Agape là đỉnh cao của sự dâng hiến.
Chính nơi đó, khi nhìn lên
người tu sĩ thấy rõ mẫu gương của Thầy Chí Thánh
với hai chiều kích Nhập thể và Nhập thế.
Quả thực, đây là sức mạnh và là động lực
để người tu sĩ dám khước từ cái gọi là bản năng
để sống triệt để hơn về ba lời khuyên Phúc Âm.
Chính nơi đó, khi nhìn lên
người tu sĩ thấy rõ mẫu gương của Thầy Chí Thánh
với hai chiều kích Nhập thể và Nhập thế.
Quả thực, đây là sức mạnh và là động lực
để người tu sĩ dám khước từ cái gọi là bản năng
để sống triệt để hơn về ba lời khuyên Phúc Âm.
Maria Trần Thị Kim Thảo
Dẫn nhập
“Tôi chỉ thật sự
là người nếu tôi sống với anh em tôi”. Vâng đó là điều mà từ ban đầu khi tạo dựng
nên Adam Thiên Chúa đã phán “con người ở một mình thì không tốt”[1] và
Thiên Chúa đã tạo dựng nên Eva để tặng cho Adam và họ cùng chia sẻ những vui buồn.
Thế nên bản tính của con người là mang xã hội tính.
Trải dài trong
dòng lịch sử từ cổ chí kim, con người luôn muốn kết bạn. Họ cần có bạn bè. Họ cần
có những người để chia sẻ cuộc sống, quan điểm và lý tưởng. Vì thế họ đến với
nhau không những vì quan hệ huyết thống hay vì tình làng nghĩa xóm. Nhưng có những
người thỉnh thoảng mới gặp gỡ nhau thôi mà đi đến tình bạn nghĩa thiết. Bởi họ
có sự đồng cảm lẫn nhau, họ đến với nhau vì cùng chung một lý tưởng, chung một
mối bận tâm. Hơn thế nữa có những người dám từ bỏ mái nhà, họ hàng, xóm giềng,
công việc để sống chung một mái nhà và xây dựng nên một cộng đoàn yêu thương với
lý tưởng là làm chứng cho Đức Kitô và đem lại hạnh phúc an vui để phục vụ hòa
bình và công lý cho mọi người. Đó là những người sống đời thánh hiến. Vậy đâu
là động lực giúp họ dám khước từ mọi sự để sống với nhau thành một gia đình yêu
thương?
1.
Tình thân hữu
Bởi con người mang xã hội
tính nên con người luôn có nhu cầu chia sẻ. Vì vậy, con người có nhu cầu kết bạn.
Dù bạn sống trong bậc sống nào hay môi trường sống nào bạn cũng luôn có nhu cầu
kết bạn. Vì thế người tu sĩ cũng không nằm ngoài quy luật này. Vậy tình bạn phải
được xây dựng trên cơ sở nào thì tình bạn ấy mới trở nên tốt đẹp và bền vững?
Chúng ta cùng tìm hiểu: tình bạn là gì?
TÌNH BẠN trong tiếng anh Friendship. Ở mỗi chữ cái đều chứa đựng ý nghĩa để tạo nên một tinh
bạn đẹp. Nào ta hãy cùng khám phá nhé!
- Fun: là biết bao
niềm vui thích mà bạn bè đã và sẽ mang đến cho bạn trong cuộc sống này;
- Respect: Hãy
luôn tôn trọng những mối quan hệ bạn bè. Trước hết hãy tôn trọng lẫn nhau và hiểu
rằng khi bạn đang tôn trọng họ cũng chính là đang tôn trọng chính mình.
- Interest: Thật hạnh
phúc khi bạn được bạn bè quan tâm. Những lời thăm chân tình, những dòng mail ngắn,
những lá thư đầy tâm sự hay chỉ một cú điện thoại thôi cũng đủ để tạo nên một
tình bạn...dù cho hai bạn đang ở xa nhau. Vì cả hai biết rằng họ đang nghĩ về
nhau.
- Eagerness: Nhiệt
tình sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau dù bất kỳ hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Thế mới
là một cuộc sống tốt chứ!
- Nicethings: Là tất
cả những gì tốt đẹp ta làm cho nhau. Vì có như thế thì tình bạn mới tồn tại được.
- Dependability: Sự
tin cậy, tin tưởng là một phần tạo nên tình bạn bền vững. Vì tình bạn đẹp không
có chỗ cho sự nghi ngờ đâu.
- Share: Đương
nhiên vẫn có sự sẻ chia nhưng niềm vui, nổi buồn trong cuộc sống. chỉ có sự sẻ
chia mới là sợi chỉ đỏ cột chặt mối quan hệ này.
- Honest: Tình bạn
cần lắm sự trung thực. Có trung thực với nhau, hiểu nhau, thông cảm cho nhau
thì mới là bạn của nhau được.
- Important: Không
ai muốn mình cô đơn cả, vậy thì bạn hãy xem những người bạn thân của bạn là một
phần của cuộc sống.
- Present : Mỗi người bạn là một món quà mà cuộc sống đã mang đến cho bạn.
Vậy còn chần chừ gì nữa mà không mở lòng đón nhận món quà ấy ! Có vô vàn điều kỳ
diệu và tuyệt đẹp mà tình bạn mang đến cho chúng ta. [2]
Vâng tình bạn mang một ý nghĩa hết sức cao
thượng và tốt đẹp. Nhưng nó
chỉ đẹp thực sự khi mà bạn sống đúng ý nghĩa của nó. Để tình bạn vững bền thì
tình bạn ấy phải được xây dựng trên cơ sở: biết
quan tâm, giúp đỡ, đồng cảm, một người mình có thể tin tưởng để chia sẻ những
niềm vui, nỗi buồn. Một người bạn luôn ở cạnh, động viên và nhắc nhở, dám nói
lên những điểm sai và giúp sửa sai. [3]
Ở đây người viết chỉ đề cập đến tình bạn trong đời
sống thánh hiến.
Nhiều người nghĩ người tu sĩ sống trong bốn bức
tường của tu viện nên không có nhu cầu kết bạn, bởi họ chỉ hướng “lên trên”
thôi. Điều đó thật sai lầm. Đời sống cộng đoàn liên kết họ trong tình thân
nhưng họ vẫn có nhu cầu chia sẻ. Bởi có những điều mà ta có thể chia sẻ được với
người này mà không chia sẻ được với người kia và ngược lại.
Mặc dù người tu sĩ luôn hướng thượng nhưng họ vẫn
cần có người động viên và cũng cần có những người thật thân để dám nói lên những
khuyết điểm và giúp sữa sai. Chính điều này làm tình thân hữu của họ nở hoa yêu
thương và làm nên tình gia đình nơi cộng đoàn, nơi Hội dòng thật khắn khít.
Kết bạn thật cần thiết. Tình bạn thì thật là tốt
đẹp nhưng chúng ta cũng cảnh giác bởi nhiều lúc chúng ta hiểu sai hoặc hiểu
chưa thấu đáo về tình bạn, làm cho tình bạn của ta trở nên lệch lạc. Điều này
thật rõ đối với những ai đã sống cộng đoàn. Hai người vẫn thường chia sẻ nhưng
không chia sẻ những khó khăn của chính bản thân để tìm cách giải quyết vấn đề.
Hoặc khi người này chia sẻ vấn đề mà người kia không dám chỉ ra khuyết điểm của
họ. Tệ hơn nữa là ngồi lại để nói chuyện của người vắng mặt hay nói cách khác họ
chỉ là những người “buôn chuyện”. Một điều nữa cũng xảy ra trong khi người ta
chưa hiểu thấu đáo về tình thân hữu: với môi trường sống sống cộng đoàn và cơ hội tiếp xúc với nhau rất
nhiều. Điều này cũng dễ làm cho một số người nghiêng chiều về người cùng phái
hay còn gọi là yêu riêng. Nên người đó xem đối tượng đó như là sở hữu của mình
và không cho ai đụng đến. Tâm trạng của mình vui buồn đều lệ thuộc vào đối tượng
kia, tệ hơn nữa là hai người tách khỏi cộng đoàn. Mà tình cảm như vậy thì quả
là lệch lạc. Tình bạn này đang đi đến con đường
bế tắc.
2.
Tình yêu Agape
Khi chọn sống đời thánh hiến người ta không chọn sống với người chị
em hay người anh em bên cạnh. Điều này trái ngược với đời sống hôn nhân. Để tiến
tới đời sống hôn nhân người ta có quyền chọn người bạn đời, người ta có thời
gian để tìm hiểu nhau. Đời sống thánh hiến thì không, người tu sĩ chỉ được chọn
lối sống của dòng này hay dòng kia cho phù hợp với mình mà thôi chứ không chọn
sống với người mình thích. Vì vậy người tu sĩ phải luôn ý thức: người chị em
hay người anh em sống bên cạnh mình là quà tặng Chúa ban, không do mình chọn lựa
theo sở thích, do đó ta đón nhận họ như họ là. [4]
Với người tu sĩ cam kết thuộc về nhau giúp họ cùng bước chung
trong một lý tưởng là làm chứng cho Đức Kitô mà phương thế là linh đạo, mục
đích, sứ mạng của hội dòng. Cùng chung một lý tưởng giúp họ xây nên một cộng
đoàn yêu thương mà tình yêu này không hệ tại ở cảm xúc hay một xúc động thoáng
qua. Tình yêu này không phải là tình yêu chiếm hữu nhau nhưng phải tiến tới
tình yêu Agape.
Lật lại Kinh Thánh để thấy rõ điều Chúa muốn nơi những con người
muốn dấn bước theo Dấu Chân Thầy Chí Thánh. Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại
cho chúng ta con đường tiến tới tình yêu Agape
Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: "Này anh
Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp:
"Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giêsu nói với ông:
"Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." Người lại hỏi: "Này anh
Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có,
Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy."
Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy
không?" Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy
không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến
Thầy." Đức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. [5]
Lần thứ nhất Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Anh có mến Thầy hơn
các anh em này không?” Phải chăng Tình yêu mà Đức Giêsu đang đề cập đến là tình
yêu Eros? Nếu chỉ đạt đến tình yêu này thôi thì không được bởi bản chất của
Eros là tình yêu nhục dục, yêu nhưng chỉ muốn sở sữu, chiếm đoạt. [6] Nếu
người tu sĩ mà sống trong tình yêu Eros thì họ đang chọn sai con đường. Nơi cộng
đoàn họ đang sống thiếu vắng yêu thương bởi nơi đó chỉ qui tụ những con người
ích kỷ muốn thỏa mãn cái tôi của mình.
Lần thứ hai Đức Giêsu lại hỏi ông Simôn Phêrô: “Anh có mến Thầy
không?” Tình yêu mà lúc này Đức Giêsu đề cập đến phải chăng là tình yêu Philia:
tình thân, tình đồng chí[7], một
tình bạn nghĩa thiết mà hai người dành cho nhau? Như đã nói trên đời sống cộng
đoàn rất cần xây dựng tình thân hữu bởi chính nơi đó có sự đồng cảm. Đó là điều
tốt. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ nhưng phải tiến xa hơn nữa.đó
Lần thứ ba Đức Giêsu lại hỏi ông Simôn Phêrô: “Anh có yêu mến Thầy
không?” Tình yêu mà lúc này Đức Giêsu đề cập đến phải là tình yêu Agape: tình
yêu của sự hiến dâng, hiệp thông, tình yêu vô vị lợi. Vâng đời sống thánh hiến
luôn mời gọi người tu sĩ luôn tha thiết và khao khát thiết lập cho được một
tình yêu Agape để sống hài hòa trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa
cũng như giữa con người với con người.
Với ba lần hỏi nhưng cả ba lần Đức Giêsu
chỉ lập lại một câu hỏi duy nhất. Với đời sống cộng đoàn của người tu sĩ, Chúa
cũng mời gọi ta sống trong tình yêu Agape. Điều này cần chúng ta vận dụng sức mạnh
của ý chí để thiết lập một tình bạn lành mạnh không làm thiệt hại cho đời sống
tu trì, mà có thể sinh ích lợi tích cực, giúp người tu sĩ cảm thấy tự do kết bạn
với nhiều người: giáo sĩ và giáo dân.
Agape là đỉnh cao của sự dâng hiến. Chính
nơi đó khi nhìn lên người tu sĩ thấy rõ mẫu gương của Thầy Chí Thánh với hai
chiều kích Nhập thể và Nhập thế. Quả thực, đây là sức mạnh và là động lực để
người tu sĩ dám khước từ cái gọi là bản năng để sống triệt để hơn về ba lời
khuyên Phúc Âm.
3.
Điểm thực hành
Hạnh phúc của con người là được sống với
người khác, bởi khi tạo dựng Thiên Chúa đã đặt để nơi con người trái tim để yêu
thương và hướng người khác trong tương quan bạn bè, tình yêu nam nữ, tình cảm
gia đình.... Nhưng để điều khiển trái tim luôn sống trong tình cảm trong sáng
không phải ai cũng hiểu và làm được. Người viết xin mạo muội đưa ra những
phương thế thực hành
- Vai trò người giáo huấn:
Là người
tu sĩ sống đời sống cộng đoàn, như đã nói trên, với môi trường sống chúng ta có
nhiều cơ hội để tiếp xúc với nhau nên người giáo huấn phải nhạy bén để nhìn nhận
những đôi bạn thường xuyên gặp gỡ nhau với những tình cảm họ dành cho nhau có sự
khác biệt với nhũng người khác trong cộng đoàn. Nhờ đó tránh những tình trạng
hướng đến người cùng phái.
Là người
giáo huấn, nên giúp người thụ huấn hiểu rõ thế nào là tình bạn đích thực. Bởi
người ta có xu hướng chỉ hiểu cách chung
chung về tình bạn và khi sống cộng đoàn người ta cũng áp dụng cái tình bạn đó đối
với nhau. Tình bạn trong cộng đoàn những người sống thánh hiến phải trở thành
tình thân hữu thì cộng đoàn đó mới có sự bình an và mối người mới có thể thăng
tiến được.
Chọn
người trong vai trò giáo huấn, nên có chuyên môn về tâm lý để họ tùy từng lứa
tuổi và giúp người thụ huấn dễ dàng thăng tiến.
- Vai
trò của người thụ huấn:
Là người
thụ huấn cần hiểu rõ và được huấn luyện để thực sự trưởng thành trong vấn đề
tình cảm hầu có thể tự do kết bạn với tất cả mọi người mà không phụ thuộc vào một
ai.
Kết luận
Đã là
người ai trong chúng ta sống cũng cần đến người khác, bởi con người mang xã hội
tính trong mình. Do đó, con người sống luôn cần sự liên đới nên chúng ta phải
đi tìm cho mình những người bạn giúp ta thăng tiến trong cuộc sống. Nên đã nảy
sinh vấn đề tình cảm giãu con người với con người.
Như vậy tình cảm đóng vai trò rất quan trọng,
sự thành công của chúng ta phụ thuộc vào tình cảm tích cực, bởi tình cảm là động
lực để con người khắc phục những khó khăn, vượt qua mội trở ngại trong cuộc sống.
Một tâm hồn thiếu vắng tình cảm cũng làm cho chúng ta mất khả năng thích ứng.
Do đó, chúng ta cần rèn luyện cho mình một tình cảm chân thực để khơi nguồn sức
mạnh nhân bản lớn lao đồng thời điều khiển và hướng dẫn tình cảm vươn đến những
đối tượng và mục đích tốt đẹp hơn. Chúng ta biết tình cảm là một lãnh vực rất
phức tạp nhưng lại rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi người chúng ta, là
con người ai trong chúng ta cũng có tình cảm. Bởi tình cảm được hình thành từ
thuở ta còn trong bụng mẹ cho đến tuổi già hay nói cách khác tình cảm theo ta
suốt cuộc đời. Do đó, tình cảm là một cái gì đó rất cao quý và thiêng liêng.
Nên dù sống trong bậc sống nào hay sống trong thời đại nào đi nữa chúng ta cũng
cần đến những người xung quanh. Nhưng riêng đối với người tu sĩ chúng ta sống
giữa cộng đoàn nên nhất thiết chúng ta cần tiến tới trong tình yêu Agape. Có
như thế thì chúng ta mới trở thành chứng nhân đích thực của Đức Kitô, bởi đời sống
Thánh hiến là chúng ta tiên báo về đời sống vị lai ở quê Trời.
Đăng nhận xét