Chỉ có
một sự sống tinh tuyền, thật tinh tuyền
nơi Đức Giêsu Phục Sinh, mới có thể "phục sinh"
sự sống đích thực cho nhân loại. Đức Giêsu Phục Sinh "thổi" Thánh Thần Sáng Tạo trên cộng đoàn các môn đệ
và các Kitô hữu đầu tiên,
chuyển thông sự sống của Thiên Chúa cho con người.
nơi Đức Giêsu Phục Sinh, mới có thể "phục sinh"
sự sống đích thực cho nhân loại. Đức Giêsu Phục Sinh "thổi" Thánh Thần Sáng Tạo trên cộng đoàn các môn đệ
và các Kitô hữu đầu tiên,
chuyển thông sự sống của Thiên Chúa cho con người.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng
Viễn, OP.
1. Thế giới ngược ngạo
Thế giới hiện đại quả
thật quá văn minh. Những thành tựu về nhiều khía cạnh, chẳng những về khoa học,
về kỹ thuật, về kinh tế; và cả những tiến bộ về văn hóa hoặc nhiều giá trị nhân
bản được sáng tỏ hơn rất nhiều... là những điều khó có thể phủ nhận.
Tuy nhiên, điều ngược
ngạo là thế giới văn minh hiện đại ấy càng ngày càng rối rắm do tính chất quá
tế vi của sự sống nói chung và sự sống của con người nói riêng, khiến cho những
tiến triển về phương diện này lại luôn kéo theo những tai họa về phương diện
khác. Ở thế kỷ XVIII và XIX, văn minh Tây phương đã hào hứng bao nhiêu, lạc
quan bao nhiêu về năng lực con người, về những thành tựu rực rỡ mà con người đã
đạt được và như chắc chắn sẽ đạt được, thì đến giữa thế kỷ XX và sang đến thế
kỷ XXI này, con người lại rơi vào tình cảnh rối rắm bấy nhiêu. Chính những điều
tưởng như thành tựu lại hé mở vực thẳm trong
lòng của nó. Những mô hình xã hội lý
tưởng nhất đã sụp đổ, những cơ cấu kinh tế phát triển vẫn không giải thoát
nhiều người khỏi cảnh nghèo đói, những phương tiện khoa học kỹ thuật phong phú
lại làm con người đánh mất những tương quan lành mạnh ...
Những nét ngược ngạo
của thế giới hiện đại không phải là những thách đố bình thường của qui luật
phát triển; cũng không phải chỉ là những khó khăn trên ngọn mà con người gặp
phải trên hành trình văn minh hóa, nhưng chính là những dấu hiệu của một sự rạn
vỡ ở nền tảng, những dấu hiệu cho thấy một sự trật hướng trên hành trình phát
triển... Điều nguy hiểm là những lệch lạc ấy đã hình thành nên những cấu trúc,
trở thành một bộ máy khổng lồ, vận hành như một chế độ "độc tài của máy
móc", có thể gọi được là thứ "lỗi cơ chế", mà những nỗ lực của
cả nhân loại cũng khó có thể sửa chữa được. Do đó, biết bao cá nhân bị lôi kéo,
xô đẩy, dun dủi và hoàn toàn không thể chống cưỡng được.
1.1. Khủng
hoảng môi sinh
Biến cố cá chết ở miền
Trung và ở nhiều nơi trong đất nước, những hiện tượng lũ lụt, lũ quét do việc
tàn phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi,... là một lời cảnh báo lớn cho
người Việt Nam. Thực phẩm bẩn cùng sự hao mòn lương tâm của lòng người lại đang
đi vào từng ngõ ngách của đời sống và đi vào từng mạch máu của người dân Việt
Nam ...
Hơn nữa, đây không phải
chỉ là vấn đề ở Việt Nam, nhưng là vấn đề toàn cầu : không gian vũ trụ đầy
những rác, ở những vùng bắc cực và nam cực đầy những rác, các vùng sa mạc đang
lớn dần, xâm hại đến các khu dân cư, những nước nghèo khổ ở Châu phi bị khai
thác vô tội vạ, các thứ bệnh HIV, ZIKA, cúm gà, heo tai xanh, bò điên.... Ô
nhiễm đi đến những gì phổ biến nhất, cần thiết nhất, gần gũi nhất với con người
: bầu khí quyển, nước, mất cân bằng sinh thái giữa con người với thiên nhiên,
an toàn thực phẩm... Ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp và bi đát đến những quốc gia
nghèo nhất và những người nghèo nhất,...
Từ năm 1971, Đức Phaolô
VI, trong thông điệp Pacem in Terris,
đã bắt đầu nói tới "hậu quả bi thảm" do những hoạt động không kiểm soát
của con người đối với môi sinh : "Do
một sự khai thác thiên nhiên thiếu suy xét kỹ lưỡng, nhân loại rơi vào nguy cơ
hủy diệt thiên nhiên và đến lượt con người lại trở nên nạn nhân của tình trạng
xuống cấp này."[1]
Cho đến nay, con đường
đổ dốc tới thảm họa bi đát ấy vẫn không chậm lại, bởi vì căn nguyên sâu xa của
nó lại không phải ở chính thảm họa môi sinh mà phát nguyên từ khủng hoảng xã
hội, từ sự lệch lạc của chính con người và những mẫu thức của nền văn minh hiện
đại.
Đức Phanxicô, trong
thông điệp Laudato si, số 139 nói:
Chúng ta đang đối diện không phải với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một bên là cuộc khủng hoảng
về môi trường, một bên là cuộc khủng hoảng xã hội, nhưng là một cuộc khủng
hoảng phức tạp bao trùm cả xã hội lẫn môi trường. Các chiến lược giải quyết đòi
hỏi một lối tiếp cận toàn diện để chiến đấu chống nghèo đói, trả lại phẩm giá
cho những người bị loại trừ khỏi xã hội, và đồng thời bảo vệ
thiên nhiên.
1.2. Khủng
hoảng xã hội
Thế giới hiện đại đã
cho thấy bước tiến lớn trong lịch sử nhân loại, nhưng phải chăng chính những
bước tiến ấy có hàm chứa hiểm nguy, hiểm nguy
của một nền văn minh chống lại tình thương và nhiễm độc sự sống của con
người?
Thế kỷ XXI là sự bủng
nổ của khủng bố cùng với sự bất ổn trong tương quan của các quốc gia trong vấn
đề Biển đông, Trung đông... Trong hai tháng qua, những vụ xả súng, nổ bom kinh
hoàng đã xẩy ra với tần số dầy đặc. Người ta có thể thấy rõ nguyên nhân trước
mắt là tư tưởng của phong trào Hồi giáo cực đoan hoặc chủ nghĩa Hán hóa quá
khích,... nhưng ở tầng sâu của vấn đề chắc chắn còn phức tạp hơn rất nhiều.
Hình như, trong tổng thể, mỗi quốc gia, mỗi tổ chức đều vừa là thủ phạm vừa là
nạn nhân. Trong những tai họa do khủng bố gây ra, có dấu vết của chính những
lỗi lầm quá khứ của đất nước bị khủng bố; trong những cuộc nổi loạn đều có chất
kích thích từ những cơ chế bất công ... Hình như không lúc nào qui luật sòng
phẳng "gây ông đập lưng ông" lại biểu hiện rõ rệt như thế giới hiện
đại của chúng ta. Đồng thời, một thứ "quy luật" đau thương khác cũng
biểu hiện rõ rệt, "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết". Rất nhiều những
người "thấp cổ bé miệng" phải chịu cảnh đau thương do tham vọng của những quốc gia, những tổ chức và
cả những tôn giáo.
Quả thật, có nhiều thứ
trên bề mặt diễn tiến theo quy luật "cứt trâu hóa bùn", nhưng chính
sự ác thì không phải như vậy. Sự ác là thứ men, thứ mầm độc hại, càng để lâu
càng đè nén một sức mạnh tàn phá lớn. Sự ác có khả năng ẩn nấp, biến thái, lây
lan ghê gớm hơn mọi thứ độc hại khác. Cũng vậy, những mất mát đau thương của
những người bé mọn cũng không thể tàn phai theo năm tháng, nhưng được "tồn
trữ" để mỗi ngày lại trở nên một sức mạnh có khả khơi dậy những mầm móng
của sự thiện.
Những tai họa của nhân
loại trong những năm đầu tiên của thế kỷ XXI này cho thấy có một sự lầm lạc
trong cấu trúc tổng thể của thế giới. Đức Gioan Phaolo II nói :
Thời
đại chúng ta có thể là một thời kỳ mà người ta đã nói và đã viết nhiều nhất về
con người, là thời kỳ của chủ thuyết Duy Nhân bản và của chủ thuyết Qui Nhân
Luận. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ của bao nghịch lý, trong đó con người phải
triền miên sống trong lo âu sợ hãi cũng như phải đối mặt với nhiều vấn nạn đầy
khắc khoải về bản sắc và định mệnh của mình, lời một thời kỳ con người bị hạ
thấp tới bùn đen không thể tưởng tượng trước được, là một thời kỳ các giá trị
nhân bản bị khinh rẻ và bị xúc phạm như chưa từng xảy ra. Vậy làm thế nào để
giải thích được sự mâu thuẫn đó ? Người ta có thể nói được rằng đây là một sự
mâu thuẫn tàn nhẫn, tự đồng hóa với chủ thuyết Duy nhân bản vô thần, đã hiện
hình. Đó là thảm cảnh của con người mà chiều kích cơ bản sự hiện hữu của nó đã
bị cắt xén chiều kích hướng về Tuyệt Đối.[2]
Những điều đó dẫn tới
tình trạng khủng hoảng văn hóa chưa từng có trước đây, như lời đức Gioan Phaolô
II nói :
Ngày nay, chúng ta
đáng phải trải qua một cơn khủng hoảng văn hóa trong mức độ
chưa từng có. Dĩ nhiên nền văn hóa hôm nay chứa đựng nhiều giá trị rất tích cực
mà phần lớn là do sự Phúc Âm hóa mang lại; nhưng đồng thời nó cũng đã gạt bỏ
những giá trị tôn giáo nền tảng và thu nhập những quan điểm trái ngược với niềm
xác tín Kitô giáo.[3]
Những điều được đức
Gioan Phaolô nói từ năm 1979, giờ đây cũng được đức Phanxicô nhắc lại trong
thông điệp Laudato si :
Chủ
thuyết hiện đại con người là trung tâm có kết cục thật nghịch lý khi đề cao tư
tưởng kỹ thuật trên thực tại (...). Thời hiện đại mang dấu ấn của chủ thuyết
đặt con người làm trung tâm thái quá đến nỗi ngày nay đang tiếp tục phá hoại
bất kỳ con đường nào của sự hiểu biết chung và những nỗ lực nhằm củng cố mối dây
liên kết xã hội ...[4]
Nguyên
nhân của cuộc khủng hoảng môi sinh bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng xã hội. Cuộc khủng
hoảng xã hội, ở nền tảng, mang dáng dấp của một bộ máy kỹ thuật phi nhân, vận
hành một cách lạnh lùng và tàn bạo. Một khi cuộc khủng hoảng môi sinh đã trở
nên trầm trọng, có đủ tầm mức dài rộng để quay ngược chống lại chính tác nhân
đã tạo ra nó, thì chúng ta đang chứng kiến một vòng tuần hoàn trói buộc chặt
chẽ tự do của con người, một dòng chảy thừa sức bóp nghẹt những nỗ lực lẻ tẻ
của luân lý cá nhân. Ở đây, độc chất trong cuộc khủng hoảng xã hội và môi sinh
đã thấm nhiễm tới những gì nhỏ bé, bình thường, quen thuộc nhất của cuộc sống
nhân sinh.
Trình thuật cám dỗ
trong sa mạc cho chúng ta thấy sự quỉ quái của satan. Satan không cám dỗ bằng
những điều tội lỗi xấu xa, nhưng khởi đầu bằng những điều nhỏ bé và những gì có
vẻ "tự nhiên". Thật ra, cái ác đã "tu luyện" đã biến hóa mà
không còn mang dáng dấp của ác nữa. Người ta có thể tìm thấy nhiều khuôn mặt
mới của cái ác, cái ác có thể nhân danh cái thiện, cái ác mê hoặc như một
phương cách thực tế, cái ác có được miệng lưỡi đầy lý lẽ, cái ác để đạt được
lợi ích chung ...
2. Thử truy
tìm nguyên nhân
2.1 Đánh mất
ý nghĩa chân thật của con người và vũ trụ
Chúng ta đã quá quen
với những lý lẽ tố cáo chủ nghĩa vô thần, tố cáo một thế giới bỏ Chúa, đánh mất
chiều kích siêu việt... Tuy vậy, hình như những điều ấy dễ trở thành sáo ngữ
hoặc trở thành công thức được nói theo thói quen. Đức Gioan Phaolô II, trong
bản di chúc tinh thần "Ký Ức và Căn Tính", đã phân tích một cách rõ
ràng, cho ta thấy những căn nguyên và hệ quả của cuộc khủng hoảng thế giới hiện
đại chính, khi đánh mất quan điểm triết học đúng đắn của Kitô giáo về hữu thể
và do đó mà đánh mất triết lý về sự ác.
Ở thời
kỳ trước Descartes, triết học, và cogito,
hay đúng hơn cognosco (tôi biết), bị
tùy thuộc vào esse (hữu thể), nó được
xem như cái gì đó trên hết. Đối với Descartes, trái lại, esse - hiện hữu - tỏ ra là thứ yếu, trong khi ông đánh giá cogito mới ở hàng đầu. Như thế, không
chỉ người ta thực hiện sự thay đổi chiều hướng trong cách thức làm triết học,
nhưng người ta còn kiên quyết bỏ đi cái mà triết học đã là cho đến lúc đó, cách
riêng triết học của thánh Tôma Aquinô : Triết
học về hữu thể – esse. Trước đây, mọi sự được diễn dịch trongviễn tượng của
esse và ta tìm kiếm sự giải thích của
mọi sự theo viễn tượng này. Thiên Chúa như Hữu
Thể có khả năng tự túc đầy đủ nhất (ens subsistens) được xem như sự trợ giúp
không thể thiếu cho mọi ens non
subsistens, cho mọi ens participatum,
tức là cho mọi hữu thể tạo dựng nên, và cũng vậy cho con người. “Cogito, ergo sum” mang nơi nó sự cắt đứt
với dòng tư tưởng. Ens cogitans (hữu
thể suy tư) từ này trở nên hàng đầu. Sau Descartes, triết học trở thành một
khoa học của tư tưởng thuần túy (science de la pure pensée) : tất cả cái gì là esse – thế giới được tạo thành này cũng
như Đấng Tạo dựng – đều định vị trên trường của cogito, với tư cách là nội dung của ý thức con người. Triết học nắm
giữ các hữu thể như những nội dung của ý thức, và không phải như những hiện hữu
bên ngoài nó.[5]
Khi mà ý nghĩa căn bản
của hữu thể, tức bản chất thật sự của thế giới, của mỗi sự vật trong thế giới
này không còn được tôn trọng, hoặc bị hiểu cách sai lạc, thì tất cả những gì tỏ
lộ của hữu thể cũng bị lầm lạc. Một cách chung, ta có thể thấy, một khi con
người không còn điểm quy chiếu và Thiên Chúa thì cũng đánh mất "địa tầng
chân thiện mỹ" nơi mỗi sự vật. Khi đó con người chỉ còn mối tương quan
"tay đôi", con người với nhau và con người với thế giới. Chính mối
tương quan mang tính chiếm hữu, khai thác hoặc cạnh tranh giữa con người với
nhau và con người với thế giới đã đưa đến bao nhiêu hệ quả đau thương cho thế
giới hiện đại.
Khi người ta chỉ còn
thấy vũ trụ như khu mỏ để mình khai thác, thì mọi ý nghĩa, mọi phẩm tính sâu xa
của vũ trụ đều tan biến. Khi người ta chỉ thấy mình trong tấm gương so sánh với
người khác, tất nhiên con người chỉ còn có nỗ lực cạnh tranh hơn thua.
Hegel cho thấy thế giới
con người với nhau diễn ra trong một cuộc cạnh tranh chủ nô. Cuộc cạnh tranh ấy
đưa đến chỉ có một người được quyền sống có ý nghĩa, người chủ; và người kia
buộc phải rơi xuống tình trạng nô lệ. Khi thế giới chỉ có "hai
người", chỉ có cuộc chơi tay đôi, con người thật không dễ dàng có thể trở
nên anh em; mà chỉ có thể là cuộc chiến. Không có "cha/mẹ", như khung
trời bao la, làm sao con người có thể có được chân trời để có thể tôn trọng tha
nhân như "anh em" ?
Thế giới cạnh tranh đưa
đến việc phát triển bản lĩnh đối phó, tạo nên những "chiến lược gia",
thế giới nhân loại không còn là nỗ lực "đánh cái gì vì ai", nhưng
biến chất thành cuộc chiến "đánh ai vì cái gì". Quả thật, càng đi vào
cuộc cạnh tranh hơn thua, người ta càng có tư tưởng hẹp hòi và gian dối. Giống
như khi một quốc gia đặt tất cả ý nghĩa của mình vào mục tiêu chính trị, thì
mọi mưu mẹo, mọi phương cách gian dối, lừa đảo, độc ác đều có thể trở nên được
phép, mục đích biện minh cho phương tiện ... Trong bầu không khí ấy, chỉ những
kẻ có bản lãnh cạnh tranh mới có thể tồn tại và vươn lên.
Khi đó, con người không
còn biết trân trọng, không còn biết lắng nghe, không còn biết chiêm ngắm, tức
là những thái độ tin tưởng có một giá trị nền tảng vượt quá năng lực sáng tạo,
vượt quá khả năng lý giải của con người. Khi đó, người ta giản lược sự thật,
cùng cả giá trị thiện ác vào hệ quả lịch sử, theo kiểu "thắng làm vua,
thua làm giặc".
Khi thế giới con người
không có một chuẩn mực nào khác, không có Thượng Đế mà cũng không có những giá
trị siêu hình của bản chất thế giới, con người không còn có thể mở lòng để
chiêm ngắm "logos" như phản ảnh của Thượng Đế trong vũ trụ và trong
con người.
2.2. “Phòng
khám” và “phòng thi”
Từ những suy tư triết
học, chúng ta có thể trở về với những hình ảnh cụ thể cho thấy căn nguyên những
cuộc khủng hoảng của thế giới hiện đại: lầm lẫn giữa "phòng khám" và
"phòng thi".
Con người dường như là
một sinh vật không bao giờ có thể chấp nhận được cái hiện có của bản thân mình.
Khát vọng vươn lên là khát vọng "thâm căn cố đế" trong bản chất người
... Chính vì thế, thế giới con người vẫn không ngừng phát triển và phát triển
ngày một mạnh mẽ hơn ... Mặc dù vẫn có khuynh hướng "minh triết" muốn
khuyên nhủ con người nên tự an ổn với những gì mình đang có, "khéo ăn thì
no, khéo co thì ấm"; nhưng tự trong bản chất người, khát vọng vươn lên và
vươn lên mãi, vẫn luôn là điều không thể bị tiêu diệt ... Chính khát vọng ấy
dần dần đưa thế giới này vào sự đảo ngược lớn, sự đảo ngược giữa "phòng
thi" và "phòng khám".
Thế giới có nhiều thứ
phòng ban. Nhưng ta cũng có thể phác họa bức tranh thế giới trong hai thứ phòng
: phòng thi và phòng khám. Phòng thi thì tìm kiếm "nửa trên" của nhân
loại. Thi sát hạch là cuộc thi lọc lựa những người trên điểm trung bình, đương
nhiên cũng là gạt bỏ những thành phần yếu kém dưới trung bình. Cuộc thi tuyển
lại còn cao cấp hơn nữa, thi tuyển là chọn những con người ưu tú nhất từ trên
xuống mà cả nhiều người trên trung bình, hoặc ưu tú vừa phải cũng phải chịu số
phận thi rớt. Nơi phòng thi, mỗi người phải tự mình khẳng định mình, và đảm
nhận trách nhiệm về đời mình. Phòng thi đưa xã hội vào trật tự có tính thuyết
phục, mỗi người phải ở đúng vị trí của mình, theo đúng như tài năng của mình.
Phòng thi khẳng định một sự công bằng, đưa tới xã hội phân công hợp lý.
Dĩ nhiên phòng thi bao
giờ cũng cần thiết cho sự phát triển xã hội. Nhưng phòng thi cũng chính là nơi
nuôi dưỡng ý thức cạnh tranh. Không thể chối rằng cạnh tranh là một động lực
lớn để phát triển xã hội; nhưng cạnh tranh cũng là phương thức làm toán cuộc
đời, làm toán trên số phận con người. Phòng thi đưa con người vào tình thế bắt
buộc phải dấu đi cái dốt của mình, phải che mắt được giám khảo về khiếm khuyết
của mình. Phòng thi xô đẩy con người vào nguy cơ phạm tội, nếu không phải là
tội gian dối thì cũng thường lại là tội giả hình; phòng thi hợp lý hóa sự bất
bình đẳng trong cuộc đời ...
Trong khi đó, phòng
khám thì ôm lấy "nửa dưới" của nhân loại. Những người đến phòng khám
là những người ít nhiều đã lãnh đủ đòn thù bầm dập của cuộc đời. Phòng khám là
nơi gặp gỡ của những người đau yếu, những người kém cỏi, những người thất bại trong
phòng thi. Những con người ấy cần tới người khác, cần được hiểu cho bệnh tình
riêng biệt của mình. Nơi phòng khám, điều bí ẩn nhất cũng cần được bộc lộ, nơi
kín đáo nhất cũng cần được mở ra, những triệu chứng phức tạp nhất cần được trân
trọng xem xét. Phòng khám là nơi câu chuyện đời được chia sẻ trong lòng khao
khát được hiểu, được đón nhận được cảm thông.
Nếu phòng thi là nơi
cần thiết cho sự phát triển xã hội, thì phòng khám lại là nơi cần thiết cho con
người được là người chân thật. Con người vốn là sinh vật có bệnh và người sống
thật nhất là người dám sống với khuyết điểm của mình. Tự đáy tâm hồn, con người
khát khao được sống trong phòng khám; nhưng bài toán xã hội lại bắt con người
luôn phải bước vào phòng thi.
Xã hội con người chẳng
bao giờ bỏ và cũng không nên bỏ phòng thi, nhưng đặt tất cả vận hành của thế
giới con người vào cuộc thi, thì đó lại là một nguy cơ lớn. Ngược lại, điều
đúng đắn hơn chính là, phòng thi thì cứ thi, nhưng trước cuộc thi, ngoài phòng
thi, và sau cuộc thi, thế giới phải là phòng khám. Không phải ở phòng thi,
nhưng là ở phòng khám mà người ta nhận ra được tình thương đẹp của con người
với nhau, tình thương nâng đỡ từ chân để mọi người tìm được chỗ đứng thỏa lòng,
cho dù là năng lực và đức độ không bằng ai.
Đức Giêsu tuyên bố :
"Người khoẻ mạnh không cần thầy
thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để
kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc 5,31-32). Sứ mệnh chính yếu
của đức Giêsu là thực hiện điều đã được tiên báo trong sách ngôn sứ Isaia :
"Người đã mang lấy các tật nguyền
của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta". (Mt 8,17)
Sự so sánh hơn thua,
nỗi lo không được đón nhận ... đã biến thế giới này thành một phòng thi khắc
nghiệt : môn thi tài năng, môn thi địa vị, môn thi sắc đẹp ..., và môn khắc nghiệt
nhất là môn thi nhân cách ... Con người dường như không thể bỏ đi bệnh
"làm toán". Con người muốn chấm điểm bản thân mình và chấm điểm người
khác, thứ chấm điểm chẳng bao giờ công bằng; vì người ta luôn rơi vào tình
trạng nhân cách yếu : khoan dung cho mình mà lại đòi hỏi người khác. Khi người
ta được lợi trong bài toán bất công, người ta muốn cuộc đời là một phòng thi.
Đó là thái độ của người giầu, người ưu tuyển. Chỉ khi người ta rơi vào tình
trạng bất lợi, bị vùi dập, bị chà đạp, bị loại bỏ ... thì người ta mới dễ nhận
ra nỗi khao khát về một "phòng khám bệnh trong cuộc đời"... Đây lại
là tâm tình sâu xa của những thân phận nghèo.
Trong một thế giới đảo
ngược, người ta đánh mất hệ qui chiếu nền tảng, và người ta sẽ giải quyết mọi
sự cách tùy tiện, ngẫu hứng hoặc theo kiểu vô trách nhiệm.
3. Nền Văn
Minh của Tin mừng
Nền văn minh sự sống và
tình thương cần có một nền tảng; mà nền tảng ấy không chỉ là tình cảm, bấp
bênh, cũng không chỉ là tư cách hành xử khuôn phép, nhưng thiết yếu là một
"thực tại" căn nguyên, một thực tại có khả năng soi chiếu chân lý của
cuộc sống. Nền văn minh ấy được ươm mầm trong một sự sống tinh tuyền, triển nở
như một tình yêu thuần khiết. Thứ sự sống tinh tuyền và tình yêu thuần khiết ấy
chỉ có nơi chính sự sống và tình yêu của Thiên Chúa, và chỉ có thể được ban
tặng trong một Đấng là Đức Giêsu Kitô.
Kitô giáo, tự bản chất,
không đặt nền trên một tư tưởng, không phải là một tư tưởng có khả năng khai
trí, giác ngộ, cũng không phải là đạo luân lý, nhằm đưa ra những mẫu mực luân lý
cao vời. Kitô giáo thiết yếu đặt nền trên thực tại, được diễn tả qua những biến
cố và sự kiện. Tuy vậy, biến cố và sự kiện Kitô giáo không phải là những điều
ngẫu nhiên, mà là những điều có khả năng khai mở chân trời siêu việt.
Kitô giáo đặt nền tảng
trên thực tại và đó là một sự thật "khách quan". Tuy nhiên, quan điểm
sự thật "khách quan" của Kitô cũng khác với quan điểm của văn hóa Hy
Lạp. Người Hy Lạp tìm bản chất "chân thiện mỹ" của thế giới, theo đó,
chân lý ngược với sai lầm. Trong khi
truyền thống Do Thái Kitô giáo lại tìm sự thật như sự trung tín, trung
tín với Đấng là cội nguồn của tất cả vũ trụ. Do đó, điều trái với chân lý chính
là sự bất trung. Nơi đây, bản chất "chân thiện mỹ" của thế giới chỉ
có thể đạt được ý nghĩa trọn vẹn và được thu họp vào ơn cứu độ khi trở nên dấu
chỉ của Đấng Tạo Thành và là nơi diễn ra "câu chuyện tình" chứ không
phải là bài giải "toán học". Thái độ đi tìm chân lý trong truyền
thống này luôn mở ra với cội nguồn uyên nguyên của toàn bộ vũ trụ và luôn luôn
đặt nền trên mối tương quan ngã vị. Kitô giáo, tự căn tính, là thái độ
"sống với ai" chứ không phải "sống thế nào". Kitô giáo cũng
hàm chứa một khẳng định về giá trị ưu tiên của ngã vị trên tất cả mọi trật tự
cũng như mọi sự phát triển "phi nhân". "Ngày sa-bát được tạo nên
cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát". (Mc 2,27).
3.1. Sự sống
tinh tuyền
Đức Giêsu Phục Sinh
chính là nguồn cội của sự sống mới. Từ bầu khí căn phòng đóng kín của các môn
đệ của đức Giêsu cho đến bầu khí của Giáo hội sơ khai ta thấy có một sự biến
chuyển quá rõ ràng. Từ căn phòng "các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người
Do Thái" (Ga 20,19) cho đến thái độ "đơn sơ vui vẻ" (Cv 2,46)
của các tín hữu thời sơ khai, rõ ràng có một sức sống hoàn toàn mới, sức sống
của Đức Giêsu Phục Sinh, và sức sống của cuộc sáng tạo mới trong Thánh Thần mà
đức Giêsu Phục Sinh đã "thổi" trên các môn đệ : "Người thổi hơi vào các ông và bảo : anh em
hãy nhận lấy Thánh Thần ..." (Ga 20,22)
Sự đổi mới kỳ diệu ấy,
trước tiên, có thể cho thấy rõ hơn đường lối mặc khải của Thiên Chúa. Suốt dòng
lịch sử ơn cứu độ, Thiên Chúa luôn tỏ bày chính mình như một sự ẩn dấu, Ngài
mặc khải quyền năng và tình yêu của Ngài như một "Đấng Hoàn Toàn
Khác" với vũ trụ và thế giới con người, Ngài tỏ bày chính Ngài trong những
sự vật tầm thường và những con người yếu đuối, Ngài tỏ bày, nhưng con người lại
không bao giờ có khả năng thấu triệt được chính bản thân của Ngài ... Do đó,
mầu nhiệm tỏ bày của Thiên Chúa vẫn luôn hàm chứa phần ẩn dấu; bầu khí chung
của đạo mạc khải vẫn luôn mang dáng vẻ "lung linh".
Quả thật, trong nhiều
nơi nhiều lúc Thiên Chúa tự mặc khải chính Ngài, sự kiện Giáo hội được khai
sinh nơi những con người tầm thường, được sống còn trước bao nhiêu thử thách,
được lớn lên một cách kỳ diệu qua bao thăng trầm, ... là một dấu chỉ đặc biệt
về quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Chẳng ai có thể làm cho một nhóm
những con người nhát đảm như các môn đệ sau cái chết của đức Giêsu, lại có thể
gây dựng được một cộng đồng đầy sức sống, hiệp nhất với Chúa và nhau ... đến độ
chấp nhận "bán đất đai tài sản" (Cv 2,45) của mình ... Chẳng ai có thể tin được những người quê mùa
và yếu đuối như các tông đồ lại có thể là nền móng cho Giáo hội; chẳng ai dám
tin một tập thể yếu ớt, lỏng lẻo, manh mún ... như Giáo hội trong thực tế, lại
có thể vượt qua bao nhiêu thách đố hiểm nguy để tồn tại cho đến hôm nay ... Sự
hiện diện và sự sống của Giáo hội là một huyền nhiệm làm chứng cho quyền năng
Phục Sinh của đức Giêsu Kitô qua suốt dòng lịch sử.
Sự sống của đức Giêsu
trong quyền năng cuộc sáng tạo mới của Thánh Thần cũng tỏ lộ trong sự qui tụ,
hiệp nhất và phong phú. Từ một cộng đoàn các môn đệ bắt đầu tan rã thì sự sống
mới qui tụ lại, như trong trường hợp hai môn đệ trên đường Emmaus; từ sự chia
rẽ của các môn đệ giữa Tôma và các môn đệ khác lại đã được củng cố vững vàng
hơn trong đức Tin, như trong trình thuật Tin mừng hôm nay; và sự sống của đức
Giêsu tỏ bày trong sức sống phong phú nơi cộng đoàn các tín hữu sơ khai. "Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những
người được cứu độ" (Cv 2,47)
Sự sống chân chính
không phải như một mãnh lực mù quáng, không phải là một phương thức đối đầu,
không phải như một sự trả thù; không phải là một sức mạnh tàn phá ... mà là một
sự sống chân chính, âm thầm lớn mạnh, kiên trì trước mọi thử thách, như một sự
"trưởng thành" đích thực của một sự sống đích thực.
Sự sống mới nơi Đức Giêsu
thật sự tinh tuyền, không mang một chút phẩm tính sự chết. Sự sống ấy có thể bị
đe dọa và bách hại nhưng không đe dọa và bách hại ai, trừ ra là những người
"thần hồn nát thần tính". Ngược lại, chính cái chết của những Kitô
hữu đầu tiên lại còn trở nên chứng tá rõ rệt hơn của sự sống không gì có thể
tiêu diệt được.
Các môn đệ của Đức Giêsu
vẫn mãi mong manh; cộng đoàn các Kitô hữu vẫn mãi nhỏ bé, nhưng sự sống của
Chúa lại tỏ lộ trọn vẹn trong sự mong manh nhỏ bé. Quả thật, mỗi người, hoặc
một số người, Kitô hữu vẫn có thể yếu đuối, vẫn có thể nhát đảm, vẫn có thể
chối từ đức tin và bị vùi dập trong bóng ma của sự chết, nhưng sự sống của Đức
Giêsu nơi cuộc sáng tạo mới của Thánh Thần thì vẫn không bao giờ có thể bị phá
hủy.
3.2. Tình yêu
thuần khiết và phong phú
Nếu mến Chúa và yêu
người là điều tóm lại tất cả giáo huấn của Luật Môsê và các sách ngôn sứ (Mt
22,40); và nếu có thể “định nghĩa” “Thiên Chúa là Tình yêu” và “tình yêu bắt
nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4, 7.8) như thánh Gioan, thì quả thật, chính tình
yêu là trung tâm và là tất cả, tình yêu cứu độ và tình yêu “xét xử”, tình yêu
soi sáng và tình yêu dẫn dắt hành động, tình yêu đòi sám hối và tình yêu thưởng
công bội hậu … Đó là thứ tình yêu vừa là nguyên lý, vừa là phương thức hành
động và vừa là cứu cánh; đó là thứ tình yêu thuần khiết, không pha tạp tính
toán, không pha tạp hận thù, không pha tạp tính cục bộ …; không phải là thứ
tình yêu nửa vời, giới hạn, loại trừ; không phải là yêu đến giới hạn nào đó rồi
biến chất thành trừng phạt; không phải là thứ tình
yêu hạn hẹp, đã yêu người này thì ghét người kia; không phải là thứ tình
yêu ngẫu hứng, thích thì yêu rồi bỗng không thích thì thôi …
Chúa có giận thì cũng
là một thứ tình yêu nồng nàn vì: “Người
nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv
30,6). Chúa có chọn Dân riêng và có những người được yêu thương đặc biệt thì đó
cũng là để những ai được đón nhận tình yêu cách đặc biệt thì có trách nhiệm làm
chứng cho muôn người về tình yêu của Ngài; Chúa có ngừng ban ân huệ cho ai thì
cũng là để cho ai đó biêt sám hối mà trở về trong thế giới yêu thương của Ngài …
Tình yêu cứu độ của
Thiên Chúa như một sự sống “thuần khiết” và “phong phú”. Thứ tình yêu thuần
khiết ấy biến đổi “từ bên trong”, để ai đó được yêu thương, được cứu độ thì
cũng tuôn tràn thứ hoa trái sung mãn của tình yêu cho người khác. Do đó, thế
giới yêu thương của Chúa là thế giới “đông vui”.
Tạm kết
Một xã hội đảo ngược là
một xã hội mất căn tính, một xã hội đeo đuổi những thực tại "trên
ngọn" mà lại bỏ quên "gốc rễ". Rất nhiều sự ác trong cuộc đời mà
một nỗ lực luân lý cá nhân khó lòng giải quyết được, nếu người ta không thấy
được nguyên nhân sâu xa do sự đảo ngược cấu trúc chân thật, sự đảo ngược giữa
"an cư và lạc nghiệp", đảo ngược giữa "cái có và cái là",
đảo ngược giữa "phẩm giá và chức năng" ... Người ta không thấy được
cái toàn thể tế vi của cuộc sống nên thường đâm đầu vào những đường lối giải
quyết lệch lạc.
Trong thế giới bị đảo
ngược, người ta bỏ quên cái "mình là" để vun đắp cho cái "mình
có"; người ta thay thế cho một sự tôn trọng phẩm giá căn bản của con người
để chỉ thấy có sự cao thấp của chức năng;
người ta xum xoe với con người có tiền bạc, có địa vị, có tài năng hay đức độ
mà không đặt mình trong một cộng đoàn "thuộc về" nhau; người
ta bỏ quên cách sống an hòa với người khác để tìm thành công nơi những thứ kỹ
năng giải quyết vấn đề; người ta bận tâm để
thích ứng mà bỏ quên cảm nhận giá trị tự tại "thiêng liêng" trong tâm
hồn; người ta tìm chuẩn mực đời mình bằng cách so chiếu và một thang điểm xã
hội mà không còn biết sáng tạo bản thân mình như một tác phẩm nghệ
thuật; ...
Hơn lúc nào hết, trong
tình hình khủng hoảng về môi sinh và xã hội của thế giới hiện đại, người Kitô
hữu cần hiểu ra ý nghĩa căn nguyên và toàn vẹn của Tin mừng Đức Giêsu Kitô.
Kitô giáo không phải chỉ như một thái độ tôn giáo bên cạnh cuộc sống, nhưng là
nguồn mạch duy nhất cho nền văn minh chân thực. Trách nhiệm "lớn" của
người Kitô hữu thật ra không phải là làm những việc to lớn vĩ đại, nhưng ưu
tiên hơn cả là tìm lại một cấu trúc xuôi chiều cho môi trường sống thường ngày,
là tìm lại, chẳng những "địa tầng chân thiện mỹ" trong cách sống và
cách cư xử, nhưng sâu xa hơn là tìm lại Thiên Chúa như cội nguồn uyên nguyên
của sự sống và tình yêu cho toàn bộ vũ trụ và thế giới hôm nay.
Chỉ có một sự sống tinh
tuyền, thật tinh tuyền nơi đức Giêsu Phục Sinh, mới có thể "phục
sinh" sự sống đích thực cho nhân loại. Đức Giêsu Phục Sinh
"thổi" Thánh Thần Sáng Tạo trên cộng đoàn các môn đệ và các Kitô hữu
đầu tiên, chuyển thông sự sống của Thiên Chúa cho con người.
Chỉ có tình yêu của
Thiên Chúa mới có thể cung cấp nguồn mạch cho sự sống của nhân loại hôm nay,
thứ tình yêu có lẽ giống như thứ tình cảm của con người một phần, nhưng chắc
chắn giống nhiều hơn như một sự sống. Tình cảm thuần túy sẽ bấp bênh theo hoàn
cảnh, luôn phiếm diện và bị phai lạt theo thời gian; nhưng tình cảm xuất phát
từ sự sống đích thực thì có khả năng tăng trưởng đúng đắn, lan tỏa sức sống
chân thật đến mọi lãnh vực và chín mùi trong sự hy sinh bản thân cho người mình
yêu thương. Sự sống mới từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô đích thực là lòng
thương xót làm cho nhân loại được sống và sống dồi dào.
[1] Tông Huấn Octogesima advediens 14-5-1971, trích
lại trong Laudato si, số 4.
[2]Gioan
Phaolo II, Diễn văn tại khoa họp khoáng
đại lần thứ III của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh ở Puebla ngày
28-01-1979, trích lại trong Gioan Phaolo II, Lương Tâm Nhân Loại, bản dịch của lm. Nguyễn Hữu Thy, trang 57-58.
[3] Ibid., tr. 68
[5]Gioan Phaolô II, Ký
Ức và Căn Tính, Phần I,2, “Hệ tư tưởng của sự dữ”.
Đăng nhận xét