Có thể nói rằng
đối thoại diễn tả cái sâu xa nhất nơi hữu thể.
Khi đối thoại, con người hiện hữu đầy đủ,
vì đối thoại diễn tả ơn gọi tận căn của họ là yêu thương,
biến ơn gọi đó thành hiện thực. Đối thoại đối với tình yêu
tựa như sự hiện hữu đối với hữu thể.
đối thoại diễn tả cái sâu xa nhất nơi hữu thể.
Khi đối thoại, con người hiện hữu đầy đủ,
vì đối thoại diễn tả ơn gọi tận căn của họ là yêu thương,
biến ơn gọi đó thành hiện thực. Đối thoại đối với tình yêu
tựa như sự hiện hữu đối với hữu thể.
Giuse Nguyễn Bảo Huân Chương,
Dòng Thừa Sai Đức Tin
Dòng Thừa Sai Đức Tin
DẪN NHẬP
“Để có thể là mình hãy đối thoại với người
Nhưng để đối thoại với người mình phải
là mình”
(Paul
Ricoeur)
Quả thế, con người
khi vừa sinh ra chưa ai có thể đạt đến sự thành toàn. Con người tự bản chất có
nhu cầu phải được lớn lên về mọi phương diện. Nơi đó, con người cần có tương
quan mới có thể phát triển quân bình tâm lý. “Con người để đạt đến sự thành toàn siêu việt của chính bản thân cần có
sự tương tác của mọi hữu thể hiện sinh”.[1] Hơn ai hết,
người thụ huấn cần có sự “tương tác” này. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của môi trường
xã hội sẽ tạo nên nơi con người một dạng thức mới. Nơi đó, con người trở nên
khôn ngoan, phong phú do sự tương tác lẫn nhau. Và khi nói đến sự tương tác,
không thể không nhắc đến vấn đề đối thoại.
Từ sau Công đồng chung Vaticanô II, danh từ “đối thoại”
được nói tới rất nhiều trong các mối tương quan. Hơn bao giờ hết, con người thời nay khao khát
được đối thoại. Trong bài viết này, chúng ta cùng bàn đến việc đối thoại trong
tiến trình đào tạo tu sĩ hiện nay.
I.
Một số khái niệm
1.
Đối thoại
Trong Tiếng Việt, đối thoại là một từ tương đối mới, đối
thoại được hiểu một cách đơn giản: “Là
nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau. Mục đích để bàn bạc, thương
lượng trực tiếp với nhau để giải quyết các vấn đề tranh chấp.” [2]
Xét theo nguyên
nghĩa, đối thoại được dịch từ tiếng Hy Lạp “Διάλογος: Dialogos” bao gồm tiền tố “Dia”: Chia tách, phân tích, xuyên qua,
liên thông và “Logos”: Lời nói, lý luận,
trí tuệ, sự khôn ngoan hay sâu xa hơn là ý niệm. Trong triết học Hy Lạp, “Logos”
là nguyên lý tác thành và điều khiển vạn vật. Trong Cựu ước, “Logos” là
quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa và là sự mạc khải của Thiên Chúa. Đối với đức
tin Kitô giáo, “Logos” chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, Lời mạc khải Thiên
Chúa cho chúng ta, với cao điểm là công cuộc Nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô.[3]
Sự phối hợp giữa “Dia” và “Logos” dẫn đến việc
điều chỉnh tất cả con người theo thực tế "bởi chân lý và tình yêu”, một thế
đứng tự hủy theo gương con người Đức Giêsu Kitô, một thúc đẩy của đức ái đối với
thế giới. Thay vì là một "song thoại" hay một tích lũy nhiều độc thoại,
đối thoại dẫn đưa và tham dự vào mầu nhiệm của Ngôi lời nhập thể, mầu nhiệm của
tương quan, như Giáo hội vốn kinh nghiệm qua và trong thực hành của mình.
Đối thoại cần phải được tiếp cận với một đòi
hỏi hoàn toàn khác đòi hỏi của việc sử dụng thông thường nó nếu như chúng ta muốn
thực hiện một hành trình phải cho phép mỗi người ở vị trí của mình trong sự tôn
trọng trọn vẹn căn tính của mình, và trong tương quan hiệp thông với người
khác.[4]
Trong triết học, “đối thoại được xem là một trong những đề tài chính, nó nói lên sự cởi mở
trao đổi quan điểm giữa người với người, tránh thái độ quan liêu” [5]. Theo triết
gia thời cổ đại Socrates, “đối thoại được sử dụng như là một đường hướng triết lý giáo dục. Dưới
cái nhìn của ông, đối thoại là thái độ dấn thân tìm kiếm, truy tìm chân lý, xây
dựng nền cảm thông giữa người với người.”[6] Và
sau này Platon, người đồ đệ ưu tú của Socrate đã viết khoảng 24 “đối thoại” và
13 bức thư. Hầu hết các tác phẩm của Platon đều được trình bày bằng các “đối
thoại”, được dàn dựng như một vở kịch.
Như vậy, ta có thể hiểu “đối thoại” là cuộc
gặp gỡ trao đổi một cách cởi mở, dựa trên tình yêu và chân lý giữa hai hay nhiều
chủ thể. Chính nhờ đối thoại, mọi hiểu lầm, nghi kỵ, chống đối, hận thù, chia rẽ...
được tẩy xóa để làm nên một tương quan mới. Mục đích cuối cùng của đối thoại là
để hiểu, chấp nhận, tha thứ và hướng đến một sự hiệp nhất trong tình yêu Thiên
Chúa.
2.
Đào tạo
Đào tạo là một tiến
trình phong phú và phức tạp. Thật khó để có thể tìm được một từ ngữ nào có thể
truyền đạt thực tại của việc đào tạo và những dị biệt của nó.
Đào tạo có thể được xem là
một quy trình tương tác của mọi hữu thể hiện sinh hướng về sự hoàn thành bản
thân. Áp dụng vào con người, đó là một tiến trình thành nhân có bản chất mang
tính phát triển, năng động của chính cuộc sống nhân bản.”[7]
Trong từng linh đạo của mỗi hội dòng những
chiều kích đào tạo được quan tâm khác nhau. Thông thường tu sĩ được đào tạo
trong 4 chiều kích: nhân bản, tâm linh, tri thức và mục vụ. Mục đích hay cứu
cánh của việc đào tạo là giúp cho người thụ huấn ngày trở nên đồng hình đồng dạng
với Chúa Giêsu.
Theo cha Amadeo Cencine, tu sĩ người Ý rất
nổi tiếng về khả năng và sự nhạy bén trong vấn đề đào tạo, đặc biệt về đời
thánh hiến, tiến trình đào tạo được xây dựng trên ba trụ cột: Giáo dục, Huấn
luyện và Đồng hành. Giáo dục phải đi trước trong vấn đề đào tạo: “Giáo dục trước hết là phân giải cái tôi
riêng của một con người như nó là, nếu người ta muốn, sau đó làm cho nó trở
thành như nó phải là”[8].
Trong tiến trình này, cá nhân con người không thể tiến lên một mình, nhưng nó cần
một sự huấn luyện thường xuyên và liên tục trong những giai đoạn khác nhau, đồng
thời cần một sự giúp đỡ bên ngoài, một sự đồng hành.
Quả thực, như Lời Giới Thiệu trong cuốn
sách Trên đường Emmaus của linh mục
Giuse Phạm Quốc Văn, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã ví von việc đào tạo
chẳng khác gì một buổi hòa nhạc:
Người ta thường nói một buổi hòa nhạc thành công đòi hỏi ít nhất
phải hội đủ bốn yếu tố chính: có một bản nhạc hay, các nhạc công giỏi, một nhạc
trưởng tài ba và khán giả thích hợp. Thiếu một trong bốn yếu tố đó, khó có thể
đạt được một buổi hòa nhạc thành công. Tương tự như vậy, để chương trình đào tạo tu sĩ
đạt được kết quả mong muốn ít nhất phải hội đủ bốn yếu tố căn bản sau đây: một
chương trình giáo dục tốt, một giới trẻ ham học và tài năng, một đội ngũ phụ
trách đào tạo vừa yêu nghề vừa có trình độ, một cộng đoàn thích hợp.[9]
II. Nền tảng của đối thoại
1.
Phát xuất mầu nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi
Trải qua dòng lịch sử cứu độ, Thiên
Chúa đối thoại với con người theo cách tịnh tiến qua các ngôn sứ và đặc biệt
qua chính Con Một của Ngài là Chúa Giêsu.
Để đối thoại với chúng ta Ngài “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14) và Ngài đã tỏ mình ra
cho chúng ta như một mầu nhiệm của tình yêu vô tận, trong đó Chúa Cha từ thuở đời
đời diễn đạt Lời của Ngài trong Chúa Thánh Thần. Và Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh bởi
Đức Trinh Nữ Maria, đích thực là Ngôi Lời Thiên Chúa và trở nên đồng bản thể với
chúng ta. Sự kiện Thiên Chúa ngỏ lời với dân Ngài có nghĩa là Ngài kêu gọi họ
đi vào cuộc đối thoại với chính Ngài. Trong cuộc đối thoại này, chúng ta đối
thoại với Thiên Chúa bằng chính Lời của Ngài. Qua đối thoại, chúng ta hiểu được
chính mình và tìm được câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất trong trái tim
chúng ta. [10]
Cuộc đối thoại không
ngừng của Ba Ngôi Thiên Chúa đã mở ra cho ta thấy nền tảng sâu xa của đối thoại
là tình yêu. Tình yêu Ba Ngôi đã kích thích và làm phong phú một kiểu cách đối
thoại trong đời sống người tín hữu. Người Kitô hữu bén rễ trong mầu nhiệm Ba
Ngôi, nhận thức được vấn đề đối thoại như một đòi hỏi cần thiết của ơn gọi làm
người và làm Kitô hữu. Điều này đã được thánh sử Gioan ghi lại như sau: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ
trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” (Ga 17,
11b)
Như thế, con người được Thiên Chúa yêu thương sẽ có khả năng yêu thương người
lân cận. Được tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi bao bọc và lôi cuốn, từ đây con người
có khả năng thể hiện tình yêu của mình trong đời sống thường ngày. Và khi được
đức tin nuôi dưỡng, tình yêu sẽ không ngừng chiếu sáng, vượt thắng những khổ nhọc
trên đường đời. Tình yêu đó được bày tỏ trong đối thoại. Qua đối thoại bằng lời
nói và cử chỉ, ta có thể thấy những con người khác biệt nhau nhưng hiệp thông với
nhau.
Có thể nói rằng đối
thoại diễn tả cái sâu xa nhất nơi hữu thể. Khi đối thoại, con người hiện hữu đầy
đủ, vì đối thoại diễn tả ơn gọi tận căn của họ là yêu thương, biến ơn gọi đó
thành hiện thực. Đối thoại đối với tình yêu thương tựa như sự hiện hữu đối với
hữu thể. Là cách bày tỏ tình yêu, đối thoại đưa tình yêu vào trong đời sống cụ
thể thường ngày. Đối thoại giúp người ta ra khỏi mình và đón nhận người khác, tạo
nên sự tương giao giữa hai bên. Đối thoại là ngôn ngữ của tình yêu, nơi tình
yêu cư ngụ và có thể tỏ lộ. Vì thế, nơi nào không có tình yêu thì không có đối
thoại. Tương tự như vậy, có thể nói rằng không có đối thoại thì cũng không có
tình yêu.
2. Theo giáo huấn của Giáo hội
Từ ngày lễ hiện xuống,
cộng đoàn Giêrusalem, một cộng đoàn “một
trái tim và một tinh thần” (Cv 4,32), đã có sự tranh cãi về chuyện phân
phát tiền bạc và giải thích việc tuân giữ lề luật. Dù vậy,
Mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Thánh Thần
đã liên kết cộng đoàn lại với nhau, mà phẩm trật là dấu chỉ hữu hình, không có
nghĩa là một sự đồng tâm nhất trí “suông sẻ” mà không có sóng gió. Tranh cãi và
lý luận là những dấu chỉ của một Hội thánh luôn luôn được Thánh Thần đổi mới. Một
sự đồng tâm nhất trí hoàn hảo sẽ là dấu chỉ sự bất động của cái chết.[11]
Giáo hội tiếp nối sứ
vụ loan báo Tin mừng. Sứ vụ này không thể hoàn thành nếu thiếu đối thoại. Vì nó
xuất phát lừ chính sự đối thoại yêu thương ban ơn cứu độ của Chúa Cha với nhân
loại qua Chúa Con và trong quyền năng Chúa Thánh Thần.[12]
Trong sắc lệnh Ad Gentes, Công đồng Vaticanô II xác định rằng:
Chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng
theo kiểu loài người để dẫn đưa họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của
Người đã thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống,
và phải đàm thoại với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại
đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho
các dân tộc; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc Âm chiếu soi
những ân huệ đó, giải thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế (AD
11).
Trong cuộc gặp gỡ với
các Giám mục Việt Nam, Đức Gioan Phaolô II cũng đã nhắc các giám mục thực hiện
việc đối thoại để đem lại hy vọng cho đất nước. Ngài nói:
Muốn cho sứ mệnh
yêu thương và phục vụ được trường tồn, Giáo hội Công Giáo cũng được mời gọi
chia sẻ hy vọng của mình, bằng cách liên tục đề nghị con đường đối thoại, có
nguồn gốc và được phong phú hoá trong sự đối thoại cứu rỗi của tình yêu Thiên
Chúa Cha với nhân loại, nhờ Người Con và trong sức mạnh của Thánh Thần. Một sự
đối thoại có uy tín và xây dựng giữa mọi thành phần xã hội nhân sự mà thôi cũng
đủ cho phép đem lại hy vọng mới đối với toàn dân Việt Nam.
Trong thế giới hôm nay và trong Hội
thánh toàn cầu, ‘đối thoại là tên gọi mới của niềm hy vọng” bởi vì nó mở cửa
cho tương lai... Đối thoại để hiểu biết, chấp nhận nhau, tôn trọng và yêu
thương nhau, cùng nhau xây dựng tương lai và thăng tiến cuộc sống...
3.
Nền tảng triết học
Mỗi cá nhân không chỉ là một cá thể nhưng
là một nhân vị. Tiếp xúc với người khác là tiếp xúc với một chủ thể, một nhân vị
phải tôn trọng.
Nhân vị là một bản thể có tương quan phẩm chất với người khác, cái
khác và Đấng khác. Mối tương quan này không phải là cái gì tuỳ nghi hay phụ thuộc.
