Tìm nét đặc trưng của tình yêu qua ơn gọi Hôn nhân

Nếu tình yêu Hôn nhân vẫn được dùng
để diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa với Dân của Người,
tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo hội, thì liệu chừng,
dưới ánh sáng mạc khải ấy, ta có thể khám phá ra phẩm tính của ơn gọi Hôn nhân trong đường nét đặc trưng nhất,
nét “thánh thiêng trong phàm tục”
mà Đức Giêsu đã nói không ?
Ts. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP.
Dĩ nhiên là có rất nhiều cách tiếp cận với đề tài tình yêu và tình yêu Hôn nhân. Bài viết này chỉ chọn phân tích một khía cạnh của đời sống Hôn nhân, khía cạnh của sự thân mật, xét như một đường nét của đạo yêu thương và là dấu chỉ diễn tả ý nghĩa sự thân mật trong sự sống đức tin Kitô giáo.
1. Tìm lại phương trình căn bản của Tin Mừng
1.1 Nét lệch lạc căn bản của bài toán xã hội
Nhiều nền văn hoá có thái độ coi thường đối với đời sống Hôn nhân. Lý do có lẽ cũng đơn giản, là vì người ta không thấy những người chọn đời sống Hôn nhân có nét anh hùng. Nhưng lý do “đơn giản” ấy, trong cội nguồn sâu xa, thực sự không đơn giản chút nào.
Con người sống trong xã hội không thể vượt quá được lối nhìn so sánh hơn thua giữa người với người. Trong tầm nhìn “hàng ngang” ấy, xã hội con người luôn có những thang điểm để đánh giá con người theo những tiêu chuẩn cao thấp, đẹp hay xấu, tài năng hay kém cỏi, đạo đức hay tội lỗi...; để xếp hạng mỗi người vào các bậc thang đẳng cấp... Sâu xa hơn, cách nhìn ấy cũng tạo nên một hệ giá trị được coi như đương nhiên, quá “hiển nhiên” và rất “công bằng”: người tài được trọng dụng, người đẹp được cưng chiều, người đạo đức được nể phục; và dĩ nhiên, ngược lại, những người xấu, người kém, người tội lỗi bị coi thường, bị khinh dể, bị loại trừ...
Tầm nhìn ấy và hệ giá trị ấy, đương nhiên biến đời sống xã hội thành một cuộc thi, nhằm lọc lựa, sàng sẩy để tìm được một “số ít” vượt trên “số nhiều”. “Số ít” là những người có tài năng, có đức độ, có điều kiện thuận lợi... và đã vươn lên, đã vượt qua được “số nhiều”.
Một cách phổ quát, ta thấy con người luôn khao khát vươn lên, và khát vọng vươn lên, khát vọng trở nên “đẹp hơn” ấy được bộc lộ trong văn hoá, nơi những nền văn hoá khác nhau. Mỗi nền văn hoá có một hệ giá trị riêng. Những giá trị riêng ấy thường được kín múc trong kho tàng giá trị nhân bản của bản chất người. Tuy nhiên, cơn cám dỗ nguy hiểm của kiếp người là người ta thường rơi vào chỗ đề cao quá mức một số giá trị riêng biệt nào đó đến độ làm giảm nhẹ, hoặc loại trừ những những giá trị nhân bản khác. Chẳng hạn văn hoá Á Châu đề cao tập thể thì lại ít thấy tầm quan trọng của bản lãnh cá nhân; ngược lại, nền văn hoá Tây Phương đề cao tự do cá nhân thì lại làm mờ nhạt tình nghĩa làng xóm, tình nghĩa gia tộc, tình nghĩa thầy trò.
Trong từng thời điểm, hoặc trong từng môi trường đặc thù nào đó, người ta cũng lại cần phải tìm thấy một số giá trị nào đó, những giá trị cần được đề cao đặc biệt để đáp ứng với thách đố trước mắt của hoàn cảnh cụ thể. Có thời của những quan văn và có thời của những quan võ. Có khi thì “nhất sĩ nhì nông”; rồi lại đến lúc “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Khi xem phim hành động, phim kiếm hiệp, phim cao bồi, ta sẽ thấy những người có võ công cao cường, rút súng nhanh, là những nhân vật anh hùng, còn những kẻ trí thức là những kẻ khờ khạo và yếu nhược. Ngược lại, trong phim tình cảm, hoặc phim xã hội, thì những nhân vật chính lại có thể là những nhà trí thức, hoặc một doanh nhân tài giỏi... Khi cần phải vận động nhân dân đi vào cuộc chiến, người ta sẽ hình thành những mẫu gương anh hùng theo kiểu “những con mắt mang hình viên đạn” (Trần Tiến); hoặc  “Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ. Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong. Cho Đảng bền lâu Cùng rập bước chung lòng. Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!” (Tố Hữu)...
Nói chung, ta có thể thấy con người luôn khát vọng vươn lên, và đó là khát vọng chân chính. Nhưng khát vọng vươn lên lại thường bị cám dỗ rơi vào một thứ “chủ nghĩa anh hùng”, nghĩa là người ta chọn lựa một vài giá trị nhân bản, biến vài giá trị nhân bản ấy thành những giá trị quan trọng nhất, tạo nên một thang điểm để đánh giá và phân loại mọi người trong xã hội, rồi đưa đẩy toàn thể xã hội một cuộc thi, thi sát hạch và thi tuyển để mọi người luôn phải tìm cách vươn lên hơn người khác. Chủ nghĩa anh hùng thường biến bài toán xã hội thành một cuộc thi đấu thắng thua, trong đó, “số ít” sẽ tỏ ra xứng đáng “là người” hơn “số nhiều”. Chủ nghĩa anh hùng phân cấp xã hội, và cũng thường đi đến chỗ phân cấp chính phẩm giá làm người; và như thế, chủ nghĩa anh hùng dễ làm méo mó, giảm thiểu hoặc đánh mất giá trị của chủ nghĩa nhân bản toàn vẹn.
Chúng ta có thể thấy rõ sự tráo trở của chủ nghĩa anh hùng qua những chứng nhân thời đại, chẳng hạn như chuyện vua lốp Nguyễn Văn Chẩn, một thời bị chà đạp như một thứ tư sản mới, rồi một thời lại được ca ngợi như một người lao động sáng tạo; nhiều nhà tư sản từng bị kết án với tất cả những từ ngữ đau đớn nhất “giòi bọ hút máu mủ nhân dân”, để rồi lại có lúc được tôn vinh như những doanh nhân thành đạt. Quả thật, với tầm nhìn hàng ngang giữa con người với nhau, người ta khó lòng thoát sự nỗi ám ảnh của chủ nghĩa anh hùng.
Ta thấy tầm nhìn hàng ngang và hệ giá trị từ tầm nhìn ấy chi phối gần như toàn bộ đời sống con người, cả trong lãnh vực chính trị, lãnh vực giáo dục, lãnh vực luân lý,... Chuẩn mực gía trị ấy cũng bộc lộ trong cả các tôn giáo, hình thành nên những nẻo đường giải thoát mở ra “trên nóc nhà”, chỉ dành cho những người ưu tuyển. Ngay trong Kitô giáo, vốn là nẻo đường giải thoát được Đức Giêsu mở ra “từ dưới chân”, để mọi người có thể bước vào, đặc biệt là những người bé mọn, cũng rất thường bị biến thể thành một thứ chủ nghĩa anh hùng. Có biết bao nhiêu bài giảng mà các linh mục luôn cứ phải tìm cho ra những mẫu gương cao cả của các nhân vật điển hình để khích lệ giáo hữu vươn lên, nhưng lại không làm sáng lên được phẩm tính căn bản của thái độ tin trong chính những việc đời thường.


1.2. “Phương trình” của Tin Mừng
Quả thực, trong tầm mức xã hội con người, mối tương quan biện chứng giữa “số ít” và “số nhiều” luôn được lý giải bằng bài toán so sánh, tạo nên một bầu khí cạnh tranh. Cho dù ta có gọi đó là “cạnh tranh lành mạnh” đi nữa, và cho dù bài toán so sánh ấy, trong thực tế, có nhiều tác dụng khích thích thêm nhiều nhân tài đi nữa, thì tự căn bản, bài toán ấy vẫn không phải là “công thức” của Tin Mừng. Chẳng hạn, trong lãnh vực quyền bính, ta có thể thấy rõ công thức của Tin Mừng khác với thói quen bình thường, khác nhưng không phải là ngược ngạo mà là một sự đảo ngược kỳ diệu đáng thán phục :
Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”(Mt 20, 24-28).
Giáo huấn của Đức Giêsu cho thấy mối tương quan biện chứng giữa “số ít” và “số nhiều” phải được xét lại: “Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” Không phải “số ít”, mà người ta vẫn ngầm hiểu như là kết quả của một cuộc lọc lựa một cách “hợp lý” hoặc “công bằng”, thì cũng đương nhiên được nắm quyền thống trị “số nhiều”. Dĩ nhiên, giải pháp của Đức Giêsu không phải là một sự cào bằng, và không phải là một sự “phủ định đơn thuần” đối với quyền bính. Những dữ kiện căn bản của đức tin trong truyền thống Do Thái-Kitô giáo luôn đặt đời sống xã hội con người trong mối tương quan “tay ba”. Đời sống con người không phải chỉ có “tôi” và “anh”, nên diễn tiến của cuộc sống cũng không phải là “biện chứng chủ-nô” như triết gia Hegel diễn tả. Giữa tôi và anh, còn có Chúa; và sự hiện diện của Chúa trong bài toán cuộc đời giống như một “mẫu số chung” để tôi và anh cùng hiệp thông với nhau.
Trong phương trình của Tin Mừng, mối tương quan giữa “số ít” và “số nhiều” không đơn thuần là kẻ hơn, người kém, kẻ thắng, người thua, nhưng là, vì để hoàn thành cái toàn thể nên mới có “số ít” và “số nhiều”; “số nhiều” ươm mầm cho “số ít”, và “số ít” để phục vụ “số nhiều”. Chính Chúa là cội nguồn của mọi ân huệ và ân huệ cho người này hay người kia thì cũng là để Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho mọi người. Đức Giêsu tuyển chọn một “số ít”, mười hai Tông đồ, các môn đệ, và Đức Giêsu đặt Phêrô là đầu của Hội Thánh; nhưng đó là ân huệ được lãnh nhận để phục vụ Giáo hội. Cũng như Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với một số ít, nhưng số ít ấy luôn “có trách nhiệm với “số nhiều” :
Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường,  không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết (Cv 10 40-42).
Nói cách khác, trong khi bài toán xã hội con người nỗ lực nhằm tới cách thức làm nẩy sinh ra các “ngôi sao”, thì phương trình của Tin Mừng luôn làm nổi bật nền tảng giá trị nơi “mặt bằng”. “Mặt bằng” không phải là tầng lớp thấp kém nhưng là nền tảng, là nguồn mạch, chẳng những về mặt ý nghĩa mà cả trong vận hành tạo nên sức sống chân thật của xã hội con người. Điều này được củng cố trong nhiều khía cạnh khác của đời sống đức tin, chẳng hạn Đức Giêsu nhiều lần khẳng định phẩm tính của người được đón nhận vào Nước Trời giống như trẻ em (x. Mt 18,3), và kẻ bé mọn trong Nước Trời còn lớn hơn ông Gioan Tẩy Giả (Xc. Lc 7, 28); chẳng hạn trong mối tương quan giữa Giáo hội theo chiều kích Maria và Giáo hội theo chiều kích Phêrô (Xc. Nguyễn Trọng Viễn, “Thách Đố của Phẩm Tính Đức tin trong Giáo hội Việt Nam, thách đố của nữ tính”, tập san Chia Sẻ); hoặc khi Giáo hội khẳng định tầm quan trọng của “cảm thức đức tin” trong việc đón nhận những mạc khải về chân lý đức tin (Xc. Văn Kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế, 06-2014 : “Cảm thức Đức tin trong Đời sống Giáo hội”).
Phương trình của Tin Mừng tỏ bày rõ ràng “chủ nghĩa nhân bản” đích thực của Kitô giáo, thứ “chủ nghĩa” có khả năng phục hồi phẩm giá phổ quát cho bản chất người, thứ chủ nghĩa trả lại quyền năng thực sự cho “số đông”. Nhân bản Tin Mừng không phải là chủ nghĩa quí tộc, nhưng không gạt bỏ những đóng góp luôn cần thiết của những người ưu tuyển. Nhân bản Tin Mừng cũng không phải là chủ nghĩa “dân tuý” vốn có tính cục bộ và chỉ nhằm những mục tiêu mị dân có tính ngắn hạn của thời cuộc. Điều đặc biệt là thứ chủ nghĩa nhân bản Tin Mừng chỉ có thể có được khi có sự tham dự của Chúa vào dòng lịch sử, và chỉ khi “dám” tin vào Chúa, người tín hữu mới có thể trung tín trong những việc chân chính nhỏ bé, thoát khỏi cám dỗ của hiệu năng trước mắt.
Đẳng cấp của ơn gọi Hôn nhân chỉ có thể được sáng lên trong phương trình của Tin Mừng, sáng lên không phải chỉ do một vài gương sáng có tính cách anh hùng của một vài nhân vật tiêu biểu, nhưng trong chính phẩm tính “siêu hình” (giá trị chân thật từ bản chất) của đời sống Hôn nhân, thứ phẩm tính mà “số nhiều” vẫn thể hiện một cách bình thường, bình thường mà không tầm thường, trong đời sống quen thuộc hằng ngày.
2. Tìm lại đẳng cấp của đời sống Hôn nhân
2.1 “Phẩm tính Hôn nhân” trong đời sống đức tin
Thực tế, đời sống Hôn nhân vợ chồng là điều phổ biến và là đời sống như thể gắn liền với bản năng sinh lý vốn có của mọi người, là bậc sống thuộc về “số nhiều” mà gần như người nào cũng có thể thực hiện được.
Tình yêu nam nữ vẫn được trình bày phong phú trong nghệ thuật như một nét đẹp, nét lãng mạn, nhưng rất ít khi được nhìn nhận như là nét cao quí và góp phần vào việc hoàn thành vận mạng một đời người. Hơn nữa, không ít người và không ít hệ thống giá trị nhân bản còn coi đời sống Hôn nhân, cùng lắm là giải pháp bắt buộc của người phụ nữ, nhưng là một sự cản trở đối với chí lớn nam nhi. Người ta cho rằng, để làm được việc lớn thì phải vượt qua tình cảm nhi nữ thường tình. Vì thế, thay vì đời sống Hôn nhân, các nền văn hoá và tôn giáo của con người thường chỉ tìm thấy nét cao quý trong tình bạn, tình thầy trò, tình đồng chí, hoặc tình phụ tử, tình mẫu tử,...
Trong khi đó, Sách Thánh Do Thái – Kitô giáo dành một vị trí đặc biệt cho đời sống Hôn nhân. Ngay từ ban đầu, con người đã được Thiên Chúa sáng tạo nên “theo hình ảnh Thiên Chúa”, và “giống hình ảnh Thiên Chúa”, nét căn bản và cao quý nhất của nhân học Kitô giáo, lại gắn liền với nếp sống “có nam có nữ”:
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1, 27-28).
Do đó, trên nền tảng giá trị của đời sống Hôn nhân, con người (Adam) tìm thấy đã được sự hoàn thành vận mạng của mình, bộc lộ trong tiếng reo vui muôn đời của nhân loại :
Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.
Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt (St 2, 20-24).
Trong lịch sử ơn cứu độ, Cựu Ước cũng đã nhiều lần dùng hành ảnh tình yêu Hôn nhân để diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và Dân của Người. Rồi khi mà giao ước cũ vốn nặng tính pháp luật tỏ ra không thành công, thì, theo kế hoạch của Chúa, các ngôn sứ bắt đầu công bố niềm hy vọng vào một thứ giao ước hoàn hảo hơn được ghi trên bia thịt, giao ước trong Thần Khí và được ghi khắc trên những trái tim bằng thịt biết yêu thương. Đặc biệt, ngôn sứ Hôsê đã trình bày phẩm tính của thứ giao ước mới ấy như một “hôn ước”, một giao ước gần với mẫu sống của đời sống Hôn nhân.
Trong Kinh Thánh, đề tài tình yêu Hôn nhân quả thật là phong phú: trong Cựu Ước, Kinh Thánh mô tả Thiên Chúa yêu thương Dân Người như vị Lang quân đối với Hiền thê. Trong Tân Ước, Đức Giêsu tỏ mình ra như vị Lang quân đích thực đối với Dân mới là Hội Thánh, đặc biệt trong trình thuật tiệc cưới Cana.
2.2 Tính thân mật Hôn nhân
            như “bí tích” của đạo yêu thương
Có lẽ não trạng của nhiều người Kitô hữu vẫn dựa theo lời thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi Giáo đoàn Côrintô. Tuy nhiên, khi bàn về đời sống Hôn nhân, thánh Phaolô đứng trên quan điểm tu đức để đưa ra một “giá trị luân lý” chứ không phải “giá trị siêu hình” (“giá trị siêu hình” được hiểu như là giá trị chân thực phát xuất từ chính bản chất của thực tại), và thánh nhân đã hai lần nhấn mạnh rằng đây là tư tưởng riêng của thánh nhân :
Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư cách là người, nhờ Chúa thương đáng được anh em tín nhiệm. Vậy tôi nghĩ rằng: vì những nỗi thống khổ hiện tại, ở vậy là điều tốt. Phải, tôi nghĩ rằng đối với người ta, như thế là tốt (...)
Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co (1 Cr 7, 25-26.32-35).
Trong chương bảy của Thư thứ nhất gửi Giáo đoàn Côrintô này, chúng ta thấy thánh Phaolô đã rất cẩn thận phân biệt giữa mệnh lệnh không được ly hôn là do “... không phải tôi, mà là Chúa...:” (c. 10); còn về vấn đề giá trị của đời sống độc thân thì thánh nhân càng cẩn thận khi hai lần minh định “chính tôi chứ không phải Chúa” (c. 12) và “tôi không có chỉ thị nào của Chúa” (c.25). Mặt khác, như đã nói trên, giá trị luân lý, khi chưa bị biến thành chủ nghĩa anh hùng, không phải là điều đối lập với giá trị siêu hình, nhưng chỉ không căn bản, không phát xuất từ chính bản chất của thực tại.
Nếu trở về với chính thái độ của Đức Giêsu, ta có thể khám phá ra một nền tảng căn bản phát xuất từ chính giá trị siêu hình của đời sống Hôn nhân. Nền tảng và giá trị của đời sống Hôn nhân tự * minh giải như là ý định ban đầu của Đấng Tạo Hoá; và đặc biệt, hết sức đặc biệt, ý định ấy lại được thành toàn trong chính “hành vi vợ chồng”, hành vi “cả hai sẽ thành một xương một thịt”, điều mà người ta vẫn coi thường, thậm chí khinh dể như một chuyện dâm đãng xấu xa:
Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao : ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ’”, và Người đã phán : “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,3-6).
Thật đáng kinh ngạc khi mà ý định của Thiên Chúa về Hôn nhân lại được bộc lộ trong điều thường bị coi là tục tĩu. Hành vi vợ chồng gần với bản năng sinh lý tự nhiên của con người lại có cội nguồn từ chính quyết định “Thiên Chúa đã phối hợp”, cội nguồn quá thánh thiêng mà nhân loại không được tục hoá bằng những tính toán hơn thiệt, “loài người không được phân ly”.
Hơn nữa, đức tin Kitô giáo còn nâng đời sống Hôn nhân lên hàng bí tích, nghĩa là xuất phát, gắn liền và biểu lộ chính mầu nhiệm “Sự chết và sự Phục sinh ” của Đức Giêsu, và biểu lộ mầu nhiệm tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh:
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người.  Sách Thánh có lời chép rằng : Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng (Ep 5, 25-33).
Nếu tình yêu Hôn nhân vẫn được dùng để diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa với Dân của Người, tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo hội, thì liệu chừng, dưới ánh sáng mạc khải ấy, ta có thể khám phá ra phẩm tính của ơn gọi Hôn nhân trong đường nét đặc trưng nhất, nét “thánh thiêng trong phàm tục” mà Đức Giêsu đã nói không ?
Tình yêu Hôn nhân khác với những thứ tình yêu khác, tình bạn, tình thầy trò, tình đồng nghiệp, tình hàng xóm láng giềng... ở khía cạnh tính dục. Giáo sư Nguyễn Văn Trung, trong tác phẩm “Ca Tụng Thân Xác” nói tới thứ biện chứng dấu mở trong vấn đề thân xác con người. Sở dĩ thân xác con người cần phải che đậy, không phải chỉ do quần áo, nhưng do chính tâm lý e thẹn, là vì thân xác có giá trị, có giá trị với chính mình và với người khác. Điều đó được thể hiện đặc biệt trong vấn đề tính dục: “Thân xác, cơ quan sinh dục thiết yếu mở ra khi có đủ điều kiện để dâng hiến cho người khác. Nhưng người khác đây không phải là tất cả mọi người mà chỉ là một người thôi” (Nguyễn Văn Trung, Ca Tụng Thân Xác, Nam Sơn xuất bản, trang 63).
Nói cách khác, hành vi vợ chồng là hành vi riêng tư, là sự trao tặng dành riêng, diễn tả một ý thức tự nguyện dâng hiến và tình cảm thân mật đặc biệt; đồng thời cũng hàm nghĩa đòi hỏi một sự tôn trọng. Một khi biết được “chỗ kín” của nhau một cách đúng đắn, vợ chồng như thể vượt quá được tính xa lạ dai dẳng trong tha nhân và giải thoát cá nhân khỏi thái độ phòng vệ lì lợm trong cái tôi. Đây cũng là một cuộc “vượt qua”, vượt qua mang tính biện chứng. Hành vi vợ chồng chân chính giúp vợ chồng vượt thắng tính xa lạ và vượt qua thái độ phòng vệ mà không xoá bỏ “khoảng cách”, xét như yếu tố căn bản biểu lộ sự tôn trọng tha tính và lòng tự trọng của bản ngã. Đây là cuộc vượt qua khỏi tầng lễ nghĩa, vốn luôn chao đảo giữa hai thái cực “gần chùa gọi Bụt bằng anh” và “kính nhi viễn chi”, khiến người ta cứ phải tìm một thái độ trung dung “cơ học” (nghĩa là tìm sự trung dung theo kiểu cộng lại chia đôi), để vươn tới tầng thân mật, vốn có khả năng mỗi ngày mỗi sâu xa hơn, hướng tới một sự hiệp nhất trọn vẹn hơn (Xc. H. Nouwen, Những Dấu Chỉ của Sự Sống). Cuộc vượt qua này chính là thực hiện một giao ước trọn vẹn, giao ước chấp nhận bản thân và cuộc đời của nhau.
Luân lý tính dục Kitô giáo cho biết hành vi chăn gối vợ chồng là phương tiện để diễn tả tình yêu, sự khoái lạc của thân xác chỉ được trọn vẹn trong hạnh phúc của tình yêu. Người ta luôn bị cám dỗ dừng lại ở khoái lạc, cám dỗ quay trở về cái tôi hưởng thụ đóng kín và biến người phối ngẫu trở thành phương tiện. Đánh mất sự tôn trọng ngã vị tôn nghiêm của nhau, vợ/chồng sẽ lạc nẻo khỏi giáo huấn luân lý về tính dục, và hành vi tính dục trở thành sự xúc phạm phẩm giá của người phối ngẫu, ngấm ngầm tạo nên những vết nứt trong đời sống Hôn nhân gia đình.
Tuy bao hàm nhiều ý nghĩa cao đẹp, nhưng hành vi vợ chồng cũng luôn là một thách đố hết sức chênh vênh. Ý nghĩa siêu hình của hành vi vợ chồng không luôn ăn khớp với hành vi sinh lý bên ngoài. Biên giới giữa “biện chứng dấu mở” chân thực và thái độ “bạo hành lợi dụng” rất mong manh; lằn ranh giữa phạm trù lễ nghĩa và phẩm tính thân mật cũng rất mong manh; cảm nhận chân thực hoà trộn giữa giữa khoái lạc và hạnh phúc không dễ gì minh bạch được. Sự chênh vênh và mong manh ấy luôn cần được nâng đỡ bằng đức khiết tịnh, nghĩa thái độ tôn trọng. Chỉ khi người ta thấy hoặc cảm nhận được nét cao cả của ngã vị, có được sự tôn trọng tha nhân và tôn trọng chính bản thân trong mầu nhiệm tình yêu chân chính, thì hành vi vợ chồng mới có thể vững bước trên nẻo đường chênh vênh ấy. Như thế, sự chênh vênh và mong manh ấy còn cho thấy Hôn nhân và tính dục không phải là một lãnh vực biệt lập, nhưng chỉ là một khía cạnh và luôn gắn liền với một thực tại bao quát hơn, đó là thực tại tình yêu. Tình yêu trong Hôn nhân nếu không gắn liền với chính mạch nguồn của tình yêu chân chính sẽ dễ dàng nghiêng ngả về phía bản năng tính dục.
Bí tích Hôn nhân chỉ là một trong bảy bí tích, và bảy bí tích là thành phần của Giáo hội như Bí Tích Phổ Quát. Bí tích phổ quát, gồm gói cả bảy bí tích, luôn phải gắn liền một Bí Tích Duy Nhất là chính Đức Giêsu Kitô. Cũng thế, tình yêu Hôn nhân không thể gồm tóm tất cả ý nghĩa vô cùng phong phú của tình yêu, vì chỉ có Thiên Chúa là TÌNH YÊU (1 Ga 4,8.16). Ngoài tình yêu Hôn nhân, ta còn thấy Thực Tại Mầu Nhiệm của Tình Yêu được diễn tả, chẳng hạn, trong khía cạnh lòng thương xót với người đau khổ (Bí tích Xức dầu), khía cạnh quản trị cộng đoàn (Bí tích Truyền chức), hoặc khía cạnh luôn phải sửa đổi và canh tân vì nhau (Bí tích Sám hối). Tình yêu Hôn nhân là “bí tích” diễn tả chính Tình yêu chân chính và toàn vẹn là chính tính yêu của Đức Kitô với Giáo hội.
Tình yêu Hôn nhân có thể bộc lộ và diễn giải một đường nét của “Mầu Nhiệm Tình Yêu”, đường nét của sự thân mật, ý nghĩa của sự dành riêng và dành trọn vẹn cho một ai, đường nét của sự trong sự tôn trọng ngã vị cao quý của tha nhân, sự tôn trọng được bộc lộ trong một hành vi nhân linh dính dáng mật thiết tới tính sinh lý tự nhiên của kiếp người. Từ đường nét đặc trưng của tình yêu Hôn nhân như thế, được nhìn trong ý định khôn ngoan ngàn đời của Thiên Chúa, ta có thể hiểu ra được, nếu chưa phải là chiều rộng, chiều cao, thì ít là chiều sâu của tình yêu Kitô giáo, tình yêu trong phẩm tính thân mật, riêng tư và kín ẩn. Tính thân mật của tình yêu Hôn nhân cũng là “bí tích” của mầu nhiệm tình yêu toàn vẹn: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15).
Còn gì riêng tư hơn, còn gì bí mật hơn, còn gì thân thiết hơn nơi Đức Giêsu cho bằng “những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy” ? Tình nghĩa giữa người môn đệ với Đức Giêsu được nâng cấp lên mức độ bằng hữu khi mà “Thầy đã cho anh em biết” những điều bí mật, riêng tư và thân thiết ấy.
Tạm kết

Tình yêu Kitô giáo không phải chỉ là một tình cảm lãng mạn, một thứ trò chơi thư giãn trong chốc lát, nhưng là một hành trình để hoàn thành vận mạng cao quý của đời người. Tình yêu Kitô giáo cũng không phải chỉ là những hành vi bác ái để xuê xoa nỗi khổ nào đó, nhưng là khả năng đi vào câu chuyện đời của nhau, kết dệt giây tơ cuộc đời với nhau để làm nên một bề dày nghĩa tình chân thật. Nếu một thứ “nói cái gì” (nói đông đổng) là thứ lời nói nhốt kín ngã vị trong những khuôn khổ của lề thói sự vật; thì cũng có thứ “nói cái gì với ai”, như một mối tương quan của những người bên cạnh nhau, lệ thuộc nhau; và tình yêu Kitô phải là thứ : “nói với nhau về nhau”, vì đây là mối tương quan rộng mở bản ngã để đi vào câu chuyện đời của nhau và chấp nhận được bản thân cùng với cuộc đời của nhau.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn