Chính Thiên Chúa
là Đấng tác tạo Hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi Hôn nhân vào trong bản tính của con người
khi tạo dựng nên họ có nam có nữ.
là Đấng tác tạo Hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi Hôn nhân vào trong bản tính của con người
khi tạo dựng nên họ có nam có nữ.
(Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1603)
Ts. Giuse Nguyễn Văn Giới, OP.
Hôn nhân là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa và nằm
trong chương trình của Thiên Chúa, chứ không phải thuần túy chỉ là sự kết ước
theo kiểu cảm tính giữa hai người nam và nữ, hay chỉ là một định chế thuần túy của nhân loại. Bằng chứng là Hôn nhân
đã được Kinh Thánh đề cập đến ngay từ những trang đầu sách Sáng Thế. (Xc. St
1,27 - 28; 2,18-25) và kết thúc với viễn ảnh về “Đám Cưới Con Chiên” (Xc. Kh 19,7-9). Thánh
Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong thư gửi các gia đình, số 2, cũng khẳng định
nguồn gốc Hôn nhân: “Gia đình có nguồn
gốc trong chính tình yêu của Đấng Tạo Hóa dành cho thế giới được Ngài sáng tạo
như đã nói ‘từ nguyên thủy’ trong sách Sáng thế 1, 1.”
1. Giá trị của Hôn nhân và gia đình
1.1. Tính bền vững
Tính
bền vững của Hôn nhân được đề cập đến ngay từ chương đầu của sách Sáng Thế: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả
hai thành một xương một thịt.” (St 2,24). Sự hợp nhất bền vững giữa người nam và người nữ được
Đức Kitô nói rõ trong cuộc đối đáp với nhóm Biệt phái khi Người nhắc lại ý định
“từ nguyên thủy” của Đấng Tạo Hóa và Người còn thêm: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng là một xương thịt , cho nên điều
Thiên Chúa đã kết hợp con người không được
phân ly” (Mt 19, 36).
Người nói điều này để làm sáng rõ đặc tính bất khả phân ly của Hôn nhân như nền
tảng của thiện ích chung cho gia đình.
Giáo lý
Công giáo, số 1603, cũng nhấn
mạnh đến giá trị bền vững của Hôn nhân như sau: “Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo Hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi
Hôn nhân vào trong bản tính của con người khi tạo dựng nên họ có nam có nữ.”
Mục đích
của vợ chồng Công giáo cũng như ngoài công giáo, là trọn đời yêu thương nhau.
Vì Chúa đã dựng nên người nam và người người nữ, nên tình yêu hỗ tương giữa họ
trở thành tình yêu tuyệt đối và bền vững mà Thiên Chúa dành cho con người (Xc.
GLCG, số1604). Tuy nhiên, mục đích này bị mất đi khi ông bà nguyên tổ sa ngã.
Cuộc sống Hôn nhân ngày nay lý tưởng là vậy, nhưng sống đời sống Hôn nhân có
trách nhiệm và yêu thương nhau trọn đời không phải dễ bởi những yếu đuối và bất toàn của con
người.
Hôn nhân Công giáo được coi là
bền chặt hơn vì xem Hôn nhân là ân sủng tặng ban của Thiên Chúa, và nhắm tới
mục đích của hạnh phúc lứa đôi, của con cái và của xã hội. Không chỉ vậy, Hôn
nhân còn là bí tích do Chúa Giêsu lập nên và là tình yêu hợp nhất giữa Đức Kitô
và Hội Thánh, giữa Thiên Chúa và dân Israel nói riêng và nhân loại nói chung.
Chính vì vậy, Hôn nhân mang đặc tính đơn nhất và bất khả phân ly. Hai đặc tính này
được thiết lập từ sự kết hợp mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, đó
là biết yêu thương, kết hợp với nhau, sẵn sàng tha thứ khuyết điểm của nhau và
sống vì con cái.
Vì thế, khi cử hành bí tích Hôn
nhân thành sự và hợp pháp, thì sợi dây hôn phối không thể tháo gỡ, vì Thiên
Chúa đã dùng tình thương và quyền năng của Người liên kết và tác thành để
truyền thông sự sống, đồng thời gìn giữ, thánh hóa và chúc phúc cho đời sống
ấy.
1.2. Tính thánh thiêng
Hôn nhân thánh thiêng vì những
lý do sau đây:
Thứ nhất, Hôn nhân là một ơn
gọi từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, nên ơn gọi Hôn
nhân được khắc ghi ngay trong bản tính của họ. Tình yêu con người bắt nguồn từ
thượng nguồn là Tình Yêu Thiên Chúa. Đó chính là giao ước tình yêu giữa Thiên
Chúa và Dân Người, một giao ước vĩnh cửu, đòi hỏi hai bên phải trung thành với
nhau mãi mãi. Như vậy, trong Cựu Ước, tình yêu của hai người nam và người nữ
trao cho nhau phản chiếu giao ước tình yêu này của Thiên Chúa. Sang Tân Ước,
tình yêu vợ chồng làm chứng cho tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Đôi vợ
chồng, qua Bí tích Hôn nhân, họ trung thành, trung tín, hy sinh cho nhau, vì
nhau, sẽ làm chứng cho Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh (Xc. Ep 5,
23-25). Trong gia đình, Thiên Chúa đã tự mặc khải cho họ Người là Đấng Hằng
Sống, yêu sự sống và ban sự sống không ngừng.
Thứ hai, Hôn nhân là một Bí
tích. Sách Giáo lý Công giáo, số
1601, khẳng định:
Do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng
đồng chung sống suốt đời, tự bản tính hôn ước hướng về thiện ích của đôi vợ
chồng và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Đức Kitô đã nâng hôn ước giữa
những người đã chịu phép Thánh tẩy lên hàng bí tích.
Theo ngôn ngữ của thánh Gioan
Kim khẩu: “Hôn nhân là bí tích tình yêu…
Khi vợ chồng nên một trong Hôn nhân, cả hai không còn là hình ảnh dưới trần
nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên trời.”
Thật vậy, Hôn nhân Kitô giáo là
bí tích của Giao Ước Mới giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Hôn nhân giữa hai người đã
được Rửa tội là một bí tích thực sự của Giao Ước Mới, vì biểu thị và thông ban
ân sủng cho họ (Xc.Lc 14,26; Mc 10, 28-31). Đức Kitô là nguồn mạch ân sủng đặc
biệt này. Qua bí tích Hôn phối, tình yêu vợ chồng được Thiên Chúa chúc phúc và
đóng ấn; đồng thời, họ nhận được những ân sủng siêu nhiên giúp họ sống ơn gọi Hôn nhân gia đình và làm
chứng cho tình yêu bền chặt giữa Đức Kitô và Hội Thánh.
2. Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa và trong Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô
2.1. Trong chương trình của
Thiên Chúa
Sách Sáng thế
có hai truyền thống khác nhau về Tạo dựng là Truyền thống Giavít (Tk X trước
cn) và truyền thống Tư tế - P (Tk VI trước cn). Hôn nhân trong chương trình của
Thiên Chúa khởi đi từ hai truyền thống khác biệt
này.
Truyền thống Tư tế (Xc. St 1,
26-28) cho rằng, người nam và người nữ được tạo dựng cùng lúc, và cả hai được
tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa: “Thiên
Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo
hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St
1,27). Theo truyền thống này, người nữ không được tạo dựng từ người nam, mà cả
hai được tạo dựng cùng một trật. Việc kết hợp này nhằm mục đích: Thiên Chúa ban
phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”
(St 1, 28).
Trong khi đó, truyền thống
Giavít cho rằng người đàn bà được rút từ xương sườn người đàn ông. Bản văn Sáng
thế 2,18-22 ghi lại:
Đức Chúa là Thiên Chúa phán: ‘Con người ở một mình
thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó…’ Đức Chúa là
Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi.
Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa
là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người
đàn bà và dẫn đến với con người (St 2,18-22).
Truyền thống này nhấn mạnh đến
yếu tố kết hợp hơn là yếu tố sinh sản trong trình thuật Tư tế. “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó
với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Vì trở nên một
xương một thịt nên cả hai tự do và cởi mở cho nhau về giới tính của mình: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần
truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2,25).
Như
vậy, cả hai trình thuật tạo dựng trong hai truyền thống khác nhau kể trên đều
cho thấy, Hôn nhân bắt nguồn từ Thiên Chúa ngay từ đầu công trình sáng tạo và
do ý muốn của Người. Nói cách khác, Hôn nhân trước hết là một ơn gọi đến từ
Thiên Chúa. Người là Đấng tác tạo Hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi Hôn nhân vào
trong bản tính của con người khi tạo dựng nên họ có nam có nữ (Xc. GLCG, 1603).
Qua việc kết hợp giữa người nam và người nữ, họ là biểu tượng, là sự phản chiếu
giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Người, nghĩa là được mời gọi trở nên hình
ảnh sống động của Thiên Chúa yêu thương và luôn trung tín (Xc. Hs 2, 21) hướng
về Israel.
2.2. Trong Tin Mừng Giêsu Kitô
Như
đã trình bày ở trên, trong Cựu Ước, tình yêu vợ chồng là sự phản chiếu giao ước
chung thủy, duy nhất giữa Thiên Chúa và Dân Người. Giao ước tình yêu này chuẩn
bị một Giao ước tình yêu vĩnh cửu, được
thể hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô qua việc Thiên Chúa đã sai Con Một của Người xuống trần gian, hội nhập vào đời
sống nhân loại, qua cửa ngõ gia đình, để làm phong phú và thánh hóa ơn gọi Hôn
nhân gia đình. Qua đó, Người Chuẩn bị cho “Tiệc Cưới Con Chiên” (Xc. Kh 19,7-8)
với chàng rể là Đức Kitô còn Hội Thánh tựa cô dâu điểm trang lộng lẫy được
Người yêu thương đến hy sinh mạng sống (Xc. Ep 5,25).
Khởi đầu cuộc đời công khai, Đức Kitô hiện diện và
làm dấu lạ đầu tiên trong tiệc cưới Cana (Xc. Ga 2,1-11). Hội Thánh xem sự kiện
này như là lời xác nhận của Đức Kitô về giá trị Hôn nhân; đồng thời công bố
nhân từ đây là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô trong đời sống Hôn
nhân gia đình.
Không chỉ vậy, Người còn kiện toàn những gì liên
quan đến Hôn nhân. Khi những “đối thủ” của Người, những người Pharisiêu, thử
thách Người với câu hỏi ngụy biện giả định nhằm nới lỏng đời sống Hôn nhân:
“Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”, Người đã trả
lời bằng cách dẫn các ông về trung tâm của vấn đề là trở về với nguồn gốc Hôn
nhân ban đầu Đấng Tạo hóa đã muốn. Người đáp:
Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng
Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ’, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta
sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’
Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên
Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly (Mt 19,36).
Khi trưng dẫn Kinh Thánh như thế, một mặt Đức Giêsu
tái khẳng định sự trung tín và bất khả phân ly của Hôn nhân; mặt khác Người còn
nhấn mạnh đến sự hiệp thông của con người. Nơi Chúa Giêsu, các đôi vợ
chồng nhận ra Thiên Chúa là Đấng đã khởi xướng, đồng hành và làm cho Hôn nhân
và gia đình trở thành con đường hạnh phúc, dẫn con người đến sự hiệp thông với
nhau và hiệp thông với Thiên Chúa tình yêu.
Tóm lại, Hôn nhân
trước hết là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Qua việc liên kết tình yêu, vợ chồng
được mời gọi trở nên hình ảnh sống động chân thực của Thiên Chúa thành tín và
yêu thương. Sự trung tín và đầy yêu thương của Thiên Chúa thể hiện trọn vẹn nơi
Đức Kitô ngang qua sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh.
Ước
mong sao, các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa Hôn nhân và gia đình cũng như
các đôi vợ chồng luôn liết lắng nghe Lời Chúa, nhìn ngắm mẫu gương của Chúa để
biết sống mối tình khăng khít như Đức Kitô đã sống với hiền thê của mình là Hội
Thánh theo lời mời gọi của Thánh Phaolô tông đồ:
Người làm vợ hãy
tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô
là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của
Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục
chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức
Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh (Ep 5,22-25).
Đăng nhận xét