Tôn trọng sự sống theo mặc khải Thánh kinh

Vatican II, trong Hiến Chế Ánh sáng muôn dân, khẳng định: “Tính bất khả xâm phạm tuyệt đối
của mạng sống con người vô tội là một sự thật chân lý
được chỉ dạy rành mạch trong Thánh kinh,
được luôn luôn duy trì trong Giáo hội,
và được quyền giáo huấn nhất trí đề ra
” (số 12).
Ts. Giuse Trần Công, OP.

Mỗi ngày, khi đọc báo hoặc xem thời sự, chúng ta luôn có thể nghe được thông tin về các vụ chém giết trả thù lẫn nhau, các vụ bạo hành trẻ em, phụ nữ … Hoặc chỉ cần vào Google, chúng ta có ngay thông tin về thực trạng nạo phá thai ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Những hiện tượng này ngày một tràn lan khắp nơi, đẩy xã hội đến một “nền văn hóa sự chết”.
Đứng trước thực trạng đó, Giáo hội, bằng nhiều văn kiện, giáo huấn của hàng giáo phẩm, không ngừng kêu mời mọi người thành tâm thiện chí, “xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống”. Giáo hội luôn kiên định giáo huấn của mình và “đứng về phía sự sống”.
Người ta sẽ hỏi: dựa vào nền tảng nào để Giáo hội luôn kiên định lập trường “tôn trọng sự sống” như vậy?  Bài viết này xin được trả lời phần nào câu hỏi này, dựa trên mặc khải Thánh kinh.
Thiên Chúa sáng tạo sự sống
Sách Sáng Thế cho biết, Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo con người. Người sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. “Thiên Chúa lấy bụi đất nắn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Như vậy, sự sống con người là do Chúa làm ra. Các sách Khôn ngoan và Ngôn sứ không ngừng lặp lại tư tưởng này. Ngôn sứ Giêrêmia cho biết Thiên Chúa đã phán với ông: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi” (Gr 1,5).
Tác giả Thánh vịnh cũng đã nhiều lần cất cao bài ca ca tụng và tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng tạo thành sự sống con người. Chính Thiên Chúa đã cấu tạo nên con người để con người được hình thành trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con” (Tv 139, 13). Rồi cũng chính Thiên Chúa là Đấng cho con người được sinh ra: “Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ” (Tv 71, 6).
Nhiều bản văn Kinh thánh khác cũng xác tín nguồn gốc sự sống con người đến từ Thiên Chúa, “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (x. Cv 17,28).

Thiên Chúa là Chủ sự sống
Thiên Chúa nắm quyền tuyệt đối trên sự sống do Người tạo ra. Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Kinh thánh luôn khẳng định điều đó. Chẳng hạn, ông Gióp cho rằng, Thiên Chúa có toàn quyền trên sự sống: “Chính Người nắm trong tay hồn của mọi sinh linh cũng như hơi thở của mọi xác thịt người phàm” (G 12,10). Thánh vịnh gia cũng xác tín như thế: “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104,30).
Thiên Chúa là Đấng nắm quyền sinh tử của con người. Sách Khôn ngoan nói rõ: “Chính Thiên Chúa có quyền trên sự sống và sự chết, Ngài đẩy xuống âm phủ rồi lại đưa lên” (Kn 16,13). Sách Đệ Nhị Luật và sách 1 Samuen cũng có một niềm xác tín tương tự: “Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử…” (Đnl 32,3; 1Sm 2,6).
Như vậy, sự sống con người là của Chúa, chứ con người không có toàn quyền trên sự sống của mình và của người khác. Phạm đến sự sống là phạm đến quyền của Thiên Chúa.
Sự sống – hồng ân Chúa ban
Thiên Chúa tự do ban cho con người được hiện hữu, tức là ban sự sống cho con người. Như vậy, sự sống là hồng ân, là quà tặng. Quà tặng ấy được thể hiện trước hết ở chỗ con người là chóp đỉnh của công trình tạo dựng, vì con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, và được Chúa trao quyền làm bá chủ muôn loài (x. St 1,27-28).
Sự sống con người có tính chất thánh thiêng, vì chính Thiên Chúa đã “thổi sinh khí vào lỗ mũi con người”, làm cho con người trở thành sinh vật. Đó cũng là một hồng ân!
Thiên Chúa lại ban cho con người phẩm giá cao quý, như tác gải Thánh vịnh khẳng định: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên…” (Tv 8,6).
Sách thánh còn nói đến “sự sống như là hồng ân Chúa ban”, khi nói về con cái – sự sống mới. Sách Sáng Thế cho biết, khi hạ sinh Cain, bà Evà đã nói: “Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người” (St 4,1). Tác giả Thánh vịnh cũng khẳng định rõ ràng “con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127,3).
Phải tôn trọng sự sống
Kinh thánh cho chúng ta biết sự sống con người cao quý như thế, nên người ta phải tôn trọng sự sống.
Đối với người Do Thái, “máu là sự sống”, thế nên, ai đổ máu người khác thì sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt. Cain đã giết em mình, và máu của Aben đã kêu lên Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chúc dữ và trừng phạt Cain (St 4,2tt). Thiên Chúa cũng tuyên bố: “Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra” (St 9,5).
Khi ký kết giao ước với dân Israel, Thiên Chúa ban cho họ Thập giới, như là trọng tâm của giao ước. “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13) là giới luật thứ năm trong 10 giới luật thánh thiêng đó. Giết người thì phải “lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, tay đền tay…” (Xh 21,22) đã đành, nhưng gây thương tích cho người khác thôi cũng phải đền bù thích đáng (Xh 21,12tt).
Như vậy, Cựu ước đề cao giá trị của sự sống và việc bảo vệ sự sống, nhưng có thể nói, đó chỉ là sự sống thể lý.
Vào thời Tân ước, khi đi rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu cũng nhắc lại giáo huấn tôn trọng sự sống, “không được giết người”, của Cựu ước, và Người làm cho giới luật này hoàn hảo thêm. Con người không chỉ “không được giết người”, mà còn phải thực hiện hành vi tích cực hơn nữa: “Yêu người thân cận như chính mình” (Mt 19,19). Phải giúp đỡ mọi người, bất kể họ là ai, thuộc tôn giáo, chủng tộc nào… như người Samari nhân hậu, đã sẵn lòng giúp đỡ kẻ bị cướp, nửa sống nửa chết bên vệ đường.
 Giới luật “ngươi không được giết người” phải được thực thi ở mức độ cao hơn. Chúng ta nhận thấy điều này nơi Bài giảng trên núi: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5,21-22).
Theo giáo huấn của Chúa Kitô, các Tông đồ cũng khuyên dạy các tín hữu tôn trọng sự sống qua hành vi yêu thương. Thánh Phaolô cho rằng giới răn “yêu người thân cận” cô đọng mọi giới răn, và “yêu thương thì không làm hại người thân cận” (Rm 13,10). Thánh Giacôbê dạy rằng các tín hữu làm điều tốt khi chu toàn luật Thánh kinh “yêu người thân cận như chính mình” (Ga 2,8). Và thánh Gioan thì khẳng định, “ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân” (1Ga3,15).
Như vậy, Kinh thánh trình bày cho chúng ta những bằng chứng sống động về nguồn gốc sự sống con người – do Chúa sáng tạo và làm chủ, đồng thời dạy chúng ta tôn trọng hồng ân sự sống. Tôn trọng sự sống không chỉ là “không được giết người”, nhưng còn phải được thể hiện qua hành vi “yêu người thân cận như chính mình”.

Đó là nền tảng để Giáo hội xác tín sự sống con người là bất khả xâm phạm trong mọi giai đoạn, mọi hoàn cảnh, như Công đồng Vatican II, trong Hiến Chế Ánh sáng muôn dân, khẳng định: “Tính bất khả xâm phạm tuyệt đối của mạng sống con người vô tội là một sự thật chân lý được chỉ dạy rành mạch trong Thánh kinh, được luôn luôn duy trì trong Giáo hội, và được quyền giáo huấn nhất trí đề ra” (số 12).

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn