Chữ yêu trong đời sống thánh hiến

Những người sống đời thánh hiến
là những người đang bắt chước Đức Kitô
để rồi mang trong mình một tình yêu phổ quát
cho toàn nhân loại thay vì là một tình yêu hạn hẹp
trong các mối quan hệ cá nhân.
Họ là những người dám sống cho tình yêu
với những cách thức mới mẻ.
Giuse Cù Hồng Phúc, Tu Hội Truyền Giáo
Đề tài về tình yêu đã tiêu tốn biết bao nhiêu là giấy mực của các thi sĩ, nhạc sĩ, của các bạn trẻ cũng như những người đã qua rồi tuổi xuân thì. Dù là ai, là cấp bậc nào trong xã hội đều có cảm thức về tình yêu cho riêng mình. Đối với người Kitô hữu, Thiên Chúa là Nguồn Mạch Tình Yêu; từ tình yêu này khởi phát tình yêu đối với tha nhân; tình yêu đối với chính bản thân; cách riêng tình yêu trong sống đời thánh hiến, như một cách đặc biệt đáp trả tình yêu Thiên Chúa. Những người thánh hiến là những người đang bắt chước Đức Kitô để rồi mang trong mình một tình yêu phổ quát cho toàn nhân loại thay vì là một tình yêu hạn hẹp trong các mối quan hệ cá nhân. Họ là những người dám sống cho tình yêu với những cách thức mới mẻ. Với việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, với một đời sống chung không có sự chọn lựa giữa các thành viên, với một sự hăng say phục vụ cho sứ vụ mà không có bất cứ sự tính toán cá nhân nào, họ làm cho tình yêu của nhân loại đạt tới một tầm vóc xa hơn nữa.
1. Chữ yêu thể hiện qua đời sống khiết tịnh


Trong ba lời khuyên Phúc Âm, lời khấn giữ khiết tịnh có vai trò nổi bật trong việc đáp trả tình yêu của Thiên Chúa. Khiết tịnh ở đây được hiểu theo nghĩa độc thân vì Nước Trời. Người sống khiết tịnh sẽ không có hôn nhân và dành trọn mối tình đó cho Thiên Chúa. Họ không lo các vướng bận về gia đình để rồi toàn tâm toàn ý phục vụ Thánh Ý Chúa. Có thể nói rằng nơi lời khấn khiết tịnh là một sự kết hôn đặc biệt giữa Đức Kitô và người khấn giữ.
Trong viễn ảnh đời sống cầu nguyện như là nền tảng của người tu sĩ, ta hiểu cốt lõi của lối sống độc thân trong đời sống thánh hiến liên quan đến kinh nghiệm kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, một sự kết hiệp say đắm đến mức họ không muốn kết hiệp thân thiết với ai khác.[1] Kinh nghiệm cho ta thấy khi một người phụ nữ yêu chồng thì họ không thể kết hôn với một người đàn ông khác. Cũng vậy, người thánh hiến với nhận thức rõ ràng và kiên định của mình, họ đã lựa chọn Thiên Chúa hơn là tìm kiếm những điều ít quan trọng hơn của thế gian, kể cả lối sống hạnh phúc của một gia đình hay trong việc duy trì nòi giống.
Đời sống khiết tịnh có nền tảng trong Thánh Kinh khi Chúa Giêsu nói về những hoạn nhân vì Nước Trời (Mt 19,12) hay khi Chúa ví Nước Trời như kho báu chôn giấu trong ruộng, ví Nước Trời như viên ngọc quý để rồi đòi buộc người ta phải bán hết tất cả những gì đang có mới có thể mua được. Cần có sự chọn lựa dứt khoát đối với việc dấn thân vì Nước Trời, đối với việc đi theo Đức Kitô như là người tình duy nhất.
Đức Kitô trở thành trung tâm của đời sống người tu sĩ sống khiết tịnh. Sống độc thân nghĩa là say đắm Chúa Kitô. Người là sự sống, là vẻ đẹp tuyệt đối, Người quyến rũ những ai sống đời thánh hiến đến nổi họ không cần phải say đắm một đối tượng nào khác. Nói một cách tích cực hơn, người thánh hiến sống độc thân không phải là mất đi cái gì đó nhưng là tìm thấy được Một Ai Đó. Họ đã không để những lựa chọn của lý trí, hay những áp lực bên ngoài tác động, nhưng họ đáp ứng chính lời mời gọi của Đức Kitô. Với toàn bộ con người của họ từ tính khí, đặc điểm bản thân, môi trường gia đình, môi trường xã hội, quá trình giáo dục, các sở thích và những kinh nghiệm đời sống nội tâm, họ đã đến với đời sống độc thân. Do đó, họ sẽ phải gặp những khó khăn khi thực hành đời sống khiết tịnh. Nhưng trên hết độc thân thánh hiến chính là quà tặng của Thiên Chúa. Cho nên tự bản thân người thánh hiến chẳng có gì để tự hào quá đáng hay thất vọng quá về đời sống của mình.
Như vậy, chữ yêu được thể hiện cách rõ ràng trong đời sống khiết tịnh. Theo góc nhìn của hôn nhân, người tu sĩ sống khiết tịnh kết hôn thực sự với Tân Lang của họ, theo nghĩa họ không kết hôn với bất cứ người nào khác. Điều đó có nghĩa là người thánh hiến có lối sống cầu nguyện thẳm sâu với Thiên Chúa, họ sống đời cầu nguyện và diễn tả ra bằng đời sống khiết tịnh.
2.      Chữ yêu thể hiện qua đời sống tuân phục
Tình yêu của người thánh hiến còn được thể hiện nơi đời sống vâng phục. Sống vâng phục là nghiêm túc xem xét đâu là ước mơ mà Thiên Chúa muốn tôi thực hiện, và say mê theo đuổi ước mơ ấy.[2] Biện phân ước mơ của Thiên Chúa không phải là chuyện dễ dàng, người thánh hiến phải thực hành đức tuân phục thông qua những trung gian. Những trung gian đây có thể là Tu luật, Hiến pháp, cộng đoàn và vị đại diện cộng đoàn, các bề trên. Thế nhưng, để tuân phục những trung gian của Thiên Chúa, người thánh hiến biết tạo cho mình một đời sống nội tâm cá vị mà cầu nguyện để hiệp thông với Thiên Chúa, thì sự hiệp thông đó là nền tảng của việc hiệp thông với Thiên Chúa hiện diện nơi tha nhân. Khi chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện trong cõi lòng thâm sâu của mình, thì chúng ta cũng cảm nghiệm được rằng, mỗi người và mọi người trong dân Thiên Chúa cũng đang hiện diện trong lòng chúng ta. Qua việc cầu nguyện trong tĩnh lặng, chúng ta và mọi thành viên trong cộng đoàn thật sự trở nên một. Tất cả chúng ta đều gặp nhau trong việc cầu nguyện.[3] Như vậy, trong cầu nguyện sự tuân phục không còn là một vấn đề khó khăn. Thế nhưng, thực tế vẫn còn đó những bất tuân trong cộng đoàn tu sĩ. Nguyên nhân do đâu?
Chúng ta có thể trả lời ngay rằng, đời sống cầu nguyện không được tuân giữ đúng mức đã làm cho người tu sĩ không nghe được tiếng Chúa, không cảm được ước mơ của Chúa nơi các trung gian. Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều nguyên nhân khác nữa. Người tu sĩ nếu không xác định ý muốn của Chúa là “ý muốn tốt lành” thì họ khó tuân phục. Thiên Chúa luôn muốn những điều tốt lành cho con người. Trong Cựu ước, Thiên Chúa thì không độc tài, độc đoán. Ngài luôn luôn làm những gì là thiện hảo. Đối với dân Israel, Thiên Chúa vừa là Đấng tạo hóa, vừa là Đấng gia ân: Thiên Chúa tốt lành với dân Ngài, và Ngài đã và sẽ luôn tốt lành. Trong Tân ước, ý muốn tốt lành của Thiên Chúa hay lòng nhân hậu trong ý muốn Ngài, được mặc khải đầy đủ, dù có thể người ta không thấu triệt. Cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu và những hậu quả của nó chính là lối diễn tả cao nhất ý muốn của Thiên Chúa.[4] Ý muốn của Thiên Chúa luôn tốt lành. Nhưng trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, người tu sĩ đôi lúc lại thấy không phù hợp với mình, làm cho mình đau khổ. Cho nên dẫn đến việc gặp khó khăn trong việc tuân phục.
Một khó khăn nữa trong việc tuân phục đó là tuân phục trong đối thoại. Người tuân phục đối thoại: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Đối thoại đây là đối thoại với Thiên Chúa. Trong thái độ của đức tin, người tu sĩ đối thoại với Thiên Chúa trong nhiều hoàn cảnh của đời sống. Họ sẽ phải nghe lời đáp trả của Thiên Chúa để tuân phục, vì đó luôn là Ý muốn tốt lành của Thiên Chúa. Tuân phục trong đối thoại cũng muốn nói đến những cuộc trao đổi của tu sĩ với các vị bề trên. Trao đổi để làm rõ hơn ý Chúa đang muốn gì nơi tình huống hiện tại của Tu hội, của cộng đoàn và của chính đương sự. Trao đổi để tuân phục chứ không phải trao đổi để bất tuân. Đây là điều có lẽ nhiều tu sĩ phải cố gắng rất nhiều trong những cuộc đối thoại với các bề trên trong đức tuân phục.
Như vậy để việc tuân phục của người tu sĩ được dễ dàng hơn, chúng ta nên nhìn gương tuân phục của Đức Kitô. Ngay từ thời thơ ấu, Chúa Giêsu đã vâng phục ý Chúa Cha. Trong suốt thời gian sứ vụ, Chúa Giêsu đã luôn luôn tuân phục Chúa Cha. Những gì Ngài nói, Ngài làm đều làm theo ý Chúa Cha. Sự tuân phục của Ngài là tuân phục cho đến tận cùng. Nơi Thập giá sự tuân phục của Chúa Giêsu được đẩy lên tới đỉnh điểm. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá”.[5] Chính nhờ sự tuân phục của Đức Giêsu mà muôn người sẽ thành người công chính.[6] Như thế, Đức Kitô luôn là điểm quy chiếu cho tất cả mọi người. Đặc biệt trong đời sống tuân phục của tu sĩ, Đức Kitô đã tuân phục cho đến tận cùng để cứu chuộc nhân loại. Người tu sĩ tuân phục cũng nằm trong ý nghĩa cánh chung ấy.
Như thế, tuân phục là từ bỏ một nết sống ích kỷ; chứ không hề là từ bỏ việc sống bằng năng lực và ý chí tự do của riêng ta.[7] Với việc sử dụng tự do, năng lực bản thân kết hợp với đời sống cầu nguyện trong thinh lặng, người tu sĩ sẽ tuân phục cách dễ dàng hơn. Bởi vì, họ đang tuân phục Thiên Chúa với tất cả sự tự do của mình, họ đang tìm hiểu ý muốn tốt lành của Chúa trong sự ý định sinh lợi ích cho người khác thông qua các vị hữu trách. Thế nên, người tu sĩ sẽ phải thâu lại ý muốn của bản thân trước một dự án lớn hơn của cộng đoàn, hơn nữa là của Thiên Chúa dành cho mình. Được như thế, đời sống tuân phục trở thành biểu hiện của tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với Tu hội, đối với tha nhân của người thánh hiến.


3.      Chữ yêu thể hiện qua đời sống khó nghèo
Đặt trong mối tương quan với đời sống cầu nguyện của người thánh hiến, có thể nói nghèo khó là thinh lặng cầu nguyện khi tương quan với những sự vật thuộc thế giới này, không chỉ là của cải, vật chất như tiền bạc, đất đai, dụng cụ, đồ dùng lặt vặt, trang thiết bị,.. mà cả những của cải khác như quyền bính, đặc ân, chức vụ..[8] Khi người thánh hiến chìm sâu trong cầu nguyện, khi họ đạt được những giá trị từ sự chiêm ngắm Thiên Chúa thì họ sẽ không cần đến những giá trị trần thế mà có khả năng làm cho họ đánh mất những giá trị nơi Thiên Chúa. Nhìn lại đời sống của Đức Kitô sẽ là những gợi ý đích thực nhất cho tất cả chúng ta, nhất là những người sống đời thánh hiến.
Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.[9]
Thánh Phaolô cho chúng ta một cái nhìn chính xác về Đức Kitô Nhập Thể. Người đã hạ mình trở nên phàm nhân để đi lại, giảng dạy, ăn uống với chúng ta. Người không đến như một vị quyền thế, nhưng Người đi làng này sang làng nọ để rao giảng Nước Trời, để chữa lành con người, để ban bố lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại. Cuộc sống trần thế của Đức Giêsu là cuộc sống nghèo. Người sống nghèo trong sự vâng phục đến tận cùng Ý Cha, Người sống nghèo trong sinh hoạt thường ngày, thậm chí không có chỗ tựa đầu. Người đã sống nghèo đến nỗi chết “không có mảnh vải che thân” trên Thập giá.
Lý do để Người sống như vậy là gì? “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”.[10] Chúa Giêsu đã sống nghèo đến tột cùng để con người được giàu có trong ơn cứu độ, trong hồng ân sự sống của Người. Bởi thế, người thánh hiến sống nghèo không phải trên bình diện luật pháp hay kinh tế nhưng là trên bình diện chia sẻ, trên bình diện đưa tới niềm vui, đưa đến ơn cứu độ của Thiên Chúa cho tha nhân.
Như vậy, người thánh hiến phải thực hành sống nghèo khó ra sao? Thứ nhất, sự nghèo khó cần phải có tự do nội tâm, được giải thoát khỏi sự tham lam, bám víu và cậy dựa vào các phương tiện vật chất và xã hội của đời sống. Thứ hai, tất cả những gì người thánh hiến sở hữu phải nhắm đến việc phục vụ con người. Thứ ba, người thánh hiến tham gia việc lao động như những người khác mà không nhằm tạo cuộc sống an hưởng cho mình nhưng để có điều kiện phục vụ con người. Thứ tư, người thánh hiến phải tránh khuynh hướng tích trữ. Thứ năm, người thánh hiến quan tâm đến những người bị bóc lột và sống bên lề xã hội. Thứ sáu, người thánh hiến phải quản lý tài sản hay ngân quỹ chung một cách minh bạch và tinh thần trách nhiệm.[11] Thiết nghĩ, nếu người thánh hiến thực hành được những việc vừa gợi ý thì trong đời sống khó nghèo của mình, họ sẽ được thăng hoa lên một tầm cao mới, chứ không chỉ là sự âm thầm chịu đựng sự nghèo khó theo lời khấn.
Tình yêu của người thánh hiến thể hiện trong đời sống nghèo khó đó là tình yêu trao hiến nhưng không, không có một điều kiện kèm theo, cho Thiên Chúa cũng như cho tha nhân. Họ sẽ phải nghèo khó để dốc cạn tâm hồn, dốc cạn tâm tư khi đối diện với Chúa trong cầu nguyện thẳm sâu. Có như thế, họ mới có thể đón nhận Thánh Ý với những nỗ lực mới trong tương quan với tha nhân. Họ sẽ phải nghèo khó để mở rộng vòng tay đón lấy tha nhân, nhất là những người nghèo, bệnh tật. Chia sẻ không chỉ là một chút vật chất nhưng còn là chia sẻ tinh thần, chia sẻ niềm vui của Chúa. Bởi đó, người thánh hiến không làm gì khác hơn là một đời sống cầu nguyện thẳm sâu với Thiên Chúa.
Nói đến chữ yêu trong đời sống thánh hiến, một điều chắc chắn và trước tiên đó là yêu Chúa, yêu như người tình duy nhất của người thánh hiến. Để cho tình yêu ấy ngày càng sâu đậm, người thánh hiến cần thường xuyên tâm sự, tỏ ra những cử chỉ yêu thương và đón nhận những “ách êm ái” của Người Tình. Đó chính là đời sống cầu nguyện thẳm sâu trong thinh lặng với Thiên Chúa. Đó chính là sự đáp trả của người thánh hiến trong lời khấn khiết tịnh, trong lời khấn tuân phục, trong lời khấn khó nghèo. Ba lời khấn biểu lộ cách rõ nét nhất những “ách êm ái” của Đức Kitô. Người đòi hỏi một tình yêu vượt quá tình yêu thường tình của con người. Nơi đó, với một Thiên Chúa ẩn mình; nơi đó, với một người bên cạnh luôn làm ta khó chịu; Người đòi hỏi sự lắng nghe và vâng lời Người qua trung gian một con người khác; Người đòi hỏi sự trao ban trọn vẹn cho Thiên Chúa và những anh chị em khác.
Những ai sống đời thánh hiến sẽ không lạ lùng khi nói về đời sống cộng đoàn. Nơi cộng đoàn được hiểu như nơi tình yêu được nảy nở trước khi được trao ban cho các anh chị em ngoài cộng đoàn. Dĩ nhiên, không phải cộng đoàn nào cũng là những mảnh đất tốt cho tình yêu. Rất nhiều tu sĩ đã đau khổ, thậm chí rời bỏ đời tu vì những nhức nhối trong đời sống cộng đoàn. Dẫu sao, chúng ta cũng sẽ nói với nhau một chút về đời sống cộng đoàn trong ánh nhìn của tình yêu. Vì đó thật sự là mục đích cần nhắm đến chứ không phải là những đau khổ mà nhiều tu sĩ phải chịu đựng.
4.      Chữ yêu thể hiện qua đời sống huynh đệ
Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau.[12]
Điều răn mới của Đức Giêsu chính là tình yêu. Tình yêu đối với Thiên Chúa và anh chị em. Không có tình yêu thì các nhân đức khác kể như vô dụng. [13]Tình yêu đối với tha nhân là một biểu hiện khả thị nhất mà người khác có thể cảm nhận cách nhanh chóng tình yêu của Thiên Chúa. Trong đó, tình yêu trong một cộng đoàn lại là một dấu chứng đặc biệt hơn nữa, vì nơi ấy có sự hiện diện của tình yêu Giêsu.
Cộng đoàn tu trì và Thánh Thể
Nơi cộng đoàn tu trì, nếu không có sự hiện diện của Chúa Giêsu thì chúng ta khó có thể biết được điều gì sẽ xảy ra. Hầu hết mỗi cộng đoàn tu sĩ đều có nhà nguyện riêng, nơi đó có sự hiện diện của Thánh Thể. Trong thời gian biểu của cộng đoàn, thánh lễ, các giờ kinh, giờ nguyện gẫm đều phải có. Đều này muốn nói lên ý nghĩa đích thật của đời sống cộng đoàn. Mọi người sống trong sự hiện diện của Đức Kitô. Nói như thế không có nghĩa là tất cả mọi tu sĩ đều có cảm nghiệm sâu sắc đến nỗi tạo thành cộng đoàn lý tưởng trong tình yêu Chúa Kitô.
Thánh Phaolô nói cho chúng ta hay:
Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình (1Cr 11, 27-29).
Thánh Tông Đồ nhắc nhở rất mạnh cho những ai đang sống trong cộng đoàn, nhất là các cộng đoàn tu trì. Nếu không phân biệt được Thân Thể Chúa, nghĩa là những anh chị em đang sống chung, họ là Chi Thể Nhiệm Mầu của Đức Kitô, thì khi ăn hoặc uống Mình và Máu Chúa thì là tự chuốc lấy án phạt cho mình. Trong khi xúc phạm đến anh chị em, thì đồng một thể không thể đón lấy Thánh Thể.
Đặc ân Thánh Thể là đặc ân sự sống của Chúa Giêsu ở trong sự sống của chúng ta, như vậy Máu của Người tuôn chảy trong những mạch máu của chúng ta, Thịt của người bám trên xương chúng ta.[14] Chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô thì người anh em của chúng ta đang sống bên cạnh cũng là thân thể của Đức Kitô. Như thế, sự hiện diện của Đức Kitô đòi hỏi những thành viên trong cộng đoàn sống làm sao cho xứng đáng khi họ lên rước Mình và Máu Chúa.
