Gia đình là chiếc
nôi của sự sống con người,
không phải vì gia đình là nơi “sản xuất” ra sự sống con người,
nhưng là vì nơi đó sự sống toàn vẹn của con người,
trong ý nghĩa tình yêu hy sinh cho nhau,
được khẳng định và được nhân rộng ra mãi.
không phải vì gia đình là nơi “sản xuất” ra sự sống con người,
nhưng là vì nơi đó sự sống toàn vẹn của con người,
trong ý nghĩa tình yêu hy sinh cho nhau,
được khẳng định và được nhân rộng ra mãi.
Nguyễn
Trọng Viễn, OP.
1.
Huyền nhiệm sự sống
Trong vũ trụ, sự sống tự
nó đã là một thành tựu vô cùng độc đáo. Sự sống khác hẳn thế giới vô cơ ở khả
năng thâu nhập và chuyển hóa; khả năng tự tìm cách thâu nhập những sự vật
khác và chuyển hóa thành chính sự sống của mình. Sự sống xuất hiện trên thế
gian như một sự hiện diện hoàn toàn mới; và bộc lộ, một cách nào đó, tính “chủ
thể” hiểu theo nghĩa rộng nhất. Sự sống xuất hiện để chống lại quy luật “cơ học”
máy móc của vũ trụ và đưa ra “sáng kiến” về một mối liên hệ “hữu cơ”. Yếu tố “hữu
cơ” ấy đã đưa vũ trụ vào dòng tiến hóa đến một sự phong phú vô tận.
Tuy nhiên, ở mức độ này,
sự sống lại phải đối diện với một thách đố mới, thách đố của cái chết. Đã có sống
thì phải có chết. Chết là một mãnh lực phá đổ sáng kiến của sự sống, chấm dứt
quá trình thâu nhập và chuyển hóa, trả lại sự bình lặng ngàn đời của vật chất
vô cơ cùng quy luật cơ học của nó. Cách thức chống lại mối đe dọa của cái chết
chính là sự sinh sản. Sự sống đã “sáng tạo” ra được cơ chế sinh sản để chống lại
mãnh lực cơ học của vật chất luôn muốn nhận chìm mọi thành quả của mình.
Thế nhưng, “giải pháp
sinh sản” này lại buộc sự sống phải chấp nhận một thực trạng khác : cá thể phải
hy sinh cho giống loài. Giống loài sẽ tồn tại qua sự sinh sản, nhưng cá thể phải
tan biến vào thế giới vô cơ; cá thể chẳng qua chỉ là một “đại diện” tạm thời của
giống loài và luôn luôn phải chấp nhận hy sinh, tan biến một cách “bi đát” cho sự tồn vong của giống loài. Trong thách đố
của sự sống, đã xuất hiện thách đố của “cái chung” và “cái riêng”.
Tuy vậy, sự tồn tại của
giống loài cũng chỉ có thể tạm kéo dài sự sống mà không thể thoát được sức mạnh
của sự chết. Sự sống, theo quan điểm của Kinh Thánh, nương nhờ vào một thực tại
mỏng manh nhất, đó là hơi thở. Sinh vật phải bảo vệ sự sống của mình nhờ vào
hơi thở mà chính nó không làm chủ được. Sự sống tự nó vốn vắn vỏi, mong manh,
phù vân biết bao. Khát vọng được trường tồn, đó là điều mọi sinh vật và chính
con người vẫn không ngừng tìm cách để vượt qua trong vô vọng. Vũ trụ mãi mãi
xoay chuyển trong nỗ lực vươn lên một cách vô vọng trong vòng chảy của được
thua, sống chết, mất còn…
Quả thế, muôn
loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt
chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát,
không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung
hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến bây giờ, muôn
loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.
(Rm 8, 19-22).
2.
Huyền nhiệm sự sống con người
Với con người, sự sống
đã chuyển hóa đến một đẳng cấp khác. Cuộc sống con người không đơn thuần là thu
nhập và chuyển hóa từ vô cơ đến hữu cơ như các sinh vật khác, nhưng thiết yếu
là một cuộc “vượt qua” từ sự sống đơn thuần đến sự sống có ý nghĩa. Cuộc sống
con người phải đối diện với một thách đố mang tính tinh thần chứ không phải vật
chất, đó là thách đố về sự hàm hồ, về sự phi lý, về ý nghĩa căn bản của phận
người. Một cuộc sống không có ý nghĩa còn dằn vặt con người hơn một cuộc sống
khó khăn túng thiếu rất nhiều.
Thay vì tìm “sung sướng”
một cách đơn thuần, con người lại khao khát tìm “hạnh phúc” một cách tinh tế.
Sung sướng đơn thuần là một sự hưởng thụ cân đong đo đếm được, so sánh và xếp hạng
được; còn hạnh phúc tinh tế lại là điều tự trong tâm hồn con người mới cảm nghiệm
và cắt nghĩa được. Một phụ nữ có cái bánh và ăn cái bánh thì “sướng mồm” mình;
nhưng nếu người phụ nữ ấy là mẹ, sống ý nghĩa làm mẹ một cách chân thực, thì lại
cho con cái bánh ấy và nhìn con ăn ngon mà lòng thấy hạnh phúc tràn đầy…
Rõ ràng sự sống nơi con
người đã vượt lên tới tầng ý nghĩa, hàm chứa một “hạt nhân ý nghĩa” như trung
tâm điểm sức sống của đời người. Điều kỳ diệu là ở mức độ này, sự sống có thể
chiến thắng được sự chết, không phải bằng cách “phủ định đơn thuần” (không còn
chết nữa), mà bằng phương thức “phủ định biện chứng”; nghĩa là chiến thắng sự
chết không phải bằng cách làm sao để không chết nữa, nhưng là loại bỏ được tính
thống trị bi đát của cái chết. Con người có khả năng tự nguyện chấp nhận cái chết
không phải như một bóng ma chụp xuống, phá hủy mọi thành quả một cách bi đát,
mà như phương thức tự nguyện để hoàn thành ý nghĩa đời người. Cái chết của con
người không còn là phải vì không thể sống, mà là tìm thấy được “lẽ sống” khiến
người ta có thể tự nguyện vét hết cuộc sống của mình để dâng tặng. Sự sống con
người tìm được con đường đạt đến sự trường tồn bằng phương thức của ý nghĩa.
“Ý nghĩa” là một yếu tố
tự bên trong được sáng tạo hoặc được hội nhập vào chính bản chất của sự sống.
“Ý nghĩa” là một sáng tạo của tự do, hình thành nên một phẩm tính mới mà người
ta không thể nào xác định được thời điểm một cách cơ học. Định luật thay đổi số
lượng, đến độ nào đó, tạo nên thay đổi về phẩm tính, định luật ấy hoàn toàn không
thể cắt nghĩa được sự hình thành một ý nghĩa, một lẽ sống trong sự sống con người.
Dĩ nhiên, người ta vẫn có thể tạo ra một ý nghĩa giả, một thứ ảo tưởng, một
phương trốn thực tại, một màn “ảo thuật” để tự lừa dối chính mình; nhưng ý
nghĩa ấy chỉ là một dị vật. Dị vật thì cản trở sự sống, làm biến dạng dáng vẻ sự
sống. Trong khi đó, một ý nghĩa chân thực của sự sống thì luôn nằm trong chính
bản chất của sự sống, làm nên phẩm tính thống nhất của sự sống chứ không phải
là một yếu tố bên ngoài được ghép vào. Ý nghĩa chân thực luôn làm cho sự sống
được mạnh mẽ và phong phú hơn; ý nghĩa chân thực tạo nên nét đẹp muôn đời trong
lịch sử nhân loại.
“Ý nghĩa” là phương thức
biểu lộ phẩm tính đặc biệt của sự sống tinh thần. Sự sống nơi con người thiết yếu
mang tính chất của tinh thần nhập thể, nên con người luôn khao khát một cuộc sống
có ý nghĩa, và khao khát hạnh phúc chứ không phải sung sướng. Sung sướng là một
cách thứ thỏa mãn của của thân xác; còn hạnh phúc lại luôn bắt nguồn từ một hạt
nhân ý nghĩa. Một người cha chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi sống trọn ý nghĩa
làm cha, khi biết chăm lo cho gia đình và khi tìm thấy niềm vui vì “con hơn cha
là nhà có phúc”… Sự sống nơi con người chỉ tìm thấy sự thành toàn trong một ý
nghĩa chân thật, ý nghĩa thuộc lãnh vực tinh thần, ý nghĩa đưa phẩm tính người
lên cao hơn; chứ không phải bắt nguồn từ một thứ ảo ảnh “duy tâm”, phản ánh “lực
lượng và tương quan sản xuất”, phản ánh phương thức kiếm sống và đấu tranh giai
cấp… Ý nghĩa chân chính của sự sống tạo nên sự sống phong phú, sự phát triển
toàn diện; ngược lại ảo tưởng là một thứ bệnh làm méo mó, lệch lạc, và chỉ có
tính cách nhất thời…
3.
Huyền nhiệm sự sống trong gia đình
3.1
Ý nghĩa mới : tương quan ngã vị
Gia đình là chiếc nôi của
sự sống con người, không phải chỉ vì gia đình là nơi “sản xuất” ra sự sống con
người, nhưng là vì nơi đó sự sống toàn vẹn của con người, trong ý nghĩa tình
yêu hy sinh cho nhau, được khẳng định và được nhân rộng ra mãi. Gia đình là “tế
bào” của xã hội không phải theo nghĩa cơ học, không phải vì mỗi gia đình được bỏ
vào trong một cái bao chung là xã hội, nhưng thiết yếu là vì gia đình hàm chứa
một cách vững bền và mạnh mẽ nhất quy luật của một sự sống có ý nghĩa nơi đẳng
cấp người.
Sự sống toàn vẹn của con
người được ươm mầm trong gia đình; và bước khởi đầu ấy định hướng cho toàn thể
hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời, đi tìm lẽ sống của đời người. Nơi gia đình,
hành trình tìm ý nghĩa của sự sống con người được nâng lên một cấp độ mới : ý
nghĩa đời người chỉ có thể trở nên trọn vẹn trên nẻo đường tương giao ngã vị.
Chỉ có nẻo đường này mới mở ra chân trời hoàn thành ý nghĩa sự sống con người,
ý nghĩa bao hàm phẩm tính hy sinh mạng sống vì ai khác. Đây là cuộc vượt qua mới
nơi tầng ý nghĩa, vượt qua từ cách “sống thế nào” đến cách “sống với ai”.
Adam được quyền đặt tên
cho muôn vật, đó đã là bước khởi đầu của ý nghĩa của sự sống con người :
“Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn
đến với con người, xem con người gọi chúng là gì : hễ con người gọi mỗi sinh vật
là gì, thì tên nó sẽ là thế” (St 2,19).
Thế nhưng sau đó, Adam vẫn
cảm thấy buồn vì không gặp được người trợ tá tương xứng :
“Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã
thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (St 2,20).
Và chỉ khi gặp được Eva,
Adam mới thốt lên được tiếng reo vui diễn tả sự thành đạt của phận người :
“Con người nói : "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt
tôi !” (St 2,23)
Từ đây, ý nghĩa của sự sống
con người được định hướng vào mối tương quan ngã vị, đi vào đường hướng “sống với
ai” và đường hướng ấy được giữ, được nuôi, được củng cố trong đời sống gia
đình.
“Bởi vì “Đấng Tạo Hóa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội
con người”, nên gia đình trở thành “tế bào đầu tiên và sống động của xã hội”.
(T/h Gia Đình, số 42).
Triết gia Hégel, trong nỗ
lực muốn hợp lý hóa toàn bộ lịch sử, đã không nhận ra được tầng ý nghĩa mới của
sự sống con người. Trong biện chứng chủ-nô, ông đã cho thấy ý nghĩa của sự sống
cao hơn chính sự sống đơn thuần, và kẻ chiến thắng chính là kẻ dám giành lấy cuộc
sống làm chủ, hoặc nếu không được thì thà chết chứ không chấp nhận cuộc sống
làm nô lệ. Tuy nhiên, Hégel chưa nhận ra được tầng ý nghĩa mới khi chỉ thấy ý
nghĩa đời người trong vị thế làm chủ, khi giản lược mối tương quan con người
vào lãnh vực chính trị, biểu lộ trong sự hiện diện của nhà nước. K. Marx cũng
không đi xa hơn được Hégel trong bình diện này.
Kant thì đạt ý nghĩa đời
người trong một đời sống đạo đức, được hướng dẫn thuần túy do “lý trí thực
hành”. Ở đây, Kant đã đi xa hơn Hégel và Marx rất nhiều khi đưa ra được hình ảnh
mối tương quan con người với nhau như một “nước Cộng hòa các cứu cánh tại
thân”. Nhưng nước Cộng hòa ấy đạt tới mối tương quan các chủ thể trong thái độ
“kính trọng”, thứ “tình cảm” duy nhất có tí thực hành, được giữ lại trong hệ thống
triết học Kant. Kính trọng tha nhân là thái độ nền tảng trong mối tương quan
ngã vị, vì chỉ trong sự kính trọng, ta mới có thể thiết lập tha nhân như một chủ
thể đích thực, và từ đó mới có thể xây dựng được mọi thứ xã hội con người … Tuy
nhiên, một cách khái quát, ta có thể nhận định rằng Kant cũng chỉ nhận ra ý
nghĩa tương quan ngã vị nơi hình ảnh một thứ nhà nước. Kant chối bỏ mọi thứ
tình cảm khác, tình yêu, sự hy sinh, thứ tha… bởi vì Kant không nhận ra chính
gia đình mới là nền tảng sâu xa hơn của sự sống con người. Chính vì thế, ý
nghĩa mối tương quan ngã vị nơi Kant không thể tiến xa hơn nữa….
3.2.
Tương quan thuộc về trong cộng đồng ngôi vị
Gia
đình là một khuôn mẫu duy nhất trong các cộng đoàn nhân loại có được một phẩm
tính riêng biệt : đó là một cộng đoàn các ngôi vị. Tông Huấn đời sống gia đình
viết rằng:
Gia đình, được
thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các
ngôi vị : đôi bạn nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của
gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố gắng bền
bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị” (số 18).
Ngôi vị là một khái niệm
triết học phức tạp, có nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể tạm hiểu
cách chung, từ “ngôi vị” diễn tả một chủ thể có lý trí[1],
có tự do và có nét độc đáo riêng biệt, làm nên một phẩm giá cao quí. Ở trần
gian này, con người có ngôi vị nên khác với các loài vật khác; và trong con người,
tiếng ngôi vị cũng chỉ một thực tại toàn vẹn, như một chủ thể đảm nhận tất cả mọi
hoạt động của linh hồn và thân xác.
Như thế, ta có thể hiểu
một “cộng đồng ngôi vị” là nơi mỗi thành viên không chỉ đóng góp tài năng, tiền
bạc, đức độ,…nhưng là đóng góp chính “cái tôi toàn vẹn của mình”, cũng như đón
nhận toàn vẹn cái tôi của người khác. Ý nghĩa này cho ta thấy một sự khác biệt
sâu xa giữa gia đình với các thứ cộng đồng hay cộng đoàn khác. Nơi xí nghiệp chẳng
hạn, ta không đóng góp cái tôi toàn vẹn và người khác cũng không đón nhận toàn
vẹn cái tôi của ta. Nơi đó người ta chỉ đóng góp công sức, tài năng… để nhận lại
những gì lợi ích cho cái tôi riêng của mình…
Trên trần gian này, chỉ
có duy nhất gia đình mới có được phẩm tính của một “cộng đồng ngôi vị”. Khế ước
hôn nhân là một khế ước mà hai người “trao thân gửi phận” cho nhau, để liên đới
với nhau một cách trọn vẹn, “khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, khi gian nan
cũng như lúc thịnh vượng”. Tông huấn đời sống gia đình viết :
Sự hiệp thông đầu
tiên là sự hiệp thông được thiết lập và phát triển giữa đôi bạn : nhờ khế ước của
tình yêu vợ chồng, người nam và người nữ “không còn phải là hai nhưng là một
xác thịt” (Mt 19,6) và được mời gọi lớn lên không ngừng trong sự hiệp thông với
nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn
cho nhau.
Sự hiệp thông vợ
chồng ăn rễ sâu từ trong sự bổ túc tự nhiên giữa người nam và người nữ, và được
nuôi dưỡng nhờ ý chí của đôi bạn đích thân muốn chia sẻ với nhau toàn thể dự
phóng cuộc đời của họ, chia sẻ với nhau điều họ có và điều họ là : bởi đó, một
sự hiệp thông như thế là kết quả và là dấu hiệu của một đòi hỏi nhân bản sâu xa (số 19).
Chỉ trong nền tảng hiệp
thông trong “cộng đồng ngôi vị”, mối tương quan ngã vị mới đạt tới ý nghĩa “thuộc
về” nhau. Thật vậy, trong gia đình, các thành viên hiện diện cho nhau với toàn
vẹn cái tôi của mình; được chấp nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái
tôi ấy. Mối liên kết ở mức độ “cái tôi“ vừa làm cho các thành viên có được một
“quê hương” để sống trọn vẹn bản thân mình, lại vừa có trách nhiệm trọn vẹn với
cả điều tốt và điều xấu nơi cha mẹ, anh chị em của mình; và đây là chính là
nguyên tắc của đời sống yêu thương đích thực. Do vậy, giao ước hôn nhân diễn tả
một tình yêu thương không rút lại, như giáo lý Kitô giáo vẫn luôn khẳng định;
và sự kiện những thành viên có cùng chung máu mủ ruột rà, là cha, mẹ, anh chị
em của nhau, cũng là một sự kiện không bao giờ có thể thay đổi, ít là trên bình
diện luân lý, mặc dù luật pháp có những quy định cho phép “từ con”. . .
“Tình yêu thương vợ chồng
bao gồm một toàn thể tính trong đó có đủ mọi yêu tố cấu tạo nên ngôi vị. . .” (Tông Huấn gia Đình, số
13).
Con người đi vào đời với
những kinh nghiệm đầu tiên về tha nhân qua đời sống gia đình. Những kinh nghiệm
đầu tiên có thể dài ngắn tùy hoàn cảnh mỗi người, nhưng cũng tạo nên được một
“ánh chớp” lóe sáng soi chiếu hành trình kiếp nhân sinh. Kinh nghiệm về tha
nhân trong đời sống gia đình mang những phẩm tính căn bản trong tương quan với
tha nhân : đó là một sự trân trọng phẩm giá của mỗi người. Sự trân trọng này
làm nên cội nguồn của thái độ đối thoại, tương trợ, chia sẻ, phục vụ… theo quy
luật “cho không” :
Các tương quan
giữa những phần tử trong cộng đồng gia đình được phát triển dưới sự thúc đẩy và
hướng dẫn của luật “cho không” bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người
cũng như nơi mỗi người cái phẩm giá con người như tước hiệu duy nhất có giá trị,
trở nên sự tiếp đón nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại sẵn sàng vô vị lợi, quảng đại
phục vụ và tương trợ sâu xa”.
(T/h Gia Đình, số 43)
“Kính trọng” là thái độ căn bản, nền tảng của mọi thứ tương quan giữa
con người với nhau, vì kính trọng trước hết chính là thiết lập tha nhân đúng thực
là tha nhân, như một ngã vị, như một phẩm giá, và như một người đối thoại chân
chính. Sách Sáng Thế diễn tả sự kính trọng ấy trong hình ảnh Eva là “xương sườn”,
không phải là “chân” và cũng không phải là “đầu” của Adam. Thái độ kính trọng mở
đường cho sự xuất hiện ý nghĩa “phẩm giá”; phẩm giá loại trừ mọi phương thức
mua bán, trao đổi liên quan đến ngôi vị, và làm sáng lên ý nghĩa của luật “cho
không”. Những điều đó được gồm gói trong những cách cư xử phục vụ, tương trợ
thường ngày của đời sống gia đình.
3.3 Tương quan ngã vị như nền
tảng
Chính kinh nghiệm về tha nhân trong đời sống gia đình trở nên mẫu mực của
mọi tương quan tha-ngã trong đời sống con người, theo ngôn ngữ của tông huấn,
kinh nghiệm ấy như “việc thực tập căn bản”,
như “gương mẫu và là một khích lệ”
cho các tương quan xã hội.
Như vậy, phát huy sự hiệp thông đích thực giữa những ngôi vị có trách
nhiệm trong gia đình trở thành một việc thực tập căn bản và không thể thay thế
được cho đời sống xã hội, một gương mẫu và là một khích lệ cho các tương quan cộng
đồng mở rộng, được đánh dấu băng các đức tính : kính trọng, công bằng, ý thức đối
thoại, tình yêu (T/h Gia Đình, số 43).
Như thế nghĩa là chính những ý nghĩa nhân bản
trong đời sống gia đình là lý tưởng cho xã hội. Tương quan xã hội được hướng dẫn
do kinh nghiệm tương quan ngã vị trong gia đình chứ không phải ngược lại. Gia đình
không phải là một xí nghiệp nhỏ, với quy luật trao đổi sòng phẳng; ngược lại,
chính xã hội phải hướng tới lý tưởng một gia đình lớn, một thế giới “tứ hải
giai huynh đệ”.
Chính vì thế, đứng trước một xã hội càng ngày
càng có nguy cơ làm cho con người mất nhân vị và trở thành vô danh, tức là một
xã hội phi nhân và có sức phi nhân hóa với những hậu quả tiêu cực dưới biết bao
hình thức “chạy trốn” – như uống rượu, dùng ma túy, hoặc cả đến nạn khủng bố -
ngày nay gia đình vẫn còn làm chủ và chiếu tỏa những năng lực phi thường có thể
kéo con người ra khỏi sự vô danh, thức tỉnh con người ý thức lại phẩm giá của
mình, mặc lại cho con người một nhân tính sâu xa, và tích cực đưa dẫn con người
với sự duy nhất và độc đáo của nó vào trong mạch sống xã hội.
(T/h Gia Đình, số 43).
Vai trò nhân bản hóa đời sống con người của gia đình càng trở nên khẩn
thiết trong xã hội hôm nay, khi mà các tương quan xã hội càng ngày càng làm cho
con người mất nhân tính, xử với nhau theo những quy luật phi nhân, biến cá nhân
con người trở thành vô danh, như một “con ốc vít” trong bộ máy sản xuất của xã
hội. Một cách đơn giản, ta có thể thấy một đứa trẻ, được gởi nhà trẻ quá sớm và
quá nhiều giờ, sẽ biến đứa trẻ thành “thần giữ của” và khó có thể đón nhận
thành công hay thất bại của “bạn” như niềm vui và nỗi buồn của chính mình. Ngược
lại, trong gia đình, đứa trẻ sẽ học được những bài học mà không dễ gì một nhà
trẻ có thể thực hiện được, bài học của cải là của chung gia đình; thành công và
thất bại của anh/chị/em…thì cũng chính thành công hay thất bại của chính mình.
4. Huyền nhiệm sự sống gia đình Kitô
giáo
Có một ý nghĩa chân chính nhất làm nên nét đẹp muôn đời của nhân loại,
đó là thứ ý nghĩa hàm chứa phẩm tính hy sinh, hướng tới mức độ hy sinh chính sự
sống của mình cho ai đó. Ý nghĩa ấy là một ý nghĩa chân chính, trường tồn,
xuyên suốt dòng lịch sử nhân loại, làm tươi mát cuộc sống và trổ sinh bao nhiêu
hoa trái tuyệt đẹp trong dòng lịch sử.
“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt
lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu
chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”
(Ga 12,24).
(Ga 12,24).
Nét đẹp muôn đời ấy hàm chứa trong thực tại hiển nhiên của đời sống gia đình. Ý nghĩa một cuộc đời làm cha/mẹ, về tình
nghĩa gia đình là một thực tại hiển nhiên nhất làm chứng về bản chất thật của
con người, bản chất của một sự sống tinh thần. Với ý nghĩa ấy, sự sống lại có
thể “chống lại” chính sự sống thuần túy, chống lại sự sống của thân xác vật chất.
Đúng hơn, sự sống thật có khả năng phủ định biện chứng thứ sự sống đơn thuần của
thân xác để vươn tới một sự sống tròn đầy trong một ý nghĩa chân chính. Cha mẹ
hy sinh từng ngày và hy sinh mạng sống hay hy sinh trọn cuộc đời mình cho con
cái, đó là một nét đẹp mà không một lương tâm ngay thẳng nào có thể chối bỏ.
Cũng như sự sống nơi con vật chỉ có thể tồn tại lâu hơn khi sinh sản,
khi tìm thấy con đường ra khỏi giới hạn của cá thể vốn rất mong manh; thì sự sống
nơi con người cũng chỉ có thể hoàn thành khi chọn con đường ra khỏi bản thân.
Chỉ có hai lãnh vực của đời sống con người có thể “có ngõ mở” để ra khỏi bản
thân, đó là lãnh vực tôn giáo (cái chung) và lãnh vực tình yêu (cái riêng). Người
ta chỉ có thể chấp nhận ý nghĩa của cái chết một cách tự nguyện, hoặc để hiến
dâng bản thân mình cho Thượng Đế, nhằm được tồn tại trường cửu ở đời sau; hoặc
hiến dâng bản thân mình cho ai khác vì một tình yêu mãnh liệt, để rồi tan vào
hư vô và còn lại một câu chuyện đẹp trong sách sử…
- Khi chọn nẻo đường thuần túy tôn giáo để ra khỏi bản thân, người ta sẽ
đánh mất bản thân, mất đi bản ngã cá vị, cùng với tất cả sử tính, tất cả những
mối tương giao đậm đà tình nghĩa, những nỗ lực của mồ hôi và nước mắt trong
hành trình cuộc đời, đổi lại là một sự trường tồn trong “đại ngã”, trong sự trường
tồn “lạnh lẽo”…
- Mặt khác, khi chọn nẻo đường thuần túy tình yêu để ra khỏi bản thân,
người ta “giữ được” bản ngã, giữ được sử tính, giữ được vóc dáng và lựa chọn,
giữ được thành tựu và những đau thương trong hành trình đời người…, nhưng là giữ
như một “ảo ảnh” không có nền thực tại, không có sự sống trường tồn thực, chỉ
như một lý tưởng “duy tâm” thuần túy…
Trong thách đố căn bản ấy, gia đình Kitô giáo tìm được một sự tổng hợp đặt
biệt giữa “cái chung” và “cái riêng”, diễn tả đường nét “tổng hợp” của chính
Kitô giáo. Đạo Kitô là một tôn giáo, đồng thời lại là một tôn giáo của tình
yêu. Nẻo đường ra khỏi bản thân của Kitô giáo không phải là ảo ảnh của một thứ
tôn giáo cưỡng bức sự sống từ bên ngoài, và cũng không phải là một thực tại rõ
rệt của tình yêu nhưng lại chỉ đưa đến một “ảo ảnh” đẹp trong sử sách. Kitô giáo
bao hàm một kinh nghiệm được yêu và dám chấp nhận nẻo đường yêu thương đến độ
dám hy sinh mạng sống của mình; đồng thời nẻo đường ấy không phải là “xúi dục”
con người hy sinh phẩm giá cao quý của mình như phân bón cho một lý tưởng, dù rất
đẹp, không tồn tại sau cái chết. Kitô giáo là con đường của tình yêu rất thực
và tình yêu ấy đưa đến sự sống vĩnh cửu.
Gia đình là nơi người ta có thể, một cách nào đó, đi vào nẻo đường của
tình yêu lớn nhất, tình yêu hy sinh mạng sống :
“Không có tình thương
nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”
(Ga 15,13).
(Ga 15,13).
Đồng thời, nẻo đường ấy chính là nẻo đường giải phóng sự sống khỏi cái bế
tắc muôn đời của thần chết :
“Ai yêu quý mạng sống
mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại
được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).
Tạm kết
Giáo lý Kitô giáo khẳng định những điều tốt đẹp nhất cho sự sống con người.
Theo cách nói của thông điệp Tin Mừng Sự Sống, thì “Tin Mừng về sự sống nằm ở trung tâm của sứ điệp Đức Giêsu” (số 1).
Hoặc nói một cách khác, sự sống con người và sự sống toàn diện chính là biểu hiện
cụ thể của phẩm giá con người… Điều đó không phải chỉ là một lựa chọn trong một
hoàn cảnh cụ thể, trước những nguy cơ đe dọa sự sống của thế giới văn minh hiện
đại, nhưng thực sự là giáo huấn căn bản của Kinh Thánh cũng như của tín lý Kitô
giáo
Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có một sự hờn trách của nhiều người ngoài
Kitô giáo về một sự bỏ quên hoặc thiếu sót nào đó của
Kitô giáo đối với việc xây dựng cuộc sống trần gian. Lý do là vì người
Kitô hữu vẫn chưa làm sáng lên được một thứ “biện chứng đời này - đời sau”.
Giáo Hội ủng hộ sự sống ở đời này, nhưng lại đặt tầm quan trọng chính yếu vào sự
sống mai sau. Hơn nữa, việc tha thiết với cuộc sống mai sau lại thường được diễn
tả như đòi hỏi một sự “coi thường”, hoặc nhiều khi là “khinh chê” cuộc sống ở đời
này. Như thế, nếu phải lựa chọn một trong hai thì dĩ nhiên người Kitô hữu chỉ
có thể lựa chọn đời sống mai sau, một đời sống trường cửu, vững bền và chung cuộc.
Thật ra, nếu chúng ta không lý giải được mối tương quan biện chứng giữa
hai đời sống ấy, thì chúng ta sẽ rất dễ rơi vào một sự chọn lựa “một mất một
còn”, và khó có thể triển khai được một nền văn hóa sự sống toàn diện, có khả
năng làm sáng lên những nét đẹp của chính đời sống này, đồng thời lại khai mở
đích thực cho cuộc sống mai sau. Chính đời sống gia đình Kitô giáo có thể làm
chứng về một nền văn hóa sự sống trong sự tổng hợp tuyệt diệu giữa tình yêu và
sự sống.
[1] Theo định nghĩa của Boèce (480-525), được
triết học Kinh Viện sử dụng, ngôi vị là : bản thể cá thể thuộc bản tính có lý
trí (rationali naturae invidua substantia).
Đăng nhận xét