Nhân vị là một hữu thể tự tại, bất khả phân chia, cá biệt và do đó độc nhất vô
nhị. Tuy nhiên, nhân vị không phải là một hữu thể khép kín, nhưng tự bản chất
là một hữu thể tương quan và mở rộng cho tha nhân, cũng như với tập thể. Theo
thánh Tôma Aquinô, ‘nhân vị là một tạo vật đẹp nhất và cao quý nhất trên đời,
vì là một hữu thể tự tại và có lý tính.’[14]
Vì vậy, tự bản chất người khác không những
không thể đồng hóa với ta, mà còn thực sự khác ta. Chính sự khác biệt này ta
tìm được nét đặc thù hay căn tính làm nên con người họ. Họ là chính họ chứ
không phải ta hay người khác. Sự khác biệt này không đi đến đối kháng, loại trừ
nhau nhưng tạo sự đa dạng và làm giàu cho xã hội, cho tập thể. Và để bắc một nhịp
cầu hướng đến sự cảm thông, chia sẻ và yêu thương không thể không có đối thoại.
Đối thoại chính là cách cửa mở ra cho ta thấy những chân trời mới với nhiều điều
mới lạ nơi những con người khác biệt.
4.
Nền tảng tâm lý học
Giữa cá nhân có những sự khác biệt về tâm lý. Nguyên nhân
do nhiều yếu tố chi phối, trước hết do mỗi con người có những đặc điểm riêng về
cơ thể, giác quan, hệ thần kinh và não bộ. Thứ đến, mỗi người có hoàn cảnh sống
khác nhau, điều kiện giáo dục khác nhau và đặc biệt là mỗi cá nhân thể hiện mức
độ tích cực hoạt động, tích cực giao lưu khác nhau trong cuộc sống.[15]
Từ sự khác biệt về
tâm lý giữa cá nhân dẫn đến có những khác biệt về quan điểm, ý kiến, sở thích,
thói quen... Khi sống chung, dần dần giữa cá nhân sẽ nhận ra những khác biệt của
nhau, và sự khác biệt này dễ dẫn đến những mâu thuẫn nếu ta không có sự nhận thức
đúng về mình và người khác. Tuy nhiên tự bản chất, mâu thuẫn không là điều tiêu
cực, nếu biết cách đối thoại mâu thuẫn sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của cá
nhân và tập thể.
III. Diễn biến đối thoại
Trong quá trình truyền
nhận một thông điệp trong đối thoại, người gửi và người nhận đều phải đi theo một
lộ trình nhất định: Với người gửi (Ý tưởng – mã hóa – gửi), với người nhận (Nhận
– giải mã – hiểu – hồi đáp).
Đối thoại có thể nói là một nghệ thuật và
có sự khác biệt tuỳ vào lối nhìn, quan điểm của mỗi người nên đối thoại bao giờ
nó cũng mang tính chất sáng tạo. Vì thế, đối thoại nơi mỗi người mỗi khác.
Nhưng nghệ thuật, dù sáng tạo đến đâu cũng có thể tuân theo một số quy luật. Vì
thế, diễn tiến của đối thoại là một quá trình gồm nhiều bước. Mỗi bước đòi hỏi
người đối thoại phải tinh tế và tuân theo những nguyên tác nhất định.
1.
Thái độ tin tưởng và tôn trọng
Đối thoại là thái độ đón tiếp một con người
vào trong tâm hồn. Bắt đầu đối thoại là bắt đầu mở cửa tâm hồn, mở con tim để
đón nhận người khác. Chính vì thế, đối thoại có khi khởi sự bằng nụ cười, bằng
cử chỉ bắt tay, bằng ánh mắt chứa chan tình thương mến.
Bất cứ ai, nếu đối thoại với thái độ tin
tưởng và tôn trọng lẫn nhau đều thấy rõ hiệu quả đối thoại sẽ tốt hơn. Với sự
tin tưởng và sự tôn trọng, cuộc đối thoại sẽ cởi mở hơn và thẳng thắn hơn. Do vậy,
cuộc hội thoại giữa hai người sẽ mang tính tương tác nhiều hơn và tất nhiên sẽ
hiệu quả hơn.
Thái độ hoài nghi, thiếu tin tưởng, tôn trọng,
và nhất là thành kiến xấu, ngay từ đầu là chướng ngại cho cuộc đối thoại. Tương
giao trong đối thoại không thể thiết lập được giữa hai người thiếu tin tưởng lẫn
nhau.
2.
Gặp gỡ, gợi chuyện
Gợi chuyện là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự
tế nhị tối đa. Có nhiều cách gợi chuyện rất vụng về, làm cho người đối thoại bực
mình ngay lừ lúc đầu. Khi gợi chuyện, phải rất nhẹ nhàng và tôn trọng người đối
thoại. Cách gợi chuyện không được gượng ép, phải biểu lộ sự thiết tha muốn thiết
lập tương giao. Cách gợi chuyện thay đổi tuỳ đối tượng là những người nói nhiều
hay ít. Người gợi chuyện phải biết chờ đợi, không được hấp tấp. Muốn thiết lập
tương giao phải có thời gian.
3.
Lắng nghe và trao đổi
Nghe và nói khi nào? Người đối thoại phải
là người biết lắng nghe với tất cả tâm hồn, tất cả trái tim. Thái độ lắng nghe
làm cho chúng ta trở nên rất tinh ý. Chúng ta nghe khi người đối thoại muốn
nói, và chúng ta nói khi người đối thoại muốn nghe hay nghe làm sao cho người
ta nói, nói làm sao cho người ta nghe.
Những
người không biết nghe hoặc nghe cách lãnh đạm, dửng dưng không thể đối thoại được.
Nghe để bắt bẻ không là hành vi đối thoại. Phải nghe cách chăm chú, với cảm
tình, dù tha nhân nói điều không đúng.
Phải nói khi thấy người đối thoại muốn
nghe hay đang chờ đợi. Một sự thinh lặng không đúng lúc sẽ làm cho cuộc đối thoại
trở nên nặng nề. Dù chúng ta ít nói bao nhiêu đi nữa, hãy cố gắng trả lời câu hỏi
và nói đôi điều khi thấy người khác chờ đợi. Nếu ta không nói gì, người đối thoại
rất khó tiếp tục câu chuyện với chúng ta.
Bước
thứ ba này được coi như là phần chính của diễn tiến đối thoại, ít là về phương
diện nội dung. Những lần nghe và nói xen kẽ nhau phải biểu lộ tối đa thiện chí
muốn lắng nghe, trao đổi, tìm hiểu, yêu thương...
4.
Biểu lộ lập trường khi thuận lợi
Không phải lúc nào chúng ta cũng biểu lộ lập
trường, nhất là trong những chuyện không quan trọng. Khẳng định lập trường
trong những việc nhỏ có khi dư thừa, đôi khi còn có hại.
Có những lúc chúng ta không thể không nói
ra lập trường, quan điểm của mình, dù lập trường ấy khác biệt với quan điểm của
người đối thoại. Cách biểu lộ quan điểm của chúng ta phải rất từ tốn, khiêm nhường,
không áp đặt. Dù ta không đồng ý với quan điểm của người đối thoại, ta vẫn tán
đồng với con người, vẫn đón nhận, yêu thương, tôn trọng con người ấy. Có khi phải
từ chối đề nghị, không chấp nhận tư tưởng của người đối thoại. Nhưng không bao
giờ chúng ta được từ khước bản thân con người ấy.
Bước thứ tư này cũng có thể là lúc các người
đối thoại cố gắng thống nhất ở những điểm chung và không để cho rạn nứt vì những
điểm bất đồng.
5.
Kết
thúc đối thoại
Khi kết thúc đối thoại, cần phải biểu lộ sự
sung sướng, hài lòng vì đã được trải qua một khoảng thời gian trao đổi, tiếp
xúc đối thoại. Phải coi cuộc gặp gỡ như là một hồng ân hay là một cơ hội mang lại
niềm vui và nhiều lợi ích. Trong phần cuối cùng này, chúng ta biểu lộ ước mong
gặp lại người đối thoại. Cuộc đối thoại kết thúc với một thái độ nội tâm giống
như trong bước khởi đầu, đó là thái độ yêu thương và tin tưởng. Giờ đây, tình
yêu còn đậm đà hơn, sự tin tưởng sâu sắc hơn trước.
IV. Chân dung và vai trò của người đào tạo và người thụ huấn trong đối
thoại
1.
Chân dung người đào tạo và người thụ huấn
1.1.
Chân dung người đào tạo
Người đào tạo đích thực là Thiên Chúa, và nói rõ hơn là Chúa Ba
Ngôi. Chúa Cha giáo dục, Chúa Con huấn luyện, Chúa Thánh Thần đồng hành. Đó là
hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người chỉ là người đào tạo trung gian
không phải nhân vật chính. Vai trò của người đào tạo là đứng giữa Thiên Chúa Ba
Ngôi và một thọ tạo là người thụ huấn. Vì thế người trung gian tốt nhất là người
ý thức mình không đóng vai trò chính; là người hiểu biết, chỉ có mặt để làm cho
cuộc gặp gỡ được dễ dàng hơn thôi, tuy nhiên vai trò trung gian không thể thiếu.[16]
Như
vậy, người đào tạo trước hết là người đào tạo người khác. Cụ thể trong đời sống
tu trì, người đào tạo đảm trách vai trò đào tạo nhân bản, tri thức, tâm linh và
mục vụ cho người thụ huấn. Hay nói cách khác, người đào tạo giúp cho những người
đang muốn dấn thân trong đời sống tu trì hiểu biết và đáp trả lại thánh ý của
Thiên Chúa trên chính cuộc đời họ. Ngoài ra người đào tạo còn là người mang
trong mình tình yêu của Chúa Kitô và tình yêu ấy phải đủ mạnh để đưa người đào
tạo đến những kinh nghiệm sâu xa trong việc gặp gỡ Thiên Chúa và từ đó người
đào tạo có thể hướng dẫn và chia sẻ cho người thụ huấn vì mục đích của đời dâng
hiến là trở nên đồng hình đồng dạng với đức Kitô. Tình yêu này phải có sức tỏa
chiếu trên những nguyên tắc và thể hiện qua thái độ ứng xử của người đào tạo.
Tuy nhiên, thách đố mà người đào tạo gặp
phải trong việc đào tạo những thế hệ trẻ hôm nay là không nhỏ. Sống trong một
xã hội có quá nhiều biến chuyển và phức tạp, những dấu ấn từ quá trình công
nghiệp và công nghệ hóa để lại nơi người trẻ là rất lớn và chúng được người trẻ
mang theo vào dòng tu. Những dấu ấn này có thể là nguyên nhân dấn đến những xáo
trộn trong cộng đoàn khi người huấn luyện không giúp cho người thụ huấn biện
phân và loại bỏ những gì không phù hợp với đời tu. Mặt khác, cũng có những vấn
đề người trẻ trong Hội dòng tụt hậu, thiếu hiểu biết, trình độ học vấn ở mức dưới
trung bình. Làm sao để người thụ huấn có thể tiếp thu những kiến thức khoa học
xã hội và thánh khoa để hội nhập và giải đáp những vấn nạn của con người hôm
nay trên hành trình sứ vụ. Bên cạnh đó, sự khác biệt về động cơ dấn thân, tâm
sinh lý, văn hóa vùng miền giữa những người thụ huấn tạo nên nhân cách, nhận thức
và cách ứng xử khác nhau cũng đặt người đào tạo vào vị thế phải làm sao để các
cá nhân trong cộng đoàn có thể dung hoà và đối thoại được với nhau. Đâu là giớn
hạn của chuẩn mực và mẫu số chung mà người đào tạo đặt ra cho những người thụ huấn?
Tất cả những vấn đề trên như đặt nặng trên đôi vai người đào tạo.
Khi nhìn từ góc độ tâm lý học, tâm lý của
người đào tạo ảnh hưởng và chi phối nhiều đến đường hướng đào tạo cũng như ảnh
hưởng nhiều tới người thụ huấn: người đào tạo cần hiểu biết về “cái tôi khái niệm” của mình ở chiều sâu
của nó.
“Cái tôi khái niệm” là tất cả những cách nhìn, lối
đánh giá của người đào
tạo về chính bản thân mình. “Cái tôi khái niệm” được hình thành do “cái tôi tự trọng” và
“cái tôi tưởng tượng”. “Cái tôi tự trọng” là cách
người đào tạo đánh
giá cao bản thân và khả năng của mình, còn “Cái tôi tưởng tượng” là cách
nhìn, lối đánh giá của người đào tạo về chính
bản thân mình dựa trên cách nhìn và đánh giá của người khác về mình. Nếu người đào tạo không có cái nhìn đúng về “cái tôi khái
niệm” của mình thì dễ dấn đến những nguy cơ bất ổ về tâm lý hữu thức hay vô thức
và có thể được bắn phóng lên người thụ huấn.[17]
Như vậy, từ sự hiểu biết chính mình, người
đào tạo mới có thể cộng tác với ơn thánh của Chúa để hoàn thiện con người mình
và trở thành những nhà đào tạo “chuyên nghiệp” để hướng dẫn người thụ huấn trưởng
thành trong đời sống dâng hiến.
Tóm lại, trong thời đại hôm nay, người đào
tạo phải là người có đời sống nội tâm, có hiểu biết, khôn ngoan và phán đoán
lành mạnh. Ngoài ra, người đào tạo cũng phải ý thức về sự hiện diện của một số
quan niệm không lành mạnh trong đời sống của mình và lỗ lực loại bỏ những yếu tố
lệch lạc. Điều
này đòi hỏi người đào tạo phải có một sự hiểu biết
thích đáng về chính bản thân mình với sự sáng suốt và được sự hướng dẫn của
Chúa Thánh Thần; đồng thời, người đào tạo cũng chấp nhận những giới hạn hoặc thất
bại của mình trong quá trình huấn luyện. Để từ đó, không ngừng tái đào tạo
và tự đào tạo chính mình, nâng cao phẩm chất con người và sư phạm bằng sự khiêm
tốn học hỏi với người trên, với đồng nghiệp và với cả những người đang thụ huấn
1.1
Chân dung người thụ huấn
Người thụ huấn là những người đang tìm cho
mình một hướng đi cho cuộc đời. Mục đích và lý tưởng dấn thân của tôi là gì?
Tôi được chọn, được gọi sống với linh đạo và sứ vụ nào? Nơi đây có giúp tôi triển
nở, được lớn lên về mọi phương diện không? Giới hạn nội tại nơi
bản thân tôi là gì? Tất cả những câu hỏi này phải được người thụ huấn biện phân
và trả lời trong quá trình thụ huấn.
Về phía người đào tạo cần
phải có cái nhìn như thế nào về người thụ huấn? Vâng! nếu không để ý đúng mức đến
yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, chính trị và điều kiện khoa học kỹ
thuật của từng thế hệ, người đào tạo khó tránh khỏi những cái nhìn phiến diện,
những lời phê phán giáo điều, thiếu xác thực và bất công đối với người thụ huấn.
Khi nhìn một cách tổng quát, những khác biệt
này đang được biểu lộ qua lối sống, nếp nghĩ, tâm trạng, não trạng, thái độ trước
cuộc đời, cũng như điều kiện phát triển bản thân, cơ hội hưởng thụ,… của người
trẻ. Để có thể hiểu rõ hơn về chân dung của người trẻ hôm nay, xin tóm
lược những nhận định của đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp về người thụ huấn:[18]
Thiếu ý thức tu trì và lòng đạo. Rất dễ chống
đối, nhất là khi người đó có chỗ dựa vững chắc nơi bề trên.
Ương ngạnh, cố chấp, bướng bỉnh, hay phản
kháng, hay chối quanh, ít can đảm nhận lỗi và ít muốn sửa đổi.
Thiếu lý tưởng, sống tà tà, tới đâu hay tới
đó.
Có xu hướng chạy theo thời, đua đòi với người
trẻ “thế gian về mọi phương diện”.
Hời hợt, ít chiều sâu tâm linh, không có tinh
thần hy sinh.
Sống tự do và hành động theo sở thích
Mất quân bình giữa yêu cầu tri thức và tinh thần
tu trì. Quá đặt nặng việc trau dồi trí tuệ và nghề nghiệp.
Sự thiếu tin tưởng nơi các vị hữu trách và lo
sợ bị loại trừ nên thường tỏ ra khép kín, nhiều khi còn có cả nói dối, miễn để
tai qua nạn khỏi.
Bị ảnh
hưởng nhiều bởi xã hội tiêu thụ chạy theo thời đại. Một số người thiếu tinh thần
dấn thân. Tìm an toàn về đời sống vật chất và ít nhạy cảm trước những đau khổ của
những người có hoàn cảnh khó khăn.
Thường phán đoán và
phê bình theo nhận xét bên ngoài. Thiếu cảm thông và đòi hỏi quá đáng nơi người
khác.
Cá
nhân chủ nghĩa cao, ít liên đới tương trợ nhau và tinh thần cộng đoàn kém.
Hay
quên điều nhắc nhở và nản lòng khi gặp khó.
Tính
dễ quên và bất cần đời, nhiều khi dẫn đến thái độ vô trách nhiệm.
Thiếu
trưởng thành, dễ nản lòng và chăm lo quá nhiều cho thân xác mình.
Nhiều
khi đề cao quá đáng giá trị của công bằng và nhân phẩm đến độ đánh mất ý nghĩa
cố hữu của lòng tận tuỵ và hy sinh.
Thường
ngôn hành bất nhất: Nói một đàng làm một nẻo, nói thì rất hay nhưng ít khi mó
tay vào, vui đó rồi buồn đó, hăng say nhiệt thành nhưng cũng dễ nản chí, bất
mãn, chán nản, buông xuôi.
Tuổi trẻ muôn đời vẫn
là tuổi hy vọng, đầy mộng mơ và lý tưởng, dám nghĩ dám làm. Người trẻ cũng rất
nhạy cảm đối với cái mới, thích thay đổi và sáng tạo …
Những nhận định trên có vẻ hơi bi quan ở
trên về người thụ huấn hôm nay, nhưng thiết nghĩ đây là một nhận định rất có lý
về chân dung những người thụ huấn hôm nay trong các cộng đoàn tu trì. Khi chấp
nhận một thực tại như vậy, về phía người thụ huấn cần tư duy phản tỉnh và nhận
biết mình đang là gì trong nấc thang giá trị mà Giáo hội đòi hỏi nơi người thụ
huấn trong các Hội dòng. Đồng thời có một dự phóng cho tương lai trong hành
trình dâng hiến. Còn đối với người đào tạo, trách nhiệm đào tạo những người trẻ
hôm nay quả là một gánh nặng. Gánh nặng này đòi buộc người đào tạo phải là những
con người ưu tuyển của cộng đoàn với một khả năng chuyên môn sư phạm, người đào
tạo phải có tinh thần tu trì, có tinh thần cầu nguyện, gắn bó với Giáo hội và
thấm nhuần linh đạo của Hội dòng, nắm vững kỹ năng đồng hành thiêng liêng, hiểu
tâm lý người trẻ, có khả năng trực giác, biết đối thoại, quảng đại, cởi mở,...
2.
Vai trò của người đào tạo và người thụ huấn
trong đối thoại
2.1
Vai trò của người đào tạo
Để đối thoại được với người thụ huấn, người
đào tạo cần phải hiểu rõ về ‘thế giới của mình’ và ‘thế giới của người thụ huấn’,
“Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”.
Biết được khả năng, ước muốn, hoài bão và cả những yếu đuối, nỗi khổ của người
thụ huấn để từ đó có cách tiếp cận và ứng xử sao để người thụ huấn cảm thấy gần
gũi, dễ cởi mở và dễ sẻ chia những niềm vui cũng như nỗi buồn một cách chân thành
và thoải mái. Người trẻ luôn mong đợi nơi người đào tạo khả năng lắng nghe và đỡ
nâng thiêng liêng. Cuộc đối thoại trước hết phải khởi đi từ một tình yêu đích
thực. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người đào tạo phải thiết lập nơi người
thụ huấn một sự tin tưởng, một tình yêu nảy sinh từ lòng tôn trọng. Khi đó
không còn khó cho người đào tạo điều chỉnh những sai lầm của người thụ huấn và
dễ dàng hướng người thụ huấn đi vào con đường tu trì đích thực với sự dấn thân
và lòng quảng đại.
Trong cuộc đối
thoại với người phụ nữ Samari: Chúa Giêsu đã đến gợi chuyện gợi người phụ nữ
ngoại giáo này. Qua cuộc đối thoại này Chúa Giêsu đã phá đi sự kỳ thị của người
Do Thái đối với người Samari.[19]
Đó là một điều thật khó tin, khiến người phụ nữ vô cùng ngạc nhiên, lẫn
chút nghi ngờ: “Ông là người Do Thái mà
xin tôi là một phụ nữ Samari chút nước sao?”. Rồi từ đó dẫn đến sự gần gũi,
tin tưởng: “Xin ông cho tôi thứ nước ấy”.
Và đã đến lúc Đức Giêsu đi vào trong chính đời tư của chị ấy. Và cuối cùng là
gì? Người phụ nữ đã đi báo tin cho những người khác biết về Người.
Cuộc đối thoại với
Giakêu[20]
một cuộc đối thoại đưa đến một sự hoán cải tuyệt đối: Từ ánh mắt yêu thương, âu
yếm, mời gọi và tín nhiệm của Chúa Giêsu, Gia kêu đã đón nhận được ơn tha thứ
và cứu độ. Gia kêu, từ một tên thu thuế tội lỗi, giàu có do lòng tham ô, đã trở
nên quảng đại, yêu thương. Cũng thế với người phụ nữ ngoại tình[21], ánh mắt
nhân từ, lòng yêu thương và tha thứ của Chúa Giêsu cũng đã chữa lành những vết
thương lòng họ.
Theo
gương Chúa Giêsu, cuộc đối thoại giữa người đào tạo và người thụ huấn phải được
khởi đi từ một tình yêu đích thực. Điều đó cũng đồng nghĩa người đào tạo đã thiết
lập được nơi người thụ huấn một sự tin tưởng, một tình yêu được nảy sinh từ
lòng tôn trọng. Khi đó, không còn khó cho người đào tạo chỉnh đốn những sai lầm
và đào tạo tâm tình bằng cách biết tôn trọng, thích nghi, mời gọi mà không chế
ngự theo những đăc ân riêng và đường hướng riêng biệt mà mỗi tâm hồn đang sống.
Từ đó, người đào tạo hướng họ đến con đường dâng hiến và khơi dậy đà tiến và sức
mạnh dấn thân nơi họ.
Như vậy, qua việc đối
thoại, người đào tạo trước hết phải học biết gương Đức Kitô là nhà đào tạo tuyệt
vời để biết cách tạo được mối tương quan tốt và để khơi dậy được nơi người trẻ
lòng khao khát để cho Đức Kitô huấn luyện mình. Giúp họ biết nhìn tha nhân và tất
cả sự việc dưới ánh sáng của Người, biết cọ sát đời sống của chính mình với đời
sống của Đức Kitô để cuộc sống họ được phát triển một cách quân bình về
tâm-sinh-lý và rèn luyện đức tính không biết sợ các nghịch cảnh
trong cuộc sống.
Vì nơi người trẻ có cả một năng động
làm cho những hoàn cảnh trở thành sáng tạo
và giúp đỡ cho sự trưởng thành của chính họ. Ngoài ra, người đào tạo
cũng cần xem ứng viên có khả năng sống một đời sống khả dĩ giúp đương sự trưởng
thành nhờ vào di sản thiêng liêng và nếp sống của tu hội và theo dõi chính đời
sống này trong tiến trình biến chuyển nơi mỗi thành viên thuộc cộng đoàn. [22]
2.2
Vai trò của
người thụ huấn
Người trẻ ngày nay
thường có xu hướng đỗ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, cho môi trường. Vẫn biết
người trẻ cũng bị ảnh hưởng nhiều do môi trường, do nhà đào tạo, do nhiều yếu tố
khác,... Vì người trẻ luôn nhạy bén với những điều mắt thấy tai nghe. Lúc nào họ
cũng sẵn sàng ‘bạt máy thu thanh thu hình’ và mang theo ước mơ được đào tạo
đúng nghĩa. Nhưng điều quan trọng, chính người trẻ phải nỗ lực cố gắng là người
trẻ phải biết tự rèn luyện cho mình có một cuộc sống lành mạnh, sáng suốt, chân
thành; phải mau chóng đứng bằng chính đôi chân mình, phải độc lập, trưởng thành
và chịu trách nhiệm cho chính bản thân. Để những tác động từ bên ngoài không là
nguyên nhân chính cấu thành nên con người của họ. Mà ngược lại tất cả đều có thể
trở nên những bài học kinh nghiệm cho chính bản thân. Sống sao để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’ (Ca dao
Việt Nam). Người trẻ luôn phải biết mình cần gì và có gì, để trong môi trường
đào tạo ta đừng lãng phí nó và góp phần giúp họ trở thành những chứng nhân sống
động của tình yêu và của Đức Kitô.
Cuối
cùng, người thụ huấn chấp nhận để mình đi vào một môi trường đào tạo là đồng
nghĩa với việc muốn biết, muốn tự khám phá ‘tôi là ai?’ nhờ qua sự tương tác giữa
tôi và người khác, như văn sĩ Quỳnh Dao đã viết: 'Tôi, là do những người đã đi qua đời tôi tạo ra". Vì thế, cho
dẫu việc đào tạo hôm nay đang trên chiều hướng giúp người thụ huấn “tự huấn luyện”
nhưng vì cuộc sống vốn đa dạng phức tạp, khó
khăn, khúc mắc, đôi khi tưởng chừng như bế tắc không có lối giải thoát, vì vậy
phải trao đổi để tìm hiểu và giải quyết, nên người trẻ cần có những cuộc đối
thoại cởi mở, chân thành trong tình yêu. Trong tiến trình đó người trẻ đóng một
vai trò không kém phần quan trọng.
Qua tất cả những gì ta vừa nói ở trên, tóm lại một điều
là cả người đào tạo và người thụ huấn đều phải nhìn nhận vai trò của mình trong
đối thoại. Vai trò đó được lấy từ những gương mẫu của các cuộc đối thoại trong
Thánh Kinh. Đó là cuộc đối thoại giữa Mẹ Maria và người chị họ Elizabeth[23]. Mỗi ngày người đào tạo tiếp xúc với người
thụ huấn trong tâm tình của Đức Maria: quan tâm, yêu thương và khiêm nhu,...
chắc chắn là cho cả hai nên giống Ngài, thành người môn đệ tích cực đem tin
Mừng, đem Chúa đến cho mọi người. Đây là sứ vụ và cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc đến
người đào tạo và người thụ huấn.
V. Lợi ích và khó khăn trong việc đối thoại
1.
Lợi ích trong việc
đối thoại
Như đã nói ở trên,
người trẻ nói chung và cách riêng người thụ huấn trong đời sống tu trì cần được
đối thoại. Vì không ai cứ thế tự lớn lên mà không cần tương quan với người
khác. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lý khi sáng
tác: “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng,
ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”[24]. Tại sao sỏi đá lại cần
đến nhau? Một lối so sánh giữa đá và sỏi không cân xứng nhưng rất độc đáo. Con người sống
với nhau cần phải có đối thoại vì do có thắc mắc, có nghi ngại, có hiểu lầm trong
một hay nhiều vấn đề nào đó đến từ cuộc sống, từ những tác động của xã hội, của
môi trường... Nhờ đối thoại, họ có thể đánh giá đúng hơn các sự việc, tránh được
những hiểu lầm và sai sót, làm cho họ được cải hoá và thêm tin tưởng để hoàn
thành những ước mơ trong lý tưởng, để có thể sống vui, sống khỏe và sống triển
nở. Ngoài ra, chính nhờ đối thoại mà họ nhận được từ một môi trường đào tạo chất
xúc tác, giúp họ có cơ hội bộc lộ những khát vọng sâu xa nhằm khẳng định những
chọn lựa và giúp họ chân thành hiến dâng trong lòng Mẹ Giáo Hội, trong cộng
đoàn và môi trường mà họ phục vụ.
Bên cạnh đó, qua đối
thoại còn có thể giúp người trẻ hấp thụ được những di sản quý báu của người đi
trước để lấp đầy sự ngăn cách giữa các thế hệ, để được nhập cuộc như “giọt nước
được hòa tan trong dại dương”, đồng thời, từ cuộc đối thoại mà họ được xây dựng
và thể hiện. Người trẻ sẽ thêm yêu thương và kính trọng đối với những vị huấn
luyện, những người chị em mà họ đang sống cùng, sống với. Đối thoại sẽ giúp họ
mở rộng tầm nhìn, có lòng bao dung và giúp họ tự tin phát triển bản thân dựa
vào những sở trường và sở đoản của mình phù hợp với linh đạo và sứ mạng của hội
dòng.
Một khía cạnh khác,
con người vốn là một cá thể khác biệt nhưng không tự độc lập. Chúng ta được sinh ra trong một gia đình, chúng ta được
mời gọi để sống trong xã hội. Dù cho “tha nhân có là hỏa ngục” (Jean-Paul Sartre) đi nữa thì tha nhân không phải là một trở ngại,
nhưng chính là một trợ lực để chúng ta phát triển nhân
cách thành toàn, vì chính họ làm ta được phong phú hóa. Chính quá
trình va chạm và cọ sát của những viên đá trong dòng nước chảy mới tạo ra những
viên đá cuộn tròn đẹp để trang trí hay để đè sách trên bàn làm việc của một học
sinh hay một nhân viên văn phòng. Chắc hẳn, người trẻ cũng nhận ra được sự cần
thiết trong việc đối thoại thường xuyên qua những ích lợi này. Tuy nhiên, con
đường đi đến đối thoại vẫn còn nhiều khó khăn, bế tắc trong cộng đoàn và đặc biệt
là trong đào tạo!
2.
Khó khăn trong việc đối thoại
2.1 Môi
trường huấn luyện
Có thể nói môi trường
huấn
luyện hôm nay quả là “khắc nhiệt” đối với cả người đào tạo và người thụ
huấn trong việc đối thoại. Việc đào tạo người trẻ hôm nay khó hơn việc
đào tạo ngày trước, vì ảnh hưởng của tâm thức thời đại, của các điều kiện và
hoàn cảnh xã hội bên ngoài. Trước đây, các thụ huấn được đào tạo ngay từ nhỏ
trong các tiểu chủng viện hay các trường nội trú của các tu sĩ, linh mục. Chiều
kích nhân bản và tâm linh được chú trọng và được đào tạo xuyên suốt trong một
thời gian dài. Mặt khác, môi trường huấn luyện khắt khe làm cho người thụ huấn
ít có điều kiện giao du bên ngoài. Chính hai điều này tạo điều kiện tốt cho việc
đối thoại, những khúc mắc nơi người thụ huấn thường được đối thoại và được giải
quyết với người huấn luyện.
Trong công tác đào tạo
hôm nay, người thụ huấn được chọn là những người trẻ đã tốt nghiệp Trung học phổ
thông hay Đại học. Dưới góc độ Tâm lý học, nhân cách của người trẻ trong giai
đoạn này đã được hình thành một cách cơ bản, nhưng về đời sống nhân bản và tâm
linh còn hời hợt, thiếu chiều sâu do chịu ảnh hưởng của một lối giáo dục vô thần,
đặt nặng kiến thức. Mặt khác, người trẻ hôm nay được học hành và có khả năng
chuyên môn cao hơn, có người còn cao hơn cả người đào tạo. Vì vậy, việc đối thoại
có thể gặp nhiều khó khăn do người thụ huấn thiếu kỹ năng hay xung đột quan điểm.
Hơn nữa, với sự phát
triển mạnh và không ngừng thay đổi của Công nghệ thông tin như ngày nay, người
thụ huấn được thừa hưởng những phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như: điện
thoại di động, mạng lưới internet băng thông rộng,... Những phương tiện liên lạc
này phá vỡ khoảng cách liên lạc giữa người thụ huấn trong nhà dòng và những mối
tương quan bên ngoài. Những khúc mắc, những khó khăn trong cuộc sống tu trì
thay vì phải chia sẻ, đối thoại với người đào tạo thì người thụ huấn lại hướng
ra những đối tượng bên ngoài để sẻ chia hầu mong tìm được một một sự động viên,
khích lệ nào đó. Càng ngày cơ hội đối thoại giữa người đào tạo và người thụ huấn
càng thưa dần, và có thể rơi vào bế tắc khi người đào tạo và người thụ huấn
không còn tin tưởng lẫn nhau.
Và một trong những điều
khác chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về đường lối đào tạo ngày
nay có vẻ như người đào tạo thiếu kiên nhẫn trước sự đổi thay của người thụ huấn.
Chính điều này tạo nên những căng thẳng và sợ hãi nơi người thụ huấn: sợ bị
loại. Đây là một nét rất dễ nhận thấy nơi người thụ huấn, làm cho người
thụ huấn phải rụt rè, không dám quyết định và ít can đảm nhận trách nhiệm về
mình. Mặt khác, cám dỗ thường xuyên của người đào tạo là muốn mau chóng loại trừ
sự khác biệt, muốn đào tạo người thụ huấn theo quan điểm và hình ảnh của mình,
cố sức nhào nặn, bắt người thụ huấn phải đi vào khuôn đúc của mình, có cùng
quan điểm, tư tưởng, hành động phải giống mình như: “trước đây tôi vậy, giờ anh cũng phải vậy!” hay “trước đây tôi đâu làm như thế, giờ anh cũng
không được làm”. Tệ hơn nữa, người đào tạo còn lấy tiêu chuẩn chủ quan của
mình để đáng giá, phê phán và xếp loại người thụ huấn: ai phù hợp với tiêu chuẩn
của ta sẽ được xếp vào hạng gương mẫu, còn ai có lối sống, nếp nghĩ, tâm thức
khác ta,... sẽ bị nghi ngờ và đánh giá thấp.
Đây là những vấn đề
mà người đào tạo cũng như người thụ huấn phải cẩn trọng để con đường đối thoại
luôn được rộng mở, nơi đó thánh ý Chúa được thể hiện qua người đào tạo.
2.2
Người thụ huấn
Chân dung người thụ huấn hôm nay là những
con người dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng quảng đại dấn thân nếu được tôn trọng và
giao trọng trách. Tuy nhiên, họ lại là những người hay bốc đồng. Họ yêu thích sự
tự do và muốn chinh phục tất cả. Điều ràng buộc nơi người thụ huấn hôm nay
không phải bằng những luật lệ cứng nhắc nhưng là mối dây yêu thương, cảm thông
và chia sẻ. Vì vậy, người đào tạo cần phải hiểu những ưu và khuyết điểm này của
người thụ huấn để dẫn dắt người thụ huấn vào con đường đối thoại. Một cách cụ
thể hơn người huấn luyện cần biết rõ những giới hạn nơi người thụ huấn.
Người
thụ huấn hôm nay dễ dàng nói dối, và nói dối nhiều. Một phần cũng do hoàn cảnh
xã hội, môi trường học tập trước khi gia nhập cộng đoàn tu trì, “không nói dối không sống được”; họ đã
thu được nhiều lợi ích từ việc nói dối. Nói dối nhiều nên trở thành bình thường,
‘nói dối không làm hại người khác là được’.
Khi bước vào đời sống tu trì, nếu không được đào tạo bài bản, họ tiếp tục đi
vào lối mòn của việc nói dối với nhiều lý do có vẻ như rất thuyết phục. Tuy
nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một điều, người thụ huấn nói dối vì những ý
kiến của họ không được chấp nhận mà không có một lời giải thích nào cho phù hợp.
Người thụ huấn nói dối vì họ không tìm được sự tha thứ khi nói thật. Mâu thuẫn
xảy ra nơi chính bản thân họ, nói thật có thể bị trừng phạt hay bị đào thải. Họ
nói dối vì cảm thấy môi trường đón nhận họ không được cởi mở, không được bỏ qua
dù chỉ là những chuyện rất nhỏ. Tuy nhiên, người thụ huấn không thể đổ lỗi tất
cả cho hoàn cảnh để biện minh cho sự nói dối của mình, có thể chính họ đang che
đậy nơi họ những giới hạn làm hạn chế con đường tiến thân của họ. Quả thực, người
thụ huấn sẽ không đủ can đảm đối thoại với người đào tạo với những lập trường
không phải là chân lý.
Một
điều nữa cũng có thể là giới hạn làm người thụ huấn không dám đối thoại là vì
thiếu can đảm, sợ những người có trách nhiệm, không dám bày tỏ lập trường, quan
điểm của mình trước người đào tạo. Nguyên nhân thì có nhiều lý do, xong có một
lý do mà người huấn luyện thường không nhận ra là trong tâm khảm của người thụ
huấn luôn tồi tại một “Đứa trẻ nội ngã”.
Đứa trẻ nội ngã được nhà tâm lý học Jeremiah Abrams định nghĩa:
Đứa trẻ nội ngã chính là những câu chuyện riêng tư mà chúng ta mang
theo, nó như một phương tiện chuyên chở cả hai đứa trẻ, một đứa thì rất
năng động và một đứa thì rất lý tưởng từ thời quá khứ. Đứa trẻ ấy đang sống thật và hiện diện bên trong chúng ta. Nó hiện diện trong
tâm hồn ta, bằng những kinh nghiệm đang trải dài trong vòng sự sống của ta. Nó
là đứa bé đau khổ, và đang chờ đợi để ta sinh nó ra một lần nữa, nó sẵn sàng xuất
hiện bất cứ lúc nào khi chúng ta muốn thoát khỏi sự ràng buộc hoặc khi ta mở ra
để thay đổi.[25]
Có thể hiểu một cách ngắn gọn, mỗi người
chúng ta đều có những vết thương lòng trong quá khứ. Những vết thương lòng đó
có thể đến từ bối cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình hay từ những người lớn, nó
làm chúng ta bị tổn thương, bị khủng hoảng, và làm ta bối rối, sợ hãi trước những
người có trách nhiệm với mình. Song, về phía người đào tạo, thường nhìn người
thụ huấn với con người hiện tại của họ, quá khứ của người thụ huấn không đáng để
quan tâm. Với một cái nhìn phiến diện như thế thì thật khó để người đào tạo có
thể chấp nhận người thụ huấn như chính họ là. Con đường đối thoại có thể bị
khép lại hay nếu có đối thoại thì thật khó để người đào tạo có thể giúp người
thụ huấn loại bỏ những ‘ung nhọt’ vì ‘đứa trẻ nội ngã’ chi phối và điều khiển
người thụ huấn.
2.3
Người đào tạo
Khi nhìn từ góc độ tâm lý học, những bất ổn
trong tâm lý của người đào tạo và sự phóng chiếu lên người thụ huấn cũng có ảnh
hưởng không nhỏ trong mối tương quan của người huấn luyện và người thụ huấn.
Sự
dồn nén: Sự dồn nén hay ức
chế là một hiện tượng vô thức nhằm loại bỏ những thực tại làm bực tức, khó chịu
mà ta không muốn nói ra. Sự dồn nén quá mức có thể đẩy người đào tạo đến chỗ khắt
khe trong phán đoán. Họ lý giải mọi sự qua lăng kính của họ, họ phán đoán người
thụ huấn tùy theo cách thức người thụ huấn tương quan với họ.
Sự
phóng chiếu: Nhà Tâm lý học
Erik Erikson
cho rằng sự phóng chiếu là một cơ chế tự vệ mà người ta sử dụng bằng cách gán
những khuyết điểm, tâm tình của mình cho người khác. Ví như người đào tạo
có nhiều
khuyết điểm trong quá khứ, người ấy tìm cách bù trừ trong hiện tại nên người ấy
có khuynh hướng phóng chiếu các khiếm khuyết, tật xấu của mình lên người thụ huấn
để tìm một cuộc sống hiện tại không tỳ vết.
Thiếu tình
thương: Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã từng nói:
Nền giáo dục trước tiên cần có sự gần gũi và tín
nhiệm nảy sinh từ tình thương [... ]. Mỗi nhà giáo dục đích thực đều biết rằng
để giáo dục thì phải trao hiến một cái gì đó từ chính bản thân mình và chỉ như
thế mới có thể giúp các học sinh của mình khắc phục những ích kỷ và trở thành
người có khả năng yêu thương đích thực.” [26]
Không khiêm tốn đủ: Nhiều khi người đào tạo
bị cám dỗ tự hào cho mình là người lắm vững chân lý, nên mình có quyền phán quyết
mọi vấn đề. Câu nói của nhà bác học Newton vẫn mãi là một chân lý: “Những điều ta biết chỉ là giọt nước trong
lòng đại dương”. Quả thực, thế giới hôm nay được xem như thế giới phẳng, mọi người đều bình đẳng
trong việc sở hữu tri thức của nhân loại, và người thụ huấn có thể biết nhiều
thứ hơn người đào tạo tưởng. Vì vậy, nên chăng người đào tạo phải không ngừng tự
đào luyện mình trong sự khiêm tốn, học hỏi nơi người trên, đồng nghiệp và ngay
cả nơi người thụ huấn.
Những khó khăn trên
chỉ là một trong vô vàn những khó khăn cản bước người thụ huấn và người đào tạo
đi vào con đường đối thoại. Đứng trước những khó khăn đó, người thụ huấn và người
đào tạo cần phải kiên nhẫn, có thiện chí đẩy lùi những khó khăn và chấp nhận đa
nguyên trong đối thoại.
KẾT LUẬN
Trong các Hội dòng,
người trẻ là sức sống là tương lai của Hội dòng. Người trẻ luôn nhận được sự
quan tâm hàng đầu với ước mong trở thành những người kế thừa xứng đáng, và là
cách tay đắc lực, hữu ích xây dựng cộng đoàn trong tương lai. Nên công tác đào
tạo những người trẻ phải được coi trọng và có thể được coi như một sứ vụ của Hội
dòng, những người đào tạo phải là những người ưu tuyển nhất của Hội dòng, có những
tố chất của một người đào tạo thực thụ và biết cách huấn luyện người thụ huấn
qua con đường đối thoại. Quả thực, qua con đường đối thoại với nhau, đối thoại
với người đào tạo, người thụ huấn được lớn lên từng ngày qua việc khám phá
chính mình, khám phá người khác và hơn hết là khám phá thánh ý của Thiên Chúa
trên cuộc đời của mình.
[1] Nguyễn
Hữu Quang, Linh đạo huấn luyện, Định nghĩa linh đạo huấn luyện, 2011, tr
13.
[2] Minh
Tân- Thanh Nghi- Xuân Lãm, Từ điển Tiếng
Việt, Nxb Thanh Hóa, 1998, tr 415.
[3] Từ vựng triết thần, Trung tâm học vấn Đaminh, 1996.
[4] Lm.
Giuse Phạm Quốc Văn, Tự đào tạo và đào tạo
khả năng phân định, 2013, tr 90
[5] Trần
Văn Hiến Minh, Từ điển và danh từ triết học,
Tủ sách ra khơi, 1966, tr 79.
[6] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử
triết học Tây Phương, tập 1, tr 148 - 149.
[7] Trần Hữu
Qung, Linh Đạo Huấn Luyện, tr 84.
[8] Amadeo
Cencini, Giáo dục, huấn luyện và đồng
hành, Damiano Ofm chuyển ngữ, Nxb Phương Đông, 2011, tr8
[9] Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, Trên đường Emmaus, 2012, tr 2.
[10] ĐGH
Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini,
Nxb Tôn Giáo, 2011, tr 29 - 30.
[11] Tham luận tại Thượng Hội Đồng
Giám Mục Về Đời Sống Tu Trì, 1994.
[12] Giáo hội tại Á Châu, số 29.
[13] Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam, Thư Chung năm 2000,
Số 10.
[14] Nguyễn
Thái Hợp, Đạo Đức Học, CLB Nguyễn Văn
Bình, 2009, tr 174.
[15] Nguyễn Quang Uẩn, Tâm lý học đại
cương, Nxb ĐHQG Hà Nội, 1998, tr 19
[16] Xc.
Amadeo Cencini, Giáo dục, huấn luyện và đồng
hành, Damiano Ofm chuyển ngữ, Nxb Phương Đông, 2011, tr12-13
[17] Thuyết Nhân cách, Tập bài giảng môn Tâm lý học nhân cách, Học viện Thần học Lasan,
tr 23.
[18] Xc.
Nguyễn Thái Hợp, Đào tạo tu sĩ trong xã hội
Việt Nam hôm nay, tr 118-119.
[19] Ga 4,
9-17
[20] Lc 9,
1-10
[21] Xc Lc
7, 36 - 50
[22] Thánh Bộ
Tu Sĩ (1983), Yếu tố tất yếu trong giáo
huấn của Giáo hội trong đời sống tu trì, tr 27
[23] Xc Lc
1, 39 - 45
[24] Trịnh
Công Sơn, Diễm Xưa
[25] Thuyết nhân cách, tập bài giảng môn Tâm lý học nhân cách, Học viện Lasan, 2009, tr.
42.
[26] Thư của ĐTC Bênêđictô XVI về Vấn đề giáo dục
ngày 21/2/2008l http://www.giadinhnazareth.org/node/620, truy cập 25/12/2014
Đăng nhận xét