Cử hành Thánh Thể trở thành trung tâm điểm cho cả một ngày sống của cộng đoàn. Nghi thức sám hối đầu thánh lễ giúp tu sĩ nhìn lại mình trong cách đối xử với anh chị em. Lời Chúa được công bố và diễn giải trong cộng đoàn trở nên món ăn không thể thiếu. Các thành viên sẽ được chính Lời Chúa nói với mình, sẽ được vị chủ tế nói lên thao thức hay những khúc mắc của cộng đoàn khi được Lời Chúa soi sáng. Giây phút hiệp lễ có ý nghĩa tối quan trọng, khi mỗi thành viên đang ý thức họ rước Mình Chúa cùng với các anh chị em của mình. Cuối cùng là lời chào chúc bình an cuối thánh lễ: Anh chị em hãy ra đi bình an để yêu mến và phục vụ Thiên Chúa.
Có một tương giao mật thiết của cộng đoàn và Thánh Thể. Thánh Thể làm cho cộng đoàn thêm hiệp nhất, làm cho cộng đoàn hiểu Lời Chúa và làm cho cộng đoàn được ơn bình an. Về phía những thành viên của cộng đoàn, họ được mời gọi sống hiệp nhất, sống Lời Chúa, và thể hiện ơn bình an ngay chính trong cộng đoàn và khắp những nơi họ được sai đến phục vụ. Như vậy, tình yêu đối với anh chị em được thể hiện trong tương quan với Thánh Thể là một đòi hỏi cũng là một “vị ngọt” của tình yêu khi tình yêu ấy được bộc phát cách tự nhiên vì đó là tương quan trong cùng một Thân Thể với Chúa Kitô là Đầu.
Cộng đoàn đa văn hóa
Cộng đoàn tu trì sẽ bao gồm nhiều người sống cùng với nhau. Những người xuất thân từ những hoàn cảnh gia đình khác nhau, từ những nền giáo dục khác nhau, từ những tâm tính khác nhau... Tất cả sẽ thành một cộng đoàn đa văn hóa. Cộng đoàn này được mời gọi để chia sẻ cùng một tầm nhìn và sẵn sàng cố gắng hết sức để cho tầm nhìn đó được thực hiện.[15] Tầm nhìn ấy là sứ vụ, là những thao thức của Tu hội, là những mục tiêu chung của cộng đoàn cũng như của cá nhân.
Cộng đoàn đa văn hóa còn muốn nói đến có nhiều người mang những sắc tộc khác nhau sống trong một cộng đoàn. Ngày nay, thế giới đang mở rộng cho tất cả mọi người trong mọi lãnh vực. Toàn cầu hóa làm cho thế giới trở nên nhỏ bé hơn và cũng làm cho con người gần nhau hơn. Các nhu cầu của Giáo Hội không chỉ được chia sẻ trong các Giáo Hội địa phương mà còn mang tầm vóc toàn thế giới. Cộng đoàn tu trì là nơi lý tưởng để thực hiện điều này. Các nhu cầu phục vụ lôi kéo nhiều tu sĩ từ nền văn hóa này sang này văn hóa khác. Họ trải nghiệm sự thay đổi văn hóa để rồi dùng tất cả khả năng của mình để cống hiến cho lý tưởng chung của Tu hội. Những tu sĩ sống trong những cộng đoàn đa sắc tộc sẽ có những kinh nghiệm quý báu cho công việc phục vụ đối với những nơi khác nền văn hóa của bản thân.
Cho dù là một cộng đoàn toàn những người trong cùng một quốc gia hay là đa quốc gia thì đặc tính đa văn hóa vẫn tồn tại trong cộng đoàn. Đặc tính này lên tiếng mạnh mẽ cho tình yêu thương phổ quát mà Đức Kitô đã mang đến. Với một mạng lưới dày đặc mà một cộng đoàn hôm nay cần phải tham dự vào. Hội dòng, cộng đoàn địa phương, các cộng đoàn vệ tinh,[16] Giáo xứ, những người khác tham gia vào công việc phục vụ, tất cả trở nên mạng lưới rộng lớn.[17] Chúng thông dự vào nhau và bổ túc cũng như thúc đẩy nhau thực hiện sứ vụ. Điều này cũng muốn nói lên tính chất vươn ra của cộng đoàn. Cộng đoàn vươn ra với những tầm vóc mới hơn trong công việc phục vụ, với những con người mới so với những người cùng sống trong cộng đoàn. Một sự phong phú đáng ngạc nhiên trong đời sống cộng đoàn. Mỗi tu sĩ cũng hãy góp phần vào những điều ngạc nhiên để đưa cộng đoàn đi xa hơn trong linh đạo của Tu hội.
Tình yêu nối kết các thành viên
Tự bản chất con người mang tính xã hội. Con người sống là phải có tương giao. Tương giao ấy được hiểu như là tình yêu đối với Chúa trong đời sống cầu nguyện thẳm sâu. Tương giao ấy còn được hiểu như là tình yêu đối với tha nhân, đặc biệt là những thành viên trong cộng đoàn tu trì. Nơi cộng đoàn ấy, các thành viên hoàn toàn xa lạ được mời gọi sống chung với nhau trong linh đạo của Tu hội. Chỉ có một lý giải duy nhất của hiện tượng này, chính là tình yêu. Tình yêu nối kết các thành viên lại với nhau.
Tình yêu đối với Chúa là nền tảng. Đó là tình yêu trước tiên phải hiểu là hồng ân từ Thiên Chúa chứ không phải từ bản thân người tu sĩ. Từ nền tảng ấy, người thánh hiến sẽ chia sẻ cho tất cả mọi người. Từ những thành viên trong cộng đoàn cho đến những người mà họ phục vụ. Tình yêu được thể hiện qua đời sống phục vụ rất phong phú và đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của người thánh hiến. Bởi vì, họ đang tiếp xúc với nhiều người từ nhiều cấp bậc xã hội. Từ những người trí thức đến những người ít học hơn, từ những người giàu có đến những người bên lề xã hội, từ người khỏe mạnh đến người đau ốm. Cần phải có thái độ nào đối với nhiều người như vậy? Đó là thách đố của người thánh hiến và đây cũng là điều mà chúng ta sẽ bàn luận trong phần sau đây.
5.   Chữ yêu qua tình yêu tha nhân: một đời sống mục vụ bền bỉ và sáng tạo
Trong ngàn năm mới, đời sống thánh hiến có tương lai không?
Chúng ta đang đứng tại khởi điểm của một kỷ nguyên mới, một ngàn năm mới. Đó là một thời kỳ phức tạp và bất ổn, nhưng cũng là thời kỳ hấp dẫn với những chuyển động về mặt văn hóa, biến đổi xã hội triệt để, cùng với những nền văn hóa và nhóm văn hóa mới, những biểu tượng và lối sống mới.[18] Tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật hôm nay rất nhanh. Nhất là trong truyền thông, mạng internet tốc độ và dữ liệu ngày càng tăng. Các loại thiết bị liên lạc di động đang làm cho con người hôm nay luôn háo hức chờ đợi những sản phẩm mới liên tục ra đời. Sự phát triển về y khoa, sinh học cũng không cần bàn cãi. Các nghành vật lý, hóa học, kỹ thuật máy móc, nghiên cứu không gian đã đi đến mức phát triển cao. Tất cả những điều đó dường như làm cho thế giới trở nên nhỏ bé hơn, trở nên gần gũi hơn.
Quá trình tục hóa xã hội báo trước tình trạng phi nhân ngày càng gia tăng. Doanh nhân và chiến lược quảng cáo hữu hiệu, cũng như phương tiện truyền thông đại chúng mà họ kiểm soát, là tác nhân của các mô hình văn hóa hiện nay, khi họ tận dụng những động lực thúc đẩy con người và thao túng lòng thèm khát cũng như nỗi thất vọng của con người.[19] Con người vô hình trung bị thao túng bởi những cảm giác mới mẻ trước những cái mới của xã hội. Nếu không khéo những nền văn hóa kiểu “mì ăn liền”, hay những hình thức phô trương bên ngoài làm cho người ta đi đến mức độ nhận thức giá trị cuộc sống cũng chỉ là hình thức bên ngoài và nhanh chóng.
Ngày nay, thực trạng đói khổ vẫn gia tăng mặc cho những phát triển vượt mực của khoa học. Một phần ba nhân loại trên toàn thế giới chiếm hữu 85% tài sản thế giới, một phần ba khác thì chiếm 10%, và một phần ba còn lại thì chia nhau 5%.[20]  Rõ ràng mức chênh lệch quá cao giữa những nước giàu và nước nghèo, giữa những người giàu và người nghèo. Đây là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh và bạo lực vẫn triền miên xảy ra trên toàn thế giới.
Đứng trước bối cảnh thế giới như thế, chúng ta tự hỏi: Đời sống thánh hiến còn đáng tin không? Đâu là viễn cảnh cho đời sống thánh hiến trong tương lai? Để trả lời cho những câu hỏi này, người sống thánh hiến cần phải thấm nhập tinh thần Tin Mừng. Tin Mừng vẫn còn đó, và bản chất đời thánh hiến là sống theo Tin Mừng nên sẽ không có sự diệt vong của đời sống thánh hiến. Giống như Giáo hội vẫn tồn tại cho đến ngày nay, dù gặp rất nhiều phong ba, thì đời sống thánh hiến là một phần của Giáo hội, nó cũng sẽ tồn tại theo Giáo hội. Nhưng, vấn đề là tồn tại như thế nào?
Những mô hình mới của đời sống thánh hiến
Xã hội thay đổi, Giáo hội thay đổi thì đời sống thánh hiến cũng phải đổi mới. Đổi mới không có nghĩa là dứt bỏ cái cũ, nhưng là trên nền tảng của linh đạo để đổi mới cho phù hợp với con người thời đại. Các lãnh vực về giáo dục, các dự án xã hội những người thánh hiến vẫn đang thực hiện cách chăm chỉ. Đôi khi họ làm cho biến dạng thành những dạng thức kinh doanh. Trong khi đó, nhiều Kitô hữu, hay các ngành chức năng xã hội làm giáo dục cũng như các dự án phát triển xã hội tốt hơn các người thánh hiến. Đã đến lúc quay lại với nền linh đạo ban đầu. Quay lại không phải là giữ nguyên cái cũ, mà là đọc các dấu chỉ thời đại để tiếp tục phát triển những hướng mục vụ mới.
Người thánh hiến có thể làm chứng, khi hoạt động trong bộ máy chính phủ hay trong các xí nghiệp công nghệ và thương mại. Do đó, đời sống thánh hiến không có mục đích xa lánh thế gian để theo đuổi kinh nghiệm về Thiên Chúa. Đúng hơn, đời sống thánh hiến liên quan đến một cách thức hiện diện mới mẻ trong một thế giới đang tìm kiếm một Thiên Chúa mà họ đã quên lãng và không quan tâm.[21] Các cách thức hiện diện mới mẻ của đời sống thánh hiến sẽ phải là một quá trình cụ thể hóa khi đọc các dấu chỉ thời đại. Dám quảng đại dấn thân, dám tước bỏ những bảo đảm là điều mà con người hôm nay đang cần nơi người thánh hiến. Một cách cụ thể, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét những đường hướng mục vụ của ngày hôm nay trong Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô.
Những đường hướng mục vụ trong Tông huấn Evangelii Gaudium[22]
Tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng được Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra như là một tài liệu quý giá cho những người làm công tác mục vụ. Với những vấn nạn xã hội được nêu ra cách cụ thể và những đề nghị thiết thực, Đức Phanxicô đã nói lên niềm vui khôn tả của người rao giảng Tin Mừng. Niềm vui được lấy cảm hứng từ Tin Mừng. Trong mục đích mục vụ, Đức Phanxicô nêu ra hai đề tài chính: sự hội nhập xã hội của người nghèo, hòa bình và đối thoại xã hội.
Việc hội nhập xã hội của người nghèo
Điều kiện trước tiên của việc hội nhập vào xã hội của người nghèo đó là đòi buộc chúng ta phải chân thành chú tâm lắng tiếng kêu gào của người nghèo và chạy đến giúp đỡ (số 187). Thiên Chúa đã luôn lắng nghe tiếng kêu của dân Do thái xưa, và chắc chắn Người vẫn luôn lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo khổ hôm nay. Nếu chúng ta giả điếc trước tiếng kêu này, khi phải là khí cụ của Thiên Chúa để lắng nghe người nghèo, thì chúng ta bước ra khỏi ý muốn của Thiên Chúa và dự định của Người (số 187). Chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Chính anh em hãy cho họ ăn”[23]. Đó luôn là lời mời gọi các môn đệ khi thi hành sứ vụ, nhất là khi đối diện với người nghèo.
Khi đối diện với tiếng kêu của người nghèo, người môn đệ phải mau mắn đáp lời vì đó là điều mà Tin Mừng yêu cầu. “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”[24], “Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do. Vì Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn ai thương xót, thì chẳng quan tâm đến việc xét xử”.[25] Những lời dạy của Tin Mừng luôn có giá trị và đòi buộc những người khác phải biết xót thương và chia sẻ trước nỗi đau của người nghèo, người bên lề xã hội.
Vì sao thương xót người nghèo? Vì người nghèo có một vị trí được chọn trong trái tim Thiên Chúa, đến độ chính “Người hóa thành nghèo” (2Cr 8,9). Tất cả con đường cứu độ của chúng ta đều được đánh dấu bằng những người nghèo. Tiếng xin vâng của thiếu nữ nghèo, Đấng Cứu Độ sinh ra trong một máng cỏ, lớn lên trong một gia đình phải lao động vất vả bằng đôi tay, hay khi đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã thành người nghèo. Do đó, chúng ta cần phải đánh giá người nghèo trong giá trị đặc biệt của họ, trong hiện sinh của họ, với văn hóa của họ, với cách sống đức tin của họ (số 199).
Đức Phanxicô khẳng định:
Tôi thật đau lòng mà nói rằng sự kỳ thị tồi tệ mà người nghèo phải gánh chịu, đó là thiếu sự quan tâm về mặt tinh thần. Đại đa số người nghèo luôn mở rộng cho niềm tin, họ cần đến Thiên Chúa và chúng ta không được chểnh mảng để đem đến cho họ tình thân của Người, lời chúc lành của Người, Lời Người, việc cử hành Bí tích và đề nghị một con đường phát triển và trưởng thành trong đức tin. Việc lựa chọn ưu tiên đối với người nghèo phải được diễn dịch cách chính yếu bằng một sự quan tâm mang tính tôn giáo, đặc quyền và tiên quyết.[26]
Lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô tuy là nói cho toàn thế giới, nhưng cũng thật đúng ở hoàn cảnh Việt Nam. Những người nghèo ở Việt Nam có phải là lựa chọn hàng đầu trong công tác mục vụ của hàng giáo sĩ và những người thánh hiến chưa? Câu trả lời vẫn còn đó cho tất cả những ai đang làm công tác mục vụ. Những người nghèo ở thôn quê nhiều nơi vẫn chưa có các linh mục, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc. Những người đang mắc chứng bệnh của thế kỷ vẫn chưa phải là quan tâm chung và trên hết của những người thánh hiến. Thiết nghĩ, tiếng kêu của người nghèo lúc nào cũng còn đó, vấn đề là các người thánh hiến có chịu đáp ứng? Câu trả lời dành cho tất cả những ai đang muốn dấn thân cho Thiên Chúa của người nghèo.
Kinh tế và phân phối lợi tức
Trong Tông huấn này, Đức Phanxicô kêu gọi các nhà chức trách giải quyết các nguyên nhân cơ cấu của sự nghèo đói. Điều đó không những chỉ vì một sự đòi hỏi thực tế để đạt được kết quả và lập lại trật tự cho xã hội, nhưng để chữa lành một bệnh tật làm cho xã hội suy yếu và bất xứng, và chỉ đưa đến những cuộc khủng hoảng khác.[27] Theo Đức Thánh Cha giải quyết nguyên nhân nghèo đói là giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội. Sự bất bình đẳng xã hội là nguồn gốc các điều xấu xã hội. Bởi đó, các chính trị gia giữa các quốc gia cần có khả năng đối thoại đích thực để có thể trị tận căn những nguyên nhân sâu xa các tệ nạn trên thế giới. Theo đó, việc phát triển công bằng đòi buộc nhiều hơn là việc phát triển kinh tế. Nó đòi hỏi những quyết định, những chương trình, các cơ chế và những dự án đặc biệt nhắm vào việc phân phối lợi tức tốt đẹp hơn, tạo công ăn việc làm, một sự phát triển trọn vẹn cho người nghèo vượt trên hệ thống hỗ trợ xã hội.[28]
Trong viễn cảnh đề nghị những đường hướng mục vụ, thiết nghĩ lời đề nghị của Đức Phanxicô nhằm giải quyết tận căn sự nghèo đói, và các điều xấu của xã hội đáng cho chúng ta lưu tâm. Với một thế giới được thu hẹp như hôm nay, những con người ở những quốc gia khác nhau cần phải có sự phân phối lợi tức đồng đều hơn, cần phải nâng cao nhân phẩm con người lên, nhất là những người nghèo ở các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Trước lời kêu gọi này, một sự tác động của các cấp lãnh đạo Giáo Hội toàn cầu cũng như địa phương đối với các nhà lãnh đạo quốc gia là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Chăm sóc kẻ yếu
Trong mục chăm sóc kẻ yếu, Đức Phanxicô đưa ra khá nhiều những đối tượng và phương hướng mục vụ trong thời gian hiện tại này. Rất rõ ràng, Đức Giêsu luôn mời gọi tất cả chúng ta ưu tiên chăm sóc những người yếu kém nhất. Những người này được tìm thấy trong những hình thức mới của sự nghèo đói và yếu kém: những người vô gia cư, những người nghiện ngập, những người di tản, các thổ dân, những người già lão luôn cô độc và bị bỏ rơi...[29] Đức Phanxicô quan tâm cách đặc biệt đối với những người di tản. Những người tỵ nạn phải chịu nhiều nỗi khốn khổ trong quốc gia họ đến xin định cư. Lời kêu gọi là các quốc gia nên quảng đại mở rộng cửa đón tiếp những người bất hạnh này và sẵn sàng tạo nên những tổ hợp văn hóa mới cho đất nước mình.
Những nạn nhân của những vụ buôn người, những phụ nữ đang chịu đau khổ vì bị đối xử tệ và bạo lực, chỉ vì họ không có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình cũng là đối tượng cho Giáo Hội quan tâm, chăm sóc. Các em không được sinh ra, các em không có một chút bảo vệ và hoàn toàn vô tội hơn tất cả mọi người, mà ngày nay người ta lại muốn phủ nhận nhân phẩm, để muốn làm gì thì làm, bằng cách tước đoạt sự sống của các em và đưa ra những luật lệ mà không ai được ngăn cản.[30] Giáo Hội vẫn không thay đổi lập trường về vấn đề phá thai. Thế nhưng vẫn không thể thú nhận rằng chúng ta đã thiếu sự đồng hành cần thiết đối với những phụ nữ đang gặp những hoàn cảnh thật khó khăn, mà việc phá thai xem như cách giải quyết nhanh chóng các âu lo sâu xa của họ, đặc biệt lúc sự sống đang lớn dần lên trong họ, và đó là hậu quả của một cuộc hiếp dâm hay trong một hoàn cảnh nghèo đói cùng cực.[31]
Còn một vấn đề không thể thiếu trong đường hướng mục vụ hôm nay, đó chính là bảo vệ môi trường sinh thái. Có một sự phá hủy liên tục của con người đối với môi trường đã gây nên biết bao thiên tai cho con người. Tông huấn lên tiếng: “Là con người, chúng ta không phải chỉ là những kẻ hưởng lợi, nhưng là những người chăm sóc các tạo vật khác. Nhờ có thân xác, chúng ta được Thiên Chúa kết nối cách chặt chẽ với thế giới vây quanh chúng ta, mà sự hoang hóa mặt đất bị xem như bệnh tật cho từng người chúng ta; chúng ta có thể than trách sự tuyệt chủng của một giống loài như đó là một sự cắt bỏ một phần thân xác chúng ta”.[32]
Những dòng trên đây của Tông huấn Evangelii Gaudium đã nói rõ cho chúng ta những lãnh vực cũng như những đòi hỏi của những ai đang làm công việc mục vụ. Những điều này rất gần với chúng ta, thậm chí là ngay sát cạnh chúng ta. Tất cả những đòi hỏi trên trở thành thách đố thường ngày cho những người thánh hiến. Tuy nhiên trong tầm nhìn của Đức Phanxicô, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Ngài nói đến công ích và ổn định xã hội, nhất là việc đối thoại để đóng góp cho hòa bình thế giới. 
Hòa bình và đối thoại xã hội
Tông huấn Evangelii Gaudium đưa ra bốn nguyên tắc để xây dựng một dân tộc trong hòa bình, công bằng và huynh đệ:[33]
1/ Thời gian quan trọng hơn không gian. Nguyên tắc này cho phép chúng ta làm việc lâu dài mà không bị ám ảnh bởi những thành công tức thời. Có những nhà chính trị đã đưa không gian quyền lực lên trên thời gian của tiến trình đã làm công việc kiến tạo hòa bình chịu ảnh hưởng không ít. Đối với việc truyền giáo, nguyên tắc này giúp cho nhà truyền giáo phải chấp nhận những tiến trình thích hợp và những con đường dài.
2/ Sự hiệp nhất có giá trị hơn là xung khắc. Vấn đề xung khắc luôn tồn tại, chỉ có cách giải quyết là đối mặt với chúng. Thế nhưng trong tiến trình đó chúng ta cần tuân thủ một nguyên tắc: sự hiệp nhất có giá trị hơn là xung khắc. Trong công tác mục vụ, nguyên tắc này giúp ích rất nhiều cho việc tìm kiếm sự bình an trong sự kết nối của con người với nhau.
3/ Thực tế quan trọng hơn là tư tưởng. Thực tế là điều hiện hữu, tư tưởng phải tự xây đắp cho mình. Trong việc kiến tạo hòa bình, chúng ta cần những chứng minh thực tế hơn là những tư tưởng, những lời nói suông. Tiêu chuẩn này liên kết với việc nhập thể của Lời và đưa Lời ra thực hành. Hồng ân cứu độ của Thiên Chúa được cụ thể qua Ngôi Lời đã nhập thể. Mặt khác, tiêu chuẩn này thúc đẩy đưa Lời ra thực hành, thực hiện các công trình công bằng và bác ái.
4/ Tổng thể đứng trên từng phần. Nguyên tắc này nhắc nhở chúng ta đừng để các vấn nạn hẹp hòi và đặc thù ám ảnh. Phải luôn khơi rộng tầm nhìn để nhận ra điều thiện hảo lớn lao hơn mà mọi người có thể thụ hưởng. Đối với người Kitô hữu, nguyên tắc này cũng nói lên tính tổng thể hay tính trọn vẹn của Tin Mừng mà Giáo Hội truyền đạt cho chúng ta và sai chúng ta đi rao giảng.
Bốn nguyên tắc để đưa đến hòa bình, đồng thời giúp ích cho công việc truyền giáo của Giáo Hội đã mở ra cho chúng ta những tầm nhìn mới trong tính chất toàn cầu hóa của thế giới hiện đại. Một vấn đề cần bàn luận trong sự đóng góp vào hòa bình là sự đối thoại. Để chu toàn việc phục vụ, để phát triển trọn vẹn con người và tạo nên công ích, Giáo Hội cần đối thoại với các quốc gia, với xã hội và với các tín hữu khác chưa thuộc về Giáo Hội Công giáo.
Giáo Hội công bố “Tin mừng bình an” (Ep 6,15) và mở rộng sự cộng tác với tất cả các thẩm quyền quốc gia và quốc tế để chăm sóc điều thiện hảo phổ quát lớn lao. Đối thoại với Nhà Nước và với xã hội, Giáo Hội không đưa ra những cách giải quyết cho tất cả các vấn đề. Nhưng, cùng với các sức lực xã hội khác, Giáo Hội cùng với sức mạnh của nhiều cộng đoàn, tiếp sức cho các đề nghị có giải đáp tốt đẹp cho nhân phẩm và công ích. Khi thực hành như thế, Giáo Hội luôn đề nghị rõ ràng những giá trị căn bản cho hiện sinh con người, để truyền đạt các xác tín, tiếp đó có thể diễn dịch ra bằng các hoạt động chính trị.[34]
Bên cạnh đó cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin cũng là một phần của hoạt động truyền giáo để phục vụ cho hòa bình. Phúc âm hóa chú ý đến những tiến bộ khóa học để soi sáng chúng bằng ánh sáng đức tin và luật tự nhiên, theo cách chúng luôn tôn trọng trung tâm và giá trị tối cao của con người trong mọi giai đoạn của cuộc sống hiện sinh.[35]
Trong các cuộc đối thoại khác, đối thoại đại kết là một cố gắng đem lại sự hiệp nhất giữa gia đình nhân loại. Đối thoại với Do thái giáo là cuộc đối thoại và tình bạn với con cái Israel tạo thành một phần đời sống của người môn đệ của Đức Giêsu. Đối thoại liên tôn là một điều kiện cần thiết cho hòa bình thế giới, và do đó là một trách nhiệm cho các Kitô hữu, cũng như đối với các cộng đoàn tôn giáo khác. Nhất là để đối thoại với Hồi Giáo, người trao đổi cần phải được huấn luyện tương xứng, không những họ phải thân thiện và kiên vững với căn tính riêng của mình, nhưng phải có khả năng nhận ra những giá trị của kẻ khác, hiểu được những ưu tư nằm sâu trong các đòi hỏi, và nêu lên rõ ràng các xác tín chung.[36]
Những đường hướng mục vụ mà Đức Phanxicô nêu ra cho toàn thế giới là những ưu tư mục vụ rất thực tế, cụ thể cùng với tầm mức phổ quát của Giáo Hội. Điều này đòi hỏi nơi người thánh hiến một tình yêu tha nhân to lớn đồng thời kết hợp với một đời sống mục vụ bền bĩ và sáng tạo. Tình yêu tha nhân được cụ thể qua những đường hướng mục vụ cụ thể. Tuy nhiên, không phải lúc nào người thánh hiến cũng gặp thuận lợi khi trao ban tình yêu ấy cho tha nhân. Có nhiều khi tình yêu không được chấp nhận, có nhiều khi tình yêu không phù hợp với người đón nhận. Đó là không kể đến những lý do khó khăn từ khách quan, từ chính quyền địa phương cho đến dân chúng, hay từ những cuộc bất đồng của những người đón nhận, thậm chí cả những người thánh hiến. Do đó, người thánh hiến tận tâm trong công việc phục vụ cần phải có sự bền bĩ. Bền bĩ về thể lực, về sự kiên định, về sự nhẫn nại...đối với những người nghèo đang cần đến chúng ta. Song song với sự bền bĩ đó là sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Người thánh hiến cần có sự sáng tạo trong công việc mục vụ nhằm tạo nên sự phong phú và hứng khởi cho bản thân. Và quan trọng hơn là nhằm đáp ứng nhu cầu của người nghèo, những con người không chỉ nghèo về vật chất mà còn là tinh thần. Tình yêu đối với tha nhân không chỉ là tình yêu phổ quát mà còn cụ thể đối với từng cá nhân mà người thánh hiến đang phục vụ. Như thế phải có một sự liên kết nào đó giữa những con người với nhau. Vẫn là tình yêu nối kết nhân loại.
Tình yêu nối kết nhân loại
Xã hội hôm nay với những mạng nối kết dày đặt không chỉ trong lãnh vực truyền thông mà còn trong rất nhiều lãnh vực khác của xã hội. Thế giới đã thu nhỏ lại nhưng đồng thời cùng lúc con người lại xa nhau. Cuộc sống với những thông tin nhanh chóng, và thế giới ảo liên tục phát triển đang làm cho con người sống xa nhau. Các bạn trẻ khi làm việc, ăn cơm, thậm chí đi chơi với nhau vẫn không thể xa rời chiếc điện thoại di động. Đó là hình ảnh trở thành quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta.
Trước thực trạng đó, người thánh hiến dấn thân cho con người hôm nay, phải trở thành tình yêu. Vì chỉ có tình yêu mới có thể kết nối được con người gần lại với nhau. Gần cách cụ thể của không gian thân mật, chứ không phải là gần theo nghĩa không gian ảo. Những ưu tư của Giáo Hội về các công tác mục vụ đã trở nên kim chỉ nam cho người thánh hiến dấn thân. Khi họ nối kết những người giàu với những người nghèo, với những người đau khổ đang bị bỏ rơi, người thánh hiến trở thành tình yêu, tình yêu phổ quát cho tất cả mọi người. Tình yêu ấy chính thật là tình yêu Chúa Kitô đã đòi hỏi.
Tính phổ quát của tình yêu không chỉ được thể hiện khi yêu thương, giúp đỡ tất cả những người nghèo, bệnh tật mà còn muốn tìm đến căn nguyên của sự nghèo đói, của những bất công xã hội. Đồng thời phẩm giá con người luôn luôn được bảo vệ và giữ gìn. Những thách đố trong những cách gây ảnh hưởng trên các quốc gia vì lợi ích người nghèo, vì sự sống của con người vẫn được Giáo Hội thực hiện cách đều đặn. Đối với cá nhân từng người thánh hiến, đấu tranh cho công bằng xã hội, cho người nghèo hay là những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với những người bị bỏ rơi là những biểu hiện tình yêu thiết thực cần được vun đắp và cỗ võ.
KẾT LUẬN
Chúng ta đã cùng nhau trải qua một số cung bậc của tình yêu. Tình yêu ấy như một bài hát ngân mãi không thôi trong lịch sử của tạo dựng, trong cuộc đời mỗi người. Trong cõi mênh mang của đất trời, tình yêu của Thiên Chúa đã hiện diện, đã kết tinh nên các thụ tạo, nên con người là hình ảnh tình yêu của Người.
Đối với những người sống đời thánh hiến, họ có cách thức đặc biệt để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Họ sẵn sàng dâng hiến con người của họ cho Đấng là Người Tình Duy Nhất của họ. Không dừng lại ở đó, họ còn thể hiện tình yêu ấy bằng những hành động cụ thể. Đối với Thiên Chúa, họ có một sự giáp mặt liên tục trong đời sống cầu nguyện thẳm sâu, trong lối sống trung thành với ba lời khuyên Phúc Âm. Đối với anh chị em sống chung trong cộng đoàn, họ thể hiện tình yêu không ngừng nghỉ. Điều đó có nghĩa là tha thứ liên tục, chịu đựng liên tục của những người sống với nhau trong gia đình cộng đoàn. Đối với tha nhân, họ thể hiện một tình yêu bền bỉ và đầy sáng kiến trong những cách thức luôn mới mẻ trong các công tác mục vụ. Họ cảm niếm được tình yêu, niềm vui của đời thánh hiến để rồi có thể vượt qua được những khó khăn thử thách trong đời sống, trong công việc mục vụ, và trao ban niềm vui cho tha nhân.



[1]Felix Podimattam, OFM Cap. Canh Tân Đời Sống Thánh Hiến, tr. 213.
[2] Felix Podimattam, OFM Cap. Canh Tân Đời Sống Thánh Hiến, tr. 217.
[3] Sđd., tr. 217-218.
[4] Xc. José Crisiorey và Garcia Paredes, cmf. Đời Tu và Các Lời Khuyên Phúc Âm, dịch: Giuse Đỗ Ngọc Bảo OP (2007), tr. 61-62.
[5] Pl 2,8.
[6] Rm 5,19.
[7] José Crisiorey và Garcia Paredes, cmf. Đời Tu và Các Lời Khuyên Phúc Âm, tr. 68.
[8] Felix Podimattam, OFM Cap. Canh Tân Đời Sống Thánh Hiến, tr. 207.
[9] Pl 1,6-8.
[10] 2Cr 8,9.
[11] Xc. Felix Podimattam, OFM Cap. Canh Tân Đời Sống Thánh Hiến, tr. 210-212.
[12] Ga 13, 34-35.
[13] Xc. 1Cr 13,1-3.
[14] L.Patrick Carroll, SJ. Tình Yêu, Chia Sẻ, Phục Vụ: Những Thách Đố Cho Một Tu Sĩ, tr. 99.
[15] Catherine M.Harmer. Đời Tu Trong Thế Kỷ 21, dịch: Giuse Đỗ Ngọc Bảo OP (Signum Fidei Tu Thư, 2005), tr. 85.

[16] Cộng đoàn vệ tinh được hiểu là những cộng đoàn nhỏ, trên các vùng truyền giáo, thuộc vào một cộng đoàn khác lớn hơn.
[17] Catherine M.Harmer. Đời Tu Trong Thế Kỷ 21, tr. 91.
[18] Felix Podimattam, OFM Cap. Canh Tân Đời Sống Thánh Hiến, tr. 270.
 [19] Sđd., tr. 271.
[20] Sđd., tr. 272.
[21] Felix Podimattam, OFM Cap. Canh Tân Đời Sống Thánh Hiến, tr. 282.
[22] Đức Phanxicô. Evangelii Gaudium, chương IV, số 176-288.
[23] Mc 6,37.
[24] Mt 5,7.
[25] Gc 2, 12-13.
[26] Đức Phanxicô. Evangelii Gaudium, số 200.
[27] Đức Phanxicô. Evangelii Gaudium, số 202.
[28] Xc. Ibid., số 204- 205.
[29] Evangelii Gaudium, số 209.
[30] Evangelii Gaudium, số 212-213.
[31] Ibid., số 214.
[32] Ibid., số 215..
[33] Xc. Evangelii Gaudium, số 220-237.
[34] Evangelii Gaudium, số 239, 241.
[35]Ibid., số 242.
[36] Xc. Ibid., số 244-254.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn