọi để tất cả thụ tạo trở về với Đấng Sáng Tạo của mình.[26]
Kết luận
Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ cho tất cả muôn loài muôn vật. Thiên nhiên và con người đạt được cứu cánh đích thực của mình nhờ liên kết với Đức Kitô. Thánh Phaolô viết:
Mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm, thì đến lượt những kẻ thuộc về Người; sau đó, mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao lại vương quyền cho Thiên Chúa là Cha [...] Lúc muôn loài đều qui phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ qui phục Đấng bắt muôn loài phải qui phục Người, và như vậy Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.[27]
Công trình sáng tạo của Thiên Chúa diễn tả quyền năng và tình yêu của Người. Từ việc nhận ra vẻ đẹp trong công trình sáng tạo này, con người hướng lòng trí về thực tại tối hậu và siêu việt là Thiên Chúa. Thiên nhiên là ngôi nhà chung của nhân loại và là món quà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Vũ trụ thiên nhiên này là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Đức Giêsu đã đến trong trần gian, và thánh Gioan nhấn mạnh là “Ngài đã đến nhà mình” (Ga 1,11). Đức Giêsu là khuôn mẫu chuẩn mực cho con người trong cách sống hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên. Như thế, ơn cứu độ đã được thực hiện trong chính môi trường thiên nhiên mà con người sinh sống và làm việc. Vì thế, thay vì sử dụng và khai thác một cách quá mức khiến cạn kiệt nguồn tài nguyên, con người cần phải bảo tồn, gìn giữ, phát triển và làm cho món quà này của Thiên Chúa thêm tươi đẹp hơn. Thiên nhiên, cùng với con người, cần làm sáng lên vẻ đẹp của Thiên Chúa qua việc sống hài hòa và tương trợ lẫn nhau. Đó chính là điều phù hợp với thánh ý Thiên Chúa trong ý định sáng tạo tốt lành của Người.



[1] Thánh Augustin, bài giảng 241,2; trích lại ở GLHTCG số 32.
[2] Dz 150.
[3] Thánh thi Veni Creator Spiritus vẫn được hát trong Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
[4] Thánh Irênê, Chống lạc giáo Adversus haereses, 2, 30, 9: SC 294, 318-320 (PG 7, 822).
[5] Ibid, số 293-294.
[6] Ibid, số 293; Dz 3002.
[7] Ludgg OTT, Grundriss der Katholischen Dogmatik, Siebte Verbessert Auflage, Herder, 1965 (bản dịch Việt ngữ Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Tín Lý I, Đại Chủng viện thánh Giuse, 2003, trang 182-183).
[8] GLHTCG, số 33.
[9] Thánh Augustin, bài giảng 241,2; trích lại ở GLHTCG số 32.
[10] Xc. ĐGH Phanxicô, Thông điệp Laudato sí, số 1.
[11] Ibid, số 66.
[12] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Mục Vụ Gaudium et Spes, số 36.
[13] GLHTCG, số 301.
[14] Ibid, số 339
[15] ĐGH Phanxicô, Thông điệp Laudato sí, số 84.
[16] ĐGH Phanxicô, Thông điệp Laudato sí, số 89.
[17] Ibid, số 82.
[18] GLHTCG, số 258.
[19] Thánh Phanxicô thành Assisi, “Bài ca thụ tạo”, Sources Chrétiennes, số 258 (trích dẫn ở ĐGH Phanxicô, Thông điệp Laudato sí, số 87).
[20] ĐGH Phanxicô, Thông điệp Laudato sí, số 79.
[21] Rm 8, 18-21
[22] ĐGH Phanxicô, Thông điệp Laudato sí, số 86.
[23] Xc. Ibid, số 1.
[24] Ibid, số 21.
[25] ĐGH Phanxicô, Thông điệp Laudato sí, số 14.
[26] Ibid, số 83.
[27] 1 Cr 15,23-24.28

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn