Sự hiệp thông huynh đệ mang tính nội tại
của đời sống thánh hiến trong các cộng đoàn.
Mỗi cá nhân, trong tư cách là những nhân vị, có quyền
và cũng đòi hỏi trách nhiệm và bổn phận với cộng đoàn.
của đời sống thánh hiến trong các cộng đoàn.
Mỗi cá nhân, trong tư cách là những nhân vị, có quyền
và cũng đòi hỏi trách nhiệm và bổn phận với cộng đoàn.
Đinh Trí Dũng, OP.
Trong Tông thư gửi
tất cả các người tận hiến nhân dịp năm đời sống thánh hiến (21.11.2014), Đức
Thánh Cha Phanxicô viết rằng:
Các tu sĩ và những người được tận hiến được mời gọi trở
nên những “chuyên viên hiệp thông”. Vì thế, tôi mong rằng “linh đạo hiệp thông”
mà thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra, sẽ trở thành thực tại, và anh chị em sẽ là
những người đầu tiên đón nhận ‘sự thách đố lớn lao ở trước mặt’ trong ngàn năm
mới: “làm cho Giáo hội là ngôi nhà và trường học của hiệp thông.”[1]
Do vậy, những người sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên những
con người của sự hiệp thông. Việc sống tình hiệp thông ngày nay quả là một
thách đố lớn lao cho các người sống đời tận hiến. Bên cạch những thách đố khác,
thách đố kiến tạo tình hiệp thông trong cộng đoàn cần được nhấn mạnh hơn hết
trong đời sống thánh hiến, vì đó là dấu chứng cho sự hiện diện của Nước Thiên
Chúa ngay giữa lòng thế giới hôm nay.
1. Đời
sống thánh hiến trong mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi
Mở đầu Tông huấn Vita consecrata, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho thấy mối liên hệ đời sống thánh
hiến với mầu nhiệm Ba Ngôi rất sâu sắc:
Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn
của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội Người qua
trung gian của Thánh Linh... Qua các thời đại, luôn có những người nam
nữ sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha và sự thúc đẩy của
Thánh Linh, đã chọn con đường đặc biệt để bước theo Đức Kitô để tự
hiến cho Chúa với một con tim không chia sẻ... Như thế họ đã góp phần
vào việc biểu lộ mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo hội bằng muôn vàn
đặc sủng thuộc đời sống tâm linh và tông đồ mà Thánh Linh đã ban cho
họ, và nhờ đó, họ cũng góp phần vào việc canh tân xã hội.[2]
Tiếp theo, ở chương II với tựa đề Signum Fraternitatis, Đời sống thánh hiến, dấu chỉ hiệp
thông trong Giáo hội, Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II cho thấy rằng ý tưởng chủ chốt “thông hiệp” (koinonia,
communio) bắt nguồn từ sự thông hiệp Ba Ngôi Thiên Chúa:
Đời sống huynh đệ, nhờ vậy những người được thánh hiến cố gắng sống “một
lòng một ý” trong Đức Kitô (Cv 4,32), cũng là một lời tuyên xưng về Ba Ngôi đậm
đà ý nghĩa. Đời sống huynh đệ tuyên xưng Chúa Cha, Đấng muốn cho mọi người
thành một gia đình duy nhất; tuyên xưng Chúa Con nhập thể, Đấng quy tụ những
người được cứu chuộc và chỉ cho thấy con đường hợp nhất bằng gương sáng, kinh
nguyện, lời nói và nhất là bằng cái chết của Người, là nguồn mạch ban ơn hòa
giải cho nhân loại đã bị chia rẽ và phân tán; tuyên xưng Chúa Thánh Thần là
nguyên lý hiệp nhất trong Giáo hội, nơi mà Người không ngừng khởi xướng những
gia đình thiêng liêng và những cộng đoàn huynh đệ[3].
Trong số các văn kiện Toà thánh bàn về đời sống cộng đoàn, Huấn
thị “Đời sống Huynh đệ trong cộng đoàn”, do Bộ các hội dòng tận hiến và tu
đoàn tông đồ phát hành ngày 02/02/1994, cho thấy rõ nguồn gốc của đời sống
huynh đệ trong đời sống thánh hiến họa lại hình ảnh sống động và ý muốn của Ba
Ngôi Thiên Chúa:
Vì thế, không thể nào hiểu được cộng đoàn tu trì nếu chúng ta không bắt đầu
từ bản chất của cộng đoàn như là một ân huệ trên cao ban xuống, như một mầu
nhiệm, bắt nguồn từ chính trọng tâm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chí thánh và là Đấng
thánh hóa, Đấng hằng mong muốn cộng đoàn tu trì trở nên thành phần của mầu
nhiệm Giáo hội nhằm phục vụ đời sống con người...Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, đã
mặc khải chính Người là Tình Yêu, là Ba Ngôi, là Sự Hiệp Thông, đã mời gọi họ
tham dự vào mối tương quan thâm sâu với chính Người và vào mối hiệp thông liên
vị trong tình huynh đệ đại đồng giữa người với người.[4]
Lại nữa, khi bàn về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, Bộ các hội dòng
tận hiến và tu đoàn tông đồ đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiều kích mầu
nhiệm của cộng đoàn tu trì như sau:
Cộng đoàn tu trì không đơn thuần là tập hợp các Kitô hữu để tìm kiếm sự
hoàn thiện cá nhân. Sâu xa hon nhiều, đó là sự thông phần và là chứng ta đặc
biệt của Giáo hội mầu nhiệm, bởi vì nó là biểu hiện sống động là sự hoàn thành
ưu việt của “sự thông hiệp” đặc biệt, koinonia,
của Ba Ngôi cao cả; Chúa Cha muốn những người nam và người nữ được dự phần vào
sự sống thông hiệp đó, trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần.[5]
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng nhắc đến mối liên hệ giữa việc sống
đời thánh hiến với mầu nhiệm Ba Ngôi như sau:
Trong đời sống thánh hiến, các Kitô hữu dưới tác động của Thánh Thần, sẵn
sàng theo sát Đức Kitô hơn, tự hiến cho Thiên Chúa là Đấng được yêu mến trên
hết mọi sự và theo đuổi đức ái hoàn hảo để phục vụ Nước Trời, bày tỏ và loan
báo trong Hội Thánh sự vinh quang của thế giới tương lai.[6]
Tiếp nữa, trong tông thư gửi tất cả
các người tận hiến nhân dịp năm đời sống thánh hiến (21/11/2014), Đức Thánh Cha
Phanxicô cũng nói đến Chúa Ba Ngôi như khuôn mẫu cho tình hiệp thông trong cộng
đoàn:
Anh chị em hãy sống huyền nhiệm của sự
gặp gỡ: “khả năng lắng nghe người khác, khả năng cùng nhau tìm ra con đường,
phương pháp”, hãy để cho mình được chiếu sáng bởi mối tương quan tình yêu đã
xuyên qua Tam Vị (xc. 1 Ga 4, 8) như khuôn mẫu cho mọi tương quan liên bản vị[7].
Như vậy, đời sống thánh hiến bén rễ sâu trong mầu nhiệm Ba Ngôi và từ mầu
nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi, người tận hiện nhận ra những phương cách hữu hiệu
và thích hợp để kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn mình.
2. Sự cần
thiết của hiệp thông cộng đoàn trong đời sống thánh hiến và trong Giáo hội
Trong văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến
con người”, Bộ các tu hội tận hiến và tu đoàn tông đồ đã nêu bật tính cách hiệp
thông trong cộng đoàn như chứng từ sống động của đời sống tận hiến:
Do kinh nghiệm hằng
ngày về sự hiệp thông đời sống, kinh nguyện, tông đồ, được coi như yếu tố căn bản
và đặc biệt của hình thức đời sống thánh hiến, các tu sĩ tạo thành một “dấu chỉ
hiệp thông huynh đệ.” Thật thế, trước một thế giới chia rẽ trầm trọng, và trước
mặt cả những anh em trong niềm tin, họ chứng minh khả năng của sự hiệp thông của
cải, tình yêu huynh đệ, kế hoạch đời sống và hoạt động, có thể có được là nhờ
đã biết đón nhận lời mời gọi tự do theo Chúa Kitô sát hơn, Đấng đã được Chúa Cha
sai đến để trở thành trưởng tử của một đoàn em đông đúc, hầu thiết lập một sự
hiệp thông huynh đệ mới nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần”[8]
Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI nhấn mạnh
sự cần thiết của đời sống hiệp thông huynh đệ trong đời sống dâng hiến như sau:
Nếu có ít nhiều tu sĩ tỏ ra chán ngán
đời sống cộng đoàn thì ai sẽ đem lại cho họ sự phát triển? Phải chăng trong đời
sống cộng đoàn họ đã không tìm được mối thông cảm nuôi dưỡng niềm hy vọng?
Không còn ai nghi ngờ được rằng tinh thần nhóm, những mối liên lạc huynh đệ, sự
tương trợ trong cũng một hoạt động tông đồ, cũng như sự nâng đỡ lần nhau trong
đời sống chung đa lựa chọn để phụng sự Đức Kitô một cách hoàn hảo hơn, là nguồn
trợ lực quý giá trong đời sống hằng ngày.[9]
Tiếp đến, Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II cho thấy tầm quan trọng của tình yêu huynh đệ trong cộng đoàn có giá
trị lớn lao ra sao trong đời sống thánh hiến khi ngài viết:
Khi thường xuyên cổ võ tình yêu huynh
đệ, nhất là dưới dạng đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy rằng việc tham dự
vào tình hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những mối tương quan nhân loại, và
tạo ra một kiểu tình liên đới mới. Nhờ thế, đời thánh hiến làm cho loài người
thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và của những con đường cụ thể đưa tới
đó. Quả thế, những con người tận hiến sống “cho” Thiên Chúa và sống “bởi” Thiên
Chúa, và chính vì thế, họ có thể tuyên xưng quyền năng hòa giải của ân sủng, là
tiêu diệt các lực lượng gây chia rẽ nằm trong trái tim con người và trong những
tương quan xã hội.[10]
Tiếp đó, trong bài giáo huấn về đời sống
thánh hiến, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng tái khẳng định vai trò quan
trọng của đời sống hiệp nhất huynh đệ trong cộng đoàn:
Công Đồng nói về ‘sự hiệp nhất về tinh
thần’. Đó là sự hiệp nhất cắm rễ sâu trong Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn đổ tình
yêu vào lòng chúng ta và thúc giục những người khác biệt cùng giúp nhau trong
hành trình tiến tới sự trọn hảo, thiết lập và duy trì giữa họ bầu khí đoàn kết
và hợp tác. Cũng như Chúa Thánh Thần đã bảo đảm sự hiệp nhất trong toàn thể Giáo
hội thế nào, thì Ngài cũng thiết lập và duy trì sự hiệp nhất, kể cả dưới hình
thức chặt chẽ, trong cộng đoàn đời thánh hiến như vậy.[11]
Ngoài ra, sự hiệp thông huynh đệ trong
cộng đoàn còn góp phần củng cố, canh tân và làm phong phú đời sống Giáo hội.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc sống hiệp
thông nơi người tận hiến đối với Giáo hội khi viết:
Những người tận hiến được yêu cầu trở
thành những chuyên viên về hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông, như ‘những
chứng nhân và những người kiến tạo kế hoạch hiệp thông, đỉnh cao của lịch sử
nhân loại theo ý muốn của Thiên Chúa’. Cảm thức về hiệp thông trong Giáo hội,
khi trở thành linh đạo hiệp thông, cổ võ một lối suy nghĩ, nói năng và hành động
giúp cho Giáo hội tiến về chiều sâu và chiều rộng. Quả thật, đời sống hiệp
thông trở thành một dấu chỉ cho thế giới và một sức mạnh thu hút người ta tin
vào Đức Kitô… Như thế, sự hiệp thông đưa tới sứ vụ, và biến thành sứ mạng, hoặc
đúng hơn “sự hiệp thông sinh ra sự hiệp thông và chủ yếu của nó là hiệp thông sứ
vụ.”[12]
Sự hiệp thông của những người tận hiến
góp phần thúc đẩy sự hiệp thông huynh đệ trong Giáo hội phổ quát. Thật vậy,
Những người tận hiến được kêu gọi trở
thành chất men hiệp thông sứ vụ trong Giáo hội phổ quát, vì các đoàn sủng khác
nhau của các tu hội khác nhau được Chúa
Thánh Thần ban cho là để mưu ích cho toàn Nhiệm Thể, nên họ phải phục vụ công
việc của Nhiệm Thể”[13] hay “Giáo hội ký thác cho các cộng đoàn sống đời thánh
hiến bổn phận đặc biệt: đó là phát triển linh đạo hiệp thông trước tiên trong
chính cộng đoàn của họ, kế đến trong cộng đồng Giáo hội và vượt cả biên giới
này nữa, bằng cách kiên trì theo đuổi cuộc đối thoại bác ái, nhất là tại những
nơi hiện đang bị xâu xé bởi sự hận thù chủng tộc hay nạn bạo lực điên rồ… các cộng
đoàn sống đời thánh hiến, nơi mà những con người khác nhau về tuổi tác, ngôn ngữ
và văn hóa lại gặp nhau như những anh em chị em, trở thành những dấu chỉ chứng
minh rằng luôn luôn có thể đối thoại được với nhau, và có thể hài hòa được nhờ
có hiệp thông.[14]
3. Thách đố
trở nên những người kiến tạo tình hiệp thông
trở nên những người kiến tạo tình hiệp thông
Những chuyển biến mau lẹ của xã hội hiện
đại tạo nên những thách đố không nhỏ cho những người sống đời thánh hiến. Họ phải
giữ được sự cân bằng trong các mối tương quan: với Chúa, với cộng đoàn, với bản
thân và với tha nhân qua sứ vụ của mình. Đây không phải là điều dễ thực hiện nếu
không có ơn Chúa và sự phân định đúng đắn nơi những người tận hiến. Những thách
thức của xã hội hiện nay có thể gây nên những khó khăn đòi hỏi những người sống
đời thánh hiến phải vượt qua nhưng chúng cũng đưa đến những cơ hội quý báu cho
việc canh tân và thúc đẩy sứ vụ của Giáo hội nơi những người sống thánh hiến.
a. Những thách đố ngoại tại của việc sống
linh đạo hiệp thông
Tác động của hoàn cảnh xã hội mới trong đời sống huynh đệ cộng đoàn
Trước đây, môi trường hoạt động chẳng
hạn như công tác xã hội, y tế, giáo dục thường gắn liền với những hoạt động của
các tu sĩ. Rất nhiều những cơ sở như trường học, bệnh viện và tổ chức bác ái do
các tu sĩ đứng ra điều hành và trông coi. Thế nhưng, trong những thập niên gần
đây, số lượng các cơ sở hoạt động như thế đang có chiều hướng giảm sút đi, đặc
biệt nơi các quốc gia phát triển ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Có nhiều nguyên do để lý
giải sự sụt giảm trên: chẳng hạn như việc nhà nước tiếp quản những cơ sở như thế,
số lượng tu sĩ giảm đi tại các quốc gia này khiến cho các trường học và bệnh việc
bị quốc hữu hóa, mức độ “già hóa” nơi những cộng đoàn tu trì làm cho mức độ dấn
thân giảm đi rất nhiều. Những cộng đoàn còn đông tu sĩ cố trụ lại và duy trì chứ
ít có cơ hội phát triển và gia tăng.
Ngược lại, ở những cộng đoàn nhỏ hơn,
nhiều tu sĩ đã nghĩ ra những đường hướng phục vụ Giáo hội mới và thiết thực hơn
trước những nhu cầu của Giáo hội, xã hội và con người nên họ có thể bám trụ và
phát triển tốt hơn. Những công tác mục vụ với sinh viên, di dân, doanh nhân, những
người làm công tác truyền thông… là những môi trường mới để thi hành công tác mục
vụ. Điều này mở ra những chân trời mới cho những người sống đời thánh hiến. Tuy
nhiên, họ cần trưởng thành hơn để cân bằng giữa việc giữ đời sống cộng đoàn và
việc tham gia sứ vụ của mình nếu không muốn bị vong thân và trở nên những người
chỉ biết làm việc tông đồ mà quên đi căn tính đời tu. Mẹ Têrêsa đã từng nhắc nhở
các chị em của mẹ rằng: “Chúng ta không phải là những nhân viên làm công tác xã
hội mà chúng ta là những hiền thê của Đức Giêsu Kitô”. Đời sống hiệp thông với
Chúa và với anh chị em trong cộng đoàn vẫn cần được duy trì và củng cố như nền
tảng vững chắc nâng đỡ tòa nhà sứ vụ của người tu sĩ.
Sự gia tăng những đòi hỏi của con người thời đại
Việc gia tăng những đòi hỏi khẩn thiết
hầu mục vụ cho những nhu cầu của Giáo hội và con người cần được lưu tâm nhưng
không làm đánh mất tính cách hiệp thông cộng đoàn. Những công tác giúp đỡ những
người nghèo, người nghiện, người tị nạn, người bị gạt ra bên lề xã hội, người
tàn tật và bệnh nhân, người tri thức… không ngừng đòi hỏi các tu sĩ phải dấn
thân hơn nữa trong các công tác mục vụ. Điều này đòi hỏi một sự đáp trả quyết
liệt và hiến thân không ngừng để có thể mang Chúa đến cho con người thời đại.
Việc thay đổi những hình thức hoạt động
tông đồ sao cho phù hợp với nhu cầu của Giáo hội và xã hội là cần thiết nhưng
không thể bỏ qua nền tảng của đời sống thánh hiến. Hoạt động tông đồ không tách
biệt tu sĩ ra khỏi cộng đoàn nhưng mời gọi họ sống mầu nhiệm hiệp thông trong
chính cộng đoàn của mình. Thật vậy, “sự hiệp nhất huynh đệ loan báo Chúa Ki-tô
đã đến và phát sinh một năng lực tông đồ mãnh liệt.”[15]
Cách suy nghĩ và lối sống trong môi trường tục hóa
Các tu sĩ thường xuyên làm việc trong
những môi trường bị coi là tục hóa vì thiếu vắng đi ý thức về Thiên Chúa. Các
chủ thuyết vô thần, bất khả tri và cá nhân chủ nghĩa được đề cao thái quá trong
xã hội hiện nay. Những chủ thuyết này đa phần muốn khử thiêng tục hóa, loại bỏ
Thiên Chúa và những gì là thiêng liêng mà chỉ gắn bó với những gì đã có và hiện
có. Điều này làm suy yếu đi lý tưởng của đời sống cộng đoàn hiệp thông huynh đệ
và sự dấn thân của các tu sĩ.
Thêm nữa, những chủ nghĩa hưởng thụ và
chủ nghĩa khoái lạc dần len lỏi vào đời sống thánh hiến nơi các cộng đoàn. Do
không bén rễ sâu trong đức tin và thích thượng tôn ý riêng, nên những người
theo lối sống này thích sự an nhàn và thoái mái hơn là dấn thân và tận hiến cho
sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội và cộng đoàn. Đây là một thách đố không nhỏ
cho những cộng đoàn tu trì.
Vì thế, việc giáo dục tư tưởng nhân bản
và đức tin là điều cần thiết để làm phát triển ý thức cộng đoàn và hiệp thông
huynh đệ. Chính nhờ những cảm nghiệm thực sự về sự cố kết liên vị và tương
quan, những người theo những chủ thuyết này mới dần có khả năng thoát ra khỏi
cái “vỏ ốc” cố hữu của mình để sống tình huynh đệ bằng hữu chân chính.
b. Những thách đố nội tại của việc sống
linh đạo hiệp thông
Một quan niệm mới về con người cần được lưu ý
Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh nhiều
đến giá trị của ngôi vị và những sáng kiến cá nhân trong đời sống cộng đoàn.
Đây được coi như một nét son để giữ được sự quân bình đời sống cá nhân riêng tư
và đời sống cộng đoàn. Đời sống huynh đệ cộng đoàn không phải là một cản trở
cho việc phát triển nhân vị hay những sáng kiến hữu ích của cá nhân. Trái lại,
đời sống huynh đệ cộng đoàn nâng đỡ và hiệu chỉnh những khả năng và sáng kiến
này phù hợp với đời sống cộng đoàn hơn. Cũng vậy, mỗi nhân vị không phải là đơn
lẻ nhưng là nhân vị có tính cộng đoàn, nghĩa là nhân vị trong tương quan. Không
thể có chủ nghĩa độc tôn hay độc quyền trong đời sống huynh đệ cộng đoàn. Mọi
người đều có quyền có tiếng nói, đều có quyền được biết và được đón nhận. Tuy
nhiên, những sáng kiến hay những đổi mới này phải phù hợp và xây dựng trên tinh
thần huynh đệ cộng đoàn, vì ích chung.
Vì vậy, sự hiệp
thông huynh đệ mang tính nội tại của đời sống thánh hiến trong các cộng đoàn. Mỗi
cá nhân, trong tư cách là những nhân vị, có quyền và cũng đòi hỏi những trách
nhiệm và bổn phận với cộng đoàn. Thiếu đi ý thức trách nhiệm và tự do, người sống
đời thánh hiến không thể xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn chân chính được.
Điều quan trọng trong việc gây dựng
tình hiệp thông huynh đệ là việc chấp nhận những sự khác biệt của người khác. Mỗi
người là một huyền nhiệm và mỗi người là một ẩn số. Do vậy, những quá khứ, văn
hóa, nghề nghiệp, gia đình, bạn bè, ý thức hệ… không phải là những thứ để mổ xẻ
hay lên án, nhưng là những chất liệu để gầy dựng nên sự đa dạng phong phú trong
đời sống chung. Chúng ta “hiệp nhất trong sự đa dạng”, điều này ngược với sự “đồng
nhất tập thể”, tức là tất cả mọi người trong cộng đoàn đều phải như nhau.
Cơ cấu tổ chức cần đổi mới
Sắc lệnh về canh tân thích nghi dòng
tu Perfectae caritatis có nói đến một
yêu cầu quan trọng trong việc xây dựng tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn
nơi các người sống đời thánh hiến như sau: “Để
tình huynh đệ giữa các tu sĩ được mật thiết hơn, hãy để những anh em trợ sĩ,
hay gọi bằng những tên tương tự, được liên kết chặt chẽ hơn với cuộc sống và hoạt
động của cộng đoàn.”[16]
Như vậy, đời sống cộng đoàn không phải
có sự khác biệt về lời khấn hay quyền lợi, nhưng khác nhau do việc phân phối
các công tác đòi hỏi, công tác mà mỗi người lãnh nhận tùy theo ơn Chúa ban cho
mỗi người. Chính khi sống như thế, cộng đoàn mới tạo nên sự đồng tâm nhất trí,
một lòng một ý để thi hành sứ vụ và trở nên chứng tá cho sự hiện diện của Chúa
giữa lòng thế giới.
Thêm nữa, một cơ cấu tổ chức quá nặng
tính hình thức mà thiếu nội dung cũng đang bào mòn các cộng đoàn tu trì. Thay
vì xây dựng tình thương, sự đối thoại và lòng bao dung trong cộng đoàn, nhiều
người lại chủ trương xây dựng những “tường thành khép kín và kiên cố” trong những
cơ cấu tổ chức. Nhân danh đức vâng phục, thay vì phục vụ lại dùng như một quyền
lực riêng, nhiều bề trên và những người có trách nhiệm đang làm phân rẽ cộng
đoàn và tạo nên những rạn nứt trong các tương quan với các anh chị em khác. Vì
vậy, đời sống thánh hiến mời gọi kiến tạo sự hiệp nhất ngay tại chính cộng đoàn
hơn là ở những môi trưởng bên ngoài. Qua đối thoại và nhờ sống phong phú tinh
thần bác ái, người tận hiến nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa hiện diện nơi cuộc đời
xuyên qua những cảnh huống khác nhau và những cơ cấu khác nhau.
Thách đố của lối sống dửng dưng trong cộng đoàn
Một trong số những vấn nạn ngày nay
nơi các tu sĩ là thái độ dửng dưng. Có lẽ họ vẫn có niềm tin vào Thiên Chúa
nhưng đức tin đó chưa được bén rễ sâu và chưa được đào luyện. Mất đi cảm thức về
những sự thánh thiêng thuộc về Thiên Chúa, nhiều tu sĩ cũng mất đi cảm thức
thánh thiêng về con người. Họ chẳng thèm quan tâm đến những người xung quanh vì
sợ mất lòng, vì sợ liên lụy, vì sợ làm phiền. Các tương quan liên vị trở nên yếu
đi gây nên những xáo trộn trong cộng đoàn. Thái độ “mạnh ai nấy sống” làm mất
đi tình huynh đệ chân chính.
Sự dửng dưng có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa hơn hết là
thói ích kỷ của bản thân. Thói xấu này bén rễ nơi việc đề cao chính bản thân mà
quên lãng đi sự hiện diện của những người khác. Do đó, để tránh thái độ dửng
dưng trong cộng đoàn cần phải xây dựng một nền văn minh tình thương dựa trên sự
liên đới. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là việc “đón tiếp và quan tâm lẫn nhau, thực hành sự chia sẻ những tài nguyên vật
chất và tinh thần, sửa bảo huynh đệ, tôn trọng những người yếu đuối…”[17] Hay
nói cách khác, chúng ta phải nhận ra rằng:
Không ai xây dựng tương lai một
cách biệt lập, hoặc với sức lực riêng của mình, nhưng cần biết nhận ra chân lý
của sự thông hiệp khiến ta mở rộng đến gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, giúp đỡ lẫn
nhau, và như vậy giúp chúng ta phòng ngừa khỏi bệnh tự kỷ.[18]
Tóm lại, đời sống thánh hiến khởi phát từ tình yêu của Thiên Chúa
Ba Ngôi và được phong phú không ngừng nhờ sức tác động của Ba Ngôi. Một chứng
tá sống động của đời sống thánh hiến cho thế giới hôm nay là chứng tá về sự hiệp
thông huynh đệ trong cộng đoàn. Tu sĩ được mời gọi trước hết sống hiệp thông
trong chính cộng đoàn của mình, sau đó chiếu tỏa niềm vui của sự hiệp thông đó
đến cho mọi người. Thêm nữa, sự hiệp thông trong cộng đoàn những người sống đời
thánh hiến còn góp phần củng cố và làm phong phú sự hiệp thông trong Giáo hội.
Với tư cách là những “chuyên viên hiệp thông”, những người tận hiến
được mời gọi trở thành những chứng nhân và người kiến tạo “kế hoạch hiệp nhất”
trong Giáo hội, trong cộng đoàn các tín hữu và trên thế giới. Những thách đố
trong xã hội hiện nay mặc dù phần nào tạo nên những khó khăn cho việc sống đời
thánh hiến nhưng cũng là cơ hội cho các tu
sĩ khám phá và củng cố đoàn sủng của mình qua việc sống đời sống huynh đệ. Tu
sĩ sẽ không thể nhận ra căn tính đích thực của mình khi chối bỏ đời sống huynh
đệ cộng đoàn. Đời sống huynh đệ cộng đoàn là nguồn trợ lực cho việc thực thi sứ
vụ đồng thời cũng giúp nuôi dưỡng và phát triển ơn gọi. Những yếu tố ngoại tại
và những yếu tố nội tại cần phải được dung hòa sao cho hợp lý. Thêm nữa, người
tận hiến cần bén rễ sâu trong tương quan với Thiên Chúa, Đấng yêu thương và
trung tín muôn đời để có thể vượt thắng những thử thách, khó khăn và cám dỗ
nguy hại của thời đại hôm nay. Quả thế, sự cân bằng trong đời tận hiến chỉ có
được khi người tu sĩ sống đúng đắn các mối tương quan: với Chúa, với cộng đoàn,
với bản thân và với tha nhân.
[1] Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất
cả các người tận hiến nhân dịp năm đời sống thánh hiến (21/11/2014), phần II, mục
3.
[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu
thượng hội đồng giám mục về Đời sống Thánh hiến Vita Consecrata, số 1.
[3] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng
hội đồng giám mục về Đời sống Thánh hiến Vita Consecrata, số 21.
[4] Bộ các hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ, Huấn thị “Đời sống Huynh đệ trong cộng đoàn” (2/2/1994), số 8 và 9.
[5] Ibid, số 2.
[6] GLHTCG, số 916.
[7] Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất
cả các người tận hiến nhân dịp năm đời sống thánh hiến (21/11/2014), phần I, mục
2.
[8] Bộ các hội dòng tận hiến và
tu đoàn tông đồ, Văn kiện “Tu sĩ và việc thăng tiến con người” (12/8/1980), số 24.
[9] ĐGH Phaolô VI, Tông
huấn “Chứng tá Phúc Âm”,
(29/06/1971), số 39
[10] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu
thượng hội đồng giám mục về Đời sống Thánh hiến Vita Consecrata, số 41.
[11] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bài giáo
huấn số 11: Đời sống chung dưới ánh sáng Tin Mừng (14/12/1994), được ghi lại
trong sách “Những văn kiện đời tu: Theo
Chúa Kitô”, tập II, trang 63.
[12] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu
thượng hội đồng giám mục về Đời sống Thánh hiến Vita Consecrata, số 46.
[13] Ibid, số 47.
[14] Ibid, số 51.
[15] CĐ. Vaticanô II, Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi Dòng tu Perfectae caritatis, (28.10.1965), số
15.
[16] CĐ. Vaticanô II, Sắc lệnh về việc canh tân
thích nghi Dòng tu Perfectae caritatis,
(28.10.1965), số 15.
[17] ĐGH Phanxicô, Tông thư của Đức Thánh Cha
Phanxicô gửi tất cả các người tận hiến nhân dịp năm đời sống thánh hiến
(21/11/2014), phần II, mục 3.
[18] Ibid, mục 3.
Đăng nhận xét