Gia đình Kitô giáo Á châu hướng đến nền “văn hóa sự sống”

Mặc dù có những thách đố
đang làm xói mòn nền tảng gia đình tại Á châu
nhưng Giáo Hội vẫn luôn hy vọng về sức mạnh cố kết
của truyền thống văn hóa tại đây
và mời gọi gia đình Kitô giáo Á châu hãy mạnh dạn trình bày hình ảnh về một nền “văn hóa sự sống” toàn diện.
... Nền văn hóa luôn tôn trọng và bảo vệ quà tặng sự sống
như ân ban của Thiên Chúa từ lúc thụ thai cho đến lúc lìa đời.
Phaolô Nguyễn Hải Đăng, OP.
Hỡi các gia đình, hãy trở nên chính mình”, đó là thông điệp của Giáo Hội gởi các gia đình Kitô hữu với sứ mệnh hãy trở nên chứng tá về Thiên Chúa Tình Yêu trên lục địa Á châu rộng lớn này bằng cách diễn tả sống động căn tính của chính mình. Gia đình là rường cột xã hội, là nền tảng cộng đồng, là chiếc nôi sự sống và là nhà giáo dục đầu tiên. Nhưng nền tảng gia đình Á châu cũng đang đối diện với những thách đố mang tính thời đại: trào lưu văn hóa toàn cầu đề cao lối sống hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ cùng với những vấn nạn mang tính lục địa như thảm họa chiến tranh, tình trạng nghèo đói, làn sống di dân, tệ nạn xã hội…đang từng bước hủy hoại những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Á châu như lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống, sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, đề cao tình nhân ái giữa người với người, thăng tiến đời sống tâm linh và niềm tin tôn giáo trong gia đình, tôn trọng giá trị thánh thiêng của đời sống hôn nhân.[1]
Trước những thách đố mang tính thời đại, gia đình Kitô giáo Á châu được mời gọi hãy diễn tả niềm hy vọng về một nền “văn hóa sự sống” toàn diện, đặt trọng tâm trên giao ước sự sống với Thiên Chúa, như một lời đáp trả trước nền “văn hóa sự chết” đang đe dọa tất cả mọi giá trị Tin Mừng được cố kết nơi nền tảng gia đình ngay từ thưở ban đầu.
1. Nền “văn hóa sự sống” theo Kitô giáo
 a. Thiên Chúa - nguyên ủy sự sống
“Sự sống của con người là thánh thiêng, bởi vì ngay từ nguồn gốc nó bao hàm “hành động sáng tạo của Thiên Chúa” và mãi mãi nằm trong mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu cánh duy nhất của nó.[2] Như vậy, đối với Kitô giáo, sự sống không còn là một ý niệm phổ quát, ngoại tại nhưng là một thực tại mang tính ngôi vị cụ thể. Con người được tạo dựng vì chính mình và mỗi nhân vị là một phản ánh sống động về chính Thiên Chúa, nguyên ủy sự sống. Con người không có quyền trực tiếp can thiệp vào hành vi hủy diệt sự sống vì sự sống là giá trị thánh thiêng phản ánh chính sự bất khả xâm phạm của Đấng Tạo Hóa (x. St 1, 26-28).
Sứ điệp về Sự Sống đã được chuẩn bị ngay trong Cựu Ước với biến cố Xuất Hành, trọng tâm kinh nghiệm đức tin của dân tộc Israel. Trước mối đe dọa tàn sát tất cả hài nhi sơ sinh của vua Pharaô và sự giải thoát đầy yêu thương của Thiên Chúa, dân Israel nhận ra rằng: sự sống khởi phát từ chính Thiên Chúa và con người không ai không có quyền định đoạt về sự sống của chính mình và của người khác. Kinh nghiệm này lớn dần trong tương quan tín trung với Thiên Chúa. Dân Israel nhận biết được rằng, chính Thiên Chúa là nguồn cậy trông và là Chủ Tể sự sống “Tất cả những vật Chúa ban đều tốt trong thời chúng; Chúa đã đặt trong lòng chúng tổng số thời gian” (x. Gv 3,11).
Sự sống con người là một điều thiện hảo vượt xa sự sống của bất kỳ sinh vật nào. Dù được tạo nên từ bụi đất (x. St 2,7; 3,19; Tv 103) nhưng con người là họa ảnh biểu lộ vinh quang Thiên Chúa, là dấu chỉ về sự hiện diện của Người (x. St 1, 26-27; Tv 8, 6). Con người được trao ban phẩm giá trổi vượt vì có sự nối kết mật thiết giữa con người và Đấng Tạo Hóa nên mình. Chính sự nối kết này là dấu ấn thần linh thôi thúc con người vươn đến nguồn mach sự sống phát sinh chính mình là Thiên Chúa.
b. Đức Kitô - Lời Sự Sống
“Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống” (x. 1 Ga 1,1).
Đức Kitô chính là Lời Sự Sống được mặc khải cho con người ngay trung tâm sứ mệnh cứu thế của Người: “Ta đến cho họ được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10). Sự sống “mới” đã được khai mở và con người được mời gọi thông hiệp trong chính nguồn sống viên mãn của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính trong sự sống này mà mọi giây phút hiện hữu và mọi chiều kích sinh tồn của con người trên trái đất này đều mặc lấy một ý nghĩa vĩnh cữu vì con người được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa.
Tin Mừng về Sự Sống không phải là một suy tư đơn thuần nhưng là một thực tại cụ thể, mang tính ngôi vị. Tin Mừng ấy là chính Đức Kitô – Lời ban Sự Sống. “Thầy là Đường, là Sự Thật và Sự Sống” (x. Ga 14, 60). Một lần nữa, chính Đức Giêsu đã mặc khải chính mình với Martha, chị của Lazarô: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Thầy, dù kẻ ấy có chết cũng sẽ sống và bất kỳ ai sống và tin Thầy, sẽ không chết bao giờ” (x. Ga 11, 25-26). Đức Kitô chính là nguồn mạch sự sống và bất kỳ ai tin vào Người sẽ có khả năng nhận biết chân lý toàn vẹn về giá trị sự sống của con người. Con người chỉ có thể đạt đến sự sống viên mãn khi biết kết hiệp nên một với căn nguyên sự sống phát sinh chính mình. Chính chân lý kỳ diệu này đã khoác lên thân phận yếu hèn của con người một giá trị thánh thiêng, bất khả xâm phạm. Mặc khải về Lời Sự Sống là chính Đức Kitô đã khẳng định sự linh thánh về sự sống thể lý và thiêng liêng của con người, ngay trong hành trình trần thế, đã nhận đầy đủ giá trị và ý nghĩa của nó: là được mời gọi vươn đến sự sống vĩnh cửu đích thật là chính Thiên Chúa.
Bằng chính cuộc đời của mình, Đức Giêsu cho chúng ta thấy mối liên hệ biện chứng giữa kinh nghiệm bấp bênh về sự sống và sự khẳng định giá trị của sự sống đó. Sự sống của Đức Giêsu được ghi dấu bằng sự bấp bênh ngay từ lúc Ngài sinh ra. Bị con người từ chối “không còn chỗ nào trong quán cho hai ông bà” (x. Lc 2,7), bị đe dọa bởi những thế lực thù địch đang tìm cách “giết hài nhi” (x. Mt 2,13), nhưng chính trong sự bấp bênh đó, quyền năng Thiên Chúa được tỏ lộ cách mạnh mẽ: sự sống sinh ra đây là ơn cứu độ cho nhân loại (x. Lc 2,14). 
Giàu có như Ngài mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khổ, ngõ hầu anh em nên giàu có  nhờ sự khó nghèo của Ngài” (x. 2 Cr 8, 9). Sự nghèo khó của Đức Giêsu mà thánh Phaolô diễn tả ở đây không chỉ là trút bỏ những đặc ân của thần tính mà còn là chia sẻ cảnh sống thấp hèn nhất, bấp bênh nhất của đời người (x. Ph 2, 6-7).[3] Đức Giêsu không chỉ đón nhận mà còn liên lụy trong những bấp bênh của cuộc sống con người để đến giây phút cuối cùng trên thập giá, người đã kiện toàn và phục hồi giá trị sự sống viên mãn bởi việc Ngài tự hiến trên thập giá đã trở nên nguồn sống mới cho con người (x. Ga 12,32). Khi Ngài đối diện với những thế lực chống đối muốn hủy diệt sự sống của chính Ngài, Đức Giêsu không chút sợ hãi bởi niềm tin tưởng chắc chắn sự sống của Ngài lệ thuộc trong tay Chúa Cha. Vì thế, trên cây thập giá, Đức Giêsu đã thưa lớn tiếng: “Lạy cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (x. Lc 23,46). Lời trần tình cuối cùng của Đức Giêsu mặc khải cho con người: chính Thiên Chúa là nguyên ủy sự sống và Đức Kitô là Lời ban Sự Sống vì qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, giá trị sự sống của con người được kiện toàn và trả về ý nghĩa đích thực của nó: vươn đến sự sống sung mãn nơi Thiên Chúa.
c. Hướng đến nền “văn minh sự sống”  – một yêu sách tuyệt đối
Sự sống con người từ Thiên Chúa mà đến, đó là ân huệ, là hình ảnh và dấu ấn của Người. Thiên Chúa là Chủ Tể duy nhất của sự sống này: con người không thể định đoạt về nó. Chính Thiên Chúa đã nhắc lại cho ông Nô-e sau Đại Hồng Thủy: “Từ máu ngươi, là chính mạng sống ngươi. Ta sẽ đòi trả lẽ… với mọi người: với từng người, Ta sẽ đòi trả lẽ về mạng sống anh em mình” (St 9,5).[4] Bản văn Kinh Thánh đã nhấn mạnh tính cách thiêng liêng của sự sống, có cơ sở nơi Thiên Chúa và nơi hành động sáng tạo của Người vì “con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa” (St 9,6) và “chính Chúa nắm trong tay hồn của mọi sinh linh và hơi thở của mọi xác phàm” (J 12,10).
Sự sống là giá trị thánh thiêng bất khả xâm phạm được khắc ghi từ thưở ban đầu trong lương tâm mỗi người. Câu hỏi “Ngươi đã làm gì?” (St 4,10) mà Thiên Chúa chất vấn Cain sau khi Cain ra tay giết chết chính người em mình là Aben diễn tả kinh nghiệm: nơi đáy sâu lương tâm, mỗi con người luôn được nhắc nhở về tính bất khả xâm phạm của sự sống bản thân và người khác, vì nó là sở hữu và ân ban của Đấng Tạo Hóa.[5]
Cũng vậy, khi trả lời cho câu hỏi của người thanh niên giàu có: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Đức Kitô đã đưa một yêu sách tuyệt đối về giá trị sự sống: “Các ngươi đã nghe người xưa bảo: chớ giết người; kẻ giết người thì sẽ can án. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai tức giận anh em mình thì sẽ bị can án” (Mt 5, 21-22). Như vậy, niềm tin Kitô giáo không chỉ xem con người là trung tâm của công trình tạo dựng mà còn xác định trách nhiệm tôn trọng và yêu quý sự sống là một yêu sách tuyệt đối dành cho tất cả mọi người vì qua Mầu Nhiệm Nhập Thể chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã kết hiệp chính mình với bất kỳ con người nào.[6]
2. Gia đình Kitô giáo Á Châu hướng đến nền “văn hóa sự sống”
a. Ưu sầu và lo lắng
Được xây dựng trên nền tảng văn hóa và tôn giáo phong phú, gia đình Á châu kín múc được nguồn sức mạnh tinh thần từ giá trị tôn trọng sự sống, tinh thần hiếu hòa, lòng kính ngưỡng sâu xa những giá trị thánh thiêng của đời sống hôn nhân, gia tộc và cộng đồng. Đó là sức mạnh cố kết bảo vệ nền tảng gia đình theo dòng lịch sử, tạo nên nét đẹp sâu xa của văn hóa Á Đông. Nhưng trong gần hai thập niên trở lại đây, gia đình Á châu đang phải đối diện với những thách đố về giá trị và căn tính của mình.
Xu thế toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem đến không ít phiền toái. Làn sóng di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị đang đẩy người trẻ ra khỏi cơ cấu gia đình truyền thống. Chính sách hạn chế dân số cùng với tỉ lệ ly hôn đang ảnh hưởng sâu rộng trên những giá trị thánh thiêng của gia đình. Phá thai và những nỗ lực nhằm thao túng sự sống con người tại Á châu đang trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt cùng với đà tiến của khoa học, các vấn đề về đạo đức sinh học được đặt ra vì liên quan đến sự thánh thiêng của sự sống ngay từ lúc khởi đầu.
Bên cạnh đó, vấn nạn nghèo đói cũng là một thách đố đáng quan tâm. Nhiều bạn trẻ nghèo không dám nghĩ đến hôn nhân và xây dựng gia đình vì thiếu những phương tiện cơ bản để sinh tồn. Trở lực về kinh tế khiến nhiều người không còn xem hôn nhân như một sự dấn thân trọn đời mà chỉ là sự trói buộc theo định kỳ. Thậm chí đang có những nỗ lực thay đổi những quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình như một hệ quả của làn sóng tự do, chủ nghĩa cá nhân và trào lưu thực dụng. Tất cả những dấu chỉ này nhằm nêu lên những thách đố trên bề mặt của sự kiện. Nhưng tự bản chất, gia đình Á châu vẫn đang gìn giữ một sức sống mãnh liệt kín múc từ những giá trị văn hóa, tôn giáo truyền thống. Và đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để sức mạnh Thánh Linh hoạt động, là môi trường thuận lợi để hạt giống Tin Mừng được triển nở. Vì vậy, chúng ta hãy vui mừng và hy vọng.
b. Vui mừng và hy vọng
Các dân tộc Á châu vẫn xem hôn nhân là một định chế thánh thiêng. Tại Á châu, gia đình vẫn là cơ cấu nền tảng. Nơi đó, con người được phát triển toàn diện như quà tặng của Thiên Chúa. Quan hệ huyết thống là mối dây nối kết tuyệt hảo. Bên cạnh đó còn có những giá trị nhân bản khác như: tương quan gắn kết cộng đồng, tinh thần hiếu hòa, lòng hiếu thảo, tôn trọng các bậc trưởng thượng,… là những yếu tố mang lại niềm hy vọng sâu xa, biến nhiều gia đình Á châu thành những vườn ươm cho ơn thiên triệu.
Hy vọng vì gia đình Á châu vẫn đang được nuôi dưỡng bởi những giá trị văn hóa, tôn giáo truyền thống. Một nền văn hóa đậm nét nhân văn, đề cao lòng nhân ái giữa con người, tôn trọng giá trị thánh thiêng của đời sống hôn nhân. Một định chế tôn giáo đậm nét tâm linh, thể hiện lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống. Chính truyền thống này đã hun đúc tính can trường của gia đình Á châu trước những thách đố của thời đại. Đây cũng chính là nền đá tảng trên đó giá trị Tin Mừng được xây dựng và là mảnh đất màu mỡ trên đó hạt giống Tin Mừng được dưỡng nuôi.
c. Gia đình Kitô giáo Á châu hãy trở nên chứng tá về nền “văn hóa sự sống”
Đức tin Kitô giáo xác định con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Dựng nên mình và được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất (St 1, 26; Kn 2, 23) để cai trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa (Hđ 17, 3-10).[7] Vì vậy, gia đình Kitô giáo Á châu được mời gọi hãy trở nên chứng tá về nền “văn hóa sự sống” bằng cách sống trọn vẹn căn tính và phẩm giá con người được đặt để trong ý muốn ban đầu của Đấng Tạo Hóa:
- Con người là thực tại hợp nhất hồnxác. Xét về thể xác con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Nhờ con người những yếu tố ấy đạt đến tuyệt đỉnh và tự do nội tại của chúng là chính Đấng Tạo Hóa (Đn 3, 57-90). Vì vậy, con người không được khinh miệt đời sống thể xác nhưng trái lại phải tôn trọng vì đó là công trình sáng tạo yêu thương của Thiên Chúa. Thân xác sẽ phục sinh trong ngày sau hết để hiệp nhất trong sự sống viên mãn là chính Thiên Chúa. Hơn nữa, niềm tin Kitô giáo khi nhìn nhận có một linh hồn thiêng liêng, bất tử, con người không thể bị mê hoặc bởi một thứ ảo ảnh phát sinh do những điều kiện vật lý và xã hội nhưng không ngừng được thôi thúc tìm đến nguyên ủy sự sống là Thiên Chúa.[8]
- Con người có phẩm giá, lý trí và tự do để kiện toàn công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Con người là thực thể cao quý, trổi vượt trên các loài thụ tạo khác bởi con người được thông dự vào ánh sáng trí tuệ của Thiên Chúa. Bản chất tri thức con người phải được kiện toàn nhờ sự hiểu biết.[9] Chính sự hiểu biết này lôi kéo một cách dịu dàng tâm trí con người tìm kiếm và yêu mến những gì là chân, thiện, mỹ. Hơn nữa, tận đáy sâu tâm hồn con người được Thiên Chúa phú bẩm một lề luật thánh hướng dẫn con người yêu mến và thi hành điều thiện cũng như xa tránh việc gian tà. Tuân theo lề luật ấy chính là thể hiện phẩm giá của con người. Lương tâm là điểm sâu kín nhất và là cung thánh nơi con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ. Như vậy theo niềm tin Kitô giáo, phẩm giá con người gắn liền với ý chí tuân phục lương tâm trong sự tự do. Con người sẽ đạt đến phẩm giá đích thật mà Thiên Chúa phú bẩm một khi nhờ sự tự giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê và hướng đến sự toàn hảo là chính Thiên Chúa.
- Con người là hữu thể có cứu cánh tại thân. Trước cái chết, bản năng sinh tồn dày vò con người trong đau khổ và suy nhược bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Mầm sống vĩnh cửu nơi con người không thể giản lược vào nguyên vật chất, nên có xu hướng chống cưỡng lại sự chết. Nhưng Giáo Hội được Mạc Khải từ Thiên Chúa quả quyết rằng con người được Thiên Chúa dựng nên để đạt đến cứu cánh hạnh phúc.[10] Hơn nữa đức tin Kitô giáo còn dạy rằng chính tội lỗi gây nên sự chết nhưng sự chết bị đánh bại dưới ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô. Và con người được mời gọi thông hiệp vào sự sống vĩnh cữu của Người.
Mặc dù có những thách đố đang làm xói mòn nền tảng gia đình tại Á châu nhưng Giáo Hội vẫn luôn hy vọng về sức mạnh cố kết của truyền thống văn hóa tại đây và mời gọi gia đình Kitô giáo Á châu hãy mạnh dạn trình bày hình ảnh về một nền “văn hóa sự sống” toàn diện. Nền văn hóa đặt trọng tâm trên giao ước sự sống với Thiên Chúa. Nền văn hóa đề cao những giá trị Kitô giáo về tình yêu, sự hiệp thông giữa cá nhân, gia đình và xã hội. Nền văn hóa luôn tôn trọng và bảo vệ quà tặng sự sống như ân ban của Thiên Chúa từ lúc thụ thai cho đến lúc lìa đời. Nền văn hóa đề cao vai trò trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, đề cao tính ưu việt của sự sống và nhân phẩm con người trên hiệu suất và lợi nhuận xã hội. Nền văn hóa chống lại tất cả những nổ lực đê hèn nhằm thao túng sự sống của con người dưới bất kỳ hình thức nào.
Và cuối cùng, nền văn hóa sự sống này phải được xây dựng trên nền tảng tình yêu Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và trao ban sự sống cho con người.[11] Sự sống con người khởi thủy bởi tình yêu, tác thành trong tình yêu và hiện hữu trong cuộc đời như một ân ban vô giá là được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa mà Giáo Hội muốn tất cả các gia đình Kitô giáo tại Á châu hãy mạnh dạn trình bày căn tính của chính mình là một “cộng đồng tình yêu và sự sống” với niềm xác tín mãnh liệt và hy vọng sâu xa vì chính “Thiên Chúa đã nâng sự sống con người lên mức độ thần linh, và chia sẻ sự sống đó với chúng ta trong Giáo Hội nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần”.[12]



[1] Trích lược nội dung sứ điệp của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu họp tại Deajon, Hàn Quốc, từ ngày 17 đến 23 tháng 08 năm 2004.
[2] Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Ơn ban sự sống (22-2-1987), nhập đề, số 5.
[3] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống, số 33.
[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống, số 39.
[5] Ibid.
[6] Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, vui mừng và hy vọng, số 22.
[7] “Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay,” trong Thánh Công Đồng chung Va-ti-ca-nô II (Đà Lạt: Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện thánh PIÔ X, 1972), tr.743.
[8] Sđd, tr. 746.
[9] Đó là thứ hiểu biết của người sáng suốt, không phải chì hiểu biết chân lý mà con thưởng thức ý nghĩa thâm sâu của chân lý dù chân lý đó là những nhận xét về thiên nhiên, về bản tính con nười hay về thế giới vô hình. Người học thức chưa chắc đã có thứ hiểu biết này, trái lại, kẻ vô học, mù chữ rất có thể lại được hứ hiểu biết đó.
[10] “Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay,” trong Thánh Công Đồng chung Va-ti-ca-nô II (Đà Lạt: Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện thánh PIÔ X, 1972), tr.749.
[11] St 1, 26-28
[12] Xc. Sứ điệp “Gia đình Á châu hướng đến sự sống toàn diện” của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu họp tại Deajon, Hàn Quốc, từ ngày 17 đến 23 tháng 08 năm 2004

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn