Đời sống thánh hiến, một hồng ân

Người sống đời sống thánh hiến
hiện hữu ở ngay giao điểm của sự đảo ngược Tin Mừng.
Đời sống “có phúc” của người sống đời thánh hiến
thiết yếu gắn với hành trình thập giá-Phục sinh,
gắn liền với sự từ bỏ liên lỉ, sám hối liên lỉ,
để đi vào quy trình đảo ngược kỳ diệu của ơn cứu độ.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn O.P.



Cha ông ta thường nói “tu là cõi phúc”. Chắc hẳn nhiều bậc ông bà, cha mẹ khuyên con cháu đi tu cũng có suy nghĩ mang máng như thế, và rất có thể cũng có một số người đi vào đời tu để tìm thứ cõi phúc giông giống như vậy.
Tuy nhiên, có lẽ không nên dễ dàng suy nghĩ đến thứ “hội nhập văn hóa” để quảng diễn sứ điệp Tin Mừng theo đường lối ấy. Người Việt Nam nói riêng và các dân tộc ngoài Sách Thánh nói chung, chẳng những không có một quan niệm về thế giới siêu nhiên, và chắc chắn lại càng không có được một chân trời của Nước Thiên Chúa như trong Tân Ước. Do đó, “cõi phúc” mà cha ông ta nói đến có lẽ bao gồm nhiều nội dung của một của một thứ an nhàn, vang vọng ý nghĩa của một lý tưởng siêu thoát, đạt được một sự “an nhiên tự tại” trong bản thân mình… Những điều như thế xuất phát từ tư tưởng giác ngộ, hoặc tùy thuộc vào khả năng làm chủ bản thân, hoặc gặp được duyên may trong dòng cuộc sống… chứ không phải do mối liên hệ ngã vị như trong linh đạo Do Thái – Kitô giáo. Vì thế, hồng ân của đời sống thánh hiến dễ bị hiểu lầm….

1. Trên nền tảng Kitô giáo

1.1 Hai loại “phúc”
Nếu trở lại với Tin Mừng của Đức Giêsu, nhất là với Bài Giảng Trên Núi, ta sẽ thấy một sự đảo ngược kỳ lạ của Tin Mừng. Sự đảo ngược ấy cho thấy sự khác biệt, có khi được diễn tả gần như đối nghịch giữa hai chữ phúc; cái phúc của Tin Mừng khác biệt hoặc đảo ngược cái phúc của người đời. Tính cách đảo ngược ấy quan trọng đến độ ta có thể nói một khi người Kitô hữu chưa thấy được tính cách đảo ngược (métanoia) của Tin Mừng, so với cách hiểu của người đời, thì nguy cơ hiểu sai, hoặc hiểu chưa tới, sẽ chiếm phần trăm khá lớn.
Mặt khác, trong tư tưởng ngoại giáo, khi con người có được ánh sáng giác ngộ, hoặc đạt được khả năng làm chủ bản thân vững chắc thì con người ấy đạt được một “đẳng cấp” vững bền, một tình trạng “dư đầy” của chính mình. Từ đẳng cấp ấy, người “đắc đạo” có thể siêu vượt, an toàn trước những biến động ở bên ngoài…. Trong khi đó, hành trình sống mối phúc Kitô giáo thì chẳng bao giờ đưa tới một năng lực vững bền; chẳng bao giờ người tín hữu có thể an ổn ở “đẳng cấp” cao mà “khinh địch”… Ở cội nguồn, năng lực cho hành trình đức Tin lại bao hàm thái độ chân nhận sự “thiếu thốn” của chính mình. Linh đạo Kitô giáo mang dáng dấp ngược đời : “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10), được tha thứ nhiều thì yêu mến nhiều (X. Lc 7,47)….. Thế đứng ấy của người Kitô hữu không phải là một dáng dấp hùng dũng trên “đôi chân” của mình, mà là chơi vơi trên “giây treo”, gắn liền hành trình của mình với một Thực Tại tuyệt đối. Tình trạng này làm cho thế đứng của người Kitô hữu chẳng những không có được trạng thái vững bền tự tại, nhưng gắn liền với tâm trạng “kính sợ”. Đây không phải là thứ “sợ” về một “đối tượng” đe dọa bên ngoài, mà là thứ “sợ” về sự bấp bênh của bản thân mình : “Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã”. (1 Cr 10,12). Đó là thứ sợ dựa trên tâm trạng “mắc nợ nghĩa tình”, đưa đến lòng tri ân và thôi thúc phải “cẩn trọng” giữ gìn… Đây là thứ “run rẩy” trước một hồng ân được tặng không, một hồng ân lớn lao mà chính bản thân mình không được lấy công đức, tài năng, địa vị nào để đòi hỏi hoặc đảm bảo được cho mình được… Hành trình đời sống đức Tin không phải là một chiến tay đôi giữa “bản lĩnh tinh thần” nội tại và những “biến động” ngoại tại của thế giới bên ngoài; nhưng là một hành trình trong thế tay ba, hành trình “đu giây”, bám chắc vào “điểm mốc siêu việt” để lướt qua những gai góc vẫn luôn rình rập ở dưới chân… Hành trình ấy thôi thúc người Kitô hữu, càng bám chắc vào điểm móc trên cao và càng vươn cao hơn, thì lại càng tránh xa được hầm chông lởm chởm; hành trình tiến đến gần “cảnh vật thần linh” thì càng xa lành được “cảnh vật thế gian”.
Nhưng cần lưu ý rằng, ở đây, “điểm mốc siêu việt” không phải là một sự vật, sự vật hiểu như là những gì khác với ngã vị, cho nên việc gọi là “bám chắc vào” không phải là nhờ vào năng lực của chính mình, không phải là nhờ tới một phương pháp…, nhưng tùy thuộc vào ý muốn của ai khác. Chính điều ấy, một cách nào đó, lại càng gia tăng tính bấp bênh của hành trình đức Tin. Cũng cần lưu ý rằng tính cách “thế gian” ở đây không đồng nhất hoàn toàn với thực tại trần thế; nhưng thế gian ở đây là “tinh thần thế gian”, là thứ hư hoại lôi kéo thực tại thế gian, vốn tốt lành vì là tạo vật của Chúa, rơi vào quy luật thực dụng, rồi rớt vào tình trạng sa đọa của satan. Hành trình của đức Tin Kitô giáo không phải là một chiều hướng thoát tục, nhưng chính là chiều hướng dấn thân.
1.2 Giống mà không giống
Có một cách hiểu quan trọng trong suy tư Kitô giáo: suy tư loại suy (analogue), nghĩa là một thứ so sánh không phải dị nghĩa (équivoque) mà cũng không phải đồng nghĩa (univoque). Đây là một thứ so sánh do triết gia Aristote đề ra, nhưng được thánh Thomas nâng lên tầm quan trọng đặc biệt để con người có thể hiểu về thế giới siêu nhiên và tìm ra nẻo đường đến với Thiên Chúa.
 Lý do sâu xa là, theo đức Tin Kitô giáo, Thiên Chúa sáng tạo mọi sự trong Ngôi Lời (X. Ga 1,3); và Thiên Chúa cứu độ mọi sự trong Ngôi Lời Nhập Thể (X. Ga 1,16). Nước Thiên Chúa, do đức Giêsu tỏ bày và thông ban cho con người tiếp tục công trình đã được sáng tạo, sửa chữa lỗi lầm do tội tổ tông gây ra, và nâng cấp lên một đẳng cấp cao hơn. Do đó, thực tại Nước Trời vừa giống vừa khác với thực tại “tự nhiên”. Thánh Thomas đã nói lên châm ngôn vàng : “…ân sủng không thủ tiêu, một là kiện toàn tính tự nhiên…” (ST I, q.1, a.8, ad 2).
Như thế, chúng ta hiểu rằng tính cách đảo ngược của Tin Mừng không phải là một sự ngang ngược, không phải xuất phát từ một Thiên Chúa muốn khẳng định quyền bính trổi vượt của mình, muốn làm gì thì làm, muốn đổi trắng thay đen tùy ý Ngài… Ngược lại, “cái lý”, “cái tình” của Thiên Chúa cũng phản ảnh trong cái lý cái tình của tâm thức con người; cho nên cách Thiên Chúa đảo ngược, nói chung, đối với lương tri ngay thẳng, sẽ đưa đến cảm nhận thán phục vì điều tuyệt vời của Chúa, chứ không phải một thứ ngang ngược ép buộc lý trí con người phải ấm ức chấp nhận. Nước Trời không phải là một thực tại hoàn toàn xa lạ, và đời sống đức Tin Kitô giáo không phải là một thứ “đạo chịu vậy”.
Cũng thế, đời sống thánh hiến là hành trình xuất phát từ lòng khao khát vượt lên mà không loại bỏ những nhu cầu tự nhiên nhất của bản chất người. Ba lời khấn của người sống đời sống thánh hiến, một cách chính yếu, không phải là sự trốn chạy trần gian, nhưng là một sự dấn thân, là chấp nhận và làm chứng về giải pháp Tin Mừng cho những thực tại căn bản nhất của cuộc sống con người: của cải, tình yêu và chính trị. Giải pháp của Tin Mừng vừa giống vừa khác với giải pháp trần gian, nghĩa là vừa nối tiếp, vừa gạt bỏ những điều không thích hợp, vừa nâng cấp lên một đẳng cấp cao hơn.
Chỉ riêng trong lãnh vực những thực tại căn bản của đời sống con người, của cải, tình yêu, chính trị, không kể những lãnh vực của nề nếp tu trì, trách nhiệm học hành, lao động… người ta đã có thể thấy đời sống thánh hiến quả thực là một hành trình thập giá. Điều đó không giống với thứ phúc mà người đời thường nghĩ.
1.3 Khát vọng tuyệt đối
Đồng thời, vị thế nghèo khó lại thôi thúc người Kitô hữu “tham lam” hơn nữa, mong ước nhiều hơn nữa, van xin những hồng ân lớn lao hơn nữa. “Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất…”. (1 Cr 12,31). Hành trình ấy là hành trình vươn lên không có điểm dừng, xét theo khả năng lãnh nhận của con người. Hành trình ấy mở ra chân trời vô biên của Tuyệt Đối. Mức độ của đời sống Kitô hữu nói chung, đặc biệt của người sống đời sống thánh hiến là không có mức độ. Lập trường của người tín hữu không phải là “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, không phải là thái độ “liệu cơm gắp mắm”… nhưng một cách nào đó, hơi giống với thái độ “được voi đòi tiên”… Chân trời mà Thánh Thần Thiên Chúa mở ra trong tâm hồn người tín hữu thôi thúc vượt qua mọi nhãn giới “đụng trần”, hoặc tự giới hạn những khao khát bên ngoài, để tìm sự an ổn, thanh thản trong tâm hồn… Trên nền tảng linh đạo Kitô giáo, người sống đời sống thánh hiến không thể đơn giản chỉ tìm cái phúc trong đời sống tương đối an nhàn, trong sự thoát khỏi những xót xa của tình trường, trong vị thế được trọng vọng ít nhiều, trong nét thanh thản bên ngoài của nề nếp tu trì.
Tâm trạng Kitô giáo vừa là một sự bình an, lại vừa là tình trạp bấp bênh; nói đúng hơn là một sự bình an giữa những bấp bênh và cả những sóng gió trong cuộc đời. Niềm bình an Kitô giáo không dựa vào sự bình lặng bên ngoài, không phải nhằm tới một sự “yên hàn trong trật tự”, nhưng được xây dựng trên lòng trông Cậy, được “bảo đảm” nhờ một Ai Khác chứ không phải nhờ vào những cái gì. Nền tảng của sự bình an Kitô giáo là lời hứa của Chúa, dựa trên nền tảng của giao ước và hướng tới một thực trạng “thuộc về nhau”.

2. Hành trình của mối phúc Kitô giáo

Đời sống thánh hiến là một hiện hữu ở ngay giao điểm của sự đảo ngược Tin Mừng. Do đó, người sống đời sống thánh hiến luôn phải chiến đấu, một cuộc chiến đấu gay gắt, đụng chạm đến những thực tại thiết thân nhất của đời sống con người. quả thật, cái phúc của đời sống thánh hiến Kitô giáo không phải là thứ phúc trong quan điểm đời thường hoặc quan điểm của “thế gian”; nhưng cũng không phải là một thứ phúc xa xôi, lạ lẫm với thực tại con người.
Để đạt được mối phúc của Tin Mừng, con người không thể tự mình tu luyện hay giác ngộ, nhưng cần đến một hồng ân tặng không của Thiên Chúa. Đời sống thánh hiến là một hồng ân tặng không và hồng ân này bao gồm một “hành trình” không đơn giản.
2.1 Từ tầng sự kiện đến tầng ý nghĩa
Điều dễ thấy và điều đầu tiên con người cảm nhận được chính là những thực tại “hữu hình” trong thế giới này. Ta tạm gọi đó là thế giới trên tầng sự kiện, tức những gì xẩy ra trong khung cảnh của thế giới thường ngày, được xác định trong hệ thống không gian và thời gian. Sung sướng chẳng hạn, là một thực tại trên tầng sự kiện. Sung sướng là điều có thể đo đếm được. Mối phúc đời thường phần lớn là những gì thuộc về tầng sự kiện mả bất cứ người nào cũng có thể thấy một cách rõ ràng, có thể xác định chính xác. Tuy nhiên, tầng sự kiện không phải là tất cả thực tại đời người. Tầng sự kiện của đời sống là một chuỗi những biến cố bất tận. Người ta giải quyết sự kiện này, rồi lại gặp sự kiện khác, hết khó khăn này rồi lại khó khăn kia….để rồi kết thúc với cái chết như một thực tại dở dang. Trên tầng sự kiện bản chất người không thể nào thoát khỏi kết cục dở dang.
Do đó, “ngõ thoát” của đời người không phải ở tầng sự kiện mà ở một thực tại khác mang phẩm giá người, thực tại của ý nghĩa. Thật sự “ý nghĩa” không phải là cái gì thêm vào, không phải là điều viển vông, không phải khía cạnh râu ria, tùy phụ, nhưng là điều mang lại “bản chất” đích thực cho thế giới ở đẳng cấp người. Trong khi thực tại ở tầng sự kiện là điều con người “phải” chấp nhận, thì ở thực tại ở tầng ý nghĩa là là điều biểu lộ chủ thể tính, biểu lộ tính tự do và địa vị cao cả của con người giữa lòng thế giới. Ý nghĩa là điều phải do chính con người, tuy không phải là sáng tạo nên, nhưng vẫn là khám phá trong tự do của chính mình.
Ngoài khả năng dùng lý trí để thống trị thế giới, con người còn có một khả năng khác, khả năng sống với những ý nghĩa do chính tâm hồn con người “sáng tạo” nên. Có những điều tốt đẹp trên tầng sự kiện nhưng lại là điều xấu xa hoặc nhục nhã đối với con người đứng ở tầng ý nghĩa. Được ăn ngon thì thân xác thoả mãn, đó là sung sướng; nhưng có khi không được ăn, thân xác khổ sở mà con người lại nhận được hạnh phúc, nhờ khám phá được ý nghĩa chân thật và  sâu xa…
Để đón nhận được mối phúc của Tin Mừng, con người không thể chỉ đứng ở tầng sự kiện, nhưng cần phải biết “chìm” xuống tầng ý nghĩa. Người ta chẳng bao giờ có quyền nói rằng : đi tu, được đủ ăn đủ mặc; được học hành, được kính trọng, được cung phụng mọi sự…còn đòi hỏi gì nữa ? Tất cả những điều ấy chỉ là những thực tại của tầng sự kiện. Chỉ ở trong “tầng” diễn tả phẩm giá người, tầng ý nghĩa, người Kitô hữu mới có thể bước vào cánh cửa của sự “đảo ngược Tin Mừng”.
2.2 Từ ý nghĩa về bản chất đến ý nghĩa tương quan ngã vị
Vị thế của con người giữa lòng thế giới là thế đứng chênh vênh giữa hai thực tại, như triết gia B. Pascal từng cảm nhận : “Con người không phải là thiên thần, cũng không phải là thú vật” (Les Pensées, s. 176); con ngưòi “là hư vô đối với vô hạn, là tất cả đối với hư vô, là một trung điểm giữa hư vô và tất cả” (Les Pensées, s. 84)… Con người hiện diện giữa thế giới không phải như thực tại bên cạnh những thực tại khác. Con người vừa mang bóng dáng một vị thần thống trị, đặt tên cho muôn vật (X. St 2, 19-20), lại vừa đứng trước cám dỗ muốn tự mình quy định thiện ác cho vũ trụ (St 3, 4-5). Do đó, sự vật được trao cho con người để được “đặt tên”, nhưng con người vẫn phải dùng tự do của mình mà đưa ra đáp án chân thực về “tên” của muôn vật. Tính chủ thể của con người không phải là tuyệt đối. Nếu thế kỷ XX đã vượt qua được não trạng coi con người là một bài toán thực nghiệm, nghĩa là con người không phải là sản phẩm tất yếu của những phản ứng  khoa học thực nghiệm, khiến cho người ta trở nên sản phẩm của tất định thuyết…; thì thế kỷ XX lại đưa con người và một thái cực khác, thái cực tự coi mình là chủ nhân ông toàn quyền trên thế giới. Theo đó, ý nghĩa về bản chất sự vật thuộc về tự do hoặc thuộc về một thứ giá trị mà con người ngẫu hứng gán cho sự vật…
Tuy nhiên, thật sự con người không tự sáng tạo nên chính mình, nhưng được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa (X. St 1,27). Điều thực sự làm thoả lòng con người cũng mang dáng vẻ Thiên Chúa, một Thiên Chúa của tình yêu, nghĩa là mang tính chất của thứ tạm gọi là tương quan ngã vị.
Đức Tin Kitô giáo mời gọi con người chủ động, không phải để “sáng tạo” theo nghĩa tuyệt đối, mà là chủ động khám phá, trong tự do, ý nghĩa của sự vật, đặc biệt là ý nghĩa trong mối tương quan ngã vị. Bản chất của sự vật chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi được con người sử dụng để tạo nên mối tương quan chân thật với ai khác. Đối với con người như một chủ thể, cái bánh, chẳng hạn, có thể sinh sôi vô cùng ý nghĩa : lương thực, sức lao động, tài năng, đẳng cấp phú quý….; đó là tài năng lớn lao của con người. Nhưng chỉ có ý nghĩa tương quan ngã vị chân thật mới có thể làm sáng lên bản chất người và mang lại ý nghĩa đích thực của sự vật. Ở đây, bài toán của thực tại không phải là chuyện tay đôi giữa con người với sự vật, nhưng là thế đứng “tay-ba” : người trao tặng cái bánh - cái bánh -  và người lãnh nhận cái bánh…:
Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng…” (St 2, 20)
Thế đứng vượt trội của con người trong thế giới không chỉ là khả năng của lý trí trừu tượng hơn con vật, không phải là khả năng thống trị thế giới, nhưng nhất là ở chỗ con người có khả năng thổi ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa tương quan ngã vị, ý nghĩa yêu thương cho sự vật. Vai trò của con người không phải là hưởng thụ sự vật, mà là dùng sự vật để xây dựng tình nghĩa, tình nghĩa nhân bản…
Con người nói : phen này, đây là xương bổi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !” (St 2, 23)
2.3 Từ ý nghĩa tự nhiên đến ý nghĩa siêu nhiên
Khát vọng tuyệt đối trong tâm hồn con người, con người mang hình ảnh Thiên Chúa, sẽ là động lực đưa hành trình đời người và một nẻo đường siêu việt tuyệt đối, nẻo đường tìm về với Thiên Chúa. Nhân học Kitô giáo cho thấy con người được sáng tạo nên “giống hình ảnh Thiên Chúa”, điều đó bao hàm ý nghĩa sâu xa rằng con người chỉ có thể hoàn thành cuộc đời mình khi “chơi với Chúa”. Nói cách khác, ý nghĩa tương quan ngã vị mà con người khám phá ra trong thế giới con người với nhau chỉ có thể được hoàn tất khi đạt đến mối tương quan ngã vị với Chúa, chứ không phải bị sa đà vào mối tương quan thực nghiệm của mỗi người với sự vật vô ngã. Công đồng Vatican II diễn tả ơn gọi mang tính siêu nhiên của con người: “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể” (MV 22)
Sự “hiện diện” của nhãn giới “siêu nhiên” trong truyền thống Do Thái - Kitô giáo là một nét độc đáo mà không nơi nào khác có được; và chỉ trong nhãn giới siêu nhiên này, ý nghĩa hồng ân của đời sống thánh hiến mới được tỏ lộ.

3. Một hồng ân…

Người sống đời sống thánh hiến hiện hữu ở ngay giao điểm của sự đảo ngược Tin Mừng. Đời sống “có phúc” của người sống đời thánh hiến thiết yếu gắn với hành trình thập giá-Phục sinh, gắn liền với sự từ bỏ liên lỉ, sám hối liên lỉ, để đi vào quy trình đảo ngược kỳ diệu của ơn cứu độ. Người sống đời sống thánh hiến luôn mang vác những “cái dằm” trong thân xác như thánh Phaolô mà chẳng bỏ đi được (2 Cr 12,7). Quả thật, để nhận ra được cái phúc của Tin Mừng Nước Trời, người sống đời thánh hiến không thể nào không đón nhận được chính Thần Khí của Đức Giêsu.
Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán. Nhưng con người sống theo Thần Khí thì xét đoán được mọi sự, mà chẳng có ai xét đoán được người đó (1 Cr , 14-15).
Hồng ân của đời sống thánh hiến không phải là một thực tại rõ ràng mà ai cũng thấy được, người tu sĩ nào cũng đón nhận được… : “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Hồng ân ấy là một sự sống mới tiềm tàng, được tỏ lộ trong một hành trình lịch sử, gắn liền với tính chủ thể của mỗi cá nhân, và nhất là luôn hàm chứa thái độ “rộng mở” với thế giới siêu nhiên. Bầu khí của tu viện không phải là một phương pháp đã hoàn hảo và tự an ổn trong chính mình, nhưng cần luôn rộng mở những “cánh cửa” đợi chờ. Người sống đời sống thánh hiến cũng không phải là người cắm đầu vào thực tại mang qui luật thực nghiệm của thế giới tự nhiên, nhưng là người ngửa mặt đón chờ hồng ân tặng không của một Ai Khác.

Tạm kết

Nhìn lại đời sống thực tế của người sống đời sống thánh hiến, ta cũng thấy khá rõ sự đảo ngược của tinh thần Tin Mừng. Hồng ân đấy, nhưng cũng khổ cực đấy; vui đấy, nhưng cũng đầy rẫy nỗi đau đấy; được đấy, những cũng mất đấy… Cuộc sống thánh hiến có hai hệ số thường tỷ lệ nghịch với nhau : sung sướng và hạnh phúc. Khốn khổ cho những tu sĩ nào vừa không được sung sướng mà cũng chẳng thấy hạnh phúc. Cũng khốn khổ cho những ai chỉ thấy có sung sướng và tưởng đó là hạnh phúc thực…

Một cách nào đó, nói đời sống thánh hiến là một hồng ân là đụng chạm đến thách đố căn bản của đời sống đức Tin Kitô giáo, đụng chạm đến phẩm tính căn bản của đức Tin Kitô giáo, đụng chạm đến sinh-huyệt, hoặc tử-huyệt của đời sống thánh hiến trong Giáo hội tại Việt Nam.   

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn