Sự sống con người: thánh thiêng & bất khả xâm phạm

Ts. Giuse Trần Công, OP., chuyển ngữ
Điều đầu tiên tôi muốn sẽ chia sẻ với anh chị em là: Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một tình huống nghịch lý liên quan đến ngành y tế. Một mặt chúng ta nhận thấy - và chúng ta cảm tạ Thiên Chúa – sự tiến bộ của y học, nhờ vào công trình của các học giả, với sự kiên nhẫn, chuyên tâm nghiên cứu các phương pháp điều trị mới. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng thấy sự nguy hiểm một khi bác sĩ đánh mất đi căn tính của mình là người phục vụ cho sự sống.
1. Các sai lầm về văn hóa đã gây tổn thương cho cả những gì dường như là một lĩnh vực không thể bị công kích: Ngành y của anh chị em! Mặc dù có bản chất là phục vụ sự sống, ngành y tế đôi khi lại không tôn trọng sự sống. Trái lại, thông điệp Caritas in Veritate nhắc nhở chúng ta rằng “việc mở ra với sự sống là tâm điểm của vấn đề phát triển thực sự.” Không có phát triển thực sự nếu không mở ra với sự sống. “Nếu mất đi cảm quan nơi cá nhân và xã hội đối với việc chấp nhận một sự sống mới thì những hình thức khác của việc chấp nhận hữu ích với xã hội cũng sẽ bị tàn lụi. Việc chấp nhận sự sống làm kiên cường năng lực luân lý và làm cho chúng ta có khả năng giúp đỡ lẫn nhau” (số 28).
Tình thế nghịch lý trong thực tế là, trong khi người ta quy gán những quyền mới, đôi khi là quyền mạo xưng, người ta không luôn luôn bảo vệ sự sống như một giá trị đầu tiên và như một quyền cơ bản của mọi người. Mục đích cuối cùng của hành động trong ngành y tế luôn luôn là bảo vệ và thúc đẩy sự sống.
2. Điểm thứ hai: Trong bối cảnh mâu thuẫn này, Giáo hội kêu gọi các lương tâm, lương tâm của tất cả các chuyên gia và tình nguyện viên y tế, và đặc biệt là các bác sĩ sản khoa, được mời gọi cộng tác trong sự ra đời của sự sống mới. Anh chị em có một ơn gọi và một sứ vụ đặc biệt, cần đến việc học hỏi, lương tâm và nhân đạo. Xưa kia, các bà đỡ được gọi là “mẹ đỡ đầu”, tức là một người mẹ khác, cùng với mẹ đẻ của em bé. Anh chị em cũng vậy, anh chị em cũng là những “cha mẹ đỡ đầu”.
Tâm thức khuếch tán điều hữu ích, “văn hóa lãng phí”, mà ngày nay làm cho tâm hồn và trí tuệ của nhiều người trở thành nô lệ, có giá rất cao: nó đòi hỏi việc loại bỏ của con người, nhất là những người yếu kém về mặt thể chất và xã hội. Lời đáp trả của chúng ta với tâm thức này là nói “có” với sự sống đã định và không do dự. “Quyền đầu tiên của một con người là quyền sống. Con người có nhiều “thiện ích” và thiện ích này quý giá hơn thiện ích khác; song sự sống là một thiện ích căn bản, là điều kiện cơ bản cho tất cả thiện ích khác”.
Mọi thứ đều có một mức giá và có thể bán được, còn con người có nhân phẩm, cao quý hơn và không thể định giá. Nhưng chúng ta thường thấy trong nhiều tình cảnh, điều rẻ mạt nhất lại chính là sự sống. Vì thế, việc quan tâm đến sự sống con người trên toàn thể, thời gian gần đây, đã trở thành một ưu tiên thực sự của Huấn quyền Giáo hội, đặc biệt là mối quan tâm đến sự sống của những người ít khả năng tự vệ nhất, đó là bệnh nhân hoặc người tàn tật, thai nhi, trẻ em, người già, người có cuộc sống dễ bị tổn thương nhất.
Nơi con người yếu đuối, mỗi người chúng ta được mời gọi để nhận ra khuôn mặt của Chúa, với thân xác nhân loại của Người, đã từng nếm trải sự dửng dưng và nỗi cô đơn, mà qua đó chúng ta thường lên án những người nghèo, dù trong các nước đang phát triển hoặc trong các xã hội giàu có. Các trẻ em không được sinh ra, nhưng bị kết án bất công do phá thai, có khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô, ngay cả trước khi sinh, và sau đó vừa mới sinh ra, đã nếm trải sự từ chối của thế giới. Tôi đã nói về trẻ em, bây giờ, tôi xin nói về người già, một điểm khác - và mỗi người già, ngay cả người tàn tật hoặc người đang sống những ngày cuối đời, mang gương mặt của Chúa Kitô. Chúng ta không thể từ chối, ruồng bỏ họ, như “nền văn hóa lãng phí” đề nghị! Chúng ta không thể loại trừ họ!
3. Khía cạnh thứ ba là một ủy nhiệm: Anh chị em hãy là chứng nhân và người phổ biến “văn hoá sự sống”. Việc là người Công giáo mang lại cho anh chị em trách nhiệm lớn hơn: Trước hết hướng đến chính anh chị em, bởi sự dấn thân của anh chị em liên kết với ơn gọi Kitô hữu; và sau đó, hướng đến nền văn hóa đương đại, để giúp nhận ra trong sự sống con người chiều kích siêu việt, dấu ấn công trình sáng tạo của Thiên Chúa, ngay từ giây phút thành thai. Đó là sự dấn thân Tân Phúc Âm hóa, thường đòi hỏi phải lội ngược dòng, trả giá bằng chính mình. Chúa xem anh chị em là những người loan báo “Tin mừng Sự Sống”.
Trong nhãn quan này, khoa sản tại các bệnh viện là nơi lý tưởng để làm chứng và loan báo Tin mừng, vì đó là nơi Giáo hội trở thành “phương tiện truyền thông sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống”, đồng thời trở thành “công cụ nhân bản hóa đích thực của con người và thế giới.”[1]
Khi ý thức đầy đủ về thực tế là, tại các trung tâm hoạt động và trợ giúp y tế, có những con người ở trong tình trạng yếu ớt, cơ cấu này sẽ trở thành “nơi mà mối liên hệ chăm sóc không phải là một nghề nghiệp - mối liên hệ chăm sóc của anh chị em không phải là một nghề nghiệp – nhưng là một sứ vụ, ở đó lòng bác ái của người Samari nhân hậu chiếm vị trí hàng đầu, và khuôn mặt của con người đau khổ cũng là khuôn mặt của Chúa Kitô”.[2]
Anh chị em thân mến, anh chị em được mời gọi để chăm sóc sự sống của con người, xin anh chị em hãy nhắc nhở mọi người, bằng hành động và lời nói của anh chị em, rằng sự sống luôn thánh thiêng trong tất cả các giai đoạn, trong mọi lứa tuổi, và luôn tuyệt vời. Và không phải bởi một khảo luận đức tin, nhưng bởi lý trí, với một khảo luận khoa học! Không gì thánh thiêng hơn sự sống con người, và cũng không gì quan trọng hơn sự sống con người. Độ tin cậy của hệ thống y tế được đo không chỉ bằng hiệu quả, nhưng nhất là do sự quan tâm và tình yêu cho người dân, những người mà sự sống của họ là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Anh chị em đừng bao giờ ngừng cầu xin Chúa và Đức Trinh Nữ Maria, để có sức mạnh làm tốt công việc của mình và làm chứng với lòng can đảm - với lòng can đảm ! Ngày nay, cần phải can đảm - để làm chứng cho “Tin mừng Sự Sống!”




[1] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Lưu ý về đạo lý trên một số khía cạnh của việc truyền giáo, số 9.
[2] Đức Bênêđictô XVI, Diễn văn gửi Đại học Công giáo Thánh Tâm ở Rôma, ngày 03 tháng 5 năm 2012.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn