Tình bạn trong đời sống thánh hiến

  
trong kinh nghiệm của truyền thống Kitô giáo,
chúng ta bắt gặp một mối tương quan bằng hữu giữa Thiên Chúa và con người,
từ cái thuở Thiên Chúa đi dạo với con người
trong vườn Êđen vào những buổi chiều gió lộng,
cho đến lúc Thiên Chúa tất tưởi chết cho con người
vào buổi chiều sậm tím.
Tất cả là tình bạn.
Quốc Văn, OP.

Cuộc sống như một dòng chảy sinh động, được chan hoà bằng bao mối tương quan. Một trong những mối tương quan gần gũi nhất với chúng ta là tương quan bạn hữu. Có người bạn tốt là ta có được kho tàng quý giá. Sách Huấn Ca dạy :
Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế là gặp được kho tàng. Không lấy gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người bạn ấy không cân nào lường được (Hc 6, 14-15).
Ví thử trên đời này không còn tình bạn nữa, thì cuộc sống sẽ như thế nào ? Có thế ví von thế giới lúc ấy như một ngày mưa phùn gió bấc, không có ánh mặt trời; như đêm đen dày đặc không tinh tú, không ánh trăng; và dĩ nhiên là lòng người cô đơn hiu quạnh. Cái thuở sơ nguyên của trần gian đã có những ngày như thế, thuở mà Ađam chỉ có một mình chưa có Evà làm bạn. Cô quạnh. Buồn mênh mang !
Khi bàn đến tình bạn trong đời tu, chúng ta cùng nghĩ suy,  khám phá về thứ tình bạn này. Càng khám phá, càng cảm nghiệm, ta thấy tình bạn đúng là một “huyền nhiệm” diệu vợi khôn cùng. Chúng ta cùng cất bước đăng trình vào nẻo đường khám phá ấy.

I. Có một tình bạn như thế

Tình bạn không giới hạn ở tuổi tác, địa vị, lúc nào tình bạn cũng đẹp, cũng cần thiết cho cuộc sống. Tình bạn là nền tảng để ta xây dựng những mối tương quan khác, tình bạn làm ta lớn lên và được trở nên chính mình nhiều hơn.
Trong Kinh thánh chúng ta cũng bắt gặp những tình bạn như thế. Đó là tình bạn của vua Đavít và Jônathan, của nàng dâu Rút và bà Naômi, của Đức Maria và bà Êlisabét, của thánh Phaolô và người môn đệ Timôthê ... Và trong lịch sử Giáo hội, cũng có nhiều mẫu gương tình bạn thánh thiện, thắm thiết, mặn nồng, đó là tình bạn giữa thánh Phanxicô và thánh Clara, thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá ... Những vị thánh này đã tỏ cho thấy một cách thức thể hiện tình yêu hoàn hảo, tình bằng hữu. Một tình bạn chân thành sẽ chắp cánh cho các vị thánh vượt qua nhiều gian khó, và giúp nuôi dưỡng một tình yêu thánh thiện bền chặt, kết hợp với Đấng  là tình yêu tuyệt đối, là tình bạn đích thực.

1. Đức Giêsu, người bạn đích thực
Có thể nói Đức Giêsu có một nỗi đam mê mãnh liệt, đó là nỗi đam mê con người, mê làm bạn với con người. Vì làm bạn với con người nên Đức Giêsu chia sẻ với con người trọn vẹn thân phận và mọi mối lắng lo trong cuộc sống. Có niềm vui hay nỗi khổ nào của kiếp nhân sinh này mà lại xa lạ với Đức Giêsu đâu. Người yêu thương và gần gũi với con người hơn chính con người gần với nhau nữa.
Những trang Tin mừng ghi lại cho chúng ta những hình ảnh rất đẹp về tình bạn của Đức Giêsu. Người là bạn thân của gia đình cô Mácta, Maria và Ladarô. Đức Giêsu thường ghé thăm gia đình này ở Bêtania, quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, có lần Người đã khóc khi Ladarô qua đời, và chính Người đã cho Ladarô sống lại (Xc Lc 10, 38-42; Ga 11,33.36). Nhất là trong mối tương quan với các môn đệ, Đức Giêsu luôn tỏ mình ra là một người bạn chân thành, gần gũi và chia sẻ cho các ông mọi chuyện. Người đã gọi các môn đệ là bạn hữu của mình và căn dặn các ông hãy yêu thương nhau :
Đây là điều răn của Thầy :
Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em.
Không có tình thương nào cao cả
hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng
vì bạn hữu của mình.
Anh em là bạn hữu của thầy,
nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.
Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa ...
nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu ... (Ga 15, 12-15).
Đối với Đức Giêsu, khi gọi các môn đệ là bạn hữu, Người muốn chia sẻ cho các ông tất cả những gì kín ẩn, riêng tư nhất của lòng mình. Một tình bạn đích thực luôn là sự trao ban và chia sẻ như thế.
2. Tương quan tình bạn
Như một cách thế yêu thương, tình bạn thể hiện sự quan tâm chăm sóc giữa hai người với thái độ chân thành, chấp nhận, tôn trọng và bình đẳng với nhau. Trong mối liên hệ tương liên này, tình yêu giữa hai người được nuôi dưỡng, và mỗi người có thể phát triển nhân cách của mình cách lành mạnh và được trở nên mình nhiều hơn.
Mối tương quan tình bạn này là nền tảng căn bản của tình yêu gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng với nhau; là nền tảng của tình yêu nam nữ, tình yêu dâng hiến. Trong thực tế, rất ít khi cha mẹ là bạn của con cái, nên con cái sợ cha mẹ và chẳng bao giờ dám tâm sự điều gì; rồi vợ chồng cũng chẳng là bạn của nhau, để rồi dù đã trở nên một, mỗi người vẫn còn một góc riêng tư khó lòng ai có thể đụng chạm đến. Có thể nói nếu hai người yêu nhau mà chưa là bạn của nhau, thì đó chưa phải là một tình yêu trọn vẹn. Tình yêu hay tình bạn, luôn phải có hai vế :
a. Tương quan “mình với ta”
Nền tảng căn bản làm nên tình bạn đó là mỗi người hãy coi nhau như là mục đích, chứ không phải là phương tiện để đạt đến đích. Nói cách khác, mỗi người phải nhận ra và trân trọng giá trị nội tại của nhau, chứ không phải ta chỉ trân trọng họ vì họ thoả mãn những nhu cầu của ta. Martin Buber, một triết gia Dothái, đã gọi loại tình bạn thứ nhất trong mối tương quan này là mối tương quan “mình với ta” (I - thou), và loại thứ hai là mối tương quan “ mình với nó” (I - it). Khi ta trân trọng người khác như họ là và đặt họ trong mối tương quan ngôi vị bình đẳng với mình, ta có được mối tương quan bằng hữu, “mình với ta”; còn khi ta chỉ coi người khác như một đối tượng, một phương tiện, ta đã nô lệ hoá mối tương quan của mình, lúc ấy không còn là mối tương quan bằng hữu nữa, mà là tương quan chủ - tớ; tệ hại hơn ta biến người khác thành sự vật. Mối tương quan bằng hữu biến thành tương quan "mình với nó” (I - it) là như vậy.
b. Tương quan bằng hữu với Đấng siêu việt
Dựa trên mối tương quan bằng hữu theo quan niệm của triết gia Buber, chúng ta có thể nói đến mối tương quan siêu việt, tương quan với Thiên Chúa. Mặc dù chỉ là thụ tạo, nhưng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và thiết lập mối tương quan bằng hữu này. Chúng ta lãnh nhận được Thần Khí để trở thành con cái, trở thành bạn hữu, chứ không phải là trở nên nô lệ.
Như triết gia Buber bắt gặp nơi tha nhân mối tương quan tình bạn, tình bằng hữu; trong kinh nghiệm của truyền thống Kitô giáo, chúng ta cũng bắt gặp một mối tương quan bằng hữu như thế giữa Thiên Chúa và con người, từ cái thuở Thiên Chúa đi dạo với con người trong vườn Êđen vào những buổi chiều gió lộng, cho đến lúc Thiên Chúa tất tưởi chết cho con người vào buổi chiều sậm tím. Tất cả là tình bạn. Tất cả chúng ta đang được mời gọi đi sâu vào mối tương quan tình bạn ấy.
Càng tương quan với Thiên Chúa, ta càng bắt gặp sự hoà điệu trong mối tương quan với con người. Mối tương quan này giúp ta lý giải vấn nạn :

II. Ai là người bạn đích thực của tôi ?

Có lẽ ai trong chúng ta cũng có nhiều bạn bè trong cuộc sống, nhưng để có được người bạn đích thực, người bạn “nối khố”, thật chẳng dễ chút nào. Làm sao biết được đâu là người bạn đích thực, những gợi ý sau có thể phần nào soi sáng cho chúng ta :
- Tình bạn này có làm nảy sinh những gì tốt đẹp nhất cho mỗi người không ?
- Mỗi người có thành thật và trung tín với nhau trong mối tương quan này?
- Đây có thực sự là mối tương quan trong tự do và bình đẳng không?
- Mỗi bên có chấp nhận được nhau với tất cả những ưu khuyết điểm như mình đang là không ?
- Mỗi bên có tính toán, lợi dụng gì nhau trong tình bạn này không?
- Đã là bạn hữu, chúng ta có dám dành thời gian cho nhau không? …
Khi thành thực trả lời những câu hỏi này, chúng ta có thể lượng định được mối tương quan của mình. Tuy nhiên, muốn biết ai là người bạn tốt, trước tiên bản thân phải nỗ lực để trở nên người bạn tốt của chính mình đã.
Theo những câu hỏi gợi ý trên, chúng ta cùng làm sáng lên thế nào là một tình bạn chân thật.
1. Tình bạn làm phát sinh những điều thiện hảo
 Tình bạn, cũng như tình yêu, là tìm kiếm và thăng tiến những điều thiện hảo nơi tha nhân. Bạn bè có thể khích lệ chúng ta trở thành một con người tốt nhất trong khả năng chúng ta có thể đạt được. Họ thúc đẩy chúng ta sử dụng những tài năng của mình để phục vụ, để thăng tiến, để thích nghi với cuộc sống một cách năng động và để biết yêu, biết chấp nhận chính mình. Cũng thế, chúng ta cũng phải làm như vậy cho bạn hữu của mình. Sách châm ngôn dạy : “Người công chính dẫn lối cho bạn bè, nhưng đường ác nhân đi khiến chúng bị lạc” (Cn 12,26).
Bạn bè nhiều khi nhìn ra khả năng của chúng ta hơn cả chúng ta biết về khả năng của mình, họ cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể vươn xa hơn là chúng ta tưởng. Nhờ bạn hữu, chúng ta có thể mở tầm nhìn ra với thế giới, có thể thoát khỏi vỏ ốc đời mình, và có thể là chính mình trong mọi trạng huống của đời sống.
2. Tình bạn thành thật và trung tín
Không gì tệ hại hơn trong tình yêu, tình bạn mà có sự dối lừa. Sự thành thật và trung tín là đức tính không thể thiếu trong tình bạn, tình yêu. Có những người chỉ là bạn trên bàn tiệc, chỉ là bạn khi cần đến sự giúp đỡ. Bởi vậy trong văn chương bình dân người Việt Nam chúng ta có câu truyện “Giết chó dạy chồng” là vậy. Đúng là “bạn khi hoạn nạn mới là bạn thân”.
Người bạn tốt là người gắn bó với ta cả những lúc ta sa cơ lỡ vận, những lúc ta chẳng còn gì. Người bạn tốt cũng là người dám nói thật những khiếm khuyết của ta, đón nhận ta và giúp ta sửa chữa. Những người chỉ biết tâng bốc ta thì không bao giờ là người bạn đích thực, mà có khi còn là kẻ thù của ta nữa. Kẻ thù đối đầu với ta thì ta dễ nhận diện, nhưng kẻ thù đội lốt người bạn, ta thật khó lường.
Tình bạn đích thực luôn luôn cởi mở, thấu cảm lòng nhau, lắng nghe được nỗi niềm của nhau, sát cánh bên nhau trong cơn bĩ cực, nâng đỡ nhau những lúc trật bước sa chân; tóm lại đó là một tình bạn thành thật và trung tín. Có được tình bạn này là bạn đang nắm giữ một kho tàng. Và đây, một tình bạn đích thực còn là :
3. Tình bạn tự do và bình đẳng
Không thể có tình bạn đích thực nếu bạn bị biến thành nô lệ, hay trong mối tương quan không có bình đẳng mà chỉ là chủ - tôi. Tự do vốn là tặng phẩm quý giá nhất Thiên Chúa trao tặng con người, không mối tương quan nào được quyền làm thương tổn sự tự do ấy.
Tình yêu hay tình bạn luôn phải có hai chiều : cho và nhận. Tình chỉ ban phát là tình bố thí, thương hại; tình chỉ đón nhận là tình vị kỷ, tính toán. Cả hai đều không có sự bình đẳng. Trong tình bạn không có thống trị, không thương hại, không bố thí, cũng không quy hướng về mình, không đơn điệu, nhưng hoà điệu, hoà đồng và bình đẳng với nhau. Rất nhiều khi trong thực tế, mối tương quan này bị phá vỡ; phần vì vị thế xã hội hai bên không cân bằng nhau, phần vì chênh lệch khả năng tài chánh, kiến thức, tuổi tác, địa vị ... cho nên người này dè chừng người kia, khép nép, bợ đỡ ... Nếu ta không vượt qua được những định kiến xã hội như thế, khó lòng có thể xây dựng những tương quan tình bạn thực sự tự do và bình đẳng. Một lối sống luồn cúi, đứng không dám ngẩng cao đầu, “thượng đội hạ đạp”, thì cẳng bao giờ là cách thể hiện mối tương quan tự do và bình đẳng.
4. Tình bạn, dám chấp nhận con người thật của nhau
Thiên Chúa yêu con người, không chờ con người phải nên hoàn thiện rồi Người mới yêu, nhưng Người yêu chúng ta từ khi chúng ta còn là tội nhân. Thế nhưng con người lại khó lòng kiên nhẫn, chờ đợi và chấp nhận nhau. Thực tế thì ai cũng có khuyết điểm, cũng có lỗi lầm cả. Dám chấp nhận người khác như họ là, chính là khởi điểm của một tình bạn đúng nghĩa. Chấp nhận người khác, không có nghĩa là mặc kệ để họ muốn làm gì thì làm, nếu như vậy thì còn gì là một tình bạn làm thăng tiến những điều thiện hảo nơi nhau nữa. Chấp nhận không đồng nghĩa với đồng lõa, nhu nhược, nhưng là thái độ đón nhận, cảm thông, không kết án, sẵn sàng tha thứ và cho người khác cơ hội để khắc phục.
Chấp nhận còn là nhìn thấy những thiện chí của nhau, khơi gợi những gì là tốt đẹp và giúp nhau cùng thăng tiến. Trong hướng nhìn tích cực này, tình bạn sẽ là chất men làm dậy lên ngọn lửa nhiệt tình nơi tâm hồn mỗi người, ngọn lửa này sẽ bùng lên thiêu đốt những gì là ích kỷ và giúp con người biết sống quảng đại hơn.
5. Tình bạn, dám dành thời gian cho nhau
Trong một xã hội công nghiệp, người ta lúc nào cũng phải vội vàng với một thời gian biểu sít sao, làm vội, ăn vội, nói vội, và ngay cả yêu vội nữa, thì việc chúng ta dám dành thời giờ cho nhau mang một giá trị quý báu. Trong hằng mớ công việc bận rộn ấy, nếu ta dành được thời gian cho nhau, cũng có nghĩa là ta dành cho người ấy có chỗ trong trái tim mình.
Nếu không có những giờ khắc dành cho nhau, thì làm sao chúng ta có thể nghe được nỗi lòng của nhau, cảm được giọt mồ hôi và nước mắt của nhau ? Trong tình bạn, tình yêu, sự hiện diện mang một giá trị tuyệt vời. Hai người yêu nhau, nhiều khi chỉ ngồi nhìn nhau cũng thấy lòng mình hạnh phúc! Có thể có một tình yêu, tình bạn đích thực không, nếu cha mẹ không biết dành thời giờ cho con cái, vợ chồng không có khoảnh khắc nào dành cho nhau, bạn bè chẳng gặp mặt nhau bao giờ ? Việc gặp gỡ nhau, dành thời gian cho nhau tưởng chừng đơn giản như vậy, nhưng nó sẽ là chất keo nối kết hai tâm hồn lại; thiếu chất keo này, tình bạn có thể trở nên ơ hờ, nhạt nhẽo.
Điều này cũng thật dễ hiểu, vì khi yêu nhau, là bạn của nhau, người ta thường hướng về nhau, tạo điều kiện để gặp gỡ nhau; tình yêu hay tình bạn sẽ phai nhạt, không được nuôi dưỡng, một khi những thời gian gặp gỡ này thưa dần và tắt hẳn. Có lẽ chẳng bao giờ bạn muốn tình yêu hay tình bạn đích thật của mình bị phai nhạt chứ?

Tạm kết

Từ những điều suy tư vụn vặt trên, chúng ta có thể vươn đến một tình bạn đích thực trong đời sống đức tin,  cách riêng trong đời sống dâng hiến: tình bạn giữa ta và những người cùng lý tưởng, với những anh chị em trong cộng đoàn của mình, ngay cả là tình bạn với vị đồng hành thiêng liêng, tình bạn với những người cộng tác làm việc với chúng ta… và các riêng là tình bạn Đức Giêsu. Quả thật, Đức Giêsu đã gọi chúng ta là bạn hữu, và chỉ trong mối tương quan bằng hữu này, chúng ta mới có thể ở lại nơi cung lòng của Người, và Nguời mới có thể ở lại nơi sâu thẳm cuộc đời chúng ta. Càng thăng tiến mối tương quan bạn hữu, chúng ta càng cảm nhận được sự tự do hào cùng của con cái Chúa, sự tự do vượt mọi sợ hãi, vượt mọi rào cản, cấm kỵ. Quả thật, sẽ không có sự thăng tiến đời sống tâm linh và đời sống dâng hiến đích thực, nếu mối tương quan giữa ta với Chúa vẫn chỉ là mối tương quan nô lệ, đầy sợ hãi, đầy tính toán.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn