Tạng
phủ con, chính Ngài đã cấu tạo
Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Ngài không lạ lẫm gì khi con được
thành hình trong nơi bí ẩn
Được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu”
(Tv 139, 13-15).
Sự sống con người
là thánh thiêng và bất khả xâm phạm.
Bởi thế, không ai có quyền
rút ngắn sự sống của mình và của đồng loại,
vì như thế là cho mình vai trò Chủ Tể sự sống như Thiên Chúa.
Bởi thế, không ai có quyền
rút ngắn sự sống của mình và của đồng loại,
vì như thế là cho mình vai trò Chủ Tể sự sống như Thiên Chúa.
Mary Nguyễn Hòan
- MTG Qui Nhơn
Dẫn nhập
Ngày nay, xã hội chúng ta có tiến bộ nhiều, nhất
là về phương diện kỹ thuật và truyền thông. Kỹ thuật tiên tiến đã làm cho hàng
triệu người đỡ vất vả và đem đến những ích lợi to lớn. Tuy nhiên, dù cho của cải
giàu có hay có những tiềm năng mới thì đời sống con người ngày nay cũng bị đe dọa
hơn xưa kia: đe dọa đối với tài nguyên và thiên nhiên, đe dọa với sự sống, đe dọa
đối với đời sống sinh hoạt của cá nhân và tập thể …, khiến cho không ít người
phải sống trong lo âu và sợ hãi. Có thể nói sự dữ đang hoành hành khắp nơi hơn
bao giờ hết và nó được ngụy trang rất tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau.
Điều đáng nói ở đây là sự dữ càng lan tràn thì con người càng cảm thấy nan giải,
bất an khi đang phải đối diện với những vấn đề có liên quan đến sự sống như: ngừa
thai, phá thai, thụ tinh nhân tạo, triệt sản, hôn nhân đồng tính, cái chết êm dịu…
đang diễn ra cách phổ biến và được bình thường hóa. Sự sống con người dường như
bị đe dọa cách trầm trọng, nhường chỗ cho “nền văn hóa sự chết”.
Đứng trước thế giới mỗi ngày một phức
tạp và nguy hiểm, thì gia đình phải là nơi cho con người cảm giác an toàn, bình
yên và được bảo vệ nhất, là thành lũy bảo vệ sự sống trước tấn công của các luồng
thông tin độc hại, các lối sống buông thả, các xu hướng hưởng thụ bất chính...
Liệu có tìm thấy sự bình an và hạnh phúc thật sự nơi tổ ấm này chăng trong khi
ngày ngày chúng ta đang chứng kiến sự sống của biết bao thai nhi đang bị chính
người cha, người mẹ ruột của mình vứt bỏ cách tàn nhẫn; hay sự sống của những
người già yếu, đau bệnh cũng bị con người tước đoạt bởi các lý do giúp cho họ bớt
đau đớn và giảm thiểu tốn kém kinh tế bằng cái chết êm dịu?
1. Thảm trạng về
sự sống con người bị xâm phạm
Con người ngày nay đang chịu sự tấn công trực tiếp từ nhiều hình
thức như khủng bố, bạo lực, nhân bản vô tính (cloning),
nghiên cứu tế bào gốc, án tử hình, vv… Trong giới hạn, bài viết này chỉ
xinđược trình bày vấn đề phá thai và giết người êm dịu.
1.1 . Từ sự sống của các thai nhi vô tội bị tước đoạt
Mời bạn hãy dừng lại ít phút để suy
ngẫm… LỜI CẦU XIN CỦA CON (viết
cho bé Trung Thu, một thai nhi bị hại):
Con không có lời ru đưa
con vào cuộc đời
Để con được làm người.
Con không còn tiếng khóc
chào đời
Và làm người như bao
người.
Xin thắp lên cho con một
ngọn nến,
Một nén nhang
Cho lòng con được ấm lên
Trong lòng đất lạnh tình
người
Xin cắm cho con một cành
hoa
Và một lời ăn năn dù chỉ
là muộn màng.
Con không được thấy
Ánh trăng rằm đêm nay
Con không được rong chơi
Bên trống lân rằm.
Xin đến bên con luôn dù
trời nắng,
Dù gió mưa,
Cho lòng con được ủi an
Nơi mộ vắng nghĩa địa
buồn.
Xin hãy thương con, đừng
bỏ con.
Con tội tình gì? Mẹ ơi! Cha ơi!
Ngọc Quang - Trung Thu năm 2004.
Nếu ai đã từng có dịp phục vụ tại Giáo phận Kontum hay một lần ghé đến
thăm Giáo phận này, chắc hẳn cũng đã từng được nghe nhắc đến nghĩa trang Đồng
Nhi Pleiku. Một nghĩa trang chôn cất các thai nhi xấu số đã bị cha mẹ vứt bỏ
cách tội nghiệp. Người viết xin được kể ra đây những điều được nghe và đã thấy.
Năm 1992, khi Gialai và Kontum còn là một tỉnh, các y tá Công Giáo cho
biết là những người dân ở đây, vì những áp lực của công việc, chính sách Nhà Nước
hay nhiều nguyên do khác... khi có thai đứa con thứ ba thường đến bệnh viện để
bỏ. Người ta giành nhau các thai nhi này mang về để nuôi heo, nuôi chó … Và
nghĩa trang Đồng Nhi ra đời từ đó. Sau hơn 20 năm trời góp nhặt và chôn cất, mười
mấy ngàn sinh linh bé nhỏ đã có nấm mộ, dù là nấm mộ vô danh…
Từ năm 2004, Việt Nam chúng ta đã bị xếp vào hàng thứ ba trong những quốc
gia có con số nạo phá thai nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt là nạo phá thai
trong tuổi vị thành niên. Năm 2004, người ta thống kê được số vụ nạo phá thai
trong toàn quốc là 1,4 triệu ca, nhưng đó chỉ là con số thống kê được từ các bệnh
viện hoặc trung tâm nạo phá thai chính thức của Nhà nước, còn biết bao nhiêu những
vụ nạo phá thai lén lút tại các phòng khám tư nhân hoặc các ổ tệ nạn khác không
thống kê được và con số này mỗi ngày một gia tăng. Chỉ riêng tại Bệnh viện Từ
Dũ – Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có gần 30.000 người đến phá
thai, trong đó độ tuổi từ 15 đến 19 chiếm khoảng 10%, nghĩa là khoảng 3.000 người/năm
[1]
1.2. Đến sự sống của những người
già cả, các bệnh nhân không được bảo đảm
Sự sống con người là quà tặng Chúa ban, là thiêng liêng và bất khả xâm
phạm nên không thể giết hại bằng phương cách phá thai cũng không thể chấp nhận
làm cho chết êm dịu dưới bất kỳ hình thức nào. Đức thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II; người luôn quan tâm và nhấn mạnh vai trò sự sống con người, đã lưu ý
các nhân viên thuộc Hội Gây Mê Châu Âu về họp tại Rôma ngày 08. 09. 1988 như
sau:
Một số người trong thời chúng ta đang cổ
võ chấm dứt mạng sống con người bằng trợ tử như là giải pháp thông cảm sự đau
khổ nhân loại, nhưng trợ tử là một hành động sát nhân luôn luôn đáng phải loại
bỏ. Phải loại bỏ ngay cả khi bệnh nhân yêu cầu được chết cách đó.
Con người đã đưa ra đủ thứ lý do biện minh cho quyền cắt đứt sự sống của
người khác: nào là những người già cả không còn làm được gì có ích cho xã hội;
nào là những người mắc chứng bệnh nan y không còn hy vọng chữa trị, nếu sống
thêm thì đau đớn cho người bệnh, tốn kém cho người nhà, tạo gánh nặng cho xã hội…
Việc gây nên cái chết êm dịu hay vấn đề trợ tử thoạt nhìn thoáng qua tưởng chừng
như là lòng từ tâm, quảng đại và nhân ái vì đã giúp bệnh nhân được giải thoát
khỏi đau đớn; nhưng xét cho cùng, điều này vi phạm trầm, trọng đến quyền được sống
của con người, hơn thế nữa, còn xúc phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng hiếu sinh
và là Chủ tể của sự sống.[2]
2.
Giá trị sự sống
và mối đe dọa chống lại sự sống con người
và mối đe dọa chống lại sự sống con người
2.1. Sự sống
con người là quà tặng của Thiên Chúa,
mang tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm
mang tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm
Muốn hiểu sự sống con người có giá trị như thế nào, cách tốt nhất là đọc
lại kế hoạch và công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Theo tác giả sách Sáng Thế,
sau khi tạo dựng xong vũ trụ vạn vật, Thiên Chúa nghĩ tới việc tạo dựng con người.
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống
như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất
cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1, 26).
Thánh Kinh cũng trình bày cho thấy sự sống mà Thiên Chúa ban tặng là
phúc lành, là quà tặng cao quý và là hồng ân Thiên Chúa. “Con cái là hồng ân của
Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127, 3). Ngài tác tạo con
người trong huyền nhiệm và trong công cuộc sáng tạo của Ngài. “Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con
được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới
là bào thai, mắt Ngài đã thấy, mọi ngày đời dành sẵn cho con đều thấy ghi trong
sổ sách Ngài” (Tv 139, 15-16). Ngài ban sự sống cho tất cả mọi loài: từ vũ trụ,
thiên nhiên, súc vật và nhất là đối với con người (St 2, 7) mà Ngài đã tạo dựng
theo hình ảnh của Ngài. Sự sống con người nhận từ nơi Chúa phải được xem như là
quà tặng quý giá. Mà đã là quà tặng quý giá thì phải nhận với thành ý và trân
trọng nó như báu vật. Sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người thì khác hẳn và
tách biệt với sự sống của bất cứ sinh vật nào. Vì dầu con người có bởi đất mà
ra đi nữa (X. St 2, 7; 3, 19) thì trong trần gian này, con người vẫn là một thụ
tạo mang hình ảnh Thiên Chúa: “Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh của Ta”
(St 1, 26). Như vậy, con người như họa ảnh của Thiên Chúa cũng chứng tỏ cho thấy
sự sống mà Thiên Chúa ban tặng cho con người là một hồng ân; đồng thời qua đó
Ngài mời gọi con người tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa, thông chia nhiệm
vụ cai quản vũ trụ, được đặt làm bá chủ vạn vật “Hãy sinh sôi nảy nở đầy dẫy
trên mặt đất và bá chủ nó! Hãy cai trị trên cá biển, chim trời và mọi loài sinh
vật bò trên đất” (St 1, 28). Tuy nhiên, điều đáng cho con người lưu ý là con
người được cộng tác trong việc cai quản vạn vật và phục vụ sự sống chứ không phải
lạm quyền của Thiên Chúa.
Mặt khác, “sự sống con người là thánh thiêng vì ngay từ nguồn gốc, nó
bao hàm hành động sáng tạo của Thiên
Chúa và mãi mãi nằm trong mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu cánh duy
nhất của nó. Duy chỉ Thiên Chúa mới là Chủ sự sống từ khi nó bắt đầu cho đến lúc nó kết
thúc: không ai, trong bất cứ trường hợp nào, có thể đòi cho mình quyền trực tiếp
hủy diệt một con người vô tội”.[3] Thánh thiêng vì được tạo dựng theo hình ảnh Chúa, giống như Thiên Chúa
và là hình ảnh của bản tính Ngài (x. Kn 2, 23), được thánh hóa ngay từ trong
lòng mẹ, được Thiên Chúa ban sinh khí sự sống của Ngài cũng như nhận lãnh từ
nơi Ngài những yếu tố tinh thần đặc thù của con người như: lý trí, khả năng
phân định tốt - xấu, ý chí tự do. Thánh thiêng vì con người và sự sống
con người không chỉ như là một thụ tạo trong công trình sáng tạo, nhưng còn có
một phẩm giá gần như là thần thiêng: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần
linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình
tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân...” (Tv 8, 6 - 7). Thánh
thiêng vì Ngài dựng nên con người không phải để chúng hư nát nhưng đã yêu
thương con người đến độ ban chính Đức Giêsu; Con Một yêu dấu của Ngài để cứu họ
khỏi hư nát và được sống sự sống đời đời (x. Ga 3, 16).
Thánh Kinh
cũng dẫn dắt chúng ta tìm hiểu và nhận ra tầm quan trọng của tính bất khả xâm
phạm sự sống con người. Với dân Do Thái, “Máu chính là sự sống” (Đnl 12, 23),
mà sự sống chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa bởi Ngài là Chủ Tể sự sống. Người
nào xâm phạm đến sự sống con người là Thiên Chúa nghiêm khắc trừng phạt. Chẳng
hạn khi Cain giết em mình là Aben, máu Aben kêu thấu tới Thiên Chúa, Ngài đã trừng
phạt và chúc dữ cho Cain (x. St 4, 2 -16). Sự giết người đầu tiên này cho thấy
trong con người đã mang mầm móng của tội lỗi, đã hiện diện cơn giận dữ và lòng
tham lam, một hậu quả khôn lường của tội nguyên tổ. Đặc biệt, một giới luật nằm
trong Thập giới được đưa ra áp dụng phổ quát cho toàn nhân loại cũng liên hệ đến
tính bất khả xâm phạm của sự sống “không được giết người" (Xh 20, 13),
đang khi con người nhẫn tâm giết hại bao nhiêu mầm sống. Đứng trước thế giới
đang lún sâu trong tội ác và thảm cảnh văn hóa sự chết, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi thế giới hãy nói không với một nền kinh tế
loại trừ, như huấn lệnh “chớ giết người” đặt ra một giới hạn rõ ràng để bảo vệ
giá trị đời sống con người thế nào thì ngày nay, chúng ta cũng phải nói “không
với một nền kinh tế khai trừ và bất bình đẳng”. Nền kinh tế như thế là nền kinh
tế sát nhân. Những con người nhân bản bị coi như hàng hóa tiêu thụ, để dùng rồi
vứt bỏ. Chúng ta đã dựng nên một nền văn hóa “vứt bỏ”, nền văn hóa này đang lan
tràn.[4]
Đáng buồn thay, chúng ta đang sống trong thời đại có
quá nhiều người quên Chúa cách dễ dàng, quên đi cội rễ của căn tính và phẩm giá
con người, quên đi kế hoạch tác tạo của Thiên Chúa yêu thương, bởi đó hằng ngày
sự sống của biết bao người già yếu, của những bệnh nhân không có hy vọng chữa
trị, của các thai nhi, của những tử tội đã bị tước đoạt, bị nền văn hóa loại trừ
thống trị, vứt bỏ không thương tiếc. Con người đã nhân danh tự do cá nhân, bảo
vệ quyền lợi, danh tiếng riêng tư và quyền lợi ích kỷ, những lý do biện hộ cho
mình để vô cảm, không cộng tác vào công trình kỳ diệu yêu thương của Chúa mà lại
cố tình phá hủy kế hoạch này, giết hại sự sống mặc cho tiếng kêu gào thảm thiết
của các sinh linh vô tội, của những người đang trong cảnh đau đớn của tuổi già, bệnh tật.
2.2
. Những mối đe dọa mới
chống lại sự sống con người
chống lại sự sống con người
Căn nguyên của bạo lực chống lại sự sống
Điều thiện hảo của sự sống đã bị chống đối bởi sự xâm nhập tình trạng bạo
lực xuất phát từ chủ nghĩa duy vật ích kỷ của một xã hội tiêu thụ: con người đã
trở thành miếng mồi kiếm tiền cho những
đối tượng hay những nhóm người làm ăn bất chính: ma túy, chiến tranh, mua bán
vũ khí, khủng bố… Thế giới đang đứng trước mối đe dọa của các phần tử khủng bố
cực đoan, giết người cách dã man và vô nhân đạo, nhiều nước trên thế giới đang
tìm đủ mọi phương thế để loại trừ nền văn minh sự chết mà phần nhỏ số người đã
đặt mục đích và hành động lệch lạc. Giáo Hội không ngừng kêu gọi các Chính phủ
cũng như mọi công dân trên thế giới cộng tác với nhau thực thi các hoạt động chống
khủng bố trong sự tôn trọng các giới hạn luân
lý và luật pháp. Đi gần chúng ta hơn, trên các phương tiện truyền thông, ngày
ngày xuất hiện không biết bao thảm cảnh bạo lực dường như đang đe dọa sự
bền vững của một xã hội phồn vinh theo định hướng nhân văn, trực tiếp xâm phạm
đến mạng sống khiến bao người cảm thấy lo âu, sợ hãi và thất vọng. Từ bạo lực
gia đình, bạo lực học đường, bạo lực trên đường phố, bạo lực nơi các khu công cộng…
Đặc biệt, tình trạng xuống cấp trong giáo dục ở học đường, nhất là về đạo đức,
bạo lực đang len lõi vào môi trường học đường đã trở nên “trạng thái nóng hổi”,
việc học sinh đánh nhau hiện nay không chỉ là sự bốc đồng của lứa tuổi đang lớn
nữa mà nó đã dần có dấu hiệu mang tính tập thể, tính chất bạo lực ngày càng
nghiêm trọng. Không chỉ nam thanh niên mà cả những nữ sinh được cho là dịu
dàng, duyên dáng nhưng nay đánh đấm chẳng khác dân giang hồ.
Thiếu vắng giá trị sự sống
Câu hỏi Chúa chất vấn Cain: “Ngươi đã làm gì thế?” cũng là câu Chúa sẽ hỏi
mỗi một con người trong thời đại hôm nay. Câu hỏi này được gửi tới con người để
họ tìm ra vô số nguyên nhân gây nên và nuôi dưỡng những xâm phạm này, khơi lên
trong họ cảm thức tội lỗi khi tự cho mình quyền làm chủ sự sống. Từ những cuộc
bạo động, hận thù hận thù hoặc từ những quyền lợi đối nghịch đã xô đẩy nhóm người
này tấn công nhóm người kia, lao mình vào tội, giết người, chiến tranh, các cuộc
chém giết hoặc diệt chủng, chễnh mảng việc quan tâm, chăm sóc cho trẻ em khiến
các em trở thành nạn nhân của sự bần cùng, thiếu dinh dưỡng và đói khát bởi sự
phân phối của cải không công bằng giữa các dân tộc và giữa các giai cấp xã hội.
Tệ hại hơn phải kể đến bạo lực chống lại sự sống của hàng triệu sinh linh, giết
chết các thai nhi là những người không có khả năng chống cự và tự vệ. Liệu có
thiếu vắng giá trị sự sống nữa không đang khi chúng ta hô hào hay đứng ra bênh
vực cho tầng lớp từ nông dân đến công nhân trong các xí nghiệp, đến các công chức
của Nhà nước, nhưng lại bỏ quên sự sống của biết bao thai nhi, các em cũng có
quyền sống lắm chứ?
Quan niệm lệch lạc về tự do
Thật là một lối suy nghĩ sai lầm về tự do khi con người giới hạn ý niệm
tự do trong ý nghĩa hạn hẹp là muốn làm gì thì làm, nhiều người đã đưa ra
khuynh hướng sống tự do, phóng khoáng của thời đại mở cửa, toàn cầu hóa. Rất
khó để kiếm lại các giá trị đạo đức truyền thống nơi giới trẻ ngày nay bởi vì họ
đang muốn cách tân, đổi mới. Trước tình trạng lỏng lẻo của luật pháp, con người
đã lợi dụng để biện minh cho tự do, ích kỷ của mình. Ngày càng có nhiều nhóm,
nhiều tổ chức xác định rằng: hòa bình, tự do, nhân phẩm, tình bằng hữu phát xuất
từ Thiên Chúa, nhưng họ lại đang từ chối Thiên Chúa. Họ nỗ lực chống chiến
tranh nhưng lại cổ võ cho cuộc chiến khác chống thai nhi. Hôn nhân đồng tính
cũng được trở nên hợp pháp tại một số nước, họ quan niệm tự do cách quá đáng
nên coi việc quan hệ tình dục trước hôn nhân là kiểu “mốt thời trang” đang thịnh
hành trong xã hội và trong giới trẻ ngày nay. Và đã là mốt thì sẽ bị thay đổi
theo thời gian, khi lỗi thời sẽ thay bằng mốt khác. Quả thật là sự tự do không
chân chính dễ dẫn con người đến những tha hóa và không bền vững.
Thiếu vắng ý thức về Thiên Chúa và về con người
Con người hiện đại ngày nay đang tìm mọi phương thức để mình trở thành
tâm điểm của xã hội và nền văn hóa mà chủ nghĩa tiêu thụ đang thao túng, họ
đang để mình bị lôi cuốn vào vòng xoáy đồi bại, bỏ mất ý thức về Thiên Chúa và
ý thức về con người, về phẩm giá sự sống con người, càng ngày càng tạo ra bóng
tối mù mịt che lấp khả năng nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa; Đấng ban sự sống
và cứu độ. Họ đang tìm cách bóp méo sự thật về Thiên Chúa và về chính họ vì họ
không dám sống thật và đối diện với sự thật. Từ việc không dám sống trong sự thật
đó, họ tự đánh lừa mình và bị lẫn lộn giữa điều tốt và điều xấu, hợp với luân
lý hay vô luân. Vì thế, với họ, nhiều điều lố bịch, xấu xa, trái với đạo lý làm
người cũng trở thành điều hợp lý và hợp pháp.
“Con người là con đường của Giáo Hội”. Đây là tựa đề chương cuối của
Thông điệp Centessimus Annus (Bách
chu niên) mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trách nhiệm của
Giáo Hội, cần lưu tâm đến các quyền của con người, tạo điều kiện để con người
được sống hạnh phúc và xứng với nhân phẩm. Nếu không cảnh giác, chính chúng ta
là những người con Chúa cũng bị cuốn hút vào sống theo trào lưu đó là mất dần ý
thức về Thiên Chúa và con người.
3. Tiến tới nền văn hóa mới của sự sống con người
3.1
. Vai trò
Giáo Hội trong việc bảo vệ sự sống
Giáo Hội
nhìn sự sống con người trong tương quan với Thiên Chúa vì Giáo Hội xác tín rằng
Thiên Chúa là Đấng định đoạt sự sống và sự chết của con người. Giáo Hội không
phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn tìm cách chữa
trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, biến đổi gia đình nhân loại đi vào sự nhân
đạo hơn. Khẳng định phẩm giá con người luôn là vấn đề quan trọng trong tiến
trình của lịch sử loài người, vậy nên việc bảo vệ, đề cao, nâng cao phẩm giá
con người phải được Giáo Hội đặt lên hàng đầu trong mọi thời đại. Nếu như vào
thời đại nào đó, phẩm giá con người bị chà đạp, bị xúc phạm nghiêm trọng thì đó
là dấu hiệu của sự vô luân, của sự thiếu nhân tính, của sự ngông cuồng, của sự
hủy diệt.
Với cả tâm tình của những vị mục tử, các vị lãnh đạo Giáo Hội từ mọi
thời đã không ngừng dùng mọi cách thế để mời gọi con cái mình tích cực tôn
trọng và bảo vệ sự sống, chủ trương tôn trọng mạng sống con người từ khi thành
thai trong lòng mẹ cho tới khi chết tự nhiên. Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của
Chúa Kitô luôn nỗ lực hết mình để bảo vệ con cái khỏi những đe dọa của nền văn
hóa sự chết. Trong khi Giáo Hội sống và loan báo Tin Mừng sự sống cho con
người, biết bao người đang có khuynh hướng chọn theo chủ nghĩa vật chất và
khoái lạc. Giáo hội dạy rằng trực tiếp phá thai, dù là mục đích hay phương
tiện, đều vi phạm nghiêm trong luật luân lý (GLHTCG, số 2271).
Giáo Hội bảo vệ con người một cách rất can đảm bằng cách tuyên bố các
quyền thiêng liêng để những người đang bị áp bức về quyền sống được sống xứng
đáng là một con người. Giáo Hội cảm thấy có nhiệm vụ phải lên tiếng thay cho những
ai không có tiếng nói. Tiếng kêu của Giáo Hội là tiếng kêu Phúc Âm bảo vệ những
người nghèo trên thế giới, những người bị đe dọa và khinh miệt, những người
không được luật pháp bảo vệ, những người bị vi phạm các quyền về con người.
Đứng trên
lập trường của mình, Giáo Hội luôn ý thức Thiên Chúa là chủ tể sự sống và nhìn
nhận sự sống con người thánh thiêng và bất khả xâm phạm nên Giáo Hội đã xác
định: ngay từ giây phút thụ tinh, sự sống con người phải được tôn trọng cách
tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa dựng
nên vì chính nó, và linh hồn của mỗi người được Thiên Chúa trực tiếp ban cho.[5] Ơn gọi của
Giáo Hội là tìm mọi phương cách và nỗ lực hết khả năng để chống lại tất cả
những gì hủy diệt hay làm sự sống hư đi, bởi vì Con Thiên Chúa đã làm người,
nên không người nào mà không phải là anh em của Người hay không được mời gọi
trở nên Kitô hữu và đón nhận Ơn Cứu Độ [6].
3.2 . Trách nhiệm và những việc làm thiết thực để
bảo vệ sự sống trước nền văn hóa sự chết
Nỗ lực xây dựng đời sống hôn nhân gia đình tốt đẹp, đặc biệt hướng dẫn
và giáo dục giới tính cho các bạn trẻ trước khi họ bước vào đời sống hôn nhân.
Đi từ chỗ giảng giải về giá trị sự sống cho đến chỗ huấn luyện lương tâm trong
những gì liên hệ đến bổn phận bảo vệ sự sống.
Cộng tác mọi mặt để nâng cao chất lượng giáo dục trong học đường, nhất
là giáo dục về đạo đức, các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Tìm mọi cách ngăn cản các sách báo, phim ảnh xấu, đồi trụy. Cổ võ, giáo
dục, phổ biến chuẩn mực tốt trong xã hội, lấy yêu thương, phục vụ, giản dị,
trong sạch… làm thước đo giá trị con người.
Vận động thuyết phục các chủ phương tiện phòng trọ, nhà trọ, khách sạn,
vũ trường, phòng trà…, các người buôn bán ma túy từ bỏ lối làm ăn thiếu đạo đức,
gây ra các tội ác, đồng thời giúp đỡ tinh thần và vật chất cho các nữ sinh từ
các tỉnh về trọ học ở thành phố, các nữ công nhân ở các khu di dân xa quê đến
nhập cư.
Nâng đỡ cách cụ thể các bà mẹ lỡ mang thai để họ can đảm nuôi con.
Tăng cường việc giáo dục giới tính, giáo dục phòng chống xâm hại tình dục
cho trẻ nữ dưới hình thức các khóa học ngắn ngày tại các trường học, khu phố
mình đang sống, các Giáo xứ…
Giúp cho các Kitô hữu ý thức tôn trọng sự sống cao quý, dứt khoát với việc
nạo phá thai hoặc cộng tác dù trực tiếp hay gián tiếp vào việc phá thai dưới bất
kỳ hình thức nào, đồng thời vận động cho các y bác sĩ, những người làm công tác
giáo dục sức khỏe cộng đồng tìm cách ngăn chặn, giảm thiểu và đi đến chấm dứt
việc làm vô nhân đạo này. Mời gọi các đôi vợ chồng Công giáo đã có kinh nghiệm,
phổ biến những phương pháp ngừa thai tự nhiên cho cộng đồng.
Thành lập các nhóm thiện nguyện Bảo vệ sự sống thường xuyên đến các bệnh
viện, phòng khám nạo hút thai để chia sẻ, khuyên ngăn những người đang chờ đợi
phá thai để họ có thể thay đổi hành vi tội ác này. Cổ võ người Công giáo làm việc
trong các phòng chỉ dẫn để giúp tránh các nguyên nhân đưa tới phá thai.
Tổ chức những buổi cầu nguyện cho việc Bảo vệ sự sống con người. Đến các
trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám nạo hút thai để xin các thai nhi về chôn
cất.
Mở các mái ấm ở các nơi để tiếp đón, chăm sóc, nuôi dưỡng các thai phụ
và các cháu sơ sinh, cố gắng chữa lành các tổn thương tâm lý, thể lý, luân lý…
Đối với những thai phụ có hoàn cảnh khó khăn có thể tạo điều kiện giúp đỡ về vật
chất cho họ có thể ổn định và sinh con. Sau khi sinh, thuyết phục họ nuôi
con, tìm công ăn việc làm cho họ đẻ họ
có thể giữ gìn, nuôi nấng và giáo dục con cái, còn nếu họ không có điều kiện
nuôi con, thì có thể đứa đưa cháu bé về cô nhi viện để nuôi dưỡng.
Kết luận
Sự sống con người
là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Bởi thế, không ai có quyền rút ngắn sự sống
của mình và của đồng loại, vì như thế là cho mình vai trò Chủ Tể sự sống như
Thiên Chúa. Chúng ta cần cầu nguyện để các gia đình ngày nay được ánh sáng Chúa
soi chiếu, ý thức giá trị cao quý của sự sống con người là hồng ân Thiên Chúa
ban tặng và chỉ có một mình Ngài có quyền trên sự sống con người. Đồng thời mỗi
người được mời gọi “tỉnh thức” và “đừng sợ” để bảo vệ chân lý, nhân phẩm con
người và nền văn minh sự sống. Thế giới đang ngụp lặn trong nền văn minh sự chết,
tiêu diệt sự sống và giết chết Tình Yêu. Chúng ta hãy làm gì cụ thể để cứu lấy
sự sống giữa nền văn hóa sự chết này. Hãy giới thiệu khuôn mặt Thiên Chúa yêu
thương luôn muốn cho con người được sống đúng nhân vị của một con người do Ngài
tác tạo để nhân loại đừng vô tình hay hữu ý nỡ lòng giết hại dù là hài nhi hay
bô lão.
[1] Theo Báo tuổi trẻ ngày 27/12/2011
[2] Ngày nay, nhiều quốc gia đã hợp pháp hóa vấn đề an tử. Ví dụ nước Hòa
Lan vào ngày 10 tháng 4 năm 2001, Quốc Hội của Hòa Lan đã thông qua và chấp thuận
việc hợp pháp hóa việc an tử và trợ tử. Đây là nước đầu tiên cho phép và ủng hộ
việc giết bệnh nhân bằng phương pháp chết êm dịu. Kế đến là nước Bỉ vào tháng 2
năm 2002, đã thông qua đạo luật mới cũng hợp pháp hóa việc an tử và trợ tử (Trích
trong bài phỏng vấn Linh Mục Tiến sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng về vấn đề an tử và trợ
tử)
[3] Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae (22.2. 1987), phần dẫn nhập,
số 5
[4] ĐTC Phanxicô, Niềm vui Tin Mừng, số 53
[5] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Ơn ban sự sống, số 5
[6] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn về Phá thai, số 1
Đăng nhận xét