Đi theo ai là làm môn đệ cho người ấy.
Đi theo Chúa tức là tôn nhận Chúa làm chủ của mình.
Đi theo Chúa cũng là lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy; sống cuộc sống như Ngài đã sống,
và cùng chung số phận như chính Ngài đã chịu.
Đây là đặc tính của người môn đệ,
đồng thời cũng là điều kiện cần để theo Chúa.
Đi theo Chúa tức là tôn nhận Chúa làm chủ của mình.
Đi theo Chúa cũng là lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy; sống cuộc sống như Ngài đã sống,
và cùng chung số phận như chính Ngài đã chịu.
Đây là đặc tính của người môn đệ,
đồng thời cũng là điều kiện cần để theo Chúa.
Stêphanô Mai Xuân Hồng, OSB.
Một ngày nọ vào
cuối tháng 4 năm 2005, một người đàn ông khoảng 45 tuổi đến kéo chuông phòng
khách Đan Viện Thiên Hòa, xin gặp một vị linh mục để học đạo. Ông cũng
đã nghiên cứu học hỏi giáo lý nhà Phật và cũng từng xin vào tu trong một ngôi
chùa nhưng rồi thất bại.
Ông cảm thấy rằng, đối với ông, Đức Phật
quá siêu, vượt quá khả năng ông. Và rồi, ông nhận ra Thiên Chúa của Công giáo
không giống như Đức Phật. Ông cảm thấy Thiên Chúa như người Cha, thấy con mình
té xuống hố sâu tăm tối, và Người cha đích thân đi xuống hố sâu cầm tay kéo con
mình lên. Và như thế, đối với ông chỉ có giáo lý Công giáo mới vừa tầm với mọi
người, trong đó có ông. Nó thật sự đánh động tâm hồn ông. Nên ông muốn đi theo
Đức Kitô. Quả vậy, đi theo Đức Kitô là tinh hoa của giáo lý Công giáo, mà người
ngoại giáo với thao thức đi tìm chân lý đã khám phá ra. Chúng ta là thành viên
trong Giáo hội, là những tu sĩ, có khi nào ta bị cật vấn lương tâm mình, hay đặt
vấn đề đó trong cuộc sống của mình không?
I. ĐI THEO LÀ GÌ VÀ
TẠI SAO PHẢI ĐI THEO ?
Theo Đức Kitô là một kiểu nói diễn tả sự
trở về thường xuyên. Sự tái khám phá những yêu sách, những điều kiện, những
hình thức của việc đi theo này đã và vẫn còn đang thúc đẩy những ai tự vấn mình
về mối tương giao cá biệt với Chúa Kitô.
1. Ý nghĩa từ “đi theo”
Trong Cựu ước: từ “đi theo” có nhiều
nghĩa: đứa con đi theo cha; người lính đi theo thủ lĩnh; đồ đệ đi theo thầy. Theo nghĩa thần học: từ này thường gặp trong sách
Đệ Nhị Luật, sách tiên tri Giêrêmia, dùng để diễn tả thái độ đi theo Thiên
Chúa, ngược với thái độ tôn thờ ngẫu tượng, tà thần. Đặc biệt vào thời tiên tri
Samuel, ông đã nêu bật: Giavê là vua Israel, là thủ lĩnh trong các trận chiến.
Dân Người phải đi theo Người, nghĩa là phải vâng phục Người, đi theo trên các
đường lối mà Người đã vạch ra.
Ngoài ra việc “đi
theo” ở đây không có nghĩa chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, không phải chỉ là mang tên môn đệ của Ngài
nhưng đòi hỏi một sự nổ lực là chấp nhận một số điều kiện khắt khe như Ngài đã
đề ra và mời gọi: “Ai muốn đi theo Thầy,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mc 8, 34). Như vậy, Ai muốn làm môn đệ Chúa
Kitô thì phải từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình trong cuộc sống hằng
ngày. Đây là điều kiện khắt khe và quyết liệt đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực
không ngừng.
Đi
theo ai là làm môn đệ cho người ấy. Đi theo Chúa tức là tôn nhận Chúa làm chủ
của mình. Đi theo Chúa cũng là lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy; sống cuộc
sống như Ngài đã sống, và cùng chung số phận như chính Ngài đã chịu. Đây
là đặc tính của người môn đệ, đồng thời cũng là điều kiện cần để theo Chúa.
Đi
theo: một hành động hay được Tin mừng nói tới. Có người theo vì được Chúa kêu
gọi đặc biệt. Có người theo vì cảm mến, như người mù ăn xin ở Giêricô được Chúa
cho sáng mắt (Lc 18,35-43). Cũng có nhiều đám đông theo Chúa, vì nhận ra Ngài
là một tôn sư chưa từng thấy. Tân Ước còn gọi các Kitô hữu là môn đệ, tức là
những người theo Chúa. Như vậy, có nhiều cách đi theo, với những động cơ và mức
độ khác nhau. Thế nên phải hiểu chính xác ý nghĩa của việc đi theo như thế nào,
để áp dụng cho chúng ta ngày hôm nay.
Thật thế, hành trình đi theo Chúa của người môn đệ được
ví như người leo núi, hay đi qua cửa hẹp. Nếu muốn leo lên núi được, cũng như
qua được cửa hẹp, thì người lữ hành phải thanh thoát và nhẹ nhàng, phải vứt bỏ
lại tất cả những thứ cồng kềnh làm cản bước chân và hành trình của mình. Cũng
vậy, theo Chúa thì cũng phải có thái độ như thế, tức là phải từ bỏ mọi sự để
chỉ nhìn thẳng vào Chúa và nhắm tới đích mà tiến bước: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và
cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta được" (Lc 14, 26).
Đi
theo - làm môn đệ thì phải từ bỏ. Từ bỏ là điểm then chốt trong giáo huấn của
Đức Giêsu. Chẳng những đòi hỏi từ bỏ mà còn vác thập giá nữa vì Đức Giêsu vác
thập giá, chết thập giá rồi mới được sống lại vinh quang. Cái giá của sự sống
lại vinh quang phải gồm đủ các hạng mục ấy không thiếu món nào được. Nói cách
khác,muốn được thưởng nước trời, sự sống
vĩnh cữu, hạnh phúc đời đời thì phải dứt khoát, ngay cả những cái nhỏ nhoi
nhất, hay những gì tạm bợ để được cái lớn lao, vĩnh cữu đó sao! Hãy suy nghĩ,
tính toán để lựa chọn cho đúng. Sai một ly đi một dặm. Sai cả cây số, cả cuộc
đời sẽ đi tới đâu. Đi lạc xa nuớc Thiên Chúa. Ngoài nước Thiên Chúa là nước
Satan. Khi xây tháp phải tính toán sao cho hoàn thành tốt đẹp. Đánh giặc phải
tính toán coi có thắng nổi không. Nếu không thì lo mà cầu hòa cho vẹn toàn.
Không tính toán kỹ lưỡng thì không có cơ may thành công. Làm thì phải chắc chắn
có kết quả và phải kết quả tốt nhất. Không có tương đối thuyết trong vấn đề
sinh tử này.
2. Tại sao phải đi theo?
Như
chúng ta thường nghe và cũng đã nói cái quý nhất của con người là sự tự do,
nhưng kèm theo nó như hình với bóng còn có một điều hết sức quan trọng và mang
đầy tính chất mạo hiểm: đó là “sự lựa
chọn” theo nhận thức của mỗi người. Chính vì sự lựa chọn này khiến con
người phải chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động mình. Do đó, khi dùng tự
do có ý thức để lựa chọn, con người phải cân nhắc chọn lựa, theo đúng nguyên
tắc luật lệ chính đáng, luân thường đạo lý và luơng tâm ngay thẳng mới có thể
tránh khỏi những sai lầm tai hại về tinh thần lẫn thể xác. May mắn thay cho
chúng ta là những Kitô hữu vì chúng ta đã có Chúa hướng dẫn, ơn Chúa soi sáng
giúp chúng ta dễ dàng trong việc chọn lựa để đi theo Ngài. Đồng thời, chúng ta
phải có lòng yêu mến Đức Giêsu và muốn thông truyền lòng yêu mến cháy bỏng của chúng
ta đối với Ngài. Đức Giêsu đã khơi dạy lòng mến dành cho Ngài nơi thánh Phêrô,
các môn đệ đầu tiên (x.Ga 21, 15), và nơi thánh Phaolô (x.Pl 3, 8-14). Và Ngài
vẫn tiếp tục làm bùng lên ngọn lửa yêu mến đó nơi con tim của mỗi người chúng
ta, ngang qua gương sống và hành sộng của Ngài: “Thầy đã đem lửa đến trần gian,
và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bừng lên” (Lc 12, 49).
Đi
theo Đức Giêsu và yêu mến Ngài, đó là ân sủng Thiên Chúa ban, như chính Đức
Giêsu nói: “Chẳng ai đến với tôi được,
nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6, 43). Chính
vì thế, với lời kinh dâng hiến trong sách Linh thao, thánh I-nhã mời gọi chúng
ta xin ơn yêu mến: “Xin Chúa ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa, đối với con
thể là đủ”. Tuy nhiên, Chúa không thể làm cho chúng ta yêu mến Ngài, mà lại
không làm cho chúng ta hiểu biết Ngài; bởi vì, “vô tri thì bất mộ”. Và càng yêu
mến Chúa, chúng ta lại càng ước ao hiểu biết Ngài. Thế mà, theo kinh nghiệm của
thánh Phaolô, và chắc chắn cũng là kinh nghiệm của thánh I-nhã, hiểu biết Đức
Kitô là điều quí giá hơn hết mọi sự:“Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với
mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi
đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitôvà được kết hợp với
Người”(Pl 3, 8-9).Và để giúp chúng ta mở tâm trí ra đón nhận ơn hiểu
biết Đức Kitô, thánh Biển Đức nói trong tu luật của ngài: “Không quý mến gì hơn Chúa Kitô” (chương 4, câu 21). Ngài mời gọi
chúng ta, sau khi đã đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được
thể hiện nơi Đức Kitô chịu đóng đinh, chúng ta được mời gọi đi theo Đức Giêsu
để chiêm ngắm cuộc đời của Ngài, hiểu biết và yêu mến Ngài hơn.
II. ĐI THEO ĐỨC
KITÔ TRONG TÂN ƯỚC
“Đi theo” cũng được dùng nhiều nghĩa khác
nhau trong Tân ước. Từ này diễn tả mối tương quan khác nhau được thiết lập giữa
Chúa Giêsu và những kẻ kết hợp với Người, tùy ở giai đoạn nào: hoặc là vào thời
người rao giang công khai; nó căn cứ vào những kẻ đi theo Người với một sự kiên
trì nhiều hay ít; hoặc là sau lễ ngũ tuần; nó căn cứ vào những kẻ tin Người nhờ
lời rao giảng của các tông đồ; hoặc là sau cuộc đời trần thế này, những kẻ tin
Người được sống với Người trong một mối hiệp nhất toàn diện, tròn đầy và vĩnh
viễn trong Thiên Chúa, như lời Người quả quyết với ông Phêrô: “Nơi Thầy đi, bây
giờ anh em không thể theo đến được, nhưng sau này anh em sẽ đi theo” (Ga 13,
36b).
1.
Trong truyền thống nhất lãm
Đề tài đi theo Chúa Giêsu được bén rễ sâu
trong truyền thống các lời rao giảng và các hoạt động của Chúa Giêsu. Chất liệu
kể chuyện và giáo lý tập trung quanh những điểm sau đây: lịch sử các lời gọi,
giai đoạn liên quanđến các việc huấn giáo và sứ mạng của nhóm 12, của nhóm các
môn đệ; bựa tiệc ly; những diễn biến của cuộc khổ nạn; việc báo tin vượt qua Phục
sinh; thầy phù thủy ‘không đi theo’; những lời về việc đi theo Đức Giêsu; lời mời
gọi của Chúa Giêsu; những điều kiện và những hình thức trong việc dấn thân đi theo Người; “gia đình đích thực” của Chúa
Giêsu; lời mời gọi của Chúa Giêsu (Mt 11, 28). “Tất cả những ai đang nghỉ ngơi bồi dưỡng; (Lc 10, 21).
Chúa Giêsu ngợi khen Cha vì đã mạc khải cho các kẻ bé mọn, tức là các
môn đệ; các chỉ thị của Chúa Giêsu cho các môn đệ và sự kém hiểu biết của họ.
Những điểm tóm lược này không thể nói hết mọi mặt, nhưng cũng cho thấy tầm quan
trọng của đề tài “đi theo Chúa Giêsu”.
Một số lời mời gọi đặc trưng “đi theo Chúa
Giêsu trực tiếp nhắm vào nhóm môn đệ và các tông đồ, một số khác thuộc phạm vi
trật tự tổng quát. Chẳng hạn, Chúa Giêsu đưa ra một lời mời gọi để liên kết những
con người vào với cuộc đời Người, để liên kết họ vào việc hoàn tất sứ mạng mà
Người đã thực hiện (để hiểu việc đi theo Chúa Kitô thì cần phải nhấn mạnh đến sự
kiện mà lời mời gọi luôn hàm chứa, đó là một lời mời gọi phục vụ. Theo Mc 1, 17
và Lc 5, 10 thì các môn để được gọi làm kẻ chài lưới người, nghĩa là các môn đệ
phải làm cho mọi người lưu tâm đến Nước trời, bằng cách loan báo Tin mừng và
làm việc giảng dạy Chúa Giê su (Mc 6, 7-13); nói đến sứ mạng đi rao giảng của
nhóm 12, còn Lc 10, 1-12 là sứ mạng của 72 môn đệ, sẽ đi từng hai người, loan
báo nước Thiên Chúa, đem đến bình an và chựa lành bệnh tật. Như vậy, khi còn sống
tại thế Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi). Với uy quyền của mình, như Thiên Chúa
trong Cựu ước, Chúa Giêsu đã gọi (Mc 1,16t), Simon và Anrê (Mt 8, 22). Cứ đi
theo tôi, hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. một số người trong dân Người để trở
thành ngôn sứ và chuẩn bị họ tham dự vào công trình Người, cộng tác với Người để
phục vụ Nước trời (Mc 1,15). Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối
và tin vào Tin mừng. Người quy định cho họ những lối sống (Mc 1, 17); chài lưới
người (Mc 2, 14); bảo Levi hãy theo tôi (Lc 9, 59-62). Hãy để kẻ chết chôn kẻ
chết, còn anh hãy đi loan báo triều đại nước Thiên Chúa; cầm cày mà còn ngoái lại
đằng sau, không đáng làm môn để, Người muốn họ ở gần Người (Mc 3, 14). Người lập
nhóm 12 để các ông ở gần và để Người đi rao giảng; Người đòi họ phải đi theo
Người cách mau mắn (Lc 14, 27). Ai không muốn vác thập giá mình mà đi theo tôi,
thì không thể làm môn đệ tôi được (Mc 8, 34); ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình mà theo. Một phần các môn để tức là nhóm 12 được chọn để
môt cách tượng trưng, đại diện cho 12 chi tộc Israel à để diễn tả yêu sách thời
thiên sai của Chúa Giêsu đối với toàn dân. Cách chung, Người đòi hỏi những ai
đi theo Người, một sự vâng phục đến độ cắt đứt những liên hệ gia đình và nghề
nghiệp. Những liên hệ này cản trở sự bền vựng trong mối hiệp thống sự sống với
Người, và ngăn cản việc dấn bước theo Người trong những cuộc di chuyển, cản trở
việc ở lại phục vụ Người và cản trở việc cộng tác với Người để khai mạc vương
quốc Chúa Giêsu (Lc 17, 31), ngày của con người; đừng bận tâm làm việc trần thế;
tra tay vào cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không thích hợp với Nước Thiên
Chúa. Trong số những người đi theo Chúa Giêsu, có nhóm các phụ nữ được Người trừ
quỷ và chữa bệnh (Mt 27, 55; Mc 15, 41; Lc 8, 2-3). Đây là điều khác thường ở
Palestine thời ấy.
Để tham dự vào sứ mạng của Chúa Giêsu người
được gọi phải sẵn sàng chia sẽ cuộc sống, số phận và những đau khổ của Người: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình, vác thập giá
mình và đi theo Tôi” (Mc 5, 34). Thập giá đồng nghĩa với sẵn sàng cho việc
sử dụng, nghĩa là hy sinh tự do và những an toàn, yên ổn theo kiểu loài người của
mình. Trung tín không do dự, quyết tâm theo gương Chúa Giêsu và làm như Người
đã làm (Mt 10, 24-25a). “Trò không hơn thầy,
tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ đã là khá lắm rồi”, đó
chính là những điều kiện phải có để cộng tác, để chuyển đi lời mời gọi của Thiên
Chúa cho dân Israel, để loan báo Nước trời đang đến và thực hiện những dấu lạ kỳ
diệu, chứng nhận rằng Nước trời đã đến gần. Tuy nhiên, Nước trời ấy, chỉ hiện
diện, đến gần đối với người nghe Tin mừng. Nghĩa là người ta phải đón nhận sứ
điệp với lòng tin thì Nước trời mới đến trong lòng người đó thật sự (Mt 4, 14;
10, 7). Như vậy, giữa Chúa Giêsu và những người đi theo Người có một sự đồng nhất
cuộc sống rất đặc biệt. những từ đã dùng để mô tả hoạt động thiên sai của Chúa
Giêsu được lấy lại để mô tả tình trạng của những người được gọi, cam chịu những
hiễm nguy vì Thầy (Mc 10, 32), và tham dự vào chính cuộc sống của Thầy.
2. Trong những tác phẩm của thánh Gioan
Đi theo là sánh vai một sự hiệp thông thân
tình với Đức Kitô phục sinh và vinh hiển (Ga 12, 26), ngang qua thập giá đến
vinh quang: Thầy ở đâu các con cũng ở đó. Các môn đệ không còn tương quan với
con người Chúa Giêsu nữa; họ tràn đầy mối hiệp thông với Đức Kitô trong niềm
tin nơi Lời (8, 21 nơi tôi đi các ông không tới được) và nơi Thần khí (14,
15-17) Cha sẽ ban cho anh em Đấng bảo trợ khác…đó là Thần khí sự thật…Người
luôn ở giữa và trong anh em).
Đi theo có nghĩa là khởi sự có đức tin, khởi
sự tin Đức Giêsu Kitô (Ga 12, 44). “Ai tin Tôi không phải là tin Tôi mà là tin
Đấng sai tôi 8, 12; Ai tin tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận
được ánh sáng ban lại sự sống”; và bổn phận của các môn đệ không phải là đón nhận
hay bảo toàn một nền đạo lý riêng của Chúa Giêsu, nhưng là bằng cuộc sống riêng
của mình trở nên những chứng nhân; có một mối liên kết khăng khít giữa việc
Chúa Cha sai Chúa Giêsu và Chúa Giêsu sai các môn đệ đi (Ga 20, 21). Như Cha đã
sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Sự dấn thân đi theo Chúa Giêsu phát xuất từ niềm
tin, nghĩa là từ sự đón nhận ân ban do Thiên Chúa Cha (6, 37). Tất cả những người
Chúa Cha ban cho tôi, điều sẽ đến với tôi; Đấng kéo loài người về với Con (Ga
6, 44). Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi
kéo người ấy, để họ tìm được ơn cứu rỗi nơi Người. Các tín hữu được sinh ra từ
sự thật (18, 37). Chúa Giêsu nói với Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế
gian vì điều này, đó là để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật thì
nghe tiếng Tôi”, nghĩa là từ việc đón nhận sự thật của Thiên Chúa được tỏ bày
nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Giêsu Kitô mà họ được sinh ra từ Thiên Chúa (8, 47).
“Ai thuộc về Thiên Chúa thì nghe lời Thiên Chúa nói”, và họ phải tuân theo yêu
sách của Người trong mọi khả năng sự phát triển của họ.
Thiên Chúa tỏ mình trong Đức Giêsu Kitô và
sự tỏ mình này đặt nhân loại bị đắm chìm trong bóng tối, trước một chọn lựa quyết
liệt, đón nhận hay từ chối hy tế cứu độ. Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa, đòi
có sự quyết định và chọn lựa: “Ai đi theo tôi, sẽ không đi trong tăm tối, nhưng
sẽ có ánh sáng đem lại sự sống” (8, 12). “Tôi là ánh sáng, tôi đã đến trong thế
gian, để bất cứ ai tin tôi thì không ở trong tăm tối” (12, 46). Như thế, đi
theo có nghĩa là từ bỏ sự thống trị của tăm tối và vào trong thế giới của Thiên
Chúa. Nơi thánh Gioan (10, 16t). Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành đối nghịch với
người chăn thuê và tên trộm cướp. Đi theo Người có nghĩa là rời khỏi thế giới
thù nghịch với Thiên Chúa, là chết cho tôi, là tiến đi trên đường lối của Người.
Bậc sống môn đệ, hiệp thông trong ý hướng với Thầy, hầu như luôn luôn khởi đi từ
một sự làm chứng cho Chúa Giêsu do một kẻ đã biết Người. Ông Gioan tiền hô
tuyên bố: “Đây là chiên Thiên Chúa” (1, 36). Ông Anrê là một trong những kẻ đã
nghe lời chứng của vị tiền hô và đã đi theo Chúa Giêsu (1, 40); rồi sau đó báo
cho ông Phêrô biết; “chúng tôi đã gặp Đấng Messia” (1, 41); còn Philipphê đã
nói với ông Nathanael: “Đấng mà sách luật Môsê
và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông
Giuse, người Nazaret” (1, 45). Dựa vào lời chứng của người phụ nữ Samaria. Mà một
đám rất đông đã tin Người (4, 39) và tức khắc họ nhận ra rằng họ tin là vì
chính họ “đã nghe và đã biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (4,42).
Ðối
với tác giả Gioan, theo Chúa là những ai tin Chúa. Gioan liên kết ý tưởng theo
Chúa với lời Chúa mời gọi người ta tin (Ga 8,12; 12,35tt). "Theo"
không còn là "đi sau" Chúa như nghĩa gốc, nhưng với nghĩa bóng là gắn
bó với Chúa bằng tinh thần, tức là tin. Nói đúng ra, người tín hữu vẫn còn đi
sau Chúa trên con đường mà Ngài đã đi qua, nhưng họ sẽ lên sau Chúa và cùng với
Ngài. "Lên" là một khía cạnh mới. Lên tới đâu? Tới trời, vì Ngài là
ánh sáng từ trời soi chiếu thế gian (Ga 8,12); vì Ngài được đưa lên cao, giờ
đây lôi kéo người ta lên với Ngài (Ga 12,32).
Người môn đệ được gọi chia sẽ số phận của
Chúa Giêsu (12, 26). “Ai phục vụ Thầy, thì Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở
đó”, (xem thêm 21, 19-20); và như vậy là thông dự vào vinh quang của Người (12,
26 và 13, 36t). ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: thưa Thầy, Thầy đi đâu? Chúa Giêsu
đáp: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh em không thể theo đến được, nhưng sau này anh em
sẽ đi theo”. Việc Chúa Giêsu về cùng Cha có một giá trị cứu rỗi. Người mở ra
con đường, mà qua đó, các tín hữu, các môn đệ sẽ theo Thầy mình vào trong vinh
quang. Người chuẩn bị cho họ chỗ ở, để họ được ở với Người (14, 1-4). Đừng xao
xuyến về việc ra đi dọn chỗ để Người ở đâu họ sẽ được ở đó với Người, để cùng với
Người chiêm ngưỡng vinh quang Cha (17, 24). “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu
thì những Người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng mà Cha
đa ban cho con”. Tiến bước đi theo Chúa Giêsu bắt nguồn từ lời gọi của Cha và
hướng tới cuộc sống với Cha, Đấng sẽ làm “vẽ vang” cho người môn đệ (12, 26b).
“Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy”. Cái kết quả: được ở với Thầy
“được Cha quý trọng” là được hứa ban cho mọi người (12, 26); và đặc biệt cho
ông Phê rô (13, 36-38). Giờ đây không thể đến, nhưng sau này anh em sẽ đi theo
(21, 19-22). Báo trước về cái chết của Phêrô…). Cái chết là lối đi qua bắt buộc
để đạt đến đó; hạt giống nào không chết đi vẫn trơ trọi một mình, hạt nào chết đi mới mang lại nhiều hoa trái (12, 24). “Ai
yêu mạng sống mình thì mất; còn ai ghét mạng sống mình ở trần gian này thì giữ
được nó trong sự sống vĩnh cửu” (12, 25), và còn thêm: “Ai phục vụ tôi thì Cha
tôi sẽ tôn vinh người ấy (12, 26b). Chúa Giêsu hứa cho thông chia với Người cuộc
sống vinh quang mai sau bên cạnh Cha (8, 12, 13, 36).
Sự dấn thân đi theo Chúa Giêsu không chỉ
liên quan đến một số giới hạn những cộng tác viên, nhưng còn là tất cả những ai
trong niềm tin, đã đón nhận tình yêu như một tặng phẩm của ân huệ. Đi theo Chúa
Giêsu, đó là tặng phẩm của Thiên Chúa, đó là một ân huệ; là sự khả thể được
Thiên Chúa ban cho con người để sống kết hiệp bằng tin và yêu với Chúa Giêsu trải
ra trong cuộc đời mình và để với Người thông dự vào vinh quang mà Người đã nhận
từ Cha trong Phục sinh và Thăng thiên.
3. Trong những thư của thánh Phaolô
Việc “đi theo Chúa Giêsu” được khai triển
trong viễn tưởng hiện hữu trong Chúa Kitô. Người ta gặp hơn 160 lần kiểu nói
“In Christo”, nó diễn tả dự định của Thiên Chúa Cha, là Đấng trong Chúa Kitô,
chọn lựa và tiền định cho những kẻ được chọn Ep 1, 4-5; 2Cr 5, 18-19); chia sẽ
tình yêu (Rm 8, 38t; 5, 8-10); ánh sáng (Ep 5, 8-14); sức mạnh của Người (Ep 6,
10). Kiểu nói này cũng chỉ rõ ràng Thiên Chúa Cha thương yêu đón nhận kẻ nào
nên một với Chúa Kitô, chỉ có một vấn đề đó là yêu mến Đức Kitô, ở lại trong
Người; qua Đức Kitô nối kết với Cha, chính là trong Đức Kitô mà họ được cứu rỗi
(1Cr 1,30; 6,11). Được tháp vào Đức Kitô, họ được thứ tha tội lỗi (Col 1,14) và
được công chính hóa (Rm 8,1; 6,11). Nhờ
hiệp nhất với Đức Kitô, họ cũng được nên một với anh chị em mình, trở nên chi
thể thân mình Đức Kitô được xây dựng trong đức ái (Ep 4,16). Nguyên lý của hiệp
nhất và sự sống là Chúa Thánh Thần, là Đấng tràn đầy trong thân hình vinh hiển
của Đức Kitô, và là Đấng trong Chúa Kitô, được thông ban cho mọi chi thể nối kết
với nhau nhờ phép Thánh tẩy (1Cr 12,3). Nhờ Thần khí mà tuyên xưng Đức Kitô là
Chúa.
Một đặc tính khác trong tư tưởng của thánh
Phaolô, liên quan đến việc đi theo Đức Kitô, đó là sự noi gương thánh Phaolô là
người không được vinh dự “đi theo Đức Kitô” theo nghĩa đen, lý do là ngài đã
không biết được Đức Kitô về phương diện thể xác (2Cr 5, 16-17), nghĩa là không
được cùng ăn cùng uống với Người: “Có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo
Chúa Giêsu suốt một thời gian Người sống giữa chúng ta” (Cv 1, 21). Không đi
theo Đức Kitô hay đi đàng sau Người theo kiểu nói của người Dothái, để chỉ việc
làm của môn đệ Người, nhưng thánh Phaolô lại quả quyết là mình đã “bắt chước Đức
Kitô” (1Cr 11,1), tới mức mà chính Ngài cũng trở nên khuôn mẫu cho mọi người “bắt
chước”. Mặc dù thánh Phaolô tự đề cử mình như khuôn mẫu và khuyên mọi người hãy
bắt chước ngài như ở (1Cr 4, 16); Phil 3, 7-9). Nhưng xét cho cùng, yêu sách
noi gương này không dừng lại nơi con người của thánh Phaolô, nhưng vươn tới Đấng
mà chính ngài noi gương như ngài đã nói rõ ở (1Cr 11,1): “Anh em hãy bắt chước
tôi như tôi bắt chước Đức Kitô”. Vì thế, thánh Phaolô ít dùng từ
"theo". Nhưng đối với vị Tông Ðồ này, tất cả đời sống Kitô giáo là
một đời sống với Chúa Kitô. Ðó chính là theo Chúa. Theo, là phải gắn bó mật
thiết hơn nữa. Chỉ có thể theo trong sự hiệp thông với Ðức Kitô, hiệp thông
trong tình huống cụ thể của ngày hôm nay. Thế mà trong tình huống này, quyền
lực sự dữ luôn ra oai tác quái, và chúng ta còn là những người lữ hành đang
chiến đấu vất vả. Cho nên phải cùng với Chúa thực hiện lại lộ trình của Chúa,
là qua Thập giá để tới Phục sinh, qua đau khổ tới vinh quang.
Ngoài ra tránh kiểu nói noi gương Đức Kitô
là để nêu bật đạo lý, “trở nên, sống bằng Đức Kitô”, phải là khát vọng độc tôn,
duy nhất của mọi người được rữa tội. Đức Kitô không phải chỉ là một đối tượng để
noi gương, mà Người là chủ thể chủ động, phải thúc đẩy cách ăn nết ở của người
tín hữu. Chúa Kitô là chủ thể mà trong Người, với Người, bởi Người, người tín hữu
suy nghĩ, yêu mến và hành động.
Sự bám chặt Đức Kitô bắt buộc con người phải
trở về với những chiều kích căn bản của họ, nghĩa là với cái thân phận làm người
“đồng hương” đối với dân Thiên Chúa và đối với gia đình nhân loại; với cái thân
phận làm người của con người được hòa giải trong Đức Kitô qua suốt dòng lịch sử,
góp phần vào sự phát triển của vũ trụ bằng cách cùng chia sẽ những trách nhiệm
trong thế giới và trong lịch sử với những con người khác.
Chúng ta chỉ có thể đi theo Chúa trong sự hiệp thông với
Ðức Kitô, kết hợp mật thiết với Ngài nhờ ân sủng. Theo Chúa là một đòi hỏi phát
xuất từ chính thực tại của ta là "ở trong Ðức Kitô". Ðây cũng là ý
nghĩa của đoạn văn nổi tiếng trong thư Philipphê. Sau khi khuyên các tín hữu
hiệp nhất với nhau trong sự khiêm nhường và quên mình, Phaolô xen vào bài ngợi
ca Ðức Kitô đã hạ mình, để rồi được Thiên Chúa siêu tôn (Pl 2,1-11). Ở đây, Phaolô
không tiên vàn cho thấy Chúa như một mẫu gương để bắt chước, mà còn , và nhất
là còn, như một người đi trước, một hướng dẫn viên trên con đường do Thiên Chúa
chỉ định. Con đường này cũng chính là con đường ta phải đi, vì ta kết hợp với
Ðức Kitô. Cũng như Ðức Kitô, khi vâng phục Chúa Cha, đã đi vào con đường của
mình với tư cách một người tôi tớ, thì chúng ta đi trên đường này cũng phải là
những tôi tớ phục vụ vô vị lợi.
III. THỤ TẠO MỚI
Đi theo Chúa Giêsu là
không còn làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết, nhưng là làm người tự do sống theo
ơn Chúa Thánh Thần, trong cuộc đời làm con Thiên Chúa giữa trần thế (2Cr 5,
17-18).Người chịu phép Rửa là một thụ tạo mới. Được mặc lấy Đức Kitô, từ nay trở
đi không có gì trong chúng ta thuộc về con người cũ. Chúng ta được tái tạo từ đầu
đến cuối và nhận lấy một đời sống mới từ Đức Kitô. Bằng đau khổ và cái chết, Đức
Kitô đã giải phóng chúng ta khỏi luật của sự tội và sự chết. Đời sống của Chúa
bao trùm lấy chúng ta và cho chúng ta trở thành một con người mới bởi quyền
năng của Chúa Thánh Thần.
1. Tính cách lịch sử và cứu thế của việc đi
theo Đức Kitô
Đi theo Chúa Giêsu là một “tiếng gọi” được
sống: đó là tiến lên trong sự sống bằng cách “mắt hướng về Đức Kitô là Đấng
khai sáng và kiện toàn lòng tin” (Hip 12, 2). Xâm nhập vào phạm vi của con người
hôm nay, có nghĩa là tự đặt cho mình vấn đề của Chúa Giêsu, của công việc Người,
của sứ mạng Người. Chỉ có thể nói về việc đi theo Chúa Giêsu khi đối chiếu với
Người. Đi theo có nghĩa là noi gương và noi gương thì hơn là thán phục. Đó là
thâm nhập vào cuộc sống và sứ mạng của Chúa Giêsu để biết ai là Đấng mà Chúa
Cha kéo chúng ta đến. Đấng kêu gọi chúng ta, truyền dạy chúng ta và đi trước
chúng ta về nhà Cha, là Đấng hoạt động không phải để thế chân chúng ta, nhưng để
làm cho chúng ta trở thành những kẻ hoạt động trong Người. Đi theo Chúa Kitô
không phải là hướng đến sự trọn lành, mà chính là sự trọn lành, như việc Chúa
Giêsu mời gọi chàng thanh niên dàu có: “Anh hãy về bán những gì anh có, bó thí
cho người nghèo…” đó là đường trọn lành, còn “hãy đến theo ta” là chính sự trọn
lành. Sự đồng nhất hóa với Chúa Giêsu đem lại ơn cứu độ cho tín hữu (Rm 1, 16).
Sự đồng nhất hóa thì thống nhất hóa
(uni-fier) chứ không tương đồng hóa (uniformser). Sự đồng nhất hóa thì cấu
kết lại, nhưng không phải là cố định, nó bao hàm cá thể trong khi vẫn tôn trọng
trách nhiệm của cá thể; nó đặt chúng ta vào vĩnh cửu, nhưng không làm thời gian
thành vô ích.
Việc đi theo Chúa Giêsu làm cho con người
dính lứu đến công việc mà Chúa Giêsu thực hiện trong lịch sử và thúc đẩy họ ước
muốn “đặt mình” vào con đường mà Người đã đi; làm cho họ tin vào Người, làm cho
họ ở trong và ở với Người, làm cho họ sống như Người đã sống, và làm cho họ thực
hiện điều Người đòi hỏi.
Hôm nay Thiên Chúa Cha vẫn còn lôi kéo
loài người đến với Đức Kitô (Ga 6, 44). Và Đức Kitô kêu gọi mọi người, mạc khải
cho họ ý định của Cha, làm cho họ thông dự vào công trình mà Người đã thực hiện
và trao cho họ phần trách nhiệm, tùy theo những ân huệ và khả năng của họ,
trong việc biến đổi lịch sử. Đi theo lối đường này là lớn lên trong thập giá của
Đức Kitô được khắc ghi trong con người nhờ phép Thánh tẩy; và cũng là biểu thị
“thân phận mới” của con người, cũng là biểu thị “tình yêu và chiến thắng” của Đức
Kitô, Đấng che chở con người, đỡ nâng con người “bởi vì Người biết nó và theo
nó”, chỉ dẫn nó lắng nghe tiếng Chúa”, dắt dìu cho nó thấy dung mạo của Thiên
Chúa, cho nó đáp trả lời mời gọi, và giúp nó “đặt mình cách êm ái và gánh nhẹ
nhàng của Người”. Đi theo Đức Kitô là luôn luôn nên một với Người hơn nữa, đó
là sống trong agapê của Người, là đón nhận thập giá.
“Đi theo” là được “ở trong Chúa Kitô”, là
trở về để “nhận biết”Thiên Chúa để mở ra một trách nhiệm công bình và tình
thương đối với con người. Càng triệt để trong những thái độ và những cư xử phải
đảm nhận và những hành vi phải thực hiện, thì đi theo đó là một cách hiện hữu,
sống, tồn tại; đó là ở trong sự hiệp thông sự sống, tư tưởng với Chúa Kitô đang
sống trong những cộng đoàn tin vào Người. Về mặt tư tưởng, sự đi theo, phù hợp
với biểu thị mà con người làm cho mình nên Chúa Kitô, nên sự hiện diện của Người
giữa chúng ta. Sự đi theo diễn tả sự biến đổi mà Người thực hiện trong con người,
diễn tả chiều kích cánh chung của sứ mạng Người.
Tuy nhiên, đi theo Chúa Kitô không có
nghĩa là quy tắc hóa những khái niệm diễn tả về con người, về sứ mạng của Người,
để kết chặt vào đó, và bênh vực chúng, trong khi đó lại bỏ qua mối tương quan sống
động và cốt tử với Đấng mà những khái niệm đó dựa vào. Sự biết Chúa Kitô thì cứu
vớt và không làm tê liệt vì đó là cái biết của tình yêu: nó triển nở trong sự
thông dự vào sự sống của Người và chín muồi bên trong sự sống ấy. Những ai đi với
Người và yêu mến Người thì lắng nghe tiếng Người, lớn lên trong sự sống mầu nhiệm
của Người và tham dự thật sự vào sự sống của Thiên Chúa trong mối hiệp thông với
Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Người đi theo Chúa Giêsu là người nhận ra
mình được biến đổi trong agapê và để cho sức thu hút mầu nhiệm của nó dẫn dắt
và mang mình đi, nó làm nên tự do, nó giúp định hướng những lựa chọn, nâng đỡ
những thực hiện, nó là năng lực sáng tạo, xây dựng cái “chúng ta” của mối hiệp
thông trong những tương quan cộng đoàn. Người tín hữu lớn lên trong tình yêu
thâm sâu với Đức Kitô thì đón nhận từ nơi Người tình yêu của Cha. Con đường mà
Chúa Giêsu, dẫn những kẻ đi theo Người vào, là con đường “yêu cho đến cùng” (Ga
13,1), đối với Thiên Chúa và đối với nhân loại , con đường “Thánh Thể” con đường
hiến mình.
Trong con đường “đi theo Chúa Giêsu” không
có những tương quan trừu tượng, y hệt nhau, lặp đi lặp lại đơn điệu. “Người mục
tử” biết “chiên” của mình từng con, gọi tên chúng và chúng lắng nghe tiếng và lệnh
của Người (Ga 10,21). Kẻ nào “đi với”, kẻ nào “đi theo” thì sớm hay muộn gì
cũng sẽ cảm thấy được đưa đến chỗ cá thể hóa mối tương quan của mình, để trả lời
cho những vấn đề liên quan đến mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt
16,15) “Ngài tự ý nói điều ấy hay những người khác đã nói với Ngài về tôi”? (Ga
18, 34). Và nhất là: “anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21,15). Sự
đi theo Chúa Giêsu đặt người môn để dưới luật của Người, nghĩa là giới luật của
thập giá, luật của tình yêu, nhờ sự nối kết của tình yêu này, cho phép con người
trở nên một hữu thể hiệp thông. Nhờ tình yêu, con người chấp nhận mình, bắt đầu
hiểu biết chính mình, biết được tên riêng của mình và những khả năng của mình, ở
nơi cộng đoàn nơi mà mình được hòa nhập. Và trong sự thâm nhập vào nhau này, sự
hiểu biết mầu nhiệm Đức Kitô cũng lớn lên. Những công thức và những khái niệm
diễn tả tư tưởng của người ấy cũng dần dần mở ra đến vô hạn, đến “không thể diễn
tả nên lời”. Trong nguồn mạch của mình, trong cái thực tại mà mình nối kết vào,
trong mục đích mà mình hướng về, có sự sống của tình yêu và sự hiệp thông. Những
diễn tả của người ấy hướng đến việc trở nên phù hợp với nguồn mạch, với mục
đích và cũng vì lý do này, chúng là những biểu thị của hiệp thông: chúng trào
nên thành Koinoia, chúng xây dựng Koinoia, được bao gồm không như sự kết hợp lờ
mờ của các cá thể, nhưng như một xu hướng về “chúng ta” của cuộc sống trong
Thiên Chúa, được ban phát cho nhân loại.
2. Được thanh tẩy trong Giáo hội
Sự đi theo Chúa Giêsu được phát triển
trong cộng đồng được Chúa Thần Thần tác sinh. Cộng đồng Kitô giáo là gia đình
là dân Thiên Chúa; những ai thuộc về cộng đồng này thì điều có trách nhiệm đối
với nó; họ phải làm cho cộng đồng này đẹp lên, không vết dơ; họ phải cải tổ
canh tân những cơ cấu để nó trung thành với Chúa Thánh Thần. Người môn đệ có
trách nhiệm ở trong Giáo hội và ở với Giáo hội, họ làm phát triển mối hiệp
thông hỗ tương giữa các chi thể Giáo hội; họ thực hiện sứ mạng của Giáo hội
theo khả năng và ơn gọi của họ. Như những thực tại khác của pha cuối cùng, Giáo
hội cũng là “đã” nhưng vẫn chưa là Giáo hội của Đức Kitô trong sự tròn đầy viên
mãn của nó. Chúa Thánh Thần đáng dẫn Giáo hội đến chỗ đó, xuyên qua những chọn
lựa và những thể hiện của các tín hữu, là những người đón nhận Ngài và sống nhờ
Ngài. Người ta không thể đi theo Chúa Giêsu mà lại không tái khám phá cái trách
nhiệm tích cực trong Giáo hội, mà lại không chia sẽ, không tìm cách giải quyết
những vấn đề làm mờ đục Giáo hội, những vấn đề đụng chạm đến tính đồng nhất của
Giáo hội, sự đồng nhất trong sứ mạng của Giáo hội.
Vào mỗi bước ngoặt của lịch sử, người đi
theo Chúa Giêsu đặt cho mình vấn đề về tính đặc thù của ơn gọi mình. Người đó cần
phải đảm nhận những vấn nạn đặt ra về bản chất và về sứ mạng lịch sử của cộng
đoàn trong đó người ấy sống. Lối hiện diện nào sẽ phải là lối hiện diện của người
môn đệ, để làm chứng cho Đức Kitô chiếu soi mọi người trên trần thế mà Người muốn
dẫn đến sự sung mãn của thân phận con người riêng của họ. Sự đi theo Chúa Giêsu
ở đây là trung thành với Đấng “đổi mới mọi sự” (Ap 21,5), và sống ngay trong
cái thực tại này chứ không phải cái nào khác. Con đường đi theo Chúa Giêsu đó
là thập giá, là con đường của sự sống và của tình yêu, thứ tình yêu chiến thắng
sự chết và tội lỗi.
3. Những chi thể tách riêng của xã hội
Sự đi theo Chúa Giêsu giao hòa chúng ta với
vũ trụ, và với lịch sử, nó làm cho sự công chính của chúng ta triển nở và nâng
đỡ chúng ta trong việc cắt đứt triệt để, mà nếu không có những cắt đứt này thì
sự đi theo Chúa Kitô không thể lớn lên. Vũ trụ vẫn còn chưa hoàn tất, và con
người phải bổ sung, phải đảm nhận trách niệm của một chức vụ sáng tạo trong một
thế giới mà Adam mới thâu tóm lại cho đến tận thế. Người môn đệ được sáp nhập
vào bằng cách chịu trách nhiệm đối với quá trình tiến hóa khoa học và kỷ thuật
của thực tại, đối với việc cải tổ những tương quan xã hội và chính trị, đối với
sự liên đới với những sức mạnh loài người được đưa vào trong những thay đổi các
cơ cấu xã hội. Tình yêu của người đi theo Đức Kitô là tình yêu dành cho một thế
gới đang xây dựng và đang tái xây dựng; người ấy cho thấy một sự hiện diện sống
động và biến đổi, được sống cách cụ thể trong những lựa chọn và những xu hướng
đầu tư vào hết mọi chiều kích của cuộc sống cá nhân và cộng đoàn. Chỉ khi nào mỗi
người chu toàn bổn phận riêng trong viễn tưởng của một dự phóng có giá trị đối
với mọi người và nhắm đến lợi ích chung, thì khi ấy mới đem lại điều thiện hảo
cho tất cả và cho mọi người.
IV. ĐI THEO ĐỨC
KITÔ TRONG ĐỜI SỐNG TU TRÌ
Đời sống tu trì quả là cao đẹp, nó cung cấp
cho người sống thánh hiến những phương tiện thuận lợi để nên thánh. Thế nhưng để
nên thánh, người tu trì phải thực sự bỏ mình, nên giống Đức Kitô: hoàn toàn dấn
thân cho Thiên Chúa để đi sâu vào trong đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa; đồng
thời cũng phải biết dấn thân hoàn toàn cho tha nhân. Đây là một đòi hỏi không
thể thiếu đối với những người sống thánh hiến,
đòi hỏi này không phải là dễ đối với người thánh hiến, nhưng người sống
thánh hiến phải sống toàn tâm toàn ý cho lý tưởng tu trì của mình. Nếu ai hoàn
toàn thuộc về Thiên Chúa và về tha nhân thì đời tu trì trở nên một cỏi phúc.
Còn ai dấn thân mà nhắm mục đích nào khác ngoài Thiên Chúa và tha nhân để chỉ
lo cho đời sống của mình được triển nở, mà không có hướng thiệnthì khó mà đạt
được mục đích hoàn thiện bản thân mình.
1. Ơn thanh tẩy
Bí tích Thánh tẩy đóng một vai trò quan trọng
trong ơn cứu độ. Thật vậy, thiếu bí tích Thánh tẩy Giáo hội không có phương thế
hữu hiệu nào để đảm bảo ơn cứu độ cho nhân loại. Bí tích Thánh tẩy đưa ta vào
tương quan mật thiết với Thiên Chúa và Giáo hội để từ đó được lãnh nhận nhiều
ân sủng khác. Mặc dù chúng ta vẫn tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa,
nhưng với bí tích Thánh tẩy, Thiên Chúa cho con người một con đường cụ thể, rõ
ràng, đảm bảo, hữu hiệu để cứu độ con người. Chính vì thế, là người Công giáo,
hơn nữa là những người chịu trách nhiệm trong lãnh vực giáo dục, chúng ta phải
lo liệu làm sao để cho người khác nhận ra lợi ích của bí tích Thánh tẩy mà lãnh
nhận cho xứng đáng.
Công đồng Vatican II, qua sắc lệnh “Đức Mến
trọn hảo”dạy rằng: Đã từ bỏ thế gian để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa, tu sĩ
đã tận hiến đời họ để phục vụ Thiên Chúa và đó là một sự thánh hiến đặc biệt bắt
nguồn sâu xa, tự trong sự thánh hiến của phép rữa tội ấy (số 5). Qua hiến chế
ánh sáng muôn dân, Công đồng cũng đã khẳng định: “Tu sĩ hiến toàn thân cho
Chúa, Đấng họ hết sức yêu mến…nhờ phép Thánh tẩy, họ đã chết cho tội và được
thánh hiến cho Chúa…” (số 44).
Bài “Elémento
essentiels de l’enseignement de l’Eglise sur la vie religieuse” trong Religienx et religieuse de l’Eglise
(centurion 1984) cũng quả quyết rằng: “Chính Chúa Giêsu là Đấng được Cha sai đến
và thánh hiến một cách tối thượng (Ga 10,36). Nhờ bí tích Thánh tẩy, Ngài chuyển
thông sự sống của Ngài cho mỗi Kitô hữu. mỗi Kitô hữu được thánh hiến trong
Con, mỗi Kitô hữu được mời gọi nên thánh, mỗi Kitô hữu được sai đi để tham dự
vào sứ vụ của Chúa Kitô, với khả năng phát triển trong tình yêu và phụng sự
Thiên Chúa. Ơn ban Thánh tẩy là sự thánh hiến căn bản Kitô hữu và là cội rễ của
tất cả những thánh hiến khác (số 6).
Qua những văn kiện chính thức của Giáo hội
trên đây, cho thấy rằng các tu sĩ nam và nữ không phải là những người duy nhất được thánh
hiến hay tận hiến mình cho Thiên Chúa. Các Giám mục, Linh mục cũng vậy, không
phải là những người duy nhất như thế: đã có nhiều vua chúa các quốc gia Công
giáo dâng hiến dân tộc hay quốc gia họ cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Sự tận hiến
chính yếu là “dâng hiến hoàn toàn chính con người mình” và tất cả mỗi Kitô hữu
phải hiểu rằng họ được bí tích Thánh tẩy tận hiến cho Thiên Chúa.
Thiên Chúa ban sự thánh thiện và Ngài mời
gọi mỗi người thực hiện sự thánh thiện đó theo cách thế phù hợp với ơn gọi của
mình. Như vây, nói rằng đời tu là “đời sống thánh hiến” không phải là sai, với
điều kiện phải nhận định rõ ràng rằng: thay vì tách rời những tu sĩ nam, nữ ra
khỏi toàn thể Giáo hội, cách nói “đời sống được thánh hiến” này, chỉ muốn làm nổi
bật cái căn bản của tất cả cuộc sống Kitô hữu. Vì thế, mỗi Kitô hữu, trong đó
có các tu sĩ nam nữ, được mời gọi quy hướng về bí tích Thánh tẩy. Bí tích này
ban cho chúng ta đời sống mới trong thánh linh bằng cách lôi kéo chúng ta đi
theo Chúa Giêsu, đồng hóa chúng ta với Chúa Giêsu, Trưởng tử của Cha. Do sự kiện
này, mà việc khấn dòng không phải là bí tích Thánh tẩy thứ hai như ngày xưa người
ta đã quan niệm. Chính trong sự năng động và thăng hoa của một bí tích Thánh tẩy
duy nhất mà việc khấn dòng có chỗ đứng. Và cũng như mọi thiên ân khác, ơn đặc
biệt này chỉ có ý nghĩa trong phục vụ toàn thể Giáo hội. Người ta không là tu
sĩ cho riêng cá nhân mình, cho sự nên thánh của riêng mình. Đời tu là ơn Chúa
ban cho Giáo hội của Ngài. Và như thế đời tu chỉ có được trọn vẹn ý nghĩa khi
tham dự vào sứ mạng của Giáo hội.
Ngày
hôm nay Chúa Kitô vẫn còn mời gọi những người nam và người nữ bước đi theo
Ngài. Lời mời gọi bước theo Ngài được biểu lộ ra nơi nhiều hình thức khác nhau:
đời sống hôn nhân, lựa chọn sống độc thân, đời sống thánh hiến.
Đời
sống thánh hiến trong cuộc sống tu trì là một hình thức đặc biệt để bước theo
Chúa Kitô, nó nhất thiết bao gồm « sự lựa chọn một sự trao hiến trọn
ven cho Thiên Chúa trong Chúa Kitô » (Thượng Hội Đồng về Đời sống
thánh hiến, Gioan Phaolô II), bước theo Chúa Kitô theo cách thức này là cảm
nghiệm một Tình Yêu không ngừng làm cho chúng ta có khả năng từ bỏ tất cả để
« hiến dâng cuộc sống của mình » cho Tình Yêu, mà trao ban và hiến
thân không ngừng.
Trong cuộc sống tu trì, chúng ta cảm nghiệm rằng bước
theo Chúa Kitô là một con đường hạnh phúc, đó là hạnh phúc của Tám mối
phúc : « Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, phúc cho anh em là
kẻ hiền lành, phúc cho anh em là những kẻ xây dựng hòa bình. » (Mt 5,
3-11 và Lc 6, 20-26). Đức Giêsu Nazareth đã đảm nhận hậu quả của tình yêu vô
điều kiện của Người, mà mạc khải tình yêu của Chúa Cha dành cho tất cả chúng
ta cho đến chết trên thập giá; nhưng sự chết không phải là lời cuối cùng,
nó đã bị đánh bại bởi Tình Yêu muôn thuở của Thiên Chúa.
Bước
theo Chúa Kitô là một con đường « hẹp » bởi lẽ nó định hướng chúng ta
đến điều cốt lỗi và, bởi thế, làm cho chúng ta sống những chặng đường khó khăn:
khi mở ra cho những chiều sâu, rộng và cao không ngờ đến của cuộc sống, « anh
em sẽ nhận ra được tình yêu của Chúa Kitô vượt trên tất cả những gì mà người ta
có thể nhận biết được » (Ep. 3,19). Nhờ Chúa Thánh Thần, đời sống
tu trì cho phép tình yêu dần dần đầu tư toàn bộ con người chúng ta: trí thông
minh, trái tim, tinh thần, thể xác, tâm lý; bước theo Chúa Kitô dưới cách thức
này làm cho chúng ta nói không trước những thứ khác, mà thiết yếu
cho những người khác, như là những tương quan tình dục, có con cái.
Bước theo Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta một chiều sâu tình yêu có thể đảm
nhận tất cả giới tính của chúng ta, tình cảm của chúng ta, và vén mở một sự
phong nhiêu không thể ngờ được.
Đời
sống tu trì của chúng ta muốn là lời loan báo về một cuộc sống mới vượt lên
trên sự chết, nơi mà chính chúng ta sẽ hiệp thông một cách trọn vẹn với Thiên
Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần và với tất cả công trình tạo dựng của Người.
Bước
theo Chúa Kitô trong đời sống tu trì của chúng ta vừa là một sự sai đi cá nhân
vừa là một sự sai đi tập thể, chúng ta được sai đi cùng nhau vào trong thế
giới, trong Giáo Hội.Vâng, bước theo Chúa Kitô trong đời sống tu trì thật sự là
một con đường hạnh phúc mang lại ý nghĩa cho tất cả cuộc sống của chúng ta.
2. Việc đi theo Đức Kitô trong những linh đạo khác nhau của đời tu
Ơn Gọi là gì? Ðể trả lời cho
vấn đề, trước hết, chúng ta cần nói qua khái niệm về hai chữ "Ơn
gọi". Ơn gọi là một tiếng gọi yêu thương của Chúa
cho con người từ muôn thuở.
Mẹ Têrêxa Calcutta nói: "Một
cách đơn giản, ơn gọi là một tiếng gọi để tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Ðức Kitô,
với ý thức rằng, không gì có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu của Người. Ơn
gọi là một lời mời gọi để sống trong tình yêu với Thiên Chúa và để minh chứng
tình yêu đó.”
Một bài thánh ca chúng ta thường hát: "Từ muôn đời Chúa đã yêu con, và
còn yêu con mãi mãi..." Ðã gọi là tiếng gọi từ muôn thuở, chúng ta không có thể nói rằng, Chúa gọi tôi cách
đây mấy năm, hay Chúa vừa gọi tôi, hay tôi chờ xem Chúa có gọi tôi hay
không..., nhưng phải nói rằng, Nếu Ngài gọi, Ngài đã gọi tôi từ lâu rồi, từ khi
tôi chưa được sinh ra, từ khi chưa có loài người sống trên mặt đất, từ khi chưa
có sao trời, rừng sâu và biển cả... Tiếng gọi của Ngài dành cho tôi đã phát xuất từ chính Ngài,
vang vọng vào không gian, vào vũ trụ vô hình bằng những làn sóng mắt thường
không trông thấy, và Ngài mong một ngày nào đó tôi nghe được tiếng gọi đó.
Trong ơn gọi, chúng ta trở thành người con
Thiên Chúa và người môn đệ của Chúa Giêsu. Với tư cách là môn đệ, chúng ta mãi
mãi được mời gọi bước theo Thầy Chí Thánh của mình theo những linh đạo khác
nhau. Có những nét đặc thù trong ơn gọi của mỗi hội dòng, chẳng hạn dòng
Phanxicô đi theo Chúa Kitô trong nghèo khó trần trụi, dòng Chúa Cứu Thế với những
tuần “phúc chuyến” đi theo Chúa Kitô chữa lành bệnh nhân, dòng Don Boscô đi
theo Chúa Kitô chúc phúc cho trẻ em, dòng Carmel đi theo Chúa Kitô cầu nguyện
trên núi, dòng Đa Minh đi theo Chúa Kitô đang loan báo nước Thiên Chúa cho dân
chúng, còn dòng Biển Đức, đi theo Chúa Kitô trong đời sống cầu nguyện và lao động
trong đan viện… việc đi theo này, thể hiện một đặc tinh riêng biệt của từng hội
dòng, từng đoàn thể cũng như từng cá nhân .
Thay Kết luận
Thay
cho lời kêt luận, tôi xin được mượn lời của nhạc sĩ linh mục Thành Tâm, trong
bài ca “Theo Chúa” mà thốt lên: “Con nguyện đi theo Chúa suốt cuộc đời ...” dẫu
biết rằng theo Chúa suốt cuộc đời là một hành trình đầy vất vả, có khi là nước
mắt và đau thương nhưng cũng có những phút giây ngất ngây ngọt ngào, êm ái.
Đăng nhận xét