Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Khai Mạc & Bế Mạc Công Nghị Giám Mục Toàn Thể Ngoại Thường 2014 - về Gia Đình

Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
Trong Thánh Lễ Khai Mạc & Bế Mạc
Công Nghị Giám Mục Toàn Thể
Ngoại Thường 2014 - về Gia Đình

1. Thánh Lễ Khai Mạc
Hôm nay, cả hai bài đọc Ngôn Sứ I-sa-i-a và Tin Mừng đều dùng hình ảnh vườn nho của Đức Chúa. Vườn nho của Đức Chúa là “giấc mơ”của Người, là kế sách Người vẫn hết lòng yêu thương ấp ủ, tựa một nông gia chăm sóc vườn nho của mình. Nho là loài cây trồng rất cần được chăm bón cẩn thận!
“Giấc mơ” của Thiên Chúa chính là đoàn dân của Người. Người vun trồng và nuôi dưỡng dân tộc ấy với một tình thương kiên nhẫn và thủy chung, để họ trở thành một dân thánh thiện, một dân sinh sản hoa trái công lý thật dồi dào phong phú.  
Tuy nhiên, trong cả lời ngôn sứ thời xa xưa, lẫn trong dụ ngôn của Chúa Giê-su, ước mơ của Thiên Chúa đều đã không thành.      
Ngôn Sứ I-sa-i-a thì nói cây nho Thiên Chúa hết lòng yêu thương, nuôi trồng rốt cục chỉ trổ sinh trái dại.[1]  Thiên Chúa kỳ vọng sẽ có công lý, song chỉ thấy cảnh đổ máu; mong đức chính trực, mà toàn nghe tiếng kêu than ai oán.[2] 
Trong bài Tin Mừng, chính đám tá điền đã làm cho kế hoạch Thiên Chúa bị phá sản. Họ chẳng được tích sự gì, ngoài việc vun quén cho tư lợi của họ.     
Trong bài dụ ngôn, Chúa Giê-su ngỏ lời với các vị trưởng tế và kỳ mục của dân, nghĩa là với các “chuyên gia”, các nhà quản trị. Thiên Chúa đã hết sức ân cần ủy thác cho họ “giấc mơ” của Người, tức là đoàn dân của Người, để họ nuôi dưỡng, chăm lo, và bảo vệ khỏi nanh vuốt của thú dữ ngoài đồng. Đây chính là nghề của người lãnh đạo: chăm sóc vườn nho trong tinh thần tự do, óc sáng tạo, và chuyên cần làm việc.
Nhưng Chúa Giê-su cho chúng ta biết là đám tá điền đã  chiếm dụng vườn nho. Vì lòng tham và tính kiêu ngạo, họ muốn tự tung tự tác theo ý riêng, và rốt cuộc, họ cản trở không cho Thiên Chúa thực hiện “giấc mơ” dành cho đoàn dân Người đã tuyển chọn.
Cơn cám dỗ của lòng tham lúc nào cũng còn đó.  Chúng ta cũng gặp thấy nó trong lời tiên báo hùng hồn của Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en về các chủ chăn.[3] Thánh Au-gu-ti-nô bình luận điều nầy ở một bài giảng lừng danh chúng ta vừa đọc trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Tham lam tiền bạc và quyền lực. Để thỏa mãn lòng tham ấy, các chủ chăn gian tà áp đặt lên đầu lên cổ người khác những gánh nặng không sao mang nổi, trong khi chính bản thân họ lại chẳng buồn đưa một ngón tay chạm thử.[4]    
Trong Công Nghị Giám Mục, chúng ta cũng được mời vào làm việc cho vườn nho của Đức Chúa. Các phiên họp của Công Nghị không phải để bàn thảo những ý tưởng đẹp đẽ, thông thái, hoặc để xem ai là người minh mẫn hơn… nhưng là để vun trồng và chăm bón vườn nho của Chúa cho tốt hơn, để giúp thực hiện giấc mơ của Người, thực hiện kế họach yêu thương dành cho dân của Người.  Trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay, Chúa đang yêu cầu chúng ta phải chăm sóc gia đình, vì gia đình từ thủa tạo thiên lập địa vốn là một thành tố toàn vẹn của kế hoạch yêu thương Người dành cho nhân loại.
Tất cả chúng ta đều là tội nhân và có thể bị cám dỗ chiếm đoạt vườn nho do lòng tham lúc nào cũng sôi sục trong con người phàm tục chúng ta. Giấc mơ của Thiên Chúa luôn đụng độ với thói giả hình nơi một số tôi tớ của Người. Chúng ta có thể làm Thiên Chúa vỡ mộng nếu chúng ta không biết đặt mình dưới ơn hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một ơn khôn ngoan vượt trội mọi tri thức, và giúp chúng ta làm việc một cách quảng đại với tinh thần tự do chân chính và tính sáng tạo khiêm nhu.    
Thưa quý nghị huynh Công Nghị,
Để chu toàn công tác vun trồng và chăm sóc vườn nho Chúa, lòng trí chúng ta phải được gìn giữ trong Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ “bình an của Thiên Chúa, bình an vượt quá mọi hiểu biết”.[5] Làm được như vậy, suy tư và kế sách của chúng ta sẽ phù hợp với giấc mơ của Thiên Chúa: đó là hình thành một dân thánh thiện, dân riêng của Chúa, một dân sẽ trổ sinh hoa trái Nước Trời.[6]
2. Thánh Lễ Bế Mạc
Chúng ta vừa được nghe một câu nói lừng danh nhứt trong toàn bộ Tin Mừng: “Của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa.”[7]
Bị nhóm Biệt Phái gài vào một thế cờ hiểm để thử nghiệm quan điểm tôn giáo của Người và để bắt bẻ sai lầm Người mắc phải, Chúa Giê-su hóa giải âm mưu của họ bằng lời tuyên bố vừa ngộ nghĩnh vừa thông minh ấy.
Đây là một phương châm gây sửng sốt Chúa di tặng cho những ai mắc phải chứng lương tâm bối rối, đăc biệt khi họ bị tiện nghi, của cải, danh vọng, quyền hành và danh tiếng khống chế.  Thời nào cũng xảy ra như vậy. Ở đâu cũng có chuyện như thế.   
Tất nhiên Chúa Giê-su dồn hết trọng lượng vào vế thứ hai: “Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa.” Đây là lời kêu gọi nhìn nhận và tuyên xưng - trước mặt bất kỳ lọai quyền lực nào - rằng chỉ mình Thiên Chúa là Chúa của loài người, chứ không còn một ai khác. Đây là một điều luôn luôn mới lạ cần phải khám phá mỗi ngày, và điều nầy đòi buộc chúng ta phải làm chủ được nỗi sợ hãi của mình, nỗi sợ hãi chúng ta cảm vẫn thấy, khi bị Thiên Chúa làm cho chưng hửng.
Thiên Chúa không sợ hãi những điều mới lạ! Chính vì vậy Người luôn làm chúng ta ngạc nhiên, mở cửa lòng chúng ta, và dẫn chúng ta qua những nẻo đường bất ngờ.  Người đổi mới chúng ta: Người luôn luôn biến chúng ta thành “mới.” Ki-tô hữu nào sống Tin Mừng thì trở thành “thụ tạo mới của Thiên Chúa” trong Hội Thánh và trong thế giới. Thiên Chúa thương yêu tác phẩm mới này biết chừng nào!
“Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” có nghĩa là ngoan ngoãn trước Thánh Ý Thiên Chúa, cống hiến đời ta cho Người, làm việc cho vương quốc xót thương, yêu mến và bình an của Người.
Đây là nơi chúng ta tìm được sức mạnh; đây là men giúp cho nghị lực tăng triển, là muối thêm hương vị cho tất cả mọi nỗ lực chống lại thế thượng phong của chủ nghĩa bi quan đang được thế gian đề xuất với chúng ta.  
Đây cũng là nơi chúng ta tìm thấy hy vọng, vì khi chúng ta đặt hy vọng vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ không trốn chạy thực tế, và cũng chẳng tìm cho được bằng chứng vắng mặt:[8] ngược lại, chúng ta sẽ cố sức hoàn trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về thẩm quyền của Người. Chính vì vậy mà Ki-tô hữu chúng ta hướng nhìn về tương lai, tương lai của Thiên Chúa. Phải hành xử như vậy chúng ta mới có thể sống trọn vẹn cuộc sống này - với đôi chân đứng vững trên mặt đất - và đáp ứng một cách dũng cảm trước bất kỳ thách đố mới lạ nào.
Trong những ngày này, khi diễn ra Công Nghị Giám Mục Ngoại Thường, chúng ta đã nhận ra ý nghĩa chân chính của Công Nghị. “Synod” (Công Nghị) nghĩa là “cùng nhau hành trình.”  Mà quả thật, chủ chăn và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về Rô-ma, mang theo tiếng nói của các Hội Thánh địa phương, để giúp các gia đình bước đi theo đường hướng Tin Mừng, với ánh mắt chăm chú nhìn vào Chúa Giê-su.  Đây thực là một kinh nghiệm vĩ đại, vì chúng ta được sống tinh thần công nghị và tính chất cộng đoàn,[9] và cảm nhận được quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng hướng dẫn và canh tân Hội Thánh. Bởi lẽ Hội Thánh được yêu cầu không để lãng phí thời gian trong nỗ lực hàn gắn những vết thương đang lở loét, và khơi lại ngọn lửa hy vọng nơi bao nhiêu con người đang sống trong tuyệt vọng.   
Vì ơn phước của Công Nghị này và vì tinh thần xây dựng được mọi người biểu lộ, chúng ta cùng hiệp nhứt với Thánh Tông Đồ Phao-lô để “luôn cảm tạ Thiên Chúa thay cho tất cả anh chị em, và không ngừng nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện của chúng tôi.”[10] Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Đấng trong suốt những ngày tất bật nầy vẫn hằng phù giúp chúng ta làm việc thật quảng đại, với tinh thần tự do chân chính và tính sáng tạo khiêm nhu, tiếp tục hướng dẫn cuộc hành trình, thông qua các Hội Thánh trên toàn thế giới, đang đưa chúng ta tiến đến Công Nghị Giám Mục Thông Thường vào tháng 10 năm 2015. Chúng ta đã gieo hạt, và chúng ta tiếp tục gieo, một cách nhẫn nại và kiên trì, xác tín rằng chính Đức Chúa sẽ ban cho những gì chúng ta gieo được mọc lên.[11]       
Hôm nay là ngày tuyên chân phước cho Đức Thánh Cha Phao-lô VI.  Tôi nhớ tới lời Người phát biểu khi thành lập Công Nghị Giám Mục: “nhờ cẩn trọng điều nghiên các thời điềm, chúng ta tận lực áp dụng các đường hướng và phương pháp… trước các nhu cầu càng ngày càng tăng của thời đại chúng ta, và những hoàn cảnh đang thay đổi của xã hội.”[12]
Khi chúng ta chiêm ngưỡng vị Giáo Hoàng vĩ đại, người Ki-tô hữu dũng cảm, người tông đồ không bao giờ biết mệt mỏi, như Đức Phao-lô VI, chúng ta không thể không thưa một lời trước Tôn Nhan Thiên Chúa, một lời hết sức đơn thành mà chân thật và có ý nghĩa: “Xin tạ ơn!”  Xin tạ ơn, thưa Đức Thánh Cha Phao-lô VI quý mến và yêu kính! Xin tạ ơn chứng từ khiêm tốn và có tính ngôn sứ của Cha vì yêu Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Người!  
Trong nhựt ký riêng của Người, Vị Tài Công vĩ đại của Công Đồng viết vào lúc kết thúc phiên họp cuối: “Có lẽ Đức Chúa đã gọi tôi và dành riêng tôi cho việc phục vụ này, không phải vì tôi đặc biệt xứng đáng, hay vì tôi có khả năng lãnh đạo và giải cứu Hội Thánh thoát mọi hoàn cảnh nhiêu khê hiện tại, nhưng là để tôi chịu một chút đau khổ vì Hội Thánh, nhờ đó, chứng tỏ cho mọi người thấy rõ chính Người, chứ không phải ai khác, là Thủ Lãnh và Cứu Chúa của Hội Thánh.”[13] Trong đức khiêm nhu này, nét vĩ đại của Chân Phước Phao-lô VI bừng sáng huy hoàng: đối diện trước bước tiến của một xã hội tục hóa và thù nghịch, Người vẫn bình thản, với tầm viễn kiến và đức khôn ngoan - và đôi khi đơn độc - chèo chống con thuyền Thánh Phê-rô, dù vậy chẳng bao giờ Người đánh mất niềm vui và lòng tín thác vào Chúa.
Đức Phao-lô VI đã thực sự “trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” khi cống hiến trọn vẹn đời mình cho “nhiệm vụ thánh thiêng, cao quý, và hệ trọng nầy là tiếp nối trong lịch sử và triển khai trên mặt đất sứ vụ của Chúa Ki-tô.”[14] Yêu thương và lãnh đạo Hội Thánh, để Hội Thánh trở thành “bà mẹ từ ái của toàn thể gia đình nhân loại, đồng thời cũng là tác viên phục vụ ơn cứu độ con người.
Chuyển ngữ:  P.X. Nguyễn Văn Nhứt, OP.


[1] Xc Is 5:2.4
[2] Xc Is 5:7.
[3] Xc Êd 34.
[4] Xc Mt 23:4.
[5] Xc Pl 4:7.
[6] Xc Mt 21:43.
[7] Xc Mt  22:21.
[8] Từ La Tinh “alibi” dùng trong luật pháp có nghĩa là bằng chứng nghi can vắng mât trong khi xảy ra tội phạm.
[9] “Synodality” và “collegiality” là 2 đặc tính của toàn thể các giám mục của Hội Thánh, hiệp thông với đức thánh cha, giám mục Rô-ma.
[10] 1 Tx 1:2.
[11] Xc 1 Cr 3:6.
[12] Tông Thư “Apostolica Sollicitudo” (Mối Quan Tâm Của Tông Tòa).
[13] P. Macchi, Đức Phao-lô VI Qua Chính Lời Phát Biểu Của Người, Brescia, 2001, trang 120-121.
[14] Bài giảng trong Nghi Thức Đăng Quang, 1963.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn