Ly hôn là sự phản bội trong Hôn nhân Công Giáo

Ly hôn làm cho gia đình ra tan nát.
Điều này trực tiếp làm mất đi sứ mệnh rất cao quý
của gia đình trong xã hội, đó chính là bổn phận
và được mời gọi lãnh nhận trách nhiệm về phần mình
trong việc xây dựng một xã hội nhân bản hơn.
Ts. Gioan Nguyễn Hùng Bạo,
Dòng Đức Maria Mẹ Hy Vọng

Nhìn dưới lăng kính của đức tin, hôn nhân là một điều huyền nhiệm. Quả vậy, trong tình yêu hôn nhân này, ban đầu người nam và người nữ không có bất kỳ một mối liên hệ nào, hoàn toàn xa lạ. Sau đó, theo năm tháng, họ đã quen biết nhau, đem lòng thương mến nhau. Cuối cùng, họ quyết định nắm tay nhau và cùng nhau xây dựng tổ ấm cho riêng mình, cả hai “chiếm lấy nhau trong sự thắm thiết của tình yêu, nghĩa là chiếm lấy cách thiêng liêng”[1]. Mặc dù là tổ ấm riêng của họ nhưng nó lại hòa quyện trong dòng chảy của nhân loại và cùng tương quan với muôn vàn tổ ấm khác để cùng xây dựng một xã hội sống trong thanh bình và hạnh phúc. Đối với các Kitô hữu, hôn nhân không phải là chuyện riêng tư của hai người, mà cần nhận thức rằng hôn nhân này là của Chúa. Bởi lẽ, chính Thiên Chúa đã tác tạo hôn nhân. Thiên Chúa đã thiết định đời sống hôn nhân ngay từ thuở ban đầu. Nên, hôn nhân vừa là một “ơn gọi” vừa là một sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao cho.
Hôn nhân là thế, nhưng chúng ta lại thấy có rất nhiều cung bậc khác nhau. Vì thế mới có vấn đề ly hôn xảy ra trong cộng đồng nhân loại ở khắp năm châu. Và trong khả năng còn hạn chế của bản thân, người viết chỉ trình bày một khía cạnh nhỏ của hôn nhân, đó là: LY HÔN LÀ SỰ PHẢN BỘI TRONG HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.
I. TÌNH TRẠNG LY HÔN TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM HÔM NAY
1. Khái niệm về ly hôn
1.1. Ly hôn là gì ?
Theo từ điển tiếng Việt: ly hôn hay ly dị, có ý nghĩa giống nhau, nghĩa là hai vợ chồng bỏ nhau cách hợp pháp, theo quyết định của tòa án.[2] Ly hôn là tòa án xã hội công bố hủy bỏ khế ước hôn nhân mà hai người đã thực hiện, khiến hai người không còn bị ràng buộc về mặt pháp lý để có thể tự do kết hôn.[3] Còn theo từ điển luân lý Kitô giáo, “ly hôn là một hành vi tự cắt đứt một hôn phối đã thành sự”.[4] Công Đồng Vaticano II gọi ly hôn là căn bệnh của thời đại (Mv số 47) và chống lại tình yêu đích thực (Mv số 49).
Sách giáo lý Công giáo trình bày về ly hôn như sau:
Chúa Giêsu đã nhấn mạnh về ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa. Ngài đã muốn nói rằng hôn nhân là bất khả phân ly. Người bãi bỏ những nhân nhượng đã được xen vào trong luật cũ. Giữa những người đã được rửa tội, hôn nhân thành nhận và hoàn hợp không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào, và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong.
 1.2. Tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam
Con người ngày nay đề cao tự do cá nhân, tự do trong mọi lĩnh vực, trong đó có tự do kết hôn và tự do ly hôn. Ngày xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, hôn nhân của con cái hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Nhưng ngày nay, giới trẻ có nhiều tự do, ngay cả tự do trong việc lựa chọn bạn đời của mình. Nhưng tự do luôn đi đôi với trách nhiệm, đề cao tự do cá nhân cũng đồng nghĩa với việc gia tăng trách nhiệm cá nhân. So với thời ông bà ngày xưa, thì ngày nay giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân có phần muộn hơn. Trong cái nhìn tích cực thì điều ấy nói lên sự trưởng thành chín chắn trong việc lựa chọn của họ. Tuy nhiên, người trẻ hôm nay cũng gặp không ít khó khăn trong đời sống hôn nhân và gia đình, do ảnh hưởng của trào lưu hiện đại là coi nhẹ đời sống hôn nhân gia đình.
Tại Việt Nam, trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, cùng lúc kéo theo những biến đổi trong văn hóa, đạo đức xã hội, làm giá trị đạo đức truyền thống trong mỗi gia đình cũng đang dần bị phá vỡ, tình trạng ly thân, ly hôn gần đây có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt trong các gia đình trẻ.[5] Theo những cuộc điều tra nghiên cứu mới đây, tình trạng ly hôn ở các nước Châu Á trong đó có Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. PGS. TS Nguyễn Hữu Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học xã hội VN) cho biết gần đây có trên 60.000 vụ ly hôn/năm ở VN và xu hướng này đang tiếp tục tăng.[6]
Theo thống kê từ năm 1975 trở về trước, con số ly hôn rất thấp, hầu như không đáng kể, chỉ trừ những trường hợp thật đặc biệt, thật hiếm họa, người ta mới đi đến chỗ ly hôn. Nhưng từ sau năm 1975 đến 1984, riêng ở Sài Gòn: 4 triệu dân, có 4.283 vụ ly hôn, trung bình mỗi năm không đến 1.000 vụ. Từ năm 1985 trở về đây, mức độ gia tăng nhảy vọt. Cụ thể  năm 1980-1985, toàn quốc có 20 ngàn vụ ly hôn, riêng năm 1985, toàn quốc có tới 27 ngàn vụ. Vào năm 1987 trở về sau một năm thì con số mới nhảy vọt, năm 1986 có 5.200 vụ, năm 1987 có trên 6.000 vụ… Còn ở Hà Nội trung bình hằng năm có 20 ngàn vụ kết hôn, thì xảy ra 4.500 vụ ly hôn tỷ lệ 25% đặc biệt là số ly hôn ở vợ chồng trẻ chiếm 70% tổng số.[7]
Nhìn chung, chúng ta thấy rằng tỷ lệ ly hôn cứ tăng cao theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Tại sao vậy?
2. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn
2.1. Nguyên nhân từ chính bản thân
Chủ nghĩa hưởng thụ
“Lòng tham vô đáy”, con người không bao giờ cảm thấy bằng lòng với những gì hiện tại đang có. Được voi thì đòi tiên, thỏa mãn nhu cầu này thì lại nảy sinh nhu cầu khác, con người luôn có ước mong được sở hữu, được làm chủ mọi thứ. Chủ nghĩa hưởng thụ ảnh hưởng hầu hết đến mọi người. Nó đã lún sâu vào tiềm thức đến nỗi con người khó có thể nhận ra. Không phải chỉ có xã hội bây giờ mà ngay từ thời tổ tiên loài người là Ađam và Evà chúng ta đã nghe biết sự xuất hiện của chủ nghĩa hưởng thụ. Thiên Chúa ban cho quyền “làm bá chủ”. Nhưng con người không biết dừng lại, đã đi lệch hướng và làm theo ý muốn của mình. Con người đã nghe theo lời ma quỷ và quyết tâm « thưởng thức » cho được bằng trái cây giữa vườn.
Chủ nghĩa hưởng thụ luôn đi theo dòng lịch sử của loài người. Vào thời Đức Giêsu, Tin Mừng thánh Luca kể lại dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó. Trong dụ ngôn này, Chúa đã quở trách lối sống hưởng thụ của ông nhà giàu. Chúng ta tự hỏi tại sao Chúa lại quở ông ta. Ông làm ra, ông có quyền hưởng dùng công lao của mình chứ ? Điều đáng trách ở đây là ông chỉ biết hưởng thụ mà quên đi tình liên đới và trách nhiệm đối với đồng loại là anh Ladarô nghèo khổ ở trước cửa nhà mình. Bởi vì của cải Chúa ban là dành cho tất cả mọi người, chứ không riêng cho một người. Do đó, mọi người phải biết chia sẻ và quan tâm đến nhau.
Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, nền kinh tế được nâng cao là cơ hội cho chủ nghĩa hưởng thụ lấn chiếm lòng dạ con người, càng có của cải con người càng bị lấn sâu vào sự hưởng thụ. Chủ nghĩa này nó làm xói mòn tinh xảo đức hạnh con người. Người sống theo chủ nghĩa này luôn coi tất cả mọi thứ vật chất như là một phần không thể thiếu của cuộc sống đời thường. Nếu nó chỉ đơn giản là thế thì tại sao coi hưởng thụ là điều sai trái được? Người sống theo chủ nghĩa hưởng thụ thì tương đồng với việc coi mình như là trung tâm của thế giới, tự cao, tự phụ, cùng với những mong muốn ích kỷ, chỉ biết tìm thỏa mãn nhu cầu của mình mà quên đi đồng loại mà mình có trách nhiệm liên đới.
Dưới cái nhìn của Giáo huấn xã hội: lợi nhuận tự nó không những không xấu mà còn cần thiết cho việc phát triển doanh nghiệp. Nhưng chủ trương lợi nhuận vì lợi nhuận hay phát triển vì phát triển, mà lãng quên hoặc đánh mất phẩm giá con người lại là chuyện khác.[8]
Chủ nghĩa cá nhân
John Donne là nhà thơ của nước Anh đã nói: “Con người không ai là một hòn đảo.”[9] Khi nói rằng con người là một cá nhân, thì chúng ta không thấy được ý nghĩa của liên đới hay cộng đồng, mà chỉ thấy những con người riêng rẽ, cô độc và co cụm. Con người là một nhân vị có mối liên hệ chặt chẽ với các nhân vị khác. Liên đới nói lên vận mệnh của mình gắn liền với vận mệnh của tha nhân. Con người cần tình yêu, cần được nhìn nhận và tôn trọng, điều đó chỉ có thể do người khác và với người khác. Thật vậy, Đức Giêsu đã thấy rõ tính ích kỷ của con người. Vì thế, Ngài mới dạy rằng: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” Thánh Phaolô cũng ý thức được điều này nên ngài khuyên các tín hữu thành Corintô rằng: “Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác.”
Chủ nghĩa cá nhân là mẹ đẻ của các tính xấu. Người sống theo chủ nghĩa này thì bất chấp tất cả. Họ không chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân cho một tập thể hay một xã hội nào cao hơn. Quả thật họ sống đúng với câu nói của Nietzche, là ông tổ triết gia hiện sinh vô thần rằng:  “Bạn làm những gì mình cho là có lý, bất chấp tất cả, bất chấp tình nghĩa, bất chấp xã hội và bất chấp luôn cả Thiên Chúa ( … ) vì ‘Thượng Đế đã chết’”.[10] Theo đó, chủ nghĩa này để lại nhiều hậu quả tai hại cho xã hội và đặc biệt là cho đời sống gia đình. Trong gia đình mà một trong hai người phối ngẫu sống theo chủ nghĩa cá nhân thì hậu quả đưa tới là tan rã hạnh phúc hôn nhân thì không thể tránh được. Vì đời sống hôn nhân đòi hỏi phải có lòng yêu thương, sống cùng nhau với nhau và cho nhau, cùng nhau tìm và xây đắp hạnh phúc, cùng hưởng cùng chịu mọi biến cố trong cuộc sống, như đôi bạn trẻ Công giáo trong ngày trọng đại của mình đã “kết ước” trước mặt vị chứng hôn… và trước mặt hai nhân chứng và theo các quy tắc cần thiết như đã được luật của Giáo hội ấn định mà hai người cùng trao cho nhau: khi mạnh khỏe cũng như lúc gian nan vẫn yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.

2.2. Nguyên nhân tác động từ gia đình
Bạo hành trong gia đình
Bạo hành là hành động bạo lực của người chồng hay người vợ, nạn nhân là một trong hai người hay con cái, hành động bạo lực của chồng trên vợ con, hoặc vợ trên chồng con, cũng có thể là bạo lực của con cái trên cha mẹ nhưng phần nhiều là từ người cha trong gia đình. Bạo hành còn diễn ra nhiều hình thức khác nhau nữa như là:
Bạo hành về mặt thể xác là hành động bạo hành sử dụng vũ lực, gồm đánh đập, gây thương tích, thiêu sống... gây ra thương tích cho đối tượng và có thể dẫn đến tử vong. Một dạng phổ biến của bạo hành thể xác đó là tạt axít, gây ra những vết bỏng trên cơ thể nạn nhân, thậm chí có thể dẫn tới mù nếu nạn nhân bị tạt vào mắt. Ngoài ra, bạo hành thể xác ở dạng nhẹ hơn có thể là làm cho nạn nhân thiếu ngủ, thiếu các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu khác.[11]
Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm/ tâm lý. Nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Không những thế, bạo lực tinh thần nhiều khi còn tồn tại dưới nhiều dạng như đe dọa tinh thần, khủng bố tâm lý... gây nên sự phẫn uất, khủng hoảng ý thức và tâm sinh lý phụ nữ. Điều lưu ý là các hình thức bạo lực tinh thần dưới dạng “chiến tranh lạnh”- một kiểu hành hạ bằng tình cảm - nghĩa là người chồng tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, vô trách nhiệm đối với người vợ, thậm chí đem so sánh với người phụ nữ khác,... Loại hình này khó phát hiện và diễn ra lặng lẽ, không có đánh đập, xô xát hay chửi bới sỉ nhục ầm ĩ nên không gây được sự chú ý của nhiều người.
Con số chung cho tỷ lệ bị bạo lực tinh thần đối với phụ nữ do chồng gây ra tại Việt Nam là 53,6% trong cuộc đời, trong đó nông thôn cao hơn thành thị (56,2% so với 47,2%). Tỷ lệ bị bạo lực tinh thần trong đời do chồng gây ra dao động từ 42,4% tại Bắc Trung bộ, 52% tại Trung du và miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung, tới 70,1% tại Vùng Tây Nguyên. Tỷ lệ của bạo lực tinh thần hiện tại của Việt Nam là 25,4% (nông thôn là 27,5% và 20,4% tại thành thị). Nó dao động từ 22% tại vùng đồng bằng sông Hồng, 26,1% tại Trung du và miền núi phía Bắc đến 32,6% tại vùng Tây Nguyên.[12]
Bạo lực tình dục được phân chia thành nhiều nhóm nhỏ. Nếu người chồng chỉ đơn thuần cưỡng ép, đòi người vợ quan hệ tình dục thì được xếp tạm vô nhóm “người bình thường”, chủ yếu do nhu cầu sinh lý. Tuy vậy, cũng có những người bạo hành tình dục do mắc một số bệnh như: rối loạn nhân cách, lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn khí sắc, tâm thần phân liệt… Trong trường hợp này, người chồng thường hoang tưởng, ghen tuông, nghi ngờ lòng chung thủy của vợ nên bắt vợ phải quan hệ thường xuyên để thể hiện bản lĩnh. Nhóm nữa là những người thật sự mắc bệnh bạo dâm. Để cảm thấy thỏa mãn, trong lúc quan hệ họ thường đánh đập, làm tổn thương, chửi mắng, la bới, nhục mạ vợ ... mới cảm thấy vui.[13]
Thế còn bạo hành mà quý bà vợ áp đặt trên ông xã thì sao? Đã có nhiều trường hợp người đàn ông bị vợ ức hiếp, đôi khi đánh đập khá tàn nhẫn. Người đàn bà thường không dùng khí giới mà xé quần áo, đập phá đồ quý riêng của chồng, tiêu hủy hình ảnh kỷ niệm, la hét xỉ vả hoặc hành hạ tâm thần một cách đớn đau như cảnh Thúc Sinh chứng kiến Kiều bị Hoạn Thư hành hạ. Họ sẽ dùng sức mạnh khi có cơ hội như trường hợp một phụ nữ cách đây mấy năm cắt đứt của quý của đức lang quân.
Những trường hợp bạo hành ngược này ít được công luận biết vì người đàn ông không dám nói ra sợ bị nhạo báng, xấu hổ mà cũng vì ít người tin là có thật. Thân nam nhi mà bị vợ hành thì đâu dám đi khoe hoặc trình cớ cò bót. Và bạo hành tiếp tục xảy ra với đàn ông là nạn nhân và đàn bà chủ động.
Một chuyên gia về vấn đề khó khăn trong gia đình, bà Patricia Pearson, tác giả cuốn sách “When she was bad: Violent women and the Myth of Innocence”, cho hay là đàn bà cũng có thể trở nên vũ phu bạo lực chứ không phải chỉ riêng đàn ông.[14]
Người ta thường nói: “Khi yêu củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng méo”. Trước những tật xấu của vợ hay chồng, nếu không có tình yêu thương thông cảm cho nhau, mà chỉ nhìn nhau với một mặt tiêu cực thì chắc chắn việc xảy ra là bạo hành gia đình là rất cao. Mỗi khi tình yêu đã ra phai nhạt, người ta dễ dàng lạm dụng những yếu đuối của nhau. Người lạm dụng có thể là chồng, người tình, người chồng cũ. Trong thâm tâm họ, nhiều lý do hoặc chính đáng hoặc ngụy tạo để bào chữa cho hành động của mình. Đồng thời cũng có những hoàn cảnh, những xáo trộn trong cuộc sống đưa đẩy khiến họ bạo hành.[15]

Thiếu lòng chung thủy trong hôn nhân
Sự chung thủy đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong đời sống gia đình. Nó như là sợ dây vô hình nối kết tình yêu và hạnh cho đôi bạn trong đời sống hôn nhân. Mỗi khi sợi dây ấy bị cắt đứt thì tình yêu và hạnh phúc cũng tan vỡ. Vậy nguyên do nào mà tình yêu và lòng chung thủy bị cắt đứt ? Có nhiều lý do làm đứt sợi dây vô hình của tình yêu và lòng chung thủy. Thiếu lòng chung thủy trong hôn nhân cũng thường xảy ra nơi các vợ chồng sống thiếu hòa hợp với nhau trong tình cảm và tình dục, thiếu tôn trọng nhau, công việc làm ăn không được ổn định, nói nhiều…
Ngoại tình: ngày xưa, người phụ nữ luôn coi trọng danh dự, nhân phẩm của mình bằng sự thủy chung son sắt, họ coi việc vụng trộm tình ái là hành vi xấu xa, phản bội và thiếu đạo đức. Nhưng ngày nay, quan niệm “ông ăn chả, bà ăn nem” trở thành mốt trong một số gia đình. Thực tế đã có không ít gia đình vợ chồng thích tìm “của lạ”. Nhất là trường hợp người chồng đi làm ăn xa nhà lâu ngày khi gặp đối tượng cùng cảnh ngộ dễ xiêu lòng đi theo tiếng gọi của ái tình nên đành lòng xin ly hôn.[16]
Do điều kiện kinh tế gia đình:  các cặp vợ chồng sau khi lập gia đình phải tự lo cho mái ấm của mình, điều kiện kinh tế chưa đảm bảo cho cuộc sống riêng hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định cùng với đó là sinh con sớm, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Nỗi khốn khó đeo bám triền miên khiến vợ chồng sinh ra mâu thuẫn không thể tháo gỡ và kết cục là xin ly hôn. Nhiều gia đình vợ chồng có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khá giả, nhưng do mải theo làm ăn kinh tế, thiếu quan tâm đến tình cảm vợ chồng, dần phai nhạt rồi xảy ra “chiến tranh lạnh”, có trường hợp khi người chồng có địa vị và chỗ đứng trong xã hội, hoặc có điều kiện kiếm ra tiền và tự cho mình “cái quyền” làm gì tùy thích theo thú vui của riêng mình thiếu quan tâm đến gia đình, vợ con. Người vợ ở nhà thiếu thốn tình cảm, vợ chồng sinh ra nghi kỵ ghen tuông và vợ chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.[17] Nghiên cứu quốc gia về gia đình mới nhất cho thấy nguyên nhân kinh tế là (13%).[18]
Tranh cãi quá nhiều: 56% những người ly hôn tham gia cuộc khảo sát nói rằng tranh cãi quá nhiều là lý do dẫn đến sự tan rã của họ.[19]
Ít thời gian dành cho nhau: thời gian là điều khan hiếm nhất trong thời buổi xã hội công nghiệp hóa hiện đại hóa ngày nay. Cả hai vợ chồng đều luôn bận rộn và hầu như không thể tìm ra thời gian rảnh rỗi dành cho nhau. Họ quan tâm tới công việc và việc làm thế nào để kiếm tiền hơn là quan tâm tới gia đình và hạnh phúc của chính họ. Tuy nhiên, thực tế thì các cặp vợ chồng cần dành thời gian cho hôn nhân của mình. Đừng để công việc sai khiến và kiểm soát cuộc sống của bạn. Chỉ có như thế thì bạn mới tránh được tình trạng nhà vắng, bếp lạnh sau giờ làm việc.[20]


II. QUAN NIỆM KITÔ GIÁO VỀ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
1. Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa
1.1. Hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ
Gia đình đặt nền tảng trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân, đồng thời trên sự tôn trọng ý nghĩa và các giá trị của định chế này, một định chế không tùy thuộc con người mà tùy thuộc Thiên Chúa. Vì lợi ích của vợ chồng và con cái, cũng như lợi ích của xã hội, dây liên kết linh thiêng này không còn thuộc một mình quyết định của con người nữa. Chính Thiên Chúa là tác giả của cuộc hôn nhân; Ngài đã ban cho hôn nhân những ơn ích và mục tiêu khác nhau. Bởi đó, định chế hôn nhân tức là sự cộng tác thân mật trong sự sống và tình yêu ... do Đấng Tạo Hóa thiết lập và đã được Ngài ấn định cho những quy luật riêng, không phải là kết quả của những thỏa thuận giữa con người với nhau. Cũng không phải quyết định của pháp lý, nhưng là do quyết định của Thiên Chúa. Đó là một định chế được khai sinh kể cả trước mặt xã hội, do một hành vi nhân linh, qua đó hai bên trao phó bản thân mình cho nhau, và được xây dựng dựa trên chính bản tính của tình yêu vợ chồng, một tình yêu được xem như sự trao tặng và độc quyền mà người này dành cho người kia, khiến hai bên dứt khoát hiến thân cho nhau, và điều này biểu lộ qua việc hai bên bày tỏ sự ưng thuận với nhau cách công khai và không thể rút lại. Việc dấn thân ấy muốn nói lên rằng mọi mối quan hệ giữa hai thành phần trong gia đình đều in đậm ý thức công lý và từ đó, cũng in đậm sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của nhau.[21]
Cũng đồng quan điểm trên khi GLHTCG dạy rằng:
Cặp vợ chồng làm thành một cộng đồng thân mật để sống và yêu thương nhau, một cộng đồng do Đấng Tạo Hóa thành lập và ban cho những luật lệ riêng của mình. Cộng đồng này được thiết lập trên giao ước của hai người phối ngẫu, nghĩa là trên sự ưng thuận của bản thân và không thể rút lại của họ. Hai người hiến thân cho nhau cách trọn vẹn và dứt khoát. Họ không còn là hai, nhưng từ nay chỉ làm thành một xương một thịt thôi. Giao ước mà hai người đã tự do ký kết với nhau buộc họ có nghĩa vụ phải duy trì chặt chẽ và không thể tháo gỡ. “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp con người không được phân ly” (Mc 10,9).[22]
Trong hôn nhân người nam cũng như người nữ phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau, bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu biết sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự kết hợp mật thiết cũng như là sự tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc vợ chồng phải trung tín và kết hợp với nhau bất khả phân ly (X. Gaudium et Spes số 48). Do vậy, trong chương trình của Thiên Chúa, hôn nhân là một sự kết hợp vĩnh viễn. Bởi đây không chỉ là tình cảm, hay tình yêu mà hai người tự nguyện cam kết và trao hiến trọn vẹn cho nhau mà trước hết với cả Thiên Chúa nữa. Không những họ phải chung thủy với nhau cho đến trọn đời, mà còn phải chung thủy với Thiên Chúa nữa.


1.2. Hôn nhân là cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa
Trong chương trình của Thiên Chúa, con người nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa. Nhờ ân sủng đó mà hai người sống kết hợp với nhau và hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa cũng như hạnh phúc của hai người trao cho nhau. Hôn nhân là biểu tượng của sự sống qua việc sinh con cái, nhờ đó mà được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Sự trung thành trong hôn nhân mang lại cho con người giá trị nhân bản, giá trị đạo đức và giá trị thiêng liêng. Bởi vì: “Bí tích hôn nhân làm cho người nam và người nữ dự phần vào sự chung thủy của Chúa Kitô với Giáo hội của Ngài. Bằng sự khiết tịnh phu phụ họ làm chứng cho mầu nhiệm này trước mặt thế giới” (GlCG số 2356).
Người nam và người quyết định đi tới việc ký kết giao ước với nhau, để cả hai sẽ thuộc về nhau mãi mãi trong đời sống hôn nhân. Vì thế đây là: bậc sống được gọi là thánh thiện và đồng thời là một ơn gọi cao cả Thiên Chúa ban. Điều này có được là nhờ Đức Giêsu Kitô. Người nhắc nhở cho biết phẩm giá của con người, của tình yêu. Người thánh hóa hôn nhân và đem đến cho hôn nhân vẻ đẹp tôn quý.[23]
Người nam cũng như người nữ, được Thiên Chúa dựng nên có hồn có xác. Vì thế, tình yêu hôn nhân là sự kết hợp cao quý tinh thần và thể chất của hai người. Cho nên khả năng yêu thương và kết hợp cả thể chất lẫn tinh thần của vợ chồng đã được Thiên Chúa phú ban ngay từ buổi đầu tạo dựng để con người có được niềm vui, hạnh phúc và nhờ thế tăng thêm sức gắn bó. Những cử chỉ thân mật hoặc những hành vi phối hợp yêu thương giữa vợ chồng tự nó không có gì là xấu xa, nhưng là một sinh hoạt có ý nghĩa tốt đẹp… Sinh hoạt thân mật này phải là biểu lộ cao nhất, là kết quả của sự phối hợp hai nhân vị chứ không phải là khởi đầu hay mục đích của đời sống hôn nhân. Trong đời sống vợ chồng, yêu thương thân mật với nhau còn là điều biểu lộ sự sống, sự sinh động, là bác ái và nghĩa vụ công bằng phải chu toàn. Hai người phải cố gắng hiểu biết kỹ lưỡng những kiến thức đặc biệt về đời sống tâm sinh lý nam nữ để giá trị kết hôn được phát huy sung mãn, để hai người không yêu nhau như vợ chồng thuần túy nhưng yêu nhau với tình yêu của Đức Kitô, như Đức Kitô yêu Hội thánh.[24]
2. Đặc tính của hôn nhân Công giáo
2.1. Sự đơn nhất
 Nơi hầu hết các dân tộc, hôn nhân một vợ một chồng là điều rất cổ xưa. Thiên Chúa đã ấn định đặc tính của hôn nhân ngay trong việc sáng tạo loài người. Nên một vợ một chồng không phải là luật của con người, nhưng là quy luật của Thiên Chúa. Đức Kitô đã tái lập lại trật tự của thuở ban đầu, hôn nhân đã được trả lại tình trạng một vợ một chồng như lúc mới tạo dựng, và ban ơn thánh để giúp vợ chồng sống chung thủy với nhau.[25]
Sự chung thủy là nghĩa vụ của hôn nhân. Do đó, nếu một trong hai người loại bỏ hay vì lý do tâm lý mà không có khả năng sống đời chung thủy, thì việc kết hôn trở thành vô hiệu, và nếu một trong hai không chu toàn nghĩa vụ này thì người bạn kia có thể xin chia tay. Chế độ đa thê hay đa phu là trở lực cho việc thiết lập một cộng đồng sống chung thực sự, vì nó ngăn cản việc trao hiến hoàn toàn cho người bạn đời và phủ nhận sự bình đẳng cũng như phẩm giá của vợ chồng trong hôn nhân.[26]
Như thế, đa thê là một điều đi ngược lại với sự hiệp thông: vì nó phủ nhận trực tiếp ý định của Thiên Chúa, như Người đã mạc khải cho chúng ta ngay từ đầu; nó ngược hẳn với phẩm giá cá nhân bình đẳng giữa người nam và người nữ. Trong hôn nhân, người nam và người nữ trao hiến cho nhau trong một tình yêu toàn diện. Do đó cũng là một tình yêu đơn nhất, không dành cho ai khác. Như Công Đồng Vaticanô II đã viết: “Phải nhìn nhận phẩm giá biệt vị bình đẳng giữa vợ chồng trong tình tương ái trọn vẹn, để nhờ đó, biểu hiện rõ ràng tính cách đơn nhất của hôn nhân đã được Thiên Chúa xác định”.
2.2. Sự bất khả phân ly
Ngay từ bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly cho cộng đoàn nhân vị bao trùm toàn bộ đời sống họ. Họ không còn là hai mà là “một xương một thịt”. Họ được mời gọi không ngừng lớn lên trong tình yêu hiệp thông với qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau. Sự hiệp thông nhân vị này được cũng cố, được thanh luyện và hoàn thiện nhờ Bí tích Hôn Phối đem lại sự hiệp thông trong Đức Kitô. Sự hiệp thông này càng thâm sâu hơn nhờ cùng chia sẻ một đức tin và cùng đón nhận Mình Thánh Chúa.[27]
Sự hiệp thông trong gia đình trước tiên là sự hiệp thông trong tình yêu giữa người nam và người nữ tự nguyện cam kết sống với nhau, sống cho nhau bằng kế ước hôn nhân, họ bổ túc cho nhau, chia sẻ với nhau toàn thể con người và dự phóng cuộc sống của họ. Sự hiệp thông này là đòi hỏi tự nhiên của nhân bản. Và Đức Kitô đã dùng Bí tích Hôn Nhân để củng cố sự đòi hỏi sự hiệp thông ấy, thanh luyện và nâng lên cao để được trở nên phong phú hơn về mọi mặt thể xác, con tim, ý chí… Phẩm giá con người và sự bình đẳng nam nữ trong hôn nhân đòi buộc vợ chồng trao hiến cho nhau trong một tình yêu toàn diện và duy nhất, không chia sẻ.
Theo giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích con cái đòi buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly. Bắt nguồn từ trong sự trao ban trọn vẹn và đích thân giữa hai vợ chồng, cũng như do lợi ích của con cái đòi buộc, sự bất khả phân ly của hôn nhân dựa trên nền tảng là ý định Thiên Chúa đã bày tỏ trong mạc khải của Người: chính Người muốn hôn nhân phải bất khả phân ly và Người ban cho nó ơn này như kết quả, dấu chỉ và đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối trung thành mà Thiên Chúa đã dành cho con người cũng như tình yêu mà Đức Giêsu đã dành cho Hội thánh.[28]
3. Ly hôn là sự phản bội
3.1. Chối bỏ tình yêu
Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, chỉ vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Ngài cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu. Tình yêu là ơn gọi căn bản bẩm sinh của con người. Họ “không ngừng yêu thương nhau và có một tinh thần trách nhiệm luôn luôn mới. Một bầu khí yêu thương và có trách nhiệm là môi sinh cần thiết của đôi bạn”[29]. Vì thế, điều kiện của hôn nhân là tình yêu. Tình yêu làm nên hôn nhân gia đình. Hôn nhân là tình yêu hai người trao cho nhau cách trọn vẹn và đời đời. Như đôi bạn trong ngày lễ cưới của Kitô giáo họ đọc: anh/em hãy nhận chiếc nhẫn này của em/anh để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của em/anh, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi trước mặt người làm chứng và toàn thể cộng đoàn thì họ đã tự nguyện, tự trao gởi và ký kết tình yêu với nhau và hứa hiến mình cho nhau cách trọn vẹn và trọn đời.
Hơn nữa, theo giáo huấn của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Familiaris Consortio, con người là một nhân vị, có tinh thần lẫn thể xác. Vì thế, nhân vị ấy sẽ dự phần vào tình yêu để thực hiện ơn gọi sống yêu thương trọn vẹn nhất của nó, đó là hôn nhân và tinh khiết. Bởi thế, tính dục mà cả nam và nữ hiến mình cho nhau bằng những hành vi riêng biệt và chỉ dành riêng cho đôi bạn, thì tình dục ấy không chỉ là điều thuần túy về sinh lý mà nó còn liên hệ đến nhân vị. Và nó được thực hiện một cách nhân bản đích thực nếu nó là thành phần làm nên tình yêu. Nhưng đồng thời nó sẽ trở thành giả dối nếu nó không phải là dấu chỉ và kết quả của sự trao hiến cả ngôi vị, trong đó toàn thể ngôi vi đều hiện diện, cả trong chiều kích trần tục của nó. Nếu người ta dành lại bất cứ điều gì, hoặc dành cho mình quyền có thể quyết định khác đi sau này, thì như thế không còn là một sự trao hiến hoàn toàn nữa.
Do đó, việc ly dị sẽ mất đi ý nghĩa và mục đích của sự tự hiến của hai người cho nhau. Một tình yêu chân thật trong đời sống hôn nhân thì không thể bị giới hạn bởi bất kỳ một lý do nào cả. Cả hai phải yêu thương nhau trọn đời và hiến thân cho nhau cách trọn vẹn không so đo, không vụ lợi. Bởi vì dấu ấn của tình yêu là lòng trung thành và dám hiến thân cho bạn của mình.[30] Vì một lý do nào đó mà vợ chồng ly dị nhau, khi đó họ từ chối tình yêu của nhau, chối bỏ tình yêu mà họ đã nhận trong ngày cưới. Khi ly hôn không những họ chối bỏ tình yêu của nhau mà còn sâu xa hơn là chối bỏ tình yêu với Thiên Chúa. Hơn nữa, hôn nhân là một Bí tích mà đôi bạn liên kết với nhau và với Chúa cách chặt chẽ mật thiết vĩnh viễn không thể tháo gỡ được.[31] Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô với Giáo hội. Vì thế, khi vợ chồng ly hôn chối bỏ tình yêu thì cũng chính là chối bỏ trách nhiệm với nhau, với con cái, với xã hội và với chính Thiên Chúa.
3.2. Chối bỏ trách nhiệm
Trong tình yêu hôn nhân, nhất là hôn nhân được Thiên Chúa thiết lập và nâng lên là Bí tích, Bí tích ấy nói lên sự kết hợp hai người nên một. Họ đón nhận nhau và trao hiến toàn thân cho nhau thì trách nhiệm lại càng lớn lao biết dường nào. Bởi vì mục đích của giao ước này chính là: “sự giúp đỡ lẫn nhau, lòng chung thủy trong tình yêu của đời sống vợ chồng”.[32] Và ở mối tương quan này, người nam cũng như người nữ phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu biết sự hợp nhất với nhau mỗi ngày một đầy đủ hơn bằng việc hai người tự hiến cho nhau một cách hoàn hảo. Sự giúp đỡ nhau trong đời sống hôn nhân thì không chỉ có trong lúc vui tươi và hạnh phúc ngập tràn nhưng mà cả trong những lúc gặp đau khổ buồn phiền. Cả hai tương trợ cho nhau. Điều này được cụ thể hóa ra trong từng cử chỉ, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày ở mọi phương diện như: sức khỏe, tâm lý, luân lý, kinh tế và nhất là trong việc giáo dục con cái… cùng chăm sóc lẫn nhau, cùng chia sẻ mọi ưu tư  trong cuộc sống.[33]
Lòng chung thủy là một động lực rất mạnh giúp cho vợ chồng dễ dàng chấp nhận và chịu đựng lẫn nhau. Thế nhưng khi ly hôn thì mỗi người một nơi, lúc đó hôn nhân không còn tình yêu nữa thì chắc chắn trách nhiệm đối với nhau cũng không còn. Không những họ chối bỏ nhau nhưng kéo theo trong việc ly hôn ấy của hai người ít nhiều cũng chối bỏ trách nhiệm với con cái. Trong khi đó, hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa là để người chồng và người vợ tương trợ cho nhau, việc truyền sinh và nuôi dưỡng giáo dục con cái. Khi trở nên cha mẹ thì đôi bạn cũng lãnh nhận nơi Thiên Chúa quà tặng là một trách nhiệm mới. Trách nhiệm này cùng làm nên một thân thể, cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa trong Đức Giêsu Kitô.
Gia đình chính là nơi con cái học những bài học đầu tiên và quan trọng nhất về sự khôn ngoan thiết thực có liên quan tới các đức tính; cho nên môi sinh của nhân loại chính là gia đình. Trong gia đình, cha mẹ lại là những nhà giáo dục đầu tiên nhưng họ không phải là người duy nhất. Bởi đó, cha mẹ phải giáo dục con cái bằng sự cộng tác chặt chẽ với các cơ quan dân sự khác của Giáo hội và xã hội. Nhất là cha mẹ phải có bổn phận giáo dục giới tính cho con cái. Đó là nền tảng cho sự trưởng thành quân bình của con cái cách tuần tự có ý nghĩa của tính dục, cũng như được học biết những giá trị luân lý và nhân bản đi đôi với tính dục. Vì có liên quan mật thiết giữa khía cạnh tính dục với những giá trị đạo đức của con người, nên giáo dục phải giúp con cái hiểu biết và tôn trọng các chuẩn mực luân lý, coi đó như nguồn đảm bảo và hết sức giá trị để con người được trưởng thành một cách có trách nhiệm trong tính dục của mình.[34]
Ngoài ra, chính cha mẹ còn là gương sáng ảnh hưởng hoàn toàn trên con cái ngay từ thai nhi và mãi về sau. Nên cha mẹ phải thăng tiến hoàn hảo bản thân. Luôn tạo sự tín nhiệm trên con cái vào chính mình và dàn xếp ổn thỏa mọi bất đồng trong gia đình cùng với sự yêu thương con cái vô vị lợi. Vì gia đình là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, nên phải có bầu khí thánh thiện, thấm nhuần đức tin và lòng yêu mến Chúa.[35]
Qua đó, chúng ta thấy trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ là hết sức lớn lao. Không những chỉ lo cho con cái nhưng còn phải chịu trách nhiệm đối với xã hội, Giáo hội và nhất là trách nhiệm đối với Thiên Chúa. Khi họ ly dị thì chính các em là người chịu đau khổ nhất. Bởi lẽ ly dị được các em cảm nhận như là một sự khước từ của cha mẹ đối với chúng.[36]
4. Những lý chứng ủng hộ cho việc ly hôn
4.1. Tôn trọng tự do của con người
Thánh Augustinô đã nói: “Để tạo dựng nên con người, Thiên Chúa không cần đến sự cộng tác của họ, nhưng để cứu độ con người thì Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của con người”. Nói như vậy là Thiên Chúa không có đầy quyền năng để cứu độ con người sao ? Thưa không, đó là vì Ngài coi trọng tự do của họ. Con người được tự do chọn lựa ân sủng cứu độ hay tội lỗi sự chết. Tự do là món quà cao quý mà Thiên Chúa tặng ban cho con người khi tạo dựng nên họ.
Trải qua dòng lịch sử, con người luôn nhân danh tự do để làm tất cả những gì phi tự do nhất. Cụ thể là có bà Manon Roland-một nạn nhân của cách mạng Pháp đã kêu nên: “O Liberté, que de crimes on commet en ton nom ! ”[37] (Ôi tự do, nhân danh người, người ta đã phạm bao tội trọng). Tự do là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người. Do đó Ngài cũng tôn trọng tự do của họ. Tự do thuộc về nhân quyền nên không thể tách rời với phẩm giá con người. Trong quyền tự do ấy, tự do ý chí là yếu tố cấu thành nhân vị con người. Con người chỉ tìm gặp lại bản thân hay lớn lên trong nhân cách bằng sự hiện thân phục vụ tha nhân, cho nên, tự do chỉ được phát triển nhờ gặp gỡ nhìn nhận và tôn trọng tự do của tha nhân mà thôi. Điều này, Giáo hội cũng nhìn nhận rằng: lắm lúc người ta yêu thích tự do không đúng cách như muốn làm gì thì làm miễn là hợp sở thích, dù đó là điều xấu. Nhưng tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người.[38]
Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” số 27, đã nói đến những hình thức tự do bị chối bỏ và trà đạp như sau: tất cả những gì đi ngược với chính sự sống… tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn  nhân vị con người… tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm… thì tất cả những điều đó sẽ bôi nhọ kẻ chủ động làm điều đó hơn là kẻ phải chịu sự nhục nhã, đồng thời cũng xúc phạm nặng nền đến danh dự của Đấng Tạo Hóa.
Tuy nhiên, cuộc đời này lại không có tự do tuyệt đối. Nên có nhiều người đã lợi dụng tự do và sử dụng quyền tự do của mình một cách vô trách nhiệm, bất chấp luật lệ, quy tắc đạo đức, quyền lợi con người, bất chấp cả tình yêu. Đặc biệt là giới trẻ trong vấn đề tự do này đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ triết gia Jean Paul Sartre, chủ chương tự do tuyệt đối, tự do phóng túng muốn làm gì thì làm. Do đó, ly hôn cũng một cách nào đó nói lên tự do của họ.
4.2. Giải phóng phụ nữ
Đã từ lâu, người phụ nữ trong xã hội loài người bị coi rẻ, họ phải sống trong cảnh áp bức, miệt thị… và coi như là nô lệ - người hầu của chồng. Do đó, ly dị được xem là một cách trả lại nhân phẩm và giải phóng người phụ nữ.
Sự kỳ thị, khinh rẻ phụ nữ là một hành động trái với ý định của Thiên Chúa. Vì Ngài đã tạo dựng con người có nam có nữ, cả hai đều mang hình ảnh của Thiên Chúa và có phẩm giá như nhau. Ngài không thiên vị ai. Vì mọi người có cùng một phẩm giá của những thụ tạo được tạo dựng: “không có phân biệt Dothái hay Hylạp, không có nô lệ hay tự do, không có nam hay nữ vì tất cả anh em đều là một trong Đức Giêsu Kitô”. Và Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng đã làm sáng tỏ ý nghĩa trên rằng: càng ngày càng phải nhận thức sự bình đẳng căn bản giữa mọi người hơn, bởi vì mọi người đều có một tâm linh và được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa nên có cùng một bản tính và cùng một nguồn gốc, hơn nữa vì được Đức Kitô cứu chuộc, nên họ đều được mời gọi như nhau và cùng hưởng chung một mục đích nơi Thiên Chúa.[39] Cũng theo chiều hướng này, thánh Phanxicô Salesiô nói thêm: Phụ nữ bình đẳng với nam giới, nhất là trong ơn riêng và trong vinh quang; vinh quang là kết quả… của sự kiện họ là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa và giống Đấng ấy.[40]
III. HẬU QUẢ CỦA LY HÔN
Ly hôn là một thảm trạng xấu nhất, là bất hạnh của hôn nhân, nó dẫn đến nhiều hậu quả cho chính đương sự, cho gia đình cũng như con cái và cho chính xã hội. Mặc dù ly hôn cũng được coi là phương cách cuối cùng để chữa trị một tình trạng bi đát, mà không thể làm gì khác hơn được nữa, để cho những người trong cuộc có thể thoát khỏi cảnh tù đày đau khổ, mà tìm được một con đường giải thoát, hầu mong tạo cho mình một cuộc sống bình yên hơn nhưng khó mà tránh khỏi những hậu quả tất nhiên. Cụ thể MC Kỳ Duyên Và Trịnh Hội hay Thanh Bạch và Xuân Hương... là những nghệ sĩ rất sáng giá trong lĩnh vực sân khấu nghệ thuật của Việt Nam; một trong số ấy là Trịnh Hội đã từng cho rằng : « Cưới được Duyên là tôi đã tìm được chiếc áo mà tôi biết chắc rất vừa vặn và làm mình đẹp, hạnh phúc khi khoác lên người ». Tuy nhiên, vào năm 2008, mối quan hệ của Hội và Duyên cũng đổ vỡ vì những rạn nứt trong cuộc sống hôn nhân.[41] Vậy từ thực tế này thì sự đổ vỡ của hôn nhân sẽ có những hậu quả ra sao?
1. Hậu quả đối với những người trong cuộc
Chính đương sự những người trong cuộc họ phải chịu những hậu quả trước tiên vì chính họ gây nên. Xét về mặt tâm lý, tình cảm, xã hội: trong tình trạng ở nước ta, và với bản thân người Việt Nam, với sự ảnh hưởng sâu xa của luân lý sẵn có, dù sao hậu quả của việc ly hôn cũng đem lại nhiều ảnh hưởng không tốt cho người trong cuộc. Ít nhiều họ cũng bị gia đình, bạn bè đặt dưới cái nhìn không bình thường, có nhiều điều nghi kỵ bất lợi, không ưa, trừ rất ít một số người thân nào đó có thể thông cảm với họ… do đó, từ việc giao tiếp đến công việc làm ăn, họ có thể gặp trở ngại do sự đánh giá khắt khe của nhiều người. Từ đó cuộc sống tương lai của họ cũng gặp nhiều khó khăn cả về tâm lý, tình cảm lẫn sinh hoạt hằng ngày. Nhiều khi nỗi chán chường lẫn mặc cảm tự ti khiến họ không còn tha thiết, hào hứng gì nữa trong cuộc sống. Ngoài ra còn bị những tiếng than trách của cha mẹ, họ hàng nhất là sự đau buồn, ray rứt khi nhìn đám con thiếu cha hay thiếu mẹ. Ảnh hưởng cũng có thể đến với cả hai người, nhưng nhất là với người đàn bà, vì họ có đời sống tình cảm nặng hơn đàn ông. Bởi đó cứ một trăm trường hợp ly hôn, thì khoảng tám mươi phần trăm người đàn ông lập gia đình lại, nhưng chỉ khoảng hai mươi phần trăm người đàn bà đi bước nữa; vì ê chề chán chường, vì hận đời cũng có, nhất là vì thương con, nhưng cũng có thể là vì phai tàn nhan sắc! Từ đó khiến họ trở thành mất vui, không tha thiết với cuộc sống. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề chăm sóc và dạy dỗ con cái. Vì phải tần tảo kiếm sống, không còn người phụ giúp nên họ không có thì giờ để quan tâm đến con cái. Họ chỉ nuôi con bằng phần xác mà khiếm khuyết phần tinh thần. Rất ít trường hợp sau khi cha mẹ ly hôn mà con cái được chăm sóc đầy đủ đúng mức.[42]
Về mặt đạo đức: từ sự chán nản ê chề, bất mãn và hận đời, người bị ly hôn khó đứng vững trong đời sống đạo đức, nề nếp như cũ, như trường hợp của những người có sẵn một căn bản đạo đức cao, hay được nâng đỡ bởi niềm tin tôn giáo, của những người thương yêu, còn đa số họ sẽ sống buông thả, tiêu phí thời gian cho những thú vui, để tìm quên lãng và khuây khỏa, họ dễ đi vào con đường bê tha, nghiện ngập, trác táng…, vì chẳng còn ai ràng buộc họ nữa! Điều đó vừa gây thiệt hại cho sức khỏe, vừa thiệt hại cho uy tín của cá nhân, của gia đình cũng như gây xáo trộn cho xã hội. Vì từ tâm lý bất lợi, bất ổn trên mà họ có thể xao lãng hoặc xem thường mọi bổn phận, mọi trách nhiệm đang mang, đặc biệt là trách nhiệm đối với con cái. [43]
2. Hậu quả đối với con cái
Mỗi đứa con trong gia đình đều có quyền lợi của mình. Vì thế cho nên trong Tông Huấn Familiaris Consortio, số 26, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố:
Giữa lòng gia đình như một cộng đồng các ngôi vị cần phải dành một sự chú ý đặc biệt cho đứa con, bằng cách phát huy lòng quý chuộng sâu xa đối với phẩm giá ngôi vị của nó, cũng như phát huy sự kính trọng thật to lớn đối với những quyền lợi của nó, những quyền lợi mà người ta phải phục vụ một cách quảng đại. Đó là điều phải dành cho tất cả mọi đứa con.
Và mỗi em bé, nhất là khi các em còn nhỏ dại, yếu đuối hay tàn tật, cần phải hết sức coi trọng và quảng đại chăm sóc. Đón nhận với tình yêu thương đối với các em ngay từ khi chào đời phải là nét đặc biệt trong mọi gia đình Kitô hữu. Như thế các trẻ em có thể lớn lên về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta như Đức Giêsu khi còn sống ẩn dật tại Nadarét.
Vậy mà khi một mối dây liên hệ ràng buộc trong đời sống hôn nhân bị lỏng lẽo thì con cái bị tước đoạt tình cảm của bố hoặc mẹ nó, hay cả hai, và điều ấy hiển nhiên ảnh hưởng đến sự tự tin, đến việc học hành và gây nên sự bất ổn trong tâm hồn của chúng. Sự mất mát đối với trẻ em thì không thể bồi hoàn được. "Có thể nói không ai chịu nhiều đau khổ hơn các em khi ba mẹ chúng ly dị. Các em là nạn nhân chính trong các cuộc ly dị. Thật vậy, các em là của hy sinh cho sự yếu hèn của cha mẹ. Ly dị được cảm nhận bởi các em như là một sự khước từ của cha mẹ đối với chúng." (xem "Love is For Life" - Lá thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan (1985)[44] .
Là nạn nhân trực tiếp nên các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đành rằng, những người thay thế cho cha hay mẹ của các em sau này rất quan tâm tới các em hoặc có những trường hợp ngược lại thì các em phải gánh chịu cảnh đối xử tàn tệ hơn so với lúc các em còn sống với bậc đã sinh ra mình.
Lợi ích của con cái ít khi được sử dụng để coi đó như một sự ép buộc cha mẹ không được ly dị, nhưng ngược lại, nó được dùng để đấu tranh cho sự bền vững của mái ấm. Có như thế mới đảm bảo cho việc giáo dục lành mạnh đối với các em. Cũng từ đó, sự tương thân tương ái trong một gia đình mới được nâng đỡ.
3. Hậu quả đối với xã hội
Ly hôn làm cho gia đình ra tan nát. Điều này trực tiếp làm mất đi sứ mệnh rất cao quý của gia đình trong xã hội, đó chính là bổn phận và được mời gọi lãnh nhận trách nhiệm về phần mình trong việc xây dựng một xã hội nhân bản hơn. Trách nhiệm này có thể được cụ thể hóa ra theo nghĩa rộng như khả năng tham gia trong các hoạt động chính trị để làm lợi ích cho xã hội và mưu ích cho gia đình, hay bổn phận đối với những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Và thật có lý “nơi gia đình, người ta học biết trách nhiệm xã hội và tình liên đới”.[45]
Hơn nữa, gia đình là tế bào nền tảng của xã hội, là chiếc nôi sự sống và tình yêu; nơi đó, con người được sinh ra và lớn lên. Khi các tế bào nền tảng tan vỡ, thì cả thân thể xã hội cũng bị lâm bệnh. Con người lớn lên từ chiếc nôi thiếu vắng tình yêu khó có thể có nhân cách trưởng thành, từ đó gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sự an sinh xã hội.[46]
Năm 1983, Tòa Thánh cũng đã công bố Bản Tuyên Ngôn về những quyền của gia đình liên quan đến xã hội tự nhiên và phổ quát. Nó trở nên mẫu mực và một điểm quy chiếu cho sự hình thành một bản hiến pháp và là một sự hướng dẫn cho những chương trình hoạt động giúp cho gia đình, để họ ý thức hơn về vai trò không thể thay thế được của vị thế gia đình, ước mong cho các gia đình biết liên kết với nhau để cùng nhau bảo vệ và phát huy những quyền lợi của mình; cổ võ các gia đình chu toàn những nhiệm vụ của mình để vai trò của gia đình có thể ngày càng được coi trọng và nhìn nhận ở bất kỳ nơi nào khi có con người sinh sống, nhất là trong việc giáo dục và nuôi dưỡng con cái.
IV. HƯỚNG KHẮC PHỤC
1. Dành thời gian cho nhau
Thời gian là điều khan hiếm nhất trong thời buổi xã hội Công nghiệp hóa hiện đại hóa ngày nay. Cả hai vợ chồng đều luôn bận rộn và hầu như không thể tìm ra thời gian rảnh rỗi dành cho nhau. Họ quan tâm tới công việc và việc làm thế nào để kiếm tiền hơn là quan tâm tới gia đình và hạnh phúc của chính họ. Tuy nhiên, thực tế thì các cặp vợ chồng cần dành thời gian cho hôn nhân của mình. Đừng để công việc sai khiến và kiểm soát cuộc sống của bạn.


2. Chấp nhận khuyết điểm của nhau
Khiếm khuyết là một phần nằm trong định nghĩa của con người. Và một trong những viễn cảnh tồi tệ nhất về hôn nhân là bị vợ hoặc chồng chỉ trích cả đời vì những khiếm khuyết của mình. Điều này không có nghĩa là mỗi người không cần tự cải thiện bản thân mình, nhưng đối với mối quan hệ hôn nhân, thì thái độ tích cực của người vợ hoặc chồng nên là “khi đã chấp nhận một người, là chấp nhận cả ưu điểm và khuyết điểm của người ta”[47].
3. Nhường nhịn, biết nghĩ đến người khác
 Tục ngữ có câu: « Một điều nhịn, chín điều lành ». Người vợ khôn là người biết trùng xuống khi chồng đang nóng giận và sẽ nhẹ nhàng trao đổi với chồng khi cơn nóng giận đã qua. Nhường nhịn là biết cho trước khi nhận, biết vui lòng chấp nhận phần thiệt, hy sinh, chịu đựng ở mức có thể về mình để được những lợi ích về lâu dài. Nhường nhịn cũng bao hàm không nóng tính, không dễ bị kích động làm cho nổi giận. Người vợ lý tưởng cũng là người biết nghĩ đến lợi ích của người khác, không ích kỷ, có lòng nhân hậu, vị tha và có khả năng cảm thông với hoàn cảnh của người khác.[48]
Và nếu cần thì phải biết cãi nhau đúng cách, bởi tranh cãi là chuyện không thể tránh khỏi trong hôn nhân. Vấn đề là với các cặp đôi biết cãi nhau đúng cách, họ sẽ tháo ngòi căng thẳng, tiếp cận vấn đề với sự hài hước, và thực sự lắng nghe phía bên kia. Họ sẽ tránh việc vì giận dữ mà lỡ lời hay trở nên độc địa. Những đôi biết cãi nhau đúng cách cũng sẽ ít cãi nhau hơn, vì họ hiểu được phần lớn các cuộc cãi nhau đều xuất phát từ những khác biệt cơ bản trong tính cách của hai người. Điều này không thay đổi được, nên họ học cách chấp nhận, kiềm chế và tránh việc cãi nhau nhiều lần về cùng một vấn đề.[49]
4. Điều kiện kinh tế
Khi yêu nhau, người ta không kể đến vấn đề tiền bạc. Có những người còn cho rằng tiền bạc không nên chen vào tình yêu. Thế nhưng câu chuyện của cuộc sống không hề đơn giản và cũng không ngừng lại ở đó. Cụ thể là các cặp vợ chồng sau khi lập gia đình, họ phải tự lo cho mái ấm của mình, điều kiện kinh tế chưa đảm bảo cho cuộc sống riêng hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định cùng với đó là sinh con sớm, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Vì thế, một đằng là phải có công việc ổn định bởi lẽ đó là điều tối thiếu để có tiền lo cho việc sinh hoạt và trang trải trong cuộc sống; đằng khác là phải có một sự quan tâm cần thiết đối với mỗi thành viên trong gia đình của mình.
5. Luôn chứng tỏ cho nhau tình yêu chân thành và lòng chung thủy
Dẫu hai vợ chồng có sống chung với nhau trong cùng một căn phòng, ăn cùng một bàn, ngủ cùng một giường, nhưng họ biết về nhau được bao nhiêu? Cứ sự thường, họ chỉ biết về những thói xấu của nhau như thích nắm quyền, thích phàn nàn, thích tiêu tiền, thích rượu chè, không thích làm việc.... Cứ vậy sẽ dẫn đến những xung đột trong gia đình. Vậy để xung đột không xảy ra, vợ chồng phải cùng nhìn về một hướng, cùng nhắm đến những điều tốt của nhau.
Vợ chồng cần quan tâm đến nhau, tìm hiểu những nhu cầu của nhau. Cố gắng đừng hướng đến lợi ích cá nhân cho riêng mình. Cần loại bỏ những bất đồng ý kiến những chán nản trong đời sống vợ chồng. Dành cho nhau nhiều thời gian hơn, loại bỏ những căng thẳng từ công việc bằng cách tổ chức những chuyến du lịch ngắn ngày để làm nóng lại những kỷ niệm, đến những nơi đầy ắp ký ức ngọt ngào để hâm nóng lại tình yêu. Thêm thắp cho đời sống vợ chồng bằng những hương vị ngọt ngào từ cuộc sống, kể cả việc “phòng the” của đôi bạn.[50]
6. Cầu nguyện cùng nhau để gặp gỡ Chúa mỗi ngày
Không có ơn Chúa, con người không thể hình thành và triển nở được. Đời sống gia đình cần phải có nhiều ơn Chúa. Ơn Chúa luôn đầy tràn, muốn lãnh nhận ơn Chúa, chỉ bằng cách cầu nguyện. Một cách cầu nguyện sinh nhiều hoa trái vững bền là học hiểu và thực hành lời Chúa. Phúc âm phải được vang lên trong gia đình vào mỗi buổi tối. Vì khi vợ chồng cùng đọc và tìm hiểu Phúc Âm thì chính Chúa Thánh Thần sẽ thân hành dạy họ, dẫn dắt họ trên con đường hoàn thiện.
Đọc Phúc Âm trong gia đình không phải là điều gì khó thực hiện, nếu đôi bạn hằng ngày để ra ít phút vào buổi tối sau bữa ăn hay là trước khi đi ngủ chẳng hạn. Cùng nhau đọc Phúc Âm, thinh lặng suy niệm, bộc bạch tâm tư, cầu nguyện cho bản thân cho người bạn đời, cho con cái, người thân, cho công việc tông đồ của Giáo hội và nhất là cho các linh hồn.
Những giây phút cùng nhau cầu nguyện là để tạ ơn Chúa. Chính sự cầu nguyện sẽ dẫn đến bình an và nhận ra con người yếu hèn của mình. Giây phút ấy thật đẹp và linh thiêng. Giây phút ấy là giây phút  “chất lượng”, là  “phút hồi tâm”. Làm cho tình cảm gia đình thêm keo sơn thắm thiết. Vì tất cả gia đình được liên kết với Chúa. Đây là giây phút mà Lời Chúa thấm nhập tới từng ngóc ngách của tâm hồn đôi bạn, chữa lành mọi vết đau thương, cũng là giây phút bên nhau nghỉ ngơi trong Chúa, phó thác mọi sự cho Ngài và được Ngài bồi dưỡng lại sức sau một ngày cần lao. Đức Giêsu đã mời gọi: “Những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
TẠM KẾT
Khi xây dựng cuộc sống gia đình, tất cả các cặp vợ chồng đều ước mong hôn nhân được hòa hợp, ấm êm, kinh tế ổn định, con cái ngoan ngoãn, vợ chồng yêu thương nhau và được sống hạnh phúc cho đến trọn đời. Đây là quan niệm và ước vọng chung của mọi người, mọi thời, bởi vì hôn nhân không chỉ đem hạnh phúc đến cho riêng cá nhân của hai người, mà còn đáp ứng nhu cầu hạnh phúc của gia đình, gia tộc, họ hàng, làng xóm và cho cả xã hội.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được toại nguyện vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Có nhiều cặp gia đình ngày nay cũng được sống trong mái ấm gia đình, nhưng cũng không ít những lứa đôi, luôn có sự mâu thuẫn và đi đến đổ vỡ. Nhìn vào thực trạng ly hôn của Việt Nam hôm nay, qua thống kê các con số đang ở mức báo động, không ai lại không đặt cho mình một dấu chấm hỏi (?) về các giá trị của đời sống gia đình trong xã hội hôm nay. Do đâu mà thành những giá trị mới ấy ? Xã hội Việt Nam hôm nay, dường như đang bị thống trị bởi một thứ văn hóa ngoại lai đề cao chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa duy tương đối. Chính những giá trị mới này đã xóa đi những hình ảnh, những giá trị tốt đẹp nơi gia đình truyền thống.
Đứng trước những hình thức mới và lệch lạc của xã hội hôm nay về đời sống gia đình, thì quan niệm của Kitô giáo, sẽ giúp cho xã hội nhìn nhận ra được những giá trị lệch lạc mình đang sống và tìm lại giá trị, ý nghĩa đích thực của đời sống gia đình. Xã hội hôm nay coi việc ly hôn cũng là một sự tự do, hôn nhân gia đình đối với họ cũng chỉ là một sự tương đối. Để thay đổi quan niệm này, Giáo hội cho hay trong chương trình của Thiên Chúa, hôn nhân là một sự kết hợp vĩnh viễn: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Hơn thế nữa, hôn nhân không chỉ là hai người kết hợp với nhau, mà còn cao cả hơn, sâu xa hơn là sự kết hợp với Thiên Chúa. Hôn nhân trở thành dấu chỉ của sự kết hợp Thiên Chúa với Giáo hội. Hôn  nhân theo quan niệm Kitô giáo còn có giá trị là kiện toàn con người. Do đó, hai người phải trao hiến, hy sinh, giúp đỡ nhau trong đời sống, không tìm tư lợi cho riêng mình mà cần có trách nhiệm và bổn phận với nhau, với con cái, với xã hội và Thiên Chúa. Trong những giá trị này mà ly hôn là một sự phản bội, phản bội nhau, phản bội Chúa.




[1] Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, OP., Mình Với Ta Tuy Hai Mà Một, Giáo trình Hôn Phối, lưu hành nội bộ, 2012, tr. 79.
[2] X. Từ Điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Nxb Đà Nẵng, 2004, tr. 564.
[3] x. Lm Anphong Nguyễn Công Vinh, Hôn Nhân Và Gia Đình, Nxb Đông Phương, tr. 60.
[4] Jean Louis Bruges, Từ Điển Luân Lý Công Giáo cuốn thượng A-L, Nxb không rõ, 1991, tr. 407.
[7] x. Cao Mai Trần, Chuẩn Bị Tiến Vào Thế Kỷ XXI…, tr. 181-183.
[8] X. Gm. Nguyễn Thái Hợp, OP., Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, Nxb Phương Đông, 2010, tr. 422.
[9] https://vi.wikipedia.org/wiki/John_Donne, truy cập ngày 3/10/2016.
[12] Sđd.,
[13] Sđd.
[15] Sđd.
[17] x. Sđd.
[19] Sđd.,
[21] X. HĐGMVN, UBBAXH, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, NxbTG, 2007, tr. 167-168.
[22] X. Sách Giáo Lý HTCG số 2364.
[23] X. Lm. An Phong Nguyên Công Vinh, Tình Yêu Hôn Nhân, tr. 95.
[24] X. Sđd., tr. 117.
[25] X. Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, OP., Từ Cạnh Sườn Bị Đâm Thâu, Bí tích học chuyên biệt, lưu hành nội bộ, 2012, tr. 345.
[26] X. Lm. An Phong Nguyễn Công Vinh, Tìm Hiểu Giáo Luật Về Hôn Nhân Và Gia Đình, NxbTG Hà Nội, 2006, tr.15.
[27] X. Sách Giáo Lý HTCG, số 1644.
[29] Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, chuyển ngữ, Tình Yêu Và Hôn Nhân, Nxb Phương Đông, 2008, tr. 241.
[30] X. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập 2, chân lý, 1998, tr. 267.
[31] X. Sđd., 74.
[32] Lm.P. Trần Mạnh Hùng - DCCT, Một Số Vấn Đề Luân Lý Trong Đời Sống Hôn NHân Gia Đình, NxbTP.HCM, 1998, tr.18.
[33] X. Sđd., 19-20.
[34] X. Tóm lược Học Thuyết Xã Hội…, tr. 160,165, 178, 182,185.
[35] Lm. An Phong Nguyễn Công Vinh, Tinh Yêu Hôn Nhân…, tr. 60-61.
[36] X. Lm.P. Trần Mạnh Hùng…, tr. 36.
[37] https://fr.wikipedia.org/wiki/Manon_Roland , truy cập ngày 11/10/2016.
[38] X. Công Đồng Vaticanô II,  GS số 17.
[39] X. Công Đồng Vaticanô II,  GS số 29.
[40] X. Đạo Đức Học Kitô Giáo, Thần Học Luân Lý Dưới Ánh Sáng Công Đồng Vaticanô II, Thần Học Luân Lý chuyên biệt 3, tủ sách chuyên đề, Nxb không rõ, 1986, tr. 32.
[42] X. Cao Mai Trần, Chuẩn Bị Tiến Vào Thế Kỷ 21..., tr. 195-196.
[43] X. Sđd., tr. 196-197.
[45] HĐGMVN, UBBAXH, Tóm Lược Học Thuyết Hã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, NxbTG, 2007,  số 213, tr. 166.
[46] X. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Christifideles-Laici - Kitô Hữu Giáo Dân, 1998, số 40.
[50] X. Trung Tâm Thần Học Sedes Sapientiae, Quê hương tôi có truyện trầu cau, tr. 56-57.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn